Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Stress Trong Đời Sống

Nguồn : Vững Đại Phát
 Stress là dấu hiệu cho thấy cuộc sống có ý nghĩa
Thu Thảo – Business Insider/ Trí Thức Trẻ – 6 May 2015
Cảm thấy stress chứng tỏ bạn đang làm gì đó thật sự quan trọng với mình, chẳng hạn như phỏng vấn để ứng tuyển công việc bạn mơ ước hoặc chăm sóc con cái.
- Mọi người thường cho rằng stress đồng nghĩa với việc cuộc sống gặp trục trặc và tìm cách chống lại hoặc chịu đựng stress.
- Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kelly McGonigal, stress lại là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang dồn tâm huyết vào việc mình làm. Điều đó cho thấy cuộc sống của bạn có ý nghĩa và bạn cần nhận thức được lợi ích của stress.
Tiến sĩ Kelly McGonigal, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học sức khỏe, luôn muốn giúp mọi người có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn. Bà dành phần lớn thời gian khuyến khích mọi người tránh xa stress và những tác hại của nó.
Tuy nhiên, khi phát biểu tại hội thảo 99U tổ chức tại New York ngày 30/4, McGonigal lại nói bà đã thay đổi cơ bản phương pháp quản lý stress của mình vài năm gần đây. Bà hiểu rằng stress không phải vốn đã có hại. Các nghiên cứu mới đưa ra hai lý do sau.
Trước hết, stress và sự lo lắng có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc sống của bạn rất ý nghĩa. Thông thường, cảm thấy stress chứng tỏ bạn đang làm gì đó thật sự quan trọng với mình, chẳng hạn như phỏng vấn để ứng tuyển công việc bạn mơ ước hoặc chăm sóc con cái.
Lý do thứ hai đơn giản là việc nhận thức được lợi ích của stress có thể giúp bạn đương đầu với nó.
McGonigal chia sẻ: “Mỗi khi bị stress, chúng ta thường coi đó là dấu hiệu cho thấy cuộc sống chưa thỏa đáng hoặc thật khủng khiếp. Nhưng cách bạn nghĩ về stress lại đóng vai trò quan trọng trong việc stress ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn như thế nào”.
Ví dụ, bạn nằm trong số rất nhiều người coi stress là một thứ tiêu cực và cố tránh xa nó bằng mọi giá. Do vậy, có thể khi bạn lâm vào một tình huống căng thẳng, chẳng hạn như phỏng vấn cho công việc yêu thích, cơ thể bạn sẽ tiết ra các hormone stress như cortisol, ở mức cao hơn. Các hormone này có thể gây hại đến hệ miễn dịch và sức khỏe của bạn.
Nhưng hãy thử nghĩ trường hợp bạn tham gia cuộc phỏng vấn đó và hiểu rõ những lợi ích tiềm năng của stress. Các nghiên cứu cho thấy, việc này không chỉ giúp bạn phản ứng sinh lý tốt hơn mà rất có thể còn giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của sự đấu tranh và học hỏi từ nó.
Thách thức đối với McGonigal hiện nay không phải là giúp mọi người giảm lượng stress gặp phải mà cần thuyết phục họ ngừng chống chịu nó. Theo bà, stress “không phải là dấu hiệu cho thấy cuộc sống của bạn có gì đó bất ổn”. Trái lại, cảm thấy stress nghĩa là bạn hoàn toàn dồn tâm huyết cho những gì mình đang làm.
Vì vậy, nếu bạn toát mồ hôi tay hay thấy run chân trước một cuộc phỏng vấn, có thể việc tự nhắc bản thân phải bình tĩnh sẽ không mấy hữu ích. Thay vào đó, hãy thử nghĩ theo hướng mới như lời khuyên của tiến sĩ McGonigal. Nỗi hoảng loạn sẽ lắng xuống trước khi bạn kịp nhận ra.
Người thành công xử lý Stress như thế nào?
Tác giả: Bernard Marr – CFO – 10 Mar 2014
90% những người thành công nhất thường biết cách kiềm chế cảm xúc của họ trước những áp lực trong công việc. Do đó, họ có thể giữ được bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả
Một cuộc khảo sát từ TalentSmart chỉ ra rằng 90% những người thành công nhất thường biết cách kiềm chế cảm xúc của họ trước những áp lực trong công việc. Do đó, họ có thể giữ được bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Người thành công xử lý Stress như thế nào?
Đây sẽ là bài học vô cùng bổ ích cho chúng ta, không chỉ áp dụng được trong công việc mà còn trong cuộc sống hằng ngày. Các nhà khoa học cho biết mỗi chúng ta phải đối mặt với stress khá thường xuyên trong cuộc sống ngày nay. Tuy vậy, stress không phải lúc nào cũng xấu bởi ở một mức độ vừa phải, nó giúp chúng ta làm việc một cách tối ưu hơn.
Dù vậy, quá nhiều stress sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về tâm sinh lý. Do đó, sẽ tốt hơn nếu mỗi người chúng ta biết cách để đối mặt với vấn đề này bằng cách học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công.
Thông qua cuộc khảo sát, chúng ta cũng nhận ra đa số những người thành công thường có một vài chiến lược chung trong việc quản lý stress như dưới đây:
1. Luôn trân trọng những gì họ đang có
Nghe qua thì có vẻ khá cổ điển, nhưng thực tế đã chứng minh việc luôn trân trọng những gì đang có là một cách tốt để giảm áp lực và giữ được một cái nhìn tích cực về cuộc sống. Khi có một cái nhìn lạc quan hơn, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, và dĩ nhiên, làm việc cũng năng suất hơn.
2. Luôn lạc quan
Có vẻ nói thì luôn dễ hơn làm? Thỉnh thoảng thôi. Những người thành công thường có xu hướng nhìn thấy cơ hội từ một cuộc khủng hoảng, tích luỹ được những bài học quý giá từ thất bại thay vì phải đau buồn với những gì đã xảy ra. Hãy tưởng tượng bạn đang ủ rũ trong một thất bại gần nhất, thay vì buồn bực như trước, hãy tự hỏi bản thân “Mình có thể học được gì từ thất bại này hay làm thế nào để tránh phải những sai lầm tương tự như vậy?”. Bạn sẽ thấy bớt tiêu cực ngay thôi.
3. Tập trung vào sự tiến bộ, không phải sự hoàn hảo
Không có ai hoàn hảo, kể cả những người giàu nhất trên thế giới này. Nếu được hỏi, họ cũng sẽ nói với bạn điều tương tự mà thôi. Những tỷ phú như Bill Gates hay Richard Branson đều có những thất bại trong quá khứ. Nhưng điều quan trọng là họ đều thất bại một cách khôn khéo, rút ra bài học từ những thất bại đó và đi tiếp. Rất nhiều người trong chúng ta thường tôn thờ sự hoàn hảo nhưng đôi lúc bỏ qua nó sẽ giúp bạn loại bớt được một gánh nặng đấy.
4. Có những thói quen nhất định
Một trong những nguyên nhân chính gây ra stress là số lượng quyết định chúng ta cần đưa ra trong một thời gian ngắn. Bất kể đó là quyết định lớn hay nhỏ, chúng sẽ đều tạo gánh nặng cho bộ não và khiến chúng ta cảm thấy áp lực. Việc giữ những thói quen đều đặn thường ngày như: trả lời email vào cùng một thời gian, ăn trưa tại một quán ăn quen thuộc, hoặc chỉ đơn giản là tối giản hoá tủ quần áo sẽ giúp bạn ít phải suy nghĩ hơn cho những điều không thực sự cần thiết. Thậm chí Tổng thống Obama cũng từng nói đến điều này trong một buổi phỏng vấn:
“Bạn có thể thấy tôi hay mặc bộ vest màu xanh hoặc xám bởi tôi luôn luôn cố gắng giảm bớt số quyết định mình cần đưa ra. Tôi cũng không muốn mình phải nghĩ hôm nay sẽ ăn gì hay mặc gì. Lý do ư? Tôi còn rất nhiều quyết định quan trọng khác cần phải đưa ra trong ngày…”
5. Luôn nhìn vào bức tranh toàn cảnh
Điều cuối cùng, những người thành công thường có khả năng luôn nhìn vào bức tranh toàn cảnh thay vì chỉ tập trung vào một vài điểm vụn vặt. Cụ thể hơn, có những lúc thay vì tìm hiểu “Làm như thế nào”, hãy tự hỏi “Tại sao”. Bạn sẽ bớt “đau đầu” ngay thôi.
Hy vọng rằng những chiến lược trên sẽ có ích cho bạn. Chúng ta ngày càng bận rộn, vì thế hãy biết cách đối phó với stress một cách khéo léo để cuộc sống trở nên dễ thở hơn.
Về tác giả:
Bernard Marr từng tốt nghiệp tại ĐH Cambridge (Anh) và hiện đang là CEO của Advanced Performance Institute, một tổ chức giúp các doanh nghiệp quản lý, đánh giá và nâng cao năng lực nhân viên. Bernard còn là cây viết nổi tiếng cho các tạp chí như Financial Times, CFO Magazine và Wall Street Journal và là 1 trong 100 tác giả nổi tiếng nhất (Influencer) trên mạng xã hội LinkedIn.

Loạt Bài Về Hướng Đi Cho Nông Nghiệp Việt

Nguồn : Vững Đại Phát
 Bài 2:
Vì sao ngành nông nghiệp Úc lại phát triển thành công đến thế?
Tổng Hợp của Nhật Hạ – Theo Đại Kỷ Nguyên – 4 May 2015
Nước Úc được nhìn nhận là một quốc gia phát triển và nằm trong số các quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, với nền kinh tế lớn đứng thứ 12 trên toàn thế giới.
Vào năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Úc đứng thứ năm thế giới. Nước Úc được thành lập vào ngày 01/01/1901 với tên đầy đủ tiếng Anh là Commonwealth of Australia, có nghĩa là khối thịnh vượng chung Úc. Ngay từ khi thành lập, Úc duy trì một hệ thống chính trị dân chủ tự do ổn định, bao gồm sáu bang và một số lãnh thổ với tổng dân số vào khoảng 23,1 triệu người.
Với lịch sử non trẻ chỉ hơn 100 năm, với hơn 100 dân tộc đa văn hóa, nước Úc giờ đã trở thành một đất nước giàu mạnh, xây dựng được một nơi có đời sống tốt nhất thế giới, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng quan trọng kể cả dịch vụ giáo dục. Với mục tiêu ban đầu là tự đảm bảo nguồn lương thực cho người dân Úc, Chính phủ đã thực sự đầu tư vào việc phát triển ngành nông nghiệp Úc cho dù diện tích đất có thể canh tác được của Úc chỉ chiếm 1% tổng diện tích lục địa Úc (tổng diện tích Úc là 768 triệu héc ta) do chỉ có vùng ven biển là có lượng mưa tương đối tốt. Hiện nước Úc có 18 triệu héc ta trồng trọt và 28 triệu héc ta đồng cỏ trong đó chỉ có 4 triệu héc ta là thực sự có lượng nước đầy đủ.
Lực lượng lao động chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp của Úc là 400.000 người, chiếm 4% lực lượng lao động của toàn nước Úc (vào khoảng 10 triệu người) nhưng nước Úc có chỉ số tự cung cao nhất thế giới (nông nghiệp Mỹ có kim ngạch xuất khẩu nông sản đứng đầu thế giới nhưng chỉ số tự cung tự cấp lại thấp hơn Úc), cụ thể là tính trung bình một nông dân Úc có thể nuôi 190 người. Sản phẩm nông nghiệp chính của Úc là lúa mì, lúa mạch, mía, hoa quả, gia súc, cừu, gia cầm.
Nền nông nghiệp Úc cung cấp nông sản đầy đủ cho thị trường nội địa và xuất khẩu 80% tổng sản lượng, thu nhập của mỗi người nông dân Úc lên đến 100.000 USD/ năm, cao hơn so với GDP bình quân đầu người của Úc (60.000 USD/năm).
Úc là một quốc gia có đất rộng người thưa, ít mưa, tình trạng khô hạn xảy ra thường xuyên, Úc không có một ngành nghề nào gọi là truyền thống, kể cả nông nghiệp – vốn là ngành nghề cổ xưa nhất của loài người. Cho nên có thể nói tất cả các cây, con và công nghệ sản xuất hiện đang sử dụng trong nông nghiệp Úc hiện nay đều có nguồn gốc nhập khẩu. Chính vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả của việc nhập khẩu trong việc phát triển nông nghiệp, Chính phủ Úc đã cho xây dựng các Trung tâm nghiên cứu để nhập khẩu giống và công nghệ, kiểm chứng, ứng dụng đại trà và thực hiện tiếp thu công nghệ. Để hỗ trợ hoạt động của các trung tâm này, Chính phủ Úc đã thành lập Hội đồng Nghiên cứu Úc nhằm xây dựng chiến lược và cung cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu khoa học. Hội đồng này đưa ra danh sách những hạng mục ưu tiên có lợi cho quốc gia và đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải lập dự án theo sát danh sách ưu tiên này nếu muốn nhận được tiền tài trợ cho việc nghiên cứu.
Đặc biệt hơn, đối với những lĩnh vực mà chính phủ xác định là thực sự cấp thiết đến sự phát triển của nền nông nghiệp, Chính phủ Úc thành lập các Trung tâm chuyên ngành hay còn gọi là Trung tâm ưu tú (Centre of Excellence) để nghiên cứu, cải thiện, ứng dụng và chuyển giao từ kiến thức công nghệ cho nông dân. Bộ Nông nghiệp Úc đã xây dựng 11 Trung tâm như vậy đều khắp trong bang, mỗi Trung tâm phụ trách một ngành hàng nông nghiệp đặc biệt trên một vùng sinh thái thích hợp để giải quyết dứt điểm những khó khăn của vùng đó.
Ví dụ như vùng lục địa Narrabri miền tây bắc Úc có khí hậu khô, nóng nên có Trung tâm chuyên về ngành bông vải và cải dầu, vùng miền bắc gần duyên hải vùng Armidale có khí hậu khô nhưng mát mẻ nên có trung tâm về ngành bò thịt, vùng miền trung duyên hải Gosford có khí hậu ôn hoà, gần Sydney nên có Trung tâm Tiếp thị và ngành Làm vườn nhà kính, vùng lục địa Yanco phía tây nam có khí hậu khô, nóng, nhiều ánh sáng nên có Trung tâm Lúa gạo và tưới tiêu.
Việc vận hành các trung tâm này đã giúp Bộ Nông nghiệp Úc giải quyết kịp thời các vấn đề theo từng loại nông sản. Các quy trình sản xuất tốt nhất trên thế giới được nhập vào Úc qua các trung tâm này, ví dụ như Quy trình chăm sóc rau quả tươi sạch dành cho việc sản xuất rau quả (được gọi là Fresh care), Quy trình sản xuất thịt tươi sống (được gọi là Cattle Care), Quy trình sản xuất ngũ cốc (được gọi là Grain Care), qua đó, Úc đã có được thương hiệu về an toàn vệ sinh thực phẩm, gia tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu.
Theo như số liệu của Cục Kinh tế, khoa học nông nghiệp và nguồn lợi Úc (Abarres), giá trị sản lượng nông nghiệp Úc đạt 43 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 3% GDP vào năm 2013. Riêng về sản lượng lúa của bang New South Wales (là bang sản xuất 99% sản lượng lúa của Úc) từ tháng 04/2014 đến tháng 03/2015 đạt 894.000 tấn trên diện tích gieo cấy 90.000 héc ta, tương đương với năng suất là 9,89 tấn/héc ta (năng suất lúa của toàn Việt Nam đạt 6,6 tấn/héc ta vào năm 2014).
Nền nông nghiệp Úc được quản lý dưới hình thức nông trại, với khoảng 130.000 nông trại trên diện tích 46 triệu héc ta, trung bình một nông trại có diện tích 354 héc ta. Chính sách của chính phủ Úc là xây dựng một nền nông nghiệp vì nông dân, vậy nên Chính phủ giảm tối đã những điều luật, quy định bắt buộc đối với nông dân như các quy định về thuế hay hải quan, đồng thời đưa ra những chính sách hữu hiệu giúp đỡ nông dân ổn định trong sản xuất, tránh hiện tượng bỏ đất lên các thành phố lớn, đồng thời nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Vào năm 1997, Úc thực hiện chương trình “Một nền nông nghiệp Úc tiên tiến” và hướng đến xuất khẩu với mục đích nâng cao thu nhập cho nông dân và nâng cao sức cạnh tranh quốc tế cho nông dân. Đặc điểm nội bật của chương trình này như sau:
Hỗ trợ tài chính cho nông dân trong các chương trình giáo dục và đào tạo về kỹ năng quản lý tài nguyên thiên nhiên;
Hỗ trợ nông dân thay đổi ngành nghề cho hợp với thay đổi trong thực tế;
Hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ năng về quản lý tài chính;
Tư vấn cho nông dân tình hình tài chính trong và ngoài nước;
Hỗ trợ tài chính cho nông dân về các dịch vụ tư vấn của chuyên gia, cũng như tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực phát triển kỹ năng;
Cung cấp thông tin giúp nông dân nắm vững biến động thị trường trong và ngoài nước.
Vào năm 2004, Chính phủ Úc đã thành lập một nhóm tư vấn xây dựng định hướng và chiến lược cho ngành nông nghiệp và thực phẩm, theo đó Chính phủ điều chỉnh các chính sách và đưa ra các giải pháp về:
Nâng cao khả năng đáp ứng của nông dân trước các yêu cầu mới của thị trường và chuỗi cung ứng;
Giúp nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh;
Hỗ trợ nông dân về kỹ năng quản lý tài nguyên thiên nhiên;
Bảo đảm môi trường kinh doanh tốt nhất, thông thoáng nhất để các doanh nghiệp tự do hoạt động, tăng mạnh sức cạnh tranh
Xét về mặt bằng chung, nông dân Úc có trình độ giáo dục cao, khoảng 31% có bằng đại học hoặc cao đẳng (trung bình toàn quốc 52%). Các chính sách đầu tư vào nông dân Úc có thể tóm lại theo ba mục chính, đó là:
Nông dân Úc là chủ thể của nền nông nghiệp Úc, thể hiện trên thực tế đối với các chính sách này là việc một hộ nông dân Úc được cấp giấy phép sở hữu diện tích đất rất lớn chứ không phải được thuê lại đất của Nhà nước và Nhà nước sẽ xem xét lại tình trạng cho thuê đất sau một thời gian.
Nông dân Úc sản xuất theo chuỗi giá trị và phân phối theo chuỗi cung ứng, thể hiện ở điểm các mặt hàng nông nghiệp Úc được đóng gói bao bì đầy đủ với nhãn hiệu “made in Australia” có mặt trên toàn thế giới.
Nông dân Úc áp dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại bao gồm các máy móc và kỹ thuật công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Tại các cánh đồng rộng ngút tầm mắt, những mày cày, máy hái không cần người lái được sử dụng rộng rãi. Đồng thời, nông dân Úc biết cách dùng hệ thống vệ tinh để định vị đường cày cho máy cày qua các thiết bị điện toán tính toán chính xác.
Nói tóm lại, với các chính sách hữu hiệu của Chính phủ, Úc đã thành công không chỉ trong vấn đề tự cung tự cấp nguồn lương thực cho người dân trong nước mà còn xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang các nước trên toàn thế giới, nổi bật nhất là các sản phẩm gồm thịt bò, ngũ cốc, hoa quả, sữa và các sản phẩm thuộc sữa, rượu nho, lông cừu, bông vải, đường.
Mặc dù liên bang Úc mới được thành lập vào năm 1901, tính đến nay mới được 114 năm, nhưng Úc đã được tạp chí The Economist bình chọn đứng thứ 6 trên toàn thế giới về chỉ số chất lượng cuộc sống vào năm 2005, được Liên Hiệp Quốc xếp hạng ba về chỉ số phát triển con người vào năm 2007. Nước Úc còn nắm giữ một kỷ lục chưa có nước nào có, đó là hầu hết các thành phố lớn của Úc đều nằm trong “top 10” những thành phố có đời sống tốt nhất thế giới: Melbourne (hạng 2), Perth (hạng 4), Adelaide (hạng 7) và Sydney (hạng 9).
Nhật Hạ tổng hợp