Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Paris, Gisele và huyền thoại

 Nguồn : Vững Đại Phát

Thực ra, tất cả những gì chúng ta đang cảm nhận có phải chỉ là giả thuyết và cấu trúc trừu tượng trong suy tưởng?… Vì sợ sệt những gì “không biết” nên chúng ta khư khư ôm lấy huyền thoại của quá khứ và quên đi tương lai?… Tôi ghé thăm Paris bất cứ khi nào có dịp. Tôi yêu Paris đến độ không bao giờ nghĩ là sẽ sống nơi đây vì sợ mình sẽ thất vọng khi gần kề người yêu mỗi ngày…
Gần đây, tôi không có duyên với kinh tế tài chánh. Mấy bài viết cứ bị tháo gỡ, đục bỏ, lắc đầu vì quá nhậy cảm. Tôi biện hộ là khi dính đến túi tiền của tôi và người dân thì bắt buộc phải nhậy cảm chứ? Một bà biên tập khác khuyên là anh nên sửa đổi, viết theo thị hiếu của bạn đọc, chuyên mục về “cướp, hiếp, giết” thì tương lai viết lách của anh sẽ sáng sủa hơn. Tôi nghĩ thầm, bà này mù rồi, không thấy các bài viết của tôi chỉ toàn là “cướp, hiếp, giết” hay sao? Bà tưởng tôi viết về kinh tế đấy chắc?
Nhưng thôi, đành nghe bà ta vậy. Một đề tài rất nhậy cảm với tôi là Paris, thành phố mà tôi vẫn gọi là “người tình muôn thuở”. Tôi yêu Paris như rừng yêu lá, như núi yêu sông, như chim yêu nhạc. Tôi ghé thăm Paris bất cứ khi nào có dịp. Tôi yêu đến độ không bao giờ nghĩ là sẽ sống nơi đây vì sợ mình sẽ thất vọng khi gần kề người yêu mỗi ngày.
Paris của tôi là Montmartre những ngày còn Hemingway, Fitzgerald, Faulkner; là giòng sông Seine cùa Truffaut, Bardot, Piaf; là những bức tranh của Monet, Matisse, Lautrec trong những museé nhỏ bé; là những kiến trúc thần kỳ thăng trầm qua bao thế hệ; là những quán vỉa hè của cô đơn lúc đêm về sáng; là khu vườn Luxembourg của mùa thu lá vàng như mái tóc người yêu ; là nhửng con đường lạnh buốt dấu chân trên tuyết trắng. Nói làm sao cho hết những kỷ niệm và hoài tưởng về Paris thời mới lớn? Viết làm sao cho đủ những phong cách và hình tượng về Paris thời xế chiều?
Tôi đến Paris lần đầu khi còn là sinh viên năm cuối của đại học. Trước đó, như phần lớn người Việt, tôi luôn mang tâm trạng “yêu-ghét” nước Pháp. Yêu vì lớn lên với văn chương, nghệ thuật, và triết học của các nhà văn hóa Pháp, nhồi vào đầu sọ mỗi ngày như thói quen ca bài La Marseillaise mỗi buổi sáng chào cờ. Ghét vì tôi bị bọn bảo vệ Tây bắt gặp và đánh thừa sống thừa chết ba bốn lần khi trèo lên cây me nhìn trộm mấy bà đầm tắm trần ở Cercle Sportif (bây giờ là vườn Tao Đàn) lúc tuổi chưa đủ 11.
Paris thay đổi mọi cảm nhận xưa cũ. Thành phố của lịch sử chào đón chú du khàch trẻ non dại với những cảnh quan thơ mộng, những bữa ăn tuyệt vời dù chỉ chút bánh mì với fromage, những con người Parisian biết hưởng thụ với class, bao quanh trong những mẩu chuyện ngắn đẹp hơn cổ tích. Như phần lớn các du khách trẻ nhiều hormone, tôi phải dành dụm tiền để vào Moulin Rouge, để đi coi Crazy Horse; để ra Bois de Boulogne thuê một cô gái điếm.
Tôi gặp Gisele ở đó. Con bé có mái tóc vàng óng, khuôn mặt đẹp và cặp mắt xanh như dòng sông Danube (dĩ nhiên, khi hồi tưởng thì trí nhớ hay lầm lạc. Có thể con bé xấu và mập, nhưng không một anh sinh viên hứng tình nào có thể suy ra điều này). Sau khi đã đồng ý giá cả, Gisele đưa tôi về một căn hộ tồi tàn cạnh Sorbonne. Tôi hồi hộp như Armstrong lúc vừa bước xuống mặt trăng.
Con bé cởi đồ, lên giường rồi ôm tôi hỏi,” sao mắt anh buồn quá vậy?” Tôi ậm ừ, dù muốn trả lời rằng khi máu lên đến đầu thì mắt thằng đàn ông nào chả mù và buồn? Sau khi ôm tôi hơn 10 phút, Gisele nói “tôi không thích làm việc đêm nay, mình ngồi tâm sự đi.” Tôi nghĩ chắc mình bị lừa rồi, nhưng Gisele trả lại tôi đống tiền franc lúc nãy rồi bắt đầu độc thoại.
Nàng kể về một xứ Nga của tuổi nhỏ, đẹp và êm đềm. Cho đến ngày cha nàng bị bắt đi Siberia chỉ vì tội là một trí thức Do Thái, thích hỏi vớ vẩn. Mẹ nàng tự tử vài năm sau đó. Mới 16 tuổi, Gisele phải qua tay bao nhiêu người đàn ông lợi dụng sự cô thế của nàng. Năm 20, Gisele chạy thóat khỏi Nga, rồi làm đủ mọi nghề ở Paris, kể cả làm điếm. Nhưng nàng vẩn đi học và mơ một ngày không xa, nàng sẽ đến California và mua một căn nhà cạnh biển. Nàng hỏi tôi đủ mọi chuyện về xứ Mỹ xa xôi, trong khi tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là làm chuyện đồi bại, hủ hóa với đầu óc trống rỗng. Nhưng vì mệt sau khi lê lết cả ngày trên metro, và cũng vì Gisele có bộ ngực khá thoải mái, nên tôi và nàng ôm nhau ngủ say như hai đứa trẻ.
Sáu giờ sáng, nàng đánh thức tôi và hai đứa ra một quán cà phê nhỏ gần đó làm 2 cái croissants. Không phấn son, giản dị trong chiếc áo thun mầu trắng, Gisele đẹp dịu hiền như một ma soeur. Hơi sương còn lành lạnh, xe cộ còn thưa thớt, tôi thanh bình trong ánh nắng đầu ngày, quên đi mọi chuyện đêm qua, cũng như mọi thứ chung quanh. Chỉ có Gisele và ly espresso thơm ngọt.
Tôi không bao giờ gặp lại Gisele, nhưng tôi yêu Paris kể từ đêm đó.
Nhưng như tôi đã nói, tôi không bao giờ muốn sống ở Paris, người tình muôn thuở. Vì Paris không cung ứng đầy đủ ý thích đặc thù cho cá nhân tôi. Tôi thích cái tiện nghi của những căn nhà hiện đại ở Mỹ, những công việc kinh doanh tài chánh đầy thử thách của Wall Street, những trải nghiệm khắp năm châu với nhiều văn hóa đa dạng, với những người tình đủ mọi sắc mầu. Dù tuyệt vời, nhưng với tôi, Paris vẫn chỉ là một huyền thoại, dựng lên từ lịch sử, văn hóa và trí tưởng tượng của những tâm hồn nghệ sĩ. Thực ra, tất cả những gì chúng ta đang cảm nhận có phải chỉ là giả thuyết và cấu trúc trừu tượng trong suy tưởng? Đây có phải là cái tháp ngà trí thức mà chúng ta chạy vào ẩn náu khi gặp khó khăn?
Cái tháp ngà thường cho chúng ta những cảm giác an toàn nên mọi người an phận và không ai muốn quấy rối cho thuyền xao động (Mỹ gọi là rock the boat). Vì sợ sệt những gì “không biết” nên chúng ta khư khư ôm lấy huyền thoại của quá khứ và quên đi tương lai. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến bản thân và cố quên rằng còn cả một xã hội ngoài kia với những vấn đề không ai trăn trở và giải quyết. Như những tín đồ tôn giáo, chúng ta ôm lấy những cuốn kinh thánh đã viết ra từ mấy ngàn năm để tìm câu trả lời cho bài toán thời Internet.
Mùa thu vừa đến, đem chút nhung nhớ về Paris của thơ nhạc. Nhưng thực tế luôn can thiệp. Tôi chợt nhớ là các nhân viên bên Trung Quốc đang chờ câu trả lời của tôi về tài khỏan vàng và ngoại tệ, về những bất ổn của cuộc đình công ở nhà máy Triết Giang, về hồ sơ kế toán phải nộp cho ngân hàng trước cuối tháng. Paris và huyền thoại phải đợi vậy.
T/S Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa
(Bài đã đăng trên Vietnamnet/ Tuần Việt Nam vào 20 tháng 10 năm 2011)
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Niêm yết sàn Mỹ: Ra biển lớn trước khi có bão


Nguồn : Vững Đại Phát

Bài Viết Ngày: 29 / 09 / 2011
(VEF.VN) – Cửa sổ của cơ hội vẫn đang còn mở với các doanh nghiệp VN khi ra biển lớn để tìm vốn trên sàn Mỹ. Trên hết, sàn Mỹ vẫn có một thanh khoản rất cao vì dòng tiền đầu tư đang quá dư thừa. Giá chứng khoán vẫn gia tăng kỷ lục trong 2 năm qua, dù tình trạng vĩ mô toàn cầu đang bị đe dọa với rất nhiều rủi ro.

Niêm yết sàn Mỹ: Ra biển lớn trước khi có bãoGần đây mỗi lần về lại VN, tôi thường bị bao vây bởi những doanh nghiệp đang tìm đường hướng ngoại, nhất là trong vấn đề tìm vốn. Với sự tê liệt của thị trường chứng khoán địa phương và một lãi suất vay ngân hàng hơn 20%, các doanh nhân VN bám vào bất cứ phao gì trên mặt nước, từ chiến thuật M&A (mua lại và sát nhập) đến chuyện niêm yết ở các sàn ngoại.

Cuốn sách “Niêm Yết Sàn Mỹ” của tôi xuất bản vào năm 2008 đang nằm ế ẩm như một cô đào già trên các kệ sách thành phố bỗng bán chạy một cách bất ngờ. Dù không ai thực sự muốn trả phí, nhưng anh trợ lý của tôi vẫn được khá nhiều doanh nghiệp hỏi và đề nghị hợp đồng tư vấn để tìm cơ hội lên sàn Mỹ.

Thay vì quảng cáo cho một dịch vụ mà tôi không còn liên quan, tôi lại phải mất nhiều thì giờ để cảnh giác về những thách thức và rào cản của việc Niêm-Yết-Sàn-Mỹ. Theo cảm nhận của tôi, phần lớn các doanh nghiệp VN vẫn chưa sẵn sàng. Những điều kiện để tìm vốn bằng cách phát hành cổ phiếu hay trái phiếu nghe qua thì khá dễ dàng, nhưng cho đến nay, vẫn chưa một doanh nghiệp VN nào thực hiện được mục tiêu này. Vài ba công ty VN đã được niêm yết, nhưng không có thanh khoản, thị giá thấp kém, rốt cuộc chẳng làm được gì. Bốn lý do chính:

1. Tư duy của ban quản lý: Tôi lập đi lập lại những nguyên tắc căn bản không thể thiếu được khi lên sàn Mỹ: minh bạch (transparency), trung thực và khai báo đầy đủ (full disclosure), kỹ cương đạo đức của công ty và cá nhân ban quản lý (corporate governance); nhất là những mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest). Mọi người đều nghe và gật đầu đồng ý; nhưng có lẽ không ai tin vào việc thực thi nghiêm túc các yếu tố này.

Do đó, giống như trải nghiệm của tôi với các công ty bên Trung Quốc, sau một thời gian niêm yết, nhiều công ty đã bị SEC (Cơ Quan Chứng Khoán Mỹ) phạt và loại trừ, một số không toại nguyện nên tự ý rút lui và một số sống vất vưởng chờ thời.

Trong 18 năm từ khi các công ty Trung Quốc bắt đầu niêm yết sàn Mỹ, chỉ hơn 10% các doanh nghiệp là đạt được mục tiêu mong muốn. Tôi nghĩ tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp VN cũng sẽ không khá hơn gì. Không có một tư duy điều hành công ty theo đúng đòi hỏi về luật lệ và chuẩn mực của SEC, của cổ đông, của nhà phân tích đầu tư, của thị trường… thì sớm muộn gì, doanh nghiệp cũng thất vọng với sàn Mỹ.

2. Chuyện Niêm Yết và chuyện Bán Cổ Phiếu: Tôi cũng nói rất nhiều lần là chuyện niêm yết trên sàn Mỹ thực sự khá dễ dàng; bạn chỉ cần một bản Cáo Bạch có luật sư chuyên về chứng khoán và một kiểm toán gia có tên trong danh sách của PCAOB ký nhận là SEC sẽ chấp nhận đơn xin niêm yết. Không một đòi hỏi nào khác về doanh thu, lợi nhuận. lịch sử của doanh nghiệp, giấy phép đặc biệt hay những gì khác.

Tuy nhiên, không như ở VN hay Trung Quốc, chuyện bán được cổ phiếu cho các nhà đầu tư lại là một chuyện vô cùng khó khăn. Toàn thế giới, có khoảng 36,000 cổ phiếu đủ loại (sàn Mỹ có hơn 12,000) để các nhà đầu tư lựa chọn. Bạn phải có một lý do khá độc đáo để thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty bạn thay vì Google hay Apple.

Ngoài ra, với những công ty vừa và nhỏ (SME), nếu thị giá của bạn không cao hơn 1 tỷ USD, hay lớn hơn 3 USD/cổ phiếu, phần lớn các quỹ đầu tư lớn (mutual funds) sẽ không được phép mua, dựa trên điều lệ thành lập của quỹ. Do đó, bạn phải biết giới hạn chương trình tiếp thị vào một số nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đặc biệt, với những tiêu chí lựa chọn rất đặc thù. Vì vậy, vấn đề bán cổ phiếu của công ty bạn phức tạp và gian nan hơn mọi ước tính.

3. Phí tổn để được tiếp tục niêm yết: Với một công ty nhỏ, giản dị (chỉ có một hình thức kinh doanh độc nhất), phí tổn hàng năm cho các luật sư và nhà kiểm toán cũng phải hơn 150,000 USD; chưa kể đến những chi phí về IR-PR (liên hệ đầu tư, investor relations), tư vấn tài chính, phí để lưu trữ hồ sơ đầu tư (transfer agent), phí đăng ký với các cơ quan chính phủ v.v… Một công ty có chừng 10 công ty con, phải nhân lên gấp 5 lần số tiền nói trên. Do đó, nếu công ty bạn không tìm được một dòng tiền để thỏa mãn nhu cầu này, thì việc lên sàn là một đầu tư không hiệu quả, và khó đạt được mục tiêu ban đầu.

4. Vai trò các tư vấn: Vì không thể mướn đủ nhân viên để lo đầy đủ cho mọi đòi hỏi của việc niêm yết và bán cổ phiếu (lương bên Mỹ rất đắt), nên bạn phải sử dụng đến nhiều nhà tư vấn độc lập. Sự chọn lựa và điều tra kỹ lưỡng về khả năng và kinh nghiệm của các nhà tư vấn này là một điều bắt buộc. Sau đó, phải nhắc nhở Ban Quản Lý cộng tác chặt chẽ với họ để đạt hiệu quả cho mục tiêu. Ham tiết kiệm khoản chi phí này, đôi khi sẽ dẫn đến hậu quả trái ngược.

Ngoài 4 yếu tố căn bản trên, đây là những vấn đề khác phải suy nghĩ về việc Niêm-Yết-Sàn-Mỹ:

- Công ty tư nhân lớn nhất của VN là Ngân Hàng ACB có doanh thu khoảng 900 triệu USD và có thể đựơc xếp hạng là công ty nhỏ (small cap). Còn lại các công ty khác thường thuộc loại công ty siêu nhỏ (mini hay micro cap), theo tiêu chuẩn Mỹ. Khi đầu tư vào các công ty nhỏ, các nhà đầu tư quốc tế thường chọn những cổ phiếu có tính đột phá mạnh và có lợi thế về công nghệ với khả năng phủ hàng khắp thị trường toàn cầu. Các ngành nghề được ưa thích là công nghệ IT, sinh hóa học (biotech), năng lượng xanh, dược phẩm, truyền thông trên mạng hay các công ty có sức sáng tạo độc đáo. Các ngành nghề không ai muốn đầu tư là xây dựng hay địa ốc (các công ty Mỹ Âu đang bị te tua về ngành này), sản phẩm tiêu dùng (bị những công ty đa quốc lớn độc chiếm thị trường), nhà máy sản xuất hàng thông dụng (dư thừa nguồn cung trên thế giới), hay các dịch vụ không thể phát triển ngoài nội địa.

- Các nhà đầu tư vào các công ty SME thường có tính phiêu lưu giống như các quỹ mạo hiểm. Họ không có một chiến lược lâu dài (hơn 3 năm) và không có kiên nhẫn để chờ đợi kết quả (với giá cổ phiếu). Do đó, khi chọn đây là khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh các hoạt động thiên về M&A để phát triển nhanh chóng, tạo thanh khoản (nhờ những PR ồn ào) và làm tăng giá cổ phiếu. Các chiến lược bài bản về chất lượng có thể bị hy sinh cho những mục tiêu ngắn hạn theo đòi hỏi của các cổ đông loại này. Vì vậy, đây sẽ là một vấn nạn đạo đức về chiến lược khó giải quyết.

- Gần đây, các cổ phiếu SME của Trung Quốc bị khám phá là có nhiều vấn đề về khai báo và đang tạo ra một tiếng xấu tệ hại (tương tự với vấn đề an toàn thực phẩm của Trung Quốc). Một phong trào tẩy chay các cổ phiếu Trung Quốc đang được cổ súy lan tràn trên mạng và trong giới đầu tư ở Âu Mỹ. Những bùa phép thủ thuật để lèo lái cổ phiếu cũng như đạo đức cá nhân của các nhà quản lý đang bị phơi trần hàng ngày, cùng với lời kêu gọi SEC phải “mạnh tay” hơn trong việc xử lý các vi phạm của doanh nghiệp Trung Quốc. Vì sự thiếu hiểu biết, giới tài chánh Âu Mỹ thường cho VN và Trung Quốc là “cá mè một lứa”, nên ảnh hưởng xấu này có thể làm hại đến cơ hội lên sàn Mỹ của các công ty VN.

Nói tóm lại, cửa sổ của cơ hội vẫn đang còn mở với các doanh nghiệp VN khi ra biển lớn để tìm vốn trên sàn Mỹ. Trên hết, sàn Mỹ vẫn có một thanh khoản rất cao vì dòng tiền đầu tư đang quá dư thừa. Giá chứng khoán vẫn gia tăng kỷ lục trong 2 năm qua, dù tình trạng vĩ mô toàn cầu đang bị đe dọa với rất nhiều rủi ro.

Thực ra, nhiều chuyên gia phân tích đang cảnh báo về một “thiên nga đen” (black swan) có thể xảy đến vào 2012. Nếu công ty bạn có thể vượt qua các thách thức kể trên dễ dàng, tôi khuyên là nên tạo kế hoạch ra biển lớn thật nhanh trước khi bão đến. Trên mọi thị trường tài chính, qua bao thăng trầm, nắm bắt thời điểm vẫn là tất cả (timing is everything).

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.ghinalan.com.

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa