Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Văn Minh Miệt Vườn Còn Đâu!

Văn Minh Miệt Vườn Còn Đâu!
Tác Giả: Vi Anh – Việt Báo – 8 May 2015
Ngày 5 tháng 5 năm 2015 nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam, trên đài Á châu Tự do (RFA) có bài “Đời sống người lao động miệt Tây Nam Bộ”, với âm chứng, con người và địa danh trong cuộc làm người viết bài này 80 tuổi ly hương 20 năm trên đất Mỹ nghe nhớ tiếc khôn nguôi và buồn ray rứt. Phần nhập đề của phóng sự nói lên sự suy tàn, sụp đổ nay còn đâu nữa của nền văn minh Việt Vườn của Miền Tây Nam Việt: “\Miệt vườn Tây Nam Bộ, khi nhắc đến, người ta hình dung đến những vườn cây trải dài xanh ngút mắt, trái trĩu ngọt, những con sông chằng chịt ngang dọc các miệt vườn và những con người hiền hòa, sống nhẹ nhàng, thanh thản, hòa với thiên nhiên. Nhưng có vẻ như chuyện đó đã xa quá tầm tay người miệt vườn Tây Nam Bộ. Thực tại của người Tây Nam Bộ cũng khó khăn chẳng kém mấy so với những tỉnh miền Trung và miền Bắc. Sự khó khăn đến từ hai hướng, sự xuống cấp của cảnh quan tự nhiên và sự băng hoại của hệ thống cầm quyền.”
Những lời than đứt ruột. Ông Út Thảo một cựu nông dân Tây Nam Bộ, đang làm thuê trên đất Sài Gòn nói “Nếu như trước đây, với ruộng đồng hiền hòa, miệt vườn trĩu quả và cuộc sống êm đềm, nhẹ nhàng, con người đối xử với nhau hiền từ, thanh thản thì hiện tại, với đời sống ngày càng đổi thay, giọng người tứ xứ Bắc, Trung, Nam quần tụ, đặc biệt là giọng người miền Bắc hơi gay gắt và hách dịch bởi họ có vốn liếng, biết kinh doanh, biết biến nhiều người Tây Nam Bộ thành con nợ của họ đã làm cho đời sống khu vực này trở nên tăm tối, khó nói.:..” “Trái cây Tây Nam Bộ ngày càng rớt giá, trong khi đó mọi thứ phí dịch vụ tăng cao, ngày công lao động đắt đỏ, hiếm hoi, giá điện và xăng dầu tăng vùn vụt đã khiến người nông dân trở nên thụ động, hết đường tính.”
“Những cái chết oan xuất hiện. Một người tên Bé Miễn, sống ở Cái Răng, Cần Thơ, chia sẻ. “Hiện tại, với kiểu quản lý hết sức khắc khe về mặt chính trị nhưng lại thả lỏng về mặt an ninh xã hội, để cho việc cờ bạc, đĩ điếm, xì ke ma túy diễn ra một cách công khai ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm đã đẩy đời sống người dân lương thiện ở nơi đây đến chỗ bế tắc. Có những cái chết oan do cờ bạc, xì ke, tranh giành chỗ đi khách và bị công an “bắn nhầm” đã xãy ra trên mảnh đất miệt vườn này. Và theo chị Út Miễn, đây là chuyện chưa từng xãy ra, đồng thời cũng hết sức xa lạ ở Tây Nam Bộ thời Việt Nam Cộng Hòa.”
Quá đủ những đau lòng sót dạ trước những mất mát rất khó hàn gắn của “văn minh miệt vướn” ở Miền Tây Nam Việt. Nghiên cứu về văn minh của Loài Người nhận thấy nơi nào có dòng sông lớn thường phát sinh một nền văn minh. Sông Hoàng Hà với nền văn minh Trung Hoa; Sông Gange (Hằng Hà), sông Indus văn minh Ấn Độ; sông Euphrate, Tigris văn minh Lưỡng Hà châu, với Ba Tư xứ của Một Ngàn Lẽ Một Đêm chuyện kể không hết, và sông Nile văn minh Ai cập với các mộ tháp đã từng ngạo nghễ soi bóng trên sông Nile trước Chúa Jesus Christ giáng sinh hơn 3.000 năm.
Miền Tây cũng có thể nói là cái nôi của văn minh Miệt Vườn với Sông Tiền, Sông Hậu hai nhánh của Sông Cửu Long. Con người và cuộc sống có một lối sống thật là dễ dàng, êm đềm và giản dị như người nông dân sau bữa cơm trưa ngoài đồng, gồm cá rau mát ruột, nằm dưới bóng cây mé vườn, gió hiu hiu “làm một giấc” vô cùng sung sướng.
Bây giờ nay còn đâu, văn minh Miệt Vườn ở Miền Tây Nam Việt “tư bề khốn khổ”, xã hội suy đồi, môi sinh ô nhiễm, đại đa số dân chúng bần cùng trên vựa lúa của cả nước. Mồ hôi của nông dân, bàn tay bàn chưn chay của nông dân tạo nên tên tuổi cho Việt Nam nước xuất cảng gạo hạng nhì trên thế giới, mà dân Miền Tây đâu có được hưởng gì.
Nông dân Miền Tây có làm mà chẳng có ăn. “Khu vực ĐBSCL dân số gần 18 triệu nơi cung cấp 90% lượng gạo và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.” Nhưng cuộc sống vô cùng khó khổ. Chính “báo đài” của Đảng Nhà Nước và cuộc hội nghị do Đảng Nhà Nước tổ chức ở Cantho [thời Pháp và Việt Nam Cộng Hoà được xem là Tây đô], nói; chớ không phải do báo chí hải ngoại của người Việt hải ngoại mà CS Hà nội thường chụp mũ là “lực lượng thù địch” nói nhé. “Báo điện tử Quân Đội Nhân Dân đưa tin sau 5 năm gia nhập WTO thu nhập bình quân đầu người ở 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng gần 2 USD/ngày so với mức 3,5 USD/ngày của cả nước. Đó là con số Nhà Nước hay khoa trương. Chớ theo phân tích của Việt Nam Net đưa lên mạng ngày 13/7/2011 thì nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu nhập chỉ khoảng 0,3 USD/ngày tức chưa tới 7.000đ/ngày.”Trời đất ơi, ngó xuống mà coi, Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng gốc gác Miền Tây về đây để thấy 7000$ một ngày, không đủ tiền mua gạo cho mình ăn để “tái tạo sức lao động”, chớ đừng nói nuôi gia đình, cho con cháu ăn học.
Ôi Miền Tây nay còn đâu. Miền Tây bị tàn phá môi sinh! Dân Miền Tây nghèo nàn, thất học!. Thê thảm cho trẻ em Miền Tây. Theo báo Lao Động trong nước ngày thứ Hai 5-3-2012 cho biết trình độ học vấn trung bình ở Miền Tây thấp hơn vùng khác, tỷ lệ trẻ em bỏ trường cao nhứt nước, tỷ lệ trẻ em chết đuối vì đi cầu khỉ qua sông rạch cao nhứt nước. Số dân chưa tốt nghiệp tiểu học của Miền Tây là 32,8%, cao nhất nước kể cả vùng sơn cước ở Miền Bắc. Miền Tây Thiệt Thòi Giáo Dục. Nếu ở đồng bằng sông Hồng ngoài Bắc, cứ khoảng 327.000 người dân là có một trường ĐH (bình quân cả nước khoảng 900.000 người) thì ở ĐBSCL, con số này lên tới 3,37 triệu. Tỉ lệ tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ… của ĐBSCL cũng còn quá thấp…
Trẻ thì thiệt thòi như vậy, lớn thì bị bọn cướp ngày là quan” gồm cán bộ đảng viên mọi ngành nghề cấu kết với bọn tài phiệt ngoại bang “thi đua” lợi dụng chính sách qui hoạch của Đảng Nhà Nước lấy đất của dân đền bù rẻ mạt và bán lại giá cao gấp 40 lần là chuyện cơm bữa ở Miền Tây.
Con số báo Lao Động nêu lên thấy mà hết hồn. Tại TP Cần Thơ ngày xưa người Việt thường gọi là Tây Đô với một thành phố không có bao nhiêu đất ruộng rẫy như thế mà từ năm 2006 đến 2010 các quan chức đã nuốt hết 6.000 mẩu tây đất trồng lúa và còn dự trù giảm thêm 1.800 ha đất nông nghiệp nữa, trong đó có 1.100 ha đất lúa.
Nông dân lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch của bọn cướp ngày là quan. Quan quốc doanh mua gạo xuất cảng (danh từ CS gọi là xuất khẩu) ép gía lúa gạo để lời nhiều. Quan quốc doanh độc quyền nhập cảng và độc quyền cho giá phân bón, thuốc trừ sâu.
Với tình hình bi thảm như trên hỏi Miền Tây của văn minh Miệt Vườn làm sao còn, dân Miền Tây làm sao sống?! (Vi Anh)

Về việc dùng “dự trữ ngoại tệ” của NHNN

Về việc dùng “dự trữ ngoại tệ” của NHNN
Tác Giả: Vũ Quang Việt - Diễn Đàn – 8 May 2015
Đọc tin chính phủ đề xuất Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho vay dự trữ ngoại tệ làm ngân sách mà giật mình, dù chỉ là đề xuất nghiên cứu.
Việc chính phủ yêu cầu ngân hàng nhà nước lấy dự trữ ngoại tệ cho chính phủ vay không khác gì chính phủ bảo NHNN in tiền mua ngoại tệ vào, rồi đưa ngoại tệ đó cho chính phủ sử dụng và qua đó nhận được một đống giấy nợ của chính phủ (dưới hình thức trái phiếu).
Khi đã đưa dự trữ ngoại tệ cho chính phủ thì chúng không còn là dự trữ ngoại tệ nữa vì dự trữ ngoại tệ được định nghĩa là tài sản ngoại tệ nằm trong tay NHNN mà NHNN, vào bất cứ lúc nào, cũng có thể biến thành tiền mặt và sử dụng để điều phối cung cầu ngoại hối và giá ngoại hối trên thị trường nhằm phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu và trả nợ.
Yêu cầu trên của chính quyền có thể vừa làm mất quyền quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước, vừa có nguy cơ làm nền kinh tế mất ổn định .
Tại sao?
1. In tiền để mua ngoại tệ trên thị trường: ảnh hưởng đến lạm phát tùy mức độ phát hành tiền. Tổng cung tiền (M2) cuối năm 2013 là 209 tỷ US (tương đương). Nếu mượn khoảng 20 tỷ có nguy cơ làm tăng giá thêm 5% nếu kinh tế chỉ tăng được 5%. NHNN để trung lập hóa hành động in nêu trên thì phải phát hành trái phiếu để thu hồi tiền về. Liệu NHNN có khách hàng sẵn sàng mua trái phiếu NHNN không? Từ năm 2006 đến nay kinh tế Việt Nam trở nên bất ổn với lạm phát cao cũng vì chínhh sách in tiền cung cấp tín dụng nhằm đạt tốc độ GDP cao của chính quyền.
2. Vơ vét ngoại tệ trên thị trường sẽ gây áp lực làm tăng hối suất; việc này sẽ làm hàng Việt Nam càng thêm mất tính cạnh tranh.
3. Ảnh hưởng cộng hưởng của hai hành động in tiền và vơ vét ngoại tệ sẽ làm hối suất mất giá ở mức lớn hơn, bởi vì ngân hàng nhà nước chỉ có thể mua ngoại tệ bằng cách in tiền đồng.
Tất nhiên có một cách khác là NHNN có thể phát hành trái phiếu ngoại tệ nhưng điều này đâu có khác gì việc chính Bộ Tài chính phát hành trái phiếu ngoại tệ, tức là mượn tiền ngọai. Tôi chắc là để có người mua, lãi suất trái phiếu ngoại tệ phải cao và cần có bảo đảm của nhà nước. Và như thế chẳng khác gì việc nhà nước đi vay thẳng nước ngoài như đã từng làm.
Tuy nhiên tại sao lại có hiện tượng kỳ quái là chính quyền yêu cầu NHNN làm điều trên? Có lẽ họ đơn giản nghĩ rằng ra lệnh cho NHNN in tiền mua ngoại tệ rồi đưa cho mình tiêu thì là tiền chùa, khỏi trả lãi, mà cũng chẳng phải trả vốn.