Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Cách phân biệt một số loại rau củ Trung Quốc và Việt Nam

Vì lợi ích cá nhân, không ít những người bán hàng đã trà trộn rau củ quả Trung Quốc vào bán kèm rau củ Việt Nam khiến người tiêu dùng mua nhầm.
Sau đây là một vài đặc điểm giúp bạn phân biệt một số loại rau củ Trung Quốc và Việt Nam
1. Cà rốt:
Cà rốt Đà Lạt (bên phải) củ nhỏ, đậm màu, tươi mới và thường có cuống. Cà rốt Trung Quốc (bên trái) bóng loáng, củ đều, to không có cuống hay đầu thường đen do để lâu.
Hơn nữa củ cà rốt Trung Quốc (bên trái) không có lông, không đuôi, màu đỏ tươi, đậm hơn và độ đồng đều cao.

2. Tỏi 
Tỏi Trung Quốc (bên phải): Củ rất to, vỏ ngoài màu trắng hơi vàng, dễ bóc.Tỏi ta (bên trái) thường có củ nhỏ, vỏ ngoài màu trắng hoặc nâu tím, khó bóc.
Khi bóc ra thì tỏi Trung Quốc có ít tép và tép khá to. Còn tỏi ta thì nhiều tép và tép nhỏ. Tỏi Trung Quốc thường có vị hăng, the, ít thơm. Tỏi ta có vị the, có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, riêng tỏi Lý Sơn có mùi thơm dễ chịu, ít có vị cay nồng.

3. Gừng
Bên trái là gừng Việt Nam, lớp vỏ xỉn màu, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong. Còn bên phải là gừng TQ màu vàng nhạt, lớp vỏ nhẵn nhụi, căng mọng, củ to, đều, ít nốt sần sùi, được vệ sinh rất sạch sẽ.
Gừng Trung Quốc thường không dính đất, củ to, tròn, da trơn láng, mịn màng, thân mọng nước, ít đường vân, rất dễ bóc vỏ. Gừng ta có vị thơm đậm, cay nồng, gừng Trung Quốc không có mùi vị. Phần lõi, gừng ta có nhiều xơ, đường vân tròn rõ nét. Lõi gừng Trung Quốc ít xơ, đường vân nhợt hơn.

4. Hành
Hành Trung Quốc (trái) củ to, chỉ có một tép, không thơm, vỏ mỏng. Hành ta thường cỏ vài tép trên một củ, rất thơm, lớp vỏ dày.

5. Khoai tây
Khoai tây Trung Quốc có vài loại, trong ảnh (trái) là giống khoai ruột trắng ăn nhạt, sượng. Khoai tây Đà Lạt (phải) vỏ mỏng, dễ bong tróc, mắt khoai nhỏ, ruột vàng, ăn bở.

6. Cà chua
Cà chua Trung Quốc (bên trái) thường có bóng, to, không cuống. Cà chua ta (bên phải) thường có cuống, màu sắc tươi mới hơn.

7. Hành Tây 
Hành tây Đà Lạt có củ to, vỏ lụa ngoài màu trắng, dễ bị trầy sước trong khi hành tây Trung Quốc có vỏ ngoài màu vàng, tím, hoặc trắng bóng, có hình dạng tròn đều hoặc hình bầu dục.

8. Bắp cải
Bắp cải Trung Quốc thường có kích thước nhỏ hơn, bọc trong túi lưới, rất tròn và mượt, không bị nhàu, xước, đầu búp uốn vào không bị xoăn, màu xanh nhạt. Bắp cải ta thường có kích thước khá lớn, có màu trắng.

9. Súp lơ
Lơ Trung Quốc thường có màu xanh đậm hơn lơ Đà Lạt, các múi to hơn. Trong hình lơ Trung Quốc đã để được 26 ngày nhưng vẫn tươi xanh, trong khi lơ Đà Lạt mới chỉ 2 ngày đã có dấu hiệu chuyển sang màu vàng.

Đại gia Việt nuôi chí bảo vệ đất nước trước hàng Trung Quốc

Cựu chiến binh - đại gia người Việt Nguyễn Hữu Đường là một người nồng nàn yêu nước và ông quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước mình một lần nữa trên mặt trận kinh tế trước hàng Trung Quốc, 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Ông Đường người đã chi hàng chục triệu USD, vào một cuộc chiến mới, đó là cuộc chiến để giúp cho nền kinh tế Việt Nam độc lập hơn và chống lại sự tràn ngập của hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ lại đang bị "ngộp thở" trước sức ép của các đại công ty nước ngoài, cũng như dòng hàng hóa giá rẻ trị giá hàng tỉ USD từ Trung Quốc, đè bẹp các sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Đường có một kế hoạch thoát khỏi điều đó, mặc dù ông nói đó không phải một nỗ lực chống lại hàng Trung Quốc, nhưng lại là cách để nuôi dưỡng các công ty non trẻ, khi ông mở một Trung tâm Thương mại mang tên V+ tại Hà Nội và cho các công ty thuê chỗ kinh doanh miễn phí trong 50 năm nếu họ cam kết chỉ bán hàng được sản xuất trong nước.
Ông còn vận động chính phủ để nhân rộng mô hình của ông ra cả nước, như là một hành động thiết thực để ngăn chặn việc hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa mỗi năm và khuyến khích người dân sử dụng hàng trong nước.
"Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa khắp thế giới với giá cả cực kỳ thấp và điều đó đang gây ra áp lực rất lớn đến nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam", ông Đường nói với Reuters.
"Tôi là một doanh nhân, tôi hiểu lý do tại sao các doanh nghiệp không thể phát triển. Nếu không có hành động, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị xóa sổ", ông nói thêm.
Nỗi lo từ hàng Trung Quốc
Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam với người láng giềng khổng lồ của mình cũng là đối tác thương mại lớn nhất được xem là một nỗi cay đắng của người dân, nhất là với quá khứ xâm lược của người Trung Quốc với Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc, 3/4 số hàng hóa và Việt Nam nhập khẩu tương đương với giá trị 60 tỉ USD là đến từ Trung Quốc. Nhưng kim ngạch đó lại "chẳng là gì" với Trung Quốc khi mà nước này xuất khẩu với kim ngạch lên tới 2.300 tỉ USD vào năm 2014.
Mới đây, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gây nên sự lo sợ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, khi mà hàng Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường hơn vì giá quá rẻ.
Ngân hàng nhà nước, ngay lập tức đã phải thực hiện kế hoạch phòng thủ của mình bằng cách mở rộng biên độ giao dịch của tiền đồng với USD hai lần liên tiếp trong sáu ngày.
Sứ mệnh giải cứu nền kinh tế
Từng là một lái xe xích lô sau khi chiến tranh kết thúc, ông Đường 61 tuổi, cho biết ông đã trải qua những thời gian khó khăn nhất và khởi sắc từ nhà máy bia Hòa Bình. 
Ông Đường tuyên bố sẽ dành một nửa tài sản của ông để giúp Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Đường người được biết đến với biệt danh ”Đường Bia”, cho biết ông đã dành 27 triệu đô la để xây dựng Trung tâm Thương mại V+ và đã cho mở cửa từ tháng 2. 
Trung tâm này sẽ giúp các công ty nhỏ giảm các chi phí và từ đó làm giảm giá bán. V+ bán tất cả mọi thứ từ túi xách, giày đến đồ trang trí. 
Ông Đường cho biết: “Giá tốt, chất lượng tốt. Đây phải là một trong những địa điểm mua sắm rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á”.
Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết, sự mất cân bằng thương mại “gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp” và bóp nghẹt tính cạnh tranh của hàng nội địa.
Bất chấp việc người Việt Nam không muốn sử dụng hàng hóa Trung Quốc, thì với mức giá hấp dẫn của nó sẽ là không thể tránh khỏi trong trường hợp các doanh nghiệp Việt nhỏ thiếu vốn và với các gia đình có mức thu nhập khiêm tốn.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết, mô hình của V+ cho thấy một mục đích tốt nhưng chính phủ nên hướng cho các doanh nghiệp và nuôi dưỡng các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực có tính cạnh tranh nhất. 
Ông nói: “Cần có một sự thay đổi trong tư duy và đánh giá lại vai trò của chính phủ, với sự hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp có mục tiêu”.
"Chính phủ cần phải có bước đi dành các khoản trợ cấp theo hướng dành cho các công nghiệp và các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu".
Ở tầm vĩ mô, Việt Nam đang tìm cách để thoát khỏi việc dựa vào kinh tế Trung Quốc, bằng cách hướng tới các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Mỹ khi theo đuổi các hiệp ước tự do thương mại với hơn 60 nước, đặc biệt là việc đàm phán TPP với các đối tác châu Á -Thái Bình Dương.
Trận "đánh lớn" của vị đại gia yêu nước
Trung tâm thương mại V+ của ông Đường hiện nay hoạt động không thực sự tốt, khi mà chỉ có hai tầng được lấp đầy và ba tầng trên cao thì bỏ trống. Nhưng ông cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu trong "cuộc chiến" của mình.
"Các doanh nghiệp Việt Nam đang hấp hối, chúng tôi phải làm điều gì đó", ông nói. 
"Chúng tôi là quốc gia đã đánh bại hai siêu cường. Tôi không muốn nước mình trở thành quốc gia của những người làm thuê cho người khác".
Để thực hiện mong muốn của mình, ông Đường đã bán đứt tòa tháp quốc tế cao 22 tầng trị giá 735 tỉ đồng của mình trên một tuyến phố lớn của Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Đường quyết định dùng số tiền 735 tỉ đồng này nhân rộng mô hình Trung tâm Thương mại V+ của mình trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam trong ba năm tiếp theo.
Thiên Hà (theo Business Insider)

Đường trộn axit bán tràn lan gây hoại tử lục phủ ngũ tạng

Mặc những nguy hiểm khôn lường xảy ra với sức khỏe của con người, không ít người vẫn sử dụng hóa chất độc hại để chế biến, tẩy rửa đường. Nhiều chuyên gia cảnh báo, ăn “đường độc” trong một thời gian dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Choáng với công thức dùng a-xít để chế “đường độc”
Thông tin ban đầu, ngày 17.5, chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận (sở NN&PTNT Bình Thuận) phối hợp với phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bình Thuận, bất ngờ ập vào cơ sở của bà Lý Lệ Châu (52 tuổi, ngụ tô 7, khu phố 6, phường Đức Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang sản xuất đường vàng bằng hóa chất công nghiệp độc hại. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 150 kg đường màu vàng, 18 kg a-xít photphoric.
Được biết, a-xít photphoric lại là loại hóa chất cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh sử dụng tùy tiện để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của bà Châu đã lấy đường trắng (giá 13.000 đồng/kg) trộn với a-xít photphoric, hóa chất màu đỏ chưa rõ nguồn gốc, nước rồi cho vào máy trộn để sản xuất ra đường màu vàng. Sau khi sản xuất, sản phẩm này được bán ra thị trường với giá 15.500 đồng/kg.
Điều đáng nói, sản phẩm đường chứa hóa chất độc hại này không chỉ được tiêu thụ tại các chợ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, mà còn có mặt khắp nơi. Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo sợ.
Ngoài cơ sở của bà Châu, theo tìm hiểu của PV tại nhiều tỉnh thành phía Nam, việc sản xuất, chế biến đường bằng hóa chất vẫn diễn ra vô tội vạ. Tại tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, một số tỉnh Tây Nguyên… không ít cơ sở tư nhân sản xuất, chế biến đường, không hề có giấy phép của cơ quan chức năng.
Theo đó, để trục lợi, các cơ sở sản xuất này đều mua nhiều loại hóa chất, trong đó có a-xít photphoric về “phù phép” cho đường có trọng lượng nặng hơn, màu sắc hấp dẫn hơn. Việc các cơ sở này sử dụng axit photphoric để tẩy rửa đường, ngoài việc tăng trọng lượng còn khiến cho đường trở nên óng ánh, đẹp mắt.
Thậm chí, tại TP.HCM cũng có không ít cơ sở kinh doanh, núp bóng “tạp hóa”, tìm mọi cách “phù phép” để giúp đường trắng biến thành đường vàng. Để tận mục sở thị việc người dân mua hóa chất về tẩy rửa đường, PV có mặt tại chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM). Tại đây, một số người bán hàng cho biết, hàng ngày có không ít người từ khắp nơi đến hỏi mua hóa chất về chế biến thực phẩm, trong đó có đường.
Việc mua bán hóa chất này diễn ra quá dễ dàng mà không hề có sự quản lý hay kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Điều đáng báo động là việc người dân sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm ngày càng nhiều, vô tội vạ mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết được. Điều này ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người tiêu dùng.
Gây hoại tử lục phủ ngũ tạng!
Thạc sỹ Hóa hữu cơ Lê Văn Dũng, chuyên gia nguyên cứu hóa học tại các tỉnh phía nam chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe việc sử dụng a- xít photphoric để tẩy rửa, chế biến đường. Bởi đây là loại hóa chất công nghiệp, thường dùng chủ yếu trong sản xuất phân bón”.
Thạc sỹ Dũng cho biết thêm: “Bản chất của loại a-xít này là chất lỏng nên nó ngấm rất nhanh vào đường khiến cho trọng lượng đường lên. Vì thế, đây có thể khiến cho những người dùng vào quá trình chế biến để trục lợi. Trường hợp người tiêu dùng ăn đường có nhiều a-xít photphoric trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Vì thế, tôi cho rằng các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với việc sử dụng vô tội vạ loại hóa chất độc hại này vào việc chế biến thực phẩm nhằm trục lợi”.
Trong khi đó, thạc sỹ Cao Xuân Thủy (khoa Công nghệ Thực phẩm, trường đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM) còn tiết lộ: “Ngoài việc tăng trọng lượng đường, trong quá trình chế biến đường, người ta còn dùng a-xít photphoric để tẩy rửa đường. Tuy nhiên, sau khi tẩy rửa, người sản xuất cần xử lý hết dung lượng a-xít photphoric còn lại trong đường, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nếu quá trình chế biến mà không tiến hành xử lý để trừ bỏ loại a- xít này thì sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người. Theo đó, nếu sử dụng đường có chứa dung lượng a-xít photphoric trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột của người sẽ bị tiêu diệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người”.
Trao đổi với PV về cách nhận biết đường còn chứa nhiều lượng a-xít photphoric, thạc sỹ Thủy cho hay: “Để nhận biết đường còn chứa nhiều a-xít photphoric, mọi người chỉ cần để đường ở ngoài nắng sẽ dễ dàng nhận biết được. Theo đó, nếu nhìn thấy đường óng ánh có nghĩa đường còn chứa nhiều a- xít photphoric. Và ngược lại, đường được xử lý, loại bỏ hết dung lượng hóa chất thì không còn óng ánh nữa”.
Đồng quan điểm trên, thạc sỹ Nguyên Tấn Cường, chuyên gia nguyên cứu sức khỏe môi trường và an toàn lao động, trường cao đẳng Kinh tế công nghệ TP.HCM cho biết: “A-xít phot- phoric là loại hóa chất nếu sử dụng quá nồng độ, và liều lượng cho phép có thể gây phỏng niêm mạc, loét bao tử, gây kích thích, tác động tới hệ thần kinh, về lâu dài, có thể gây hoại tử đối với các bộ phận cơ thể nếu tiếp xúc nhiều với loại hóa chất này”.
Theo Đời Sống Pháp Luật