Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Một ngày còn ở lại Sài Gòn

Nguồn : Vững Đại Phát

Một ngày còn ở lại Sài Gòn
FB Nguyễn Hậu – 25 Nov 2013
Sài Gòn xưa thật đẹp, văn minh và thanh bình với những con người hiền lành, mộ đạo. Nếu không có những bức ảnh tư liệu mà mỗi ngày càng được người ta chia sẻ càng nhiều, không có hàng ngàn những bản thu âm trước 1975 về dòng nhạc trữ tình Sài Gòn đã một thời lên tới đỉnh cao của văn hóa/ nghệ thuật, rồi các kiệt tác văn chương… những người sau này ắt hẳn chẳng bao giờ tin vào điều đó – Hòn ngọc Viễn Đông – vì sách giáo khoa không nói như vậy.
Tôi đến với mảnh đất này với tâm thế của một người hiền lành và tôi cũng nhanh chóng nhận ra mình chưa đủ tử tế và hiền như Sài Gòn. Tôi tri ân Sài Gòn như đất mẹ thứ hai đã cho tôi biết bao điều tốt đẹp, đã dung dưỡng và trao cho tôi những điều thật tử tế. Tôi đến và ở lại Sài Gòn không chỉ vì mưu sinh, một ước mơ ngông cuồng nữa mà vì tôi yêu, tôi thấy mình thuộc về mảnh đất này. (Cũng có thể vì ngay từ bé tôi đã thuộc và có thể say sưa đàn hát cả trăm bài bolero, tiền chiến…, ắt đó là duyên. Và cả những mơ mộng vẩn vơ của tôi về một Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, Em tôi đi đường lên Catinat… ảnh hưởng từ bố ).
Tôi cũng biết nhiều người xứ tôi đã làm cho Sài Gòn dữ và biến dạng đi từng ngày. Tôi chỉ có tâm nguyện một ngày còn ở lại nơi này là một ngày gieo xuống những hạt mầm lành, gieo xuống sự tử tế và gìn giữ những hạt mầm tử tế còn sót lại… Tôi chỉ là một tay Bắc Kỳ lạc thời, tơ tưởng và hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Tôi tin vào những giá trị bền vững theo thời gian và trên con đường ngược chiều ấy tôi tìm thấy hay nói đúng hơn là nhận ra những người cũng ấp ôm một điều tốt đẹp nào đó cũng đang cố gắng đi ngược chiều đồng loại.
Tôi nhớ hoài một câu nói của người bạn đời của mình: Đêm hỗn mang thắp hỏa châu đi tìm bộ lạc… Có lần một người bạn Sài Gòn mà tôi rất quý mến nói “anh thật sự là một người Sài Gòn”, với tôi, đó là lời khen tặng mà tôi trân trọng vô ngần và có thể nói là hãnh diện nhất (Có lẽ là không xấu hổ với những tiền bối đến đây từ những năm 54 và rất được người Sài Gòn yêu mến).
Nói về Sài Gòn thì một chữ yêu không đủ, có điều gì đấy ngọt ngào và mặn đắng hơn thế trong tim tôi, mỗi ngày đi qua những con đường lộng gió, những “con đường tình ta đi nắng vàng tươi đẹp đẽ…” Dù nó không còn tinh khôi như đã từng nhưng chỉ cần tôi tin vào sự tinh khôi ấy, bằng trái tim nhỏ bé thật hiền, bằng cách góp mỗi bước chân nhẹ nhàng, góp tiếng nói nhỏ nhẹ không tục tĩu chửi bới chém gió ồn ào gây ô trọc, bần tiện hóa lối sống, tôi tin hơi thở của Sài Gòn vẫn sống mãnh liệt.
Sài Gòn hiền là thế nhưng nơi này đã không còn là nơi bao dung, để ai cũng có quyền đến, kiếm ăn, bú mút nhưng vẫn ngoạc mồm chê bai “đồ ăn dở, không có mùa đông, không có Tết” và mang theo những hạt mầm hủy hoại. Sài Gòn đã khắc nghiệt hơn, đã biết thải bớt người.
Những người yêu Sài Gòn đã tìm thấy nhau, dần dần, từng nhóm nhỏ. Họ cùng chọn một cách sống thật lành, nghe những bản tình ca cũ, nâng niu những nét đẹp còn sót lại và dù họ đến từ đâu, tôi tin Sài Gòn cũng ôm họ vào lòng, như đã từng.
Có người nói tôi yêu Sài Gòn như thế tức là tôi “có vấn đề với chính trị”. Với tôi, đó thuần túy là vấn đề Thẩm Mỹ, sâu xa hơn là cái Đạo. Chính trị là trò chơi phe phái của người lớn – thứ trò chơi mà tôi rất ghét. Tôi chọn là đứa trẻ con trong cái thế giới nho nhỏ cùng vài món đồ chơi dễ thương. Thế giới nho nhỏ mà tôi chỉ còn nghe thấy những lời Ái Ngữ.
Một mùa Giáng Sinh nữa đang đến, xứ đạo Sài Gòn bắt đầu rộn rã trang hoàng. Tôi chuyển nhà về gần nhà thờ Tân Định, chiều chiều được nghe tiếng chuông vẳng đến, xuống đường thấy ngay những cửa hàng bán đồ trang trí Giáng Sinh. Trong căn phòng nhỏ của mình, tôi và vợ nghe những ca khúc thật xúc động của băng nhạc Sơn Ca 3.
Tôi mở nhiều đĩa nhạc Giáng sinh kinh điển của thế giới và thật tự hào vì Việt Nam đã từng tạo nên một băng nhạc Giáng Sinh tuyệt vời đến thế. Dẫu Sơn Ca 3 thấp thoáng toàn chia ly, tang tóc của thời ly loạn nhưng hơn hết đó là khát vọng hòa bình, tình yêu và mong cho mọi người Việt Nam đều thương nhau. Nếu nói về dòng nhạc phản chiến tại Việt Nam, có lẽ tôi thích Sơn Ca 3 hơn tuyển tập ca khúc Da Vàng của ông Trịnh.
Những người tình học trò thời ấy đã bỏ lại sau lưng bao mùa Giáng Sinh và bao nhiêu giọt lệ của người yêu? Những lời khấn nguyện về mùa Giáng Sinh chiến tranh ấy vẫn còn được vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm không chỉ Sài Gòn. Nếu chỉ được phép lựa chọn một đia nhạc phản chiến trong tủ đĩa của mình, tôi chỉ chọn Sơn Ca 3, không phải Bob Dylan, Joan Baez, John Lennon hay bất cứ vĩ nhân nào.
Ngày tháng trôi đi qua mau
Mùa sao sáng năm nào
Giờ cũng Noel một mình em thẫn thờ
Quỳ bên hang đá nguyện cầu
Một người chân mây gió
Được sống gần nhau
….
Từ khắp muôn phương lòng thành đang hướng về
Mừng Chúa ngôi hai giáng sinh trên trời cao
Nguyện cầu yên bình nhân thế
Giữ vững tin yêu trọn đời
Bài thánh ca ngọt đầu môi
Quê hương chinh chiến đã lâu rồi
Người ngoài biên cương vẫn miệt mài đi
Mấy mùa Giáng sinh niềm nhớ bâng khuâng tìm về
Hòa theo khúc nhạc mừng Chúa sinh ra đời
……
Lạy Chúa mùa Giáng Sinh xưa
ngày đầu vướng yêu đương
Người ấy hứa với con rằng
Tan mùa chiến chinh
Ngày đó anh về kết đôi
Nhưng từng đêm chiếc lá lìa ngàn
Đêm từng đêm giấc mơ kinh hoàng
Nhân loại còn ngủ say
bên những kiếp người quê hương đọa đày
Ôi đêm thánh vô cùng
lời thương rền khắp muôn trùng
Người mau về đi ! đừng gieo biệt ly!
từng hồi chuông nửa đêm sầu bi
Chiến cuộc mấy mươi năm
mệnh trời bắt gian truân
Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi
cho mùa Giáng Sinh này đến Thanh bình Chúa ơi!
Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi
cho người núi sông rũ áo tang bồng Chúa ơi!

DN Mỹ đang có nhiều cơ hội đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Nguồn : Vững Đại Phát

Bài đăng 26/12/2012
(DĐDN) Dù nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của VN và rất hấp dẫn đối với việc làm ăn của DN Việt. Ngược lại, DN, các nhà đầu tư Mỹ cũng đã và đang đẩy mạnh tìm kiếm những cơ hội kinh doanh tại thị trường mới nổi VN. Bên lề hội thảo “Ngày hội đầu tư” tại TP HCM, Tổng lãnh sự quán Đại sứ quán Hoa Kỳ tại TP HCM – ông Lê Thành Ân – trao đổi với DĐDN.
- Thưa ông, năm 2012, ngoài những mặt hàng xuất khẩu truyền thống từ VN, có những lĩnh vực nào cần sự hợp tác và có thể khơi dậy cơ hội kinh doanh cho DN hai nước VN – Hoa Kỳ?
Trong những năm gần đây, VN đã xuất khẩu hàng hoá trị giá nhiều tỉ USD trong lĩnh vực may mặc, nội thất và giày da sang Hoa Kỳ. Lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản cũng rất mạnh. Để trả lời câu hỏi này, theo tôi các DN VN nên làm việc, trao đổi trực tiếp với các nhà nhập khẩu, các Cty thương mại Hoa Kỳ về các nhu cầu hàng hoá cũng như khó khăn mà các DN VN sẽ gặp phải.
Về cơ hội hợp tác giữa DN hai nước, tại VN có rất nhiều lĩnh vực mà DN hai bên đều có thể tham gia như “hạ tầng mềm” là giáo dục, chăm sóc y tế, hay “hạ tầng cứng” là năng lượng, viễn thông, đường xá, sân bay… Các DN cũng có thể hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học đến năng lượng… Chúng tôi nhìn thấy đang có rất nhiều cơ hội đầu tư dài hạn cho các nhà đầu tư Mỹ tại VN.
- DN VN có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh như thế nào trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do nợ công tăng lên, tỉ lệ thất nghiệp vẫn chưa thực sự cải thiện và chính các DN Hoa Kỳ đang gặp khó khăn tại thị trường nội địa của mình ?
Hoa Kỳ giống như các quốc gia khác trên thế giới đang trải qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên kinh tế của Hoa Kỳ cũng tăng trưởng khoảng 3% trong quí vừa qua và thị trường cũng đang cải thiện. Trong khi chúng ta đang rất thận trọng khi đưa ra các nhận đinh về kinh tế, tôi cũng rất lạc quan về kinh tế Hoa Kỳ. Tôi cho rằng, vẫn có cơ hội rất lớn cho các DN ở cả ở VN và Hoa Kỳ.
- Vậy đâu là cơ sở khiến ông lạc quan về cơ hội lớn của các DN hai nước, thưa ông ?
Tại VN có rất nhiều lĩnh vực mà DN hai bên đều có thể tham gia như “hạ tầng mềm” là giáo dục, chăm sóc y tế, hay “hạ tầng cứng” là năng lượng, viễn thông, đường xá, sân bay…
Trong vòng 16 năm trong quan hệ ngoại giao của VN và Hoa Kỳ, VN đã đi một chặng đường rất dài. Chúng ta mới kỷ niệm 15 năm hiệp định thương mại song phương giữa hai nước. VN cũng đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới vào năm 2007. Chúng ta cũng đang trong giai đoạn đàm phán hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP). Tất cả các yếu tố này giúp chúng ta tin tưởng rằng VN sẽ tiệp cận nhiều hơn thị trường Hoa Kỳ và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và thị trường thế giới.
- Ông có thể cho biết thêm là năm 2012 và những năm tới đây, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa DN hai nước ?
Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các phái đoàn thương mại bao gồm các quan chức thương mại và kinh tế hàng đầu đến VN để thảo luận về các cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước. Thật ra trọng tâm của chúng tôi là giúp cho các DN Hoa Kỳ tiếp cận và làm ăn tại thị trường VN. Chúng tôi muốn các Cty Hoa Kỳ có một cơ hội công bằng tại VN, vì vậy chúng tôi muốn thấy một sự minh bạch và điều hành tốt.
Chúng tôi làm việc chặt chẽ và khuyến khích các DN làm việc chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) để tận dụng các nguồn lực của VCCI. Ngoài ra, chúng tôi cũng có các chương trình do cơ quan Viện trợ và phát triển của Hoa Kỳ (USAID) tài trợ hỗ trợ DN VN ví dụ là dự án STAR để hỗ trợ thúc đẩy thương mại và dự án báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm. Chúng tôi cũng có phòng nông nghiệp Hoa Kỳ và Phòng thương mại Hoa Kỳ giúp cho các DN Mỹ có các nghiên cứu thị trường và tìm kiếm các nhà phân phối và đối tác. Đối với các DN VN, tôi cho rằng họ nên tìm hiểu các nguồn hỗ trợ từ VCCI và các tổ chức thương mại của VN.
- Một trong những vấn đề mà các DN vô cùng quan tâm, đó là “sức khoẻ” của đồng USD. Ông có dự báo gì về xu hướng của đồng USD trong năm 2012 ?
Rất khó để dự báo về “sức khoẻ” của đồng USD trong năm nay. Như tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nói, rất khó để đưa ra các dự báo. Chúng tôi chỉ làm việc dựa trên các sự thật và không đưa ra các dự báo.
- Xin cảm ơn ông !
Lê Mỹ thực hiện
Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Sự Hoan Tàn Có Giá Tỷ Đô

Nguồn : Vững Đại Phát

Hẩm hiu siêu dự án: Sự hoang tàn có giá tỷ đô
D.Anh - Vef.vn – 7 Mar 2015
Từng được ví như siêu dự án BĐS tại Hà Nội nhưng tới nay những gì lung linh hoành tráng vẫn còn nằm trên giấy, thực trạng hiện nay không ít các dự án triệu đô này đang trong tình cảnh bỏ hoang, ngừng thi công trong thời gian dài.
Rầm rộ rồi bỏ hoang
Nằm ở khu vực phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng, dự án Habico Tower do Công ty cổ phần Hải Bình làm chủ đầu tư với vốn đầu tư khoảng 220 triệuUSD, là một “huyền thoại”về chung cư siêu đắt ở Hà Nội. Với mức giá 4.000 USD/m2, Habico Tower đãgâysốc chogiới bất động sản. Căn hộ rẻ nhất của tòa tháp có giá 21 tỷ đồng và căn hộ đắt nhất lên tới 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ lần ra mắt đó tới nay, thông tin về dự án cũng như chủ đầu tư dường như im bặt. 3 năm trôi qua so với thời điểm dự kiến hoàn thành, Habico Tower đã mất hút trên thị trường khi vừa hoàn thành xong tầng thứ 9.
Cùng cảnh ngộ, dự án tháp Thiên niên kỷ dự án do TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD với quy mô hoành tráng cũng như độ VIP của các dịch vụ được chấp thuận đầu tư từ năm 2006. Nhưng đến nay, “công trình thế kỷ” phê duyệt trên địa bàn phường Yết Kiêu, quận Hà Đông vẫn chỉ là một vùng đất trống được quây kín bằng tôn với rác rưởi và cỏ dại.
Trang web của TSQ Việt Nam còn đưa ra rất nhiều thông tin “hot” về dự án thế kỷ này, như: “Với ý tưởng thiết kế độc đáo từ những bó lụa Vạn Phúc, Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây sẽ là điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô Hà Nội, một biểu tượng mang đậm tính văn hóa địa phương nhưng có thêm những đường nét mới của cuộc sống hiện đại”.
Tòa tháp gồm 2 tòa nhà cao 45 tầng và 4 tầng hầm; khối đế có diện tích gần 16.000 m2 bố trí khu bán lẻ, nhà hàng, phòng tập, văn phòng cho thuê, nhà trẻ, khu trưng bày văn hóa lụa; khu căn hộ từ tầng 7 đến tầng 43 với hơn 700 căn hộ; tầng 44-45 là 10 căn hộ penthouse. Khu vực đỗ xe và xử lý kỹ thuật được bố trí tại tầng hầm.
Một dự án khác cũng khá long đong là tháp dầu khí 102 tầng tại Mễ Trì, Hà Nội. Tòa tháp chọc trời từng được tuyên bố soán ngôi tòa tháp cao nhất Việt Nam và thứ 2 châu Á này từ khi công bố tới nay đã phải thay đổi liên tục. Theo dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quý I/2012.
Công bố chưa được bao lâu, dự án đã phải cắt bỏ còn 79 tầng, sau đó phải thay đổi liên tục chủ đầu tư do nhiều yếu tố khách quan. Số vốn từ hơn 1 tỉ USD theo dự kiến ban đầu giảm xuống còn 600 triệu USD. Mới đây, dự án này cũng đã được chuyển cho một nhà đầu tư khác để tiếp tục dự án.
Cắt giảm quy mô
Phần lớn các dự án chậm tiến độ đều do thiếu nguồn vốn bên cạnh đó là sự khó khăn của thị trưởng BĐS. Đẻ tồn tại không còn cách nào khác, họ buộc phải đề xuất thay đổi hoặc cắt giảm một phần dự án.
Do chi phí giải phóng mặt bằng đội lên tới khoảng 10 lần, nên mới đây chủ đầu tư của siêu dự án Gamuda (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) đã xin rút khỏi khu B của dự án này. Chủ đầu tư cho hay, do những thay đổi về luật đền bù, chi phí GPMB tăng đột biến từ 20 triệu lên đến khoảng 150 triệu USD chỉ riêng cho Khu B tại thời điểm hiện tại. Do đó, nhà đầu tư không thể tiếp tục ứng trước chi phí này trong khi chính quyền địa phương không thể tiến hành việc GPMB.
Trước đó, chủ đầu tư của siêu dự án này cũng đã đề xuất xin điều chỉnh quy hoạch công viên Yên Sở, bổ sung thêm chức năng nhà ở thương mại.
Siêu dự án ParkCity Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới hàng tỷ USD vừa được Tập đoàn Perdana ParkCity (Malaysia) công bố đề xuất điều chỉnh quy hoạch mới. Nếu quy hoạch mới được duyệt, chỉ tính riêng các hạng mục hạ tầng dịch vụ, tiện ích cho khu đô thị ParkCity cũng sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD của chủ đầu tư. Được biết, trước đó dự án này đã được đổi chủ do phía nhà đầu tư trong nước thoái vốn.
Siêu dự án Deawoo Cleve phải xin điều chỉnh giảm độ cao tại hàng loạt lô đất trong dự án. Như vậy, dự án căn hộ lớn nhất tại phía Tây Hà Nội chỉ còn lại phần lớn là thấp tầng. Hai công trình cao tầng đầu tiên chỉ được xây đến tầng 6 thì doanh nghiệp dừng toàn bộ hoạt động thi công.
Dự án khởi công từ tháng 12/2009. Theo dự kiến ban đầu của Công ty TNHH Hibrand Việt Nam, tòa CT2A và CT2B dự kiến hoàn thành và bàn giao căn hộ cuối tháng 3/2014. Tổng thể dự án (15 tòa dự án) sẽ hoàn thiện vào năm 2018.
Siêu dự án Tây Hồ Tây cũng đang chậm tiến độ vì thiếu vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Dự án Tây Hồ Tây có quy mô trên 207 ha, được khởi công giai đoạn I vào tháng 1/2014. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai dự án gặp khó khăn do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Nhìn lại các dự án gắn mác “siêu dự án” cho thấy, thị trường BĐS gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các chủ đầu tư không còn mạnh bạo trong việc phát triển dự án. Giải pháp hiện nay được đưa ra đối với các dự án đang được triển khai không còn cách nào khác là điều chỉnh quy hoạch, còn các dự án chưa triển khai đang được cơ quan chức năng xem xét thu hồi hoặc chuyển cho nhà đầu tư khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, thị trường trong thời gian tới vẫn chưa mấy sáng sủa nên các siêu án này sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức.

Dân Trung Quốc Không Dám Ăn Thực Phẩm Trung Quốc

Nguồn : Vững Đại Phát

Giáo Tàu đâm Chệt
Nguyễn đạt Thịnh – Theo VienDongDaily.Com - 04 Mar 2015
Khách nội địa trả giá cao, mua vơ, mua vét, thứ hàng ngoại nào cũng quý, nhất là thực phẩm; người Hoa tìm mua thực phẩm ngoại quốc, từ trái cây, bao gạo, cho đến ký thịt, mớ tôm, sau những vụ ngộ độc vì thực phẩm nội địa bị gian thương dùng hóa chất tạo đẹp mã, và lâu hư thúi.
Câu ngạn ngữ “giáo Tàu đâm Chệt” mang cái nghĩa tương tự như câu “gậy ông đập lưng ông”. Vì câu chuyện xẩy ra trong xã hội Trung Hoa, nên chúng tôi lựa câu “giáo Tàu đâm Chệt” làm tựa cho bài báo này. Cây giáo nhọn hoắt và bén ngót của thương gia người Tàu là mọi mánh khóe, mọi thủ đoạn gian trá làm gia tăng số tiền lời trên mỗi món hàng. Không người Việt lớn tuổi nào không có một kỷ niệm nho nhỏ về những món hàng giả mạo của Tàu -như rượu giả, dầu gió giả, và thời thượng hơn nữa, Viagra giả.
Câu chuyện “giáo Tàu đâm Chệt” xẩy ra tại quận Dương Long (Yuen Long) của Hồng Kông hôm mùng 1 tháng Ba 2015; cảnh sát bắt 33 người Tầu Hồng Kông biểu tình chống người Tầu nội địa -những cư dân trên lãnh thổ Trung Cộng- dùng pass-port Trung Cộng, mỗi ngày vượt biên giới qua Hồng Kông mua mọi thứ hàng, nhất là thực phẩm nhi đồng và âu dược đem trở về bên kia biên giới bán kiếm lời.
Trong số những người bị bắt có một chú Tửng mới 13 tuổi. Khách nội địa trả giá cao, mua vơ, mua vét, thứ hàng ngoại nào cũng quý, nhất là thực phẩm; người Hoa tìm mua thực phẩm ngoại quốc, từ trái cây, bao gạo, cho đến ký thịt, mớ tôm, sau những vụ ngộ độc vì thực phẩm nội địa bị gian thương dùng hóa chất tạo đẹp mã, và lâu hư thúi.
Cư dân Dương Long than phiền là việc người Tầu nội địa mua phá giá, mua ồ ạt khiến mọi thứ đều trở thành mắc mỏ mà lợi tức cố định của người địa phương không giúp họ theo kịp. Ông Kelvin Lee -một người biểu tình- nói với phóng viên truyền thông, “họ không mua như người tiêu thụ, mà mua số lượng lớn, nhận trả giá cao; họ là nhóm chạy hàng biên giới, nhóm mua đi bán lại.” Câu chuyện nội địa Trung Hoa thiếu thực phẩm phải được coi là chuyện lạ; đành là hàng trăm ngàn tấn tôm cá cướp giật trên biển Đông Việt Nam, và số hải sản lương thiện hơn đánh bắt trên biển Hoa Đông, cộng với số lượng nông phẩm thâu hoạch trên 116,580 cây số vuông ruộng mầu mỡ cũng vẫn không đủ nuôi 1.3 tỉ miệng ăn, nhưng kế hoạch nhập cảng thực phẩm trên quy mô lớn vẫn tiến hành đều đặn, tại sao lại có việc mua lẻ thực phẩm Hồng Kông đem bán cho người Hoa nội địa?Câu mình tự hỏi mình đưa tôi vào một cuộc tra cứu ngắn, và tìm ra nhiều hệ thống siêu thị online của hàng trăm hãng bán sỉ thực phẩm thuộc trên 30 quốc gia đang phát đạt trong thương vụ giúp người Trung Hoa khá giả có thể mua thực phẩm ngoại quốc giao đến tận nhà, không qua tay trung gian người Hoa để sợ bị pha chế, tráo đổi. Riêng Hoa Kỳ cũng đã có đến 42 hãng thực phẩm hoạt động trên thương trường nội địa Trung Quốc. Tháng Chạp âm lịch vừa rồi, số khách mua thực phẩm ngoại quốc online gia tăng đến 300%; người Hoa mua hoa quả, thịt cá, và nhất là tôm hùm tươi từ ngoại quốc về ăn tết. Hãng hải sản Sea Hag Lobster Processing tại thị trấn Tenants Harbor, Maine, cho biết họ không đủ tôm hùm để thỏa mãn đòi hỏi của Trung Hoa; bà Stephanie Nadeau, chủ nhân The Lobster Co., một công ty bán sỉ tôm hùm tại Arundel, Maine nói hãng phải mướn thêm thợ để có thể làm việc 2 ca, hoạt động mỗi ngày 14 tiếng đồng hồ, hầu cung cấp tôm hùm cho khách Trung Hoa.
Bà Nadeau nói, “người Hoa tiêu thụ một số lớn tôm hùm của Mỹ và Canada; có vẻ món tôm hùm là món ăn tết của họ.” Có thể bà cũng biết bờ biển Thái Bình Dương không thiếu tôm hùm, nhưng bà không biết nguyên nhân nào người Hoa lại không thích ăn tôm hùm trên vùng biển đó. Họ gửi mua tôm hùm Mỹ. Sáng 18 tháng Hai 2015 -sáng 30 tết âm lịch- nhà hàng Bắc Kinh Auspicious Garden được giao 800 con tôm hùm còn lội, chuyển vận bằng máy bay, tối hôm đó trên 100 bàn ăn của nhà hàng được đặt 3 đợt khách; 800 con tôm đặt hàng từ Maine không đủ cho 3 ngày tết. Một nhà hàng hải sản khác, bán theo lối ăn bao bụng (all-you-can-eat) quảng cáo thực đơn tôm hùm nhập cảng với giá $80 một khẩu phần; thương gia Xu Daqiang, 35 tuổi, mời cô bạn gái đi ăn. Ông Xu nói ,”thà mắc một chút, nhưng ăn tôm hùm nhập cảng ‘bảo đảm’ hơn.” Ông đến đúng giờ hẹn, nhưng vẫn phải chờ 20 phút. Những người Tầu làm giầu nhờ mánh mung gian thương, có thể giờ này đã hiểu những thủ đoạn gian dối của họ đang giết sản phẩm Trung Hoa; nhưng một người nhìn thấy cơ hội kiếm bạc tỉ bằng cách bảo đảm với thân chủ người Hoa là họ sẽ ăn đúng những thực phẩm hải ngoại họ gửi ông mua: người đó là ông Jack Ma, chủ tịch công ty Alibaba.
Alibaba Group Holding Limited là một công ty Trung Hoa chuyên móc nối từ thân chủ này đến thân chủ khác, từ doanh nghiệp đến thân chủ, và từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác qua mạng lưới truyền tin. Năm 2012 Alibaba đã đảm trách $170 tỉ thương vụ mua bán online; đến ngày 19 tháng Chín 2014, công ty được trị giá $231 tỉ. Jack Ma nhìn thấy hiện tượng người Hoa không tín nhiệm thực phẩm do Tàu sản xuất là cơ hội thuận lợi để Alibaba khai thác việc giúp thân chủ mua thực phẩm trực tiếp từ nước ngoài về tiêu thụ trong gia đình. Ông giới thiệu cây trái, rau cỏ của Mễ, cá của Scott, hải sản và thịt bò, heo, gà, vịt của Mỹ, blueberries của Chili, trừu của Tân Tây Lan, tôm hùm, king crabs của Canada, … Khách hàng của ông là những phụ nữ trẻ -28 đến 35 tuổi- có học, và có gia đình. Trong khoảng thời gian 3 năm -từ 2010 đến 2013- số thực phẩm ngoại quốc bán trực tiếp cho khách hàng tăng gấp đôi. Người Hoa gọi việc họ mua và ăn thực phẩm ngoại quốc là một món “xài sang không đến nỗi rách túi”; thật ra họ chịu tốn kém chỉ để mua an toàn thực phẩm. Biểu đồ bên dưới cho thấy từ tháng Chạp 2013 đến tháng Chạp 2014 hãng Alibaba có thêm 101 triệu khách hàng.
Có thể giờ này chính phủ Trung Cộng vẫn chưa nhận ra hiện tượng một thương gia gian dối tự tay giết chết thương vụ của ông ta, và truyền thống gian dối của thương gia Hoa Kiều đang làm toàn bộ thị trường thực phẩm Trung Hoa suy sụp; nếu biết chính phủ đã nỗ lực cải thiện. Nhưng họ phải biết việc 2 hãng xe Hyundai và Kia, mỗi hãng bị phạt $100 triệu chỉ vì quảng cáo là xe của họ tiêu thụ săng ít hơn mức tiêu thụ thật sự; họ bị phạt về tội lừa gạt thân chủ.
Nếu những gian thương dùng hóa chất bất hợp pháp và có hại cho sức khỏe của người tiêu thụ để làm đẹp và giữ cho thực phẩm lâu hư mà cũng bị phạt nặng như 2 hãng xe hơi Hyundai và Kia thì chắc chắn chỉ một vài năm người Hoa nhờ tin tưởng vào phẩm chất của thực phẩm made in China cũng mạnh miệng ăn con cá, con tôm cướp được từ biển Đông của Việt Nam như họ đang ăn tôm hùm nuôi trên bờ biển Maine vậy. Muốn được như vậy, ông Tập Cận Bình cần tập tính tò mò của anh ký giả công nhân, tác giả bài báo này, tập tự mình đặt câu hỏi cho mình, “tại sao người Tầu Hồng Kông lại chống việc người Tầu nội địa vượt biên giới qua Hồng Kông chỉ để mua thực phẩm và âu dược.” Biết đúng thực chất của khó khăn là đã giải quyết được một nửa khó khăn rồi.
Nguyễn đạt Thịnh

Tâm Sự Tuổi Già

Nguồn : Vững Đại Phát

Tác giả: Chu Dung Cơ – Thanh Dũng dịch
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lãi một ngày…
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đùng làm tôi tớ cho nó.
“Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh” hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao phẩm chất cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.
Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu “cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử”. Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy.
Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình “Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư”, biết đủ thì lúc nào cũng vui “tri túc thường lạc”.
Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.
Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng giải quyết một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu… mọi thứ đều nên “VỪA PHẢI”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống….) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh….) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh….ĐỀU LÀ MUỘN.
Phẩm chất sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách suy tưởng :
Suy tưởng hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng suy tưởng hướng lợi để xây dựng cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị.
Suy tưởng hướng hại là suy tưởng tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.
“Chơi” là một trong những nhu cầu căn bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
“Hoàn toàn khoẻ mạnh” đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu…
Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên có nhiều bạn gìà trong nhiều thành phần,nhiều mẫu người với nhiều màu sắc khác nhau trong xã hội. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.
Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ “hay nhớ lại chuyện xưa?” Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thanh là một niềm vui lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
“SINH – LÃO – BỆNH – TỬ” là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.
Chu Dung Cơ

Loạt Bài về Saigon Trước 1975 (Bài 4)

Nguồn : Vững Đại Phát

Bài 4: Cà phê Sài Gòn của tôi
Đoàn Khắc Xuyên -25/1/2015 – Báo Người Đô Thị
Cà phê Sài Gòn xưa có nhiều loại, nhiều gu, nhiều hạng, từ thượng lưu cho đến bình dân như cà phê vợt quán cóc đầu hẻm. Nhưng nói đến cà phê Sài Gòn xưa không thể không nói đến những quán cà phê nhạc mà khách hàng chủ yếu là giới trẻ, sinh viên học sinh – nơi dệt nên những tình bạn và những mối tình đơm hoa kết trái hoặc không…
Cà phê Sài Gòn, với tôi, là cà phê – một thời tuổi trẻ, một thời sinh viên giảng đường đại học, một thời bè bạn, một thời tình ý gái trai…
Cà phê Sài Gòn với tôi không tách rời, không thể tách rời những thứ ấy. Không có những thứ ấy thì không có cà phê Sài Gòn như lắng đọng trong tôi hôm nay. Cũng như không có cà phê Sài Gòn của tôi tách rời với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” và mặc cho tiếng đại bác, cà phê Sài Gòn của tôi không tách rời tuổi “lang thang thành phố tóc mây cài”, “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” với thơ Nguyên Sa, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Phạm Thiên Thư… và nhạc, ngoài Trịnh Công Sơn, Phạm Duy còn có Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Lê Uyên Phương… rồi sách của Phạm Công Thiện, Khrisnamurti, Camus và Sartre vốn đang làm mưa làm gió trong triết học.
Sài Gòn nửa chiến tranh, với chết chóc ngoài kia và những cuộc biểu tình trong này, vẫn sống cuộc sống đô thị của nó. Tất cả đó tạo thành một bầu khí quyển quyện chặt lấy và làm nên cà phê Sài Gòn của tôi một thời.
Từ trung học, ở nội trú, mỗi sáng tôi đã uống ly cà phê sữa trong bữa ăn sáng. Nhưng với tôi đó không phải là cà phê đúng nghĩa. Cũng như ly cà phê trước giờ vào giảng đường, ở căntin đại học Văn khoa Sài Gòn vốn nằm trong ngôi nhà trước là trại lính ấy, đó cũng chẳng phải là cà phê đúng nghĩa. Cà phê đầu hẻm, cà phê vỉa hè cũng từng, cũng có vị cà phê. Nhưng cà phê chỉ thực sự là cà phê khi la cà với bạn bè, trai và gái. Cũng có khi uống một mình, nhưng vẫn như có bạn bè bên cạnh bởi câu chuyện với bạn bè ngày hôm trước vẫn còn dư âm trong tâm trí.
Cà phê ở những quán trên là cà phê phin, nhỏ từng giọt từng giọt để đám bạn bè vừa nghe nhạc vừa nói đủ thứ chuyện, từ chuyện học hành, chuyện làm thêm, dạy kèm kiếm tiền học, chuyện tương lai, chuyện đứa này đứa kia bị đi lính, chuyện hiện tình đất nước, bầu cử độc diễn…
Thuở ấy, những năm 1969 – 1972, là sinh viên xa nhà, mới lên Sài Gòn vừa học Văn khoa vừa phải đi dạy kiếm tiền sống và mua cours, tôi không dám mơ vào những chốn thượng lưu như Brodard, La Pagode hay Givral dù thỉnh thoảng vẫn đi qua đấy. Hầm Gió trên đường Võ Tánh, nay là Nguyễn Trãi, thì hình như có vào một lần với ông anh họ. Tôi thường la cà, với bạn trai thì ở Năm Dưỡng, một quán cà phê vợt bình dân trong con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, hoặc Cheo Reo, trên một con hẻm khác cùng con đường ấy.
Cà phê ở hai quán đó, dù không thuộc hàng cao cấp, cũng thơm phức, ngon như ở bất cứ quán cà phê xịn nào và khách bao giờ cũng đông nghịt gần như suốt ngày. Thỉnh thoảng, từ trường Văn khoa trên đường Cường Để, nay là Đinh Tiên Hoàng, thả dọc xuống cà phê Hân, một quán nhỏ, ấm cúng, sạch sẽ và lịch sự, với cô chủ quán trẻ, đẹp quý phái thỉnh thoảng xuất hiện sau ngọn đèn vàng nơi quầy.
Cà phê ngon khỏi nói. Có khi ngồi đó cả buổi, đọc sách, đọc cours, có khi đọc qua tờ tạp chí Paris Match mà quán để trên kệ, rồi ngắm những anh chàng trẻ măng đeo kính cận đang chúi mũi vào “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện hoặc một tác phẩm đang ăn khách nào đấy. Cũng có khi đang đi trên đường, ngang qua tiệm rang xay cà phê Jean Martin, xéo xéo nhà thờ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng, nghe thơm phức mùi cà phê rang xay kiểu Pháp, tôi lại ghé quán Nắng Mới cặp ngay hông đại học Vạn Hạnh ở chân cầu Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sỹ, với những chữ Moka, Arabica và những hạt cà phê nâu vẽ trên tường. Cả buổi có thể trôi qua ở đó, trước ly cà phê nhỏ từng giọt, đầu óc nghĩ ngợi mông lung.
Nhưng ngồi mấy quán ấy thường là ban ngày. Khi chiều buông, đêm xuống, đám bạn sinh viên thế nào cũng phải rủ nhau vào những quán cà phê nhạc. Khi thì Đỉnh Thiêng, khi thì Da Vàng trong hẻm trên đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), khi thì Chiêu trong con hẻm đường Cao Thắng, khi thì Thăng Long trên đường Hoà Hưng, gần khám Chí Hoà.
Ở Đỉnh Thiêng, Da Vàng, Chiêu vẫn là những dòng nhạc đã kể ở trên. Ở Thăng Long chủ yếu là tiếng hát Thái Thanh, ban nhạc Thăng Long và nhạc Phạm Đình Chương, Phạm Duy. Cũng có khi cả đám bạn bè sinh viên văn khoa, luật khoa, sư phạm, đại học xá Minh Mạng, đứa quê miền Tây, đứa quê miền Trung kéo nhau tuốt vào quận 10, đến quán Da La.
Cà phê ở những quán trên là cà phê phin, nhỏ từng giọt từng giọt để đám bạn bè vừa nghe nhạc vừa nói đủ thứ chuyện, từ chuyện học hành, chuyện làm thêm, dạy kèm kiếm tiền học, chuyện tương lai, chuyện đứa này đứa kia bị đi lính, chuyện hiện tình đất nước, bầu cử độc diễn… Và những tia mắt, những câu buông tình ý giữa chàng này nàng kia. Nói đến cà phê Sài Gòn, đọng lại trong tôi trên tất cả vẫn là những buổi tối cà phê như thế.
Ký ức cà phê Sài Gòn của tôi là vậy. Giờ thì cà phê Sài Gòn vô thiên lủng, không chỉ tập trung ở mấy quận trung tâm, với đủ thể loại cho đủ loại gu, với những cà phê vườn sang trọng hoành tráng hơn nhiều lần, cà phê hi-end hiện đại đủ kiểu cách. Nhưng dù thế nào, cà phê vẫn luôn luôn và trước hết gắn liền với giới trẻ, là nơi chốn của bạn bè, của những tình yêu chớm nở và do đó, không thể tách rời cái văn nghệ, cái lãng mạn mà không khí Sài Gòn đã mang lại cho nó không biết tự thuở nào.
Đoàn Khắc Xuyên