Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc?

Thời đại nào là rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc?
Tác Giả: GS Nguyễn Văn Tuấn – Blog – 9 June 2015
Nếu được hỏi thời đại hay triều đại nào là huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc, bạn sẽ trả lời ra sao? Trả lời câu hỏi này hơi khó, vì đòi hỏi kiến thức lịch sử tốt và đánh giá khách quan. Thế nhưng đối với ngài Tổng Trọng thì câu trả lời đã dứt khoát: Thời đại Hồ Chí Minh.
Trong bài diễn văn kỉ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngài tổng bí thư nói “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam,” rồi hình như chưa đủ, nên ngài thêm: “là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội” (1). Ông giải thích rằng sở dĩ thời đại HCM là vàng son nhất vì VN từ một nước thuộc địa trở thành độc lập, tự do; vì phát triển theo xã hội chủ nghĩa; vì nhân dân từ nô lệ thành người làm chủ đất nước; vân vân.
Cố nhiên, đó là nhận xét và quan điểm của ngài. Có người đồng tình, nhưng tôi nghĩ số người không đồng tình chắc cũng ngang ngửa thậm chí cao hơn số người đồng ý. Những người không đồng tình chắc chắn xem xét đến những sự thật sau đây trong cách nhìn của họ:
Có ai dám chắc là nước ta đã độc lập, khi khái niệm này còn rất mơ hồ. Trong thực tế, VN lệ thuộc vào Tàu một cách đáng sợ về kinh tế và chính trị. Nước ta vẫn theo cái chủ nghĩa đã hết sức sống, mà chỉ cần đọc cái tên của chủ nghĩa đó là làm thế giới nhăn mặt. Khi mà người dân chưa được quyền đi bầu để chọn người xứng đáng thay mặt mình quản lí đất nước thì rất khó nói rằng người dân đã thật sự làm chủ đất nước.
Còn tự do thì chắc chắn nhiều người không đồng ý. Các tổ chức thế giới xếp VN vào những nước có hạn chế tự do báo chí nhất thế giới. Các nước cứ liên tục nhắc nhở VN nên tôn trọng quyền con người của công dân. Còn về kinh tế, cho đến nay, VN vẫn là một trong những nước nghèo trên thế giới, và đang bị rớt vào cái bẫy thu nhập trung bình. Chẳng những nghèo, mà khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng gia tăng. Người dân hiện đang gánh trên vai hàng trăm loại thuế và chi phí, khổ hơn cả thời VN còn là thuộc địa của Pháp. Một vị thiếu tướng QĐND mới đây phát biểu rằng “Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa” (2).
Vị thế của VN vẫn còn rất thấp. Người VN cầm hộ chiếu VN ra nước ngoài không được chào đón thân thiện như người Nhật, Singapore, Hàn, Thái, Mã Lai, v.v. Hiện nay, VN đứng hạng 81 về hộ chiếu được chấp nhận trên thế giới, tức miễn visa, và thứ hạng này còn thấp hơn cả Lào (hạng 80) và Campuchea (hạng 79).
VN đang ở thế bất lợi trên trường quốc tế và không được cộng đồng quốc tế kính trọng. Ngay cả nước láng giếng nhỏ là Kampuchea đã bắt đầu khinh thường và lên lớp VN! VN còn bị xếp hạng vào nước bủn xỉn nhất nhì trên thế giới, chỉ biết ăn xin mà chẳng giúp ai.
Và, người ta khinh VN ra mặt. Mới đây thôi, một viên chức Nhật Bản đặt câu hỏi trước báo chí VN [mà có thể hiểu nôm na] rằng “các anh còn ăn xin đến bao giờ nữa”? Viên chức này còn lên giọng mắng VN như mắng con: “Nếu có vụ tham nhũng nữa, Nhật sẽ ngưng viện trợ ODA cho VN”. Bất quá tam. Là người Việt Nam có tự trọng ai cũng cảm thấy nhục trước lời mắng mỏ đó.
Rất khó nói là thời đại huy hoàng khi mà đất nước đã bị mất mát về biển đảo cho giặc Tàu mà ngài xem là “anh em đồng chí”. Ngài cũng không nhắc đến những mất mát trên đất liền cũng cho cái đất nước mà một số người Việt ngọt ngào gọi là “đồng chí”, là “bạn”.
Ngài tổng không nói đến một thực tế rằng chưa có thời đại nào trong lịch sử dân tộc mà hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi, và hàng trăm ngàn người chết trên biển cả và rừng sâu trên đường tìm tự do. Đó là chưa nói đến hơn 3 triệu người bỏ mạng trong cuộc chiến huynh đệ mà đến nay vẫn chưa được đặt tên.
Chưa có thời đại nào mà hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam bỏ quê đi làm vợ cho ngoại nhân Hàn, Đài, Tàu như hiện nay. Cũng chưa có thời đại nào mà nhân phẩm của người phụ nữ VN bị rẻ rúng và nhục nhã như hiện nay, được quảng cáo trên báo chí quốc tế như là những món hàng.
Những sự thật trần trụi và gần gũi đó (vẫn chưa đủ) cho thấy chúng ta khó có lí do để tự tuyên bố rằng thời đại HCM là rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.
Vậy thì câu hỏi là thời đại nào đáng tự hào và huy hoàng nhất? Thoạt đầu, tôi nghĩ ngay đến triều đại Nhà Lý, nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy triều đại Trần Nhân Tông mới là huy hoàng nhất. Ông là một vị vua anh hùng, vì đánh thắng quân Tàu và bảo vệ đất nước. Ông là một vị vua nhân từ, không trả thù giặc và đối xử đàng hoàng với đối phương trong nước. Ông là người có công chấn hưng Phật giáo và xiển dương văn học. Quan trọng hơn hết, ông là người xây dựng một nước Việt cường thịnh và bảo vệ sự vẹn toàn của tổ quốc. Ông còn nổi tiếng với câu nói “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau.” Rất tiếc là ngày nay trong những người cầm quyền có còn mấy ai nhớ đến lời căn dặn của vua Trần Nhân Tông.
____
(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỷ niệm sinh nhật Bác (VOV).
(2) “Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?” (DT).

Về Việt Nam Ăn Nhậu

Về Việt Nam Ăn Nhậu
Tác Giả: Chu Tất Tiến – Việt Báo – 9 June 2015
Có ông về Việt Nam rồi trở lại Mỹ hí hởn khoe các màn ăn uống độc đáo mà chỉ tại quê nhà mới có thể cung cấp được. Ông này chê phở ở khu Bolsa thiếu hương vị, chê Bún Bò Huế ở Thủ Đô Tị Nạn không nồng, chê Hủ Tiếu Cali kém phẩm chất, dĩ nhiên là chê tuốt luốt các món ăn ở khắp nước Mỹ, từ Tếch Xát, Hiu tôn, đến Oắt sinh Tông, đâu đâu cũng dở.
Cứ nghe ông “Vịt” kiều này nói chuyện thì chỉ muốn nhào ra phi trường lấy vé máy bay về liền một khi. Nào “Tiết Canh Tôm” là một giọt đen đen ở đầu con tôm hùm, chích vào cho nhỏ xuống ly ruợu. Giá cả phải chăng, sơ sơ có chục đô la một ly ruợu này thôi, nếu sơi cả con thì một trăm đồng. Chuyện nhỏ! Rồi tôm xanh tươi rói mới bắt ở sông, ngồi ở quán cạnh sông, nhìn chủ quán vớt lên, cho vào chảo, ôi chao, tuyệt cú mèo. Cũng chẳng tốn bao nhiêu. Chỉ vài chục đô cho một đĩa. (Có vị “Vịt” kiều bị dụ đi ghe ra giữa sông, ngắm trời đất mênh mông, ăn đĩa tôm, bị chém một trăm đô, không trả đủ, không cho về!).
Rồi thì các quán hàng ăn liên tu bất tận, cả chợ toàn là quán nhậu, muốn chi cũng có, từ thịt “rồng” là loại tắc kè khổng lồ, đến cá sấu, nhỏ hơn thì bọ cạp, rắn rết, (hình như chưa có món giun đũa chiên dòn?). Bình dân thì heo con, khách có thể ngắm người chủ thọc tiết chú heo, lột da, lọc thịt, rồi nấu nướng liền tay. Vịt, gà vào thời đại “cúm gia cầm” chơi tuốt luốt, kệ nó, chết sống có số! Có lẽ chỉ có món tiết canh vịt thì bà con hơi ngán, vì chả có nấu nướng gì, cứ máu sống mà trôi tuột vào cuống họng, thì vi khuẩn cúm theo vào hàng tỷ tỷ con.
Xem mấy cuốn phim quảng cáo cho Việt Nam ăn nhậu đang được phổ biến tùm lum, mục đích dụ khị “Vịt” kiều mang đô la về nhà, mới thấy những người khá giả dân mình đang bội thực. Phim nào phim nấy đều quay cảnh bàn ghế bóng láng, rượu đổ tràn ly, “Vịt” ta há mồm nuốt miếng những món sống sít một cách ngon lành.
Dân nhậu sang thì làm mật gấu tươi. Mấy ông chủ gấu cầm dụng cụ lấy mật, chọc ngay vào bụng con gấu đang rên rỉ, vật vã, mà rút ra một chút mật cho vào ly ruợu cho ông khách Thượng Đế, có thể cũng là “Vịt” kiều, hào hứng tu liền, hy vọng tối nay, đi nguyên một chuyến tầu với em bồ nhí mới lượm được trong quán cà phê ôm. (Danh từ xã hội chủ nghĩa thời mới: “đi tầu nhanh” có nghĩa là không huỡn mà thưởng thức, vù một cái là tầu chạy qua luôn, thì từ 150 đến 300 ngàn, tùy em trẻ hay già. “Bao nguyên chuyến” là rả rích luôn một đêm phải 1 triệu trở lên.)
Thay đổi không khí thì vào mấy quán cà phê láng coóng, trang trí hấp dẫn, kiểu mới kiểu cũ, chỉ có ăn uống mà không có ôm. Đi xa hơn, xuống mấy tỉnh thành, quán nào quán nấy sang trọng hơn Tây! Tóm lại, nếu chỉ nghe mấy “Vịt” kiều kể chuyện, xem phim ăn uống, thì thấy hình như đất nước là cả một nhà hàng khổng lồ, mênh mông, đâu đâu cũng có mùi thơm, từ mùi thịt chó, đến mùi thịt “người” do các em thơm như múi mít chào mời.
Theo tình hình kinh tế đi lên (mà hình như đang xuống?) thì các đại gia đỏ và các Vịt kiều hiện đang làm Thượng Đế Ăn Uống, nghĩa là muốn ăn cái chi, thì có cái nấy và càng ngày càng chơi sang hơn. Có những nhà hàng mà khi bước vào cửa, mà có dưới một ngàn đô xanh thì run như rẽ, vì nguyên một chén xúp khai vị đã gần 100 đô rồi, nói chi đến mấy món chính? Nói chi đến mấy cặp chân dài đứng khoe hàng hấp dẫn mê tơi bên cạnh?
Ôi chao! Sao mà ăn uống sướng thế? Nhưng, có mấy người biết được phía sau nhà bếp có cái gì không? Hồi nẫm, nghe tin báo chí, thấy tin ở Trung Quốc có “hơn 2 triệu con chuột cống đang tiến từ vùng nước lụt vào các nhà hàng ăn”, nghĩa là 2 triệu chú chuột này bị nước lụt nên ào vô đất liền, bị phe ta mần thịt, đem bán cho du khách. Những chú chuột bị lụt, nên ăn đủ thứ, dòi bọ, chân tay người chết, thú vật chết… rồi bị các tay phù thủy biến hóa thành các món ăn ngậy béo, hấp dẫn vô cùng với các tay ham nhậu của lạ. Cùng đồng thời, có tin một phóng viên đã vào tận trong bếp một vài trung tâm làm bánh bao, quay lén được những món hấp dẫn trong bánh bao chỉ là những tấm các tông cũ, đem ngâm nước cho mềm, rồi xắt nhỏ, ngâm tẩm sao đó rồi cho vào làm nhân bánh!
Còn ở Việt Nam, đàn em của Trung quốc thì sao? Có chắc là sạch sẽ hơn đàn anh không? Theo tin từ báo chí trong nước, từ hồi nẫm, có nhiều vụ khám phá thấy các hộp sữa Ông Thọ là một thứ đường đùng đục, không biết là đường gì, nước uống chứa một số lượng vi trùng đủ làm một con bò lăn quay, nước đá làm bằng nước “rô bi nê” không thanh lọc, nước mắm làm từ nước lấy ngay trong hồ cá tra, mắm tôm có trộn…phân người (í ẹ!), cá nhiễm độc, tôm nhiễm chì và thủy ngân…
Cá nóc, ai cũng biết là ăn vào sẽ ngộ độc, vậy mà thiên hạ ép khô rồi bán tỉnh bơ. Không biết bao người đã chầu thiên cổ vì nhậu loại cá này! Thịt cá đã vậy, còn rau thì sao? Người làm vườn đều hiểu rằng chả có phân bón nào làm tốt rau hơn phân… tươi của loài người. Gần đây, khi phương tiện kỹ thuật đã tràn vào thôn quê, thì người ta trộn phân bón vào thuốc trừ sâu cho cây lớn nhanh! Chưa hết, người ta còn có thể coi những tấm hình chụp từ báo chí trong nước rất độc đáo: mấy người bán rau sống, đứng ở mấy cái cống cái, nhúng rau xuống cống cho… mát rau trước khi mang rau vào thành phố! Mà cống cái là một kho chứa những chất kinh khủng nhất mà trí tưởng tượng loài người có thể nghĩ đến. Nhúng rau xuống cống rồi mang vào chợ.. thì đúng là giết người không dao. Còn rượu, đa số ruợu ta mà muốn ngon thì phải thêm tí tí thuốc trừ sâu. Có thuốc trừ sâu rầy vào ruợu, sẽ thấy ruợu lóng lánh, trong sáng, không có cặn. Bánh phở thì sao nhỉ? Chắc ai cũng nghe tin bánh phở, bánh hủ tiếu trộn “phóc môn” là thuốc ướp xác…
Những năm đầu thế kỷ 21, các thực phẩm xuất cảng của Việt Nam đa số bị trả lại vì có chứa những kháng sinh, trụ sinh, thủy ngân, chì và các chất độc hại khác. Thịt gà, thịt vịt từ Trung Quốc, nơi có tổ bệnh cúm gia cầm, tuồn vào Việt nam qua các cửa khẩu chính thức và không chính thức hàng ngàn tấn. Kinh hoàng nhất là bản tin tại một số tỉnh thành có dịch heo bệnh chết, những con heo đã bị chôn xuống cát lại đuợc lấy lên, bỏ lòng, xẻ thịt mang đi! Tại một làng kia có 15 con heo chết chôn trong một ngày đàng hoàng, sáng hôm sau, chỉ còn trơ mấy cái lỗ với các bộ lòng ngổn ngang. Người ta hỏi thịt mang đi đâu, thì mấy tên trộm cho biết bán cho lái buôn thịt mang vào thành phố làm nhân bánh bao và các thứ bánh khác! Úy Cha mẹ ơi! Heo đã chết vì bệnh dịch rồi, thì.. chó cũng không dám ăn, vậy mà có những kẻ dã man, đang tâm lấy thịt nhồi bánh, bán cho dân chúng ăn!
Ôi đất nước ta đang vui sướng vì ăn và cũng đau khổ vì ăn. Ăn bậy, ăn tạp và ăn phung phí. Ăn lấy chết và ăn để hủy hoại đất nước. Môi trường sinh thái của đất nước đang tàn dần, nhiều loại thú rừng đang tuyệt chủng, vậy mà có hàng ngàn, hàng vạn quán nhậu thú rừng mở tại các cửa rừng dưới cây dù che chở của quan lại địa phương, mỗi ngày hàng chục tấn thú rừng bị giết để thỏa mãn khách chơi, gồm “Vịt” kiều và Tư Bản Đỏ.
Cứ đà này, mai mốt vào rừng không còn nghe tiếng chim kêu vì bị săn bắn hết rồi, không còn cọp gầm vì đã thành cao hổ cốt rồi, không còn rắn, rùa, baba, thỏ, sóc, kỳ đà, kỳ nhông… Chúng đã vào bụng những người không tim cả rồi. Thiên nhiên đã lập ra sự cân bằng sinh thái, có những con chim dọn rác, có những con chim bắt sâu, giết hết chúng rồi, thì sâu bọ hàng tỷ con sẽ tràn lan vào nhà.
Bởi vậy, có những làng phải bỏ chạy vì nạn sâu róm, mà không biết lý do là vì cả những con chim sâu bé nhỏ nhưng sung sức như một đạo binh giết sâu đã bị biến thành thực phẩm cho những cái miệng tham lam mất rồi. Có những con rắn để bắt chuột làm hại cây cỏ, thì cũng bị lùa vào rọ cả rồi. Cú mèo, dơi, những con vật có ích, cũng đã không còn thấy đâu nữa. Những con ve ca hát cho rừng vui nay trở thành món nhậu đã đứa. Mấy con người đi lùng ve sầu không cần biết rằng “17 năm trường, một kiếp ve”, những con ve sầu này phải núp dưới đất 17 năm để trồi lên có một mùa rồi chết đi, họ cứ lùa, cứ vơ vét cho đầy túi tham, mặc các chú ve nghệ sĩ kia chưa kịp làm công việc truyền giống.
Tội nghiệp cho đất nước Việt Nam, mai kia một số lớn rừng già sẽ biến thành sa mạc, con cháu chúng ta không còn nghe đến tên thú rừng nữa. Chỉ vì cái đuôi xã hội chủ nghĩa nối dài, sinh sản những Đại Gia, Tư Bản Đỏ và mấy Vịt Kiều có mồi không có tim mà chỉ còn cái mồm, cái bao tử!
Chu Tất Tiến

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
RFA – 9 June 2015
Một người bán ve chai thu gom bao nylon hoặc các thứ gì may ra có thể bán được dọc theo một con kênh bị ô nhiễm nặng tại Hà Nội, ngày 20 tháng mười năm 2006
Ô nhiễm môi trường là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam… Trước thảm trạng đó các nước đều phải có biện pháp khắc phục trước khi phải trả giá đắt lúc mà ô nhiễm vượt quá mức được giới chuyên môn gọi là ‘điểm tới hạn’.
Thực tế ô nhiễm tại Việt Nam ra sao? Và biện pháp giải quyết được tiến hành thế nào?
Bài học Trung Quốc
‘Phát triển bằng mọi giá bất chấp đánh đổi môi trường’ là điều mà giới chuyên gia nêu ra qua thực tế Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh ‘công xưởng sản xuất’ của thế giới từ mấy thập niên qua.
Chính các cơ quan chức năng chuyên về môi trường của Trung Quốc trong thời gian gần đây phải thừa nhận tình trạng môi trường không khí, nước, đất bị hủy hoại sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế và xã hội.
Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Trung Quốc hiện nay, ông Trần Cát Ninh, lên tiếng thừa nhận những phản đối về môi trường ô nhiễm sẽ gây ra bất ổn xã hội, từ đó có thể khiến bất ổn chính trị.
Việt Nam cũng được cho là đang theo ‘vết xe đổ’ của Trung Quốc: chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng mà không quan tâm đúng mức đến môi trường. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, người quan sát kỹ tình hình ô nhiễm tại Việt Nam trong nhiều năm qua, có đánh giá về điểm này:
“ Về mức độ phát triển cũng như ô nhiễm, Việt Nam chỉ rập khuôn đi theo con đường của Trung Quốc. Trung Quốc từ khi mở cửa từ năm 1979 trở đi, chúng ta thấy rõ ràng tình trạng mà như hiện nay có những ngày thành phố Bắc Kinh người dân không hề thấy ánh sáng mặt trời. Và một số khói bụi từ các nhà máy sản xuất ở Vân Nam có nhiều lần được khám phá ra ở thành phố Seattle tận bên Hoa Kỳ, phía tây Thái Bình Dương. Điều đó chứng tỏ mức độ ô nhiễm đó.
Việt Nam mở cửa từ năm 1986, nghĩa là chừng 10 năm sau Trung Quốc. Và Việt Nam chập chững đi vào khủng hoảng về môi trường giống y hệt như của Trung Quốc. Điều này có thể càng ngày càng tệ hại hơn vì có thể nói hầu hết các cơ sở sản xuất hạng nặng như cơ sở sản xuất gang thép, cơ sở sản xuất điện năng dùng than đá và đặc biệt hai cơ sở khai thác bô xít lớn ở Tân Rai và Nhân Cơ. Và dự trù còn có thêm 6 cơ sở nữa tại Daknong; thì chúng ta thấy rõ với qui trình sản xuất lạc hậu, với não trạng sản xuất như người Trung Quốc đã làm cho đất nước Trung Hoa thì tình trạng của Việt Nam có thể càng ngày càng mau trầm trọng hơn, càng mau nguy kịch hơn nếu chúng ta không có biện pháp nào để giải quyết vấn đề.”
Về mức độ phát triển cũng như ô nhiễm, Việt Nam chỉ rập khuôn đi theo con đường của Trung Quốc. Trung Quốc từ khi mở cửa từ năm 1979 trở đi, chúng ta thấy rõ ràng tình trạng mà như hiện nay có những ngày thành phố Bắc Kinh người dân không hề thấy ánh sáng mặt trời
TS Mai Thanh Truyết
Chuyên gia môi trường thuộc Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Lê Huy Bá, đưa ra đánh giá về điều được nói là ‘vết xe đổ’ của Trung Quốc trong vấn nạn ô nhiễm môi trường:
“Bởi vì mình là dạng các nước xã hội chủ nghĩa với nhau; nói chung không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng có phần tương đối đúng vì đang phát triển với khát vọng phát triển về kinh tế mạnh mẽ mà không coi trọng về môi trường sẽ dẫn đến những chuyện khó xử.
Nếu làm mạnh tay cách đây 10 năm thì đỡ lắm rồi; bây giờ mạnh tay thì cũng tốt thôi nhưng chỉ có tính chất vớt vát, chữa cháy thôi!”
Thực tế ô nhiễm tại Việt Nam
Qua theo dõi tình hình môi trường tại Việt Nam, tiến sỹ Mai Thanh Truyết hiện sinh sống tại bang California, có những đánh giá cụ thể về tình trạng ô nhiễm của các lĩnh vực khác nhau như sau:
“Đứng về tổng thể thì tất cả môi trường: không khí, đất, cũng như nước mặt, nước ngầm càng ngày càng tệ hại.
Nói về không khí thì ngày nay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn cũ, chúng ta không còn thấy những bàn tay, bộ mặt trong trắng mà chỉ những bộ mặt như người ninja của Nhật bản- bịt mặt, đeo găng tay. Thứ nhất vì bụi ô nhiễm quá cao. Theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, tiêu chuẩn của hạt bụi đường kính 10 micro meter quá nhiều nên phải bịt mặt. Ngoài nguồn bụi là nguồn khí độc thải ra do hằng triệu xe máy hai bánh. Nguồn xăng ở Việt Nam có độ octane cao, nhưng trong thực tế pha nhiều benzene. Do đó khí benzene tồn tại trong không khí; mà khí benzene là một khí có nguy cơ tạo ra ung thư. Cũng do vậy ‘tầng ozone mặt đường’ tức từ 1-2 thước chứa nhiều hóa chất độc hại trong có có benzene. Thực tế cho thấy hằng năm tỷ lệ người mắc bệnh phổi tăng cao, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi.
Qua 19 năm phát triển Việt Nam có trên 265 khu gọi là khu chế xuất hay là khu phát triển công nghiệp. Khu chế xuất Tân Thuận là khu đầu tiên. Với trên 265 khu như thế từ bắc chí nam, và ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn còn có trên 20 ngàn cơ sở sản xuất lẫn lộn trong khu dân cư khiến cho khí thải, chất thải rắn và chất thải lỏng đều ‘không được’!
Đối với mặt nước, các chất phế thải lỏng do không có hệ thống thanh lọc, xử lý do đó nguồn nước thải đi vào các sông rạch. Đến nay chúng ta thấy rõ các sông Đuống, sông Luộc quanh Hà Nội cũng như hệ thống kênh rạch trong nội thành Sài Gòn hầu như biến thành những dòng sông đen.
Các nước xã hội chủ nghĩa với nhau; nói chung không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng có phần tương đối đúng vì đang phát triển với khát vọng phát triển về kinh tế mạnh mẽ mà không coi trọng về môi trường
GS Lê Huy Bá
Đó là một hệ lụy mà nếu không giải quyết thì ngay cả sông Đồng Nai, sông Sài Gòn sẽ biến thành dòng sông đen vì nguồn chảy tự nhiên, sự điều tiết tự nhiên, sự thanh lọc thiên nhiên đã đến ‘điểm tới hạn’.
Đối với đánh giá về ‘điểm tới hạn’ của tình trạng ô nhiễm mà tiến sỹ Mai Thanh Truyết nêu ra; giáo sư Lê Huy Bá tại Sài Gòn có ý kiến:
“Điểm tới hạn thì nói cũng hơi quá. Có một số kênh rạch ở thành phố (Sài Gòn) thì tới hạn thật; nhưng môi trường đất chưa đến mức tới hạn. Về nước sông thì có một số sông tới hạn nhưng có một số sông thì chưa như sông Đồng Nai chưa tới hạn, còn sông Sài Gòn thì gần đến tới hạn. Kênh rạch của thành phố quá tới hạn chứ không phải tới hạn. Không khí của nông thôn còn sạch, không khí của thành thị rất bụi gần mức tới hạn. Tại các khu công nghiệp của thành phố thì tới hạn rồi, khu nông thôn thì chưa, còn khu ngoại thành mà có các khu công nghiệp thì tới hạn rồi.
Các trục giao thông chính ô nhiễm bụi đã tới hạn.”
Thực thi luật pháp
Tương như như nhiều nước khác trên thế giới, chính phủ cũng như các cơ quan chức năng tại Việt Nam cho ban hành luật cũng như những qui định pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vậy việc thực thi và công tác kiểm tra, chế tài trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam lâu nay ra sao?
Tiến sỹ Mai Thanh Truyết đưa ra nhận định:
“Chính cơ chế này tạo ra một tập thể cán bộ từ trên xuống dưới cùng nhóm lợi ích với nhau ‘tham nhũng’. Lấy ví dụ giản dị là việc khai thác bô xít tại Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không qua nghiên cứu tác động môi trường nên vừa qua bùn đỏ nhiều lần tràn xa xã Tân Thắng cách Bảo Lộc 15 cây số. Mặc dù trong bộ Luật Môi trường, bộ Luật Đầu tư, luật xây dựng các cơ sở sản xuất hóa chất đều có ghi cần phải nghiên cứu tác động môi trường cũng như phải có hệ thống xử lý chất phế thải nhưng điều đó hầu như không xảy ra tại Việt Nam.”
Đối với mặt nước, các chất phế thải lỏng do không có hệ thống thanh lọc, xử lý do đó nguồn nước thải đi vào các sông rạch. Đến nay chúng ta thấy rõ các sông Đuống, sông Luộc quanh Hà Nội cũng như hệ thống kênh rạch trong nội thành Sài Gòn hầu như biến thành những dòng sông đen
TS Mai Thanh Truyết
Một người sinh sống và hoạt động trong ngành môi trường ở Việt Nam như giáo sư Lê Huy Bá cũng chỉ ra những bất cập tồn tại lâu nay trong nước về tình trạng thực thi luật pháp bảo vệ môi trường:
“Nói chung luật, qui định dưới luật khá đầy đủ, nhưng ngay cả luật, nghị định đôi lúc chồng chéo nhau như qui định về chất thải nguy hại người ta cũng cãi nhau khiến cho các cơ sở quản lý luật pháp ở cấp tỉnh, huyện khó thực thi.
Nhiều người thấy điều đó nhưng cách quản lý của mình (Việt Nam) trì trệ, không linh hoạt và ‘trên bảo dưới không nghe’. Ngoài ra không phải tất cả nhưng còn có một số chưa thống nhất.”
Giáo sư Lê Huy Bá nêu ra một số dẫn chứng:
“Ví dụ để theo dõi ô nhiễm không khí, có khoảng 6-7 trạm quan trắc tự động nhưng nay hư hết rồi, không còn chính xác nữa; nhưng mấy năm rồi cứ để như thế; không đầu tư thêm, không sửa chữa, không thay thế gì cả.
Ví dụ thứ hai là vấn đề quản lý lưu vực sông, cách đây gần mười mấy năm rồi có lập ra Ban Quản lý Lưu vực Sông nhưng có hoạt động gì đâu. Mỗi tỉnh có cách quản lý riêng, không ai nói ai được cả, không thống nhất với nhau. Mỗi tỉnh muốn đi một mình, có khi dẫm đạp lên nhau, có khi lại để cả khoảng trống, không ai lo cả!”
Cảnh báo cũng như thực tế cho thấy nếu chỉ hô hào suông mà không có biện pháp ngay từ lúc này thì một khi ô nhiễm đạt ‘điểm tới hạn’ thì đã quá muộn và giá phải trả sẽ đắt gấp nhiều lần so với hiện nay.
Tuy nhiên hầu như mọi cảnh báo của giới khoa học vẫn không được các nhà quản lý đất nước tại Việt Nam nghe như chính thừa nhận của giáo sư Lê Huy Bá; một chuyên gia trong ngành ngay tại Việt Nam.

Tỷ Phú Đô La Thứ 3 Của Việt Nam???

Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ VN đòi bồi thường 1 tỷ USD
Tác Giả: Huỳnh Bá Hải – DLB – 9 June 2015
- …Tổ hợp luật sư của ông Trịnh Vĩnh Bình kỳ này cũng là các luật sư từng giúp cho tỷ phú dầu mỏ của Nga là ông Khodorkovsky. Thuận lợi cho ông Bình và tổ hợp Luật sư của ông là chính Tòa án Quốc tế này đã tuyên án chính phủ Nga phải có nghĩa vụ bồi thường 50 tỷ USD cho ông Khidorkovsky. Lần này cùng với các hiệp ước thương mại giữa Việt Nam và Hoà Lan cùng với án lệ có sẵn thì phía Việt Nam thua kiện là rất cao…
*
Một nguồn tin thân cận cho chúng tôi biết là ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức đưa chính phủ Việt Nam ra Tòa án Trọng tài Quốc tế ở Den Haag-The Hague (Tiếng Anh) hay La Hay (Tiếng Pháp) – Hoà Lan.
Vụ kiện chính thức khởi hành vào tháng 1.2015. Ngày 30.4.2015 phía Tòa án Quốc Tế đã chính thức gởi lệnh thông báo đến nhà nước Việt Nam vào đúng ngày đảng cộng sản ăn mừng 40 năm cưỡng chiếm Miền Nam. Người đứng tên là ông Trịnh Vĩnh Bình, mang quốc tịch Haà Lan. Nội dung đòi chính phủ Việt Nam với các liên can trực tiếp là Bộ kế hoạch đầu tư và UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phải bồi thường cho ông 1 tỷ USD vì đã trắng trợn vi phạm cam kết mật giữa ông và phía chính phủ Việt Nam vào năm 2005.
Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947. Ông đến Hoà Lan tỵ nạn và vào năm 1987 ông đã đem 3,5 triệu USD về Việt Nam đầu tư. Ban đầu ông đã rất thành công và nâng tổng số tài sản đầu tư lên đến 30 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó nhà nước Việt Nam đã tịch thu tài sản của ông và đem ông ra xét xử 2 cấp sơ thẩm kết án 13 năm tù qua phúc thẩm giảm xuống 11 năm tù. Sau khi bị giam tù ông tìm cách trốn qua Cambodia và về Hoà Lan kiện ra một Trung tâm trọng tài quốc tế tại Stockholm, Thụy điển đòi bồi thường 100 triệu USD vào năm 2005. Cầm chắc thất bại nên phía Việt Nam chọn hòa giải ngay với các cam kết:
A. Phía Việt Nam có các nghĩa vụ:
1. Bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình 15 triệu (mười lăm triệu) USD là tiền chi phí đi kiện số tiền này giao ngay trong năm 2005
2. Phía Việt Nam trao trả toàn bộ tài sản ở VN cho ông Trịnh Vĩnh Bình bao gồm phân xưởng, nhà kho, đất đai bất động sản. Việc trao trả tài sản chậm nhất vào năm 2012.
3. Phía Việt Nam cho ông Trịnh Vĩnh Bình ra vào Việt nam tự do để làm từ thiện.
B. Phía ông Trịnh Vĩnh Bình:
Có nghĩa vụ giữ kín cam kết mật nói trên không được tết lộ cho bất cứ cơ quan truyền thông nào.
Cho đến hết năm 2014 thì phía Việt Nam chỉ thực hiện được 2 việc là trả 15 triệu USD tiền mặt cho ông Bình. Không như nhiều nguồn tin nói là trả 150 triệu. Và cho ông vào ra Việt Nam làm từ thiện ở bãi biển tại Tuy Hòa- Phú Yên. Còn chuyện trao trả tài sản thì chưa trả bất cứ động sản hay bất động sản nhà kho phân xưởng nào cho ông Trịnh Vĩnh Bình.
Thấy việc cam kết ban đầu bị vi phạm ông Trịnh Vĩnh Bình lần này nhờ đến một Tòa án quốc tế can thiệp.
Tổ hợp luật sư của ông Trịnh Vĩnh Bình kỳ này cũng là các luật sư từng giúp cho tỷ phú dầu mỏ của Nga là ông Khodorkovsky.
Thuận lợi cho ông Bình và tổ hợp Luật sư của ông là chính Tòa án Quốc tế này đã tuyên án chính phủ Nga phải có nghĩa vụ bồi thường 50 tỷ USD cho ông Khidorkovsky. Lần này cùng với các hiệp ước thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan cùng với án lệ có sẵn thì phía Việt Nam thua kiện là rất cao.
Không như giải pháp im lặng như cam kết bị Việt Nam trắng trợn vi phạm. ông Trịnh Vĩnh Bình có hứa dùng 90% tiền được sau khi trừa các chi phí vụ kiện sẽ được dùng từ thiện, hoạt động nhân đạo hay giúp các nạn nhân của chế độ cộng sản đi kiện ra các tòa án quốc tế đòi bồi thường, việc hỗ trợ bao gồm tư vấn cả tiền bạc nhằm giúp cá nạn nhân lấy lại công lý cho mình. Không loại trừ khả năng một số tiền sẽ được giúp các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.
Ban đầu tổ hợp Luật sư muốn ông Bình khóa toàn bộ vụ việc cho họ nhưng ông chọn phương án đồng hành cùng họ.
Chuẩn bị cho tiến trình vụ kiện có thể lâu dài hay bị nhà nước Việt Nam cho người đi ám sát ông Trịnh Vĩnh Bình thì ông Bình cũng đã hoàn tất lập chúc thư thừa kế vụ kiện cho các thừa kế của ông ngõ hầu theo đuổi vụ việc đến cùng. Nguồn tin cho hay là ông Bình được chính Tòa án quốc tế khuyến cáo không nên quay về Việt Nam lúc này, ông cũng tuyên bố sẽ không về Việt Nam cho đến khi công lý thực thi hoàn toàn cho ông.
Trong vài ngày tới các cơ quan truyền thông tại Hòa Lan và EURO-zone sẽ thông báo tin này trên các phương tiện truyền thông nhằm khuyến cáo Việt kiều cân nhắc khi về Việt Nam đầu tư làm ăn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ kiện khi nó bị nhà nước Việt Nam chà đạp trắng trợn các cam kết do chính họ đặt bút ký kết.
Vụ Kiện Năm 2005
Giải quyết ra sao vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện đòi bồi thường hàng trăm triệu USD?
Theo Báo Thanh Niên – 23 June 2005
Trịnh Vĩnh Bình – một người Hà Lan gốc Việt, trước đây đã từng bị kết án tù hình sự và bị tịch thu tài sản tại VN đã tiến hành khởi kiện nhà nước VN tại nước ngoài, đòi bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD. Đây là một vụ kiện hy hữu chưa từng có với nhiều tình tiết pháp lý phức tạp. Luật sư Mai Lương Việt, người đã nhiều năm hành nghề tư vấn tại các công ty luật nước ngoài tại VN đã cho biết một số vấn đề xung quanh vụ kiện này.
Vào đầu thập niên 1990, ông Bình (khi đó đã có quốc tịch Hà Lan) về nước đầu tư vào nhiều dự án tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, thông qua 2 công ty trong nước. Sau đó, vào năm 1998, ông Bình bị TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết án tù về tội đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, bị phạt tiền, đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản có tại Việt Nam. Sau khi rời khỏi Việt Nam, ông Bình đã nhiều năm tiến hành khiếu nại, yêu cầu Nhà nước Việt Nam bồi thường thiệt hại. Luật sư của ông Bình đã chính thức nêu vấn đề từ cuối năm 2003 nhưng các cuộc thương lượng giữa 2 bên đã không đạt được kết quả.
Phiên tòa quốc tế nhằm giải quyết vụ tranh chấp này sẽ khởi sự vào tháng 12/2005 tại Stockholm (Thụy Điển). Vụ xét xử này, dự kiến sẽ kéo dài cả năm và số tiền tốn kém về án phí có thể lên tới hàng trăm triệu USD
Cá nhân nhà đầu tư được kiện nhà nước?
* Ông đánh giá thế nào về vụ kiện này?
- Luật sư Mai Lương Việt: Ông Bình đã khởi kiện với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài bị mất tài sản tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi sự đóng góp xây dựng đất nước của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tăng cường nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật và tiến hành cải cách tư pháp phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế. Diễn biến và kết quả của vụ kiện này chắc chắn sẽ được sự quan tâm đặc biệt, nhất là từ phía các nhà đầu tư nước ngoài và từ nhà đầu tư có nguồn gốc Việt Nam.
* Được biết trước đây ông Bình đã bị kết án do phạm tội hình sự và tài sản của ông ta cũng bị tịch thu vì lý do đó, nay căn cứ vào đâu ông ta có thể khởi kiện nhà nước Việt Nam ra tòa án trọng tài để đòi bồi thường?
- Tôi chưa được đọc hồ sơ của vụ kiện nhưng được biết ông Bình, với tư cách là một nhà đầu tư có quốc tịch Hà Lan, đã viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 để tiến hành khởi kiện. Như vậy, có khả năng cái đích mà ông Bình đang nhắm tới là có được phán quyết trọng tài cho rằng bản án hình sự chống lại ông ta tại Việt Nam trước đây chỉ là cái cớ để Chính phủ Việt Nam tiến hành tước đoạt quyền sở hữu đối với tài sản của ông ta, tức là theo ông Bình, Chính phủ Việt Nam đã vi phạm thỏa thuận tại hiệp định nêu trên và phải bồi thường cho ông ta.
Trọng tài nào sẽ xử?
* Nơi nào sẽ xét xử vụ này, thưa ông?
- Ông Bình đã tiến hành khởi kiện theo thủ tục tố tụng trọng tài và thông tin có được cho thấy nơi tiến hành xét xử là Stockholm (Thụy Điển).
* Ông có biết tòa án trọng tài trong vụ này là thuộc tổ chức nào và trọng tài sẽ tiến hành xét xử theo quy chế nào?
- Tôi chưa được biết chi tiết hơn. Có thể biết được về cơ chế lựa chọn trọng tài và nguyên tắc xét xử vụ này khi xem quy chế giải quyết tranh chấp tại Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan.
Tuy nhiên, đa phần các hiệp định về bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với nước ngoài đều quy định một trong hai hình thức xét xử trọng tài là trọng tài Ad-hoc (trọng tài vụ việc) hoặc trọng tài thường trực. Trọng tài thường trực được lựa chọn thường là của Trung tâm Quốc tế giải quyết các tranh chấp liên quan tới đầu tư (viết tắt bằng tiếng Anh là ICSID), là tổ chức có liên hệ mật thiết với Ngân hàng thế giới, được thành lập và hoạt động theo Công ước về giải quyết các tranh chấp liên quan tới đầu tư giữa các quốc gia và kiều dân của các quốc gia khác (hay còn gọi là Công ước Washington năm 1965). Điều kiện để đưa tranh chấp ra giải quyết tại trung tâm này là cả 2 quốc gia có liên quan phải là thành viên của Công ước. Tuy nhiên, trung tâm cũng có thể tham gia giải quyết tranh chấp trong trường hợp có một quốc gia không phải thành viên Công ước thông qua việc sử dụng quy tắc bổ sung của trung tâm được thông qua vào năm 1978. Việt Nam hiện chưa tham gia Công ước Washington, vì vậy nếu trung tâm nêu trên hiện đang giải quyết vụ việc này thì sẽ phải áp dụng quy tắc bổ sung. Trụ sở chính của ICSID được đặt tại Washington D.C nhưng các bên tham gia vụ kiện có thể thỏa thuận chọn địa điểm tiến hành xét xử tại bất kỳ nơi nào khác.
* Vậy còn trọng tài Ad-hoc thì sao?
- Trong trường hợp này, thông thường các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư quy định việc giải quyết bằng trọng tài theo quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL).
Việt Nam nên dự hay không?
* Theo quan điểm của ông, nhà nước Việt Nam có bắt buộc phải tham gia vụ kiện không khi cho rằng tòa án Việt Nam đã có quyết định chính xác trường hợp của ông Bình?
- Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này, Chính phủ Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để giải quyết vụ việc một cách thận trọng nhất. Không nên nghĩ rằng trọng tài quốc tế hay tòa án nước ngoài là “cái gì đó” rất xa vời, rằng phán quyết của trọng tài hay bản án của tòa án nước ngoài khó có thể đem thi hành đối với cơ quan hay tổ chức của Việt Nam.
Thực tế cho thấy kể cả trường hợp tin chắc là mình đúng cũng phải tham gia để chứng minh và cung cấp chứng cứ nếu không muốn rằng đối thủ sẽ tìm cách đơn phương chứng minh là họ đúng và tòa án hay trọng tài sẽ xem xét, ra phán quyết vắng mặt bị đơn.
Tôi được biết, Chính phủ Việt Nam đã thuê một trong những hãng luật lớn nhất của Pháp tư vấn và giúp trong quá trình tranh tụng. Đây là một quyết định đúng đắn và kịp thời, nhất là khi phía nguyên đơn cũng đã thuê hãng luật Covington & Burling nổi tiếng của Mỹ.
* Thưa ông, đặt giả thiết phán quyết lần này bất lợi cho phía Việt Nam thì việc thi hành phán quyết đó sẽ như thế nào?
- Thông thường phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên kể từ thời điểm được thông báo và luật pháp quốc tế cũng như quốc gia của đa số các nước không cho phép kháng án một phán quyết trọng tài như trên, trừ một số trường hợp ngoại lệ rất hạn chế. Ví dụ trong trường hợp trọng tài không có thẩm quyền xét xử, việc chỉ định hoặc thành phần trọng tài không hợp lệ, vi phạm quyền của các bên được giải trình, có sự đối xử thiếu bình đẳng hoặc có sự không phù hợp với trật tự công cộng.
Trong trường hợp một bên từ chối thi hành phán quyết trọng tài, bên kia có thể tiến hành thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định tại Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Bên muốn thi hành phán quyết có quyền tiến hành thủ tục yêu cầu thi hành không chỉ ở nước của bên kia mà còn ở tại tất cả các nước đã tham gia Công ước New York 1958. Hiện nay, số nước thành viên Công ước đã lên tới hơn 130 nước, trong đó bao gồm cả Việt Nam.
* Cuối cùng, ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhân vụ kiện hy hữu này không?
- Vụ kiện này một lần nữa cho thấy Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giớ và quá trình hội nhập này sẽ làm phát sinh nhiều tình huống phức tạp. Việc kiện tụng, nhất là kiện liên quan tới tranh chấp về thương mại sẽ xảy ra ngày càng nhiều cùng với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà cả Chính phủ và các cơ quan nhà nước phải có được sự chuẩn bị kỹ càng để đối phó với các tình huống phức tạp đó và bảo vệ quyền lợi của mình.
Xin cám ơn ông.