Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

XHCN Đến Đích tại Venezuela

Nguồn : Vững Đại Phát 
Venezuela sụp đổ
Mạnh Kim – 8 April 2015
Sự ngạo mạn thái quá, có phần điên rồ, của một cá nhân có thể dẫn đến tai họa cho cả một đất nước. Không bài học nào rõ ràng bằng trường hợp Venezuela. 10 năm sau khi Hugo Chávez đưa ra học thuyết “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”, Venezuela đang trên bờ vực sụp đổ toàn diện. Ngay cả giấy vệ sinh giờ cũng trở thành mặt hàng khan hiếm!
David Boaz thuộc Viện nghiên cứu Cato mỉa mai: “Venezuela đã đến chặng cuối của con đường XHCN: không có giấy vệ sinh” (Business Insider 5-4-2015). Một phần vấn đề ở chỗ Hugo Chávez đã xây dựng nền kinh tế XHCN bằng “định hướng” công nghiệp dầu. Thay vì phát triển tư nhân hóa công nghiệp, Hugo Chávez chỉ dựa vào dầu. Doanh thu dầu được chi mạnh cho các chương trình phúc lợi xã hội, như “nguyên lý căn bản” của lý thuyết “CHXH”, tạo ra một xã hội làng nhàng mọi người đều vui vẻ cùng có cái ăn và không ai quá giàu hơn ai. Lý thuyết này, trong một thời điểm, đã giúp Venezuela tương đối ổn định và mang lại uy tín chính trị cho cá nhân Hugo Chávez. Tuy nhiên, dầu từng chiếm 95% doanh thu xuất khẩu Venezuela; cùng với khí đốt, chiếm 25% GDP; nay bị mất giá. Theo đó, “CNXH” cũng mất giá. Chính xác hơn, đó là hậu quả của thứ lý luận phi khoa học và phản kinh tế, được cổ súy từ những lãnh đạo bất chấp sự vận động tất yếu của khoa học và không màng qui luật kinh tế.
Lạm phát Venezuela hiện 70% (cao nhất thế giới) – Wall Street Journal (13-3-2015) cho biết. Cái giá phải trả cho nền kinh tế phi sản xuất là sự thiếu hụt nghiêm trọng gần như mọi mặt hàng, từ phụ tùng xe đến giấy vệ sinh (nhiều khách sạn Venezuela ra thông báo yêu cầu khách phải mang theo giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng…). Bị ảnh hưởng nặng nhất là các dịch vụ xã hội vốn sống bằng ngân sách bao cấp. Trong 45.000 giường tại các bệnh viện công, hiện chỉ có 16.300 giường còn hoạt động. Bệnh viện tư, với 8.000 giường, cũng bị ảnh hưởng mạnh. Venezuela cần khoảng 1 tỉ USD/năm để nhập thiết bị y tế nhưng họ được cấp không đến 200 triệu USD năm 2014; giảm mạnh so với 807 triệu USD năm 2010. Khoảng 70% các loại dược phẩm đang thiếu trầm trọng. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Nicholás Maduro hiện chỉ 22%, thấp nhất kể từ khi kế nhiệm Hugo Chávez cách đây hai năm (The Guardian 22-3-2015). Maduro không đủ sức và không thể đổ “đống vỏ ốc” Hugo Chávez để lại.
Venezuela bây giờ cần gì? Không hẳn là việc (trông chờ) xóa cấm vận của Mỹ. Điều họ cần là một gương mặt đủ mạnh để xóa cái di sản “XHCN” của Hugo Chávez, đủ dũng cảm để đứng lên nói với quốc dân rằng từ bây giờ họ phải làm lại từ đầu, phải đi trên một con đường mà gần như mọi quốc gia trên thế giới này đang đi.
Mạnh Kim
(FB Mạnh Kim)
Giai đoạn cuối của Chủ nghĩa xã hội tại Venezuela: Giấy vệ sinh cũng chẳng còn
Đại Kỷ Nguyên – 9 April 2015
150110052713_sp_supermercado_venezuela_624x351_reuters
Ở Romania trong những năm cuối của chế độ cộng sản xuất hiện những hàng dài người đợi mua giấy vệ sinh. Tình hình tương tự hiện cũng đang xảy ra ở Venezuela.
Như vậy, chỉ với khoảng thời gian 16 năm dưới sự lãnh đạo của ông Chavez, Venezuela đã cho thấy chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 khá giống với chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 20.
Tình trạng thiếu lương thực và các hàng hóa khác ở Venezuela đã trở nên rất nghiêm trọng. Một số khách sạn thậm chí còn yêu cầu khách hàng tự mang theo giấy vệ sinh và xà phòng, theo tuyên bố gần đây của một phát ngôn viên trong ngành công nghiệp du lịch, được trích dẫn trên mảng tin Fusion.
Gerardo Montilla, Chủ tịch Phòng Du lịch của thành phố Merida, nói với Fusion rằng những khách sạn lớn hơn có thể tránh được thiếu hụt này bằng cách mua giấy vệ sinh và các mặt hàng khác trên thị trường chợ đen, nhưng với mức giá cao hơn 6 lần so với bình thường. Còn những khách sạn nhỏ, khách sạn gia đình, họ thường không đủ khả năng để trả với giá đắt như vậy, có nghĩa là đôi khi bạn phải tự xoay xở trong những tình huống gặp phải.
Một công dân tên là Camacho cho biết cô từ chối mua giấy vệ sinh trên thị trường chợ đen.
“Trên thị trường chợ đen, bạn phải trả 110 bolivar [17 USD] cho một cuộn giấy vệ sinh, mà bình thường chỉ có giá 17 bolivar [2.7 USD] trong siêu thị,” Camacho nói với Fusion, “Tôi không muốn tiếp tay cho tham nhũng đang tồn tại trên thị trường chợ đen và cũng không thể có 4 giờ mỗi ngày để đứng xếp hàng mua giấy vệ sinh tại một siêu thị”.
Gần đây, các quan chức Venezuela đã quyết định hành động để ngăn chặn người dân đầu cơ khắp đất nước các hàng hóa thiết yếu, trong nỗ lực để kiểm soát và giảm thiểu việc buôn lậu các sản phẩm này.
Thiếu hụt hàng hóa, những hàng dài người trong các cửa hàng, trên chợ đen và trộm cắp ngang nhiên. Và nguyên nhân của mọi sự là do CIA. Vâng, Venezuela đã đạt được một chủ nghĩa xã hội thật sự.
Andrei Popescu – ET Romania

Tại sao Hàn Quốc phát triển rực rỡ còn Việt Nam thì không?

Nguồn : Vững Đại Phát 
Tại sao Hàn Quốc phát triển rực rỡ còn Việt Nam thì không?
Tony Buổi Sáng – Blog Ký Giả – Theo Tin Tức Hàng Ngày – 8 April 2015
Năm 2004, Việt Nam cho chiếu bộ phim “Thời đại anh hùng” trong đó có đoạn, Tổng thống Park Chung-hee đã khóc vì thấy dân khổ quá. Ông tuyên bố sau 10 năm nữa sẽ có nhiều nước trên thế giới phải đến làm thuê cho Hàn Quốc, và sự thật đã đến với họ trong đó có Việt Nam.
Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn để giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích rằng, Hàn Quốc lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa, đây cũng bởi tính sĩ diện của họ rất cao.
Nhưng chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có được chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên cách đào tạo phương Tây sao cho phù hợp với đặc trưng của châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, Hàn Quốc chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, và để dành thời gian và công sức lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.
Đúng 20 năm sau, năm 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn. Ô tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo… bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó mặc dù dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào, chỉ biết rằng trên tivi lúc đó chỉ có vẻn vẹn 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”; từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng cho đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, cách tạo dựng một nhà máy.
Từ một dân tộc “xin việc”, tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động tại đây, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc”, mà người xếp hàng “xin việc” lúc bấy giờ lại là người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi “cho việc” người khác.
Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ. Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Kông và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí.
Phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Ngay lập tức người Hàn tuyển chọn ra 2.000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ… 4 năm sau tốt nghiệp, (năm 1992), những bộ phim đầu tay như: Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc vàng,…với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet đã chinh phục được hàng triệu con tim.
Ngành làm phim đã phối hợp khéo léo với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng để xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.
Vào năm 1988, ngoài 2.000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh thì cũng có ngần ấy người được cử sang Milan và Paris để học thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu “tròn tròn xinh xinh” của dân châu Á, người Tây không thích, không bán được. Có những năm mẫu xe của
Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ, ngạc nhiên và thích thú.
Ngoài ra, người Hàn cũng cử những sinh viên giỏi toán nhất nước theo học ngành tài chính ở các trường đại học lớn của Mỹ, với tham vọng Seoul sẽ thành một London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời và họ tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Hộ không hề chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu có.
Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi. Ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á để cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy
Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải là “Made in Korea”, dù vào thập niên bảy mươi sản phẩm vô cùng kém cỏi và xấu xí. Nhưng nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?
Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở Việt Nam cẩn thận ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm ưa thích của chị ấy rồi nhắn mình mua giùm. Ở cửa hàng mỹ phẩm, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem, đều là của Hàn cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì cô đã không thành công khi tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng. Tony nhìn cô ấy sững sờ, lẽ nào chỉ là 1 cô gái bán hàng bình thường mà có lòng yêu đất nước mãnh liệt thế sao? Tony thôi bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không, vì kính phục quá. Lúc Tony bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc.
Tony Buổi Sáng
(Blog Ký Giả)