Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Khi Tài Xế Xe Buýt Điều Hành Quốc Gia

(- Tổng Thống Nicolas Maduro là một tài xế xe buýt chuyên nghiệp trong 20 năm trước khi được Hugo Chavez chọn làm người kế vịvào 2013
Venezuela là một quốc gia giàu có ở châu Mỹ La Tinh trước khi cặp bài trùng Chavez- Madura nắm quyền để áp đặt XHCN
Đa số dân Venezuela, giầu và nghèo, đang nằm trong Top Ten của chỉ số khốn khổ trên thế giới
Đầu năm 2015, Maduro qua Trung Quốc vay 5 tỷ USD để mong cứu vãn kinh tế. Trung Quốc đồng ý, nhưng đến nay, vẫn chưa giải ngân.Venezuela đã vay Trung Quốc 51 tỷ USD từ 2007 và vẫn nợ 22 tỷ.
Xin Ơn Trên phù hộ cho dân Venezuela, nơi được công nhận là một trong những quốc gia có những thiếu nữ đẹp nhất thế giới.
Lời bình của GNA)
XHCN xếp hàng mua giấy toilet
XHCN xếp hàng mua giấy toilet
Venezuela “sai 1 ly, đi vạn dặm”
Theo Thành Đông – Trí thức trẻ/Bloomberg – 29 Sep 2015
Dựa vào mức thay đổi tỷ giá trên thị trường chợ đen, nhà kinh tế Steve Hanke cho rằng chi phí của sinh hoạt của Venezuela đang tăng với tốc độ chóng mặt 722% mỗi năm. Hiện tại nền kinh tế Venezuela đang chấp chới trước bờ vực siêu lạm phát. Với số lượng ít ỏi các số liệu chính thức không đáng tin cậy được công bố lần cuối vào tháng 2 đầu năm nay, khá khó để có thể đánh giá đúng tình trạng của Venezuela lúc này.
Cơ sở tốt này để suy đoán là dựa vào diễn biến của đồng nội tệ Bolivar tại Cucuta ­ một ngôi làng biên giới của Colombia. Đây là nơi người Colombia dùng nội tệ của mình (Peso) đổi lấy đồng Bolivar của Venezuela để có thể mua nhiên liệu được trợ cấp cũng như các hàng hóa giá rẻ khác (do được trợ cấp) từ Venezuela, sau đó buôn lậu qua biên giới để tuồn hàng vào lại Colombia.
Tại đây, các giao dịch giữa 2 đồng tiền Peso và Bolivar sẽ được tính gián tiếp thông qua giá trị của đồng USD. Tuy mức tỷ giá tại đây thay đổi thất thường nhưng chúng lại cung cấp cái nhìn chân thực hơn so với mức tỷ giá chính thức được niêm yết của Venezuela.
Dựa vào mức thay đổi tỷ giá trên thị trường chợ đen này, nhà kinh tế Steve Hanke cho rằng chi phí của sinh hoạt của Venezuela đang tăng với tốc độ chóng mặt 722% mỗi năm.
Ráo riết in tiền
Mặc dù chưa chạm tới ngưỡng siêu lạm phát kỷ lục thời hậu chiến tranh thế giới thứ II tại Hungary năm 1946 (tháng 7/1946, lạm phát hàng tháng tại Hungary là 4,19 x 10^16% và hàng ngày là 207%), siêu lạm phát ở Venezuela gây tổn thất nặng nề cho người gửi tiết kiệm, cũng như những người nghỉ hưu có thu nhập là các khoản lương hưu cố định. Đồng thời nền kinh tế Venezuela cũng chịu nhiều ảnh hưởng tồi tệ.
Liệu có phải chính phủ Venezuela đang in quá nhiều tiền nên lạm phát mới tăng cao như vậy? Nhà kinh tế Milton Friedman từng nói “Lạm phát kéo dài liên tục và ở khắp mọi nơi là một hiện tượng liên quan tới cung tiền tệ. Khi có quá nhiều tiền trong lưu thông, đi kèm với tình trạng hàng hóa quá ít sẽ khiến giá cả tăng lên. Nguyên nhân của việc có quá nhiều tiền trong nền kinh tế là do chính phủ đang in và phát hành thêm tiền”.
Nhưng tại sao Chính phủ Venezuela phải in thêm nhiều tiền? Câu trả lời là Seigniorage, hay còn gọi là thuế lạm phát. Đây là từ dùng để chỉ khoản lợi nhuận mà một chính phủ có được khi in tiền giấy và đúc tiền xu. Lợi nhuận này có được do chi phí phát hành tiền của NHTW gần như bằng 0 trong khi các ngân hàng thương mại phải trả một mức lãi suất nhất định để tiếp cận cung tiền mới.
Nhìn chung khoản lợi nhuận này không đáng kể. Tuy nhiên, một phân tích của Fed năm 1992 cho thấy thuế lạm phát đóng góp khoảng 1,6% chi phí thực của ngân sách liên bang. Mỹ được hưởng khoản lợi nhuận lớn bất thường do cầu USD là rất lớn.
Các chính phủ có thể cố gắng gia khoản thu được từ “thuế lạm phát” bằng cách bơm tiền không công khai vào nền kinh tế. Về cơ bản, chính phủ lợi dụng sự bất cân đối trong việc nắm bắt thông tin giữa họ và người dân: Chính phủ biết chính xác có bao nhiêu tiền trong nền kinh tế, còn người dân thì không. Vì vậy, người dân có thể sẽ không biết rằng tiền trong lưu thông đang tăng lên, do đó làm phát sẽ chưa được hình thành ngay lập tức.
Nhưng đây là một cách kiếm tiền đầy rủi ro, đó là lý do tại sao các chính phủ thường không dùng đến thủ thuật này như một biện pháp thường xuyên để tăng chi tiêu cho chính phủ. Kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế đó sẽ tăng nhanh chóng, và sau đó chính phủ lại phải in thêm tiền để chạy theo đáp ứng nhu cầu tiền mặt của thị trường khi mà giá cả, mọi chi phí đều tăng cao.
Điều này không quá phức tạp và khó hiểu và chắc chắn nhiều nhà phân tích chính sách tỉnh táo trong chính phủ Venezuela cũng biết. Nhưng tại sao Venezuela lại lâm vào con đường này?
Một phần của câu trả lời là trong những ngày đầu, lạm phát giúp cho chính phủ kiếm được thêm một ít tiền, và thời điểm mà chính phủ Venezuela bắt đầu bị mất dần nguồn thu này cũng là thời điểm con tàu lạm phát đang lao đi với vận tốc chết người khi có vật cản phía trước. Và chỉ còn 2 sự lựa chọn là dừng lại ngay lập tức và giết chết tất cả mọi người do tàu chệch bánh hoặc là lao thẳng vào vật cản phía trước. 2 kết cục như nhau, chỉ khác ở thời điểm.
Lối thoát nào cho Venezuela?
Lạm phát phi mã có thể đặt dấu chấm hết của tư tưởng phát triển của Cố tổng thống Hugo Chavez. Trong khoảng một thập kỷ, ông đã chuyển hướng các quỹ đầu tư cần thiết vốn được dùng để duy trì sản lượng dầu mỏ của Venezuela sang chi tiêu cho phúc lợi xã hội. Mặc dù công bằng mà nói chính sách này đã giúp cải thiện cuộc sống của một nhóm người cực nghèo nhưng xét về tổng thể thì đây là một sự phân bổ lãng phí và không hiệu quả về mặt kinh tế, phát triển trong dài hạn.
Tuy nhiên điều đáng nói là số tiền này chủ yếu đến từ dầu thô. Chi phí khai thác và chiết xuất dầu của Venezuela ở mức khá cao, do đó cần nhiều đầu tư để giữ mức sản lượng dầu đầu ra ổn định. Miễn là giá dầu cao thì chính sách này sẽ không quá tốn kém bởi vì sản lượng gia tăng sẽ bù đắp tổn thất trong sản xuất.
Từ năm 1996 đến 2001, Venezuela đã sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu 1 ngày. Còn hiện nay sản lượng đang là 2,7 triệu thùng 1 ngày. Thực tế thì, giá của một thùng dầu hiện nay rõ ràng cao hơn giá vào thời điểm tháng 8/2000, nhưng Venezuela lại sản xuất ít hơn khoảng 700 nghìn thùng/ngày so với thời điểm đó.
Các chính sách của chính phủ trông có vẻ rất hoàn hảo khi nền kinh tế trên đà đi lên, vừa tạo thêm thu nhập từ dầu mỏ vừa tăng phúc lợi xã hội. Tuy nhiên tình hình cực kỳ tệ hại khi giá dầu lao dốc cộng với việc sản lượng khai thác dầu cũng giảm.
Điều này đã được nhiều chuyên gia dự đoán ngay khi giá dầu lao dốc hoặc trước đó. Nhưng chính phủ Venezuela hoặc là đã không lắng nghe những dự đoán hoặc là không tin vào những dự đoán này. Hiện nay giá dầu giảm mạnh đang nghiền nát nguồn thu chính của Venezuela đúng lúc nước này cần nhiều tiền nhất. Ban đầu, in tiền có vẻ là một lựa chọn tốt, nhưng qua thời gian, rõ ràng Venezuela sẽ không thể trốn khỏi lạm phát.
venezuala money
Venezuela sắp in tiền mới để chống lạm phát phi mã
Theo Diệp Vũ – VnEconomy - 27 Aug 2015
Người dân Venezuela phải mang theo hàng bịch tiền lớn, thay vì đựng tiền trong ví, khi đi mua sắm hàng ngày…
Venezuela đang chuẩn bị phát hành hai đồng tiền mới với mệnh giá cao hơn nhằm chống lạm phát. Theo hãng tin Bloomberg, tốc độ lạm phát ngất ngưởng đã khiến giá trị đồng tiền mệnh giá cao nhất của nước này hiện nay là đồng 100 Bolivar giảm còn 14 cent Mỹ trên thị trường “chợ đen”.
Nguồn tin là quan chức cấp cao Chính phủ Venezuela cho hay, hai đồng tiền mới, với mệnh giá có thể là 500 Bolivar và 1.000 Bolivar, dự kiến sẽ được công bố sau kỳ bầu cử Quốc hội ở nước này vào ngày 6/12 tới và sẽ được đưa vào lưu hành trong năm 2016.
Lạm phát leo thang và giá trị đồng nội tệ sụt thê thảm là nguyên nhân vì sao người dân Venezuela phải mang theo hàng bịch tiền lớn, thay vì đựng tiền trong ví, khi đi mua những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.
Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Theo một vị quan chức Chính phủ Venezuela, tốc độ lạm phát hiện đã cao nhất thế giới của nước này có thể lên tới 150% vào cuối năm nay. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã dừng công bố các thống kê kinh tế định kỳ từng tháng 12 năm ngoái, thời điểm mức lạm phát được công bố là 69%.
Để mua một chiếc TV Samsung 24 inch với giá tại một trung tâm thương mại ở phía Đông thủ đô Caracas, một khách hàng phải cần tới ít nhất 1.280 tờ tiền với tổng mệnh giá là 128.000 Bolivar. Một số ngân hàng Venezuela đã phải hạ mức giới hạn rút tiền từ ATM mỗi ngày do khan hiếm tiền mệnh giá cao.
Theo nguồn tin là vị quan chức Chính phủ Venezuela, nước này hiện không có kế hoạch thay đổi chế độ tỷ giá 3 nấc trong thời gian trước mắt. Thay vào đó, Tổng thống Maduro muốn tăng nguồn thu ngoại tệ bằng cách phát triển ngành khai mỏ và các dự án hóa dầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô.
Trên thị trường tự do, 1 USD hiện tương đương 725 Bolivar. Người dân Venezuela hầu như chỉ thể mua ngoại tệ trên thị trường “chợ đen” vì không thể xin phép được chính quyền để mua ngoại tệ với 3 nấc tỷ giá chính thức là 6,3 Bolivar/USD, 12,8 Bolivar/USD, và 200 Bolivar/USD.
Mức lương hàng tháng tối thiểu ở Venezuela hiện là 7.422 Bolivar, tương đương 37 USD, nếu tính theo mức tỷ giá hối đoái chính thức yếu nhất của đồng nội tệ, và chỉ bằng 10 USD nếu tính theo tỷ giá tự do.
Một chế độ tỷ giá thống nhất sẽ là điều “không tưởng” chừng nào nền kinh tế Venezuela chưa được đa dạng hóa và sản lượng hàng hóa sản xuất trong nước còn ở mức thấp, theo vị quan chức. Ông này cũng cho biết tỷ giá “chợ đen” ở Venezuela hiện đang nằm dưới sự thao túng của các nhà giao dịch ở Cucuta, Columbia và một website có tênDolartoday.com có máy chủ đặt ở Miami, Mỹ.
Vị quan chức nói rằng Venezuela vẫn sẵn sàng trả nợ nước ngoài và có thể xem xét bán dự trữ vàng trong trường hợp cần thiết.
Theo dữ liệu của Bloomberg, dự trữ ngoại hối của Venezuela đã giảm xuống mức 15,4 tỷ USD tính đến hôm 27/7, mức thấp nhất trong 12 năm. Sau đó, dự trữ này đã tăng lên mức 16,5 tỷ USD.
Theo nguồn tin, những khoản vay mới từ Trung Quốc sẽ dần dần được phản ánh vào dự trữ ngoại hối của Venezuela.

Thực Tại Và Những Tấm Lòng Rộng Mở

Alan Phan – GNA – 29 Sep 015
Bức xức với những khổ đau mà người dân Syria phải gánh chịu trước cuộc nội chiến tàn khốc, bà Thủ Tướng Merkel của Đức đã cho lệnh mở rộng cửa biên giới đón chào làn sóng người tỵ nạn từ Syria. Trong khi các quốc gia châu Âu khác đóng cửa không nhận họ vì khả năng tài chánh của ngân sách, xáo trộn xã hội, cũng như xung đột văn hóa, người Đức đã cao quý nhận trách nhiệm chia sẻ sự bất hạnh của đồng loại.
Tiếng hoan nghênh chưa dứt thì thực tại đã phũ phàng can thiệp, và bà Merkel phải thay đổi chính sách, đóng cửa biên giới trở lại. Trong khi đó, hệ quả của lòng nhân đạo bắt đầu ảnh hưởng đến sự nhẫn nại của người dân Đức. Hôm qua, tờ Daily Mail của Anh chua chát nhận xét và phê bình :
- Phong trào “buôn người” vượt biên bùng nổ mạnh ở Trung Đông với nạn làm hộ chiếu giả từ Syria. Giá của bọn buôn người đã lên đến 5 ngàn đô la mỗi trường hợp và khách hàng từ Pakistan chiếm đa số.
- Trong các trại tỵ nạn, đàn bà và trẻ em bị hãm hiếp, lạm dụng, đánh đập đại trà, từ thành viên gia đình đến băng đảng, tạo nên một thảm kịch theo góc nhìn của văn minh Âu Mỹ.
- Những thanh niên tỵ nạn Hồi Giáo tràn ngập nhiều khu dân cư, chọc ghẹo cũng như phê phán phụ nữ Âu Mỹ mà đạo lý Hồi cho là “thiếu quần áo”, không mang khăn bịt mặt…
- Phần lớn dân Đức đã quá thất vọng và chán nản cho lòng tốt bị lợi dụng của họ và phản ứng tiêu cực với toàn bộ chính phủ Đức, kể cả bà Merkel.
Nói gì làm gì bây giờ? Sự xung đột văn hóa và tư duy, đến từ kiến thức gò bó áp chế, từ khoảng cách giàu nghèo…có thể gây nhiều bất ổn xã hội hơn là từ chính trị hay ý thức hệ.
A whole new world is waiting…
Alan Phan
Nguồn:
Những tên lái buôn “giấc mơ châu Âu”
Theo Nguyên Cao – Người Lao động - 28 Sep 2015
Hàng trăm ngàn người tị nạn Trung Đông và Bắc Phi liều mạng bỏ xứ để tìm “giấc mơ châu Âu” đã trở thành con mồi béo bở của bọn lái buôn với những chiêu trò bá đạo
Cạnh tranh bất chính
Đối với những người tị nạn đi tìm “giấc mơ châu Âu” đến từ các nước Ả Rập như Iraq, Sudan, Libya, Ai Cập, Jordan, Algeria, Lebanon…, tấm hộ chiếu Syria có giá trị nhất vì họ sẽ được xếp vào danh sách tị nạn chính trị – đối tượng ưu tiên của các nước Tây Âu – chứ không phải tị nạn kinh tế.
Chính vì điều này mà hộ chiếu Syria giả bán rất chạy. Nguồn cung cấp phổ biến nhất hiện nay là Facebook với giá từ 1.500-2.000 USD trên tài khoản của The Trraveller’s Platform.
Có bao nhiêu hộ chiếu Syria giả tiêu thụ trên thị trường? Chắc chắn không nhỏ, theo Fabrice Leggeri, giám đốc điều hành Frontex – Cơ quan phòng chống nhập cư lậu của EU. Mới đây, chỉ riêng ở Bulgaria, người ta phát hiện 10.000 tấm hộ chiếu Syria giả. Trong số này, đáng chú ý có khá nhiều hộ chiếu dùng phôi thật mà bọn làm giả ăn cắp từ cơ quan nhà nước Syria.
Cũng bởi lý do này, có báo cáo nói gần 90% di dân nhập cư vào một số nước châu Âu tự xưng là người Syria trong khi chỉ có 1/5 là công dân Syria thật, theo số liệu mới nhất của EU. Chuyện này khiến những người Syria chân chính phẫn nộ vì suất tị nạn chính trị của họ bị canh tranh bất chính.
Robert Crepinko, Trưởng Ban Chống tội phạm có tổ chức của Europol (Cảnh sát châu Âu), cho biết hiện có khoảng 30.000 đối tượng tham gia mạng lưới tổ chức đưa người trái phép ở châu Âu. Việc này không chỉ đe dọa mạng sống của hàng trăm ngàn người tị nạn mà còn là thách thức to lớn về mặt nhân đạo và an ninh quốc gia của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ các nước là đánh tan đội quân quỷ quái này.
Lái buôn công nghệ cao
Một nhiệm vụ không dễ dàng chút nào khi các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter trở thành công cụ làm ăn an toàn và thuận tiện cho cả người bán lẫn người mua.
“Chúng tôi đang tổ chức nhiều tuyến mới: Thổ Nhĩ Kỳ – Libya – Ý: 3.800 USD; Algeria – Libya – Ý: 2.500 USD; Sudan – Libya – Ý: 2.500 USD. Đi bằng tàu gỗ. Có thắc mắc xin liên hệ với tôi qua Viber hoặc WhatsApp”. Đây không phải là quảng cáo du lịch của một công ty lữ hành mà là tài khoản Facebook của Abdul Aziz, ở cảng biển Zuwara (Libya) ngày 21-4-2015. Aziz là một trong hàng trăm lái buôn “giấc mơ châu Âu” dùng Facebook dụ những người tị nạn Ả Rập tìm cách đến Tây Âu với hy vọng đổi đời.
Loại trang web bằng chữ Ả Rập này không chỉ phổ biến ở các nước Trung Đông và Địa Trung Hải mà còn thâm nhập các nước châu Phi khu vực sa mạc Sahara. Abdul Aziz cho biết y có chi nhánh ở “tất cả các nước Ả Rập”. Y còn khoe “nếu quý khách không thể tự mình đến Libya, tôi có đủ phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp để đưa quý khách tới đây”.
Trong cuộc điện đàm với đài BBC qua ứng dụng di động Viber, Aziz cho biết mỗi ngày có 10-20 khách hàng liên hệ với anh ta qua tài khoản Facebook. Phương tiện mới mẻ này chiếm từ 30%-40% doanh số của y.
Abdul Aziz là một mắt xích trong đường dây đưa người tị nạn trái phép sang châu Âu, chuyên cung cấp phương tiện đi biển, kết nối với một điểm cung cấp hộ chiếu và visa giả ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ (visa nhập cảnh London trong 90 ngày, chẳng hạn, có giá 7.000 USD), tài xế xe tải đường dài ở Erythrea…
Theo nhận định của đài BBC, đằng sau những lời có cánh nói trên là một thực tế bẽ bàng. Những tên cò vô lương tâm lợi dụng triệt để nỗi khát khao tìm đến “thiên đường châu Âu” của những người tị nạn.
Năm 2014, có khoảng 220.000 người, đa số là dân Syria, rời khỏi quê hương trên những chiếc tàu gỗ của những kẻ “thừa nước đục thả câu” như Abdul Aziz được tàu cảnh sát biển hoặc hải quân Ý cứu mạng trên đại dương. Đầu năm nay, khoảng 35.000 người đến bờ biển nước Ý an toàn. Đó là những người vô cùng may mắn bởi vì hơn 1.800 thuyền nhân khác đã bỏ mạng trên biển.
Sống khỏe nhờ châu Âu… quan liêu
Đối với những người tị nạn, giấc mơ đến châu Âu hầu như không thể thực hiện được bằng con đường quang minh chính đại. Thí dụ, Ayham al Faris – một người Syria – chạy nạn hồi tháng 10-2011. Trước khi bỏ xứ, Ayham đã nhiều lần tìm cách xin visa nhập cảnh Pháp và Úc.
Mặc dù từng làm phiên dịch viên và tham gia phong trào chống chính phủ Syria – 2 yếu tố tưởng chừng như rất phù hợp với tiêu chuẩn phương Tây – song Ayham vẫn bị tòa đại sứ Pháp và Úc ở Damascus lạnh lùng từ chối. Bí mật vượt biên đến Thổ Nhĩ Kỳ, anh ta tiếp tục nộp đơn xin visa ở tòa đại sứ Đức, Úc và Bosnia ở Istanbul. Câu trả lời vẫn là không.
“Thậm chí, họ không thèm an ủi tôi với lý do “chúng tôi không có chương trình nào phù hợp với yêu cầu của ông cho nên không thể cấp visa”. Họ dặn dò “gửi cho chúng tôi email” nhưng khi tôi gửi email, họ vứt nó vào sọt rác không thương tiếc” – Ayham chua xót kể lại.
Trước bức tường quan liêu và vô cảm đó, Ayham đành phải chọn cách khác. Anh vượt biên sang Hy Lạp, liên hệ với một người tự xưng là Hafez qua Facebook. Hắn tuyên bố: “Tôi có thể đưa anh đi bất cứ nơi đâu anh muốn. Điều quan trọng nhất là anh phải có tiền”.
Tuy nhiên, sau khi tiền trao cháo múc, Hafez không thể giúp Ayham rời khỏi Hy Lạp. Bức bí, Ayham buộc phải mua hộ chiếu giả của một tên lái buôn khác. Cuối cùng, sau 11 lần thất bại, Ayham bay đến Paris thành công. Hiện nay, Ayham được Hà Lan chấp nhận cho tị nạn.
Điều này cho thấy điều gì?
Đó là một khi nhu cầu tị nạn của người dân Trung Đông như Syria, Libya và châu Phi như Erythrea, Somalia bị các chính khách châu Âu nhắm mắt làm ngơ thì bọn lái buôn “giấc mơ châu Âu” càng có cơ hội bành trướng khắp nơi. Một tên lái buôn chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi đã nghiên cứu luật lệ châu Âu và hiện tình các nước này. Họ càng cấm đoán thì chúng tôi càng kiếm được nhiều tiền”.
Cạnh tranh bất chính
Đối với những người tị nạn đi tìm “giấc mơ châu Âu” đến từ các nước Ả Rập như Iraq, Sudan, Libya, Ai Cập, Jordan, Algeria, Lebanon…, tấm hộ chiếu Syria có giá trị nhất vì họ sẽ được xếp vào danh sách tị nạn chính trị – đối tượng ưu tiên của các nước Tây Âu – chứ không phải tị nạn kinh tế.
Chính vì điều này mà hộ chiếu Syria giả bán rất chạy. Nguồn cung cấp phổ biến nhất hiện nay là Facebook với giá từ 1.500-2.000 USD trên tài khoản của The Trraveller’s Platform.
Có bao nhiêu hộ chiếu Syria giả tiêu thụ trên thị trường? Chắc chắn không nhỏ, theo Fabrice Leggeri, giám đốc điều hành Frontex – Cơ quan phòng chống nhập cư lậu của EU. Mới đây, chỉ riêng ở Bulgaria, người ta phát hiện 10.000 tấm hộ chiếu Syria giả.
Trong số này, đáng chú ý có khá nhiều hộ chiếu dùng phôi thật mà bọn làm giả ăn cắp từ cơ quan nhà nước Syria. Cũng bởi lý do này, có báo cáo nói gần 90% di dân nhập cư vào một số nước châu Âu tự xưng là người Syria trong khi chỉ có 1/5 là công dân Syria thật, theo số liệu mới nhất của EU.
Chuyện này khiến những người Syria chân chính phẫn nộ vì suất tị nạn chính trị của họ bị canh tranh bất chính.
Đức đã “ăn đủ” với người tị nạn?
Theo Đào Cảnh – Infonet- 27 Sep 2015
Câu chuyện “cổ tích” mà nước Đức viết cho những người tị nạn bất ngờ bị tạm dừng khi chính quyền các địa phương không thể kiểm soát được tình hình trước làn sóng nhập cư ồ ạt, và họ cho rằng “như vậy là quá đủ”.
Quyết định khôi phục lại quyền kiểm soát biên giới giữa Đức và Áo để tạm ngừng dòng người tị nạn được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra khi bà phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ các quan chức liên bang và địa phương, những người chịu trách nhiệm sắp xếp chỗ ở cho người tị nạn. Thông điệp họ gửi đến nhà lãnh đạo Đức là: như vậy là quá đủ.
Câu chuyện cổ tích…
Trong bối cảnh khủng hoảng di cư đang diễn ra ở châu Âu, Đức đã thể hiện tinh thần sẵn sàng bắt tay trên quy mô lớn. Những chỗ ở được chuẩn bị với đủ thực phẩm và quần áo. Các tổ chức từ thiện với những tình nguyện viên tận tình. Trong khi đa số người châu Âu tỏ thái độ lạnh lùng đối với những người tị nạn thì người Đức đã có được sự tôn trọng của toàn thế giới vì nghĩa cử cao đẹp. Báo chí Đức thậm chí đã gọi đây là “Câu chuyện cổ tích tháng Chín“.
Ban đầu, bà Merkel giống như hiện thân của “tình mẹ” trên khắp châu Âu. Khi đó, bà đã quyết định đảm bảo cho người tị nạn Syria lối đi an toàn đến Đức. Động thái này là một hành động nhân đạo cần thiết giúp giảm nhẹ tình trạng người tị nạn đang dồn sang Hungary, nơi mà họ phải chấp nhận sống trong điều kiện rất tồi tệ.
Tuy nhiên, mọi thứ bất ngờ thay đổi. Trước làn sóng di cư ồ ạt, chính quyền địa phương đã không thể đối phó với số lượng lớn người tị nạn. Một quan chức cấp cao từ Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo mà bà Merkel cũng là một thành viên, cho biết: “Tình hình đang thay đổi nhanh chóng”. Tại cuộc họp của Ủy ban chấp hành đảng, đại diện liên bang và địa phương đã nói rõ rằng họ không thể đối phó với dòng người di cư ồ ạt như hiện nay.
Bằng chứng là ngày 18/9, gần 20.000 người tị nạn đã tới nhà ga xe lửa chính ở Munich và khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng. Người tị nạn ùn ùn kéo đến nhà ga khiến các quan chức vội vã dựng lều tại một công viên gần đó. Rõ ràng là các nguồn lực Munich có giới hạn.
Các doanh nghiệp địa phương bắt đầu phàn nàn về những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đến Lễ hội tháng Mười (Oktoberfest) ở Munich. Các chính trị gia Bayern lo lắng, nhưng không riêng gì Bayern, Berlin cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Tại Liên bang Đức, toàn bộ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn đổ lên chính quyền khu vực. Mỗi ngày, có hàng ngàn người di cư mới đến 16 bang, còn các phương tiện vật chất dành cho họ sẽ đến sau. Một số bang từ chối tiếp nhận người tị nạn ở Bayern. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho biết số lượng người tị nạn tại nước này có thể vượt quá con số 1 triệu.
“Chẳng bao lâu chúng ta sẽ rơi vào tình trạng khẩn cấp, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được tình hình”, Thủ hiến bang Bayern Horst Seehofer cảnh báo.
Những điều này buộc bà Merkel, một người luôn có quan điểm chờ thời, khẩn trương đưa ra quyết định, trước khi không thể kiểm soát nổi tình hình. Về học vấn, Angela Merkel là một nhà vật lý học, nên bà luôn “kiểm tra mọi góc độ”, như cách bà ứng phó với tình hình với Hy Lạp hay Ukraine. Trang Politico nhận định bà Merkel có thể siết chặt việc kiểm soát làn sóng di cư trong vài tháng và điều này có thể làm cho vấn đề di cư trở nên trầm trọng hơn.
Cuộc khủng hoảng tị nạn là vấn đề khó khăn nhất trong số những vấn đề mà bà Merkel phải đối mặt gần đây.
Trước đó, nhiều lần bà Merkel vẫn tự đưa ra các quyết định quan trọng dù chịu những áp lực mạnh mẽ. Ví như, việc loại bỏ năng lượng hạt nhân tại Đức sau thảm họa ở Fukushima. Điều này là cần thiết để trấn an công chúng, nhưng đã gây ra hậu quả đáng tiếc cho nhiều lĩnh vực: một gánh nặng khổng lồ đè lên ngành công nghiệp Đức, giá điện tăng lên quá cao.
… và cái kết bỏ ngỏ
Việc bà Merkel phải đưa ra vấn đề kiểm soát biên giới như là một “tín hiệu gửi đến châu Âu” nhằm thúc giục các nước khác tiếp nhận người tị nạn. Trên thực tế, Đức chỉ đơn giản là không thể đối phó với tình hình.
Đức đang cố gắng thuyết phục các nước châu Âu khác đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề người di cư, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Pháp và Đức khẳng định lập trường trên một thỏa thuận cứng rắn về số lượng và thời hạn tiếp nhận người tị nạn. Những người phản đối đưa ra mức hạn ngạch cho rằng, điều này sẽ chỉ dẫn đến một làn sóng người tị nạn lớn hơn tràn vào châu Âu.
EU đang tính đến phương án gây áp lực lên các nước không chịu tiếp nhận người tị nạn, và Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere ủng hộ ý định này. Thậm chí, Brussels “dọa” sẽ cắt giảm hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên EU tỏ ý từ chối hợp tác về vấn đề phân bổ hạn ngạch người di cư.
Thủ tướng Đức đã kêu gọi tiến hành cuộc gặp khẩn vào tuần tới giữa 28 người đứng đầu các chính phủ và nhà nước thuộc Liên minh châu Âu do tình hình người di cư tiếp tục đến châu Âu đang xấu đi một cách trầm trọng. Vấn đề này có thể được giải quyết chỉ bằng nỗ lực chung của tất cả các nước EU, bà Merkel nhấn mạnh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Expert, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995

Điều Ngạc Nhiên Về Ô Tô Campuchia

Alan Phan
26/2/2014
Khác với bình phẩm trên các mạng truyền thông Việt, tôi không mang nhiều ấn tượng hay khâm phục về chiếc xe Angkor EV vừa ráp tại Campuchia. Năm 1983, tôi có đầu tư cùng vài người bạn vào một xưởng sửa xe hơi ở Van Nuys. Với 4 người thợ máy, thợ đồng và 3 người phụ việc, chúng tôi đã ráp nguyên chiếc xe cổ điển Porsche 356 Speedster đời 57, vốn là một mẫu xe của Porsche được yêu thích nhất theo thống kê.

Chúng tôi mua động cơ và sườn xe của VW Beetle, các bộ phận khác như hộp số của Toyota, hệ thống điện của GM…đem về ráp lại trong một thân ngoài xe (body) làm bằng fiberglass, thiết kế theo copy y trang của model xe Porsche nói trên.
Dĩ nhiên chúng tôi chỉ bán như một replica (phó bản) và không quảng cáo gì về thương hiệu Porsche. Tuy vậy, chúng tôi khoan đúng vài lỗ ở phía trước và sau của thân xe để khách mua xe có thể chạy ra đại lý xe Porsche mua những nhãn hiệu Porsche và tự gắn bằng đinh vít lên.
Hãng Porsche kiện chúng tôi nhưng sau 2 năm tranh tụng, và chúng tôi thắng vì bản quyền thiết kế xe đời 57 của Porsche đã hết hạn sau 20 năm. Sự thành công tạm bợ của chúng tôi tạo một làn sóng ráp và bán các xe replica cổ điển từ Porsche, đến Lamborghini đến Rolls Royce khắp thế giới. Sự thành công này cũng là mồ chôn công ty mình vì quá nhiều cạnh tranh mọc lên như nấm sau cơn mưa rào.
Do đó, sản xuất một chiếc xe với những linh kiện đã có sẵn là một điều rất dễ làm, không tốn kém nhiều và cũng không đòi hỏi một công nghệ hay kiến thức đặc biệt gì.
Tuy nhiên, tôi vẫn chút ngạc nhiên trước sự hoàn thành chiếc xe Angkor EV của Campuchia.
- Chiếc xe bán với giá 5 ngàn USD tức là giá sản xuất khoảng chừng 4 ngàn USD hay thấp hơn. Giá rất sát với những hãng xe sản xuất theo dây chuyền dù các công ty lớn có lợi thế về giá mua linh kiện rẻ (số lượng nhiều) và những yếu tố nội tại nhờ tổ chức toàn cầu. Điều này có nghĩa là năng suất lao động và khả năng quản trị của công ty Heng (Campuchia) không thua kém những đống nghiệp trên thế giới lắm.
Khi chúng tôi muốn đầu tư vào Campuchia, những nhân viên của quỹ Viasa đã báo cáo trong một khảo sát tại chỗ (site survey) là lao động và quản trị của Campuchia là “ác mộng”. Có lẽ họ đã sai và hời hợt trong việc đánh giá?
- Việc ráp xe tuỳ thuộc rất nhiều vào giá và lượng tồn kho sẵn sàng (availability) của các linh kiện cần cho chiếc xe. Vì Angkor EV là chiếc xe chạy bằng điện, các linh kiện này phải hiện đại và đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, không dùng xăng mà “charge” bằng điện có thể là một trở ngại tại Campuchia vì hình như xứ này thiếu điện (hoặc giá cao hơn nhiều nơi khác)?
- Giá thành sản xuất trên cũng cho thấy phí bôi trơn tại Campuchia không trên 5%; quá lý tưởng cho những món hàng tiêu dùng và phồ thông. Những đồn đại về tham nhũng của quan chức Campuchia có lẽ đã được thổi phồng quá mức?
- Sau cùng, với giá bán phải chăng và một hệ thống kinh tế khá liên thông và cởi mở, công ty Heng có thể xuất khẩu một số lượng đáng kể trên thị trường thế giới, nhất là các nước Á Phi nghèo. Vì có những liên minh chính trị và tài chính rất tốt với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, họ sẽ được giúp đỡ tận tình của các đàn anh khi đi tìm thị trường tiếm năng.
Tóm lại, chiếc Angkor EV cho thấy một hình ảnh khá tốt đẹp cho nền kinh tế tương lai của Campuchia. . Dù đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ của một doanh nghiệp (tư nhân), nhưng nếu nhân rộng được khắp xứ, Campuchia đã làm được điều mà Việt Nam đang mơ. Với dân số ít ỏi, một cơ chế thoáng và một nền kinh tế trong đó sự liên thông với toàn cầu bắt đầu mọc rễ, người dân Campuchia sẽ có một GNI mỗi đầu người vượt mặt đàn anh Việt Nam trong thời gian ngắn.
Alan Phan
Reference:
Ô tô Campuchia giá 100 triệu đồng, Việt Nam thêm “ngượng”
Theo Báo Đất Việt 25/2/2014 – Thu Phương
(Thị trường) – Chiếc xe ôtô điều kiển bằng smartphone được sản xuất tại Campuchia mang tên ngôi đền cổ Angkor – Angkor EV có giá 5.000 USD
Thông tin trên tờ The Phnom Penh Post, bà Seang Chan Heng, Tổng giám đốc Heng Development Company khẳng định mức giá cho Angkor EV sẽ không vượt quá 10.000 USD.
Angkor EV sẽ có 2 chỗ ngồi với thiết kế cửa mở theo chiều dọc và ngoại hình có thể giống chiếc minivan Nissan Quest, theo nhận định của trang green.autoblog.
Ô tô Angkor EV 2014 được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek địa phương thiết kế. bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID).
“Đây là cơ hội cho Campuchia giới thiệu với thế giới về sản phẩm “made in Campuchia” với ý tưởng của người Campuchia”, Bà Chan Heng nói. Hồi tháng 3/2011, công ty Heng Development Company và kỹ sư Nhean Phaloe cùng Chou Leang Alliance Group đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất Angkor tại quận Takhmao, tỉnh Kandal, Campuchia trị giá 20 triệu USD, để phục vụ kế hoạch sản xuất từ 500 – 1.000 chiếc xe và sẽ được chia theo tỉ lệ 80/20 tương ứng cho các bên.
Ý tưởng về một chiếc xe “made in Campuchia” đã được nhà sáng chế Nhean Phaloek ôm ấp từ năm 2003, khi ông tự sản xuất cho riêng mình model Angkor-2003 đầu tiên sử dụng máy Honda C100, model thứ 2 ông sản xuất sau đó một năm, với khả năng chạy 120km/h và có thể chở được 4 người. Năm năm sau đó, ông trình làng chiếc Angkor 2010.
Đúng một thập kỷ sau, chiếc xe “thân thiện với môi trường” Angkor EV 2013 mới chính thức “lên kệ”.
Trong khi đó, tại Việt Nam thời gian vừa qua Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa.
Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản,…
Giá ô tô Việt Nam hiện cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới. Tại Thái Lan, chiếc Toyota Yarris phiên bản E có giá bán 17.700 USD tức chưa đến 400 triệu đồng, khi nhập khẩu về Việt Nam giá lên tới 661 triệu đồng. Suzuki Swift lắp ráp tại Việt Nam có giá bán 550 triệu đồng, nhưng tại Thái Lan giá bán ra chỉ có 15.000 USD tức hơn 300 triệu đồng.
Thu nhập bình quân đầu người Thái Lan năm 2013 đạt trên 10.000 USD, còn Indonesia cũng đạt trên 5.000 USD, trong khi Việt Nam chưa nổi 2.000 USD/người/năm. Vậy nhưng giá xe ôtô tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với 2 nước này.
Thu Phương