Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Chuyện Dài Về Tự Hào Dân Tộc

Nguồn : Vững Đại Phát

Việt Nam còn ăn xin đế bao giờ?
Nguyễn Văn Tuấn – 4/4/2015
Thật ra, đó là câu hỏi của người đại diện JICA (Quĩ Hợp tác Quốc tế của Nhật) dành cho phía Việt Nam trong cuộc họp báo hai ngày trước ở VN (1). Điều vui vui là phóng viên đặt câu hỏi rằng Quốc hội VN về tài trợ của Nhật có ràng buộc (như phải thông qua hay dùng nhà thầu Nhật), ông đại diện nói rất thẳng là “Tôi nghĩ đến câu chuyện Việt Nam lúc nào không cần ODA nữa. Đến nay Việt Nam đã nhận ODA 20 năm. Bao giờ Việt Nam không cần cần nữa? 10 năm hay 20 năm nữa?” Có thể hiểu câu đó một cách nôm na là: các anh còn ăn xin đến chừng nào nữa, 10 năm hay 20 năm? Đã ăn xin mà còn cao giọng đòi hỏi! Phải nói rằng đó là một lời bình rất thật, hơi trịch thượng, và có thể làm cho người có tự trọng cảm thấy rất nhục.
Ông đại diện JICA không chỉ mắng là ăn xin đến khi nào, mà còn gõ đầu cảnh cáo về tình trạng tham nhũng hối lộ. Ông nói thẳng thừng: “Nếu có vụ tham nhũng nữa, Nhật sẽ ngưng viện trợ ODA cho VN“. Bất quá tam. Thú thật, đọc câu đó thoạt đầu tôi cứ tưởng là chuyện “Cá Tháng Tư”, chứ có ngờ đâu là tin thật. Cảm giác đầu tiên dĩ nhiên là thấy nhục nhã, bởi vì để cho một nước khác nói thẳng như thế, nói trong tư thế của kẻ bề trên. Nhưng nghĩ lại thì thấy cũng … đáng. Quen thói “ăn không chừa thứ gì” (lời của một quan chức cao cấp) thì cũng phải đến ngày bị người ngoài mắng cho một trận nên thân. Chỉ tội đa số người dân Việt phải hứng chịu sự khinh bỉ của người khác.
Tại sao người Nhật họ có thể nói thẳng như thế? Câu trả lời là vì họ là người chủ nợ lớn nhất của Việt Nam. Trong quá khứ và cho đến nay, Nhật đã tài trợ cho VN rất nhiều. Một bài báo năm ngoái cho biết trong thời gian 20 năm qua, Nhật đã hỗ trợ cho VN 20 tỉ USD (2), và con số vẫn còn tăng. Chỉ riêng năm 2014 Nhật đã tài trợ cho VN gần 2 tỉ USD, có lẽ là nguồn tài trợ lớn nhất cho VN (?). Có lẽ chính vì thế mà Nhật có tư cách cảnh báo VN như cha cảnh báo con: cứ tối ngày phung phí thì coi chừng, nghe chưa con! Thật ra, nói là tài trợ, nhưng thực tế là vay, và thế hệ con cháu phải trả số tiền vay này trong tương lai.
Nhưng VN không chỉ nhận từ Nhật, mà còn từ một nguồn quan trọng khác là Ngân hàng Thế giới (WB). Tôi thử tra số liệu của WB thì thấy tiền vay ODA từ WB qua các thời gian như sau:
1995-1999: 2.94 tỉ USD
2000-2004: 3.59 tỉ USD
2005-2009: 4.11 tỉ USD
Số tiền này rất lớn so với các nước khác. Thật ra, các nước như Phi Luật Tân và Nam Dương thì họ giảm vay ODA (riêng Thái Lan và Mã Lai thì không thấy vay ODA nữa, chắc là họ đã “ok”). Số liệu của Nam Dương:
1995-1999: 1.39 tỉ USD
2000-2004: 419 triệu USD
2005-2009: 67 triệu USD
và Phi Luật Tân:
1995-1999: 531 triệu USD
2000-2004: không vay
2005-2009: 5.14 triệu USD
Ngay cả Lào cũng có xu hướng giảm vay ODA. Năm 1995-1999, Lào vay 414 triệu USD, đến năm 2005-2009 thì còn 409 triệu USD. Còn Kampuchea thì chỉ vay khoảng 700 đến 800 triệu USD mỗi 5 năm, và không thấy tăng.
Tất cả những con số trên cho thấy VN là nước vay rất nhiều từ WB, và xu hướng đang tăng (xem biểu đồ). Nếu dân số năm 2014 là khoảng 89.7 triệu, thì tính trung bình số tiền vay (5 năm) là 46 USD mỗi người dân. Có lẽ vì vay nhiều thế, nên có chuyên gia tính toán rằng hiện nay, mỗi người Việt nợ 900 USD (?).
vn an xin ng v tuan
Biểu đồ về số tiền vay ODA từ Ngân hàng Thế giới trong thời gian 1995-2009 của Việt Nam, Nam Dương, Lào, và Phi Luật Tân. Đơn vị là triệu USD.
VN vay nhiều nhưng “ăn” cũng nhiều. Nguồn tin từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì cho biết trong các nước mà WB tài trợ, thì VN là nước bị than phiền nhiều, đứng hàng thứ 2 (chỉ sau Ấn Độ). Người ta than phiền VN ăn hối lộ, ăn chận tài trợ của WB. Lĩnh vực bị than phiền nhiều là giao thông vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, và cấp nước (4). Đã ngửa tay ăn xin mà còn tham nhũng! Chính vì thế mà VN bị khinh bỉ trên trường quốc tế.
Thuỵ Điển đã cúp viện trợ. Vài nước khác cũng đang sắp cúp viện trợ cho VN. Cuối cùng thì có lẽ VN nhờ vào kiều hối, nhưng số này cũng sẽ giảm vì thế hệ thứ 2 người Việt ở nước ngoài sẽ không có gắn bó gì với VN, và họ sẽ chẳng gửi tiền về VN nữa.
Quay lại câu hỏi nhức nhối (ăn xin đến khi nào), nên nhớ rằng viên đại diện Nhật không phải là người đầu tiên nói như thế. Theo ông Lê Đăng Doanh thuật lại trong một buổi báo cáo cho trung ương đảng với cách nói thẳng và không màu mè (5):
“Ngày 01 tháng 12 này cũng có một cái Hội nghị tài trợ. Tôi xin báo cáo rất chân thành với các anh là ra đấy chỉ khổ tâm thôi. Nhiều thằng nó nói với tôi là chúng mày định ngửa tay đi ăn xin đến bao giờ nữa? Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả… Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế. Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến như thế là thế nào? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không? Nó nói với tôi trắng trợn và thẳng lắm chứ, y nguyên như tôi nói với các anh chị.”
Ông nói thêm:
“Nó bảo mày phải nghĩ đi, mà phải nghĩ cả phẩm giá, tư cách của mày đi xem mày là thế nào đi, lúc nào rồi dân tộc của mày sẽ như thế này sao? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Ta cứ tưởng nó cho tiền mãi là vinh dự. Tôi thấy vinh dự vừa phải thôi, chứ trong thâm tâm tôi như muối xát vào ruột chứ không đơn giản đâu. Vì nó nói đến như thế. Thằng không nói thì trong thâm tâm nó cũng nghĩ thế cả, thằng bỗ bã thì nó nói toẹt vào mặt chứ không phải đơn giản đâu. Cho nên, có người nói với tôi là, vậy thì bây giờ mình có lãnh đạo ASEAN được không, tức ông phải trả lời trước hết ông lãnh đạo thì ông có tiền ông bao thằng khác không? Hai là ông có cái học thuyết gì để hướng dẫn cho người ta không? Thứ ba nữa là ông muốn lãnh đạo thì thằng Washington và thằng Bắc Kinh nó có tin ông không? Hai thằng ấy mà nó không tin ông nó cho ông mấy chưởng thì lúc bấy giờ, ông chưa lãnh đạo nó đã cho ông què cẳng rồi. Thì thôi, bây giờ coi như ông đừng lãnh đạo; chứ ông mà lên tiếng, ông mạnh mồn ra tiếng lãnh đạo, hò hét thì đừng là nó cho ông mấy chưởng ngay chứ không phải không đâu. Mà nó có nhiều võ hơn mình, nhiều tiền hơn mình, nhiều công cụ hơn mình”.
Hãy đọc và suy nghĩ! Ai làm cho đất nước này và con người Việt Nam nhục như thế, để cho thiên hạ mắng mình ngay trong đất nước mình và mắng trên mặt báo.
Nguyễn Văn Tuấn
(Blog Nguyễn Văn Tuấn)
____
Để tránh xảy ra việc đưa và nhận hối lộ như trong dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), dự án Đại lộ Đông - Tây, Nhật Bản đang kiến nghị với Việt...
LAODONG.COM.VN

Niềm tin …không khoa học

Nguồn : Vững Đại Phát

Niềm tin …không khoa học
Alan Phan
5 April 2015 (Easter Sunday)
(Niềm tin là con chim cảm nhận ánh sáng khi trời còn tối đen – Faith is the bird that feels the light when the dawn is still dark – Tagore)
Buổi trưa Thứ Sáu, một số anh em tụ họp ở một quán nhỏ khu Bolsa ăn trưa chém gió. Ba gia đình người gốc Việt vừa từ Việt Nam về vài ngày trước đó; nhưng có lẽ chuyện Việt Nam đã trở thành quá nhàm trong cộng đồng nơi đây, nên không ai nói gì về chuyến đi của mình. Những mẩu chuyện quay quanh đề tài cơm áo gạo tiền trên đất Mỹ, rồi hướng về tâm linh, tôn giáo…có lẽ là vì ngày Good Friday.
Một người bạn chân tình nói về bốn khối u ung thư mọc trên lá gan và bắt đầu lan rộng quanh nội tạng khoảng 7 năm trước. Anh không là đại gia, nhưng làm ăn thành công và đời sống rất thoải mái về vật chất. Như những người có tiền, anh thú nhận “quậy” hơi nhiều và gây buồn khổ không ít cho người thân. Khi bác sĩ không chịu “đốt” khối u với laser vì chúng quá to và ăn sâu vào căn cơ, anh lại không muốn hóa trị chỉ để chờ chết, nên bỏ hết mọi việc và suốt ngày vào nhà thờ xưng tội và cầu nguyện, trong khi đợi lá gan để thay (nhưng ở Mỹ, có thể là vài ba năm, dù ưu tiên). Anh nói sau một thời gian, cơ duyên đẩy đưa, anh lạc qua tận bên Trung Quốc thay gan tại một bệnh viện vùng quê ở Vũ Hán. Anh và gia đình không mang nhiều hy vọng, nhưng chết đâu thì cũng thế thôi. Không ngờ anh sống sót và quay về Mỹ sống yên lành với lá gan mới.
Sau một năm, sức khỏe hồi phục tốt, anh quay lại công việc làm ăn và thói quen “quậy”. Vài tháng sau 2 cục u khác mọc lại và anh lại tuyệt vọng tìm đến tôn giáo để xin cứu rỗi. Chu kỳ này tái diễn thêm 2 lần nữa, và lần sau cùng, cách đây vài năm: anh đã hồi tâm, suốt thời gian sống và làm việc cho gia đình và giáo hội. Các khối u đã biến mất, không tái phát. Và lúc nào, anh cũng chia sẻ với mọi người cái sức mạnh không ngờ của niềm tin và sự cầu nguyện.
Câu chuyện của anh làm tôi nhớ lại một trải nghiệm nhìn qua cuộc đời của một cộng tác viên cũ 18 năm về trước. Chester là nhà môi giới chứng khoán công ty tôi thuê để làm các dịch vụ giao tiếp cổ đông (IR = investors’ relation). Anh rất hữu hiệu; nhưng sau vài tháng chúng tôi cho anh ta nghỉ việc vì khám phá ra một chuỗi thành tích bê bối và phi pháp của anh: lường gạt đối tác, ngân hàng và khách hàng, vi phạm luật chứng khoán, viết chi phiếu không tiền bảo chứng, quỵt nợ, khai gian bảo hiểm…Tóm lại, trong 12 năm sự nghiệp của Chester, có đến 11 năm anh chuyên trò lừa bịp. Các cơ quan tư pháp điều tra và suýt tóm cổ anh mấy lần, nhưng anh luôn nhanh chân nhẩy trước kịp thời. Cuối cùng, anh bị bắt, ra tòa lãnh án 8 năm tù.
Ở tù 2 năm, anh bị ung thư từ bao tử đến phổi, vào giai đoạn cuối. Chính quyền thả anh ra và anh về nằm nhà cha mẹ ở Texas chờ chết. Không hiểu cơ duyên nào, anh mò dậy đi theo một nhóm người Mormon xuống Honduras truyền giáo. Anh không quay về Mỹ, mà ở lại một xứ đạo nghèo nơi đây, vùa làm một dân chài, vừa phụ giúp công việc trong nhà thờ. Ba năm sau, anh quay về California, tìm tôi để xin lỗi (tại những chuyện anh lấy danh nghĩa công ty làm bậy, nên chúng tôi bị Sở Chứng Khoán và Bộ Tư Pháp điều tra. Chuyện kết thúc không sao, nhưng chúng tôi tốn vài trăm ngàn tiền luật sư và phí). Bệnh ung thư của Chester biến mất hoàn toàn, anh mạnh khỏe, hồng hào như một trai trẻ. Chỉ khác một điều là anh không còn dáng dấp gì của một chuyên gia tài chánh mà y hệt một anh nông dân từ Honduras, ngay cả trong lối cư xử thật thà và khiêm tốn.
Anh nói phần đời còn lại này anh chỉ biết dành cho Chúa vì Ngài đã “phục sinh” cho anh.
Tôi có vài người bạn Việt và Trung Quốc, lớn lên và được giáo dục trong môi trường duy vật “vô thần” của Đảng Cộng Sản. Họ là những người học cao và lý luận sắc bén, nhưng khi nói về tôn giáo hay niềm tin trong tâm linh, họ thường cười nhạo chế giễu…và coi tất cả chỉ là những trò mê tín dị đoan của thành phần “bần cố nông” còn sót lại từ các triều đại phong kiến. Và họ không thiếu những ví dụ, như nhóm IS của Hồi Giáo, nhóm Thập Tự Quân của Thiên Chua Giáo hay những giáo phái Ấn Độ tại các vùng tranh chấp với Hồi Giáo. Niềm tin tâm linh có thể đi quá đà để trở thành cuồng tín và sự hủy diệt những người không chia sẻ niềm tin giống mình (những kẻ “phản đạo” hay “tà đạo”) sẽ trở thành đơn giản như ăn uống. Tôi thường phản biện là dường như Mao và Stalin cũng đồng ý với quan điểm của IS về cách trừ khử những thế lực thù địch này.
Tôi thì luôn tin vào một “Tinh Thần Vũ Trụ” (danh từ thông dụng hơn là Thượng Đế) mà sự đồng cảm và hòa nhập của con người rất cần thiết cho sự bình yên của tâm hồn. Tuy vậy, đôi khi những giáo dục, kiến thức về khoa học và công nghệ khiến mình trở nên một tên trí thức “lùn” ngạo mạn và tự tôn. Đó là loại người dù sống với niềm tin mạnh mẽ trong lặng lẽ của ngày tháng, nhưng lại không muốn minh bạch thú nhận phần “phản khoa học” , “không giải thích được” của sức mạnh tâm linh. Tôi hay lặng lẽ đến những nơi thừa tự vào những ngày vắng lặng để tìm sự siêu thoát khỏi những ô trọc của trần thế; nhưng khi gặp người quen, tôi lại hay ngượng ngùng như mình đã làm một điều gì không hợp “thời trang”.
Đôi khi, tôi tự hỏi những tâm hồn chất phác ít học từ các bộ lạc thời đồ đá đến những nông dân chân đất hiện nay sẽ cô đơn trần trụi như thế nào nếu họ không có một niềm tin tâm linh để bám víu? Chúng ta chỉ bằng lòng và hãnh diện với những nghi thức phức tạp khi đi lễ tại nhà thờ hay khi đến với những ngôi chùa nghiêm trang đúng chuẩn; nhưng từ rất lâu, rất xa xưa, ngững con người yếu đuối, sợ sệt vẫn tìm một niềm an ủi cho tâm hồn qua Thần Lửa, qua Thiên Thần, qua Quỷ Dữ, qua Phù Thủy….giữa thiên nhiên. Những niềm tin không khoa học này là những cái phao cứu sinh trong dòng nước lũ khắc nghiệt của đời sống suốt 10 ngàn năm qua. Chúng nuôi dưỡng sự sống của con người không khác gì những thức ăn từ mồi thú hay cây cỏ.
Thượng Đế hiện hữu qua nhiều hình thể, âm thanh và mầu sắc. Một đóa hoa tu-líp kèm trong một Email; một vài câu chí tình từ một cuốn sách; một bài hát từ Saigon cũ… Hãy lặng im, đón nhận Ngài vào trái tim. Trong đêm dài Việt Nam này, tôi nghĩ chúng ta cần Ngài hơn bao giờ hết…
Alan Phan

Loạt Bài về Saigon Trước 1975

Nguồn : Vững Đại Phát

Bài 5: Giao Thông thời VNCH
By Saigon Trước 1975 Blog
Một trong những cái hay của người dân Saigon trước 1975 là ý thức an toàn giao thông và tôn trọng luật giao thông . Đèn đỏ thì dừng lại hết, không xẹt qua phải qua trái ngang xương cho dù đường vắng ít người .
Nhớ lúc trước, tôi bị cảnh sát công lộ chận lại 2 lần . Trước 75, người dân gọi họ là cảnh sát công lộ, chứ không kêu là cảnh sát giao thông như bây giờ . Cả 2 lần tôi bị chận lại, trong những giây phút đầu tiên sau khi tắp xe vô lề, tôi không hiểu tôi đã làm sai điều gì cho nên cũng có đôi phần ngạc nhiên .
Lần đầu tiên bị chận lại, lúc đó trên đường Lý Thái Tổ gần ngã tư Sư Vạn Hạnh, chỉ còn cách 50m là đến nhà rồi . Lần thứ 2 bị chận lại là trên đường Phan Thanh Giản, ngay trước Rạp Long Vân . Điều làm tôi nhớ mãi đến giờ là cung cách hành xử của 2 người bạn dân này .
Sau khi đã dừng xe xong, một ông bạn dân đi về phía tôi, giơ tay phải chào phớt tui giống mấy ông nhà binh chào nhau vậy . Tôi mở miệng hỏi trước ” Em đã làm sai chuyện gì hở Thầy ? ” . Ông ấy không trả lời ngay câu mình vừa hỏi mà tự báo danh trước ” Tôi, Trần Văn Thiên, CSCL số XXX . Lý do chận xe anh lại là vì xe anh không có bảng số . Yêu cầu anh cho xem thẻ căn cước và giấy tờ xe “
Ông ấy cầm 2 tờ giấy của tôi đi về xe CS, 10-15 phút sau quay trở lại, ông ta đưa cho tôi 2 tờ giấy, 1 tờ đi làm lại bảng số khác, còn tờ kia phòng khi gặp CSCL khác mà bảng số chưa làm kịp . Và tờ giấy đó đã giúp tôi trong lần bị chận thứ 2 .
Cái hay ở CSCL trước 75, đều phải báo danh trước và không được vòi vĩnh người dân .
Thời trước năm 75 , dân thành phố Sài gòn được tổ chức rất văn minh và theo đúng với luật giao thông quốc tế ! Vì thế nên khi rời bỏ xứ sang đây tôi thấy không gì bở ngở với luật giao thông bên này !
(Bài của bác Namrom64)
XA LỘ BIÊN HÒA – HOÀI NIỆM MỘT THỜI
Bài của Nguyễn Quang Toản
Bài này khá hay đối với những ai thích địa lý nước nhà và từng sống ở SG trước hay sau 1975. Trải qua chiều dài của lịch sử, qua vài thế hệ, XL Biên Hoà vẫn còn đó, nay đã đổi tên là XK Hà Nội với nhiều đổi thay theo thời gian trong thời TG Thị Trường. Đúng là TP đã mất tên, nhiều di tích của XL Biên Hòa nay không còn nữa, anh lính VNCH gần nghĩa trang quân đội, dĩ nhiên. Gia đình đương sự nghe đồn rằng sau 75 có lính ma, hay đến nhà các thường dân để xin cơm sau tháng tư đen. Theo bà của Hàn thì XL Biên Hòa là chặn đương phải vượt qua để đi tắm biển Vũng Tàu của dân SG. Phải đi qua 2 hỏa tiễn thật cao bằng xi măng. Tiếc là hai di tích này đã bị CS xóa sạch nhưng chắc không hề phai mờ trong lòng những ai đã từng sống gần đó.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của Nam bộ, có thời là kinh đô của Việt Nam bị phân chia (Gia Định kinh, đô thành Sài Gòn); là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nên cũng là đầu mối giao thông quan trọng. Từ Phiên An thành đi ra Huế, xưa theo con đường Thiên Lý.
Từ Sài Gòn đi ra Trung, ra Bắc theo đường số 1 (Quốc lộ 1), nay có tên Quốc lộ 1A (Hiện giờ chỉ có Quốc lộ 1A, 1B, … nhưng không biết Quốc lộ 1 là như thế nào, là tên gọi chung cho 1A, 1B, 1C chăng ?).
Đường Thiên Lý từ Phiên An thành đi theo hướng băng qua Thạnh Đa, qua đò Bình Quới, đến chợ Thủ Đức, làng Linh Xuân, qua mạn bắc núi Châu Thới rồi sang Biên Hòa. Đó là con đường Thiên Lý Bắc. Còn đường Thiên Lý Nam thì theo con đường Nguyễn Trãi ngày nay, từ thành đi khỏi phố Sài Gòn đến Mai Sơn, Bình Thới ở vùng Phú Lâm rồi về Định Tường.
Cũng phải kể đến Đường Sứ nối Gia Định với Nam Vang, nó đi ngang 18 thôn vườn trầu rồi sang Chân Lạp.
Đến thời kỳ xe thay ngựa bằng máy, các tuyến đường đá, đường nhựa được Pháp cho xây dựng khắp nơi. Con đường Thiên Lý Nam được định danh là Quốc lộ 4. Còn Đường Sứ và Thiên Lý Bắc được định danh là Quốc lộ 1 – con đường quan trọng nhất xuyên qua lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp.
Tuyến Quốc lộ 1 từ Nam Vang về Sài Gòn ngày nay là Quốc lộ 22. Vào trung tâm thành phố theo đường Trường Chinh, đường Cách Mạng Tháng Tám đến chợ Bến Thành (chợ này dân Sài Gòn quen gọi là “chợ Sài Gòn”).
Tuyến Quốc lộ 1 ra Bắc thì theo đường Đinh Tiên Hoàng lên Gia Định, rồi theo Phan Đăng Lưu – Nơ Trang Long, “đi ké” xe lửa băng qua sông Sài Gòn tại cầu Bình Lợi rồi theo đường Kha Vạn Cân, qua Thủ Đức – Linh Xuân. Khi qua khỏi Châu Thới (chỗ gần cầu Hang của xe lửa) thì đường thẳng tiến qua trung tâm Biên Hòa bằng một con phà rồi vào đường 30 tháng 4. Tuy nhiên, sau đó thì tuyến Quốc lộ 1 được xe lửa cho “ké” băng qua sông Đồng Nai tại cầu Ghềnh đến cù lao Phố, lại “ké” tiếp qua cầu Rạch Cát để vào trung tâm thành phố Biên Hòa. Từ Biên Hòa, Quốc lộ 1 theo đại lộ 30 tháng 4, qua Biên Hùng, Tân Phong, suối Săn Máu, Hố Nai rồi đến Trảng Bom (Ngoài Bắc gọi là “đi nhờ”. Việc đường bộ “đi nhờ” đường sắt qua sông là có ở nhiều nơi, như cầu Long Biên trên tuyến Quốc lộ 1A (trước 1985), cầu Việt Trì trên tuyến Quốc lộ 2 ngày nay, cầu Lục Nam trên tuyến Quốc lộ 37 ngày nay, v.v…).
Cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, trong hoạch định phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam, nhiều xa lộ được hình thành, nổi bật là xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Ban đầu xa lộ có 3 làn chính và 2 làn phụ cho mỗi bên. Dọc hai bên là khu kỹ nghệ tập trung và tuyến đường song hành, dùng cho lưu hành nội bộ. Có thể nói đây là một trong những xa lộ và khu kỹ nghệ (ngày nay gọi là Đường Cao Tốc, Khu Công Nghiệp) hiện đại được xây dựng sớm nhất tại Đông Nam Á. Xa lộ này đi từ đông Sài Gòn đến nam Biên Hòa (không đi vào trung tâm đô thị, đông dân cư), người Sài Gòn quen gọi là Xa lộ Biên Hòa.
Đến cuối thập kỷ đó, các tuyến đường vành đai được xây dựng, như xa lộ Bình Dương, xa lộ Đại Hàn tại Nha Trang, xa lộ Đại Hàn tại Sài Gòn mà thời đó có tên Xa lộ Vành đai Thủ đô (Capital Beltway) …
Thời ấy, tuyến Quốc lộ 1 từ Nam Vang về, qua Sài Gòn – Biên Hòa vẫn không thay đổi. Riêng tại Biên Hòa, đến đầu thập kỷ 70 do nhu cầu phát triển thì tuyến Quốc lộ 1 được “nắn lại” theo hướng mới, tránh khỏi trung tâm thành phố Biên Hòa. Điểm bắt đầu tại ngã ba Quốc lộ 1 với Quốc lộ 15 (đi Ô Cấp – Vũng Tàu), đường vòng lên phía bắc thành phố, qua cầu Hóa An (đến ngày nay, dân Biên Hòa vẫn quen gọi cầu Hóa An là “Cầu Mới” – dù nó đã hơn 40 tuổi) rồi gặp lại Quốc lộ 1 tại ngã ba gần cầu Hang (nơi Quốc lộ 1 cũ rẽ lên dốc cầu Ghềnh).
Các xa lộ được xây dựng với nguyên tắc nằm ngoài trung tâm đô thị, tránh nơi tập trung đông dân. Đó cũng chính là yêu cầu chính của đường cao tốc ngày nay. Nhưng vì đất nước đang ở trong thời gian chiến tranh, nên cơ sở hạ tầng nào được xây dựng vào thời ấy đều được gán ghép cho mục đích quân sự, như xa lộ Biên Hòa thì cho đó là phi đạo để phi cơ hạ cất cánh lúc phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công, xa lộ Vành đai Thủ đô thì cho đó là đường lăn (taxi-way), các đường nhánh nối Xa lộ Vành đai Thủ đô với trung tâm Sài Gòn như Quang Trung, Bà Hom, … là những bãi đỗ hay nơi “ẩn náo” cho phi cơ, v.v…
(2) Xa lộ Biên Hòa có phải là phi đạo dự phòng cho phi trường Tân Sơn Nhất ?
Xét theo nguyên tắc kỹ thuật của ngành Hàng không, nguyên tắc ứng xử khi phi cơ gặp sự cố về đường hạ cất cánh hay sự cố phải hạ cánh khẩn cấp thì tất cả những mặt phẳng nào không quá gồ ghề, có chiều ngang đủ an toàn, có đủ chiều dài tối thiểu thì phi cơ đều đáp xuống được; đó có thể là một con đường đất, một bãi cát, một cánh đồng cỏ, v.v… kể cả mặt biển, mặt sông, hồ cũng được lụa chọn. Không nhất thiết gì phải chọn xa lộ Biên Hòa khi phi cơ gặp sự cố. Giả dụ trường hợp đối phương khống chế phi trường Tân Sơn Nhất, thì các phi cơ (quân sự lẫn dân sự) nếu muốn hạ cánh thì thiếu gì các phi trường khác xung quanh Sài Gòn, có thể kể ra một loạt :
a) Vùng gần Biên Hòa :
- Phi trường Biên Hòa chỉ cách Tân Sơn Nhất 25km đường chim bay, mất vài phút để bay. Phi trường này có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hàng không không kém Tân Sơn Nhất với 2 phi đạo dài 10.000 foot (trên 3.000 mét) và 1 đường lăn (taxi-way).
- Phi trường thuộc căn cứ Không quân Plantation, hay còn gọi là căn cứ không quân Bắc Long Bình trong tổ hợp quân sự Long Bình.
- Phi trường căn cứ Không quân Stanford (phi đạo được tráng nhựa phẳng lỳ, dài 3.200 foot) trong tổ hợp quân sự Long Bình.
- Phi trường Long Thành (xem phi đạo Ông Quế).
- Phi trường Bắc Long Thành, phi đạo dài đến 5.000 foot và được tráng nhựa, giờ vẫn còn vết tích.
b) Vùng gần Xuân Lộc
- Phi đạo An Lộc (xem phi đạo Ông Quế), nằm cạnh Quốc lộ 1A, không còn vết tích.
- Phi trường tại căn cứ Xuân Lộc, được tráng nhựa phẳng lỳ, dài 3.500 foot.
- Phi đạo Ông Quế, được ông chủ đồn điền cao su người Pháp xây dựng để đi lại bằng phi cơ cá nhân, chỉ dài dưới 2000 foot. Trong khoảng thời gian 1920 – 1930 có hàng trăm phi đạo như vậy được người Pháp xây dựng ở Đông Dương. Thời gian chiến tranh thì phi đạo chỉ dùng đáp khẩn cấp.
- Phi trường trong căn cứ Blackhorse, được tráng nhựa phẳng lỳ, dài 2300 foot.
- Phi đạo Courtenay (xem phi đạo Ông Quế).
c) Vùng bắc Sài Gòn
- Phi trường Dĩ An, nằm bên hướng tây của đề-pô xe lửa Dĩ An, giờ không còn vết tích.
- Phi trường trong căn cứ không quân Phú Lợi, dài khoảng 3.200 foot, được tráng nhựa phẳng lỳ, giờ vẫn còn vết tích.
- Phi đạo Lam Sơn, bằng đất nện, cũng trong khu Phú Lợi.
- Phi đạo Củ Chi dài 3200 foot, trong căn cứ Đồng Dù (đến nay lớp nhựa tráng trên mặt phi đạo vẫn còn khá tốt).
- Phi trường Đức Hòa, bằng đất nện, phía tây ngã tư Đức Hòa, không phát hiện vết tích nào còn lại.
d) Vùng tây Sài Gòn
- Phi trường Long An, cạnh Quốc lộ 62, cách trung tâm chưa đầy 1km, không còn vết tích.
- Phi trường Bến Tranh (gần Tân Hiệp), dài khoảng 3000 foot bằng đất nện, vẫn còn vết tích.
- Phi trường Bình Đức và phi đạo trong căn cứ quân sự Đồng Tâm thuộc thành phố Mỹ Tho.
- Phi trường Gò Công, nằm cạnh tỉnh lộ 871, không còn vết tích.
Và còn rất nhiều phi đạo hay bãi đáp nữa. Trong đó có một bãi đáp quan trọng ở ngay trung tâm đô thành Sài Gòn là trường đua ngựa Phú Thọ, đủ điều kiện đáp cho nhiều loại phi cơ nhỏ.
Xem một thông tin : “Xa lộ Sài gòn Biên hòa được xây từ thời tổng thống Diệm. Bỗng nhiên đầu năm 1974, công ty RMK-BRJ của Mỹ xây bức tường cao 50 cm bằng xi-măng để phân đôi xa lộ Sài gòn Biên hòa ra thành 2 chiều riêng rẽ … xa lộ Biên hòa như một phi đạo tuyệt hảo cho pháo đài bay B52 … xây tim đường thật cao phân đôi … (thế là) xa lộ trở thành vô dụng cho phản lực cơ.” Tác giả thông tin này cho rằng Mỹ đã “bắt tay” với VC để bức tử VNCH cho nên xây vách ngăn giữa xa lộ để B52 không đáp xuống ứng cứu khi cần thiết (?!); hoặc có người khác nói xây vách ngăn là để không cho phi cơ của quân VC đổ bộ xuống tấn công Sài Gòn. Mức độ kỹ thuật của hai thông tin này cần xét lại.
Thứ nhất : trước 1975, chỉ có chuyện quân lực VNCH có cái gọi là không vận. Nói quân đội của Mặt trận GPMN hay Bắc Việt có không vận là khái niệm chưa được biết đến.
Thứ hai : trước 1975 và cho đến gần đây, loại phi cơ vận tải khổng lồ C-130 là ưu tiên một để không vận tất tần tật mọi thứ cho chiến tranh, B52 chỉ là phi cơ thả bom thôi. Khi cần sử dụng B52, không lực Mỹ điều phối từ các căn cứ không quân tại Thái Lan, Phi-líp-pin đến, hoàn thành nhiệm vụ trút bom xong là quay về cứ, “cần” B52 đáp xuống Sài Gòn để làm gì ? Nếu chọn bãi cho C-130 đáp ứng cứu (vũ khí, quân nhu …) thì quanh gần Sài Gòn có các phi trường có khả năng đón tiếp là (ngoài Tân Sơn Nhất) : Biên Hòa, Long Thành, Bắc Long Thành, Xuân Lộc và Củ Chi.
Còn về việc “ẩn núp”; xét về mặt quân sự, nếu phi trường Tân Sơn Nhất bị khống chế tức là tình hình chiến sự đã quá hỗn loạn thì phi cơ đỗ ở đâu cũng không an toàn, ngoài việc đỗ ở các căn cứ quân sự chưa bị tấn công là an toàn nhất mà thôi.
Về việc đường lăn (taxi-way), loại phi cơ lớn nhất ngày nay chỉ cần phi đạo khẩn cấp tối thiểu 2km là đủ đáp, hà cớ gì sau khi đáp chỉ có 2km, phải lăn cả chục ki-lô-mét để đi trốn ? lăn đi trốn hay làm bia di động cho pháo của đối phương “bụp” luôn ? (Ái chà, tui làm bộ đội giải phóng, cầm AK47 hay chơi cối 60 ly, hoặc tệ hơn là chơi trường CKC mà “bụp” được máy bay Mỹ là tui nổi tiếng à ! Là “Dũng sĩ diệt máy bay Mỹ” á nha !).
Xét về phí tổn xây dựng Xa lộ Biên Hòa
Các loại phản lực cơ khổng lồ ngày nay chỉ cần phi đạo khoảng 3.500 mét, dự phòng thêm 500 mét nữa, vị chi là 4.000 mét cho một phi đạo ở các phi trường lớn. Thời trước 1975, chưa có loại phản lực cơ nào to lớn như ngày nay, cho nên phi đạo chỉ cần khoảng 3.000 mét là đủ.
Trong khi đó, tổng chiều dài của Xa lộ Biên Hòa là trên 30.000 mét, bằng bao nhiêu phi đạo tại Tân Sơn Nhất ? Tạm theo cứ theo “công thức” của phi trường Tân Sơn Nhất, phi trường Biên Hòa hay phi trường Don Mueang – Thái Lan (thời trước 1975, cơ sở hạ tầng phi trường này chưa theo kịp Tân Sơn Nhất. Vậy mà người Thái sử dụng mãi cho đến 2006 mới chuyển giao cho tân siêu phi cảng Suvarnabhumi; nhưng từ 2007 Don Mueang đã được sử dụng lại) là : 02 phi đạo (runway) với 01 đường lăn chính (taxi-way) chạy song song, cùng các đường lăn phụ (taxi-way) liên kết. Tạm thời cứ cho hệ thống các đường lăn là tương đương 01 phi đạo thì tổng chiều dài của Xa lộ Biên Hòa tương đương với ít nhất 3 phi trường.
Nếu lấy chi phí, công sức làm 2 công trình lớn khác cũng trên xa lộ là cầu bắc qua sông Sài Gòn và cầu bắc qua sông Đồng Nai (Thời thập niên 50, 60 mà làm được hai cây cầu này quả là “vĩ đại” so với mấy cái cầu khác mà Việt Nam ta dựng lên sau đó bốn mươi, năm mươi năm) thì thì có thể làm thêm các công trình phụ cho 3 phi trường kia như nhà ga, bến đỗ …
Nếu là nhà quân sự, bạn có nghĩ Xa lộ Biên Hòa có thể thay thế được 03 phi trường quân sự ? Chưa nhắc đến việc phải có hệ thống kỹ thuật phục vụ như nhiên liệu, vũ khí … Chỉ riêng việc giữ an toàn cho cái phi đạo dài dằng dặc này có lẽ phải tốn 2 sư đoàn là ít.
Tóm lại
Nếu nói xa lộ Biên Hòa là phi đạo dự phòng cho phi trường Tân Sơn Nhất là chỉ đúng về kỹ thuật an toàn hàng không, nhưng nếu quá tăng tầm quan trọng lên, bảo rằng đây là một chứng cứ cho thấy Mỹ, chính quyền Sài Gòn quyết tâm tăng cường hoạt động quân sự, để rồi gì gì đó … thì chỉ là chuyện trà dư tửu hậu của bà Tám với bác Bảy mà thôi.
Chuyện này cũng được các bà, các bác lôi tiếp sang Cam-Bốt (ngày nay ta gọi là Cam-pu-chia), rồi kể rất bài bản rằng Mỹ giúp Cam-Bốt xây một xa lộ mới ở thủ đô Nam Vang để dụng ý làm bãi đáp cho phi cơ Mỹ khi có chiến sự xảy ra. Nhưng sau đó Liên Xô nhảy vô tặng cho Cam-Bốt một dàn đèn đường gây cản trở không lưu; thế là Mỹ đành ngậm ngùi bỏ mất kế hoạch làm phi đạo dự phòng ở đây (nội dung này cách đây không lâu được tuần báo A.N. đăng ngay những trang đầu).
Tôi chợt nhớ cách đây trên 10 năm, có xem một bộ phim Mỹ kể về một phi cơ dân sự khổng lồ gặp phải sự cố, cuối cùng đáp xuống một xa lộ đông đúc xe cộ bên đất Mỹ … cảnh mấy bác tài xe con sửng sốt khi thấy cái phi cơ khổng lồ qua mặt thật ấn tượng (hổng nhớ Cơ trưởng có bấm còi và “đá” xi-nhan hông ta !); hay cảnh mấy chiếc xe con giống như bầy kiến nhung nhúc dưới chân một “con Boeing” khổng lồ. Hình như đạo diễn bộ phim đó đã “ăn cắp” ý tưởng từ chuyện của bà Tám với bác Bảy Sài Gòn rồi !
Tham khảo một số thông tin được truyền miệng, rồi được giới HDV Sài Gòn đưa lên mạng : … “Trước năm 1975, Mĩ và chính quyền Sài Gòn sử dụng con đường này như một đường băng quân sự dã chiến khi sân bay Tân Sơn Nhất có sự cố. Đến năm 1971, họ cho rằng con đường này thuận lợi cho quân cách mạng đổ bộ tấn công Sài Gòn nên đã xây dựng vách ngăn giữa tim đường.”
Hầu hết các mạng của giới HDV đều đăng thông tin này. Nếu không kịp chấn chỉnh, đến ngày nào đó nó trở thành thông tin chính thức luôn quá. Lúc đó, HDV Việt Nam cứ ra rả … để rồi nghe du khách (những người am hiểu về lịch sử, về hàng không) cười chê chả biết gì về chiến tranh, về hàng không, về đường cao tốc.