Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Chất lượng sống thấp hơn Lào à?…Thôi kệ!

Chất lượng sống thấp hơn Lào à?…Thôi kệ!
Theo Báo Đất Việt – 26 June 2015
(GNA: Quality of life is not an act, it’s a habit – Aristotle)
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chia sẻ suy nghĩ xung quanh kết quả khảo sát Việt Nam có chất lượng sống thấp hơn Lào và Campuchia.
“Do tính lạc quan cao nên người Việt vẫn sống hạnh phúc. Dù chất lượng cuộc sống kém nhưng thử kêu ai qua Lào, Campuchia sống chưa chắc người ta đã qua.”
PV: – Đáng lưu ý, theo xếp hạng này, chất lượng sống của Việt Nam xấp xỉ nhưng ở mức thấp hơn Campuchia và thua hẳn so với Lào. Điều này có đồng nghĩa chúng ta tụt hậu hơn so với Lào (như đã xếp kém Lào về năng lực sáng tạo) hay không? Nếu không thì có thể giải thích điều này như thế nào cho hợp lý?
Ông Nguyễn Văn Đực: – Đúng vậy! Hiện nay người dân sống ở Lào, Campuchia cảm thấy an toàn hơn, không sợ mất trộm, không sợ lừa đảo, không sợ thức ăn bẩn độc, không sợ cướp giật, ra đường không sợ tai nạn. Việt Nam có thể giàu hơn Campuchia, Lào, thu nhập có thể hơn nhưng cuộc sống của người Việt kém hơn, người không tin người, ra đường như ra trận, chất lượng cuộc sống thấp, đặc biệt sự an toàn trong cuộc sống đã xuống quá thấp.
Cách đây vài năm, người dân đâu có ngại thức ăn mà giờ tất cả trở thành ma trận thực phẩm bẩn độc với rau tắm hoá chất, thịt thối, các chất bảo quản… Những gì người ta cho súc vật ăn nay người ta đều làm cho đồng loại ăn. Bởi không ăn thì chết liền mà không ăn thì chết từ từ nên đành nhắm mắt mà ăn.
PV: – Dù bị đánh giá đang thua ở top các nước có chất lượng sống thấp nhất thế giới song trong nhiều cuộc khảo sát về mức độ hạnh phúc hay lạc quan, người Việt Nam luôn xếp hàng đầu thế giới. Phải hiểu điều này như thế nào?
Trong việc nâng cao chất lượng sống, phẩm chất lạc quan bẩm sinh của người dân có giúp ích cho việc điều hành chính sách hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đực: – Trước đây, học giả Phạm Quỳnh có viết bài Cười vì cái gì người dân mình cũng cười, cười vui vẻ, cười hả hê bất chấp nghèo đói, lạc hậu.
Đôi khi họ tự huyễn hoặc rằng: Nói gì thì nói bây giờ mình khá hơn ông cha mình rồi, có TV, iPad, iPhone… Họ tự so sánh với ông cha mình chứ không so sánh với người hàng xóm, thành ra họ vẫn lạc quan, miễn là năm sau cao hơn năm trước, dù người ta tăng 5-10%/năm còn mình tăng 1%/năm cũng vui rồi.
Tính lạc quan của người Việt rất cao nên nhiều người vẫn sống hạnh phúc. Bởi thế, cứ nói đất nước có chất lượng sống kém nhưng thử kêu ai qua Lào, Campuchia sống chưa chắc người ta đã qua.
Như tôi bây giờ sống thế này, dù chê bai vậy nhưng bảo tôi qua Mỹ, qua Úc sống thì tôi không qua bởi ở Việt Nam vui hơn, có những cái phù hợp với nếp sống, tính tình, phong cách sống của tôi hơn.
Người Việt Nam lạc quan ở chỗ họ chấp nhận những gì họ có, giống như câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài Chữ Nhàn: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc/Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn).
Do đó, vấn đề người ta chọn ở lại không phải vì chất lượng cuộc sống mà vì không gian sống, nếp sống có phù hợp không bởi nơi phù hợp luôn là nơi tốt nhất.
Tuy nhiên, việc chấp nhận hiện tại trở thành một sức ỳ rất lớn, cản trở sự phát triển. Nó xuất phát từ hai yếu tố: văn hoá lâu đời và xã hội không mở cửa. Người Việt có câu cửa miệng rất độc đáo: Thôi kệ!
Chữ Thôi kệ có phần an phận, chấp nhận số phận giống như một kiếp mình phải trả, nó khiến người Việt lạc quan và bình thản trước mọi sự việc, kể cả lạc quan trước sự bất công, nghèo đói, tụt hậu của dân tộc, không thấy đó là nỗi nhục để vươn lên. Đấy là một nhược điểm lớn của người Việt!
Cần có cuộc vận động từ chính quyền, đoàn thể, tổ chức để nâng cao dân trí, dân khí lên, để mỗi người dân thoát khỏi sức ỳ của chính mình mà nhìn xa hơn và cảm nhận mình quá thua thiệt, thấy nghèo đói, tụt hậu là nỗi nhục và cần phải thay đổi một cách nhanh chóng.
PV: - Qua khảo sát trực tuyến, website Numbeo.com – trang web dữ liệu lớn nhất về các thành phố và quốc gia trên thế giới – vừa công bố đánh giá Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chất lượng cuộc sống thấp bậc nhất trên thế giới dựa trên các tiêu chí: mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, mức độ ô nhiễm và giá nhà đất so với thu nhập.
Cá nhân ông có bất ngờ trước kết quả xếp hạng trên không? Dựa trên các yếu tố khảo sát, theo ông, mức độ đáng tin của khảo sát này như thế nào? Và cảnh báo với Việt Nam từ bảng khảo sát này ra sao?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Tôi hơi buồn khi nghe thông tin này nhưng phải thừa nhận rằng cái gì người ta đánh giá cũng có cơ sở. Theo tôi, có 4 điều đáng lo trong chất lượng cuộc sống ở Việt Nam.
Thứ nhất, về chất lượng nhà ở, đại đa số người dân Việt Nam, nhất là người thu nhập trung bình thấp hiện nay có chất lượng nhà ở rất thấp. 80-90% người dân ở độ tuổi 20-35 đều chưa có nơi ở riêng, phần đông ở nhà cha mẹ hoặc thuê trọ. Họ ở với cha mẹ, ông bà không phải trong một vila mà là nhà phố chia 3-5 phòng, mỗi phòng là 1 gia đình. Còn cảnh ở nhà trọ cũng không khác mấy khi những người trẻ mới lập gia đình phải thuê phòng trọ trên dưới 20m2.
Trong khi đó, cơ quan chức năng cứ thống kê diện tích nhà ở bình quân đầu người 17-18m2/người nhưng điều đó không chính xác bởi thực tế có nhiều người giàu có 200-300m2 hoặc cả ngàn mét vuông nhà ở nhưng những người nghèo phải ở trong diện tích chật hẹp 2-10m2, không thể cứ cộng lại rồi chia bình quân.
Thứ hai, về an toàn trong thực phẩm, hàng ngày chúng ta phải ăn những thức ăn bẩn độc, chứa những chất không được phép sử dụng trong thực phẩm như chất tăng trưởng kích thích làm trái cây chín vàng, ngọt, rau muống mỗi ngày dài thêm 2-3 tấc…
Thứ ba, về giao thông, mỗi năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, tương đương với một sư đoàn khiến người dân có cảm giác mỗi lần ra đường giống như ra trận, sống chết hên xui.
Thứ tư, về văn hoá sống. Văn hoá sống của người Việt Nam hiện đang ở tình trạng báo động: người ta tranh cãi, chửi bới nhau, dùng vũ lực, trả thù nhau… Đó là do pháp luật Việt Nam không nghiêm dẫn đến tình trạng người ta xử nhau bằng vũ lực chứ không phải bằng pháp luật.
Những vụ bắt trộm chó rồi đánh trộm đến chết là ví dụ điển hình. Trên thế giới có lẽ không có đất nước nào có hiệp sĩ đường phố như Việt Nam, mọi chuyện lẽ ra phải được lực lượng chức năng giải quyết chứ không phải người dân tự xử. Một điều đau lòng khác xảy ra ở Thủ đô Hà Nội là nạn nói tục, đến nỗi người ta sắp phải có quy định xử phạt hành vi này.
Kết quả khảo sát trên là hợp lý và có nhiều vấn đề đáng buồn mà họ phản ánh là có cơ sở. Nó cảnh báo Việt Nam đang bị tụt hậu dần về mọi mặt, trong khi nền kinh tế của Lào và Campuchia bắt đầu phát triển và ở chừng mực nào đó có phần hơn Việt Nam.
Thế giới đã đánh giá như vậy, chúng ta nên tiếp thu, lắng nghe, nghiệm lại và có sự cải tổ, canh tân một cách quyết liệt, dứt khoát. Ví dụ thông tin Hà Nội cấm nói tục, tại sao không làm cách đây 5-10 năm mà bây giờ mới phát động? Việc phát động phải được tiến hành từ lãnh đạo trở xuống.
Nguồn: baodatviet.vn (Bài nhậy cảm, đã bị gở xuống. Truy cứu Google Archive)

Cảm ơn đảng và nhà nước

Dân trí mình đúng thấp thật rồi, cảm ơn đảng và nhà nước!
Theo Triết Học Đường Phố – 27/06/2015 –
Câu nói của ông đại biểu: “Dân trí nước ta còn thấp.” Bị người dân, chủ yếu dân mạng phản đối ầm ĩ. Còn lại đa phần số đông, những người dân, người lao động không bao giờ online thì chẳng biết, chẳng bận tâm. Mà cho dù có biết đi chăng nữa thì cũng kệ vì chả thấy liên quan gì tới mình. Đấy, mình bị cái đứa mình nuôi nó chửi thẳng mặt là ngu mà cũng không biết, không quan tâm, thì thử hỏi mình có ngu thật hay không?

Chưa kể,
Dân trí cao cỡ nào khi mà ngoại trừ những người quan tâm chính trị ra thì còn mấy ai biết cụ thể công việc, trách nhiệm của những chức danh như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy ban mặt trận Tổ Quốc… là cái gì? Họ làm những công việc gì? Trách nhiệm của họ đến đâu? Tại sao ông Đại Tướng chẳng bao giờ thấy mặt mũi trên các thông tin chiến trận ngoại trừ có mặt ở một vài cuộc họp vớ vẩn với ngoại bang? Tại sao những vụ doanh nghiệp Nhà Nước thua lỗ động trời không một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm hay nói một lời xin lỗi?
Dân mù tịt không biết đâu mà lần, thậm chí cũng là không quan tâm chút nào hết. Thế thì hỏi có là ngu không? Ngu vì không được dạy hay ngu vì không biết tự tìm hiểu hay ngu vì tìm hiểu mãi cũng không ra… Dù cho là ngu vì bất cứ lý do gì thì vẫn là ngu. Ngu thì là dân trí thấp. Đúng quá rồi còn gì.
Dân trí có cao không khi đa phần người dân không hề muốn nghe muốn nói đến chuyện chính trị vì cho rằng nó không liên quan tới cuộc sống của mình. Không hề biết rằng chuyện chính trị chính là quyền của mình để lập ra một chính phủ có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của mình.
Chính trị chính là nội dung giáo dục con cái mình nên người. Chính trị chính là niềm tự hào dân tộc của dân mình khi bước ra khỏi đất nước. Chính trị chính là liều thuốc con mình tiêm vào người, là con đường mình đi, là hàng hóa mình tiêu thụ, là không khí mình hít thở, là sức khỏe của chính mình và gia đình mình?
Tách rời chính trị khỏi cuộc sống và trách nhiệm của bản thân trong khi nó ảnh hưởng sâu sắc và gắn liền mật thiết đến nhau. Cho rằng nó thì không liên quan đến mình, mình thì không làm gì được nó, thì thử hỏi có ngu không, có dân trí thấp không?
Dân trí cao cỡ nào mà để cho “nước lạ” nó ngang nhiên chiếm đảo chiếm đất xây dựng sân bay, công trình mà vẫn im lặng không nói một lời.
Dân trí cao chắc chắn sẽ phải biết biểu tình và giữ im lặng khi bị bắt là hai trong những quyền cơ bản nhất của con người trên bất cứ vùng đất văn minh nào.
Dân trí cao thì đâu thể im lặng đi trên những cây cầu mới xây đã sập, bê tông cốt tre, đường cao tốc sóng trâu, công trình trăm ngàn tỷ vừa khánh thành đã hư hỏng, đập nước bờ kè mưa một trận đã sụt lún…
Dân trí cao thì nỡ nào mà để người dân mình tự lừa đảo người mình, tự đầu độc dân mình, tự làm hại đồng bào mình. Giúp người ta tiêu thụ hóa chất độc hại, nông sản độc hại còn nông sản của dân mình thì phải đổ bỏ đi vì thừa mứa và rẻ mạt.
Dân trí cao thì sao để chính quyền tự ý lấy thuế xây cái miếu vài trăm tỷ thờ một ông học giả ngoại bang rồi còn trơ trẽn tuyên bố xây thế thôi chứ chưa quyết định thờ ai. Hẳn là chính quyền dư nhiều tiền lắm. Nhưng dư tiền sao lại phải đi vay Trung Quốc tiền xây cái đường tàu cao tốc để rồi bị họ chèn ép. Dư tiền sao lại phải đi vay viện trợ bảo vệ môi trường trong khi tiền phí bảo vệ môi trường thì tận thu từ trong giá xăng giá điện?
Dân trí cao thì sao mà có mấy chuyện hy hữu cười ra nước mắt rằng cuộc sống của ta là hạnh phúc nhất, yên bình nhất.
Dân trí cao làm sao chịu nổi khi chính quyền làm được một việc nhỏ thì bắt dân mang ơn, tạc tượng. Còn khi chính quyền làm sai những việc tày đình thì không cần xin lỗi, từ chức, chịu trách nhiệm, chỉ cần rút kinh nghiệm là xong?
Dân trí cao thì hẳn đã chẳng phải xấu hổ khi dân ta ra nước ngoài mang bao tiếng xấu, trộm cắp, mại dâm, vô ý thức vô văn hóa.
Nếu dân trí mà có cao thì phụ nữ Việt đã chẳng phải lũ lượt ra nước ngoài bán dâm, bị mua làm vợ, bị hành hạ, bị xúc phạm. Người dân Việt đã chẳng phải qua Cam, qua Lào làm giúp việc, lao động nặng nhọc, chui nhủi.
Nếu dân trí mà không thấp thì hàng trăm ngàn sinh viên thạc sĩ tiến sĩ ra trường hẳn đã phải có công ăn việc làm, có những đồ án, công trình giúp ích cho cộng đồng chứ không xếp hàng dài thất nghiệp ăn bám gia đình xã hội.
Nếu dân trí cao thì hẳn phải biết đất nước đã đi thụt lùi thế nào sau những năm tháng “giải phóng”. Từ một nước tự sản xuất được xe hơi nội địa thành một nước không sản xuất được con ốc con vít. Từ một nước được miễn phí học hành, y tế biến thành có nhiều tiền cũng chưa chắc có được môi trường học hành, y tế đủ tốt. Từ một nước được bao nước thèm muốn, ước ao trở thành một nước bị xem thường.
Nếu dân trí cao hẳn đã phải nhận ra những mâu thuẫn, nhìn thấy những sự thật đang được giấu kín thay vì nói gì biết đấy, kêu gì làm đấy.
Nếu dân trí cao liệu có để cho các ngài lãnh đạo xem như trò hề, muốn làm gì thì làm, muốn chặt cây thì chặt, hứa một đằng làm một nẻo, muốn thay cây gì thì thay, muốn bán đất cho ai, bán tài nguyên cho ai, cho ai thuê đất bao lâu thì cho.
Nếu dân trí cao hẳn không thể để mặc cho những người được mình ủy quyền lộng hành tác oai tác quái. Sâu mọt khắp nơi từ trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài, từ lớn đến bé, từ xưa đến nay mà không một động thái ngăn cản.
Nếu dân trí cao người ta hẳn sẽ phải thích đọc sách hơn xem truyền hình, thích nghiên cứu tìm hiểu hơn là đọc tin tức giải trí. Nhưng xem kìa, Việt Nam là một trong những nước đọc sách ít nhất thế giới.
Nếu dân trí cao thì hẳn sẽ không cười xòa khi đọc tin tức “Cá mập cắn đứt cáp” “Nhím gà dê hỗ trợ nông dân đi lạc vào nhà bí thư, chủ tịch”.
Nếu dân trí cao hẳn người dân phải biết hợp sức lại, biết cất tiếng nói của mình, biết liên kết với nhau tạo nên sức mạnh.
Và quan trọng nhất, nếu dân trí cao thì người dân chắc chắn phải biết chuyện gì đang xảy ra với đất nước mình, với dân tộc mình.
Đấy, xin mời các bạn xem lại, tự vấn lại bản thân một chút. Rằng so với một vài biểu hiện của dân trí cao như trên, thì tự xem dân trí của mình có cao không? Nếu có, thì xem tiếp, xung quanh mình có bao nhiêu người có dân trí cao giống mình trên tổng số người mình quen biết và tiếp xúc hàng ngày? Còn nếu không, thì thôi, ông đại biểu nói đúng, dân trí mình thấp thật, nói thẳng tuột, mình thật là ngu, dân mình cũng ngu, rất ngu, đấy là sự thật không còn nghi ngờ và bàn cãi gì nữa.
Ấy thế thì, thay vì phản bác và chê trách ông đại biểu, người dám nói dân trí ta thấp, thì có lẽ, nên tuyên dương ông. Vì dám nói ra sự thật, sự thật mà các ngài lãnh đạo đều biết nhưng chưa ai có can đảm nói. Nhưng mà cũng không được, vì ông đại biểu này khi bị phản đối đã lại kịp có bài thanh minh rằng ông ta không nói ra điều đó. Ý ông không phải vậy, dân hiểu lầm ý ông rồi. Đấy, lại một lần nữa, dân trí thật thấp, thật ngu, lãnh đạo phát biểu gì người dân cũng hiểu lầm hết.
Từ “dân trí thấp” “quyền im lặng và biểu tình là nguy hiểm” “xu thế ghét Trung Quốc là nguy hiểm cho dân tộc” “nước ta còn dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản” “đa số người dân ủng hộ chặt cây” “chưa quyết xem thờ ai trong miếu” “chúng ta phải cố gắng xây dựng quân đội mạnh như Triều Tiên” “dân sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai”…
Đấy, câu phát ngôn nào cũng bị người dân hiểu lầm. Thế thì giờ sao? Lãnh đạo phải coi lại cách phát biểu sao cho dân hiểu. Hay người dân phải cố mà hiểu cho đúng ý lãnh đạo? Ôi tôi cũng không biết nữa, vì như đã nói, dân trí tôi thấp lắm. Sao hiểu được ý mấy ông.
Nhưng mà dù dân trí tôi thấp đi chăng nữa, thì có một điều tôi dám cam đoan, rằng bất kể chuyện gì xảy ra bất kể kết quả thế nào, cũng là nhờ ơn Đảng và Nhà Nước. Nên dù cho cả nước có bị dân trí thấp, tôi cũng xin thay mặt toàn dân, cảm ơn Đảng và Nhà Nước!

Câu Chuyện của Tiến sĩ Phạm Đăng Khánh

Chàng lao công gốc Việt trở thành khoa học gia không gian vũ trụ của Mỹ
Trà Mi – VOA – 26 June 2015
Một thanh niên làm lao công cho các cửa hàng trong những khu mua sắm khi sang Mỹ tỵ nạn trở thành một nhà khoa học không gian vũ trụ của Trung tâm Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ sau 25 năm miệt mài vượt khó vươn lên.
Đó là câu chuyện thành công của Tiến sĩ Phạm Đăng Khánh, cháu nội đích tôn của sử gia nổi tiếng Phạm Văn Sơn và là cháu ngoại của nhà thơ lừng danh một thời Bàng Bá Lân.
Đến Mỹ năm 1991 theo diện HO vì bố mẹ là cựu tù nhân chính trị từng làm việc cho chính phủ Mỹ trước năm 1975, chàng thanh niên 19 tuổi quyết tâm theo đuổi ‘giấc mơ Mỹ’, phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.
Ý chí kiên trì và những nỗ lực không ngừng đã mang về cho anh những thành quả đáng nể. Trong số này phải kể tới hàng trăm bài viết nghiên cứu khoa học cùng hàng chục giải thưởng của Không quân Hoa Kỳ như Huy chương Không quân về Thành tựu dân sự, Giải Kỹ sư Không quân Xuất sắc, Bài nghiên cứu Xuất sắc nhất năm. Anh cũng là thành viên phê bình trong các ủy ban luận án Tiến sĩ và Thạc sĩ tại các trường đại học Mỹ, cố vấn nghiên cứu cho các cơ quan khoa học danh tiếng của Mỹ như Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng cao cấp, Hội Kỹ thuật Khoa học Quốc phòng Hoa Kỳ..v..v..
Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay mời các bạn cùng gặp gỡ tấm gương thành công Phạm Đăng Khánh, niềm tự hào của người Việt hải ngoại.
TS. Khánh: Khi tôi đến Mỹ, mọi sự đều bỡ ngỡ về văn hóa, lịch sử, phong tục-tập quán. Khó khăn lớn nhất đối với tôi và cả gia đình là không có đủ khả năng đọc hiểu và nói tiếng Anh. Bản thân tôi phải bắt đầu lại con đường học vấn từ lớp 10. Các khó khăn về kinh tế người tỵ nạn nào cũng phải đương đầu, nhưng mình cũng phải cố gắng. Tôi cùng với em trai mỗi sáng sớm phải đi làm thêm. Sáng sớm, chúng tôi đi dọn dẹp, lau chùi các cửa hàng to trong các khu thương mại lớn. Mình làm 2-3 tiếng/ngày, và đi học cho tới 10 giờ đêm. Lên thạc sĩ, mình được học bổng. Mình biết tiết kiệm nên tiền học bổng cũng đủ trang trải các chi phí như đi lại, xe cộ, bảo hiểm.
Trà Mi: Với những cái giá đã trả để có được vị trí hôm nay, nhìn lại, anh nghiệm ra cho mình điều gì?
TS. Khánh: Tôi nghĩ mình lúc nào cũng nên luôn làm việc chăm chỉ, không được hài lòng với những gì đạt được, và con đường đó lúc nào cũng đòi hỏi những hy sinh. Chẳng hạn như vì công việc, thời gian của tôi dành cho gia đình đã bị ít đi.
Trà Mi: Tư chất ham học, nỗ lực, và sự may mắn chiếm tỷ lệ thế nào trong sự thành công của anh?
TS. Khánh: Tinh thần học hỏi và sự nỗ lực, hai tố chất này cộng lại chiếm 90%. Còn lại là do sự may mắn hay do cơ hội chính mình tự tạo nên. Những người tỵ nạn như tôi khi gặp khó khăn mà không biết cách giải quyết vấn đề và đương đầu với khó khăn một cách tích cực thì rất khó khăn. Làm sao để vượt qua và tìm phương hướng tùy thuộc vào bản thân mỗi người kèm theo các yếu tố tác động xung quanh từ gia đình.
Trà Mi: Nếu đặt tất cả những bí quyết thành công anh vừa kể vào môi trường ở Việt Nam, anh nghĩ đích đến của mình có giống ngày hôm nay không?
TS. Khánh: Chị hỏi một câu rất sát thực tế. Những tố chất về nỗ lực, ham học, sự giúp đỡ của những người xung quanh thì ở trong hay ngoài nước mình đều có được, nhưng môi trường nuôi nấng nghiên cứu và các chính sách hay những khuyến khích từ các cơ quan, hội đồng khoa học rất quan trọng. Có thể trong nước đang dần dần có môi trường này nhiều hơn so với những năm trước, nhưng những điều kiện đó không thể nào bằng được bên Mỹ này.
Trà Mi: Có nhiều con đường để thành công, vì sao anh chọn theo đuổi con đường khoa học đầy cam go đòi hỏi rất nhiều kỳ công và chất xám để tiến thân?
TS. Khánh: Lĩnh vực khoa học luôn năng động, thay đổi, biến động nên tôi muốn đóng góp một phần nào đó cho hướng đi này.
Trà Mi: Thành tựu hôm nay đạt được trên đất Mỹ có ý nghĩa thế nào đối với anh, một người tỵ nạn gốc Việt?
TS. Khánh: Tôi vẫn luôn tự hào mình là người Việt Nam và đề ra mục tiêu dài hạn là hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu sáng tạo do người Việt đứng đầu hoặc các chuyên gia người Việt ở đây.
Trà Mi: Vì sao mục tiêu đó chỉ mới giới hạn ở cộng đồng người Việt ở Mỹ? Anh có bao giờ nghĩ tới mình có thể làm gì để đóng góp, giúp đỡ nơi chôn nhau cắt rốn của mình chăng?
TS. Khánh: Câu hỏi này tương đối rất khó. Bất kỳ thể chế nào muốn thu hút nhân tài về giúp nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu đất nước trân trọng sự phát triển về khoa học, thúc đẩy và động viên tinh thần nghiên cứu khoa học thì ai cũng muốn về giúp đỡ cả. Hiện nay, tôi biết vài nhân tài người Việt bên này đang hợp tác với các cơ quan hữu trách ở Việt Nam để nâng cấp giáo dục đại học. Nhân tài người Việt ở nước ngoài đang dần dần trở về hợp tác và giúp đỡ phát triển kinh tế trong nước. Tôi nghĩ nếu môi trường và các điều kiện trong nước thích hợp với các nhân tài bên này và tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng và lương bổng gần gần với bên này thì dần dần họ sẽ trở về thôi.
Trà Mi: Theo ý kiến của Tiến sĩ, học vấn cao và vị trí lãnh đạo có phải là thước đo chính xác về sự thành công của người trẻ hay không?
TS. Khánh: Tôi nghĩ học vấn vẫn là một công cụ nhiều tiềm năng. Về tinh thần lãnh đạo, đối với giới trẻ, nếu mình có vị trí cao trong một cơ quan hay tổ chức nào đó, mình nên truyền đạt tinh thần đóng góp tích cực và tinh thần tự nguyện. Tinh thần lãnh đạo và học vấn, hai điều này phải luôn đi đôi với nhau.
Trà Mi: Một lời khuyên cho các bạn trẻ ngưỡng mộ thành quả anh đạt được, anh sẽ nói gì?
TS. Khánh: Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ một lời khuyên đơn giản thôi, đó là phải luôn luôn làm việc tích cực, ham học và hướng tới. Đây là những bí quyết đã giúp tôi thành công. Và mình cũng không nên quên nguồn gốc gia đình của mình và bản thân mình là ai.
Trà Mi: Xin cảm ơn Tiến sĩ Khánh rất nhiều về thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay.