Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Cam Việt Trồng Ở Đức

Hỗn chiến ở chợ Đồng Xuân (Berlin)
Tác Giả: Handlarz Wiatrem – Theo Đàn Chim Việt – TTHN – 13 May 2015
Hôm thứ bảy sang Berlin chơi nhà bà cô, hôm sau bà cô bảo chở ra chợ Đồng Xuân mua đồ. Vừa mới đậu xe bên đường nhà hàng Đồng Xuân Quán đã thấy tiếng hò hét, đập phá vang trời. Mình biết ngay là có đánh nhau, vội chốt cửa xe lại không cho bà cô ra.
Toàn choai choai đầu xanh, đầu đỏ người miền Trung các bác ạ. Chả hiểu tụi này ăn nhạu cùng bàn với nhau, đến mấy chục đứa nhân dịp gì tụ tập ăn nhâu, cuối cùng chia hai phe choảng nhau. Còn kinh hơn phim hành động. Vác ghế, vác đồ đuổi đánh nhau từ nhà hàng Đồng Xuân Quán ra khắp quanh chợ. Mấy chục thằng thanh niên hỗn chiến thì các bác hiểu kinh hoàng, ầm ĩ đến mức nào rồi.
Kết cục là xe cứu thương đến chở hai hay ba thằng đi viện, máu me nhoe nhoét.
Lần trước mình sang, mới vào cổng chợ thấy một tốp 7 thằng choai choai người miền Trung như là Quảng Bình, Nghệ An gì đó, thằng tóc dựng, tóc trọc, tóc xiên xẹo đủ kiểu đi thành đoàn ra chỗ đợi tàu điện trước cửa chợ. Bọn nó nói năng , chửi tục ầm ĩ ngoài đường. Mình nhìn mà cứ ngỡ đang ở Việt Nam chứ chả phải ở Châu Âu.
Còn một đống người Di Gan đứng bán điện thoại ở cửa chợ, cứ khách nào vào là dí cái Samsung hay iphone6 của Tàu Khựa ra mời.
Bây giờ nói lại vụ đánh nhau kia, dân tình xa như mình nhìn thấy thì vỡ hết mật. Còn dân chợ hay người Việt ở Berlin thì chắc quen rồi hay sao, thấy dửng dưng như không. Mình lân la hỏi bà cô. Bà ấy bảo bọn này toàn đứa mới trốn sang đây qua đường du lịch bên Nga, rồi băng rừng qua Lát Vi A hay U Cờ Rai Na qua Ba Lan vào Đức. Mày ở Ba Lan thì lạ gì, chúng mày chuyên chở từ bên đó sang đây biết quá bọn này còn hỏi. Giờ bọn nó đầy nhan nhản ở Berlin, giấy tờ không có, đi làm chui, bán thuốc lá, đồ ăn cắp, đồ giả. Bọn nó cứ chục đứa thuê một cái nhà trải đệm ra ở. Sống bất cần đời, chả có gì để mất nên chúng chẳng ngại gì cả.
Mình hỏi ông bán hàng ở chợ. sao bảo vệ chợ đâu mà không ngăn, nghe nói chủ chợ Hiền Đồng Xuân máu mặt lắm mà.
Ông bán hàng nói bảo vệ chợ chả là cái đinh, thuê bảo vệ người Đức đấy. Thế mà có lần bọn nó đánh cho cả bảo vệ Đức toét đầu, bây giờ bọn bảo vệ Đức cũng chờn.
Mình thắc mắc thế cảnh sát Đức không bắt được à, ông bán hàng nói đến người Đức bị đánh còn chả tìm được ra đứa nào đánh, nói chi bọn Việt Nam đánh nhau.
Quay về nhà hỏi chồng bà cô, ông này phán.
- Chúng nó bỏ mười mấy ngàn oi rô sang đây, luồn lách bờ bụi, vượt rừng, sông suối. Tưởng đến thiên đường. Nào ngờ vào đây nghiêm, có giấy tờ, biết tiếng làm còn mửa mật ra. Huống chi toàn thanh niên lêu lổng ở quê, nghề ngỗng tiếng tăm chả có. Thằng nào lành thì đi làm lậu cho người Việt tích cóp tiền rồi nhận bố. Nhận bố thế mất vài chục ngàn. Thằng nào thiếu kiên nhẫn thì sống bất cần, trộm cắp, bán thuốc lá giả…đủ kiểu.
Mình hỏi nhận bố là thế nào. Ông chồng bà cô giải thích.
- Là có một con nào đấy, nó có giấy tờ hợp pháp, nó có con với mày, nó cho mày nhận làm bố, thế là mày được ăn theo con. Có giấy tờ, mất vài chục ngàn. Cứ vào các chỗ dịch vụ có biển treo đầy chợ này hỏi là có chi tiết đầy đủ hết.
Mình hỏi thế còn phụ nữ thì sao, ông ấy nói.
- Bọn con gái cũng thế, trốn sang đây toàn trẻ ranh. Nó kiếm thằng nào có giấy tờ để đẻ đứa con, thằng kia nhận bố, con mẹ và đứa con được giấy tờ, mất vài chục nghìn cho thằng nhận bố . Thời gian sau đứa con gái đấy là đẻ đứa nữa, cho thằng khác nhân làm bố. Kiếm lại số tiền trước kia. Dư ra hai đứa con, nhà nước Đức trợ cấp cho 3 mẹ con, sống khoẻ re. Mỗi tội con cái tùm lum không biết đứa nào con bố nào.
À, thế thì mình hiểu vì sao mấy lần trước qua chợ Đồng Xuân bên này, thấy các bà mẹ trẻ đi nườm nượp, đứa thì dắt tay, đứa thì nằm xe nôi mẹ đẩy. Ít thấy bà mẹ nào có chồng đi cùng. Người ta còn bảo đi quá chợ Đồng Xuân một tí, có cả khu phụ nữ Việt Nam ở, chả ai có chồng cả. Người Việt ở Berlin gọi đó là Bến Không Chồng.
Mình hỏi thấy quảng cáo chợ Đồng Xuân sắp làm kỷ niệm 40 năm người Việt hội nhập ở Đức. Các đoàn thể, sứ quán, hội hè đông đảo lắm. Tại sao họ không hướng dẫn cho các bạn trẻ kia có cách sống tốt hơn. Ông chú nói.
- Ở đây nó thế, thằng thì buôn cứ buôn lo kiếm tiền. Thằng nào thích làm chủ tịch hội lấy oai với họ hàng quê nhà thì cứ làm lấy oai. Thằng nào sống bất hợp pháp thì cứ sống kiểu bất hợp pháo. Chả thằng đéo nào bảo được thằng nào cả, xứ tự do mà. Hội hè, đoàn thể để lấy mẽ chụp ảnh phô trương. Bố thằng đoàn hội nào dám gặp bọn bất hợp pháp để mà hướng dẫn, khuyên bảo cái gì. Ngay cả các hội đoàn còn chửi nhau như mổ bò, kiện cáo nhau quanh năm. Đủ thứ kiện, kiện xúc phạm danh dự, kiện quỵt tiền hội, kiện cướp hợp đồng này nọ. Mày bên đó đọc báo thì tưởng bên này gắn bó, đoàn kết, sống tốt. Chứ thực ra thì mày tận mắt thấy đấy, dân vô học thì đánh nhau toé máu. Dân có học tí thì kiện tụng nhau ra toà, thuê luật sư tới tấp.
Mình hỏi thế thì kỷ niệm hội nhập cái gì.?
Ông chú bảo.
- Thì cũng có một số ít người ta sang khi xưa, có học hành, tri thức họ đi làm công sở cho Đức hay mở nhà hàng kinh doanh cũng được. Nhưng chả đáng là bao so với cộng đồng, nhất là giờ thêm bọn trẻ nó trốn sang từ Nga nữa. Nói về hội nhập thành công may ra có bọn thuyền nhân tị nạn. Bọn đấy thì gần như chúng nó toàn bộ có học hành, làm trong công sở người Đức. Bọn đấy thì chả bao giờ chúng nó dây dưa đến mấy cái hội đoàn Berlin này. Hội đoàn ở đây làm cái gì cũng hỏi ý kiến sứ quán, họp hành gì cũng mời sứ quán đến dự. Bọn tị nạn thì nó còn biểu tình phản đối nhà nước mình, làm sao mà chúng nó tham gia ba cái hội đoàn như vậy được.
Đến bữa cơm, bà cô dặn ông chồng.
- Đấy, ở chợ bây giờ sợ lắm anh ạ. Đi ra đó là phải cẩn thân, nhìn thấy bọn choai choai là phải tránh ra xa không thì phải đầu, phải tai. Chả ai làm gì được chúng nó đâu.
Ông chồng lẩm bẩm chửi thề.
- Mẹ nó chứ, đi cả nước Đức này ở đâu cũng thấy an toàn. Thế mà đến chợ người Việt của mình, toàn người dân tộc mình lại phải sợ mới nhục cơ chứ.

Dân ngu hay ngu dân?

Dân ngu hay ngu dân?
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng – Người Việt – 13 May 2015
Những người tranh đấu đòi thiết lập chế độ dân chủ đồng ý với nhau một điều: Tốt nhất là để dân chúng chọn người cai trị. Suy nghĩ như vậy là đặt niềm tin trên óc phán đoán của người dân; họ có khả năng lựa chọn đúng. Nếu họ chọn sai thì rán mà chịu những hậu quả. Một thứ bảo đảm cho người dân, là nếu họ lỡ dại, chọn sai, thì sau đó hai, ba năm, nhiều nhất là năm, bảy năm, họ có quyền thay đổi.
Nhưng nếu dân chúng cứ sai lầm mãi thì sao? Chế độ dân chủ đặt trên niềm tin rằng, “Lâu lâu anh có thể đánh lừa tất cả mọi người; anh cũng có thể đánh lừa một số người mãi mãi; nhưng anh không thể đánh lừa tất cả mọi người mãi mãi được.” Abraham Lincoln nói như vậy, trong lúc đang tranh cử năm 1856. Những chế độ độc tài xảo quyệt nhất cũng có ngày bị lật mặt nạ.
Không phải ai cũng chia sẻ niềm tin này. Nhiều người không tin vào khả năng suy nghĩ của dân chúng. Niccolo Machiavelli (1469-1527) chẳng hạn. Trong cuốn Il Principe (Phan Huy Chiêm dịch sang tiếng Việt tựa là Quân Vương), ông nhận xét: “Dân rất cả tin và cũng rất mau quên.” Cho nên ông khuyên các vương hầu nên làm cho dân sợ, hơn là chờ được dân yêu. Trước Machiavelli hơn 17 thế kỷ, Hàn Phi Tử (Han Feizi, 韓非子,ca. 280–233 TCN) ở Trung Hoa còn nói toẹt ra rằng dân chúng là con nít. Trong chương 50, Hàn Phi viết: “Cái trí của dân không thể dùng được, nó giống như bụng dạ trẻ con vậy.” (Dân trí chi bất khả dụng, do anh nhi chi tâm dã – chương Hiển Học; 民智 之不可用,猶嬰兒之心也 – 顯學).
Tất nhiên các chế độ độc tài đồng ý với Hàn Phi Tử và Machiavelli. Ðể duy trì ách chuyên chế họ thường nêu ra một lý do là “dân trí còn thấp quá.” Nói cách khác, dân ngu, dân là đám trẻ con chưa đủ lớn khôn, không có khả năng chọn lựa cho chính mình. Chỉ có đảng là thông minh cho nên đảng phải quyết định mọi việc cho chúng nó được nhờ. Họ viết vào Hiến Pháp, điều số 4: “Ðảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Thế đến bao giờ dân trí mới đủ cao để khỏi bị đảng “lãnh đạo?” Họ không nói. Ðến cái mục tiêu tối hậu của họ là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội họ cũng chưa biết nó ra thế nào, thế mà vẫn nhắm mắt chạy tới và bắt cả nước chạy theo hết hơi! Chính họ chưa đủ khôn lớn, làm sao họ biết bao giờ dân mới hết ngu?
Các nhà chính trị không bao giờ tuyên giảng lý thuyết Dân Ngu này cả. Bởi vì không thể nói thẳng cho dân biết họ nghĩ gì khi còn muốn lợi dụng cái ngu của dân. Trái lại, họ nịnh nọt, vuốt ve dân, cho dân ăn đủ thứ bánh vẽ. Các bạo chúa chỉ cần áp dụng lý thuyết Dân Ngu bằng cách khích động bản năng và tình tự của con người. Những bản năng bình thường nhất như sợ đói, sợ đánh đập, sợ tra tấn, khiến dân phải vâng lời bạo chúa. Những tình cảm cao quý nhất, như lòng yêu nước, tình thương người đồng loại, thì được khích động để dân hy sinh cho các lãnh tụ hưởng.
Nhà văn Mikhail Shishkin mới viết một bài, dịch đăng trên The New York Times ngày 8 Tháng Năm năm 2015, cho thấy các bạo chúa Nga lợi dụng cái ngu của dân như thế nào. Ông kể chuyện thân phụ ông tình nguyện đầu quân năm 18 tuổi, tham gia cuộc chiến bảo vệ “Tổ Quốc Nga” chống Ðức Quốc Xã. Người con vẫn hãnh diện đem khoe bức hình chiếc tầu ngầm bố mình đã phục vụ. Mỗi năm đến ngày 9 Tháng Năm, ông cụ lại mặc quân phục, đeo đủ các huy chương, đó là ngày nước Nga kỷ niệm Ðại Chiến Thắng. Người lính đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Nhưng ông cũng bảo vệ một chế độ đã bắt cha mình (ông nội tác giả) cho đi đày mút mùa, chết tối tăm trong một trại “học tập cải tạo gulag.” Cụ đã góp tay vào cuộc chiến thắng, kết quả là bạo chúa có thể kéo dài chế độ nô lệ hóa dân chúng lâu hơn. Cuối đời, cũng như các bạn đồng ngũ khác, cụ chỉ uống rượu tiêu sầu. Vào những năm 1980, khi nước Nga đói, đám cựu chiến binh như ông cụ nhận được những gói quà cứu trợ. Trong đó họ thấy những thực phẩm do dân Ðức gửi tặng. Ðối với ông cụ, đó là một sỉ nhục. Ông uống say khướt, hỏi: “Nhưng chúng ta thắng trận kia mà?” Ông bật khóc, tiếp tục hỏi mà không cần ai nghe: “Này, có phải mình thắng trận không? Hay mình thua trận?”
Năm nay, Mikhail Shishkin nhận định: Ðức Quốc Xã bại trận, dân Ðức đã thắng. Họ chứng tỏ cho ai cũng thấy một dân tộc có thể đứng dậy, sống như những con người, không còn bị chiến tranh làm cho mê muội nữa. Ngược lại, ở nước Nga, trong Ngày Chiến Thắng họ không nhắc tới khát vọng hòa bình và tưởng niệm các nạn nhân. Ông Putin đem biểu diễn các vụ khí mới, khích động dân Nga bằng tình yêu nước, để đe dọa Ukraine. Shishkin kết luận: “Các lãnh tụ Nga đã ăn cắp dầu lửa của dân, ăn cắp những cuộc bầu cử, ăn cắp đất nước, và ăn cắp chiến thắng của dân.” Năm nay, ông mới trả lời cho cha mình: “Bố ơi, chúng ta đã thua trận!”
Tại sao một dân tộc chiến đấu dũng mãnh, chịu bao nhiêu đau khổ, thắng kẻ địch trên chiến trường mà lại thua trận trong thời bình, ngay trên đất nước của mình?
Machiavelli và Hàn Phi Tử sẽ nhún vai trả lời: Chúng tôi đã nói mà. Dân chúng đời nào cũng chỉ là một đám con nít!
Nhưng chúng ta có thể hỏi ngược lại Hàn Phi Tử và Machiavelli một câu: Dân chúng là con nít, nhưng thưa các cụ, năm 1989 dân Ðông Ðức đã phá bức tường Berlin, dân Nga năm 1991 cũng xóa bỏ chế độ Cộng Sản rồi. Trong nháy mắt lịch sử lật sang một trang mới, mỗi biến cố diễn ra chỉ trong một đêm. Tại sao dân chúng có thể làm được như vậy?
Câu trả lời, là thông tin. Dân Ðông Ðức vẫn lén lút coi đài truyền hình Tây Ðức bao nhiêu năm. Chỉ nhìn một cảnh sinh hoạt trên đường phố ở Tây Ðức trên màn ảnh họ cũng biết tất cả những lời tuyên truyền của đảng và nhà nước là láo khoét. Những người Ðông Ðức trốn thoát chế độ Cộng Sản vẫn gửi tin tức về nhà. Mà họ không cần đưa tin tức, chỉ những gói quà họ gửi về cũng đầy những thông tin rồi. Tin tức giúp dân mở mắt ra nhìn sự thật.
Các bạo chúa không hoàn toàn tin ở Thuyết Dân Ngu, nhưng họ biết phải làm cho dân ngu, càng ngu càng dễ trị. Họ biến những người không ngu cũng thành ngu, đã dốt rồi thì cảng thêm dốt nát. Từ Stalin, Mao Trạch Ðông tới ……, Pol Pot, đường lối giản dị nhất của họ là bưng bít thông tin. Dân càng ngu các bạo chúa càng kéo dài ách thống trị. Muốn dân tiếp tục ngu thì không cho tự do ngôn luận, cấm báo chí độc lập bên ngoài guồng máy đảng. Chính sách Ngu Dân này được áp dụng tại khắp các nước độc tài. Nhưng không ở đâu triệt để bằng trong chế độ Cộng Sản. Ðảng chiếm độc quyền điều khiển các báo, đài, chiếm độc quyền giáo dục, độc quyền in sách giáo khoa.
Machiavelli và Hàn Phi Tử không hề biết ngày nay có thứ gọi là Internet.
Không hề biết có những người can đảm làm blog, làm Câu Lạc Bộ Báo Chí Tự Do. Ðó là những đợt xung phong tấn công chế độ độc tài, phá tan chính sách ngu dân, bưng bít. Bằng những ý kiến mới mẻ, bằng những tin tức “lề trái,” người dân sẽ càng ngày càng hiểu, biết nhiều hơn. Cho nên mới có những thanh niên như Nguyễn Việt Dũng. Dũng Phi Hổ hay Hoàng Tử Thuốc Lào, người xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ra đời sau khi chiến tranh chấm dứt 9 năm. Nhưng anh nhận được những thông tin ở đâu không biết, đã phán đoán rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa tốt hơn chế độ Cộng Sản. Anh di biểu tình ở Hà Nội, mặc áo chữ T, trên ngực in phù hiệu binh chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng dân chúng không ngu; ở bất cứ nước nào cũng vậy, họ không phải là con nít. Chỉ khi thiếu thông tin thì họ khó suy nghĩ đúng. Khi có đủ tin tức thì trí óc tập thể của người dân đủ sức phán đoán, quyết định, chọn lựa cho chính họ – không cần đứa nào “lãnh đạo” cả. Trong bức thư gửi cho Richard Price, năm 1789, Thomas Jefferson viết: “Khi dân chúng được thông tin đầy đủ, có thể tin tưởng họ sẽ biết tự cai trị. Khi có điều gì kỳ cục làm cho họ chú ý, có thể tin là họ sẽ chỉnh đốn được. (Whenever the people are well-informed, they can be trusted with their own government. Whenever things get so far wrong as to attract their notice, they may be relied on to set them to rights).
Ðó là niềm tin của những người đang tranh đấu đòi tự do dân chủ. Dân chủ không bảo đảm một xã hội lý tưởng xa vời. Dân chủ chỉ là những cách xếp đặt cuộc sống chung để bảo đảm người dân có quyền lựa chọn và thay đổi những người cầm quyền. Trong lịch sử, loài người đã thử áp dụng nhiều thể chế khác nhau, không có thể chế nào hoàn hảo cả, nhưng dân chủ là chế độ đỡ tai hại nhất.
Ngô Nhân Dụng

Sự thay đổi trong bối cảnh khởi nghiệp ở Singapore

Sự thay đổi trong bối cảnh khởi nghiệp ở Singapore –
Theo CNBC – 7 May 2015
Người dịch: Kevin Bùi
Chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở vùng Đông Nam Á đã tăng từ mức không đáng kể sang mức dồi dào.
Và điều đó, theo các nhà phân tích, phản ánh tiềm năng mà ngày càng nhiều các nhà đầu tư nhận thấy ở các công ty khởi nghiệp ở Singapore và mở rộng sang các thị trường lớn ở Đông Nam Á.
“Ngày nay việc tiếp cận vốn đã dễ dàng hơn nhiều”, theo Yiping Goh, đồng sáng lập công ty thâu tóm thương mại điện tử ở Đông Nam Á –AllDealsAsia.com.
“Khi tôi mở công ty đầu tiên năm 2004, có chưa tới năm quỹ khởi nghiệp nổi bật và phần lớn trong số đó thậm chí không hoạt động”, theo Goh, người vừa mới thành lập một công ty thương mại điện tử MatahariMall.comở Indonesia, nói them. “Bây giờ, có thêm rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm tới châu Á và lượng vốn sẽ vẫn tiếp tục tăng lên”.
Tiềm năng khổng lồ
So sánh với các thị trường khác như Trung Quốc và Ấn Độ, các thị trường Đông Nam Á được xem là kém phát triển hơn và có tiềm năng lớn lao với lượng người tiêu dùng ngày càng tăng lên.
Theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, châu Á sẽ chiếm 66% tổng dân số trung lưu toàn cầu và 59% tổng tiêu thụ của lớp trung lưu vào năm 2030, so với mức 28% và 23% của năm 2009.
Đây là nền tảng cho sự quan tâm ngày càng tăng của các quỹ vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á. Ví dụ như công ty Lazada , nhà bán lẻ trên mạng của Đông Nam Á này thường được so sánh với Amazon. Được xây dựng bởi công ty hỗ trợ khởi nghiệp Rocket Internet vào năm 2012, Lazada đã gọi vốn được 249 triệu USD vào cuối năm 2014, định giá công ty ở mức 1.25 tỷ USD.
Trong lúc đó người khổng lồ viễn thông di động Softbank của Nhật đã đầu tư 250 triệu USD tháng 12 năm ngoái vào Grabtaxi- một trong các dịch vụ taxi tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.
“Tôi nghĩ rằng tôi đã được hỗ trợ rất tốt bởi nhóm các nhà đầu tư hiện tại gồm GVC, Tiger Global, Vertex (VTNR) – một công ty con của Temasek (công ty đầu tư nhà nước của Singapore) – họ đã thực sự giúp chúng tôi phát triển và thiết lập mối quan hệ tuyệt vời giữa nhà đầu tư này với nhà đầu tư khác”, Anthony Tan người sáng lập GrabTaxi cho CNBC biết hồi tháng trước, khi nói về vốn dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Và họ biết rằng chúng tôi siêu địa phương, siêu tập trung vào khu vực và rằng không có đối thủ nào khác thực sự tạo nên sự khác biệt”, anh nhận định.
Tất cả thay đổi
Vinnie Lauria, người đồng sáng lập Golden Gate Ventures- quỹ đầu tư và cố vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đông Nam Á, cho biết anh đã du lịch vòng quanh châu Á năm 2010 khi anh quyết định tìm hiểu về hiện trạng khởi nghiệp ở mức địa phương.
“Tôi tìm hiểu các doanh nghiệp khởi nghiệp ở 15 quốc gia khác nhau và cuối cùng nhận thấy rằng ở Đông Nam Á, phần lớn các công ty khởi nghiệp mà tôi nói chuyện với đều có một vấn đề giống nhau – khó quyên tiền”. Lauria tiếp tục.
“ Bốn năm trước đây, vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp là hầu như không đáng kể. Nhưng vài năm gần đây điều đó đã thực sự đổi khác”, anh thêm.
Vốn mạo hiểm mà các quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cao ở Singapore đã tăng lên đều đặn trong những năm gần đây, đạt tới mức 1.71 tỷ vào năm 2013 trước khi tụt lại mức 459 triệu vào năm ngoái, theo dự liệu của tạp chí Đầu tư mạo hiểm châu Á có trụ sở ở Hong kong(Asian Venture Capital Journal). Dù vậy mức đầu tư này vẫn dẫn đầu các nước Đông Nam Á và Hong kong vào năm 2014.
Lauria cho biết, với phần lớn các công ty khởi nghiệp, thử thách cho tới gần đây vẫn là tìm được các nhà đầu tư loại A, có mức đầu tư từ 1 tới 5 triệu USD.
“ Năm 2015, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy sự thay đổi; chúng tôi đang thành lập một quỹ để đầu tư loại A và có một số quỹ cũng đang chuẩn bị để đầu tư loại A này”, anh nói tiếp.
Tiếp cận vốn dễ dàng hơn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ở Singapore đã giúp lấp đầy khoảng trống ở một đất nước có cơ sở hạ tầng tốt cho doanh nghiệp, theo các nhà phân tích. Theo World Bank, Singapore xếp số 1 trong bảng xếp loại mức độ thuận lợi cho kinh doanh.
Các trường đại học và cao đẳng mở các chương trình dạy kinh doanh và các tổ chức cá nhân như Founders Institute đã được thành lập những năm gần đây để cố vấn cho các doanh nghiệp mới.
“ Sự tham gia của chính phủ là chìa khoá trong năm năm qua. Việc vươn xa tới sinh viên và các doanh nhân trẻ đầy tham vọng đã tạo ra các đội ngũ mạnh mẽ”, theo Jeffery Paine, người sáng lập Founders Institute ở Singapore.
Goh ở All Deals Asia cho biết thêm: “ Ngày càng có nhiều người cân nhắc khả năng kinh doanh, về cơ bản là vì hệ sinh thái khởi nghiệp đã trở nên trưởng thành hơn, việc nâng cao nhận thức và những lối đi thành công trong những năm gần đây đang tạo cảm hứng cho những người trước đây chỉ mơ mộng dám hành động vì những ý tưởng của mình”.
Sai lầm khởi nghiệp của chàng kế toán trưởng
Chạy theo xu hướng, bắt chước số đông trong khi bản thân chưa chuẩn bị tốt tinh thần… là những nguyên nhân có thể khiến bạn bị thất bại trong khởi nghiệp.
Dưới đây là những kinh nghiệm đúc kết sau những sai lầm khởi nghiệp do anh Lê Văn Long chia sẻ (theo VnExpress) – 27 April 2015.
Xuất thân trong một gia đình không hoàn hảo nhưng tôi không thiếu thốn về tài chính, vẫn được học hành đến nơi đến chốn. Ngay từ bé, tôi đã có ước mơ kinh doanh làm giàu.
Năm 2008, tôi bắt đầu khăn gói đến Sài Gòn học đại học (học cùng lúc 2 ngành là kế toán và quản trị tại Đại học Hoa Sen theo hình thức tín chỉ) với mong muốn sau này sẽ có vị trí đứng trong xã hội. Sau gần bốn năm miệt mài học tập, tôi cũng đã ra trường với hai tấm bằng trên tay và kiếm được công việc tương đối tốt, phù hợp với ngành đã học.
Tôi bắt đầu lao vào làm việc, kiếm tiền để tích lũy vốn nhằm thực hiện ước mơ kinh doanh, làm giàu của mình. Trong thời gian hai năm từ 2012-2014, tôi đã trải qua các công việc kế toán giá thành, kế toán tổng hợp rồi kế toán trưởng cho các công ty.
Trong thời gian đang đi làm, tôi tự tay xây dựng những ý tưởng và hoạch định cho mình kế hoạch kinh doanh liên quan đến mặt hàng quà tặng trang sức và hàng thủ công mỹ nghệ khá hoàn hảo, từ việc lấy hàng hóa như thế nào, tìm hiểu và bắt đầu xây dựng website ra sao. Sau đó, tôi tiến hành tìm hiểu thị trường quà tặng và cả đối thủ cạnh tranh, những điều họ làm được và chưa được để làm kiến thức nền tảng chuẩn bị cho sự dấn thân vào con đường kinh doanh của mình.
Đầu năm 2015, với số vốn tích luỹ sau hai năm đi làm được 50 triệu, tôi bắt đầu bỏ hẳn công việc đang làm ở công ty với đồng lương tương đối khá để dốc toàn tâm toàn ý bắt đầu ra kinh doanh riêng. Tôi bắt tay thực hiện những ý tưởng xây dựng website, liên hệ đối tác tìm nguồn hàng, thuê mặt bằng..
Nhưng việc khởi nghiệp là không hề đơn giản, tôi bắt đầu nếm mùi những khó khăn, sóng gió. Lúc đó, vì nghỉ làm công nên đồng tiền từ lương bị cắt ngang, còn thu nhập từ việc bán hàng chưa có bao nhiêu trong khi phải chi trả rất nhiều chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện…ngốn cả chục triệu đồng. Do đó, với số vốn ban đầu 50 triệu này không thấm vào đâu do nằm gần hết vào hàng tồn kho trong khi những khoản chi phí hàng tháng vẫn liên tục phát sinh…
Tôi đã cố gắng tìm cách xoay sở như vay mượn bạn bè với hy vọng vực dậy việc kinh doanh nhưng tất cả đều không được. Bởi lúc đó tôi như mất hết tinh thần, cảm thấy chản nản vì mình không có điểm tựa để bấu vào khi không giải quyết được bài toán chi phí. Và điều tất yếu là tôi đã đóng cửa sau 4 tháng kinh doanh. Số vốn 50 triệu đồng của tôi cũng đã bốc hơi hơn 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm một điều rằng, từ bỏ không có nghĩa là thua cuộc. Với số vốn còn lại khoảng 20 triệu đồng này, giờ tôi bắt đầu lại với mô hình kinh doanh quà tặng theo kiểu làm đại lý để hưởng hoa hồng. Kinh doanh kiểu này tôi sẽ làm một website khoảng 10 triệu đồng, các hoạt động khác tự làm…Để thu hút khách, tôi đã cố gắng tạo ra các dịch vụ mới lạ và chú trọng tới khâu tư vấn khách hàng.
Hiện tại, mô hình này chỉ hưởng số lợi từ tiền hoa hồng không nhiều nhưng xu hướng hoạt động khá tốt. Tôi sẽ cố gắng phát triển lên nhằm tích luỹ lại một số vốn tương đối, sau đó sẽ tự nhận hàng về theo hình thức “mua đứt, bán đoạn” để thu lãi nhiều hơn.
Con đường khởi nghiệp đúng là không hề đơn giản, tuy nhiên cũng không phải quá phức tạp như chúng ta nghĩ. Qua câu chuyện của mình, tôi tin rằng, nếu những ai dám thất bại thì đó là cơ hội để học kinh nghiệm và làm nền tảng cho sự thành công sau này.
Với những gì đã trải qua, tôi không dám đưa ra phương pháp thực hiện sao để thành công nhưng biết mình đã có những thiếu sót gì khiến bị thất bại. Do đó, giờ tôi muốn chia sẻ với mọi người những điều nên hạn chế nếu muốn khởi nghiệp thành công.
Thứ nhất là chạy theo số đông
Điều đầu tiên tôi thất bại là làm kinh doanh chỉ vì chạy theo số đông, thấy mọi người làm giàu mình cũng làm theo để tự hào khoe rằng ta là con người có ý chí, có nguyện vọng và tài năng với vốn kiến thức học tập phong phú và con đường đi làm công không thỏa mãn đồng thu nhập. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì cần xác định lại xem mình làm kinh doanh là vì mục tiêu gì?
Chỉ học phương pháp và cách làm
Đây là điều sai lầm thứ hai mà tôi gặp phải. Lúc đó tôi chỉ học phương pháp và cách làm của người khác mà không hề có một sự sáng tạo và đặc thù riêng nào của bản thân? Qua thời gian bắt tay làm thực tế, tôi mới nhận ra tất cả những phương pháp làm của người khác mình không thể bắt chước một cách rập khuôn vì không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh riêng. Cho nên, phương pháp không ở đâu xa mà chính là cách các bạn muốn làm và hãy làm theo ý các bạn muốn.
Chưa chuẩn bị tinh thần khởi nghiệp
Ai bắt tay vào kinh doanh cũng thường nghĩ về những màu hồng phía trước và thường lập chiến lược kinh doanh theo lý thuyết. Kế hoạch đó sẽ phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu thị trường, tung sản phẩm, chuẩn bị công tác tài chính, chiến lược marketing, tính toán các khoản chi phí, độ nhạy tác động thị trường, phân tích vĩ mô, áp dụng tất cả chiêu thức, mối quan hệ..v.v..
Nhưng cái quan trọng khác, không nằm trong bất cứ một bản kế hoạch kinh doanh nào, đó chính là khâu chuẩn bị tư tưởng thì ít ai làm. Bởi nếu kinh doanh suôn sẻ, thành công thì không nói làm gì, còn nếu gặp khó khăn, trở ngại thì bạn sẽ ứng phó ra sao? Vì những trường hợp đó, thường là tinh thần bạn gần như suy sụp và rất dễ dẫn đến sự buông bỏ và thất bại. Do đó, hãy chuẩn bị tinh thần với những điều khó khăn nhất, và hãy tìm sẵn cho mình một niềm tin để không gục ngã nếu rơi vào khó khăn.
Nghĩ mình thông thạo
Xin kết bài viết bằng ý sai lầm thứ tư mà tôi đã gặp phải, đó chính là cách nghĩ mình là chuyên gia, mình biết về nó rất rõ. Bởi khi bắt đầu kinh doanh, tôi cũng bỏ thời gian nhiều để tìm hiểu lĩnh vực sắp kinh doanh, tra cứu trên internet, qua bạn bè…và cho rằng như thế là đủ. Điều này khiến tôi chủ quan, không chịu học hỏi một cách nghiêm túc, chuyên sâu. Do đó, tôi không nắm rõ được bản chất của các vấn đè phát sinh trong lĩnh vực mình hoạt động.
Bởi những ý tưởng của đối thủ cạnh tranh thường là chúng ta không thể nào tiên đoán được. Đó là chưa kể đến tâm lý khách hàng, xu hướng và cáh thức phục vụ họ…cũng rất phức tạp, cho nên phải luôn luôn vận động, luôn luôn phát triển và phải tự làm mới mình thì mới thích ứng được.
Lê Văn Long