Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Định giá quá cao là vấn đề của cổ phần hóa ở VN’

Nguồn : Vững Đại Phát

Theo BBC – 11 Mar 2015
Một chuyên gia tài chính nước ngoài cho rằng trở ngại chính trong nỗ lực cổ phần hóa là định giá bán cổ phần quá cao.
DNNN
Vào tuần này Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh, ký quyết định ban hành nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 cho Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo đó đẩy nhanh việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay.
Ông Kevin Snowball, Giám đốc Điều hành Quỹ Tài sản PXP Vietnam nói với BBC hôm 11/03 rằng có hai lý do chính khiến tiến trình cổ phần hóa không được thành công cho tới nay.
“Đó là do việc đưa ra giá bán cổ phần quá cao cũng như thực trạng các nhà đầu tư không có đủ thông tin để đưa thể quyết định trên cơ sở có các thông tin đó. Tức là vừa thiếu minh bạch và vừa thiếu sự quảng bá rộng rãi.
“Hàng chục công ty được cổ phần hóa nhưng không mấy công ty có thể được xem là thành công.
Trước câu hỏi về việc có phải giới đầu tư nước ngoài còn lưỡng lự trước các công ty trong danh sách cổ phần hóa vì họ không có ghế trong hội đồng quản trị, ông Snowball cho rằng không hẳn là như vậy.
“Chúng tôi là các nhà đầu tư tài chính chứ không phải nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi muốn mua cổ phần các công ty vận hành tốt nhưng có giá cổ phiếu rẻ chứ không phải các công ty hoạt động kém mà giá cổ phiếu lại quá cao.
“Vấn đề lớn nhất theo tôi là định giá bán cổ phần quá cao. Chắc chắn là có các công ty hấp dẫn nhưng vấn đề cốt lõi là đối với chúng tôi là nhà đầu tư tài chính thì tại sao chúng tôi phải quan tâm tới một công ty mà chúng tôi thấy không có lợi về tài chính khi đầu tư vào.
Chúng tôi muốn mua cổ phần các công ty vận hành tốt nhưng có giá cổ phiếu rẻ chứ không phải các công ty hoạt động kém mà giá cổ phiếu lại quá cao
Kevin Snowball, Giám đốc Điều hành Quỹ Tài sản PXP Vietnam
Khi được hỏi về khả năng có thể cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp như chính phủ Việt Nam kỳ vọng trong năm nay, ông Snowball nói rằng mục tiêu đó là có thể thực hiện được về mặt “lý thuyết” nhưng có những vấn đề “kỹ thuật” cần phải giải quyết như sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tới qui mô nào.
Trong khi đó vào tuần này chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với BBC rằng việc cổ phần hóa số doanh nghiệp này, vốn được đề ra cho giai đoạn 2013-2015, đã bị “chậm lại đáng kể”.
Cũng theo bà, áp lực chạy theo đúng tiến độ có thể khiến cổ phần các doanh nghiệp nhà nước bị bán với giá rẻ, trong khi chất lượng quản trị lẫn tính minh bạch đều không được cải thiện.
“Tôi sợ nhất là kịch bản làm gấp để kịp với tiến độ mà làm với bất cứ giá nào thì sẽ gây ra tổn thất cho nền kinh tế, mà các doanh nghiệp đó cũng không có gì đảm bảo sẽ làm tốt hơn.
“Nói là tài sản nhà nước, nhưng thực chất đây là tài sản của dân, nếu bị tiêu tán bất hợp lý thì phải có người chịu trách nhiệm.
Vào đầu tháng này, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam nói rằng các kế hoạch cổ phần hóa của chính phủ là “đáng hoan nghênh” tuy nhiên cổ phần hóa “cần có ý nghĩa thực sự.”
“Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước gần đây đặt ra các câu hỏi về mức độ cải thiện thực trạng quản trị và điều hành có hiệu quả với sự tham gia rất hạn chế từ khu vực tư nhân”, ông Sanjay Kalra được báo Wall Street Journal trích dẫn phỏng vấn với báo này.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hồi tháng 11 năm ngoái khi Vietnam Airlines bán IPO, ông Kevin Snowball nói với BBC rằng “Việt Nam giới hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức tối đa là 49% cho thấy là Việt Nam chưa sẵn sàng để cho thị trường chứng khoán vận hành theo cách mà đáng ra phải vận hành như tại những nơi khác.
“IPO là bước đi cốt để cung cấp nguồn tiền mặt thì dường như đã và đang không có mấy kết quả. Chúng ta đang đối diện rủi ro là cứ để tình trạng này càng kéo dài bao lâu thì nó chỉ càng thêm tiêu cực.
“Rồi sẽ đến lúc người ta sẽ hỏi rằng liệu có cần phải có thị trường chứng khoán không và làm gì với nó. Tức là chính phủ Việt Nam không có chính sách rõ ràng việc họ muốn phát triển thị trường chứng khoán tại Việt Nam như thế nào,” ông Snowball nói.
(BBC)

Nơi chốn của “Nhất”

Nguồn : Vững Đại Phát

Tuấn Khanh - 11 Mar 2015
Năm năm nữa, bắt đầu từ hôm nay, tượng phật Thích Ca cao nhất thế giới sẽ được xây tại An Giang, Việt Nam. Tượng dự trù cao 81m, được khắc vào núi Sam. Theo lời mô tả trong lễ khởi công ngày 5/3, thì đây “là cơ hội để ngành du lịch tỉnh An Giang thu hút nhiều hơn nữa du khách gần xa, đưa thành phố Châu Đốc phát triển xứng tầm với tiềm năng và trở thành trung tâm thương mại, du lịch quan trọng của tỉnh An Giang”.
Năm năm nữa, không chỉ là tượng Phật Thích Ca, mà có thể sẽ có rất nhiều cái nhất nữa được ra đời trên đất nước này, cùng với danh sách những cái “nhất” mà người dân Việt Nam vẫn nghe thấy hàng ngày. Từ tô hủ tíu lớn nhất, cái bánh chưng lớn nhất… cho đến tháp truyền hình cao nhất, tượng đài lớn nhất… Người Việt đang bước vào thời kỳ chạy đua niềm vui với cái “nhất”. Cuộc đời trần tục hầm hập phả hơi nóng của cái “nhất” từ miếng ăn đến tận linh hồn tín ngưỡng, khiến mọi thứ phải là “nhất”: người ta chen nhau giật lá bùa, giật cái ấn, cướp cái phết… đến vật vã để mình được là “nhất”.
Người Việt dường như đang muốn mình đứng nhất bằng mọi giá, thậm chí tay đôi vay trả với thần thánh. Các chùa chiền, miếu đình được dân chúng rãi tiền, nhét vào tay tượng Phật… như một cách đút lót cho tương lai. Lối ứng xử không khác nào dành cho các loại tà thần, ôn hoàng, dịch lệ. Sự mê đắm hưởng thụ nhưng thiếu văn hóa tâm linh nền tảng khiến con người tin rằng chỉ cần sòng phẳng là có thể được cái “nhất” mà mình muốn. Cũng như chạy đến ngã tư, lỡ vượt đèn đỏ, nhét vội tiền cho anh Cảnh sát giao thông thì đường sẽ lại thênh thang. Thật mâu thuẫn khi mưu cầu một điều an lành cho chính bản thân mình, người Việt lại có thể chen nhau, đánh, giành giật với mọi thủ đoạn. Trong cõi hỗn loạn đó, có khi được coi là lễ hội phục dựng, cũng có khi là đời thường, mà những “nhất” được hình thành. Một loại “nhất” mà bất kỳ ai có lòng với đất nước mình cũng phải lắc đầu ngao ngán.
Nhưng liệu, người Việt đã đủ lớn để kiểm soát những cái nhất của mình chưa? Tô hủ tíu lớn nhất ở Đồng Tháp, có thể cho 1000 người ăn, được trình diễn vào đầu tháng 2 này đã phải đổ bỏ hơn 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp… vì không ăn được nữa trong một thời gian ngắn. Chính quyền ở Đồng Tháp chắc chắn không vui vì công trình kỷ lục nhất của họ không hoàn hảo. Nhưng hàng ngàn gia đình thiếu đói trong cùng thời điểm đó ở Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa và Gia Lai… chắc không vui gấp bội trước những điều mỉa mai như vậy.
Không bao lâu, Tháp truyền hình cao nhất thế giới của Việt Nam sẽ được xây dựng. Lại có thêm một cái “nhất” nữa trong bảng thành tích của Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với tháp cao ngất nhất đó khi nhiều chương trình truyền hình vẫn nằm dưới mức mong đợi của khán giả? Táo quân 2015 chỉ là một chương trình hài hước giải trí nhưng bị gây khó dễ đến mức râm ran tin đồn sẽ không còn phát tiết mục này nữa, do nhạy cảm với những vấn đề thời sự mà vốn ai ai cũng biết – những thứ nhầy nhụa thực tế ở tầng trên nhưng lại không được phép nhắc đến.
Sân bay lớn nhất ở Long Thành đang được dồn dập đòi xây, thay cho sân bay Tân Sơn Nhất chưa xài hết công suất. Liệu cái “nhất” được dựng nên, có thay đổi được nạn máy bay trễ giờ, bay-đáp nhầm sân bay, báo cấp cứu vô lý hoặc nạn sách nhiễu vòi tiền, rạch hành lý của hành khách không?
Tượng đài Mẹ anh hùng 411 tỷ đồng ở Quảng Nam cũng thuộc hàng “nhất”, nhưng trong tỷ lệ nghèo đói cả Việt Nam, Quảng Nam cũng chiếm đến 11% của cả nước. Ông Lê Văn Lai, Đại biểu quốc hội của Quảng Nam, từng mô tả rằng “Bóng ma nghèo đói vẫn ám ảnh. Những hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo, chỉ gặp một rủi ro nhỏ trong cuộc sống, sau một giấc ngủ sáng dậy là có thể nghèo lại ngay”. Ôi, cuộc sống thật mong manh, chỉ có tượng đài là bền vững.
Chưa bao giờ Việt Nam xuất hiện nhiều chùa, nhiều tượng to lớn đến ngộp như hôm nay. Những quốc gia ngưỡng Phật như Đài Loan, Hồng Kông… trong tương lai có thể sẽ không có nhiều danh lam, đại tượng… như Việt Nam – không nhiều cái “nhất” như Việt Nam. Rồi bên cạnh những cái nhất về vật chất, nghịch cảnh về sư, ni… trên đất nước này luôn là điều khiến người ta phải trầm ngâm: liệu cứ Chùa lớn đã là có linh Phật? Trong bộ truyện Gantz của tác giả Hiroya Oku, những đền đài và tượng Phật chính là chỗ cư ngụ của quỷ. “Trong rỗng không vô nghĩa mà con người dựng nên, đó là nơi chốn tốt lành của chúng ta”, Ngạ quỷ trong Gantz vui mừng nói vậy.
Tuấn Khanh
(Blog Tuấn Khanh)