Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Cướp Có …Business Plan

Nguồn : Vững Đại Phát

Tác giả :Tiến sĩ Alan Phan
18 Mar 2015
(Tham vọng con người leo thang tuần tự: trước, họ tìm cách bảo vệ mình chống kẻ thù; rồi sau đó, họ tìm cách tiêu diệt kẻ thù – Men rise from one ambition to another: first, they seek to secure themselves against attack; and then they attack others – Niccolo Machiavelli )
Chuyện “cướp giật”, hay ở mức độ thấp hơn “trộm cắp”, đã tồn tại suốt lịch sử loài người. Lòng ham muốn những gì không phải của mình đã được các tôn giáo, hệ thống đạo đức, tín ngưỡng dân gian…qua những giáo chủ, triết gia…phân tích và cảnh báo gần như trong hầu hết mọi kinh sách. Pháp luật từ chế độ phong kiến đến tư bản tự do đặt “cướp giật và trộm cắp” vào những tội đồ cần trừng trị thẳng tay. Vài chục ngàn năm nay, dù sử dụng nhiều ngôn từ cao đẹp cho những hành động tương tự để hưởng chiến lợi phẩm từ các tranh chấp “cướp + cắp”, chưa lãnh đạo quần chúng nào trên vòm trời này dám công khai hóa chuyện xấu xa của mình và đàn em.
Cho đến những ngày gần đây, khi ngài Phó Ban Tuyên Giáo nào đó của chính quyền phán rằng thực ra, chuyện cướp giật tại các lễ hội, chỉ là một thể hiện việc chúng ta ăn cướp “có văn hóa” theo truyền thống dân tộc. Ông này đúng là một anh hùng của Việt Nam. Ông thừa can đảm đứng lên thẳng thắn loan báo cùng toàn cầu là chúng tôi có một đặc trưng là “văn hóa cướp”. Và đây có lẽ là niềm tự hào số một của chúng ta?
Phát ngôn lịch sử này phải là phút “eureka” của xã hội này. Nó quan trọng hơn tất cả những câu châm ngôn, tư tưởng thâm sâu của các đỉnh cao trí tuệ mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày qua các băng rôn đỏ la liệt trên đường phố.
Dĩ nhiên, nhiều người nhẩy vào ném đá vị anh hùng này. Riêng ông già Alan, rất thông hiểu tâm tư quan chức này nên xin được phép phân tích sâu rộng hơn về một sự thật mà nhiều người cố né tránh. Nhất là khi nhìn lại từ tổng quan của xã hội chúng ta ngày nay.
Tôi nhớ một bài viết về kinh doanh nói lên sự khác biệt giữa những người thành công và những người cực kỳ thành công (như Buffett, Gates…). Ngẫm lại, sự khác biệt giữa một phi vụ ăn cướp thành công và một hệ thống ăn cướp cực kỳ thành công cũng mang nhiều yếu tố và cá tính như vậy.
Trước hết, “cướp giật” là một quy trình không hề đơn giản.
Ngay cả một tên cướp mạt hạng muốn cướp chiếc xách tay của một bà cụ qua đường cũng phải suy nghĩ cẩn thận về những rủi ro: có công an hay bảo vệ nào gần nơi? có nhiều người trẻ sẵn sàng ra tay hành nghĩa? sẽ thoát chạy bằng lối nào cho nhanh? liệu túi xách có giá trị đáng cho cướp? ….
Còn muốn tổ chức đánh cướp một ngân hàng hay một cơ sở thương mại quy mô, đám tội phạm phải lên một kế hoạch khá công phu. Có quá nhiều thí dụ về loại cướp này qua các kịch bản của phim Hollywood hay Hong Kong.
Lên một mức cao hơn, ở Mỹ gọi là “có tổ chức” (organized crime) thì nên nghiền ngẫm cuốn truyện The Godfather (Bố Già) hay lịch sử của những băng đảng xã hội đen trên thế giới, từ Yakuza của Nhật, hội Tam Hoàng của Tàu, Al Capone của Mỹ hay Năm Cam của Việt Nam.
Với những người say mê nghiên cứu về “ăn cướp” thì tài liệu trong thư viện hay Internet rất đầy đủ để viết sách hay chém gió mỗi ngày.
Nhưng tất cả hiện hữu trong những vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng. Đây là minh chứng của những người ăn cướp thành công. Muốn biết thêm về phần chìm của tảng băng, của những kẻ cướp “cực kỳ thành công”, chúng ta phải đào tìm sâu kỹ hơn như một nhà khảo cổ.
Với cái nhìn méo mó của một doanh nhân, tôi luôn liên tưởng đến những đế quốc “ăn cướp” cực kỳ thành công trong lịch sử đến những công ty đa quốc có một mô hình kinh doanh độc đáo với một kế hoạch hoàn hảo. Business plan của họ chứa đựng tất cả mọi chi tiết cần thiết từ sứ mệnh (mission statement), triết lý căn bản (underlying philosophy) đến đặc thù sản phẩm (products) chương trình tiếp thị (marketing), tổ chức quản trị và nhân sự (HR), cơ sở, vũ khí, công nghệ (facilities & technology), và sau cùng là nhu cầu tài chánh (financials), quản lý rủi ro và kỹ cương công ty (risks and corporate governnance).
Lấy Đức Quốc Xã làm thí dụ. Có thể khi khởi nghiệp, chỉ có Hitler và vài đồng chí, nhưng qua thời gian, họ đã thuần thục xây dựng một tổ chức vô cùng hùng mạnh thời bấy giờ. Mission của họ là phục hồi danh dự và kinh tế cho tổ quốc, con dê tế thần gây ra cảnh khổ là những bọn Do Thái tham lam, triết thuyết căn bản là truyền thống thượng tôn (superiority) của sắc tộc Aryans, và chương trình tiếp thị cho người dân là tự hào về quang vinh (glory) của Đức quốc trong quá khứ và tương lai. Dựa trên truyền thống kỷ luật và thành tựu về công nghệ khoa học của dân Đức tại châu Âu, Hitler và công ty đã tạo nhiều lợi thế cạnh tranh trên thương trường vì các đối thủ Anh, Pháp…đang bận rộn lo thu dẹp lại đống hoang tàn từ Thế Chiến I.
Các đế chế khác trong lịch sử cũng phát triển theo đường lối tương tự. Đế chế La Mã có mô hình tiến bộ đem về từ Hy Lạp là “dân chủ cộng hòa”; đế chế Ottoman bành trướng theo Hồi giáo và các kênh thương mại ; đế chế Mông Cổ có anh hùng sa mạc Genghis Khan với nghệ thuật võ biền làm sao sáng; đế chế Anh có “Thượng Đế và Hoàng Đế (God & Her Majesty)” dẫn đường cho quân đội đi “khai trí” dân mọi rợ khắp thế giới; đế chế Tàu thì có “Thiên tử thay Trời hành đạo”; Nhật có “Đại Đông Á” cho dân châu Á khởi dậy quật cường…
Thực ra, mọi đế chế trong lịch sử đều bành trướng dưới hai nội lực: sức mạnh quân sự (vũ khí và quân đội) và tài sản kinh tế (vàng, tiền, hàng hóa, khoáng sản…). Mục tiêu duy nhứt là duy trì và phát triển lợi thế này bằng cách…”cướp giật”. Tuy nhiên, không thể thẳng thắn với đám nạn nhân là chúng tôi đang đi ăn cướp, nhất là trong thời đại mà dư luận quần chúng và thế giới có thể gây thiệt hại cho đại sự. Do đó, chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu là PR về cái mission cao quý, cái triết thuyết thượng tôn, cái quang vinh của bánh vẽ…Ngay cả ngày xưa (theo huyền thoại) , khi ông vua Menelaus của Hy Lạp muốn chiếm thành Troy, ông vẫn phải dùng cái cớ là Bà Hoàng Helen đã làm mất danh dự Hy Lạp khi trốn theo người tình Paris về Troy. Không ai nhắc đến nguyên nhân chính là Hy Lạp muốn các tài sản kho báu của Troy và hoàng tử Paris chỉ là một teenager đang hứng tình.
Tôi không biết trong tương lai, quan niệm về chiến tranh của nhân loại sẽ thay đổi thế nào? Nhưng tôi đã yêu thích và đọc rất nhiều về bối cảnh các cuộc chiến trong quá khứ. Mặc cho những tô son trát phấn của các sử gia (trói gà không chặt, nên thích đẻ ra các giả thiết thời trang), chiến tranh trong cốt lõi chỉ là một vụ cướp đơn giản: phe tấn công muốn chiếm đoạt tài sản và phe phòng thủ muốn bảo vệ những gì mình có. Nghịch lý là 90% tài sản tranh chấp là sở hữu của đám vua chúa và quần thần; còn 90% dân ngu khu đen là những con tốt thí đánh đấm và sống chết theo mệnh lệnh (thích bào chữa là số phận). Ngay cả lý tưởng cao đẹp của trận chiến Nam-Bắc ở Mỹ vào 1861 cũng có nhiều mục tiêu khuất tất đằng sau mà những nhà nghiên cứu không tiện nói ra vì sợ bị dư luận ném đá.
Tóm lại, theo góc nhìn của “doanh nhân” già Alan, chiến tranh chỉ là một phi vụ M&A kiểu cưỡng ép. Nói thẳng như vậy thì có vẻ cực đoan và “cynical”; nhưng đó là thực tại của thế giới hiện nay, từ những xứ sở của dân chủ tự do đến các vũng bùn gọi là quốc gia “đang” phát triển hay mới nổi (hoặc sắp chìm).
May mắn thay, một điểm chung của các đế chế là “mặt trời luôn luôn lặn” dù ước muốn của người sáng lập hay kế vị là “muôn năm”. Lãnh tụ luôn thoái hóa theo quyền lực, sứ mệnh thiêng liêng chỉ lừa bịp được đa số vào một thời điểm, triết thuyết cho đế chế trở nên khôi hài kệch cỡm, tổ chức luôn đấu đá tranh dành trong nội bộ…và các đối thủ cạnh tranh luôn chờ đợi cơ hội…để trả thù hay chiếm đoạt (theo mô hình cướp mới).
Trong lịch sử cận đại, mô hình đế chế thành công nhất là hệ thống đảng Cộng Sản của thế kỷ 20. Từ một cuốn sách ít người quan tâm khi nhà triết học Đức, Marx, phát hành; các chính trị gia thủ đoạn và lỗi lạc như Lenin, Stalin, Mao…đã dùng nó như một chiêu PR tuyệt hảo, xây dựng một đế chế mà ở đỉnh cao của thành công đã bành trướng hơn nửa thế giới và sẵn sàng để thâu tóm thiên hạ với quyền lực của quân sự và tổ chức nội an. Tuy không còn tồn tại mạnh mẽ, nhưng nhóm lợi ích của Trung Quốc và Nga biết điều chỉnh kịp thời, mang thêm nhiều mặt nạ, mầu sắc… để đảng và đảng viên tiếp tục nắm quyền trong vài thập niên tới.
Suy nghĩ tận tường, Trung Quốc và Nga là thí dụ lịch sử cùa một hệ thống “cực kỳ thành công”. Không những sở hữu khoảng 70 tỷ US dollars (như nhận xét của Belkowsky và Bloomberg…) chỉ trong 14 năm cầm quyền, Tổng Thống Putin còn được coi như là nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2014. Bên Trung Quốc, nếu liệt kê hết danh sách các tư bản đỏ và quan chức có hơn tỷ nhân dân tệ, có lẽ chúng ta cần bề dầy của cuốn điện thoại niên giám.
Do đó, nhìn lại đằng sau những tôn vinh về thành tựu của Warren Buffett hay Bill Gates, họ chỉ là những người thành công, không thể ngồi chung mâm cơm với những người cực kỳ thành công như Putin hay Chu Vĩnh Khang.
Có lẽ tại vì họ chưa được dậy …”văn hóa cướp”??
Alan Phan

Đổi lấy danh hiệu ‘lạc quan nhất’, chúng ta mất gì?

Nguồn : Vững Đại Phát

Nguyễn Thị Thanh Lưu – Tuần Việt Nam – 14 Mar 2015
Phải chăng chúng ta đã vô tình tự tước đi quyền được cảm thấy tổn thương, quyền được bày tỏ tổn thương trong một môi trường văn hoá “đóng cửa bảo nhau”, “chớ vạch áo cho người xem lưng”?
Nhân dịp bố mẹ chồng từ Mỹ qua thăm, tôi đưa các cụ đến một trung tâm mua sắm trên đường Đồng Khởi để mua mấy món quà cho bạn bè ở Mỹ. Đáp lại những cái mời mọc, thậm chí là giằng co, níu tay từ những người bán hàng nhiệt tình thái quá, mẹ chồng tôi cứ nhã nhặn khen đồ đẹp lắm, cảm ơn.
Những người bán hàng “nhiệt tình” đó cũng rất nhiệt tình “cắt cổ” hai cụ già Tây khi thấy các cụ hỏi đến món đồ nào, họ cũng thét giá trên trời. Họ lại còn nhấm nháy bảo tôi: em dụ mấy ông bà này mua giùm chị đi, rồi chị chia phần trăm đàng hoàng, làm ăn lâu dài mà em. Thì ra họ nhầm tôi là hướng dẫn viên du lịch đưa khách đi mua sắm. Và hình như, việc ăn chia thế này đã thành luật bất thành văn. Tôi lắc đầu, ngán ngẩm đáp: chị ơi, đây là bố mẹ chồng em đấy! Chị nói giá cho chuẩn, nếu không thì em đi ngay sang hàng khác! Giá cả mọi mặt hàng lập tức tự động giảm xuống còn 1/3 so với giá ban đầu.
Mẹ chồng tôi ngạc nhiên khi nghe giá mới từ miệng tôi bèn thắc mắc. Tôi cười giải thích với bà về việc những người bán hàng nhầm tôi là hướng dẫn viên du lịch và bày trò ăn chia. Nghe thế, bà hốt hoảng nắm lấy tay tôi hỏi: Ôi, con cảm thấy thế nào khi bị người ta nhìn nhầm là hướng dẫn viên du lịch?
Tôi lại cười trấn an bà rằng không sao hết. Chuyện đó quá nhỏ so với những việc tôi vẫn gặp hàng ngày, ví dụ như rất nhiều lần đưa con đi công viên chơi, mọi người cứ níu chân tôi lại chỉ để hỏi rằng: lương tôi làm ôsin cho bọn Tây có cao không? Nghe đến đó, mẹ chồng tôi trợn tròn mắt bất bình: bọn trẻ con giống con thế cơ mà, sao người ta có thể dám hỏi một câu hỏi sỗ sàng đến vậy?
Lần này, đến lượt mẹ chồng tôi làm tôi ngạc nhiên vì phản ứng của bà. Tôi nghĩ bụng: nếu ở Việt Nam mà cứ nhạy cảm và dễ tổn thương như bà thì rất mệt. Rồi tôi chợt nhận ra, tôi đã được dạy dỗ để thấy những câu hỏi như thế là bình thường – những câu hỏi bị cho là không thể chấp nhận được ở nơi đề cao quyền riêng tư cá nhân như nước Mỹ. Phương châm sống “dĩ hoà vi quý” của người Việt dường như buộc chúng ta phải chọn nhìn sự việc ở góc tươi sáng nhất, lờ đi những ngóc ngách tối tăm, ngay cả khi gốc của vấn đề nằm ở chính những góc tối ấy.
Có lẽ một phần cũng chính vì quan niệm xử lí tình huống như vậy mà theo một cuộc điều tra khảo sát vào năm 2014 của tổ chức nghiên cứu Pew Research trên 44 nước, Việt Nam được đánh giá là quốc gia lạc quan nhất. Năm 2012, Quỹ Kinh tế mới (NEF) – một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh cũng từng đưa ra báo cáo, Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI).
Tôi đã từng ngờ vực những khảo sát này, nhưng ngẫm lại, nếu mỗi cá nhân tham gia khảo sát là một người “dĩ hoà vi quý” như vẫn được dạy thì những chỉ số kia có lẽ hoàn toàn xác đáng. Song, để đổi lấy cái danh hiệu ấy, người Việt đã mất gì? Phải chăng chúng ta đã vô tình tự tước đi quyền được cảm thấy tổn thương, quyền được bày tỏ tổn thương trong một môi trường văn hoá “đóng cửa bảo nhau”, “chớ vạch áo cho người xem lưng”?. Đã kín tiếng thế rồi, nhưng hễ có việc gì xảy ra, lại nhắc nhủ nhau: thôi, “chín bỏ làm mười”, “một sự nhịn chín sự lành”… Từ đời các cụ đã vậy, đến đời nay, câu cửa miệng của thanh thiếu niên cũng là: “chuyện nhỏ như con thỏ”.
Dường như, để bảo tồn phương châm sống dĩ hoà vi quý, người Việt mình đã đề cao thái quá các sự vụ, các ràng buộc xã hội mà coi nhẹ yếu tố con người cá nhân. Mọi sự rồi sẽ êm nhờ sự nhẫn nhịn của người tham gia, nhưng mỗi cá nhân ấy có cảm thấy thanh thản bình yên không, nếu họ không được quyền tỏ bày cảm giác, không được quyền cảm thấy tổn thương chỉ để giữ hoà khí chung? Ngẫm cho cùng, chẳng phải con người mới là yếu tố đáng quan tâm hàng đầu trong mọi vấn đề sao.
Vẫn trong cuộc đi mua sắm, mẹ chồng tôi hỏi tôi: Tại sao những người bán hàng đó lại dám gợi ý con làm việc lừa dối người khác dễ dàng đến thế? Họ có biết con là ai đâu.
Lúc đó, tôi không có câu trả lời nào cho bà ngoài một cái cười trừ đặc trưng. Giờ nghĩ lại, câu trả lời nằm trong chính câu hỏi của bà. Vì họ không biết tôi là ai. Vì người Việt quan tâm đến sự vụ, các ràng buộc, quan hệ hơn là yếu tố cá nhân.
Nguyễn Thị Thanh Lưu

QUÊ HƯƠNG : ĐI HAY VỀ ?

Nguồn : Vững Đại Phát

Ngọc Hiếu – Do BCA Nguyễn Hiệp gởi – 15 Mar 2015
Những người Việt hải ngoại hay du học nước ngoài sẽ phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định trở về nước phục vụ cho quê hương…

Ưu điểm
Với những ai đã từng học tập hoặc làm việc ở nước ngoài: với những kiến thức, phong cách làm việc đã tích lũy được ở môi trường phương Tây, khi về nước sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm một công việc ở vị trí cao, nhiều trải nghiệm và thử thách hơn.
Với những ai có ý định làm riêng: với môi trường (hỗn độn) hiện tại của Việt Nam, sẽ có rất nhiều cơ hội cho những người đủ nhạy bén. Tôi có hân hạnh được quen một số bạn bè trang lứa đã và đang rất thành công ở Việt Nam, trong đó không ít bạn bè đã từng học ở nước ngoài và sau đó quay trở về Việt Nam lập nghiệp.
Ở nước ngoài, công việc không dễ kiếm, tôi may mắn có được công việc mình yêu thích khi vừa sang, tuy nhiên tôi cũng có biết những bạn bè (đã từng làm những vị trí quan trọng ở VN) nhưng khi sang không xin được việc. Bên này mức sống lại đắt đỏ nên chỉ một vài tháng không có việc thì phải xắn tay áo lên làm mọi việc, thậm chí cả những việc chân tay. (Xin nói rõ rằng điều đó không có gì là xấu).
Nói như vậy không có nghĩa là (về công việc) ở VN không có khuyết điểm:
Khuyết điểm
Chất lượng người lao động ở VN không cao (sự thật mất lòng nhưng vẫn là sự thật): ở VN mọi người làm việc thiếu kỷ luật, ít tôn trọng deadline, thiếu tinh thần trách nhiệm cho sản phẩm và công việc mình phụ trách. Nên nếu làm ở vị trí quản lý, bạn sẽ mệt mỏi hơn trong việc quản lý con người. Chưa kể nếu không cứng, quanh năm suốt tháng làm việc trong một môi trường như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của bạn.
Nếu làm ở vị trí quản lý/hoặc làm riêng: Tôi đã từng điều hành một số công ty (cho cả công ty nước ngoài và công ty riêng của mình), và cái mệt mỏi nhất không phải là những thử thách công việc mà là phải deal với những cái bất cập, những cái lệ đôi khi lớn hơn luật ở VN. Những công ty tôi đã điều hành chỉ ở quy mô nhỏ (dưới 50 người) nên tôi chỉ chia sẻ góc nhìn ở quy mô này (dù rằng tôi đã được biết những câu chuyện tương tự từ những công ty lớn hơn của bạn bè và người quen).
Nói một cách tóm tắt, ở VN muốn làm ăn yên ổn thì phải có quan hệ nhất định với nhà nước, mà bản thân tôi không thì không thích quan hệ với chính quyền ở VN. Tôi không có nhu cầu gần gũi gì với chính quyền, chỉ cần những bộ luật lệ rõ ràng và nhà nước cũng hành xử đúng luật để không phải quan hệ gì với họ.
Những điểm được khác
Trở về là sẽ được ăn món ăn VN, được nói tiếng nói quê hương mình.
Tôi vẫn yêu cái tiếng nói hồn hậu, chất phác của những người dân phương Nam quê tôi. Và đôi khi thèm đến nao lòng một thố cá kho, một tô canh chua nấu đúng vị. Những buổi sáng mùa đông đứng chờ xe điện ở ga, run lập cập mà nhớ về cái không khí mát dịu của những ngày xuân Sài Gòn.
Và sau cùng và cũng là điều lớn nhất, trở về là được ở gần gia đình cha mẹ anh em.
Vậy tại sao tôi vẫn chưa về? Và xung quanh bạn bè tôi thì ra đi mỗi ngày một đông?
Thời gian đầu ở Úc tôi thường tự hỏi mình liệu có đáng không? Đáng để bỏ hết tất cả và đến sống nơi xứ người này không? Nhiều lần tôi đã gần đi đến quyết định mua vé quay trở về. Nhưng rồi mỗi lần như vậy là mỗi lần tôi nhận được những tin tức từ bạn bè ở nhà làm tôi nhớ lại những lý do khiến tôi quyết tâm ra đi.
Tôi ra đi không phải vì lý do gì lớn lao (giáo dục hay văn hóa hay chính trị gì), chỉ là cái nhu cầu đơn giản nhất: tôi không còn thấy an toàn (về mặt vật lý) khi ở VN nữa.
Rất dễ để bạn có thể ngã xuống vì vô vàn lý do:
- Tai nạn giao thông.
- Đường phố đầy cướp giật.
- Công an kết hợp với giang hồ để hành hung người dân (chuyện có thật từ bạn tôi).
- Ăn uống, vệ sinh thực phẩm.
Hoặc thậm chí không có chuyện gì xảy ra, môi trường không khí ở VN cũng làm chúng ta bệnh định kỳ – thường là mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Công an ăn nói mất dạy với người dân, phạt và ăn hối lộ trắng trợn vô tội vạ. Có bất kỳ việc gì liên quan đến công an thì càng làm mình sợ hơn là cảm giác được bảo vệ. Công an như một đám kền kền đúng nghĩa.
Quá nhiều lần bị trúng thực khi ăn thức ăn ngoài đường đã làm tôi không còn dám ăn những món yêu thích của mình ngoài đường nữa.
Ra đường thì bất kỳ thằng choai choai nào cũng có thể kiếm chuyện với mình, nếu muốn yên lành thì im lặng mà đi, hoặc xin lỗi nó.
Thậm chí để cái việc cỏn con là đi xem phim, 2 năm cuối ở VN tôi đã không còn đi xem phim nữa vì những sự bất lịch sự của những người xung quanh, mười lần như một.
Và còn vô vàn những lý do khác mà ai đã và đang sống ở VN đều có thể dễ dàng liệt kê ra.
Và khi đã ngã xuống rồi thì bệnh viện – là nơi chúng ta tìm đến để tìm sự trợ giúp – lại là nơi mang lại bực bội và trong nhiều trường hợp: nguy hiểm hơn.
Năm 2011, ba tôi bị tai nạn giao thông, người đụng bỏ chạy để ba tôi một mình trên đường, người qua lại không ai trợ giúp, cũng may ba tôi còn tỉnh nên gọi điện thoại về cho người thân được. Vô đến bệnh viện người ta để ba tôi nằm từ trưa đến tối vẫn không một ai quan tâm, ai là con đã từng ở trong hoàn cảnh tương tự, chạy quanh khắp bệnh viện gần như năn nỉ từng bác sĩ thì sẽ hiểu được cảm giác đó. Và cuối cùng người ta chụp hình và chuẩn đoán là chỉ cần bó bột là xong. Sau 2 tháng bó bột với tư thế sai hoàn toàn, gia đình quyết định chuyển sang bệnh viện tư (và sau đó phải sang Singapore) để mổ sắp xương lại. Bác sĩ ở Singapore nói rằng ba tôi bị rất nặng, nếu để chậm là có thể ba tôi không còn chân nữa.
Năm 2013, một lần nữa ba tôi nhập viện vì có vấn đề liên quan đến phổi, sau này mới biết đó chỉ là biến chứng của những năm tháng nằm dưới hầm trú trong chiến khu tránh B52 rải thảm bên trên. Vậy mà bác sĩ ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (bệnh viện chuyên về phổi lớn nhất của miền Nam) bảo rằng ba tôi đã bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ còn sống được vài tháng. Ai là người thân trong gia đình khi nhận được tin đó sẽ hiểu cảm giác như thế nào.
Rồi sau đó một thời gian họ lại báo rằng đó là do lao phổi và lên phác đồ điều trị, thuốc để chữa bệnh lao đã làm ba tôi từ 48kg xuống còn 34kg và yếu đến mức tưởng như không qua nổi. Cũng may có một người bác sĩ quen từ xa ghé thăm và lập tức đưa ba tôi về nhà và cho uống thuốc khác, sau đó ba tôi khá lên từ từ và hiện tại cảm ơn trời phật, đã khỏe lại.
Những trải nghiệm như vậy làm tôi nghĩ nếu chẳng may gia đình rơi vào những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, với những loại bác sĩ như vậy trong bệnh viện thì biết trông chờ vào ai? Cảm giác bất lực tột cùng khi đứng giữa bệnh viện, khi mà công việc, sự nghiệp, tiền bạc không thể làm bất kỳ điều gì để bảo vệ gia đình. Tôi quyết định đi để tìm một nền tảng y tế tốt hơn cho gia đình, khi mà quê hương không còn là nơi an toàn để sống nữa.
Và đó chỉ là giọt nước làm tràn ly trong vô vàn giọt nước khác đã làm đầy ly nước:

Không ai! Không một ai muốn bỏ quê hương đất nước mình mà đi sống ăn nhờ ở đậu một đất nước khác. Do đó theo suy nghĩ của tôi, để các du học sinh, để những người đã ra đi quay trở về thì không phải chỉ là sửa tiêu đề của những bài viết kia, vì dù các em có tin, quay trở về rồi cũng sẽ đối diện với những sự thật diễn ra hàng ngày và rồi cũng sẽ lại tìm mọi cách để đi. Và thực tế tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp quay trở về và sau đó lại đi.

Hôm rồi tôi có ngồi tâm sự với một người bạn, bạn ấy nói rằng: “Chỉ cần ở VN có an toàn và công bằng, hai chữ sao đơn giản mà khó quá”.
An toàn và công bằng! Chỉ cần có 2 chữ đó một cách tương đối (chứ không phải hoàn toàn trái ngược như hiện tại) thì dù có không cho về thì chúng tôi cũng tìm đường mà về.
Vì không đâu bằng được sống trên quê hương mình cả. Lặp lại lời người bạn: “Hai chữ đơn giản mà sao khó quá!”.
NGỌC HIẾU

Chuyện Dài Mắc Ca (Bài 4)

Nguồn : Vững Đại Phát

Bài toán thử sức bền với mắc-ca Việt Nam
Ái Vân – VNEconomy – 6 Mar 2015
Để theo đuổi và thành công với cây mắc ca, trước hết các hộ dân và doanh nghiệp sẽ phải vượt qua được bài toán thử sức bền ý chí và vốn…
Những ngày này, tại Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco), những cây mắc-ca đầu tiên bắt đầu đi vào thực địa. Phía trước, riêng về thời gian, ít nhất là 5 năm thử thách…
Cuối năm 2014, Lasuco lập đề án thí điểm trồng cây mắc-ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong khi còn những ý kiến trái chiều, kể cả hoài nghi về giá trị của loại cây này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vẫn quyết định triển khai kế hoạch mục tiêu 5.000 ha.
Tại Thanh Hóa, thực tế đã có hộ dân khẳng định thành công với “cây lạ” này. Cây phát triển được, năng suất hạt tăng dần qua mỗi năm, giá trị kinh tế mang lại rõ ràng.
Có lẽ đó cũng là một cơ sở gần gũi để Lasuco quyết định đến với mắc-ca, nó trồng được ở một số điểm ở vùng Bắc Trung Bộ. Công ty lập đội chuyên trách, cử cán bộ vào Tây Nguyên “học nghề”; bản thân ông Tam cũng tự tìm tòi trong những lần ra nước ngoài tìm hiểu thị trường…
Quyết định thí điểm với Lasuco không khó. Là doanh nghiệp, họ có điều kiện về vốn, có những trải nghiệm trong sản xuất kinh doanh để xây dựng những kế hoạch dài hạn để chờ đợi kết quả.
Nhưng điều đó không dễ đối với các hộ dân nói chung, khi chọn theo đuổi cây mắc-ca.
Bảy năm đằng đẵng…
Ông Tam cho biết, bước đầu Lasuco hướng đến mục tiêu tạo vùng nguyên liệu 5.000 ha. Nếu thành công, ông kỳ vọng riêng tại Thanh Hóa sẽ gây dựng được 20.000 ha đến năm 2020 và mắc-ca sẽ là một trong những đóng góp chủ lực cho GDP địa phương này.
Thế nhưng, vị Anh hùng Lao động này cũng thừa nhận, có một khó khăn khi thuyết phục các hộ dân đi theo mình. Bởi lẽ, thực tế thành công với mắc-ca tại Việt Nam chưa nhiều, vùng Bắc Trung Bộ không hẳn là đắc địa khi so với Tây Nguyên, và quan trọng nhất là quãng thời gian đằng đẵng từ khi trồng cho đến thời điểm có thể cho thu hoạch, thu hồi vốn…
Tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), một thực tế bất ngờ khi có hộ chỉ sau 2 năm cây đã cho thu hoạch và sau 3 năm đã thực sự làm giàu được; thậm chí đến năm thứ 8 đã đạt đỉnh cao 25kg/cây. Nhưng thuận lợi này không nhiều, ngay cả tại địa bàn lý tưởng về khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam là Lâm Đồng.
Trồng mắc-ca có chi phí ban đầu khá cao, chi phí phát sinh hàng năm cũng đáng kể. Trong khi đó, điểm chung của nhiều hộ dân là nguồn vốn hạn chế, vốn vay trung dài hạn khó với, vay được còn là áp lực lãi suất.
Thử thách lớn nữa là ý chí theo đuổi và sự kiên nhẫn chờ đợi quãng thời gian thông thường phải 5 năm mới có thể thu hoạch mùa đầu, nếu thuận lợi phải 7 năm mới cho lãi.
Đây là quãng thử thách mà Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đặt ra khi xúc tiến đề án phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên, cũng như làm cơ sở để hoạch định chính sách hỗ trợ vốn.
Tính toán của đầu mối này cho thấy, trên thực tế thí điểm thành công tại Tây Nguyên, phải mất 5 năm các hộ dân mới thu được bình quân 5kg hạt/cây. Mức tăng từ 2-3kg hạt dần lên qua các năm, và đỉnh cao có thể đạt 20kg/cây sau 10 năm.
Bài toán trở nên thử thách khi cân đối chi phí vốn đầu tư. Tính toán tương đối, nếu trồng thuần, đến năm thứ 5, mỗi ha mắc-ca hộ dân trồng (có chi phí đất và nhân công thuận lợi hơn doanh nghiệp) phải bỏ ra tổng chi phí vốn lũy kế khoảng 199 triệu đồng, trong khi doanh thu chỉ khoảng 120 triệu đồng.
Với năng suất hạt tăng lên những năm sau theo đặc điểm của loại cây này, với giả định giá bán ổn định, phải đến năm thứ 6ước tính cân đối doanh lũy kế/tổng chi phí lũy kế mới đạt khoảng 288/245 triệu đồng; đến năm thứ 7 mới thực sự cho lãi cao với cân đối tương ứng khoảng 528/286 triệu đồng.
Với doanh nghiệp, chi phí đầu tư cao hơn, nên theo ước tính trên phải đến năm thứ 7 mới có thể chớm lãi và lãi cao từ năm thứ 8…
Quãng thời gian đó cùng áp lực chi phí, trong khi hiệu quả còn phía trước, là bài toán thử sức bền đối ý chí và quyết tâm của các hộ dân, doanh nghiệp khi đến với cây mắc-ca.
“Thử thách đơn độc”?
Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, tại một số điểm bán lẻ ở Hà Nội, giá hạt mắc-ca lên tới trên 500.000 đồng/kg. Nó trở nên “xa xỉ” với đại chúng, dù có yếu tố ảo hàng hiếm dịp Tết và đang được một bộ phận người tiêu dùng tò mò tìm mua.
Tìm mua, bởi tại các đô thị như Hà Nội mới chỉ có lẻ tẻ điểm bán, chưa có nhà phân phối lớn. Nguồn hàng chủ yếu nhập khẩu từ Úc và Mỹ.
Tại hội thảo phát triển cây mắc-ca đầu tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, nhấn mạnh trong tham luận của mình rằng: trên thị trường Việt Nam, giá bán có thể từ 150.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại và mức độ chế biến. Nhưng khi được sản xuất ở quy mô lớn, giá sẽ về sát mặt bằng thế giới, ở khoảng 60.000 đồng/kg và trở nên đại chúng hơn ở thị trường nội địa.
Thị trường cũng chính là thử thách tiếp theo trong bài toán theo đuổi mắc-ca tại Việt Nam.
Theo tính toán và dự báo của TS. Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, thị trường toàn thế giới đến năm 2020 cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương với khoảng 650.000 tấn hạt), trong khi dự tính nguồn cung cấp đến thời điểm đó mới chỉ đáp ứng được khoảng 25 – 30% lượng cầu.
Ông Kim Winson, Chủ tịch Hiệp hội mắc-ca Úc nhận định, dù diện tích mắc-ca toàn thế giới tăng gấp 4 lần thì giá trị vẫn không thay đổi,trong khi loại cây này kén điều kiện khí hậu thổ nhưỡng…
Với câu hỏi đầu ra, một đầu mối triển khai quy mô lớn là Công ty Him Lam tự tin trước hết ở nhu cầu của thị trường nội địa. Công ty này đã đưa ra cam kết bao tiêu toàn bộ cho các hộ dân tham gia Hiệp hội Mắc-ca Tây Nguyên (đang triển khai thành lập), cũng như mua bảo hiểm cho họ trong quá trình sản xuất.
Trong tháng 2/2015, Him Lam cũng đã xúc tiến việc tham gia Hiệp hội Mắc-ca Úc để chủ động hơn về kỹ thuật, công nghệ trong tạo giống, trồng và chế biến sản phẩm, cùng với việc lập đề án xây dựng nhà máy chế biến trực tiếp tại Lâm Đồng.
Phía đầu mối LienVietPostBank cho biết hiện đã sẵn sàng giải ngân nguồn vốn trung dài hạn, lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các hộ dân khu vực Tây Nguyên đầu tư vào loại cây này.
Ở hướng xuất khẩu, với triển vọng cung – cầu nói trên, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia có thể mạnh ở mặt hàng mắc-ca.
Tuy nhiên, hướng đi này đòi hỏi chuẩn hóa nguồn giống ngay từ đầu để có chất lượng sản phẩm tối ưu, sớm xây dựng thương hiệu mắc-ca Việt Nam để sẵn sàng nhập cuộc với thế giới trong 5-7 năm tới.
Trong những yêu cầu đó, đến nay các hộ dân và doanh nghiệp vẫn đang đứng trước một thử thách khác: “thử thách đơn độc”. Bởi hiện vẫn chưa có sự vào cuộc cụ thể, có tầm và có chiến lược rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách

SỰ LỰA CHỌN KHI HÃNH DIỆN HAY XẤU HỔ?

Nguồn : Vững Đại Phát

Tác giả : Tiến sĩ Alan Phan
29/10/2013
Một người hãnh diện luôn “nhìn xuống” vật thể và người khác ; do đó, khi nhìn xuống, chúng ta không thể thấy bất cứ điều gì “bên trên” chúng ta (A proud man is always looking down on things and people; and, of course, as long as you are looking down, you cannot see something that is above you – C.S. Lewis)
Vài bạn đọc gởi đến tôi một bài viết có tựa đề là, “Đâu Là Nơi Duy Nhất Người Việt Nam Không Bị Khinh Bỉ”, của một tác giả Việt Kiều. Sau khi chu du khắp thế giới và chịu đựng những khinh miệt vì lỡ “làm” người Việt, kể cả ở VN nơi mà các ông bà ba lô Mỹ trắng được yêu chuộng hơn, tác giả mới khám phá ra nơi duy nhất mà người Việt không bị khinh miệt là xứ Mỹ.
Bài viết chứa đựng những chi tiết khá chuẩn xác và phổ thông, mà mọi người đều đã cảm nhận không ít thì nhiều khi tiếp cận với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng những vụ việc kể lại có thể nhìn qua một lăng kính khác, mà không cần đem yếu tố dân tộc liên quan vào.
Cho tôi vắn tắt: những khinh khi rẻ rúng mà các bạn Việt thường xuyên gặp phải, vốn bắt nguồn từ những nguyên nhân đơn giản trong đời sống hàng ngày của nhân loại qua nhiều thời đại; chứ không phải là một hiện tượng đặc thù của dân tộc ta.
Tự hào ngược đời
Tuy nhiên, trước khi phân tích các yếu tố này, tôi muốn ghi nhận một nghịch lý (có lẽ là một phản ứng thì đúng hơn). Đó là càng bị chê bai khinh thị, con người càng bị tự ái làm mờ mắt và “chảnh” hẳn ra, ngôn ngữ thời đại gọi là “lòng tự hào” đi quá đà về mặt tâm thần (đến tận đỉnh cao). Thắng được một giải bóng đá do hãng bia địa phương tổ chức là sẵn sàng để vào chung kết với Brasil trong World Cup năm tới. Vừa được 2, 3 tờ báo lề phải gọi là siêu sao (mà mình phải bỏ tiền cho chúng viết) là mang niềm tin chắc nịch về vương miện Miss Universe đang thiết kế cho mình. Tôi còn nhiều thí dụ rất thú vị, nhưng dành cho các BCA “còm” chơi, và cũng vì không muốn chạm tự ái của ai.
Một yếu tố khác mà tác giả ghi nhận là chỉ có ở xã hội Mỹ, con người Việt của ông mới không hề bị xúc phạm. Thực ra, trong một quốc gia luôn thượng tôn pháp luật như tại Mỹ, việc kỳ thị chủng tộc là một hành vi phạm pháp. Thêm vào đó, từ hồi luật nhân quyền (civil rights) được ban hành (1964), xã hội Mỹ đã biến cải rất nhiều trong tâm thức người dân về chủng tộc hay tôn giáo. Khi dân Mỹ chọn Obama làm Tổng Thống, gần như trang sử Mỹ về kỳ thị mầu da coi như đã khép lại. Nhưng không có nghĩa là người dân Mỹ không kỳ thị.
Mặc dù cảnh sát Mỹ luôn gọi mọi người là “sir” (ngài), các tội phạm vẫn thường xuyên bị dùi cui mỗi khi “khó bảo”. Trong mắt nhân viên công lực Mỹ, tỷ lệ phạm pháp của dân da đen hay dân gốc Mễ rất cao, do đó đây là thành phần cần được nhắm tới (targeted) trong công vụ hàng ngày. Họ hoàn toàn không kỳ thị chủng tộc (một bộ phận không nhỏ lập gia đình với người Mỹ đen hay gốc Mễ), nhưng cách đối xử của họ với dân đen hay gốc Mễ chắc chắn là “rough” so với một anh chị Mỹ trắng.
Việt cồ hay vịt con?
Quay lại những yếu tố mà tôi cho là làm người Việt cảm thấy bị khinh miệt, tôi có thể suy ngẫm ra…vài điều sau đây. Xin nói rõ là trong bài “phiếm luận” này, tôi không hề vơ đũa cả nắm; bởi vì những thành quả vẻ vang của nhiều cá nhân Việt là một sự kiện không ai chối bỏ.
1. Nghèo là một cái tội
Dĩ nhiên, nghèo không phải là một “tội”; nhưng gần như khắp thế giới, nghèo vẫn bị coi như là “đáng xấu hổ”. Cái thước đo “nhân cách” con người, tốt hay xấu, thiện hay ác, không liên quan đến chuyện giầu nghèo, nhưng nhân loại vẫn thích đem yếu tố này vào để xác định. Do đó, nếu đã đồng ý là “dân giàu nước mạnh” thì đừng ngạc nhiên khi các quốc gia và dân tộc láng giềng cho chúng ta là “dưới kèo” vì cái con số GDP mỗi đầu người không dấu ai được.
Ông bà ta có dậy rằng “nghèo cho sạch, rách cho thơm” nhưng nếu chúng ta mở rộng đầu óc hơn để tập làm “giàu mà sạch, lành mà thơm” thì chúng ta đã có thể thay đổi khá nhiều cho nhân cách và giá trị của con người Việt.
2. Kiến thức tụt hậu và suy thoái
Rất nhiều bạn trẻ khi lập gia đình hỏi tôi về điều kiện bền vững nhất trong một hôn nhân về lâu về dài? Tôi nói,” đừng bao giờ lấy một người ngu…nhất là khi người ngu ấy rất “kiên định” về lập trường ngu của mình…”. Tình yêu, sắc dục, tiền bạc, danh giá và ngay cả nhân cách có thể bị phai mờ biến thể…nhưng kiến thức thì ngàn đời. Nhất là trong thời buổi của tiến bộ vượt tốc…những gì nhân loại nắm biết trong 50 năm vừa qua nhiều hơn cả 5 ngàn năm trước đó.
Khi tóc đã điểm sương, con cái đã rời tổ ấm, của cải danh tiếng đã trôi đi cùng dâu biển…không gì tệ hại hơn là ngồi tỉ tê tâm sự với một cái đầu đất. Do đó, khi các bạn trên thế giới nhìn mình với cặp mắt thương hại …vì một sự ngu dốt tập thể…thì ít nhất cũng nên biết đau xót…thay vì hãnh diện ngược đời.
3. Thường xuyên phạm luật
Như những nhân viên công lực Mỹ đã bàn qua bên trên, khi họ phải đối diện hàng ngày với những vi phạm pháp luật từ một thành phần dân số, họ sẽ xếp loại nhanh chóng thiểu số này để đối phó cho hữu hiệu. Tại các quốc gia mà “pháp luật nằm trong tay cảnh sát” thì cách đối xử với người Việt quả là có sự khác biệt: các tin tức về nạn ăn cắp tại các cửa hàng bên Nhật; tình trạng trồng và buôn bán ma túy tại Úc và Canada; các tổ chức xã hội đen tại Âu Châu; trốn thuế lường gạt tại Mỹ…là những hành động của thiểu số nhưng mọi người Việt phải trả giá…
Nếu khi đi qua cửa di trú hay hải quan mà bị “chận” lại vì mang hộ chiếu Việt, chúng ta nên hiểu là đồng hương chúng ta phạm luật hơi nhiều, nên các cơ quan công lực phải lưu tâm. Tôi không nghĩ là người Nhật hay Singapore yêu hay ghét người Việt, họ chỉ hành xử theo thói quen mỗi ngày.
4. Bị ảnh hưởng Trung Quốc quá đậm
Cũng cùng chịu ảnh hưởng của văn minh Khổng Mạnh Lão, nhưng dường như người Việt đồng hóa với người Hán nhiều hơn là các dân tộc Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mông Cổ. Thú thực, nếu bịt tai và tình cờ thức giấc tại một tỉnh nhỏ ở miến Bắc, tôi sẽ nghĩ mình đang ở một tỉnh nào bên Trung Quốc. Hiện nay, trên khắp thế giới, các chú “con Trời” không được ái mộ cho lắm vì lối xử sự hơi “nhà quê” dù mang tiếng là công dân của một siêu cường.
Do đó, nếu thiên hạ cho mình là những chú “Mao con”, thì phải ráng mà bắt chuột thôi. Mèo đỏ, mèo đen…mèo gì thì cũng là mèo.
Có thể có những yếu tố khác ngoài 4 yếu tố trên để giải thích sự kiện này. Có thể vì chúng ta nhiều anh hùng quá, nên nhân loại ganh tị và bầy trò thử thách? Có thể vì đất nước này tiền rừng bạc biển, nên nhân loại không chấp nhận để mình “xin-cho” mãi? Dù sao, tôi nghĩ là hiện tượng này còn kéo dài trong vài thập kỹ nữa vì chúng ta rất “kiên định” trong việc xây dựng một thiên đường mới (hay là một nhà thương điên?)
Vẫn do ta chọn lựa
Tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn trẻ là đừng bực bội hay thất vọng. Vài chục phút bị rẻ rúng có thể là động lực bắt chúng ta cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện bản thân mình. Nghĩ cho cùng, chỉ những anh chị đầu đất mới quan tâm là mình từ đâu “rớt ra”. Chúng ta chỉ nên lưu ý đến những chỗ chúng ta “cho vào”? Vì rớt ra là một tai nạn tình cờ của vài nguyên tử trong vũ trụ. Còn cho vào là một sự lựa chọn hoàn toàn có chủ đích. Chúng ta không được chọn tổ quốc hay gia đình hay nguồn cội; chúng ta chỉ phải chọn nhân cách, kiến thức và thành quả.
Tấm gương mình tự soi mặt mỗi sáng là niềm tự hào hay xấu hổ. Hình ảnh mình trong cặp mắt người khác chỉ là thoáng qua.
Alan Phan

Hạnh phúc mang thương hiệu Việt

Nguồn : Vững Đại Phát

Theo Blog Nguyễn Hoa Lư – tintuchangngayonline.com - 27 Aug 2014
Trong một thế giới đầy bất an và nhiều hiểm họa, chúng sinh ngụp lặn trong bể khổ mênh mông thì chỉ số hạnh phúc của người Việt thực sự là một kì quan đáng ngưỡng mộ. Thứ hạng hạnh phúc cao ngất và ổn định trong nhiều năm qua đẹp như trong những giấc mơ hoa.
Năm 2009, tổ chức News Economics Foundation (NEF) nghiên cứu 143 quốc gia để xếp hạng hạnh phúc[1] . Trong danh sách xếp loại, xứ sở sương mù Anh Cát Lợi ngoi ngóp ở thứ hạng 74, dân xứ Cờ hoa bê bết ở hạng 114 thì Việt Nam đứng thứ 5! Năm 2012, trên đường đua hạnh phúc, người Việt tiếp tục vượt lên, ngoạn mục chiếm bảng á khoa[2] . Chỉ vài ngày trước, bộ Nội vụ kết hợp với Ngân hàng Thế giới trịnh trọng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng 80% dân chúng nước Việt hoàn toàn hài lòng về dịch vụ hành chính công của xứ sở mình[3] .
Những con số khiến bất kỳ con dân nước Việt nào nghe qua cũng toát mồ hôi vì sững sờ. Tôi thành thật tin rằng nếu Goehthe vĩ đại của nước Đức còn sống, cụ phải sửa câu nói bất hủ của mình, rằng “cây đời đang héo rũ nhưng lí thuyết thì vĩnh viễn mướt xanh!”.
Muốn “thưởng lãm” tâm trạng hài lòng của người dân với dịch vụ công thế nào, xin mời đến các bệnh viện công, nhìn đám bệnh nhân và người nhà vật vờ lên xuống tất hiểu rõ. Muốn trãi nghiệm hành trình các loại giấy tờ, xin hãy tự mình đi làm một cái sổ sở hữu nhà đất. Muốn học bài học về các thủ tục xét duyệt, mời theo chân các nhà giáo nghèo dạy học ở vùng sâu vùng xa, trường kì phục vụ sự nghiệp trồng người, tóc đã hoa râm, đang ngóng chờ ngày về lại thành phố.
Xã hội vui đến mức khi bước vào một dịch vụ công, được đón tiếp bằng những nụ cười hay một câu hỏi thân mật, người dân sẽ giật bắn người vì sửng sốt!
Hãy quay lại với chỉ số hạnh phúc cao ngất của người Việt và tìm hiểu xem vì sao có những kì tích vẻ vang như vậy.
Mọi sự xếp hạng đều qua những tính toán khoa học từ các số liệu thực tế của ngành thống kê. Khoa học này đạt đến những thành tựu vĩ đại nhưng khi bước chân vào xứ An Nam đều “phán bảo” những kết luận “trớt quớt” cả. Nói nghiêm túc thì đó là những kết luận hoàn toàn ngớ ngẫn.
Kết luận ngớ ngẫn vì dữ liệu thực tế không chính xác. Sự vô trách nhiệm của những nhân viên lấy thông tin góp phần quan trọng trong thành tích không mong muốn này [4] .
Có một yếu tố khác, đó là tính cách và văn hóa của người Việt.
Với đa số lao động nghèo thành phố hàng ngày sấp ngửa kiếm ăn thì tinh thần trách nhiệm công dân trong việc trả lời các phỏng vấn là một tố chất phù phiếm.
Vậy nên khi hỏi họ các câu hỏi dạng “trắc nghiệm khách quan” kiểu như “Ông bà có hài lòng về vợ/ chồng mình không? Ba sự lựa chọn sau:
a) Chung thủy và có trách nhiệm với gia đình.
b) Bình thường.
c) Hư hỏng, đổ đốn”
Những người có chút am hiểu văn hóa Việt đều biết rằng người được hỏi phần nhiều chọn “phương án a”. Lý do ư? Đây là giấy tờ “văn bản của nhà nước” chứ không phải chuyện giỡn chơi. Chẳng lẽ lại vạch áo cho người xem lưng? Có gì đóng cửa bảo nhau nhé. Nếu người phỏng vấn lại được ông khóm trưởng dẫn đến thì cái sự hài lòng là tột đỉnh. Vì sao ư? Nếu dấu hiệu tiêu cực để lại trên giấy trắng mực đen thì cái bằng “Gia đình văn hóa” cuối năm coi như mất đứt.
Với tầng lớp công chức nhà nước, mỗi năm đều có tổng kết thi đua, chưa kể các cuộc vận động lập thành tích chào mừng ngày này ngày nọ, các đợt học tập và làm theo người nọ người kia. Tất cả phải viết bản thu hoạch. Bản thu hoạch có nhiều mục và mục “thống soái” luôn luôn là “tư tưởng chính trị đạo đức”. Người viết cắm cổ ghi cái câu có sẵn trong tiềm thức: “Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng. Luôn luôn chấp hành đầy đủ mọi chủ trương chính sách nhà nước”. Vậy nên mới có chuyện khi cả cơ quan chuẩn bị nạp thu hoạch là một ai đó xung phong viết một bản, thường là tìm ngay trên mạng, sau đó chỉnh sửa ngày tháng, tên cơ quan, tên cuộc vận động và “se” (share) cho mọi người. Năm qua đi, tháng qua đi, cái sự vô cảm, cái sự lười nhác và vô trách nhiệm ấy trở thành một “hiện thực sống động”.
Và nếu phải chọn phương án nào trong câu hỏi về xã hội, tỉ lệ hài lòng luôn luôn áp đảo. Không hài lòng ư? Đã bắt đầu có dấu hiệu suy thoái đạo đức, mất phương hướng, chậm tiến rồi nhé. Bút sa gà chết, nếu gặp phải một ông sếp quá nhiệt thành và nhạy cảm thì đường công danh coi như từ nay xin vĩnh biệt!
Chút cắn rứt lương tâm với trí thức An Nam được thoa lên bằng thứ dầu cù là của các mỹ từ đạo đức rất hiệu nghiệm.
Dù đạt được thành tựu ngoạn mục trên trường Quốc tế trong bảng xếp hạng hạnh phúc, báo chí An Nam muốn chứng tỏ đức khiêm nhường và tự trọng khi không hề có sự tung hô như vẫn thường thấy. Chỉ có những bài viết thể hiện sự băn khoăn đầy tự ti mặc cảm. Sao vậy cà? Thế giới công nhận, tại sao mình lại không? Tại sao không nhân dịp này tổ chức chiến dịch quảng bá rầm rộ cho thương hiệu “Hạnh Phúc Việt?”
Người Đức lập viện Goethe, dân Trung Hoa có viện Khổng Tử. Người Việt mình nên theo gương đó, lập viện “Hạnh Phúc Việt”, mang hạnh phúc gieo trồng cho mọi quốc gia dân tộc. Đó là sứ mạng cao quý của loài người mà An Nam mình nên mau mau gánh vác!
Nguyễn Hoa Lư
—————————-