Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Chuyện Dài Số Liệu Việt Nam

Những con số luôn biết tố… tác giả
Tác giả: Phan Châu Thành – DL – 21 May 2015
Trong những thông tin, bài báo, tài liệu, văn kiện, hồ sơ… về kinh tế, chính trị, cả văn hóa xã hội, các tác giả luôn cố gắng đưa ra các con số để minh họa, chứng minh hay củng cố cho lập luận, quan điển, đánh giá hay sự mô tả (liệu có) khách quan các sự kiện, hiện tượng của mình. Và người đọc lại càng cố gắng tìm đọc những con số đó để hình dung, so sánh, kiểm chứng và xây dựng quan điểm của mình, về những vấn đề đó.
Những con số xuất hiện trong truyền thông hiện đại có vai trò đặc biệt và quan trọng như vậy, bởi vì khác với từ ngữ, những con số luôn tuân theo các qui luật khác của số học và đại số (là cộng, trừ, nhân, chia, cả lũy thừa/căn và các hàm… nữa!). Và đặc biệt, những con số còn phải tuân theo các mối quan hệ và qui luật nhân quả trong các lĩnh vực mà nó được dùng để mô tả và đo lường như kinh tế, khoa học kỹ thuật, xã hội nhân văn…, nữa!
Vì thế việc dùng những con số trong xã hội thông tin hiện đại vừa có tác dụng thuyết phục người nghe, người đọc, tác giả vừa có nguy cơ bị lộ những cái sai và/hay yếu kém, nhất là sự gian dối…, nếu người đọc, người nghe có thể kiểm chứng chúng từ góc độ chuyên môn (các quan hệ nhân quả) hay đơn giản từ tương quan số học, xác suất… Trong những trường hợp sau đó, những con số sẽ tố cáo…chính các tác giả.
Nếu xem xét kỹ xã hội này với nền kinh tế đang lâm nguy, và các con số kinh tế vĩ mô được các nhà kinh tế, từ quan chức cao nhất là tưởng thú, đến các bộ trưởng và các chuyên gia “kinh thế” đưa ra, chúng ta sẽ có một bức tranh kinh tế xã hội VN vô cùng quái đản, với các hiện tượng như toàn những số âm (tăng trưởng của từng ngành kinh tế trong quí 1/2015) cộng lại thành con số dương cao vọt (tăng trưởng GDP quốc gia quí 1/2015 trên 6,0%!)…
Vì thế mà các chuyên gia kinh tế có chút kinh nghiệm đều không tin vào các con số kinh tế vĩ mô của VN như GDP, tổng tài sản, dự trữ ngoại hối, vay nợ quốc gia, tổng nợ công, tổng nợ xấu, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát, tổng cung tiền vnđ (in tiền) hàng năm, tổng cung tiền vnđ trên thị trường….
Thế cho nên, điều tôi nói trên: “Những con số luôn biết tố…tác giả” lại càng rõ ràng và bi hài trong tình hình kinh tế xã hội hôm nay.
…….
Cách đây khoảng 3 tháng, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) công bố Tổng tài sản của hệ thống các Ngân hàng Thương mại (NHTM) VN (khoảng trên 40 NHTM) vào đầu năm 2015,(đã được NHNN), là trên 6 triệu tỷ vnđ (!), và tổng vốn điều lệ toàn hệ thống NHTM là 434.930 tỷ vnđ (bằng 1/12 TTS)… Thông điệp mà chính phủ muốn gửi đi cho dân qua con số Tổng Tài Sản (TTS) 6 triệu tỷ vnđ đó là: Hệ thống NHTM VN đang rất an toàn, đang có rất nhiều tài sản đảm bảo, và NHNN có thể bơm thêm nhiều tiền nữa cho chúng hoạt động, mà không hề có nguy cơ phá sản ngân hàng nào hay vỡ trận cả hệ thống được!
Dân thì tin “ngay”, như tin đảng 70 năm nay (tức “mày nói mày nghe”), nhưng các chuyên gia kinh tế thì còn đang ngơ ngác không biết 6 triệu tỷ vnđ là bao nhiêu tiền nhỉ, và chúng là gì nhỉ – bao nhiêu nhà đất và xe cộ và cổ phiếu và ngoại tệ? Chẳng ai có thể tiếp cận các con số chi tiết cấu thành nên 6 triệu tỷ vnđ đó của NHNN cả?…
Thì đây, 6 triệu tỷ vnđ là khoảng gần 300 tỷ USD tức khoảng trên 170% GDP cao nhất của Việt Nam năm 2014 (là khoảng 176 tỷ USD). 300 tỷ đôla đó, nếu lành mạnh như NHNN nói, thì các NHTM có thể đem thế chấp để vay tiền lập nên…3 cái ngân hàng ADB (Asian Development Bank) khác đó, hay lập một Ngân Hàng Thế giới WB mới (World Bank) – VN cần gì đến bọn ADB và WB kia nữa nhỉ?!
Nếu đây là tỷ lệ bình thường và logic trong kinh tế vĩ các quốc gia thì TTS các NHTM của Tàu sẽ là khoảng 17,000 tỷ USD! Sao Tàu còn phải kêu gọi thêm đến 57 quốc gia nữa để lập ra ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á -AIIB với số vốn ban đầu chỉ 50 tỷ USD và sau mới sẽ tăng thành 100 tỷ USD, nhỉ? Các NHTM Tàu chỉ cần giảm 5,8% TTS của mình là có thể có ngay…10 ngân hàng AIIB mới hay 10 ngân hàng ADB (vốn cũng là 100 tỷ USD) nữa, hay hơn 3 Ngân hàng Thế giới WB (có vốn chỉ 300 tỷ USD) nữa!
Nhưng vừa “vo ve” tuyên bố các NHTM mình đang quản “giàu sụ thế”- trung bình mỗi NH có TTS gần chục tỷ đôla, mà chỉ hai tháng sau NHNN đã “mua ép” luôn hai trong số đó là ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Đại dương (Oceanbank) với giá 0 vnđ (zero vnđ)! Vậy thì chục tỷ đô thành 0 vnđ – TTS của chúng đã đi đâu?! Và “ruồi” còn vo ve thêm: hiện còn 06 NHTM trong diện nguy cơ như hai NH trên…
Đó là sự tự tố cáo trực tiếp các tác giả của con số TTS các NHTM là 6 triệu tỷ vnđ…
Theo tôi, con số trên đã được NHNN và hệ thống NHTM “thổi lên” khoảng…gấp 5 lần, cho nhu cầu hút tiền của dân và hút tiền mà chính phủ in ra – vẫn là dân mất…, để khép kín vòng tiền theo “qui luật…vô giá trị tiền tệ”! Sao các chuyên gia kinh tế tài chính vĩ mô của VN đâu, không phân tích con số 6 triệu tỷ này cho dân mở mắt nhỉ?!
Gần đây, tháng 5/2015, chính phủ lại công bố giá trị Tổng Tài Sản Nhà nước (TTS Nhà Nước VN) , tính đến 31/12/2014 là tròm trèm 1 triệu tỷ vnđ (chính xác là 999,372.08 tỷ vnđ), trong đó quyền sử dụng đất (gần 4,000 triệu m2) là 693,000 tỷ vnđ; nhà (khoảng 150 triệu m2) là 241,000 tỷ vnđ; xe oto là 21,000 tỷ vnđ (khoảng trên 20,000 chiếc); và tài sản khác là 45,000 tỷ vnđ; Tóm lại TTS của Nhà nước công bố là vỏn vẹn có gần 50 tỷ USD, tức là con thua xa TTS của Bill Gates hay Warren Buffett…
Con số 1 triệu tỷ vnđ TTS Nhà nước VN này làm tôi… thót tim! Sao ít vậy? Sao nó lại chỉ có thể đáng “làm con” chứ không phải “làm cha” TTS các NHTM như lẽ ra phải thế?!
Chả lẽ cả cái chính quyền trung ương của CSVN với hệ thống chính quyền địa phương đang ôm tất cả các tài sản lớn nhất của Quốc gia ở (trung tâm) tất cả các thành phố, tỉnh thành, địa phương VN đến từng quận huyện, thôn xã hôm nay lại có TTS thua xa TTS của các NHTM? (chính xác là 1/6?)! Nên nhớ là tổng dự toán ngân sách nhà nước (số tiền cần chi tiêu hàng năm) cho năm 2015 cũng đã khoảng 1 triệu tỷ vnđ! Có nghĩa là, trong vòng 1 năm nhà nước CSVN này sẽ tiêu hết TTS của nó – tức tất cả những gì nó đang có!?
Và tại sao nó – con số TTS Quốc gia đó lại không bị 3X-BR hay cả “hệ thống cầm tiền” đó thổi lên như với 6 triệu tỷ vnđ TTS các NHTM?!
Vì trên 63% TTS Quốc gia nằm trong tay các đơn vị hành chính sự nghiệp (không có nguồn thu. chỉ tiêu phá) là các sở ban ngành, đoàn thể của đảng… nên ta hãy xem chúng sử dụng tài sản quốc gia thế nào, để có thể hình dung ra toàn bộ bức tranh TTS Quốc gia VN hôm nay.
Ví dụ, sở văn hóa của một tỉnh, hoạt động chỉ dựa vào ngân sách nhà nước giao (trả lương cán bộ và mọi chi phí cho các hoạt động cũng do nhà nước giao), và sử dụng tài sản nhà nước giao là, ví dụ: 5,000m2 nhà và 20,000 m2 đất với giá trị sử dụng được ấn định rất thấp là 10,000 vnđ/m2nhà/năm nhà và 500 vnđ/m2đất/năm. Các đơn giá vô cùng nhỏ và vô lý này là do hệ thống kế toán cũ từ xưa để để lại và chúng cố tình “áp dụng theo qui định” tiếp để hưởng lợi “chi phí thấp”.
Thực tế, sở này chỉ sử dụng 500m2 nhà và 2,000 m2 đất, còn lại họ cho các đơn vị kinh tế thuê với giá thị trường gấp hàng chục hay hàng trăm lần gía trị sử dụng họ phải hạch toán với nhà nước. Chênh lệch khủng từ các hợp đồng cho thuê tài sản nhà nước này của các “đơn vị sự nghiệp” thường chỉ có ban giám độc ăn chia với nhau và nộp tô lên cấp trên, nhân viên cán bộ chỉ có lương và thu nhập từ các hệ thống “tham nhũng hành dân” khác của đơn vị đó…
Việc định giá rất thấp tài sản nhà nước không chỉ giúp các đơn vị “nhà nước” có thêm thu nhậm khủng từ đó, mà còn giúp các quan tham có thể “phân chia cho nhau, cấp cho nhau, mua lại, thanh lý”… các tài sản nhà nước mình đang quản đó với giá vô cùng bèo bọt… Vì thế, hàng năm, chính quyền đều rất tích cực thanh lý khoảng 10-15% tài sản quốc gia là nhà đất cho các quan tham về hưu hay sắp hưu.
Đây là quá trình đổi màu tài sản quốc gia trên diện rộng (từ sở hữu nhà nước sang tư nhân) diễn ra công khai và rất phổ biến trong mọi khu vực, cả “hành chính sự nghiệp” tức nơi mà chính phủ chỉ tiêp pha không làm ra tiền cho dân nhưng làm ra rất nhiêu tiền cho các cá nhân lần “các đơn vị có thu”… Ví dụ, cựu thốc đống Lê Đức Thúy về hưu được “thanh lý” căn biệt thự ở trung tâm Hà Nội giá vài trăm triệu vnđ trong khi giá thị trường là trên 2,000 lượng vàng tức hàng trăm tỷ vnđ.
Cái lợi thứ ba (đầu tiên) của việc cố tình định giá thấp tài sản quốc gia trong tay mình quản lý là để quan chức luôn mồm kêu ca là họ không có tiền và luôn tranh nhau “xin” thêm tiền ngân sách để chi tiêu, dù không được cũng luôn phải xin thêm tiền và nhà, đất…Trên sổ sách, họ luôn chứng mình mình rất liêm khiết, rất nghèo, thiếu tiền…
Thế cho nên, vì các lý do trên và không chỉ thế, TTS Quốc gia VN hiện nay đã bị định giá quá thấp một cách có hệ thống, không đúng theo giá trị thật hay theo qui luật thịu trường, hoàn toàn có lợi cho quan chức cướp phá, rút ruột chia nhau. Nếu họ có lỡ phải tự phát hiện ra nhau “làm sai qui định” thì chỉ cần bồi hoàn lại vài trăm triệu (vì “quên trả” hay “không thấy ai đòi”) là vẫn có thể giữ lại biệt thự trăm tỷ cho con cháu…
Theo ước định của cá nhân tôi, TTS Quốc gia VN hiện nay đang bị CSVN hạ thấp giá trị khoảng 10 lần, tức đúng ra phải là khoảng 10 triệu tỷ vnđ.
(GNA: Bài viết rất chi tiết của tác giả PCT đã được thâu ngắn và tóm lược để tránh né mọi vấn đề cá nhân và nhậy cảm. Xin cáo lỗi cùng tác giả trước. Các bạn BCA cần nguyên gốc xin dò tìm trên google)

Kiều Hối Và Việc In Tiền tại VN

Kiều Hối
Tác Giả: Nguyễn Vũ Bình – RFA – 8 May 2015
Kiều hối theo định nghĩa là số tiền của người dân một quốc gia đi làm ăn bên ngoài biên giới mang, gửi về đất nước mình. Đối với Việt Nam, đây là một số lượng tiền, ngoại tệ khá lớn, hàng năm trên dưới 10 tỷ đô-la. Theo số liệu thống kê năm 2014, lượng kiều hối về Việt Nam đạt mức 12 tỷ đô-la. Việc xác định ý nghĩa của kiều hối và những vấn đề liên quan cũng giúp hiểu thêm về nên kinh tế Việt nam hiện nay.
Với một lượng tiền trên dưới 10 tỷ đô-la một năm chuyển vào nền kinh tế, mà không cần một yêu cầu, điều kiện nào được các chuyên gia đánh giá rất cao vai trò của lượng kiều hối này. Nhà nước Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của kiều hối nên đã có một chính sách kiều hối vô cùng thông thoáng và cầu thị. Số lượng không hạn chế với người gửi, mang ngoại tệ về nước. Không yêu cầu chuyển đổi ngoại tệ khi nhận tiền…Về cơ cấu kiều hối được sử dụng, theo phân tích chung nhất, trên 60% số tiền kiều hối được sử dụng vào đầu tư, mua nhà đất, gửi tiết kiệm, mở công ty. Số còn lại, gần 40% giành cho tích lũy và tiêu dùng.
Vai trò của kiều hối trong trường hợp nền kinh tế Việt nam rất đặc biệt và vô cùng quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam, tuy bên ngoài và tuyên truyền là nền kinh tế thị trường nhưng thực chất không phải như vậy. Nó không đi theo nguyên lý của nền kinh tế thị trường, đó là sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Ở Việt nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân chính là yếu tố quan trọng để nói, nền kinh tế Việt Nam không theo nguyên lý kinh tế thị trường. Cơ chế thị trường quyết định các yếu tố của quá trình sản xuất cũng không được áp dụng ở Việt Nam. Những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu đều do nhà nước quy định về giá cả. Điều quan trọng nhất liên quan tới vấn đề kiều hối, đó là việc nhà nước Việt Nam quyết định việc in tiền hoàn toàn không theo nguyên tắc nào của nền kinh tế thị trường.
Đối với các quốc gia đi theo nền kinh tế thị trường, việc in và phát hành tiền phải tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt về lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Có hai yếu tố liên quan hữu cơ với số lượng tiền phát hành đưa vào lưu thông. Đó là lượng hàng hóa sản xuất ra và số lượng ngoại tệ đang lưu hành.
Ví dụ, nền kinh tế Việt Nam một năm sản xuất được 100 đơn vị hàng hóa, hiện có 50 đơn vị ngoại tệ, thì số tiền phát hành đưa vào lưu thông là 500 đơn vị. Như vậy, tỷ lệ (100 hàng hóa – 50 ngoại tệ – 500 nội tệ) sẽ là tỷ lệ để phát hành tiền đưa vào lưu thông. Đây là nguyên tắc bắt buộc, là kỷ luật sắt trong một nền kinh tế thị trường vì nếu vi phạm nguyên tắc này sẽ xảy ra tình trạng lạm phát, hoặc biến động về tỷ giá dẫn tới méo mó trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, và có thể dẫn tới những đảo lộn lớn cho toàn bộ nền kinh tế. Chính vì vậy mà các nước giám sát và kiểm soát vấn đề này cực kỳ chặt chẽ.
Nhưng tại Việt Nam, có thể nói, từ ngày khai sinh ra nhà nước cộng sản Việt Nam, việc in và phát hành tiền là bí mật quốc gia. Nếu như việc in, phát hành tiền tuân thủ các nguyên tắc thì không ai cần giữ bí mật cả. Trên thực tế, việc in tiền ở Việt Nam hoàn toàn tùy tiện, in liên tục và không có một giới hạn nào cả. Chúng ta đều biết, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam trung bình từ 20-50% và kéo dài hàng mấy chục năm, có những giai đoạn còn lạm phát phi mã. Trong khi ở các nước, lạm phát trung bình và lành mạnh khoảng từ 5-7%/năm.
Nếu như trước đổi mới, hoặc trước hội nhập quy mô của nền kinh tế còn khiêm tốn và ảnh hưởng của lạm phát (tức là việc in tiền vô tội vạ) còn chưa rõ và sức tàn phá còn chưa lớn. Nhưng khi đã hội nhập, quy mô nền kinh tế đã lớn, nhất là mối quan hệ làm ăn, đối tác với các nền kinh tế trên thế giới thì lạm phát sẽ là nỗi kinh hoàng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta thấy, việc in tiền và phát hành tiền của nhà nước Việt Nam vẫn được thực hiện như cũ, có nghĩa là phát hành theo yêu cầu chính trị, khi cần sẽ in tiền ra.
Điều kỳ lạ là với một nền kinh tế khủng hoảng từ năm 2008, nền sản xuất bị bóp nghẹt bởi muôn vàn quy định và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, mỗi năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản vậy mà lượng tiền in ra và phát hành với số lượng cực lớn mà Việt Nam không bị siêu lạm phát, mặc dù tỷ lệ lạm phát đã rất cao. Đồng thời tỷ giá hối đoái cũng không hề tăng đột biến.
Câu trả lời cho việc nền kinh tế không bị siêu lạm phát, trong khi lượng hàng hóa sản xuất ở Việt Nam hoàn toàn không tương xứng với lượng tiền in ra là Việt Nam ở sát cạnh Trung Quốc, hàng năm nhập khẩu số lượng cực lớn hàng giá rẻ, chất lượng thấp, theo cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Theo số liệu công bố năm 2014 vừa qua, thì Việt nam công bố nhập của Trung Quốc 43,9 tỷ đô-la. Nhưng phía Trung Quốc lại công bố con số xuất khẩu sang Việt nam là 63,8 tỷ đô-la.
Như vậy, lượng hàng hóa nhập khẩu cực lớn, giá rẻ chất lượng thấp đã tiêu diệt nền kinh tế Việt Nam nhưng lại giúp nhà cầm quyền Việt Nam in tiền vô tội vạ mà không bị siêu lạm phát. Điều này cũng phản ánh sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc là rất lớn. Nhưng sự lệ thuộc này còn ít người nói tới.
Về câu hỏi, lượng tiền in ra và phát hành rất lớn của nhà nước Việt Nam nhưng lại không có đột biến trong tỷ giá hối đoái chúng ta tìm thấy câu trả lời trong vấn đề kiều hối, cùng với lượng ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài FDI, từ viện trợ phát triển ODA. Đó chính là ý nghĩa lớn nhất của kiều hối đối với nền kinh tế Việt Nam. Một lượng tiền trên dưới 10 tỷ đô-la trong những năm gần đây giúp nhà nước Việt Nam in ra một số lượng tương đương lớn hơn để sử dụng và đưa vào lưu thông.
Có những ý kiến cho rằng, cần kêu gọi ngăn nguồn kiều hối, đồng bào không gửi tiền về Việt Nam nữa. Tôi cho rằng việc này không thực hiện được và có lẽ không cần thiết. Chúng ta biết rằng, nhà nước Việt Nam hiện nay, toàn quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên để bán, in tiền vô tội vạ, thu thuế, phí cao nhất Đông Nam Á…tức là không còn lợi thế gì người ta không khai thác, không tận dụng vậy mà với mức chi tiêu hiện nay, tham nhũng, lãng phí đến mức độ số nợ đang gấp đôi GDP hoàn toàn không có khả năng thanh toán, trong khi nền kinh tế làm ra không đủ chi tiêu trong hiện tại. Chính vì vậy chúng ta không cần phải kêu gọi, vận động một việc rất nhỏ (và khó thực hiện được) so với tình trạng đại suy thoái và khủng hoảng của Việt Nam hiện nay./.
Hà nội, ngày 08/5/2015 – Nguyễn Vũ Bình