Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Tháng Tư mãi là nỗi buồn!

Tháng Tư mãi là nỗi buồn!
Cao Huy Huân – VOA – 8 April 2015
Bước sang tháng Tư, không khí của những ngày định mệnh lịch sử bắt đầu rộ khắp các tuyến đường, con phố, bờ sông. Năm nay đặc biệt hơn vì đây là cột mốc lần thứ 40. Bởi lẽ, những cột mốc ý nghĩa luôn nhắc người ta nhìn lại quảng đường chúng ta đã đi suốt mấy chục năm ròng.
Sài Gòn những năm 1975, vốn mệnh danh là “hòn ngọc Viễn đông”, từng là giấc mơ của Lý Quang Diệu những ngày đầu thành lập Singapore. Bốn mươi năm sau, các khẩu hiệu treo đầy đường phố nêu cao thông điệp về một Sài Gòn đầy thành tích. Kẻ đứng trên những con số tăng trưởng kinh tế “đầy tranh cãi” sau 40 năm cười “ngặt nghẽo”. Tôi chưa bao giờ phủ nhận một Sài Gòn mở rộng sau 40 năm – nay trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, thu hút đầu tư mạnh từ trong và ngoài nước với chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hay các dự án viện trợ chính thức (ODA) khiến nhiều nước khác phải ganh tỵ. Tốc độ phát triển chóng mặt của những con số phát triển GDP Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung luôn khiến giới quan sát, ngay như các vị lãnh đạo cấp bộ trưởng, cũng phải giật mình. Nhưng xin thưa! nếu “gói ghém” thành tích của Sài Gòn, có lẽ cũng chỉ dừng ở chữ “tiềm năng”. Trong khi hàng tá vấn đề cho đến nay, Sài Gòn vẫn loay hoay, bế tắc, và sẽ còn tiếp tục loay hoay, bế tắc, nếu chính quyền vẫn cứ hoạt động một cách luộm thuộm như nhiều năm qua họ vẫn làm.
Trước hết hãy bàn về kết cấu hạ tầng, đô thị – điều khiến mấy chục triệu dân cứ mãi phàn nàn, rồi lại phàn nàn một cách vô vọng. Bốn mươi năm các vị mở rộng Sài Gòn cả về chiều rộng địa lý lẫn về chiều sâu kinh tế – xã hội. Các áp lực dân số, chênh lệch giàu nghèo, môi trường, tệ nạn xã hội, sức ép hạ tầng cơ sở, văn hóa đô thị… là không thể tránh khỏi. Để rồi người dân Sài Gòn – vốn đã “già trước khi giàu” – nay phải quẩn quanh bên một “thành phố ao làng” với hàng loạt các hệ lụy nhức nhối: ngập nước ngày càng nặng; ô nhiễm (khói, bụi, tiếng ồn, nguồn nước) ngày càng trầm trọng hơn; văn hóa tiểu nông, lúa nước lũ lượt kéo nhau vào Sài Gòn, trong khi cái mà các vị lãnh đạo gọi là “văn minh thành phố” lại chính là việc bê-tông hóa các tuyến đường vốn được cây xanh bao phủ, là hầm vượt sông tốn kém nghìn tỷ đồng vốn có thể được thay thế bằng nhiều cây cầu khang trang hơn, là các đề xuất dự án “ăn trước – chặn sau” theo kiểu nhóm lợi ích, ví như học sinh tiểu học phải trang bị máy tính bảng khi đến trường. Để rồi bọn trẻ, dù nhiều gia đình khó khăn cũng phải vét tiền của lo cho con “sang nước ngoài tỵ nạn giáo dục”. Nhà ổ chuột cho dân ở, trong khi nhà cao ốc thì chỉ biết để chuột “định cư” do hệ quả bong bóng bất động sản vỡ…
Mỗi thế hệ lãnh đạo Mỹ, EU, Nhật Bản hay Singapore đều để lại dấu ấn bằng những công trình tầm cỡ phục vụ lợi ích của dân. Tổng thống Mỹ Barack Obama với hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân (dù bị phe nhà giàu tranh cãi), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với cải cách kinh tế Abenomics vực dậy Nhật Bản, đặc biệt sau thảm họa kép 2011. Hay như Lý Quang Diệu với gần 50 năm xây dựng một đảo quốc Singapore bị Malaysia “bỏ rơi” trở thành con rồng châu Á. Trong khi Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, các vị nhận không biết bao nhiêu vốn ODA đổ vào đầu tư hạ tầng, ưu tiên phát triển cơ sở vật chất phục vụ đời sống hiện đại hóa, để rồi số công trình hạ tầng phục vụ lợi ích cho dân đạt chuẩn quốc tế chỉ nằm trên đầu ngón tay bởi sự đục khoét bằng đủ các kiểu tham nhũng: lót tay, hối lộ, bôi trơn, lại quả. Các nhóm lợi ích thì xem vốn ODA vẫn là thứ tiền phải “giải ngân cho kịp” để “ăn”, trong khi dân phải mang tiếng “xin”, chấp nhận những “cảnh cáo” từ phía đối tác mà mới nhất là Nhật Bản, rằng “còn tham nhũng sẽ cắt tiền ODA”.
Thứ hai, không khỏi xót xa khi nhìn vào các ngành công nghiệp mũi nhọn và các ngành công nghiệp ưu tiên. Trong tầm nhìn chiến lược phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2020, Sài Gòn đã xác định ba ngành mũi nhọn của công nghiệp bao gồm: i) Cơ khí chế tạo (ô tô, đóng tàu, thiết bị toàn bộ, máy công nghiệp, cơ điện tử); ii) Thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; iii) Sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số).
Phải khẳng định đây đúng là “ba mũi nhọn” quan trọng, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cũng từng trải qua. Nhưng sau 40 năm giải phóng thì nay là lúc ai cũng hốt hoảng khi chúng ta chỉ còn 5 năm để đạt ba mục tiêu mũi nhọn trên. Nhưng xin thưa, 5 năm là một con số “viển vông và không tưởng” khi hiện tại Sài Gòn đang đứng sau vạch số 0. Nghĩ làm gì đến công nghệ cao siêu khi ngay cả con ốc vít, hay các phụ kiện nhỏ nhất phục vụ ngành công nghiệp lắp ráp, cho đến nay gần như Việt Nam đều phải nhập khẩu. Khái niệm “công nghiệp phụ trợ” – ngành công nghiệp cơ bản của mọi ngành công nghiệp đã được đưa ra thảo luận và đầu tư – ra đời từ hơn chục năm trước ở Việt Nam, nhưng các vị lãnh đạo vẫn để nó dậm chân tại chỗ, mệt mỏi, thoi thóp và rồi chết đứng, nhường chỗ cho hàng hóa tiểu ngạch, chính ngạch của Bắc Kinh.
Xin phép được hỏi các vị “bao nhiêu doanh nghiệp phụ trợ mới có thể làm ra một chiếc xe hơi?” Xin thưa! Trên dưới 200 doanh nghiệp con “trợ sức” từng chi tiết máy mới có một chiếc ô tô mà các vị lãnh đạo ngồi mỗi ngày đến công sở. Cho nên có vị nào dám cam đoan sau 5 năm nữa, khi rào cản thuế quan phải hạ xuống dưới bước chân của gã khổng lồ WTO hay các thể chế mậu dịch tự do tương tự, một chiếc ô tô “lắp ráp in Vietnam” có thể sống trước ô tô ngoại nhập? Báo chí mấy hôm nay đưa tin “ô tô Việt Nam vẫn loay hoay lắp ráp để… chờ chết”, chứ Sài Gòn đừng bàn đến công nghiệp công nghệ cao – chỉ tổ khiến dân chờ, đợi, mỏi mòn và thất vọng.
Trong khi đó, bảy ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển của Sài Gòn là: dệt may, da dày, nhựa, chế biến nông lâm thuỷ sản, khai thác chế biến nhôm, thép, hoá chất cũng đã và đang hấp hối. Xưa nay, không ít các vị lãnh đạo vẫn cứ sống trong mớ bong bóng “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”, cho rằng Sài Gòn có nhân công giá rẻ, gần các khu tài nguyên. Để rồi khi công nghệ cao ngoại nhập khỏa lấp đi sức lực của đôi bàn tay không chỏng chơ, chai sượn của những người dân nghèo khốn khổ, thì các doanh nghiệp nội địa bắt đầu xếp hàng phá sản, đá bể toàn bộ chén cơm của hàng trăm nghìn người thất nghiệp. Hãy nhìn các doanh nghiệp nội địa ngành dệt may, mía đường, sữa,… liên tục “than trời trách đất” trong những năm qua trước áp lực của các doanh nghiệp ngoại đến từ Lào, Campuchia sẽ thấy chúng ta đang yếu đến cỡ nào.
Cuối cùng, xin hãy thẳng thắn nói về môi trường đầu tư. Chỉ chưa đầy một tháng, Việt Nam nhận liên tiếp ba sự kiện “choáng váng”. Một là, Nhật Bản tuyên bố “cắt viện trợ ODA nếu có thêm bất kỳ một dự án tham nhũng nào tại Việt Nam. Hai là, tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) bị điều tra tham nhũng, hối lộ nhà thầu Việt Nam trong các dự án cao tốc giai đoạn 2009-2012. Ba là, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tuyên bố cấm hoạt động trong vòng một năm đối với Tập đoàn Louis Berger Group (LBG, Mỹ) vì dính líu đến các hành vi hối lộ trong hai dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ tại Việt Nam. Công ty mẹ của LBG cũng bị hạn chế quyền đấu thầu đối với các dự án của Ngân hàng Thế giới vì không quản lí được các hoạt động “chung chi, hối lộ quan chức” mà LBG đã thực hiện trong hai dự án: Giao thông Nông thôn 3, và Đầu tư Ưu tiên Cơ sợ Hạ tầng Đà Nẵng do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tất nhiên, không ai điểm mặt chỉ tên Sài Gòn, nhưng những vấn nạn tương tự: thủ tục kinh doanh, đầu tư rườm rà, phức tạp mở đường cho các nghi thức “lót tay”, hay “lại quả”. Đó là chưa kể đến các vụ bê bối về tham nhũng, lừa đảo trong hệ thống ngân hàng; hối lộ trong hệ thống cảnh sát giao thông… Tất cả làm giảm đáng kể tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Sài Gòn.
Một Sài Gòn mà hàng triệu dân mơ ước bất kể phải nếm mật nằm gai trong suốt 40 năm qua phải theo đuổi tám mục tiêu: i) Hệ thống cung cấp nước và vệ sinh môi trường (Water supply and sanitation); ii) Giao thông vận tải (Traffic and transport); iii) Năng lượng (Energy); iv) Chức năng đô thị (Urban functions); v) Kiến trúc (Architecture); vi) Quản lý chất thải (Waste Management); vii) Quy hoạch cảnh quan (Landscape Planning); viii) Hợp tác giữa khối nhà nước và khối tư nhân (Public and private stakeholders).
Nhưng rồi trước mắt họ, con đường từ nhà đến nơi làm việc đang đối diện quá nhiều rủi ro từ hệ lụy tích tụ suốt 40 năm: Đó là một con đường đầy khói bụi, lô cốt dựng khắp nơi, dây điện chằng chịt, nước ngập úng với lượng rác thải khổng lồ. Thỉnh thoảng lại gặp vài ba anh cảnh sát giao thông “nghiêm khắc” rất thích bắt lỗi đèn xi-nhan, lấn tuyến dù con đường nhỏ hẹp và biển báo đánh đố người dân – những kẻ ngoài việc đóng thuế nuôi quan chức phải tự nguyện trả thêm ít tiền “lót tay” nếu không muốn bị “vạch ví” giữa đường. Và cũng trên con đường ấy, những chiếc xe hơi sang trọng, vẫn âm thầm và lạnh lùng lướt qua những mảnh đời cơ cực phải lam lũ đội nắng trên đầu, lội mưa tới bụng và trong hai hốc mắt sâu hoắm vẫn mong chờ bữa ăn chiều có đủ cháo, rau.
Vậy đấy, chẳng biết sau những ngày tiệc tùng mừng 40 năm chiến thắng, có vị quan chức nào giật mình thốt lên “đã 40 năm rồi cơ đấy” khi thấy tại quảng trường độc lập vẫn còn không ít kẻ lang thang nhặt lấy từng chiếc lọ, cái lon để bán kiếm tiền mà quên mất “ngày độc lập phải vui lên”.
Cao Huy Huân

Người Việt Thích Nổ

Người Việt Thích Nổ
Nguyễn Hưng Quốc – VOA – 14April.2015
Năm 2011, nhân các thảm họa xảy ra tại Nhật, giới cầm bút hay nói đến văn hóa ứng xử của người Nhật, từ đó, ít nhiều liên hệ đến người Việt.
So sánh người Việt và người Nhật, chắc chắn chúng ta thua nhiều thứ. Nhưng có một điều chúng ta nhất định không thua: tật nổ.
Tôi không nói đến từng cá nhân. Từ góc độ cá nhân, ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những kẻ khoác lác. Người Việt Nam chưa chắc đã hơn. Thậm chí còn thua nữa là khác. Ở đây, tôi muốn nói đến người Việt với tư cách một tập thể.
Sống ở Úc khá lâu, tôi chỉ nghe người Úc, từ giới chính trị gia đến giới trí thức hay giới bình dân, hay nói Úc là một quốc gia may mắn (lucky country), nhưng thường thì người ta nhấn mạnh thêm: May mắn, chưa đủ; Úc cần phải trở thành một quốc gia giàu kỹ năng (clever country), hoặc, hơn nữa, một quốc gia giàu sáng kiến (smart country). Đất rộng và nhiều tài nguyên thiên nhiên, chưa đủ; người Úc cần có chiến lược thật sáng suốt để khai thác và tận dụng những của cải Trời cho ấy.
Ở Việt Nam thì ngược lại. Ở đâu chúng ta cũng nghe những tiếng nổ um trời. Trên báo chí. Trên tivi. Trên các đài phát thanh. Về địa thế thì Việt Nam nằm ở điểm giao lưu của hai nền văn hóa cổ kính và lớn nhất châu Á: Trung Hoa và Ấn Độ. Về thiên nhiên thì “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Về lịch sử thì đánh thắng hết đế quốc này đến đế quốc khác. Về đảng và lãnh tụ thì là “đỉnh cao trí tuệ của nhân loại”. Còn về con người thì toàn là anh hùng, ra ngõ là gặp ngay anh hùng, khiến cả thế giới đều ngưỡng mộ; ngưỡng mộ đến độ nhiều người ngoại quốc cứ mơ ước có một phép lạ nào đó biến mình thành… người Việt Nam.
Nhiều người đã phê bình cái tính thích nổ ấy. Sớm, thẳng thắn và cay đắng nhất là Nguyễn Duy trong bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ quốc” sáng tác năm 1988, trong đó có mấy câu:
xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày?
[…]
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
[…]
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Tuy nhiên, ở đây, tôi sẽ không bàn đến khoảng cách giữa những điều người ta tuyên truyền và thực tế. Tôi chỉ muốn tập trung vào một sự nghịch lý khác: trong sự khoác lác của người Việt, đặc biệt của bộ máy tuyên truyền, có cái gì như thiếu tự tin, nếu không muốn nói thẳng ra là tự ti. Mà thật ra, về phương diện tâm lý, sự khoác lác thường xuất phát từ sự tự ti hơn là tự hào thực sự. Và vì tự ti cho nên khi khoác lác, người ta hay cầu cạnh đến một số thế lực khác, chủ yếu là từ người ngoại quốc.
Chuyện báo chí Việt Nam đánh bóng tên tuổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây mấy năm là một ví dụ điển hình (1). Người Việt khen nhau, người ta thấy chưa đủ. Người ta cần một người ngoại quốc. Nếu không có người ngoại quốc có thẩm quyền thì người ta bắt đại một ông chuyên về rác và các loại chất phế thải. Nếu không có thật thì người ta bịa. Tiêu biểu nhất là vụ Vũ Hạnh bịa ra cái tên A. Pazzi, một người Ý, khi in cuốn Người Việt cao quý ở Sài Gòn vào năm 1972. Sau này, Vũ Hạnh tiết lộ là động cơ chính thúc đẩy ông viết cuốn sách ấy là để kích động lòng tự hào dân tộc, từ đó, gián tiếp tiếp sức cho phong trào phản chiến và chống Mỹ do cộng sản chủ trương lúc ấy. Nhưng để kích động lòng tự hào dân tộc mà lại phải mượn một cái tên ngoại quốc, kể cũng mỉa mai quá, phải không?
Những chuyện mượn danh và uy tín của người ngoại quốc để tự khen mình hoặc để chứng minh điều gì đó là đúng nhan nhản trên sách báo và ở các hội trường tại Việt Nam. Trong viết lách, nhiều người cho việc trích dẫn một tác giả Việt Nam khác là xoàng. Trích dẫn, phải trích dẫn một tác giả ngoại quốc mới là sang. Không đọc được ngoại ngữ thì trích dẫn qua trung gian của một tác giả Việt Nam khác nhưng lại giấu nhẹm tên tuổi tác giả Việt Nam ấy đi!
Chán.

Loạt Bài Về Saigon SAU 1975 (Bài 2)

Loạt Bài Về Saigon SAU 1975
Bài 2: ‘Con bà phước, cái bang’ Galang
Sông Tiền – Người Việt- 9 April 2015
Tôi đặt chân đến trại tỵ nạn Galang vào trưa ngày 1 Tháng Sáu năm 1990 sau đúng 2 tháng rời Việt Nam.
Ðoàn tàu chúng tôi đến trại với 655 thuyền nhân trên hai chuyến tàu định mệnh được nhập chung từ nhiều chiếc ghe vượt biển khác nhau đã đến được đất liền Mã Lai nhưng bị hải quân nước này gom lại và xua đuổi sang Nam Dương.
Hồi tưởng lại chuyến hải trình gian khổ và những ngày tháng bất ổn trong quá trình thanh lọc ở trại tỵ nạn mà cảm thấy thật thấm thía cho hai chữ thuyền nhân.
Như bao thuyền nhân khác đến trại tỵ nạn sau ngày đóng cửa đảo định mệnh 17 Tháng Ba năm 1989, tất cả chúng tôi đều phải trải qua một quá trình ‘thanh lọc’ để xác định tư cách tỵ nạn chính trị của mình.
Chúng tôi đến Galang vào thời điểm thuyền nhân trôi tấp vào Mã Lai Á bị dồn đẩy sang Nam Dương ồ ạt nên số lượng thuyền nhân trên đảo từ năm 1989 không quá 3,000 người đã tăng đột biến lên hơn 14,000 trong vòng chưa đầy một năm. Tình trạng quá tải không có chỗ ở cho người tỵ nạn là một chuyện khá nhức đầu cho các nhân viên Cao Ủy và phòng kỹ thuật.
365 người chúng tôi được đưa thẳng vào Galang 2 và sống lây lất vật vạ tạm thời bên trong hội trường của văn phòng Cao Ủy và dọc theo hành lang của phòng xã hội. Nhìn cảnh những người “say sóng” nằm ngồi dọc theo hành lang các văn phòng của Cao Ủy Tỵ Nạn và toán JVA được các anh chị thiện nguyện viên của phòng xã hội và gia đình Phật Tử Long Hoa cũng như thanh niên Công Giáo trợ giúp nấu và chia nhau những tô mì gói nóng để đỡ đói qua ngày trong thời gian chờ đợi những nhân viên của phòng kỹ thuật dựng lên các barrack bằng plastic trên các nền barrack cũ của Zone F nó ám ảnh và theo tôi mãi trong những giấc mơ cho đến ngày hôm nay.
Galang, quán trọ trước cổng thiên đường đã không thật sự đến với chúng tôi, những thuyền nhân kém may mắn đã chậm chân đến trại sau cái ngày oan khiên mà Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền sở tại áp dụng để ngăn chặn làn sóng thuyền nhân bỏ nước ra đi tỵ nạn Cộng Sản ngày càng dâng cao. Sau những ngày dài chờ đợi và mất ngủ chúng tôi được đưa vào sống trong những barrack được lợp bằng plastic mới được dựng lên trong khu Zone F bốn bề gió lộng theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó.
Trải tấm chiếu Cao Ủy trên nền xi măng lòi lõm của barrack để xí chỗ xong là chúng tôi phải nghĩ đến việc sinh tồn trong những ngày dài sắp tới. Mỗi thuyền nhân được phát một đôi dép Cao Ủy, một cái mền và một chiếc chiếu, một cái tô, một cái chén và một cái ly bằng nhựa, mỗi 5 người được phát một cái lò xô nấu ăn bằng dầu, một cái can 5 lít đựng dầu hôi. Khẩu phần lương thực nghe đâu đã bị cắt giảm nên hàng tuần chúng tôi mỗi người chỉ được phát 3 gói mì, 2.8 kg gạo, 100 gram đậu xanh, 100 gram đậu nành, 100 gram đường và 100 gram đồ tươi có thể là bí rợ hay rau cải. Mỗi đầu tháng chúng tôi được cấp 9 lon cá mòi loại nhỏ, và 4 lít dầu ăn, có tháng Cao Ủy thay thế bằng ba hộp thịt hộp mà chúng tôi gọi là pa tê, khi thì 3 lon cá mòi loại lớn. Ăn cá mòi và tắm nước suối từ trên rừng chảy xuống được chứa trong những cái hộc được đào sẵn ở dưới hạ nguồn nên đã có rất nhiều người bị ghẻ ngứa, chúng tôi đã phải thức dậy thật sớm để sắp hàng lấy số ở bệnh viện Galang 2 chờ được chích thuốc vào mỗi sáng.
Với sức trẻ của tuổi minor vị thành niên, nhóm con “bà phước” không có thân nhân ở nước ngoài không cách gì chúng tôi có thể tồn tại và sống nổi với khẩu phần lương thực hạn hẹp mà Cao Ủy đã cấp phát thông qua nhà cầm quyền Indo, những người bạn của chúng tôi phải gom lại tìm cách mưu sinh để sống còn trong những ngày dài ở trại.
Có một câu chuyện làm cho tôi còn nhớ mãi là trong những ngày còn say sóng khi mới đến đảo. Tôi có theo chân mấy người bạn đi dạo ngoài chợ Galang 2 tình cờ được gặp lại dì Hai Ngọc Châu là bạn rất thân của mẹ tôi đã vượt biên và đến đảo vào năm 1987. Dì dượng và gia đình các anh chị lẽ ra đã đi định cư từ rất lâu nhưng vì dượng Hai bị bệnh phổi khá nặng nên đã bị các phái đoàn từ chối khi phỏng vấn và còn kẹt lại và đang chờ đi Pháp vào Tháng Tám năm 1990.
Mặc dù gia đình của dì lẽ ra phải đi Mỹ vì dượng Hai là cựu quân nhân của QLVNCH. Dì Hai và các anh chị đã rất thương và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong khoảng thời gian này. Thấy chúng tôi tơi tả không có quần áo mặc dì mua vải nhờ chị Một và chị Bưởi là người con dâu và người quen của dì may đồ cho chúng tôi, lâu lâu dì mua thịt heo rừng và đồ ăn ngoài chợ đem vào tiếp tế cho chúng tôi.
Mặc dù đã sắp đi định cư và đã hứa cho người khác cái thùng phi đựng nước cũng như cái tủ đựng đồ, nhưng vì thấy hoàn cảnh quá thê thảm của chúng tôi mà dì Hai đã trả tiền lại cho người ta để xin lại cho chúng tôi có cái thùng phi đựng nước uống và có tủ để đựng đồ. Thật quý vô cùng những tấm lòng vàng.
“Bún, bún đây, ai ăn bún đổi cá, đổi gạo không? Num bờ chốc tê, Num bờ chốc đo ko tê,” những tiếng rao lanh lảnh ở Galang 1 và Xóm Miên ngày nào vẫn còn âm vang và là động lực mạnh mẽ giúp cho tôi vượt qua hết những khó khăn và vấp ngã sau này khi đã được định cư tại Hoa Kỳ.
Tôi đến với cái nghề bán bún và biết làm ra tiền đầu tiên trong đời từ trại tỵ nạn Galang qua chú Trung và anh Hùng cùng tàu của tôi. Cuộc sống ở trại khổ quá mà không có liên lạc được với thân nhân ở nước ngoài để viện trợ cứu đói, chú Trung và anh Hùng con của chú Tư Xị đã đột phá tìm cách làm quen với anh Nhân chủ lò bún ở gần Suối Zone F Galang 2 để xin lãnh bún đem đi bán dạo vòng quanh các barrack ở Galang 2.
Chú Trung thấy hoàn cảnh anh em con bà phước của chúng tôi thê thảm quá nên chú kêu lại hỏi thăm tụi tôi có chịu đi bán bún không rồi chú hỏi xin ông chủ lò bún cho chúng tôi lãnh bún đi bán ngoài Galang 1. Tôi, Ðức và 3 anh em Ðành, Ðạt và Chín nhận lời, thế là mấy anh em chúng tôi hàng ngày vào sáng sớm thay nhau gánh bún từ Galang 2 đem ra Galang 1 bán và đổi cá, gạo kiếm tiền mưu sinh trên đảo.
Là những công tử bột chưa nếm bụi trần gian, trại tỵ nạn Galang đã nhào nặn cho chúng tôi trở nên cứng cáp và trưởng thành hơn. Có những ngày mưa gió mà gánh bún thì còn nặng trĩu trên vai, chúng tôi len lỏi qua khỏi khu vực bệnh viện Galang 1 (lúc này đã được trưng dụng làm chỗ ở cho thuyền nhân) đi hoài mà gánh bún thì vẫn chưa vơi chúng tôi bạo gan tìm ra khu xóm Miên (vào cuối năm 1990 đã có gần 1,500 người Cambodia vượt biển đi tỵ nạn) lần đầu tiên món Num Bờ Chốc xuất hiện ở Làng Miên gánh bún ngày hôm đó được mua hết trong vòng 30. Thừa thắng xông lên sau đó anh em chúng tôi tăng số lượng bún lên gấp đôi, hàng ngày gánh ra bán thêm ngoài xóm Miên.
Chúng tôi học thêm tiếng Miên qua chị Hồng đi chung tàu. Chị Hồng là em vợ của chú Y Giang NiekDam là ‘leader’ tàu của chúng tôi, từ đó việc giao tiếp với bà con người Miên được dễ dàng hơn.
Có một câu chuyện bây giờ nghĩ lại rất là tức cười cho sự khờ khạo của tuổi trẻ chúng tôi, vì không quen ai ở ngoài Galang 1 nên chúng tôi cứ gánh hai thùng bún thật nặng đi thẳng ra xóm Miên bán trước, khi qua khỏi Cổng Chùa Quan Âm Tự đến gần khu vực Suối Miên, phần vì hai gánh bún quá nặng phần mệt nên chúng tôi quyết định chui vào một bụi cây ở gần đó giấu một thùng bún và gánh thùng bún còn lại trực chỉ xóm Miên. Trên đường về lại Galang 1 chúng tôi tấp vào lấy cái thùng bún giấu trong bụi cây, cả hai chúng tôi đã cười thật giòn và thật lâu khi nghĩ đến cảnh trở lại chỗ giấu thùng bún mà kiếm không ra vì cắc cớ có ông nào đi ngang tấp vào tè bậy mà thấy thùng bún và vác luôn về thì anh em chúng tôi chắc sẽ khóc bằng tiếng Miên luôn.
Có những người Miên thật tốt bụng khi thấy anh em chúng tôi bận quần áo tả tơi trong lúc vất vả mưu sinh đã kêu lại cho quần áo lành lặn để bận, buôn bán một thời gian thì chúng tôi bắt đầu có những mối tốt, họ đặt bún của chúng tôi hàng ngày để nấu món Bún Cá bán trong làng Miên. Anh em chúng tôi thay nhau mỗi ngày vào buổi chiều gánh bún đi bỏ mối ngoài làng Miên, khi thì 15 kg khi thì 10 kg tùy theo ngày. Thấy chúng tôi làm ăn được người chủ lò bún sinh lòng tham, anh ta tăng giá bún lên và sắm xe đạp chở bún ra ngoài làng Miên giành mối và bán sỉ với giá rẻ hơn. Bất mãn anh em chúng tôi không tiếp tục đi bán bún nữa. Sau này một số anh em trong nhóm con bà phước đã phải đi đánh bắt cá ngoài biển, bán bánh mì, bán cà rem, đào giếng mướn và một vài đứa thì làm nghề báo thư mà chúng tôi gọi đùa là những tay chuyên Bóp Cổ Thiên Hạ.
Galang là một trường đời đầy thử thách đã rèn luyện và huấn nhục chúng tôi được cứng cáp và trưởng thành hơn, từ cách đối nhân xử thế đầy tình người cho đến nhân tình thế thái bạc bẽo của cuộc đời chúng tôi đều được học từ trại Galang, có những bài học rất đắt giá và có những bài học không phải trả tiền mà chúng tôi may mắn được học qua những kinh nghiệm đau thương của bạn bè và chính cá nhân mình.
Trong những năm tháng đầu tiên ở trại tỵ nạn, chúng tôi lam lũ cực nhọc mưu sinh nhưng tinh thần thì rất vui và không có nhiều lo nghĩ cho đến khi bắt đầu có kết quả thanh lọc vào những đợt đầu tiên cho những đồng bào đến trại vào những ngày đầu tiên kể từ sau ngày đóng cửa đảo, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền sở tại vì muốn chặn đứng làn sóng thuyền nhân vượt biển tìm tự do nên đã tạo ra rất nhiều chuyện bất công trong vấn đề xác định tư cách tỵ nạn chính trị của thuyền nhân.
Thảm cảnh chèn ép buộc những cô gái Việt phải hiến thân để đánh đổi tấm vé công nhận là tỵ nạn chính trị xảy ra ngày càng nhiều. Nhà cầm quyền Nam Dương có toàn quyền quyết định tư cách tỵ nạn chính trị của thuyền nhân nên vô tình đã tiếp tay cho những nhân vật đang nắm vai trò sinh sát trên đảo lộng hành mặc sức chà đạp nhân phẩm và tiết hạnh của người phụ nữ Việt Nam trong khoảng thời gian khủng hoảng này.
Ðã có rất nhiều trường hợp cả gia đình phải tốn rất nhiều tiền để hối lộ các giới chức cầm quyền và họ còn bị bắt ép phải hiến dâng con gái dưới tuổi vị thành niên của họ cho những tên phó hay trưởng đảo cũng như những nhân vật coi về phần an ninh và thanh lọc.
Ðã có nhiều trường hợp lường gạt để lấy tiền của thuyền nhân khi hối lộ với chính quyền địa phương dẫn đến giết người để bịt miệng, vụ án ở Suối Chùa Kim Quang mà hai anh Sáu Koler và Nguyễn Văn Viễn là nạn nhân của những tên sát nhân này.
Bất công và đau khổ dày xéo tâm can của những thuyền nhân Galang, sau khi nhận kết quả rớt thanh lọc, anh Diệp Quang Huy đã gặp luật sư người Phi để tư vấn cho vấn đề khiếu nại của mình, bị tên Phi lùn xúc phạm, anh Diệp Quang Huy đã tẩm dầu tự thiêu ngay trước văn phòng Sơ Vấn Galang 2.
Minor Lưu Thị Hồng Hạnh đã đậu thanh lọc nhưng bị rút giấy đậu vì là minor đã phẫn uất tự thiêu ngay trong barrack của mình. Những thảm trạng của thuyền nhân thật là bi thương đã xảy ra rất nhiều vào thời điểm 1991-1996.
Giá trị của hai chữ tự do đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt, bằng đói khát của những ngày lênh đênh trên biển, bằng sự tủi nhục của thân xác phụ nữ Việt trên biển và trong đất liền, bằng sự rẻ khinh và xua đuổi của các quốc gia tạm trú, bằng những nấm mồ hoang lạnh trên các trại tỵ nạn của không biết bao nhiêu ngàn thuyền nhân đã bỏ mình nơi rừng sâu, đảo vắng.
Và hơn hết là bằng sự đấu tranh tuyệt thực biểu tình của hơn 4,500 thuyền nhân tại Galang, hơn 2,000 thuyền nhân tuyệt thực ngất xỉu phài vào cấp cứu tại bệnh viện Galang 2, hơn 20 thanh niên đã đâm bụng tự sát không thành. Anh Phạm Văn Châu đã tự thiêu trong buổi sáng biểu tình và được đưa sang Pinang chết mất xác. Anh Lê Xuân Thọ đã tẩm dầu tự thiêu và đâm bụng chết tại chỗ biểu tình được đồng bào quàn và giữ xác trong quan tài tại chỗ biểu tình cho đến ngày cuối cùng sau khi bị cảnh sát đặc nhiệm của Indo trấn áp.
Cuộc biểu tình suốt 179 ngày đêm của thuyền nhân Galang chống cưỡng bức hồi hương và đòi hỏi công bằng cũng như quyền tự do tỵ nạn chính trị của mình là cuộc biểu tình dài nhất và bi thương nhất trong lịch sử của thuyền nhân tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam. Là thuyền nhân vượt biển tìm tự do chúng ta không được phép quên chúng ta là ai và tại sao chúng ta đang ở khắp nơi trên thế giới này.
Galang một trời tâm sự…
Loạt Bài Về Saigon SAU 1975
GNA: Loạt bài về Saigon TRƯỚC 1975 đã gây nhiều phản hồi: những người dân Saigon cũ và mới nhìn lại những hình ảnh cũ và nhận ra một “biển dâu” thực sự đã thay đổi cuộc đời của chục triệu người và không gian sống của họ đã chìm khuất hoàn toàn vào một “hành tinh” khác.
Để tìm một góc nhìn khác, GNA sẽ lần lượt cho đăng lại những mẩu chuyện và hình ảnh về Saigon SAU 1975. Lăng kính của Đảng và Nhà Nước thì chúng ta đã quá rõ, GNA không cần đăng lại nơi đây (đã có hơn 700 loa phường khắp xứ lảm nhảm hàng ngày). Chúng tôi sẽ chỉ ghi lại những suy ngẫm, hồi ức và tâm tư của những NGƯỜI DÂN (Saigon cũ hay nhập cư mới) để chúng ta có chút đồng cảm về một giai đoạn lịch sử vô cùng khác biệt của Saigon.
GNA sẽ tránh đề cập về chính trị, lãnh tụ hay lịch sử. Chỉ có những mảnh đời rất DÂN, rất Saigon. (Xin các BCA khó tính tha lỗi cho tính cẩn thận của GNA với những điều cấm kỵ liên quan đến quyền lực).
Tuy nhiên, để các dư luận viên im mồm, chúng tôi xin nhắc lại trước hết quan điểm của chính phủ về ngày đại thắng 30/4:
“Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) vừa được UBND TP HCM ban hành, thành phố sẽ tổ chức khánh thành các công trình: cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm trước ngày 15/3; tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày 30/3……..
Các điểm bắn pháo hoa gồm: khu vực đường hầm sông Sài Gòn (quận 2); Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi); Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn); Khu di tích Láng Le – Bàu Cò (huyện Bình Chánh); Sân bóng đá huyện Cần Giờ; Công viên lịch sử – Văn hóa Dân tộc (quận 9) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11)……
Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Theo đó, các bộ, ngành trung ương sẽ chủ trì lễ mitting tại lễ đài ngã tư Lê Duẩn – Pasteur, Công viên 30/4 (quận 1). Thời gian tổng duyệt vào lúc 7h ngày 26/4 và chính thức diễn ra lúc 7h ngày 30/4, trong lễ mitting sẽ có tiết mục thả bong bóng và chim bồ câu.
Sau đó sẽ là lễ diễu binh, diễu hành với sự tham dự của khối nghi trượng, các khối diễu binh (các khối đi tay không, các khối đi có súng, có khí tài) và các khối diễu hành quần chúng.”