Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Báo “Cách” Kiểu Gì Cũng Lạc Hậu

Nguồn : Vững Đại Phát

Tác giả: Phạm Trần – VietCatholic – 25 June 2015
Làng báo Nhà nước Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 90 năm ngày gọi là “báo chí cách mạng” 21/06/1925 -21/06/2015, nhưng càng “cách” bao nhiêu thì 35 nghìn người làm báo càng lạc hậu và dân càng xa đảng bấy nhiêu.
Hiện tượng này không lạ từ mấy năm qua khi báo đài nhà nước phải kéo cờ trắng đầu hàng các mạng báo xã hội và các nhà báo công dân tự do về phương diên thông tin nhanh đến đại chúng. Từ yếu điểm này, báo in của 849 cơ quan, 67 đài phát thanh – truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử, Thông tấn xả Việt Nam (TTXVN) phần lớn đều lâm vào tình trạng tài chính khó khăn vì số người mua báo càng ngày càng giảm đi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhìn nhận tại một phiên họp với các đại diện tòa báo: “Trong bối cảnh mới, báo chí phải làm được nhiệm vụ chính trị của mình trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh rất gay gắt, kinh phí Nhà nước lại không thể bao cấp. Đây là một việc rất khó”. (theo Infonet của Bộ Thông tin&Truyền Thông)
Tuy nhiên ông Dũng đã không có ngay chiếc đũa thần để cứu nguy mà đề nghị:” Các cơ quan báo chí cùng suy nghĩ, đề xuất xem nên làm thế nào để vừa làm được nhiệm vụ chính trị – tuyên truyền thông tin định hướng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa có nguồn thu, thu nhập. Nếu không có thu nhập thì khó có thể tồn tại, phát triển được trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay.”
Một giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền Thông gọi là “quy họach báo chí” đã được trình cho Bộ Chính trị xem xét nhưng chưa thi hành vì còn nhiều vướng mắc giữa nhà nước và các cơ quan chủ qủan báo (đứng tên chủ báo).
Mụch đích quy họach là thu gọn lại, không để cho báo chí ra báo phụ và báo điện tử tràn lan như hiện nay. Bộ trưởng Thông tin và Truyển Thông Nguyễn Bắc Son nói : “ Quy hoạch để báo chí ngày càng phát triển hơn, ngày càng chất lượng tốt hơn, định hướng của Bộ chính trị ghi rõ, trong quy hoạch phải khẳng định làm sao cho báo chí tốt hơn, không có báo tư nhân, không được tư nhân núp bóng; không cần nhiều, nhưng cần chất lượng.”
Tuy nhiên, phiá báo chí thì lo ngại dự án quy họach sẽ làm mất việc làm của không ít 35 nghìn người, trong số có 18,000 nhà báo từ trung ương xuống địa phương.
Vẫn theo Infonet thì nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: “Việc nhiều người chuyển sang đọc báo điện tử khiến cho báo giấy khó khăn. Thậm chí các công ty phát hành tư nhân, bám rất sát thị trường, năng động, cũng không sống nổi. Theo lời chủ một công ty phát hành lớn nhất ở miền Nam vừa cho biết thì trong năm ngoái, công ty này đã sụt giảm mất 40% sản lượng phát hành”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet (cũng của Bộ Thông tin &Truyền thông) trình bày : “Báo điện tử đang rất khó khăn về mặt kinh tế vì phát hành miễn phí, chủ yếu sống bằng quảng cáo. Chúng tôi phải sống như một doanh nghiệp nhưng lại phải làm nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi mong muốn được quan tâm hơn để không phải làm kinh tế như doanh nghiệp bình thường”.
Nhưng tại sao Bộ Thông tin&Truyền Thông lại có tới 2 báo Điện tử để cạnh tranh với các báo khác ? Nhân viên của hai báo này là cán bộ nhà nước hay dân thường có nghiệp vụ làm báo được tuyển dụng ?
Cũng như cơ quan Thông tấn quốc gia TTXVN lại có thêm báo điện tử Tin Tức để làm gì ?
Theo Infonet nhà báo Lê Xuân Sơn thừa nhận : “Đúng là chúng ta có nhiều cơ quan báo chí, nhiều đầu báo, đầu tạp chí thật, nhưng cũng có thông tin rằng số lượng đầu báo/đầu người của Việt Nam khá thấp so với thế giới. Nếu loại bỏ nhiều cơ quan báo chí thì tỷ lệ ấy còn thấp hơn nữa, ảnh hưởng tới quyền được thông tin cũng như dân trí.”
Ở Việt Nam không có báo tư nhân. Tất cả báo đều do các tổ chức hay cơ quan của đảng nắm giữ. Được tài trợ ít hay tòan phần, tùy đơn vị chủ qủan. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị có báo đều tìm mọi cách, đôi khi có cả những hành động làm mất phẩm chất của báo chí, để kiếm tiền nuôi nhau béo thêm.
BÁO ĐẢNG VÀ ĐẠO ĐỨC NHÀ BÁO
Tuy nhiên, với dân số trên 90 triệu người như Việt Nam mà chỉ có 849 cơ quan có báo in thì qúa chậm tiến so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng số người bỏ tiền ra mua báo đọc lại không nhiều nên các báo chính thống của đảng như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Hà Nội Mới v.v… đã được “ép bán” cho các cơ quan, đơn vị, hay các cơ sở thương mại để tồn tại.
Bên cạnh các báo in, hầu hết các cơ quan chủ qủan đã in thêm nhiều loại báo phụ và lập ra báo mạng để lấy qủang cáo và làm áp-phe kiếm tiền.
Tuy nhiên không ai biết mỗi ngày đã có bao nhiêu người Việt Nam vào Internet để đọc các báo điện tử của nhà nước, hay còn được gọi là “báo lề đảng”, nhưng số người vào các trang báo “lề dân”, hay mạng xã hội tự do thì có hàng triệu người.
Lý do báo “lề dân” phát triển nhanh, được nhiều người truy cập hơn báo “lề đảng” vì tin của “lề dân” nhanh hơn, tuy đôi khi cũng có sai trái vì thiếu kiểm chứng. Các bài bình luận hay phân tích thời sự Việt Nam và Thế giới của báo “lề dân” hòan toàn tự do, dân chủ và tôn trọng lẫn nhau. Ngược lại, các bài viết, kể cả tin tức của báo “lề đảng”, trước khi được phổ biến, phải qua kiểm duyệt bởi nhiều cấp trong Ban Tuyên giáo đảng hay các cơ quan chủ qủan để bảo đảm không gây khó khăn cho cơ quan, có lợi cho nhà nước và đạt mục tiêu tuyên truyền theo ý muốn của đảng.
Ngược lại, vì được hoạt động tự do nên các báo điện tử của “lề dân” đưa tin nhanh gấp 100 lần hơn “lề đảng”. Các loại tin mà nhà nước Việt Nam gọi là “nhạy cảm”, có thể gây tranh cãi, sợ lộ ra thì xấu mặt, nhất là có dính líu đến người hàng xóm “vừa là đồng chí vừa là anh em” Trung Quốc thì báo đảng phải tránh xa.
Các loại tin thuộc loại “cấm kỵ” như tin dân oan xuống đường đòi công lý bị công an đánh đập, hay người dân biểu tình chống Trung Quốc bị côn đồ tấn công, bị công an hốt lên xe đưa về trại “phục hồi nhân phẩm”, như đã xẩy ra ở Hà Nội và Sài Gòn từ năm 2007 đến 2014 thì phải coi như không có chuyện gì xẩy ra !
Vì vậy mới có chuyện ngược đời không biết xấu hổ của làng báo tự phong “cách mạng” nhưng rất lạc hậu, ấu trĩ hơ cả làng báo Ai Lao và Cao Miên. Đó là khi cả Thế giới được đọc, được xem hình và cả Video cảnh người dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Sài Gòn và Hà Nội thì “dân cả nước An Nam” không hay biết gì, cứ ngớ ra như người ngoài hành tinh !
Vì vậy để cạnh tranh tìm miếng cơm manh áo, nhiều “nhà báo cách mạng” đã biến thành “cách miệng” , miễn sao kiếm được đầy túi, không cần bận tâm đến mấy chữ “đạo đức nghề nghiệp” cho mất thời giờ.
Nhà báo 83 tuổi Hữu Thọ, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đã phê bình sự xuống cấp này tại một cuộc Hội thảo vào dịp 90 năm báo chí.
Ông nói: “những tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc xã hội, có những sai sót mà chúng tôi cũng không thể ngờ…, cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng uy tín của giới báo chí đang giảm sút.
Theo dõi thì thấy kỳ họp báo chí toàn quốc nào cũng được phê phán, nhắc nhở nhưng tôi có cảm giác là hiệu lực không cao, những sai phạm vẫn tiếp tục.”
“Vì sao có tình trạng đó?”, ông Hữu Thọ hỏi và trả lời : “Đây là đề tài có thể thảo luận sôi nổi, và chắc chắn còn có nhiều ý kiến khác nhau, có cuộc hội thảo đã nêu ra 6 nguyên nhân. Với sự hiểu biết có hạn, tôi nghĩ, phải chăng những nguyên nhân chính là:
Trước hết, nhiều tờ báo hiện đang khó khăn cân đối thu chi cho nên một số tờ báo tìm cách đưa tin giật gân, câu khách để bán báo, câu số người truy nhập để có thêm quảng cáo, có tiền nuôi quân, giữ cây bút giỏi. Các số phụ, các trang tin điện tử ồ ạt ra đời trong mấy năm vừa rồi (đã có tới 1.500 trang thông tin điện tử), phải chăng là nguyên nhân quan trọng của xu thế thương mại hóa báo chí?
Nhưng nguyên nhân chính và căn bản phải nói tới việc kém rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên và sự giám sát lỏng lẻo của các Ban biên tập về hành vi đạo đức của những người viết báo, không chỉ là những người làm báo trẻ; trong đó trách nhiệm của các đồng chí Tổng biên tập các tờ báo là rất quan trọng.”
Nhưng suy thoái đạo đức trong nghề bào có nguy hiểm cho chế độ bằng suy thoái tư tưởng và đạo đức trong hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước không ?
Tất nhiên anh nhà báo không thể nào tham nhũng bằng một cán bộ có chức có quyền, và càng không tạo được vây cánh để bảo vệ cho quyền lợi phe nhóm như đang sôi nổi diễn ra trong đảng.
Vì vậy, theo ông Hữu Thọ thì “báo đã bị lợi dụng”, căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra trong hoạt động của báo chí hiện nay.
Ông kể ra các hình thức báo bị các thế lực lợi dụng gồm:
- “Lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng cử trong các cuộc “thi”, không chỉ có chuyện “loạn Sao, loạn Hậu” mà cả trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị;
- Lợi dụng báo chí để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị;
- Lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân;
- Lợi dụng báo chí đế che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm…”
Vậy sự lạm dụng thế lực của nhà báo có không ? Ông Hữu Thọ liệt kê ra 6 nhóm như:
- Ép, van nài, đe dọa các doanh nghiệp để xin quảng cáo, ăn hoa hồng;
- Viết bài tâng bốc theo lối quảng cáo để nhận thù lao các kiểu;
- Mang thư bạn đọc đi đe dọa các đơn vị và người bị “tố cáo” để đòi tiền;
- Hùa nhau đánh thuê, đánh lên cao theo kiểu “Erostat đốt đền”;
- Viết bài bảo vệ tội phạm theo kiểu “dùng chữ nghĩa, hình ảnh để bảo kê”;
- Lợi dụng sự quen biết rộng rãi để tham gia đường dây chạy các thứ, kể cả chạy chức, chạy quyền…
Những người bị lợi dụng hay lạm dụng như trên tôi vừa nói, thực sự không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn không xứng đáng với đạo làm người, có trường hợp vi phạm luật pháp. Họ thực sự không còn giữ được sự trung thực, thẳng thắn là cái cốt lõi trong đạo đức của người cầm bút, gõ máy.”
TÁT NƯỚC THEO MƯA
Cùng hùa theo mạt sát báo chí là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ông thừa nhận có “ Một bộ phận những người làm báo vẫn còn non kém về nhận thức chính trị, đã bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…”
Ông nói: “Người đứng đầu một số cơ quan báo chí đã buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, coi trọng lợi nhuận, khai thác nhiều đề tài mặt trái của xã hội với mức độ thông tin dày đặc… Cùng với những thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục là xu hướng xem nhẹ quy trình thẩm định nguồn tin, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Những hạn chế, khuyết điểm của báo chí là một trong những nguyên nhân làm giảm tính chính trị, tư tưởng, tính văn hóa, giáo dục của báo chí cách mạng Việt Nam.”
Rất ngạc nhiên không thấy ông Son nhận có trách nhiệm gì trong tình trạng xuống cấp của làng báo “cách mạng”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đọc diễn văn tối 21/06 (2015) để lên lớp đội ngũ làm báo. Ông nói : “Báo chí cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt, việc tốt; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, các giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong mọi lĩnh vực.” (theo Thôn tấn Xã Việt Nam, TTXVN)
Đã vậy, ông còn bắt nhà báo phải gánh thêm trách nhiệm “nguy hiểm” gọi là : “Ngăn chặn những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; nói không đi đôi với làm; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính lọt vào cấp ủy các cấp như tinh thần Nghị quyết Trung ương và bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đã chỉ rõ, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng.”
Nói như ông Sang thì ai nói cũng được, chỉ cần không thèm nghĩ gì đến cái dạ dầy đói meo của anh nhà báo và sinh mạng của anh ta nếu nghe ông xúi dại mà lào đầu vào các “bãi mìn cá nhân” trong khi lãnh đạo đảng không dám mon men đến.
Đến phiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ghê gớm hơn. Ông phán trong một bài viết : “Những yếu kém của báo chí hiện nay, trước hết là do một bộ phận người làm báo còn non kém về chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt là thiếu trách nhiệm xã hội và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, quá nhấn mạnh chức năng giải trí, chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà xem nhẹ các chức năng định hướng, giáo dục và thẩm mỹ của báo chí; thậm chí còn lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm.”
Sau đó, ông chỉ trích thái độ bàng quang của báo chí hiện nay: “ Trong kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng để chiến đấu và sáng tạo nên tác phẩm báo chí, gắn kết triệu người như một, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc. Ngày nay, trong hòa bình, bên cạnh đội ngũ nhà báo chân chính, cũng có những người muốn nhân danh “nhà báo” đứng ngoài công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lợi dụng phản biện xã hội để nói lên tiếng nói lạc lõng, xa rời tôn chỉ mục đích của báo chí, thiếu trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Đó là điều không thể chấp nhận.”
Ông Trọng không đưa ra con số có bao nhiêu tờ báo và số người làm báo đã thờ ở với đảng như thế, nhưng ông gay gắt thêm : “
Nhân đây, cũng cần nhắc lại rằng, báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội. Trên thế giới, dù nói ra hay không nói ra, các thế lực chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội,… đều sử dụng báo chí như những công cụ phục vụ cho lợi ích của họ. Dù có nói nhiều đến tính “khách quan”, “dân chủ”, “tự do”, “giải trí”… của báo chí thì thực tế người ta vẫn sử dụng báo chí vào mục đích chính trị, coi đây là vũ khí lợi hại của họ. Ta hãy xem hằng ngày báo chí của họ nói gì? Tại sao họ chỉ đưa tin này không đưa tin khác? Họ bình luận theo chiều hướng nào? Tấn công ai và bảo vệ ai? Có thật là họ không chịu sự quản lý, chi phối của ông chủ họ không? Cho nên chúng ta không thể mơ hồ. Không mơ hồ trước hết về bản chất, chức năng của báo chí, để từ đó xác định rõ chỗ đứng , góc nhìn và cách nhìn của mình trong việc thu nhận thông tin, phân tích thông tin và công bố thông tin. Ai cũng nói là báo chí phải thông tin đúng sự thật, phải khách quan. Nhưng sự thật đó là sự thật nào? Sự thật nhìn dưới góc độ nào? Động cơ dụng ý nói ra để làm gì? Có lợi cho ai và có hại cho ai? Nói ra để xây dựng hay để phá hoại?…”
Qủa thật chưa bao giờ thấy ông Trọng đã nóng giận với báo chí đảng đến mức độ này, kể từ khi ông còn là Bí thư Thành phố Hà Nội. Nhưng tại sao ông đã “đỏ mặt tía tai” với người làm bào đến thế, vào thời điểm đảng chuẩn bị tổ chức Đại hội XII vào tháng 1/2016 ?
Ông dằn vặt tiếp : “ Đây cũng là dịp để chúng ta khẳng định nhất quán quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ. Báo chí phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.”
Sau ông Sang xúi dại báo chí lao đầu vào lửa đạn chết thay cho lãnh đạo đảng lại đến lượt ông Trọng lên lớp dậy “báo chí cách mạng” phải biết tô son điểm phấn cho chế độ trong khi chính ông đã không ngăn chặn được tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” trong đảng, và có nhiều người làm báo không còn muốn đi theo định hướng của đảng nữa.
Tại sao lại có tình trạng này ? Điều dễ hiểu là nếu báo chí cứ tiếp tục bị bịt miệng, nhắm mắt tuyên truyền sai trái theo lệnh đảng và làm ngơ trước cái đau, chậm tiến và lạc hậu của người dân thì người làm báo chỉ lạc hậu thêm mà thôi.

Vô trách nhiệm và vô cảm

Nguồn : Vững Đại Phát

Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc – Blog VOA – 25 June 2015
Xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều khuyết tật, nhưng hai khuyết tật chính, theo tôi, có ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển của đất nước là: Một, sự vô trách nhiệm của các cán bộ, kể cả các cán bộ lãnh đạo; và hai, sự vô cảm của dân chúng, kể cả các thành phần trí thức.

Đã có nhiều người viết và nói về sự vô cảm của dân chúng. Nói một cách tóm tắt, sự vô cảm ấy có ba biểu hiện chính.
Thứ nhất, vô cảm trước những đau khổ của người khác. Đã đành ở Việt Nam vẫn có những người quan tâm đến dân oan, đến những người bệnh tật và nghèo khổ trong xã hội. Nhưng rõ ràng đó chỉ là thiểu số, một thiểu số cực kỳ ít ỏi. Còn đại đa số thì vẫn dửng dưng. Tai nạn xảy ra ngoài đường: người ta dửng dưng. Vô số người không có đủ cơm ăn, áo mặc: người ta dửng dưng. Bao nhiêu người bị chà đạp: người ta dửng dưng. Hình ảnh tiêu biểu nhất cho loại dửng dưng này là các youtube ghi hình ảnh một số học sinh bị bạn bè đánh đập một cách tàn nhẫn: Tất cả những người chung quanh đều yên lặng đứng nhìn, không có chút nỗ lực can thiệp hay thậm chí, cũng không bày tỏ một thái độ nào cả. Họ nhìn một cách hờ hững như không có chuyện bất bình thường nào đang xảy ra ngay trước mắt mình cả.
Thứ hai, vô cảm các các tệ nạn trong xã hội. Ai cũng biết xã hội Việt Nam đầy những tệ nạn. Tệ nạn từ trong nhà đến trường học và ngoài xã hội. Tuy nhiên số người thực sự quan tâm rất ít. Thấy kết quả điều tra của quốc tế về chất lượng sống, ở đó, Việt Nam bị xếp vào dưới đáy cùng của thế giới, thậm chí, còn thua cả Campuchia và Lào, cũng không có mấy người động lòng. Mỗi người hầu như chỉ nhìn vào sự thành công hay thất bại của bản thân mình, còn tệ nạn xã hội nói chung là thuộc về trách nhiệm của những ai khác.
Thứ ba, vô cảm trước tình hình của đất nước. Ở đây lại có nhiều khía cạnh. Kinh tế Việt Nam càng lúc càng sa lầy trong nợ nần: người ta mặc kệ. Giáo dục Việt Nam càng ngày càng xuống dốc: người ta mặc kệ. Văn hoá càng lúc càng suy thoái: người ta mặc kệ. Đạo đức càng ngày càng suy đồi: người ta mặc kệ. Quan trọng nhất, Việt Nam càng ngày càng đối diện với nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược: người ta cũng mặc kệ. Tất cả những thái độ mặc kệ ấy có một cái tên chung: sợ chính trị. Ai cũng né tránh chính trị. Người ta phó thác chuyện chính trị, từ đối nội đến đối ngoại, cho chính phủ và đảng cầm quyền. Người ta thừa biết chính phủ và đảng cầm quyền cũng đang bế tắc, không tìm ra một phương hướng hay sách lược nào để giải quyết cả, người ta vẫn bất chấp.
Tôi có khá nhiều bạn bè thuộc giới trí thức trong nước. Hỏi chuyện, ai cũng biết tất cả những nguy cơ mà Việt Nam đang đối diện, trong đó có cả nguy cơ mất nước, nhưng hầu như ai cũng chỉ thở dài ngao ngán: Trung Quốc bây giờ mạnh quá, làm sao chống lại được? Rồi thôi. Người ta xem đó như những chuyện không thể tránh khỏi. Và vì không thể tránh khỏi, chúng cũng không còn là vấn đề nữa. Sau đó, người ta an tâm tập trung hết tâm trí vào việc kiếm sống. Chuyện nước non như thuộc về ai khác.
Dân chúng như thế, còn cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo thì sao? Thì ở đâu cũng thấy một điều: Vô trách nhiệm.
Biển hiện đầu tiên của tinh thần vô trách nhiệm ấy được nhìn thấy trong công việc làm hàng ngày của họ. Ví dụ gần đây nhất là những chuyện liên quan đến cây xanh ở Hà Nội. Thành phố chủ trương chặt hơn 7000 cây xanh mà không hề nghiên cứu cẩn thận những cây nào là đáng chặt. Đến lúc dân chúng phản đối kịch liệt, người ta mới dừng lại. Sau đó, trồng cây thế. Hứa trồng cây vàng tâm nhưng thực tế lại trồng cây mỡ, một loại cây rẻ tiền hơn. Cũng chưa hết. Sau trận dông lốc vừa rồi làm hàng ngàn cây bị bứng gốc đổ nhào, người dân mới phát hiện rễ những cây mới trồng còn để nguyên cả bao ny lông chung quanh. Đến lúc dân chúng tố cáo, người ta mới lén lút để cào đất và cắt các bao ny lông ấy ra. Tất cả diễn tiến chặt cây rồi trồng cây ấy cho thấy điều gì? – Sự vô trách nhiệm. Không phải chỉ những người thợ chặt cây hay trồng cây vô trách nhiệm mà cả giới lãnh đạo của họ, thậm chí, lãnh đạo của cả thành phố cũng vô trách nhiệm.
Những hành động vô trách nhiệm ấy xuất hiện ở khắp nơi: xây đường thì chỉ vài tháng, hay có khi, vài tuần là bị sụp lún. Trồng trụ điện thì không có cốt sắt nên cứ gặp gió lớn là bị đổ. Dây điện treo lằng nhằng và lòng thòng ngay trên đầu dân chúng cũng không ai để ý.
Nhưng nguy hiểm nhất là thái độ vô trách nhiệm đối với đất nước. Trong cái gọi là đất nước ấy, khía cạnh quan trọng nhất là độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; trong khía cạnh ấy, yếu tố nòng cốt là các hiểm hoạ đến từ Trung Quốc. Chỉ nêu các sự kiện gần đây nhất làm ví dụ. Đó là việc Trung Quốc cho bồi đắp các bãi đá ngầm hoặc rạn san hô làm đảo nhân tạo. Việt Nam phản ứng ra sao? Cũng chỉ là những lời phản đối lấy lệ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao. Ngay trên diễn đàn cuộc đối thoại Shangri-la ở Singapore vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng không tham dự. Chỉ có Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh hiện diện. Nhưng ông Vịnh cũng không phát biểu gì cả. Ông chỉ làm một việc như ông tự nhận là “lắng nghe”. Như những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông là thuộc trách nhiệm của ai khác.
Theo dõi tin tức từ báo chí những tháng gần đây, người ta thấy rõ quốc gia có phản ứng gay gắt nhất trước hành động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa chính là Mỹ. Cho máy bay vờn qua vờn lại chung quanh các hòn đảo nhân tạo ấy là Mỹ. Tố cáo và phản đối âm mưu xây đảo nhân tạo ấy của Trung Quốc cũng là Mỹ. Vận động dư luận thế giới, đặc biệt các quốc gia thuộc nhóm G7, để mọi người thấy rõ âm mưu của Trung Quốc cũng lại là Mỹ. Việt Nam, từ trước đến sau, giữ một sự im lặng rất khó hiểu.
Dường như nhà cầm quyền Việt Nam xem chuyện mang Trung Quốc ra các toà án quốc tế là trách nhiệm của Philippines và lên án các hành động xây dựng đảo nhân đạo trái phép ở Trường Sa là nhiệm vụ của Mỹ. Giới chức Việt Nam thì chỉ khoanh tay đứng nhìn.
Khoanh tay thật ra cũng là một hình thức bó tay.
Bó tay ngay cả trước khi nỗ lực làm một cái gì đó là một sự bó tay rất vô trách nhiệm.

Bất công xã hội cản trở kinh tế

Nguồn : Vững Đại Phát

Tác Giả: Ngô Nhân Dụng – Người Việt - 25 June 2015
Đọc trên một tờ báo trong nước: Cầm trên tay hóa đơn tiền điện tháng Năm 2015, một phụ nữ 35 tuổi, ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội tính toán: “Bình thường mỗi tháng nhà tôi chỉ trả khoảng 400 ngàn đồng, tháng này vọt lên hơn 1.8 triệu đồng. Không hiểu ngành điện họ có tính sai không?”

Giá điện tăng vọt làm cả nước choáng váng. Nhưng đối với các “vương tôn, công tử” thì con số một, hai triệu đồng không đáng để lo nghĩ. Năm ngoái, trên các trang mạng đã sôi nổi khi mấy cậu ấm đưa lên mạng cho bà con đọc hóa đơn các bữa ăn chơi của mình. Một cậu chi 182 triệu trong một đêm, trong đó có 161 triệu tiền mua sáu chai rượu (tương đương hơn 7,000 đô la Mỹ). Một “thiếu gia” khác chi 218 triệu trong một đêm ăn chơi, trong đó có ba chai rượu ngoại quốc, mỗi chai 65 triệu đồng Việt Nam, gần 3,000 đô la một chai. Một đại gia thứ dữ, chi 400 triệu đồng, với bốn chai rượu mỗi chai 90 triệu, hơn 4,000 đô la
Một công dân mạng nhận xét: Họ ăn chơi một đêm bằng mình làm việc mười năm, dành dụm không ăn uống gì cả! Một chai rượu của họ, mình đi làm vài năm mới mua được. Không biết những người này kiếm được bao nhiêu tiền một ngày!
Thật ra trên thế giới những người giầu có vẫn ăn chơi, xài tiền như nước, nhưng không phải ở đâu người ta cũng bất bình. Trong một nước dân chủ tự do kinh tế phồn thịnh, có những người kiếm ra rất nhiều tiền, nhưng không ai ghét. Ở Mỹ không ai ghét những ông Bill Gates hay Warren Buffet, hai người giầu nhất nước. Họ đều kiếm ra tiền vì thành công về kinh doanh, không bóc lột ai mà ngược lại còn tạo thêm của cải cho nhiều người khác. Dư luận bất bình chỉ nổi lên trong những nước không được sống tự do, dân chủ. Ở đó, những kẻ nắm quyền lạm dụng quyền lực, biến của công thành của riêng; những người khác thì hối lộ, mua chuộc bọn nắm quyền để làm giầu. Hai loại người giầu đều kiếm tiền một cách bất chính.
Trong xã hội cảnh bất công biểu lộ dưới hai hình thức: Bất công về lợi tức và bất công về tài sản. Hai loại bất công này ảnh hưởng hỗ tương với nhau. Người có sẵn tài sản lớn thì dễ kiếm được lợi tức cao. Ở những nước dân chủ tự do, hiện tượng trên vẫn diễn ra. Cho nên, người ta đặt ra những thứ luật lệ để giảm bớt tình trạng bất công này. Thí dụ, đánh thuế trên các di sản lớn để con cháu những người giầu có không chiếm ưu thế hưởng lợi tức cao mãi mãi hơn các gia đình nghèo. Một biện pháp thịnh hành nhất là đánh thuế người giầu cao hơn người kiếm ra ít tiền. Một người ở Mỹ kiếm nửa triệu mỗi năm có thể phải đóng thuế 39%, còn những người lợi tức khoảng 20,000 đô la thường không phải đóng thuế. Tại các nước Châu Âu, nhất là ở phía Bắc, những người lợi tức cao còn phải đóng suất thuế lên tới 80%, 90%; mà đó cũng là những nước có lợi tức bình quân cao nhất thế giới.
Thứ bất công nặng nề và nguy hiểm cho tất cả mọi người là bất công về cơ hội. Trong chế độ dân chủ tự do, một quy tắc được đề cao là bình đẳng về cơ hội. Bao nhiêu đạo luật an sinh xã hội đều nhắm bảo vệ quyền bình đẳng đó.
Ai cũng nghĩ trong xã hội mà có chênh lệch giầu nghèo là điều xấu, nên tránh. Nhưng mọi người thường chỉ phê phán cảnh bất công bằng con mắt đạo đức. Những người giầu sẽ bị chê cười nếu họ sống xa hoa trong khi người nghèo chạy ăn từng bữa toát mồ hôi. Nhưng người ta vẫn chấp nhận: Ai giỏi thì kiếm ra tiền, tha hồ sống xa hoa; ai không giỏi thì phải chịu nghèo nàn.
Nhưng bất công xã hội còn là một nguyên nhân gây cản trở khiến cho kinh tế khó phát triển. Khi kinh tế không phát triển đúng theo tiềm năng đáng lẽ phải đạt được, thì không phải chỉ người nghèo phải chịu, mà tất cả mọi người đều bị thiệt thòi. Nếu xã hội công bằng hơn, thì tài sản chung của quốc gia sẽ cao hơn, mọi người được chia phần cùng hưởng, trong đó có giới trung lưu.
Bất công xã hội tai hại chung cho nền kinh tế, vì tình trạng bất công kéo dài làm nản lòng những người có khả năng. Họ cảm thấy không thể cố gắng làm việc cho cuộc đời mình khá hơn, con cháu mình khá hơn, khi cảm thấy dù cố gắng cách mấy cũng sẽ “đụng trần,” không ngoi lên được nữa. Ở những nước kinh tế phồn thịnh thì người ta dễ chứng kiến cảnh nhiều người có khả năng vọt lên thành triệu phú, tỷ phú, khi chưa đẩy 30 tuổi. Bởi vì cơ cấu xã hội bảo đảm ai cũng có cơ hội như nhau.
Một lý do khiến bất công xã hội làm thiệt hại cho kinh tế, là ảnh hưởng trên số tiêu thụ chung của cả quốc gia. Kinh tế sẽ phát triển cao khi số tiêu thụ cao, vì việc tiêu thụ thúc đẩy các nhà sản xuất hoạt động hơn, tạo thêm công việc làm cho nhiều người, nhờ thế lại gia tăng số tiêu thụ. Ở những nước giầu, số tiêu thụ của tư nhân chiếm đến 70% lợi tức quốc gia, chưa kể số tiêu thụ của nhà nước.
Chúng ta thử tưởng tượng lợi tức một nước là 100 đồng, gọi là GDP, tổng sản lượng nội địa. Trong một xã hội hoàn toàn công bằng, số tiền đó được chia đều, thí dụ 50 người dân mỗi người 2 đồng. Với lợi tức đó, mỗi người sẽ chi tiêu một đồng rưỡi, tổng số tiêu thụ của cả nước sẽ là 75 đồng, 75% tổng số lợi tức quốc gia.
Nếu xã hội bất công, chúng ta có cảnh 100 đồng được chia cho 40 người dân nghèo mỗi người một đồng, còn 10 người giàu có được lợi tức 60 đồng. Đám dân nghèo sẽ dùng hết lợi tức vào việc tiêu thụ, tất cả 40 đồng. Còn 10 người giầu có, dù tiêu sài xa xỉ mỗi người cũng chỉ dùng tới 2 đồng thôi, tổng cộng 20 đồng. Như vậy thì tổng số tiêu thụ đã giảm xuống chỉ còn 60 đồng, 60% của tổng số GDP. Nếu xã hội bất công hơn, tập trung lợi tức vào 5 người, hoặc 2 người, thì tổng số tiêu thụ còn thấp hơn nữa.
Chính quyền Trung Quốc hiện nay đang cố thoát khỏi cảnh trì trệ bằng cách thúc đẩy người dân tiêu thụ nhiều hơn. Hiện nay tỷ lệ tiêu thụ trong nước Trung Hoa chỉ chiếm 40% tổng sản lượng nội địa; chính quyền muốn con số đó tăng lên. Trong khi đó, dân Mỹ không cần chính quyền khuyến khích vẫn dùng 70% GDP trong việc tiêu thụ.
Nhưng ngay trong việc kích thích tiêu thụ ở Trung Quốc, người ta cũng thấy ngay một chướng ngại, là tình trạng bất công xã hội. Chính những người đang được hưởng lợi nhờ cơ cấu bất công trở thành một lực lượng bảo thủ rất kiên cố, họ chống lại các biện pháp cải cách. Khi cơ cấu kinh tế không thay đổi nhanh, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm ưu thế dù khả năng sinh lợi kém cỏi hoặc không hề sinh lợi, thì năng suất chung của cả nền kinh tế không lên cao được.
Điều nguy hiểm cho cả xã hội là tình trạng bất công sẽ tự nuôi dưỡng để kéo dài. Con cái một gia đình nghèo sẽ thiếu cơ hội đi học, khó lòng bước vào bậc đại học, so với con cái nhà giàu. Tại Việt Nam, con nhà giàu có thể được cho vào những trường tư đặc biệt, dậy bằng tiếng Anh, theo chương trình giáo dục của các nước giầu. Lớn lên, các học sinh giầu được gửi ra ngoại quốc dễ dàng. Cứ như thế, tình trạng bất công về lợi tức, về tài sản, sẽ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bất công xã hội cản trở việc phát triển kinh tế, chúng ta thấy rõ nhất khi thấy trong lịch sử các cuộc cách mạng dân chủ giúp cho các nền kinh tế nghèo cất cánh. Vì chế độ dân chủ bảo đảm việc thiết lập công bằng xã hội dễ dàng, nhanh chóng và bền vững hơn. Trong cuốn sách “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” các giáo sư Daron Acemoglu (Đại học MIT) và James Robinson (Đại học Harvard) đã nêu ra nhiều thí dụ. Cuộc cách mạng 1688 ở Anh quốc đã giúp xã hội công bằng hơn, là nguyên nhân gây nên cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ 17, 18 ở nước Anh. Sau cuộc cách mạng ở Mỹ, người dân đã xóa bỏ những đặc quyền của giai cấp thượng lưu, thiết lập những quyền tự do căn bản cho mọi người dân, chính quyền chịu trách nhiệm với dân chúng, nhờ thế việc phân bố lợi tức công bằng hơn. Đó là nguyên nhân chính giúp cho kinh tế nước Mỹ phát triển.
Một thí dụ hiển nhiên ai cũng thấy là khi so sánh Bắc Hàn với Nam Hàn. Cùng một dân tộc, cùng một địa thế, cùng một thời gian, Nam Hàn đã tiến bộ vượt bực. Các tác giả trên còn nêu thí dụ hai thị xã cùng mang tên Nogales, nằm hai bên biên giới, một thuộc tiểu bang Sonora, Mexico và một thuộc tiểu bang Arizona, Mỹ. Tình trạng giầu nghèo của dân chúng hai nơi khác nhau chỉ có thể giải thích được là do chế độ chính trị ở Mỹ dân chủ hơn, cho nên xã hội công bằng hơn.
Trong các bài nghiên cứu khác, Daron Acemoglu còn nhấn mạnh rằng khi một chính quyền không dân chủ đưa ra những biện pháp giảm bất công xã hội, thì hành động đó cũng không dẫn tới tiến bộ kinh tế bền vững. Chỉ khi nào thể chế chính trị được thay đổi thì công bằng xã hội mới có, nhờ thế kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn.
Nếu biết suy nghĩ thì chính các “đại gia” ở Trung Quốc và ở Việt Nam phải thấy rằng chính họ cần góp phần vào việc thay đổi thể chế chính trị. Bởi vì khi người dân được tự do, xã hội công bằng hơn, thì chính con cháu họ sau này sẽ được hưởng, nhờ kinh tế phát triển tốt hơn. Ngược lại, tình trạng bất công sẽ kiềm hãm kinh tế, làm tất cả cùng nghèo. Nếu ngày nay họ được hưởng 1% của lợi tức chung 100 đồng, thì họ cũng chỉ có một đồng. Khi kinh tế phát triển GDP lên thành 1,000 đồng, thì dù chỉ hưởng 0.5% họ vẫn được 5 đồng! Muốn xã hội công bằng để kinh tế phát triển, phải dân chủ hóa.
Ngô Nhân Dụng