Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

CẦU AN

Ông Giáo Làng – Blog - 3 Oct 2015

Nói theo ngôn ngữ tâm linh thời thượng, vừa rồi, tôi có “hạn”. Chuyện là thế này:
Sau chuyến đi Hà Giang cuối tháng 9, tôi bị đau mắt. Chỉ qua một buổi tối, hai mắt sưng húp, nhức nhối, nhìn rất khó khăn. Hôm sau đi khám, bên cạnh việc kết luận bị đau mắt đỏ, cho đơn mua thuốc, bác sĩ còn cảnh báo:
- Hai mắt bác thủy tinh thể đều đục, nên xử lý sớm.
Tháng sau, gặp một nguời bạn Trưởng khoa mắt của một bệnh viện, anh khẳng định họ khuyên thế là đúng, nên thay thủy tinh thể nhân tạo sớm vì kỹ thuật đơn giản, tránh để lâu ngày, sau đó xử lý sẽ phức tạp.
Thế là tôi quyết định đi mổ mắt.
Sau vài lần tới bệnh viện làm các loại xét nghiệm, chiếu chụp, siêu âm, … bác sĩ bảo sang ngồi chờ ở phòng mổ. Phấn khởi vì bao “cửa ải” đã qua, vừa đi được mấy bước thì… ngã. Và cái tay bị gãy. Thế là việc mổ mắt phải tạm hoãn nhường chỗ cho việc bó bột cánh tay.
Nhiều nguời, khi gặp những sự không may thường tìm nguyên nhân từ những lực lượng siêu nhiên qua mấy ông thầy tướng. Con ốm, thầy phán do bà cô Tổ phạt vì cha mẹ trễ nải việc hương khói. Gặp tai nạn giao thông, thầy phán do gặp phải ngày xấu, lại ra khỏi nhà vào giờ xấu, … nghĩa là những nguyên nhân không thể ai biết được, trừ thầy.
Xem ra trong lịch sử nước Nam ta, khó có ai giỏi hơn được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cả về nho, y, lý, số. Trong đời, cư sĩ am Bạch Vân chắc đã “phán” cả trăm nghìn câu, nhưng cho tới nay, hình như nguời ta chỉ thấy đúng đâu có chưa được dăm câu. Thế mà các thầy tướng số tân thời, phán câu nào được nguời ta tin sái cổ câu ấy (kể cả các vị mang học hàm học vị giáo sư tiến sĩ) thì quả là các bậc cao minh hiếm gặp.
Những chuyện “tâm linh”, “ngoại cảm” gần đây, đem xương trâu xương lợn biến thành hài cốt liệt sĩ, chuyện “hô phong hoán vũ” được “chém gió” ầm ầm càng tỏ cái thiếu sáng suốt của niềm tin mà căn cứ rất mù mờ của không ít nguời.
Tôi vốn “văn dốt vũ dát”, không đủ trình độ hiểu được cái “huyền bí” của Tạo Hóa nên khi gặp phải sự gì không may, thường trước hết tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Ngay khi ngồi chờ kết quả chụp phim chuyện gãy tay, tôi đã “tự kiểm điểm” một cách nghiêm khắc bản thân: tôi bị ngã gãy tay vì hôm ấy chân trái đau, lại bước đi hơi vội. Hơn nữa, đôi giày đi hôm ấy chỉ phù hợp với đất vườn (đế giày có đinh cứng, có thể cắm sâu vào đất tránh bị trượt ngã), lại đi trên sàn gạch men láng bóng nên việc bị trượt là điều dễ hiểu. Và (không biết có phải tinh thần AQ hay không), trong cái rủi lại thấy có cái may: ngã ngay trong bệnh viện nên việc cứu chữa rất “tiện lợi”, ngã trong bệnh viện chứ không phải trên đường đi chơi bằng xe máy nên không thể bị trách cứ rồi dẫn tới bị “cấm vận”; và sau đó, suốt hàng tháng mang cái tay bó bột lại thấy thêm may vì có cơ hội để phần nào thấm thía với câu tục ngữ (dù đã thuộc từ lâu) “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.
Vì “thực sự cầu thị”, không trông chờ vào những lực lượng siêu nhiên, những việc tôi tính, tôi làm thường “thông đồng bén giọt”.
Không có điều kiện tìm hiểu nhưng qua những điều được chứng kiến cùng kinh nghiệm bản thân, tôi tin vào những hiểu biết mang tính chất “duy vật thô sơ” của mình. Cuộc sống của mỗi nguời do chính bản thân con nguời đó quyết định có được sự hỗ trợ thêm của gia đình, quê hương và nơi, hoàn cảnh sinh sống,… Chẳng nên tin vào một lực lượng thần bí nào.
Tôi biết trong cuộc sống, vẫn có nhiều điều bí ẩn, chưa thể giải thích được đó là do khoa học chưa phát triển chứ không còn tin có những lực lượng thần bí chi phối cuộc sống con người. Chẳng lẽ nguời phương Tây họ ở một thế giới khác ta? Vì sao không cầu cúng, lễ bái như ta, họ vẫn có cuộc sống văn minh, có nhiều thành tựu, … hơn ta. Cho nên, tín ngưỡng là một nét đẹp văn hóa thì nên gìn giữ, đây chính là “bản sắc dân tộc” khiến con người trên Trái đất này có sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Thế thôi!
Ngay triết lý “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” tôi cũng chỉ nghĩ đó là mơ ước nghìn đời của con người. Mơ ước đó khiến cuộc sống của chúng ta nhân ái, thiện lương hơn nên cần khuyến khích. Thực tế cuộc sống, vô khối nguời hiền lành, nhân đức đã chịu những “tai bay vạ gió”, còn những kẻ gian ác, xảo quyệt, thậm chí phạm vào vô khối điều cấm kỵ vẫn sống, thậm chí còn giàu sang phú quý, công danh đàng hoàng.
Với các bậc tiền nhân, tôi cúng giỗ chu đáo là do lòng thành của con cháu với cha ông, một cách tỏ tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” chứ không phải sợ các vị “tác phúc giáng họa”. Tôi tử tế với mọi người, không ganh ghét, giành giật, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai trong phạm vi khả năng của mình chỉ vì từ nhỏ, Ông Bà, Cha Mẹ đã dạy, và một khi nhân hòa với đồng loại, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản hơn chứ không phải để hy vọng gặp may mắn hơn. Tôi không làm điều ác không phải vì sợ “ác giả ác báo” mà vì được dạy nhân hậu, khoan hòa từ bé, không thể làm những điều trái với lương tâm. Thỉnh thoảng, có tham gia những hoạt động từ thiện cũng chỉ vì lòng “thương nguời như thể thương thân” chứ hoàn toàn không nghĩ tới làm thế là để “tích phúc” cho con cháu vì tôi vốn nghĩ chuyện “tích phúc”, chẳng qua đó là cách để nguời xưa khuyến khích những hành vi này mà thôi.
Cứ xem hàng năm, nguời ta đi lễ cầu an, chen vai thích cánh nơi chùa chiền, hàng nghìn nguời ngồi lấn ra cả hè, cả đường mà thấy vừa buồn cho ý thức chấp hành luật pháp, vừa buồn vì cái sự thảm hại khi toàn các trai thanh gái lịch, nguời khỏe mạnh sức dài vai rộng, các ông các bà bằng cấp học vị đầy thân, .. không tự mình quyết định cuộc đời mình lại đi trông ngóng, cầu xin ở những đẩu những đâu!
Hãy cầu an bằng cách sinh hoạt điều độ theo đúng cách mà khoa học đã khuyên bảo; cầu an bằng cách đừng rượu bia, cà phê thuốc lá quá mức cho phép; cầu an bằng cách giữ đúng luật giao thông mỗi khi ra đường; cầu an bằng cách cẩn trọng mỗi khi nói năng, hành động; cầu an bằng cách đừng ham hố danh lợi, vừa lòng với cuộc sống đạm bạc về vật chất nhưng phong phú về tinh thần; cầu an bằng cách luôn luôn để trong lòng thanh thản, không phải ăn năn về những lầm lỗi, cũng không phải bị kích động vì những ước muốn viển vông, …
Còn một khi đã cẩn thận giữ gìn nhưng có gặp “tai bay vạ gió” thì âu cũng coi đó là một trong những sự ngẫu nhiên (có may và có rủi) mà ta có muốn tránh cũng không tránh được.
Nguời xưa đã dạy: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Đôi chút tâm sự để mọi người nhất là các bạn trẻ tham khảo.
P/S: Bài này tôi viết từ lâu, nhưng khi có dự định Xuyên Việt lần thứ 2 chưa dám “công bố”, sợ “nói trước bước không qua”.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Đường Tăng

Đêm cuối cuộc trường chinh đầy gian khổ, ngày mai yết kiến Như Lai để lên kiếp Phật, Đường Tăng trằn trọc không sao ngủ được. Suốt cuộc đời tâm nguyện tới cõi này, giờ đây khi sắp trút bỏ kiếp người, ông bỗng thấy lòng day dứt. 
Nhiều ngày nay, thân thể Đường Tăng đã rã rời, đầu óc đầy mộng mị, tay biếng lần tràng hạt. Tâm linh như muốn níu chân dừng lại. Máu ông nhức nhối thấm lần cuối qua tim, cứa vào quá khứ đau xé. Ông nhớ tới những người sinh thành ra mình. Tình cha, huyết mẹ tạo nên mà bao nhiêu năm nay ông không một lần thắp hương, không một lần nhắc nhở. 
Chặng đường dài tới đất Phật khiến trái tim ông dần chai sạn. Ông đã quá nhiều lần phải lạy lục, cầu khẩn các thần linh thánh lớn bé, đã quá nhiều lần giẫm đạp lên xác máu yêu ma xa gần, chỉ với một mục đích: mau thành chính quả. Ông thương người. Nhưng đêm nay, trước ranh giới cuối cùng của cõi Người và Phật, ông chợt hiểu ra cội rễ của tình thương ấy. Mỗi lần cứu giúp con người, ông chỉ thầm tính toán như xây thêm cho mình một bậc thang tới Phật đài. 
Nhiều lần Đường Tăng đã tự hỏi tại sao nước mắt mình ngày càng lạnh giá. Giờ đây ông thầm biết, trên con đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời, ông đã dần dần xa lạ với con người. 
Ông trở mình, thở dài: không là người, ta sẽ là ai? Yêu quái cản đường, biết bao kẻ chính từ trên đây xuống, pháp thuật vô biên, ác nghiệt vô cùng. Ta nhập vào chốn ấy biết rồi thành Phật hay ma? 
Đường Tăng chợt nhói trong tim. Ông khẽ rên lên, hai tay ôm ngực. Mở mắt thấy các đồ đệ đang đứng bên giường nhìn ông âu lo. Cả ba hình như đều không ngủ. 
Đường Tăng thở hắt: “Không sao đâu. Ta chỉ chợt nhớ tới ngày xưa”. Nói rồi lại nhắm mắt. 
Nghe tiếng Ngộ Không: “Xin thầy đừng tự dối lòng. Thầy đang nhớ cả kiếp người 
Đường Tăng rùng mình khi giọng Ngộ Không quá u uất –"Con từ đá sinh ra. Coi thường cả thần thánh, yêu ma, chỉ mong được thành người. Thầy đã là người lại tự bỏ mình đi tìm hồn phách khác. Đêm nay sao khỏi xót xa”. 
Bát Giới cười khẽ: “Làm người có gì vui. Chúng ta đã dốc lòng theo đạo, ngày mai được lên chốn thần tiên, sung sướng biết bao nhiêu. Thầy đừng luyến tiếc”. 
Sa Tăng an ủi: “Thầy trò mình sắp hóa Phật mang đạo xuống khai sáng cho loài người. Công quả vĩ đại lắm”. 
Đường Tăng lắc đầu, nằm im hồi lâu, hai tay vẫn đặt lên tim, mắt vẫn nhắm, nước mắt trào ra ấm nóng lại. Rồi như trăng trối: “Ta ước gì đêm nay đừng sáng. Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con mong được thành người thì bị bắt ép phải theo ta để thành Phật. Bát Giới tự dối mình giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy vọng khai sáng. Còn ta? Không còn là người không phải là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người”. 
Ngộ Không sụp xuống nắm tay thầy nghẹn ngào: “Thầy đã nhận ra chân lý. Nhưng chậm quá rồi”. 
Đường về. Qua sông. Thiên sứ vừa cười vừa chỉ cho Đường Tăng thấy thân xác ông đang trôi dạt dưới cầu. 
Nhưng Đường Tăng đã không nghe thấy gì nữa. Đôi mắt vô hồn.
Trương Quốc Dũng
Giải nhất cuộc thi Truyện cực ngắn của Hội Nhà văn 1994. Truyện đã gây xôn xao dư luận trong giới Phật tử thời đó.

(ảnh:internet)

Vết ngứa trong tim

Ghi chú: Bài viết ra đời trong hoàn cảnh đột ngột có vài nghệ sĩ miền Bắc lên tiếng tấn công nhạc sến, với lý luận rằng đó là một dòng nhạc đã cũ, cũng như ám chỉ ai thiếu văn hóa mới nghe loại nhạc này. Trong bối cảnh những nghệ sĩ miền bắc đó, vốn xuất thân từ vị trí có thế lực, nên tôi buộc lòng phải lên tiếng để bảo vệ dòng nhạc này.
Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt (1215-1294) có tất cả, trong lịch sử xâm lược của mình. Nhưng vẫn có một điều làm ông mang nỗi hận cho đến lúc chết. Đó là nước Đại Việt. Ba lần mang đại quân từng đè bẹp mọi quốc gia lân cận đến đất Nam, nhưng cả ba lần Hốt Tất Liệt chỉ nhận được tin dữ mang về.
Cay đắng vì không khuất phục được, cay đắng vì không hiểu sao mình không thể can dự vào giấc mơ ép dân Nam làm nô lệ cho mình, Hốt Tất Liệt luôn nhắc đến Đại Việt trong sự căm ghét, tận đến lúc trút hơi tàn. Trên giường bệnh, lịch sử ghi rằng Hốt Tất Liệt từng thở hắt và nói rằng “nước Nam như vết ngứa trong trái tim ta”.
Thật giản dị để hiểu được cảm giác này của Hốt Tất Liệt, khi nhìn thấy một dân tộc chân đất, giản dị và chừng như rất ủy mị, yếu ớt, nhưng khi chạm vào, thì hóa ra đó là điều bất khả.
Người Việt, văn hóa Việt và những giá địa mang tính bản sắc địa phương luôn tiềm ản những giá trị độc đáo như vậy: nhỏ nhoi mà lớn lao, khuất nhưng không bao giờ tắt.
Nhạc sến – với nhiều tranh cãi từ cái tên gọi, cho đến việc làm đẹp cho nói bằng một cái tên đầy chất hiện đại là bolero – Vẫn là một điệu đặc biệt khó tả trong âm nhạc, lẫn văn hóa miền Nam, kéo dài đến miền cây số của miền Trung. Và dù có nhận định như thế nào, yêu thương hay ghét bỏ, nhạc sến vẫn đã gắn liền với người miền Nam, trở thành một hình thái bản sắc riêng sống động, gắn liền với mọi thế hệ, và có thể dự đoán là ít nhất trong một thế kỷ nữa.

Về mặt học thuật, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gắn liền mạch sống của nhạc sến với vọng cổ, hò, lý… miền Nam, cũng như ngôn ngữ chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu văn chương nghệ thuật, có tính ủy mị, thê lương hay chân thành, triết học từ thời đại của Tiểu thuyết thứ Bảy, từ đầu thập niên 30, thế kỷ 20.
Về mặt đời sống, nhạc sến là chuyến xe chất chồng và đầy đủ nhất lịch sử tâm hồn, hoàn cảnh, con người… của miền Nam từ năm 1954 cho đến 1975. Bất cứ nhà nghiên cứu xã hội nào cũng có thể tìm thấy một kho dữ liệu khổng lồ phán ánh trung thực mọi thứ về con người và toàn miền Nam. Nó là quá khứ, là chiêm nghiệm và đầy khả năng suy đối đa chiều cho những ai sống trong nền văn hóa này, bất kể thế hệ nào, độ tuổi ra sao.

Nhưng cũng kỳ lạ, nhạc sến cũng là một loại “vết ngứa trong tim” của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ… xuất thân hoặc được hưởng thụ từ dòng chảy này, vì dù có cố viết bắt chước lại, có mô phỏng hay trình bày lại, cũng khó mà chinh phục được, dù bề ngoài của sến thì rất giản đơn – và có thể cũng rất “bất thường”.
Hiện tại chứng minh rằng nhạc sến vẫn chiếm lĩnh ở mọi nơi, và dù khuất bao lâu, nó vẫn trỗi dậy như một điều không thể thiếu ở miền Nam, và xa hơn thế nữa. Cứ như là đến New Orleans thì nghe blues, và đến Nashville thì nghe country. Tôi đã từng đến miền Bắc, đi tìm để nghe những điều rất riêng của âm nhạc nơi này, và lạ thay, ngay ở các công viên giữa trái tim Hà Nội, tôi vẫn thấy người ta chơi đàn và hát nhạc sến một cách say mê.
Có ý cho rằng sến là một sản phẩm của thời chiến tranh nên ủy mị, chán chường, nên giờ không hợp thời. Nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều sản phẩm thật sự sinh ra từ thời chiến tranh, mà đã bị quên lãng hoàn toàn. Nhưng nói cho đúng, thì chiến tranh không sinh ra văn hóa, và chỉ có nền văn minh mới sản sinh ra âm nhạc mà thôi. Bản thân âm nhạc không có giai cấp, chỉ có con người bị ràng buộc của nghèo nàn giai cấp mới ấn định thứ bậc cho cuộc sống mình.
Có ý cho rằng sến đã quá cũ, không nên làm sống lại, không nên lôi ra đời sống hôm nay. Nhưng phải chăng người Việt – với đa số – không thể thiếu nó trong không gian tồn tại của mình? Việc nó vẫn được chào đón, thậm chí là làm giàu cho các nhạc sĩ, ca sĩ, hơn cả các thể loại khác như pop, rock, dân gian đương đại gì đó… cũng là một ví dụ đáng suy nghĩ. Nhưng sến xưa cũ thì đã sao? Đã hơn 300 năm từ ngày có nhạc của Mozart, người ta vẫn nghe lại với đúng hòa âm đó, hòa thanh đó và thậm chí càng cổ càng tốt, thì sao?
Hốt Tất Liệt cho đến chết vẫn chưa bao giờ gãi được vết ngứa trong tim mình, vì chỉ có khi ông hiểu được Đại Việt, thì ông mới có thể thanh thản ra đi mà thôi. Cũng như rất nhiều người đứng bên ngoài ánh sáng của nhạc sến và cay đắng vì những gì mình không cảm nhận được. Và Hốt Tất Liệt vẫn chết, Đại Việt vẫn ung dung tồn tại.
Nhưng tại sao, vẫn có một lớp người luôn nhân danh văn minh và trẻ trung để vùi dập một dòng nhạc, khi nó chỉ có một chức năng là giải trí cho con người? Câu hỏi vẫn chưa được trả lời, cho đến khi tôi vô tình đọc lại phần “Những thói xấu của người Việt”, về tật “tự giam hãm mình trong lũ tre làng” để mở mắt nhân ái nhìn những đổi thay và khác biệt bên ngoài, dẫn đến việc ngu dốt chà đạp mọi thứ mình không thể kiểm soát được, chinh phục được. Ông Trần Huy Liệu vẫn nói đấy thôi, trong tập Một Bầu Tâm Sự, xuất bản từ năm 1927.
Tuấn Khanh, 7-2013
(Nguồn ảnh: từ internet)

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Những ảo tưởng về TPP (Trans-Pacific Partnership)

 Nguồn : Vững Đại Phát
Alan Phan
27 July 2015
Đời sống không phải là một bài toán cần giải đáp mà là một thực tại cần trải nghiệm – Life is not a problem to be solved, but a reality
to be experienced – Soren Kierkegaard
Khoảng 2002, trong cuộc tranh cãi với một đại gia Mỹ, hai chúng tôi đánh cược vào một tình thế chính trị đang “hot” lúc bấy giờ. Khủng bố Hồi Giáo đã đánh sập tòa nhà World Trade Center ở New York năm ngoái, dân Mỹ sôi sục với an ninh quốc gia, và TT G. W. Bush đang chuẩn bị đổ quân vào Iraq, lấy lý do tiện lợi là Hussein có thể đe dọa Mỹ và thế giới với “weapons of massive destruction” (WMD, vũ khí có sức tàn phá diện rộng). Ông bạn đại gia Mỹ hờ hởi tin rằng cuộc chiến mới sẽ thay đổi bộ mặt chính trị và xã hội của Trung Đông, đặc biệt là kinh tế dầu khí… Là siêu cường duy nhất còn lại, khi Mỹ kiểm soát nguồn năng lượng quan trọng này, thế giới sẽ có Pax Americana (thời đại thanh bình kiểu Mỹ)….
Quan điểm trái ngược của tôi là bộ mặt Trung Đông đã hình thành qua cả ngàn năm lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, giáo dục… nó sẽ không thể thay đổi trong vài năm chỉ vì Mỹ và ông Bush có ước muốn như vậy. Dù lý tưởng và triết thuyết có hay đẹp đến đâu, thực tại luôn là một “son of a bitch” (con chó đẻ). Tôi kết luận là sau 2 nhiệm kỳ (nếu ông Bush tái cử) , Iraq sẽ không khác gì ngày nay, a messy nation under some form of dictatorial regime (một quốc gia hỗn loạn dưới một hình thức độc tài nào đó). Riêng Trung Đông, it’s the same old story (thành ngữ VN là –vũ như cẩn).
Lúc đó, căn nhà ở Hồng Kông của tôi có trưng bày một lộc bình thời Khang Hy rất quý. Tôi không sưu tầm đồ cổ, nhưng mua được với giá quá hời từ một công ty nhà nước nhỏ ở Xian (Tây An). Ông đại gia Mỹ thèm thuồng đòi mua lại, thuê cả người định giá là khoảng 30 ngàn đô la, nhưng tôi không bán. Sẵn đó, ông cược với tôi là nếu nhận xét của ông đúng, khi Iraq và Trung Đông đã ngoan ngoãn trong vòng tay Mỹ, thì 6 năm nữa, ông sẽ làm chủ chiếc lộc bình này. Nếu ông sai, ông sẽ ghé Hồng Kong và trả tôi 30 ngàn tiền thua cuộc. Tôi đồng ý, nhưng năm sau, vợ tôi bán chiếc lộc bình khi trang trí lại nhà cửa (không biết sau này ông TBT Trọng có là chủ nhân?). Tôi thấp thỏm cả mấy năm trời, nghĩ là phải mất 30 ngàn nếu thua cược. May mắn sao, trước khi TT Bush hết nhiệm kỳ hai, ông đại gia Mỹ ghé Hồng Kong, tìm tôi và trả tôi chi phiếu 30 ngàn đô la như một gentleman.
TPP và cao trào của hy vọng
Vừa rồi, khi đài truyền hình Saigon TV ở California phỏng vấn tôi về TPP, tôi tranh luận với ông bạn cũ Lương Đức Hợp, là TPP sẽ chẳng thay đổi gì bộ mặt chính trị và xã hội của Việt Nam chút nào trong thập niên tới. Về kinh tế vĩ mô thì TPP có thể ảnh hưởng nhưng không nhiều; riêng lợi và hại cho Việt Nam cũng chưa chắc đã cân xứng như những lời xưng tụng.
Trước khi tôi trình bày quan điểm, anh Hợp cho rằng TPP, theo pháp lý, sẽ bắt Việt Nam phải thay đổi cơ chế theo thị trường, quyền điều hành công đoàn sẽ tự do hơn, nhân quyền được tôn trọng, bản quyền trí tuệ được bảo vệ và quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân sẽ do pháp trị định đoạt. Khi vào TPP, Việt Nam sẽ được công nhận chính thức là một thành viên mới của nền kinh tế liên thông, sẽ gia tăng xuất khẩu, cùng thu nhập của người dân và quan trọng nhất, là Việt Nam sẽ đứng về phía Mỹ để thoát Trung.
Tôi nhắc lại, thực tại là son of a bitch. Về pháp lý và cơ chế “hành” chính, Việt Nam có một hiến pháp vừa hoàn thiện, một bộ luật dầy đặc những khôn ngoan của mọi triết thuyết, và một bộ máy gồm toàn các tiến sĩ, giáo sư, học giả…với đủ loại bằng cấp đen trắng đỏ vàng. Nhưng mọi tầng lớp của xã hội, từ người làm ra luật, thi hành luật, hay “chịu đựng” luật… đều giống nhau ở chỗ “nobody give a shit” (không ai quan tâm). Xui bị công an kêu lại thì lo mà móc túi nộp mãi lộ. Không mấy ai mất thì giờ (hay mất mạng) để tranh cãi trừ khi mắc bệnh tâm thần (kiểu VN).
Ảo tưởng muôn đời của lý tưởng Âu Mỹ
Mọi điều phân tích khác của anh Hợp rất tương tự với lý luận mà Nixon và Kissinger đã “bán” cho dân Mỹ 43 năm trước, khi ôm hôn Mao và “mở cửa” Trung Quốc. Hai ông chính trị gia cho rằng nếu giúp cho Trung Quốc giàu có thịnh vượng hơn, chính quyền Cộng Sản sẽ “tự diễn biến” và trở nên dân chủ, tự do, nhân đạo, hòa bình…hơn. Sau đó, tiền ào ạt đổ vào Trung Quốc, vô sản biến thành “tư bản đỏ” nhưng các vị tư bản COCC này lại rất khác biệt với những hình tượng về tư bản mà Mỹ mong ước. XHCN theo sắc mầu Trung Quốc hay Thiên An Môn là một miếng xương hóc búa khó nhai cho Mỹ và những đồng minh.
Lợi và hại của TPP trên nền kinh tế Việt
Ngoài cái ảo tưởng phổ thông nói trên, hiệp định TPP còn chất chứa nhiều ảo tưởng khác. Nhưng trước khi bàn sâu về ảo tưởng, cho tôi định vị lại những “lợi” và “hại” của TPP với nền kinh tế Việt Nam.
Những cái lợi thì các mạng truyền thông và chuyên gia của chính phủ đã “ca cảnh” quá nhiều:
- Mở rộng thị trường xuất khẩu qua nhiều quốc gia thành viên, tạo hiệu ứng tăng trưởng mạnh mẽ cho GDP và thu nhập cá nhân (dựa trên GDP);
- Lượng FDI và FII (đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài) sẽ gia tăng vì theo TPP, hàng rào thuế quan, bản quyền trí tuệ và thao túng tỷ giá…sẽ giảm thiểu tối đa. Ngoài ra, khi đầu tư nhà máy vào Việt Nam, những dự án FDI từ Trung Quốc hay Hàn Quốc sẽ hưởng lợi từ thị trường của các quốc gia thành viên. Cũng trong khung cảnh tích cực đó, kiều hối (một thành tố vô cùng quan trọng cho ngân sách) sẽ tát nước theo mưa.
- Khi kinh tế phát triển và hội nhập sâu, nhu cầu lao động sẽ lên cao hơn và cấp chuyên viên sẽ hăng hái trau luyện kỹ năng thêm để tăng thu nhập.
- Với chuẩn mực mới về cạnh tranh quốc tế, có thể sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt sẽ được cải thiện về chất lượng, công nghệ và thương hiệu.
Những cái lợi trên cũng đi kèm với vài thực tế hơi chua chát và những cái hại mà TPP sẽ gây ra cho nền kinh tế:
- Hiện nay, 72% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam là từ các doanh nghiệp FDI. Tôi không tìm ra dữ liệu là phần chia lại cho lao động và thuế lợi tức của Việt Nam được bao nhiêu phần trăm? Tôi đoán là dưới 5% vì giá nhân công quá rẻ, gia công những phân khúc sản xuất nhỏ là chính, rồi chánh phủ lại miễn trừ nhiều loại thuế với giá khuyến mãi cho đất đai hạ tầng. Như tình trạng đã xẩy ra cho Trung Quốc, khi những điều kiện kiếm tiền của nhà đầu tư ngoại kém đi (giá nhân công, thuế, luật, giá đất…lên cao) , họ sẽ đi tìm những nơi chốn khác.
- Kỹ năng chuyên viên và chất lượng sản phẩm có tăng nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa rất yếu. Như một cậu học trò mẫu giáo được khuyến khích để bắt kịp các bạn đã vào đại học. Việc khả thi sẽ là một vấn nạn về khoảng cách kiến thức, tư duy và thời gian.
- Với TPP, chúng ta không kiếm được nhiều ở các thị trường Âu-Mỹ-Nhật, nhưng thị trường nội địa phải được rộng mở để hàng ngoại tự do xâm nhập. Khi sản phẩm Việt bị giá rẻ của hàng Trung Quốc, Thai Lan cạnh tranh từ phía thấp, còn lại bị đè bẹp bởi chất lượng của hàng Âu, Mỹ, Nhật…ở phía trên; thì lợi thế cạnh tranh càng ngày càng thu hẹp cho mọi doanh nghiệp Việt.
- Đáng quan tâm nhất là lĩnh vực nông nghiệp: lúng túng với bộ máy “hành” chính nông thôn, phí thuế ngất ngưỡng cao rồi lối canh tác cổ truyền manh mún, nông dân Việt sẽ chịu gánh nặng khủng của TPP.
- Trong khi đó, với dòng tiền mới từ FDI và kiều hối, quyền lợi và quyền lực của nhóm nhỏ siêu giàu sẽ gia tăng mạnh mẽ. Các phe nhóm không những kiểm soát mọi hoạt động huyết mạch như tài chánh ngân hàng chứng khoán; mà còn tạo ra các chính sách hổ trợ đắc lực cho những dự án BDS, xây dựng hạ tầng, khai thác khoáng sản…của phe nhóm.
Chuyện nhân quyền
Giữa lợi và hại, tùy vị thế chánh trị và xã hội, TPP sẽ khiến vấn đề “nhân quyền” trở nên ít cấp bách hơn vì người Việt chỉ cần chút cải thiện về mức sống vật chất là đã thỏa mãn và chấp nhận mọi bất cập từ chính phủ. Chúng ta thấy rõ là sau khi “đổi mới”, cho đến nay, môi trường sinh hoạt của Việt Nam còn xuống cấp, tệ hơn cả Lào, Kampuchia (chưa cần so sánh với Singapore hay Hàn Quốc); nhưng phần lớn người Việt, kể cả các giới trẻ, đã happy ăn nhậu, cà phê, mê chuyện siêu sao, đá bóng…mà không quan tâm đến chính trị hay văn hóa. Mặc cho nước ngập mỗi ngày mưa tại Hà Nội và Saigon, hay ô nhiễm thực phẩm, không khí, hay kinh tế bị Trung Quốc đô hộ; dân Việt vẫn được tiếng là “hạnh phúc và lạc quan” nhất nhì thế giới. Khi người dân địa phương không “care” thì mọi hoạt động về nhân quyền của các hội đoàn trong hay ngoài nước sẽ èo uột hơn. Các chính phủ Âu, Mỹ…cũng sẽ thờ ơ với vấn nạn này, không cần phải đánh võ mồm để làm vui lòng nhóm cử tri gốc Việt.
Ảo tưởng của hai bên
Cùng với một thực tại khá chua chát, TPP là xúc tác cho vài ảo tưởng khác của nhiều thành phần.
Ngoài ảo tưởng về dân chủ tự do như đã nói bên trên, chính phủ Mỹ luôn mơ về một Việt Nam mạnh mẽ, liên minh với các đồng minh tư bản để chặn tham vọng bá chủ của Trung Quốc trong khu vực. TT Obama còn gắng hoàn thành việc “xoay trục về châu Á” và TPP như một di sản lịch sử vào cuối nhiệm kỳ. Cái giá phải trả cho ảo tưởng này thực ra không to lớn lắm so với kích cỡ của kinh tế Mỹ, nhưng thất vọng là thất vọng. Quan hệ giữa chính phủ và đảng CS của Việt Nam và Trung Quốc sâu xa hơn cả 16 chữ vàng. Thực ra nó là “lá chắn” của cả 2 đảng bộ trước “diễn biến hòa bình”, đồng nghĩa với sự sinh tồn và quyền lực của vài chục triệu đảng viên tại 2 nước.
Trong khi đó, nhiều quan chức và chuyên gia Việt Nam lại ảo tưởng quá nhiều về “con bài” Mỹ trong bàn cờ mà họ cho là khôn ngoan, thủ đoạn của họ. Họ tin rằng chỉ việc để cho tư bản Mỹ vô làm ăn; rồi chém gió vô tội vạ về nhân quyền, tôn giáo, công đoàn…là chính phủ Mỹ sẽ mở rộng hồ bao (và biên giới) để các quan chức kiếm tiền và giấu tiền. Thêm vào đó, nếu đàn anh Trung Quốc có ức hiếp bóc lột nhiều quá, như chiếm đất chiếm biển…thì quân đội Mỹ sẽ mạnh tay can thiệp. Chính phủ Mỹ dù đôi khi giả vờ ngây thơ, nhưng khối điều nghiên chính trị, kinh tế của họ luôn nhậy bén. Họ biết tính ra từng con số (tiền hay sinh mạng) để thẩm định giá phải trả. Không cân xứng là không thực hiện, mặc cho những sáo ngữ “đối tác toàn diện” hay “toàn bịp”.
&&&&&
TPP không phải là hiệp ước thương mại tự do (free trade agreement –FTA) duy nhất của Việt Nam. Trong 2 năm qua, Việt Nam đã ký 8 FTA với ASEAN, ASEAN + , Hàn Quốc, Chile, Liên Minh Nga-Kazakistan-Belarus…Kết quả của các FTA này không gì là ấn tượng, vì ngoài những doanh nghiệp FDI, công ty nội địa Việt chưa đủ sản phẩm và dịch vụ chất lượng, giá cao để xâm nhập những thị trường này. Mức sống người dân không có cải thiện gì đáng kể. Nghịch lý và mâu thuẫn còn trùng điệp trong xã hội và cơ chế. Chỉ có những quan chức và đại gia là có thêm những phần bánh ngon ngọt.
Bây giờ, nếu được gia nhập TPP, miếng bánh này có thể lớn gấp nhiều lần các FTA hiện tại. Và may mắn thì người dân sẽ có chút mảnh vụn tung tóe đâu đó. Các lãnh đạo 2 chánh phủ Việt, Mỹ sẽ hờ hởi khen tặng nhau vì dù sao, TPP cũng là một cột mốc lịch sử như… hiệp định Geneva, hiệp định Paris, hay WTO hay hiệp ước song phương Việt-Mỹ.
Nhưng với khách quan của người ngoài cuộc, thì TPP là khi kẻ cắp gặp bà già.
Alan Phan

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Cha nào con nấy

Lênin làm gián điệp cho Đức được đưa vào sách giáo khoa ở Nga
Theo Đại Kỷ Nguyên VN - Tinh Vệ biên dịch – 29 Sep 2015
Gần đây, sách giáo khoa lịch sử thuộc cấp trung học phổ thông ở Nga đã phát hành phiên bản mới với một số sửa đổi quan trọng, trong đó nổi bật là việc cho rằng Liên Xô thuộc thời đại Lênin là một “địa ngục” và vạch trần bộ mặt thật của Lênin trong Thế chiến thứ nhất là nội gián của Đức.

Tài liệu chỉ ra: Trong Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918), nước Đức đã dùng thủ đoạn chiến tranh phi quân sự bằng cách mua chuộc phản đồ, gián điệp từ nước Nga, đối tượng mua chuộc chính là Lênin, kẻ ngông cuồng muốn tận dụng cơ hội chính phủ Nga trong lúc khó khăn để lật đổ một cách hợp pháp và lên nắm quyền.
Từ 1915, nước Đức luôn đứng sau yểm trợ cho Lênin.
Năm 1917, Lênin lưu vong ở nước ngoài đã ngồi “chuyến tàu kín” do nước Đức bố trí, có binh lính hộ tống đi tới Peterborough. Ngày 8/4, Bộ Tổng tham mưu Đức đã báo cáo với Hoàng đế Đức khi đó là Wilhelm II rằng: “Lênin đã trở về Nga thuận lợi. Ông ta quả thực đã làm đúng ý của chúng ta.”[ads1]
Theo thống kê, nước Đức đã chi 50 triệu mác (khoảng hơn 9 tấn vàng) hỗ trợ Lênin làm “cách mạng”. Sách lược của người Đức đã thành công, cuối cùng nhờ công ơn của nước Đức mà Lênin đã làm “cách mạng” thành công, giành được chính quyền. Còn nước Đức cũng được trả ơn gấp hàng ngàn lần: “Hai nước Nga – Đức cuối cùng đã đình chiến làm hòa, Lênin không quan tâm đến thực trạng kiên quyết phản đối trong nội bộ Đảng (gồm cả nội bộ Bolshevik), đã ký kết Hiệp ước Brest với nước Đức, cắt 1 triệu km2 để bồi thường đền ơn 6 tỷ mác mà người Đức chi viện giúp đỡ.”
Sự thực lịch sử này nhân dân thế giới, gồm cả người Nga, hầu như đều biết, nhưng việc chính quyền Nga đưa vào sách giáo khoa lịch sử hiện nay là một tiến bộ lớn của lịch sử nước Nga.
Biết Mình Biết Người
Những tuyên bố lịch sử của Vladimir Lenin
Một người với súng có thể điều khiển 100 người không vũ khí – One man with a gun can control 100 without one

Cách tiêu diệt bọn tư sản trưởng giả là nhiền nát chúng giữa cối chày của thuế phí và lạm phát – The way to crush the bourgeoisie is to grind them between the millstones of taxation and inflation
Lời nói dối lập đi lập lại mãi sẽ thành sự thực - A lie told often enough becomes the truth
Không có đạo lý trong chính trị, chỉ có sự tiện lợi. Một tên gian giảo có thể hữu dụng cho chúng ta vì hắn thuộc loại gian tà – There are no morals in politics; there is only expedience. A soundrel may be of use to us just because he is a scoundrel
Chương trình (hành động) của chúng ta cần phải bao gồm việc tuyên giáo cho chủ nghĩa vô thần – Our program necessarily includes the propaganda of atheism -

Chúng ta không có thì giờ chơi trò “đối lập” tại các hội thảo. Chúng ta sẽ giữ mọi đối lập chính trị của chúng ta …dù lộ diện hay dấu tung tích như không đảng bộ… TRONG TÙ – We do not have time to play at “oppositions” at “conferences.” We will keep our political opponents… whether open or disguised as “nonparty,” in prison.
Bọn tư bản sẽ bán cho chúng ta dây thòng lọng mà chúng ta sẽ dùng để treo cổ bọn chung – The Capitalists will sell us the rope with which we will hang them.

Khi chính nghĩa của dân tộc được giao cho bọn giáo sư, tất cả sẽ mất biến – Whenever the cause of the people is entrusted to professors, it is lost.”
Bạn dùng lưỡi lê để thử sức: nếu đối tượng mềm yếu, chúng ta đẩy mạnh tới. Nếu chúng là sắt thép, bạn rút lui – You probe with bayonets: if you find mush, you push. If you find steel, you withdraw”
Đưa chúng ta một đứa trẻ trong 8 năm, hắn sẽ thành một chiến sĩ Bolshevik suốt đời – Give us a child for 8 years and he will be a Bolshevik forever.
Không có bài viết liên quan.

Đại Tang

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo – Theo FB Đinh Long – 2 Oct 2015
Trước cổng cơ quan, một bác nông dân thập thò, nghiêng ngó. Thấy vậy, anh bảo vệ quát to:
- Ông kia! Tới có chuyện gì?
- Tôi muốn gặp giám đốc xin cái giấy xác nhận!
- Hôm nay giám đốc nghỉ lo đám tang. Bố giám đốc vừa mất!
- Vậy cho tôi gặp phó giám đốc được không?
- Cũng không được! Vì bố phó giám đốc cũng vừa mất!
Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt bác nông dân, nhưng bác vẫn cố hỏi thêm:
- Vậy cho tôi gặp trưởng phòng được không?
- Không được! Bố chồng của trưởng phòng vừa mất.
- Vậy cho tôi gặp phó phòng!
- Không được! Hôm nay phó phòng nghỉ lo đám tang. Ông nội phó phòng vừa mất!
- ĐKM! Anh đùa tôi đấy à? Chết đéo gì mà lắm thế?
- ĐKM! Ông chửi ai đấy hả? Đã không biết thì im mồm đi! Chết mỗi một người chứ lấy đéo đâu ra mà lắm! Bố của giám đốc thì cũng là bố của phó giám đốc, thì cũng là bố chồng của trưởng phòng và là ông nội của phó phòng. Vì giám đốc là anh ruột của phó giám đốc, là chồng của trưởng phòng và là bố đẻ của phó phòng. Ông dù chỉ chửi một người nhưng lại là chửi cả cái cơ quan này đó! Ông biết chưa hả? Thôi, về đi cho tôi đóng cổng cơ quan!
- Vẫn sớm mà! Sao đóng vội thế?
- Tôi phải về lo đám tang. Bác tôi vừa mất!

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Chuyện Dài Của Việc Làm Giàu ở Việt Nam

Người Việt cố giàu lên, để làm gì? (Kỳ 2)
Tuấn Khanh – RFA Blog – 30 Sep 2015
Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”.

Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình.
Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”.
Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”.
Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt như vậy, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ.
Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Quốc. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho mình và cho con cái của mình.
Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời. Trong những người đến Mỹ hay bất kỳ quốc gia phương Tây thù địch nào khác, có những người làm mọi cách như một cuộc tỵ nạn về an sinh, giáo dục… nhưng cũng có những người chạy đi, để âm thầm đào thoát khỏi lý tưởng của mình.
Anh Mến, một người sống ở Kansas chỉ hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng anh chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2,3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc Iphone đời mới nhất để gửi về, so với anh đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi. “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?”, anh Mến ngơ ngác hỏi.
Thật khó mà giải thích với anh Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.
Trường St Polycarp ở thành phố Stanton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói.
Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn “Anh có làm ở đây không, anh nên nói với ban giám hiệu”.
Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau ấy không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách.
Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh.
Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà văn, diễn thuyết gia John Mason, cũng là tựa đề một quyển sách nổi tiếng của ông, có tựa đề “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy) có lẽ là một trong những động lực thúc đẩy âm thầm nhưng mãnh liệt trong lòng người Việt từ nhiều đời nay. Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình.
Nghèo khó, họ có thể thành người rơm ở Anh hay bị xua đuổi ở Campuchia. Giàu có, họ trở thành những kẻ lưu vong hoặc nhấp nhổm với cuộc sống mới mà mắt vẫn đau đáu về quê nhà. Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.
Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói đó trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?
Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã rất mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.
Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó là gì?
Tuấn Khanh