Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Loạt Bài về Saigon Trước 1975

Nguồn : Vững Đại Phát

Bài 5: Giao Thông thời VNCH
By Saigon Trước 1975 Blog
Một trong những cái hay của người dân Saigon trước 1975 là ý thức an toàn giao thông và tôn trọng luật giao thông . Đèn đỏ thì dừng lại hết, không xẹt qua phải qua trái ngang xương cho dù đường vắng ít người .
Nhớ lúc trước, tôi bị cảnh sát công lộ chận lại 2 lần . Trước 75, người dân gọi họ là cảnh sát công lộ, chứ không kêu là cảnh sát giao thông như bây giờ . Cả 2 lần tôi bị chận lại, trong những giây phút đầu tiên sau khi tắp xe vô lề, tôi không hiểu tôi đã làm sai điều gì cho nên cũng có đôi phần ngạc nhiên .
Lần đầu tiên bị chận lại, lúc đó trên đường Lý Thái Tổ gần ngã tư Sư Vạn Hạnh, chỉ còn cách 50m là đến nhà rồi . Lần thứ 2 bị chận lại là trên đường Phan Thanh Giản, ngay trước Rạp Long Vân . Điều làm tôi nhớ mãi đến giờ là cung cách hành xử của 2 người bạn dân này .
Sau khi đã dừng xe xong, một ông bạn dân đi về phía tôi, giơ tay phải chào phớt tui giống mấy ông nhà binh chào nhau vậy . Tôi mở miệng hỏi trước ” Em đã làm sai chuyện gì hở Thầy ? ” . Ông ấy không trả lời ngay câu mình vừa hỏi mà tự báo danh trước ” Tôi, Trần Văn Thiên, CSCL số XXX . Lý do chận xe anh lại là vì xe anh không có bảng số . Yêu cầu anh cho xem thẻ căn cước và giấy tờ xe “
Ông ấy cầm 2 tờ giấy của tôi đi về xe CS, 10-15 phút sau quay trở lại, ông ta đưa cho tôi 2 tờ giấy, 1 tờ đi làm lại bảng số khác, còn tờ kia phòng khi gặp CSCL khác mà bảng số chưa làm kịp . Và tờ giấy đó đã giúp tôi trong lần bị chận thứ 2 .
Cái hay ở CSCL trước 75, đều phải báo danh trước và không được vòi vĩnh người dân .
Thời trước năm 75 , dân thành phố Sài gòn được tổ chức rất văn minh và theo đúng với luật giao thông quốc tế ! Vì thế nên khi rời bỏ xứ sang đây tôi thấy không gì bở ngở với luật giao thông bên này !
(Bài của bác Namrom64)
XA LỘ BIÊN HÒA – HOÀI NIỆM MỘT THỜI
Bài của Nguyễn Quang Toản
Bài này khá hay đối với những ai thích địa lý nước nhà và từng sống ở SG trước hay sau 1975. Trải qua chiều dài của lịch sử, qua vài thế hệ, XL Biên Hoà vẫn còn đó, nay đã đổi tên là XK Hà Nội với nhiều đổi thay theo thời gian trong thời TG Thị Trường. Đúng là TP đã mất tên, nhiều di tích của XL Biên Hòa nay không còn nữa, anh lính VNCH gần nghĩa trang quân đội, dĩ nhiên. Gia đình đương sự nghe đồn rằng sau 75 có lính ma, hay đến nhà các thường dân để xin cơm sau tháng tư đen. Theo bà của Hàn thì XL Biên Hòa là chặn đương phải vượt qua để đi tắm biển Vũng Tàu của dân SG. Phải đi qua 2 hỏa tiễn thật cao bằng xi măng. Tiếc là hai di tích này đã bị CS xóa sạch nhưng chắc không hề phai mờ trong lòng những ai đã từng sống gần đó.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của Nam bộ, có thời là kinh đô của Việt Nam bị phân chia (Gia Định kinh, đô thành Sài Gòn); là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nên cũng là đầu mối giao thông quan trọng. Từ Phiên An thành đi ra Huế, xưa theo con đường Thiên Lý.
Từ Sài Gòn đi ra Trung, ra Bắc theo đường số 1 (Quốc lộ 1), nay có tên Quốc lộ 1A (Hiện giờ chỉ có Quốc lộ 1A, 1B, … nhưng không biết Quốc lộ 1 là như thế nào, là tên gọi chung cho 1A, 1B, 1C chăng ?).
Đường Thiên Lý từ Phiên An thành đi theo hướng băng qua Thạnh Đa, qua đò Bình Quới, đến chợ Thủ Đức, làng Linh Xuân, qua mạn bắc núi Châu Thới rồi sang Biên Hòa. Đó là con đường Thiên Lý Bắc. Còn đường Thiên Lý Nam thì theo con đường Nguyễn Trãi ngày nay, từ thành đi khỏi phố Sài Gòn đến Mai Sơn, Bình Thới ở vùng Phú Lâm rồi về Định Tường.
Cũng phải kể đến Đường Sứ nối Gia Định với Nam Vang, nó đi ngang 18 thôn vườn trầu rồi sang Chân Lạp.
Đến thời kỳ xe thay ngựa bằng máy, các tuyến đường đá, đường nhựa được Pháp cho xây dựng khắp nơi. Con đường Thiên Lý Nam được định danh là Quốc lộ 4. Còn Đường Sứ và Thiên Lý Bắc được định danh là Quốc lộ 1 – con đường quan trọng nhất xuyên qua lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp.
Tuyến Quốc lộ 1 từ Nam Vang về Sài Gòn ngày nay là Quốc lộ 22. Vào trung tâm thành phố theo đường Trường Chinh, đường Cách Mạng Tháng Tám đến chợ Bến Thành (chợ này dân Sài Gòn quen gọi là “chợ Sài Gòn”).
Tuyến Quốc lộ 1 ra Bắc thì theo đường Đinh Tiên Hoàng lên Gia Định, rồi theo Phan Đăng Lưu – Nơ Trang Long, “đi ké” xe lửa băng qua sông Sài Gòn tại cầu Bình Lợi rồi theo đường Kha Vạn Cân, qua Thủ Đức – Linh Xuân. Khi qua khỏi Châu Thới (chỗ gần cầu Hang của xe lửa) thì đường thẳng tiến qua trung tâm Biên Hòa bằng một con phà rồi vào đường 30 tháng 4. Tuy nhiên, sau đó thì tuyến Quốc lộ 1 được xe lửa cho “ké” băng qua sông Đồng Nai tại cầu Ghềnh đến cù lao Phố, lại “ké” tiếp qua cầu Rạch Cát để vào trung tâm thành phố Biên Hòa. Từ Biên Hòa, Quốc lộ 1 theo đại lộ 30 tháng 4, qua Biên Hùng, Tân Phong, suối Săn Máu, Hố Nai rồi đến Trảng Bom (Ngoài Bắc gọi là “đi nhờ”. Việc đường bộ “đi nhờ” đường sắt qua sông là có ở nhiều nơi, như cầu Long Biên trên tuyến Quốc lộ 1A (trước 1985), cầu Việt Trì trên tuyến Quốc lộ 2 ngày nay, cầu Lục Nam trên tuyến Quốc lộ 37 ngày nay, v.v…).
Cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, trong hoạch định phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam, nhiều xa lộ được hình thành, nổi bật là xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Ban đầu xa lộ có 3 làn chính và 2 làn phụ cho mỗi bên. Dọc hai bên là khu kỹ nghệ tập trung và tuyến đường song hành, dùng cho lưu hành nội bộ. Có thể nói đây là một trong những xa lộ và khu kỹ nghệ (ngày nay gọi là Đường Cao Tốc, Khu Công Nghiệp) hiện đại được xây dựng sớm nhất tại Đông Nam Á. Xa lộ này đi từ đông Sài Gòn đến nam Biên Hòa (không đi vào trung tâm đô thị, đông dân cư), người Sài Gòn quen gọi là Xa lộ Biên Hòa.
Đến cuối thập kỷ đó, các tuyến đường vành đai được xây dựng, như xa lộ Bình Dương, xa lộ Đại Hàn tại Nha Trang, xa lộ Đại Hàn tại Sài Gòn mà thời đó có tên Xa lộ Vành đai Thủ đô (Capital Beltway) …
Thời ấy, tuyến Quốc lộ 1 từ Nam Vang về, qua Sài Gòn – Biên Hòa vẫn không thay đổi. Riêng tại Biên Hòa, đến đầu thập kỷ 70 do nhu cầu phát triển thì tuyến Quốc lộ 1 được “nắn lại” theo hướng mới, tránh khỏi trung tâm thành phố Biên Hòa. Điểm bắt đầu tại ngã ba Quốc lộ 1 với Quốc lộ 15 (đi Ô Cấp – Vũng Tàu), đường vòng lên phía bắc thành phố, qua cầu Hóa An (đến ngày nay, dân Biên Hòa vẫn quen gọi cầu Hóa An là “Cầu Mới” – dù nó đã hơn 40 tuổi) rồi gặp lại Quốc lộ 1 tại ngã ba gần cầu Hang (nơi Quốc lộ 1 cũ rẽ lên dốc cầu Ghềnh).
Các xa lộ được xây dựng với nguyên tắc nằm ngoài trung tâm đô thị, tránh nơi tập trung đông dân. Đó cũng chính là yêu cầu chính của đường cao tốc ngày nay. Nhưng vì đất nước đang ở trong thời gian chiến tranh, nên cơ sở hạ tầng nào được xây dựng vào thời ấy đều được gán ghép cho mục đích quân sự, như xa lộ Biên Hòa thì cho đó là phi đạo để phi cơ hạ cất cánh lúc phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công, xa lộ Vành đai Thủ đô thì cho đó là đường lăn (taxi-way), các đường nhánh nối Xa lộ Vành đai Thủ đô với trung tâm Sài Gòn như Quang Trung, Bà Hom, … là những bãi đỗ hay nơi “ẩn náo” cho phi cơ, v.v…
(2) Xa lộ Biên Hòa có phải là phi đạo dự phòng cho phi trường Tân Sơn Nhất ?
Xét theo nguyên tắc kỹ thuật của ngành Hàng không, nguyên tắc ứng xử khi phi cơ gặp sự cố về đường hạ cất cánh hay sự cố phải hạ cánh khẩn cấp thì tất cả những mặt phẳng nào không quá gồ ghề, có chiều ngang đủ an toàn, có đủ chiều dài tối thiểu thì phi cơ đều đáp xuống được; đó có thể là một con đường đất, một bãi cát, một cánh đồng cỏ, v.v… kể cả mặt biển, mặt sông, hồ cũng được lụa chọn. Không nhất thiết gì phải chọn xa lộ Biên Hòa khi phi cơ gặp sự cố. Giả dụ trường hợp đối phương khống chế phi trường Tân Sơn Nhất, thì các phi cơ (quân sự lẫn dân sự) nếu muốn hạ cánh thì thiếu gì các phi trường khác xung quanh Sài Gòn, có thể kể ra một loạt :
a) Vùng gần Biên Hòa :
- Phi trường Biên Hòa chỉ cách Tân Sơn Nhất 25km đường chim bay, mất vài phút để bay. Phi trường này có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hàng không không kém Tân Sơn Nhất với 2 phi đạo dài 10.000 foot (trên 3.000 mét) và 1 đường lăn (taxi-way).
- Phi trường thuộc căn cứ Không quân Plantation, hay còn gọi là căn cứ không quân Bắc Long Bình trong tổ hợp quân sự Long Bình.
- Phi trường căn cứ Không quân Stanford (phi đạo được tráng nhựa phẳng lỳ, dài 3.200 foot) trong tổ hợp quân sự Long Bình.
- Phi trường Long Thành (xem phi đạo Ông Quế).
- Phi trường Bắc Long Thành, phi đạo dài đến 5.000 foot và được tráng nhựa, giờ vẫn còn vết tích.
b) Vùng gần Xuân Lộc
- Phi đạo An Lộc (xem phi đạo Ông Quế), nằm cạnh Quốc lộ 1A, không còn vết tích.
- Phi trường tại căn cứ Xuân Lộc, được tráng nhựa phẳng lỳ, dài 3.500 foot.
- Phi đạo Ông Quế, được ông chủ đồn điền cao su người Pháp xây dựng để đi lại bằng phi cơ cá nhân, chỉ dài dưới 2000 foot. Trong khoảng thời gian 1920 – 1930 có hàng trăm phi đạo như vậy được người Pháp xây dựng ở Đông Dương. Thời gian chiến tranh thì phi đạo chỉ dùng đáp khẩn cấp.
- Phi trường trong căn cứ Blackhorse, được tráng nhựa phẳng lỳ, dài 2300 foot.
- Phi đạo Courtenay (xem phi đạo Ông Quế).
c) Vùng bắc Sài Gòn
- Phi trường Dĩ An, nằm bên hướng tây của đề-pô xe lửa Dĩ An, giờ không còn vết tích.
- Phi trường trong căn cứ không quân Phú Lợi, dài khoảng 3.200 foot, được tráng nhựa phẳng lỳ, giờ vẫn còn vết tích.
- Phi đạo Lam Sơn, bằng đất nện, cũng trong khu Phú Lợi.
- Phi đạo Củ Chi dài 3200 foot, trong căn cứ Đồng Dù (đến nay lớp nhựa tráng trên mặt phi đạo vẫn còn khá tốt).
- Phi trường Đức Hòa, bằng đất nện, phía tây ngã tư Đức Hòa, không phát hiện vết tích nào còn lại.
d) Vùng tây Sài Gòn
- Phi trường Long An, cạnh Quốc lộ 62, cách trung tâm chưa đầy 1km, không còn vết tích.
- Phi trường Bến Tranh (gần Tân Hiệp), dài khoảng 3000 foot bằng đất nện, vẫn còn vết tích.
- Phi trường Bình Đức và phi đạo trong căn cứ quân sự Đồng Tâm thuộc thành phố Mỹ Tho.
- Phi trường Gò Công, nằm cạnh tỉnh lộ 871, không còn vết tích.
Và còn rất nhiều phi đạo hay bãi đáp nữa. Trong đó có một bãi đáp quan trọng ở ngay trung tâm đô thành Sài Gòn là trường đua ngựa Phú Thọ, đủ điều kiện đáp cho nhiều loại phi cơ nhỏ.
Xem một thông tin : “Xa lộ Sài gòn Biên hòa được xây từ thời tổng thống Diệm. Bỗng nhiên đầu năm 1974, công ty RMK-BRJ của Mỹ xây bức tường cao 50 cm bằng xi-măng để phân đôi xa lộ Sài gòn Biên hòa ra thành 2 chiều riêng rẽ … xa lộ Biên hòa như một phi đạo tuyệt hảo cho pháo đài bay B52 … xây tim đường thật cao phân đôi … (thế là) xa lộ trở thành vô dụng cho phản lực cơ.” Tác giả thông tin này cho rằng Mỹ đã “bắt tay” với VC để bức tử VNCH cho nên xây vách ngăn giữa xa lộ để B52 không đáp xuống ứng cứu khi cần thiết (?!); hoặc có người khác nói xây vách ngăn là để không cho phi cơ của quân VC đổ bộ xuống tấn công Sài Gòn. Mức độ kỹ thuật của hai thông tin này cần xét lại.
Thứ nhất : trước 1975, chỉ có chuyện quân lực VNCH có cái gọi là không vận. Nói quân đội của Mặt trận GPMN hay Bắc Việt có không vận là khái niệm chưa được biết đến.
Thứ hai : trước 1975 và cho đến gần đây, loại phi cơ vận tải khổng lồ C-130 là ưu tiên một để không vận tất tần tật mọi thứ cho chiến tranh, B52 chỉ là phi cơ thả bom thôi. Khi cần sử dụng B52, không lực Mỹ điều phối từ các căn cứ không quân tại Thái Lan, Phi-líp-pin đến, hoàn thành nhiệm vụ trút bom xong là quay về cứ, “cần” B52 đáp xuống Sài Gòn để làm gì ? Nếu chọn bãi cho C-130 đáp ứng cứu (vũ khí, quân nhu …) thì quanh gần Sài Gòn có các phi trường có khả năng đón tiếp là (ngoài Tân Sơn Nhất) : Biên Hòa, Long Thành, Bắc Long Thành, Xuân Lộc và Củ Chi.
Còn về việc “ẩn núp”; xét về mặt quân sự, nếu phi trường Tân Sơn Nhất bị khống chế tức là tình hình chiến sự đã quá hỗn loạn thì phi cơ đỗ ở đâu cũng không an toàn, ngoài việc đỗ ở các căn cứ quân sự chưa bị tấn công là an toàn nhất mà thôi.
Về việc đường lăn (taxi-way), loại phi cơ lớn nhất ngày nay chỉ cần phi đạo khẩn cấp tối thiểu 2km là đủ đáp, hà cớ gì sau khi đáp chỉ có 2km, phải lăn cả chục ki-lô-mét để đi trốn ? lăn đi trốn hay làm bia di động cho pháo của đối phương “bụp” luôn ? (Ái chà, tui làm bộ đội giải phóng, cầm AK47 hay chơi cối 60 ly, hoặc tệ hơn là chơi trường CKC mà “bụp” được máy bay Mỹ là tui nổi tiếng à ! Là “Dũng sĩ diệt máy bay Mỹ” á nha !).
Xét về phí tổn xây dựng Xa lộ Biên Hòa
Các loại phản lực cơ khổng lồ ngày nay chỉ cần phi đạo khoảng 3.500 mét, dự phòng thêm 500 mét nữa, vị chi là 4.000 mét cho một phi đạo ở các phi trường lớn. Thời trước 1975, chưa có loại phản lực cơ nào to lớn như ngày nay, cho nên phi đạo chỉ cần khoảng 3.000 mét là đủ.
Trong khi đó, tổng chiều dài của Xa lộ Biên Hòa là trên 30.000 mét, bằng bao nhiêu phi đạo tại Tân Sơn Nhất ? Tạm theo cứ theo “công thức” của phi trường Tân Sơn Nhất, phi trường Biên Hòa hay phi trường Don Mueang – Thái Lan (thời trước 1975, cơ sở hạ tầng phi trường này chưa theo kịp Tân Sơn Nhất. Vậy mà người Thái sử dụng mãi cho đến 2006 mới chuyển giao cho tân siêu phi cảng Suvarnabhumi; nhưng từ 2007 Don Mueang đã được sử dụng lại) là : 02 phi đạo (runway) với 01 đường lăn chính (taxi-way) chạy song song, cùng các đường lăn phụ (taxi-way) liên kết. Tạm thời cứ cho hệ thống các đường lăn là tương đương 01 phi đạo thì tổng chiều dài của Xa lộ Biên Hòa tương đương với ít nhất 3 phi trường.
Nếu lấy chi phí, công sức làm 2 công trình lớn khác cũng trên xa lộ là cầu bắc qua sông Sài Gòn và cầu bắc qua sông Đồng Nai (Thời thập niên 50, 60 mà làm được hai cây cầu này quả là “vĩ đại” so với mấy cái cầu khác mà Việt Nam ta dựng lên sau đó bốn mươi, năm mươi năm) thì thì có thể làm thêm các công trình phụ cho 3 phi trường kia như nhà ga, bến đỗ …
Nếu là nhà quân sự, bạn có nghĩ Xa lộ Biên Hòa có thể thay thế được 03 phi trường quân sự ? Chưa nhắc đến việc phải có hệ thống kỹ thuật phục vụ như nhiên liệu, vũ khí … Chỉ riêng việc giữ an toàn cho cái phi đạo dài dằng dặc này có lẽ phải tốn 2 sư đoàn là ít.
Tóm lại
Nếu nói xa lộ Biên Hòa là phi đạo dự phòng cho phi trường Tân Sơn Nhất là chỉ đúng về kỹ thuật an toàn hàng không, nhưng nếu quá tăng tầm quan trọng lên, bảo rằng đây là một chứng cứ cho thấy Mỹ, chính quyền Sài Gòn quyết tâm tăng cường hoạt động quân sự, để rồi gì gì đó … thì chỉ là chuyện trà dư tửu hậu của bà Tám với bác Bảy mà thôi.
Chuyện này cũng được các bà, các bác lôi tiếp sang Cam-Bốt (ngày nay ta gọi là Cam-pu-chia), rồi kể rất bài bản rằng Mỹ giúp Cam-Bốt xây một xa lộ mới ở thủ đô Nam Vang để dụng ý làm bãi đáp cho phi cơ Mỹ khi có chiến sự xảy ra. Nhưng sau đó Liên Xô nhảy vô tặng cho Cam-Bốt một dàn đèn đường gây cản trở không lưu; thế là Mỹ đành ngậm ngùi bỏ mất kế hoạch làm phi đạo dự phòng ở đây (nội dung này cách đây không lâu được tuần báo A.N. đăng ngay những trang đầu).
Tôi chợt nhớ cách đây trên 10 năm, có xem một bộ phim Mỹ kể về một phi cơ dân sự khổng lồ gặp phải sự cố, cuối cùng đáp xuống một xa lộ đông đúc xe cộ bên đất Mỹ … cảnh mấy bác tài xe con sửng sốt khi thấy cái phi cơ khổng lồ qua mặt thật ấn tượng (hổng nhớ Cơ trưởng có bấm còi và “đá” xi-nhan hông ta !); hay cảnh mấy chiếc xe con giống như bầy kiến nhung nhúc dưới chân một “con Boeing” khổng lồ. Hình như đạo diễn bộ phim đó đã “ăn cắp” ý tưởng từ chuyện của bà Tám với bác Bảy Sài Gòn rồi !
Tham khảo một số thông tin được truyền miệng, rồi được giới HDV Sài Gòn đưa lên mạng : … “Trước năm 1975, Mĩ và chính quyền Sài Gòn sử dụng con đường này như một đường băng quân sự dã chiến khi sân bay Tân Sơn Nhất có sự cố. Đến năm 1971, họ cho rằng con đường này thuận lợi cho quân cách mạng đổ bộ tấn công Sài Gòn nên đã xây dựng vách ngăn giữa tim đường.”
Hầu hết các mạng của giới HDV đều đăng thông tin này. Nếu không kịp chấn chỉnh, đến ngày nào đó nó trở thành thông tin chính thức luôn quá. Lúc đó, HDV Việt Nam cứ ra rả … để rồi nghe du khách (những người am hiểu về lịch sử, về hàng không) cười chê chả biết gì về chiến tranh, về hàng không, về đường cao tốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét