Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Doanh nhân : giai cấp bóc lột mới

Nguồn : Vững Đại Phát

Nhóm phóng viên RFA tường trình từ Việt Nam (15/7/2013)
Giới chủ than thở
Trong lúc kinh tế Việt Nam đang trên đà xuống dốc, hàng loạt doanh nghiệp phá sản và nợ ngân hàng rơi vào khủng hoảng đen. Nhiều doanh nhân Sài Gòn thừa nhận rằng với đà này, đồng lương của người lao động sẽ bị bóp nhỏ lại và rất có thể, với tình hình mọi khoảng tiền thuế, dịch vụ sản xuất cũng như chung chi ngày càng tăng, nguy cơ họ phải sa thải lao động hoặc trở thành giai cấp bóc lột mới là rất có thể.
Ông Cương, chủ một doanh nghiệp làm bánh tráng xuất khẩu với hơn một trăm lao động ở Củ Chi, Sài Gòn than thở với chúng tôi rằng hơn một năm nay, mọi thứ vật gía cứ thi nhau leo thang, từ củi, dầu, than cho đến lương thực, xăng cộ và điện, đó là chưa nói tiền thuế cũng nâng cao gấp rưỡi lần, dường như chi phí cho cơ sở sản xuất của ông đã tăng gấp ba lần. Nhưng sản phẩm của ông bán ra thị trường chỉ nhích hơn chưa đầy 20% giá trước đây. Doanh nghiệp của ông chỉ biết trông chờ vào thị trường địa ốc, trông chờ vào mấy chục lô đất.
Nhưng rồi những lô đất của gia đình ông cũng dần dần rớt giá, ông chỉ còn biết sản xuất cầm cự qua ngày, đợi tình hình khả quan hơn rồi tính tiếp. Nhưng để duy trì và trông chờ như thế, ông Cương không còn cách nào ngoài việc giữ nguyên mức lương nhưng giảm ngày công lao động và tăng giờ làm việc hoặc giảm bớt người làm nhưng lại tăng giờ làm việc.
Ông Cương cho biết, ban đầu, ông làm thế, có nhiều người lao động phản đối và bất bình, bỏ việc, nhưng không bao lâu sau đó, họ quay trở lại năn nỉ xin ông cho họ tiếp tục làm việc vì họ không thể tìm được chỗ làm khác. Và khi nhận những người lao động này vào làm việc trở lại, ông cũng gặp rất nhiều trở ngại trong vấn đề trả lương nhưng ông không thể từ chối được vì điều đó làm lương tâm ông khó chịu. Ông Cương bộc bạch rằng đôi khi ông thấy giới chủ bây giờ đã rơi vào tình thế bóc lột người lao động một cách thụ động mà không thể thoát ra được.
Đồng cảm với ông Cương, một chủ doanh nghiệp may với hơn hai ngàn công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình, Sài Gòn, tên là Phúc, chia sẻ với chúng tôi rằng thời giá bây giờ lên quá cao, đời sống chật vật, nhưng giới chủ chỉ biết im lặng mà cố gắng vượt qua nguy cơ phá sản chứ chẳng chia sẻ được gì với công nhân của mình. Mối bận tâm của ông Phúc hiện nay là không biết ông sẽ duy trì được công ty của ông đến bao lâu nữa vì đối tác nước ngoài đã ngưng nhập hàng gần hai tháng nay, ông đang phải trả lương bằng khoản tiền tích lũy được sau mấy năm sản xuất. Chỉ cần đình trệ xuất hàng trong vòng hai tháng nữa, công ty của ông Phúc buộc phải tuyên bố phá sản. Hiện nay, ông chỉ trả lương cho công nhân, mọi khoản thưởng và tăng ca đều phải cắt. Chính vì thế, công nhân sẽ rất khó khăn, chật vật.
Công nhân và giới chủ cùng gắng gượng chịu đựng Với giới chủ, việc đình trệ lưu thông hàng hóa, sản phẩm chỉ cần diễn ra trong một vài tháng thì vấn đề giải quyết tiền lương cho người lao động sẽ trở thành gánh nặng và nguy cơ. Còn với giới lao động, họ không hiểu nhiều về vấn đề kinh tế vĩ mô, họ chỉ cảm nhận nền kinh tế thông qua những đồng lương và bữa ăn trong gia đình, thông qua lít xăng đổ cho xe máy để đi làm.
Anh Khuyên, công nhân may ở khu công nghiệp Tân Bình, Sài Gòn, than thở với chúng tôi rằng chừng một năm trở lại đây, đời sống gia đình anh vô cùng ngột ngạt và khó chịu bởi mọi thứ giá cả đều tăng, bữa ăn bị nhín nhịn, eo hẹp, quần áo cho con cái cũng không dám sắm và chuyện đi uống một ly cà phê buổi sáng đã trở nên xa xỉ với anh. Vợ anh thường than thở tiền lương không đủ sống, tiền thuê phòng trọ thì mở mắt đã thấy tới tháng, tiền điện, tiền nước cũng tăng, chỉ cần dắt xe ra khỏi nhà là đã thấy tốn vài chục ngàn đồng để đổ xăng.
Nhưng, đồng lương của anh chị thì không tăng, tiền tăng ca cũng không có vì công ty không xuất được hàng, chỉ làm đúng ngày công lao động. Với mức lương ba triệu đồng một tháng, hai vợ chồng cộng lại được gần sáu triệu đồng sau khi khấu trừ mọi khoản tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và quĩ công đoàn. Cầm đồng lương trên tay, chẳng biết mua thứ gì, nhịn thứ gì.
Anh Tuấn, cùng làm chung hãng may với anh Khuyên, nhưng làm trong bộ phận quản lý của công ty, giải thích với chúng tôi thêm về tình hình hiện tại rằng thật ra, giới chủ nào hoạt động kinh doanh cũng đều nghĩ đến lợi nhuận, nó là kim chỉ nam, động lực để họ làm việc, kinh doanh, hoạt động. Nhưng điều đó không có nghĩa là giới chủ không quan tâm đến đời sống công nhân. Nghiệt nỗi, trong tình hình hiện tại, môi trường kinh doanh ở Việt Nam có lắm vấn đề nhạy cảm, trong đó, vấn đề cổ phần ma, cổ phần không hề có đầu tư của nhiều quan chức cấp cao cũng đã ngốn đi một khoản ngân quĩ rất lớn của doanh nghiệp, đó là chưa muốn nhắc đến các tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên, Hội Nông Dân… thỉnh thoảng ghé đến xin tiền theo kiểu kêu gọi ủng hộ các chương trình từ thiện, văn nghệ…
Một ông chủ hãng giày da trong khu công nghiệp Tân Bình, có số lượng công nhân trên sáu ngàn người, than thở với chúng tôi là ông thật sự đau đầu vì những cổ phần ma trong công ty ông, số lượng cổ phần ma của công ty ông lên đến mười sáu cổ phần, trong đó có mười cổ phần loại nhỏ cho các quan chức cấp phường, quận, thành phố và sáu cổ phần khủng dành cho các quan chức cao cấp. Ông chỉ nói là quan chức cao cấp nhưng không nói quan chức này ở cấp nào. Ông nói thêm là nếu như không gánh mười sáu cổ phần này, công ty ông sẽ đỡ được khoản tiền tương đương với nửa tháng lương cho sáu ngàn công nhân mỗi tháng. Nhưng không có cách nào dứt khỏi những cổ phần này.
Nhà doanh nghiệp này cho biết thêm là trừ những công ty nhỏ lẻ ra, hầu như toàn bộ các tập đoàn kinh tế tư nhân, lớn nhỏ gì cũng đều gánh từ mười cho đến vài chục cổ phần ma bởi trong quá trình thương lượng, thuê đất để thành lập công ty, họ bị buộc thế, nếu không xây dựng những cổ phần ma cho giới quan chức các cấp, sẽ khó mà đi vào hoạt động được.
Giá vàng đang xuống thấp, mọi thứ vật giá leo thang, mức lương thấp, vấn đề lưu thông hàng hóa đình trệ. Với người lao động, việc bán vài phân vàng tích lũy để cải thiện đời sống là cả một vấn đề nan giải, với giới chủ, việc tăng lương cho người lao động cũng hết sức khó khăn. Chính vì thế, hiện nay, giới chủ doanh nghiệp luôn bị có cảm giác mình trở thành giai cấp bóc lột mới nhưng chưa tìm được lối thoát cho vấn đề này.

Năm mươi điều đáng yêu của Việt Nam

Nguồn : Vững Đại Phát

Việt Nam quê hương tôi là một chàng lãng tử đã trải qua bao biến động đắng cay và tàn nhẫn của thời thế và lựa chọn; nhưng cũng là một cô gái tuổi 13 vừa theo cha mẹ lên chùa Hương với bao hy vọng xa và mộng ước gần.
Cân bằng trong tư duy và cảm xúc là một yếu tố cần thiết cho thanh bình nội tại. Mọi vật thể và sự kiện đều có 2 mặt phải trái và nếu quá tiêu cực hay tích cực trong nhận định, phải biết điều chỉnh để có một góc nhìn theo chiều sâu. Gần đây, tôi khá bi quan về môi trường sống ở đây, nhất là ảnh hưởng của cơn bão kinh tế và xã hội lên hành xử của con người. Người tha thiết muốn thay đổi thì bó tay, người có thể thay đổi thì dửng dưng. Chiếc xe cứ lao đầu về phía trước, không kiểm soát và tùy cho may rủi. Như thói quen, tôi ngồi xuống, để tâm hồn lắng đọng, thay đổi góc nhìn và viết lên 50 điều mình yêu thích về quê hương này:
1. Bãi Sao Phú Quốc trong mầu nắng nhạt của hoàng hôn
2. Những món hải sản của tiệm Gành Hào Vũng Tàu
3. Tiếng cười khúc khích của lũ trẻ em khi trượt cát ở Mũi Né
4. Mái tóc thề ngang tà áo tím qua cầu Tràng Tiền
5. Nhạc Trịnh Công Sơn những đêm về sáng
6. Những cánh diều của tuổi thơ trên ngọn đồi Đà Lạt
7. Đứng trên đỉnh Phan Xi Păng (Fansipan) nhìn lại thân phận con người
8. Tà áo dài mầu trắng của Như Loan trong phim Hè Muộn
9. Tiếng vọng cổ buồn đu đưa trên võng một trưa hè Long Xuyên
10. Mầu hoa phượng rực rỡ nơi cổng chùa Thiên Mụ
11. Tiếng ồn ào hàng quán buổi sáng thức dậy ở Sài Gòn
12. Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… và tất cả thơ tình của Nguyên Sa
13. Ngồi trên đống gạch của ngôi nhà thờ đổ nát ở Thanh Hóa (hay Hà Tĩnh?)
14. Nụ cười của người con gái Hà Nội qua hơi nóng bát phở một buổi sáng Hồ Tây
15. Nhìn quá khứ trôi nhanh trên con đò qua dòng sông Bến Hải
16. Những ngày cận Tết lau chùi lư hương cho bàn thờ tổ tiên
17. Chiếc xe LaDalat
18. Những chém gió vô hại và các nụ cười năng nổ cùng bạn bè đêm Quy Nhơn
19. Em tan trường về…đường mưa nho nhỏ…chim non dấu mỏ…dưới cội hoa vàng..
20. Quán ăn Eau Vive hoang buồn của tình yêu đầu đời
21. Chiều mưa rừng ngút ngàn trên Tây Nguyên
22. Co ro trong cái lạnh và sương mù của Sapa
23. Khuôn mặt nhăn nheo nhẫn nhục của bà mẹ Gio Linh
24. Tiếng đàn dương cầm khi qua phố cổ Hội An
25. Tranh của Tạ Tỵ
26. Chiều mưa sóng lớn qua phà xuyên sông Hậu
27. Căn nhà hoa bướm cạnh vườn Tao Đàn
28. Những cành hoa đào cùng em đội mưa xuân đến thăm anh
29. Đưa em về dưới mưa…nói năng chi cũng thừa…như mưa đời phất phơ…
30. Vườn cây trái Lái Thiêu khi hôn em lần đầu
31. Buổi ăn trưa và căn phòng ma ám ở Palace (Đà Lạt)
32. Bước chập chững đầu của con trên bãi cát biển Nha Trang
33. Tán gẫu trong chiều mưa với 17 cô gái bán hoa ở Đồ Sơn
34. Thư giãn buổi chiều ở Zen Spa
35. Cà phê định mệnh đêm nào ở Continental
36. Khách sạn Six Senses ở Côn Đảo
37. Chiếc đò chiều trên dòng sông Hương
38. Nhớ phim L’amant và những ngày… quên đất trời
39. Cười ra nước mắt với những…”ngây thơ” của đỉnh cao trí tuệ
40. Trận mưa lá me khi qua trường đại học cũ
41. Bữa cơm rau dưa ở Quảng Trị với bạn bè, gia đình
42. Chiều xuân có một người ngơ ngác đi tìm…hoa xoan bên thềm cũ..
44. Ngồi nghe chuyện tình của em trong chuyến tàu đêm qua Phan Rang
45. Tiếng hát Quang Lê và những ngày xưa thân ái
46. Tắm biển Lăng Cô nhìn lên đèo Hải Vân
47. Mặt trời soi bóng nhỏ dịu hiền…đã ngậm sầu ngang môi lắng im
48. Cô gái quê Tiền Giang cười khúc khích sau rặng cây cau
49. Hủ tiếu Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp – Sài Gòn
50. Hôn em đêm Noel bên Vương Cung Thánh Đường
Tôi có thể tiếp tục với 50 điều yêu thích khác; hay tôi cũng có thể để tâm tư quay lại một góc cạnh khác, viết thêm 50 điều tôi không ưa về Việt Nam. Nhưng đó là tư duy và cảm xúc cho một ngày khác. Tôi trân trọng những ân phúc Trời cho và tôi biết ơn những người quen kẻ lạ đã để lại những dấu ấn tuyệt vời trong tâm hồn mình.
Mỗi người đều hưởng nhận những may mắn đến cho cuộc sống, nhiều hay ít; nhưng cái may mắn lớn nhất là nhận diện ra được cái may mắn của mình. Việt Nam quê hương tôi là một chàng lãng tử đã trải qua bao biến động đắng cay và tàn nhẫn của thời thế và lựa chọn; nhưng cũng là một cô gái tuổi 13 vừa theo cha mẹ lên chùa Hương với bao hy vọng xa và mộng ước gần. Tình yêu tuổi măng tre và khôn ngoan của tóc bạc tạo nên một phiên khúc nhạc không kém Blauen Donau của Johann Strauss.
T.S Alan Phan
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
Các bài viết liên quan:
Hai mươi câu hỏi dành cho TS. Alan Phan
Tiến Sĩ LÊ ĐĂNG DOANH: Hãy để kinh tế nhà nước cạnh tranh bình đẳng!
DN Mỹ đang có nhiều cơ hội đầu tư dài hạn tại Việt Nam
Những điều giản dị
Điều đó sẽ không xảy ra

Buôn Mê Thuột: Một chút gì để nhớ

Nguồn : Vững Đại Phát

bài đăng 15/4/2012
Nhưng tôi tin họ sẽ thành công. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn sự quyết tâm cầu tiến của thế hệ trẻ. Bởi vì thiên nhiên và tuổi trẻ luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng.
Tôi đến BMT lần đầu vào 1969. Thị trấn nhỏ, nhiều sương mù, những con đường đất đỏ, người dân Ê Đê hiền lành, không khí có chút đìu hiu, thỉnh thỏang bị cắt quãng bởi những tràng đại pháo của các cuộc chiến lẻ tẻ chung quanh. Một anh bạn thơ gọi BMT là Buồn Muôn Thuở. Có lẽ vì ánh mắt long lanh sẵn sàng nhỏ lệ của những tà áo dài trắng e ấp đằng sau những đồi xanh bạt ngàn.
Sau 43 năm, tôi trở lại với một BMT đã trưởng thành (hay già đi). Dân số đã lên khoảng 2 triệu người, phần lớn là những người Kinh xông xáo đến lập nghiệp từ khắp xứ, nhà cửa mọc lên san sát, nhiều dấu hiệu của sung túc (siêu thị, đồ chơi điện máy, quán ăn nhậu, xe cộ…); nhưng vẫn giữ được những nét thanh bình giản dị của một thị trấn nhỏ. Bướm trắng bay đầy trong nắng sớm, tiếng ve sầu vang vọng suốt buổi trưa và chiều mưa Tây Nguyên lành lạnh tâm hồn. Bướm bay tìm ai, ve kêu gọi gì và mưa khóc ngày xưa? Dù thế nào, BMT vẫn là một nơi dễ thương và gợi nhiều cảm xúc.
Vũ Trung Nguyên
Ngày đầu ở BMT, tôi được mời đi thăm dự án “Cụm ngành cà phê” của Trung Nguyên ở E-Tun. Một dự án đem công nghệ mới từ Israel và vài hợp tác quốc tế để gia tăng năng suất cho nông dân. Anh Vũ đã đề xướng và phát động hơn 10 nãm nhưng kết quả vẫn còn lừng chừng. Văn hóa cà phê mà anh đang theo đuổi qua bảo tàng cà phê, làng cà phê và các hoạt động khắp nơi của Trung Nguyên đã khiến tên tuổi anh đồng nghĩa với thủ phủ cà phê này. Đây là một góc cạnh mới mà tôi mới biết, một Đặng Lê Nguyên Vũ kiên trì nhẫn nhục với mục tiêu của mình. Một người bạn khác cho biết là bạn học cũ ở trường Y với Vũ. Vậy Vũ còn là một bác sĩ đã bỏ nghề 15 năm trước để dấn thân vào kinh doanh. Anh khởi nghiệp khiêm tốn với nghề bỏ mối cà phê và phát triển xây dựng đế chế Trung Nguyên hàng đầu ngày nay. Rất đáng phục.
Vườn uơm giống Macadamia
Tôi nói về những loại cây trái đặc thù trên thị trường thế giới mà nông dân Việt có thể trồng với số lượng nhỏ nhưng sẽ đem một lợi tức đáng kể, thay vì bầy đàn theo cà phê hay cao su. Tôi đơn cử một thí dụ về quả macadamia trồng ở Hawaii và Úc với giá trị kinh tế gấp 10 lần đậu phọng. Các bạn trẻ liền liên hệ để tôi thăm viếng một cơ sở ươm giống của anh Tùng và gia đình. Gọi đơn giản là Mắc Ca, anh Tùng và giáo sư Hoàng Hòe đã được cơ quan nông nghiệp Úc hổ trợ để giới thiệu việc trồng Mắc Ca tại Tây Nguyên. Sau 5 năm, cơ sở đã thành công ươm 26 loại cây giống để bán cho nông dân và hy vọng trong 5 năm tới sẽ có hơn 3,000 hectares canh tác Mắc Ca.
Cùng với mô hình công nghệ mới do Trung Nguyên đề xướng, và những sáng tạo về sản phẩm, cũng như cách tiếp cận thị trường qua thương hiệu và giao dịch sàn, đây là hướng đi của chương trình “đem văn minh về cho nông thôn” như tôi vẫn kêu gọi (thay vì đem dân lên các ổ chuột của thành phố lớn). Chắc chắn không phải nông thôn với hình ảnh các ngài “lý trưởng” hống hách bóc lột của những ngày đầu thế kỷ 20; mà là nông thôn hiện đại hiền hòa theo truyền thống cùa Lạc Việt vào thời Internet .
Đại Học Tây Nguyên
Trưa thứ sáu, các đại diện sinh viên đến thăm và cho biết giờ chót chánh quyền tỉnh đã rút giấy phép tổ chức buổi nói chuyện của tôi về tài chánh cá nhân tại Đại Học Tây Nguyên. Một anh bạn nói nguyên nhân có lẽ là do anh ta thông báo có đến hơn 1,200 sinh viên đăng ký tham dự. Sợ một ông già phân tích về hướng nghiệp và kinh tế cho hơn ngàn bạn trẻ? Các bác vẫn thiếu tự tin quá.
Nhưng không hề gì. Kiến thức và tư duy của nhân loại hiện đang nằm trên “đám mây”. Bạn nào muốn nắm bắt để tiến bộ và sáng tạo vẫn là một vụ việc khả thi và dễ dàng. Chỉ tội cho một số anh em (Tiến, Thắng, Bình…) đã vất vả đi từ Saigon lên để mong gặp và nghe “chú”. Phải ghi nhớ tên các anh và đền bù sau vậy.
Hội thảo cà phê
Sáng thứ bẩy, tôi trình bày cùng các nhà đầu tư, các quan chức điều hành sàn cà phê và những doanh nhân, nông dân về tổng quan của một sàn giao dịch hàng hóa đúng chuẩn quốc tế. Tôi tiên đoán là trong 10 năm nữa, sàn hàng hóa sẽ lớn hơn sàn chứng khoán vì những đặc thù của nền kinh tế và suy nghĩ khác biệt của các nhà đầu tư Việt. Muốn hoàn tất mục tiêu này sớm hơn, các quan chức cần thay đổi tư duy về luật lệ và thực thi; cũng như phải nhớ rằng để có thanh khoản cho giao dịch và người chơi; sàn cần sự minh bạch, độc lập và đáp ứng được luật cung cầu tự nhiên của thị trường.
Vài suy nghĩ khi rời BMT
Từ máy bay nhìn xuống những vườn cà phê của BMT, tôi lại nghĩ về cái đồn điền cà phê nhỏ tôi mua ở Costa Rica 22 năm trước. Dù chỉ có 6 hectares và 9 nhân viên, mỗi năm chúng tôi đã thu hoạch hơn 7 tấn mỗi hectare. Tất cả các con đường phía trong đều được trải nhựa hay đá rất ngăn nắp sạch sẽ. Cơ giới được sử dụng tối đa. Hiện nay, nông dân Việt vẫn loay hoay với sản lượng hơn 2.5 tấn mỗi hectare, và cảnh quan của đồn điền cũng như phương thức canh tác vẫn không khác gì thời Pháp thuộc. Anh Vũ Trung Nguyên và các chuyên gia Do thái đang khuyến khích việc tưới cây và cho phân bón nhỏ giọt vào từng gốc, nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi đó, năm 1972, chúng tôi đã giới thiệu kỹ thuật này cho các nhà vườn trái cây quanh Biên Hòa.
Tôi cũng thắc mắc là dù với đất đai rộng rãi, người dân vẫn xây nhà sát nhau, không quy hoạch, ngay ngoài mặt lộ để “vui hưởng” khói bụi và tiếng ồn? Ai đã thăm các vùng nông thôn Âu Mỹ luôn phải trầm trồ về những biệt thự lớn rộng,với những khu vườn mênh mông hoa trái và cảnh thái thanh bình của thiên nhiên bao quanh. Họ đã sống như vậy cả hai, ba trăm năm trước, khi thế giới còn rất nghèo đói về vật liệu xây dựng cũng như số lương kiến trúc sư. Văn hóa có thể giải thích điều này?
Nhưng nói chung, người dân và môi trường sinh thái của BMT vẫn gây nhiều ấn tượng. Cùng nhau, họ đang tự khám phá mình và tìm hướng phát triển hài hòa. Trong khi các thế hệ cha anh đã phá rừng đập núi để bán tháo những tài nguyên thiên nhiên, thì một lớp trẻ khác như chị Loan, anh Chiến…đang nổ lực khắc phục và tái tạo môi trường với sự giúp sức của các nhà nghiên cứu nông nghiệp trong và ngoài nước. Trong khi các quan chức vẫn bo bo ôm lấy đống kiến thức thời tiền chiến (1945), thì các anh chị em sinh viên đang tìm tòi học hỏi về thế kỷ 21 của công nghệ số với một tâm huyết vượt xa các bạn đồng môn ở những thành phố lớn. Họ sẽ phải đối diện với rất nhiều rào cản đóng khung trong một tâm trạng ù lì của giới còn quyền lực.
Nhưng tôi tin họ sẽ thành công. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn sự quyết tâm cầu tiến của thế hệ trẻ. Bởi vì thiên nhiên và tuổi trẻ luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng.
T/S Alan Phan
15/4/2012
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Alan Phan, Chủ tịch HĐQT quỹ đầu tư Viasa Fund: Bỏ cuộc trước khi tới đích là thất bại

Nguồn : Vững Đại Phát

Friday 12 March 2010
Thượng Tùng thực hiện
Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund, là một doanh nhân giàu kinh nghiệm với hơn 40 năm lăn lộn trên thương trường quốc tế. Năm 1987, ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty của mình là Hartcourt niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Năm 1999, thời điểm thị giá của Hartcourt là 670 triệu USD, cũng là lúc ông quyết định rời công ty, tập trung lấy hai bằng tiến sĩ tại Mỹ và Anh, rồi thành lập quỹ đầu tư gia đình Viasa năm 2001, đặt trụ sở tại Hồng Kông. Hiện tổng danh mục đầu tư của quỹ này là 62 triệu USD. Giờ đây, dù đã sang tuổi 65, nhưng người đàn ông này vẫn xuôi ngược, mê mải với công việc làm ăn.
Sau bảy năm du học tại Hoa Kỳ theo chương trình học bổng của UNSAID, Alan Phan trở lại Sài Gòn năm 1970. Ngoài công việc giảng dạy tại Trường Kỹ thuật Phú Thọ, ông còn tham gia thành lập một số công ty liên doanh với nước ngoài, như Dona Foods, Foremost Dairies (nay là Vinamilk), Mekong Can,… với hơn 18 ngàn nhân viên. Sau ngày đất nước thống nhất, các cơ sở kinh doanh của ông đều bị sung công. Bỏ lại tất cả, ông qua Mỹ với vỏn vẹn 400 USD trong túi. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu từ cột mốc này. Ông nói:
Lần thứ hai qua Mỹ, tôi làm việc cho Công ty đa quốc gia Eisenberg, rồi chuyển qua Polaris Leasing – một công ty con của GE Capital, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay. Đặc thù công việc đòi hỏi tôi phải di chuyển liên tục, bởi trung bình mỗi quốc gia chỉ có một đến hai hãng máy bay. Năm 1983, tức là sau tám năm đi làm thuê, tôi quyết định ra riêng, thành lập Hartcourt, phần vì quá mệt mỏi, phần khác vì cũng muốn thử sức mình.
Lần thử sức đó như thế nào?
Chúng tôi liên doanh với Magic Marker, xây dựng một nhà máy sản xuất bút ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án này không thành công. Đến năm 1987, chúng tôi đưa Hartcourt lên sàn chứng khoán Mỹ, để gây vốn. Nhờ vậy, chúng tôi mua lại một công ty ở Mexico, chuyên cung cấp hộp cáp tivi cho General Instrument, công ty con của Motorola. Sản phẩm của chúng tôi chiếm 70% thị phần Hoa Kỳ, doanh thu rất cao, nhưng phần lời không đáng kể, nếu không muốn nói là rất thấp. Làm gia công ở đâu cũng vậy thôi, người ta chỉ trả cho mình một khoản tiền đủ giúp mình tồn tại, để tiếp tục nai lưng ra làm.
Có vẻ như câu chuyện gia công đang được tái hiện tại Việt Nam. Gần đây, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hiệu quả thấp nhất về hai phương diện: sử dụng lao động và công nghệ?
Tôi nghĩ tình trạng dòng FDI đổ vào Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Trung Quốc cách nay 15 năm. Đó là một tiến trình mà mình phải chấp nhận. Mối quan tâm duy nhất của các nhà đầu tư là hiệu quả của đồng vốn. Khi công nghệ lạc hậu, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ tự khắc phải điều chỉnh, tăng cường đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vốn nước ngoài cần thiết cho nền kinh tế. Việc kiểm soát FDI, theo tôi, chỉ nên căn cứ trên hậu quả từ hoạt động của doanh nghiệp đối với môi trường. Đây cũng chính là cái giá Trung Quốc phải trả cho quá trình tăng trưởng kinh tế của mình.
Ông có thể nói rõ hơn…
Tôi nghĩ nên tiếp cận những con số Trung Quốc công bố từ nhiều phương diện. Thế giới rất ấn tượng với con số 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Nhưng theo một bài báo mà tôi đọc cách nay ít bữa, thì để khôi phục lại môi trường, quốc gia đông dân nhất hành tinh này cần khoảng 2.500 tỉ USD. Do đó, tiên lượng được cái giá phải trả là vô cùng quan trọng đối với chính phủ trước khi đưa ra những quyết sách.
Nói tiếp dự án của chúng tôi tại Mexico. Năm 1994, nhận thấy hiệu quả kinh tế thấp từ việc gia công cho General Instrument, chúng tôi bán nhà máy, quay lại thị trường Trung Quốc, đầu tư vào ngành công nghệ thông tin do sự xuất hiện của Internet.
Tại sao không phải là Mỹ, một thị trường có hạ tầng tốt hơn?
Nhận diện lợi thế cạnh tranh của mình là một yếu tố rất quan trọng đối với tôi khi kinh doanh. Thị trường công nghệ thông tin ở Mỹ cạnh tranh rất khắc nghiệt. Còn Internet ở Trung Quốc lúc đó còn đang trong giai đoạn phôi thai, mới có khoảng 10 triệu người sử dụng Internet. Đến năm 1999, dưới Hartcourt đã thành lập được mười mấy công ty nhỏ, kinh doanh nhiều lĩnh vực, từ giáo dục cho đến mua bán qua mạng…
Tuy nhiên, thất bại của tôi là không kết hợp được các công ty con lại với nhau, tạo thành sự cộng hưởng, nên không cạnh tranh được với một số công ty nội địa. Họa vô đơn chí, đúng lúc đó “bong bóng Dot-com” (bong bóng cổ phiếu của các công ty công nghệ cao – PV) vỡ, tài chính khó khăn, còn Hartcourt vướng vào vụ kiện tụng với Sở Giao dịch Chứng khoán New York… buộc tôi tái cấu trúc Hartcourt thành năm công ty nhỏ, tiếp tục niêm yết trên sàn Mỹ trước khi thoái vốn. Năm 2001, tôi thành lập Viasa Fund, đặt trụ sở tại Hồng Kông.
Có vẻ như ông rất ưu ái thị trường Trung Quốc?
Tôi đầu tư vào Trung Quốc vì thời gian còn làm việc cho Eisenberg, tôi đã lăn lộn ở thị trường này và gầy dựng được một số mối quan hệ. Tôi cũng biết người Trung Quốc rất giỏi làm ăn, đặc biệt là tinh thần doanh nhân của họ, rất ghê gớm. Tôi đã chứng nghiệm được điều này khi bán nhà máy ở Mexico, đầu tư vào Trung Quốc năm 1983. Dù bị chính quyền kiểm soát gắt gao nhưng họ vẫn vượt khó để làm ăn thành công.
Tinh thần doanh nhân mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng. Nhưng kinh tế thị trường cũng là một xu hướng không thể kiềm hãm?
Không có kinh tế thị trường thì không có sự phát triển. Nói cho cùng, con người là sinh vật tham lam. Sự tham lam đó hình thành trong lịch sử phát triển của loài người, trở thành bản chất cố hữu, không thay đổi. Một nền kinh tế không phải thị trường, dù có hiệu quả, thì cũng chỉ là tạm thời, sớm hay muộn cũng bị chôn vùi. Cũng chính sự tham lam đó là lý do khiến kinh tế thị trường phát triển mạnh. Thế nên, nếu tạo điều kiện để sinh vật này tự làm giàu cho mình thì nó sẽ có rất nhiều sáng tạo. Còn nếu kiềm hãm, định hướng, lao động cho người khác hưởng thì người ta chỉ làm chiếu lệ mà thôi.
Tôi nói giỡn với mấy người bạn Mỹ rằng đáng ra người Mỹ phải dựng tượng ông Mao Trạch Đông. Nhờ ông ấy kiềm hãm kinh tế Trung Quốc hơn 40 năm nên Mỹ mới có điều kiện để phát triển. Chứ nếu thả ra cho tự do kinh doanh như Hồng Kông thì bây giờ Trung Quốc đã là bá chủ thế giới.
Một số ý kiến cho rằng việc Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian…
Tôi tin rằng chừng nào còn duy trì một nền kinh tế chỉ huy thì Trung Quốc không thể trở thành siêu cường như mong muốn của họ. Cũng giống như xe hơi, một người nhấn ga, một người đạp thắng thì chiếc xe chắc chắn sẽ vận hành một cách xộc xệch.
Trong lời đề tựa cuốn sách Niêm yết sàn Mỹ, ông viết: “Thực sự, niêm yết sàn Mỹ dễ hơn sàn Việt từ phí tổn đến thời giờ”. Hai yếu tố này là lý do khiến sàn Mỹ thu hút được nhiều công ty niêm yết?
Lý do khiến sàn Mỹ hấp dẫn các công ty niêm yết là bởi tính thanh khoản cao. Còn thủ tục đơn giản là do cách tư duy của Chính phủ Mỹ. Họ chỉ quan tâm chuyện duy nhất là các công ty niêm yết phải trung thực và minh bạch, đồng thời tạo môi trường khuyến khích sự minh bạch sinh sôi nảy nở. Mọi doanh nghiệp niêm yết nếu bị phát hiện có hành vi gian dối, bớt xén hoặc cung cấp thông tin sai lệch đều bị trừng phạt rất nặng, thậm chí truy tố. Việc phát hiện hành vi gian dối khá dễ dàng. Bởi ngoài hàng trăm, hàng ngàn cổ đông, việc giám sát doanh nghiệp niêm yết còn có sự góp mặt của các chuyên gia phân tích với sự tiếp tay nhiệt tình của báo chí… Nói nôm na là trong một căn phòng đèn đuốc sáng choang, mọi người dòm ngó lẫn nhau, thì việc che giấu những hành vi gian lận là rất khó. Mọi người cùng hướng tới sự minh bạch vì sự minh bạch mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Sau hơn ba thập niên bươn chải ở nước ngoài, ông quay lại Việt Nam thành lập Công ty Thông tin Tài chính Vi Phi (Vifinfo). Ông nhìn thấy cơ hội gì từ thị trường này?
Nhiều năm qua, tôi vẫn thường xuyên về thăm quê hương. Ở đây, tôi còn nhiều bà con, bạn bè. Thỉnh thoảng, tôi cũng có những khoản đầu tư nho nhỏ theo lời khuyên của một vài người, nhưng phần lớn đều không thành công. Tôi muốn nghiên cứu thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng thay vì mua lại thông tin thì chúng tôi thành lập Vifinfo để tự nghiên cứu và đánh giá. Chúng tôi xây dựng một website về chứng khoán, bán terminals, phần mềm có thông tin nghiên cứu cho các nhà đầu tư cần, và tham gia sản xuất tạp chí Thị trường Chứng khoán mỗi tháng một số. Vifinfo hiện vẫn đang lỗ.
Lỗ nhiều không, thưa ông?
Chúng tôi đã đầu tư khoảng 1,2 triệu USD và đến thời điểm này, vẫn chưa thu được một đồng lời. Chừng nào chịu hết nổi thì tôi buông. Nhìn chung, khoản đầu tư này khá khiêm tốn trong tổng danh mục đầu tư của quỹ Viasa Fund và cũng không phải là vấn đề sinh tử. Thực ra, hoạt động kinh doanh của tôi chủ yếu vẫn là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Về phần mình, tôi cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường này.
Tức là ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình tình huống thất bại?
Trong hơn 40 năm đi làm, tôi chưa thấy một trường hợp nào thành công một cách êm thắm. Ông Eisenberg, Chủ tịch Tập đoàn Eisenberg, có nói một câu mà tôi nhớ hoài: “Khi anh bị té thì cố gắng ngửa mặt lên. Chừng nào anh còn ngẩng mặt lên thì anh còn có thể trỗi dậy”. Thực tế là tôi cũng đã một vài lần trắng tay, nhưng không xem đó là thất bại.
Vậy thì, với ông, như thế nào mới là thất bại?
Với tôi, bỏ cuộc trước khi tới đích là thất bại. Tôi chưa bỏ cuộc nghĩa là tôi chưa thất bại.
Còn sự thành công?
Tôi quan niệm một người thành công trong cuộc sống phải hội đủ sáu yếu tố. Thứ nhất là có sức khỏe. Thứ hai, trí tuệ đầy đủ. Thứ ba, tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt. Thứ tư, tâm linh mình được thanh nhàn, êm ả, hòa hợp với vũ trụ, với đấng tối cao nào đó. Thứ năm, trả ơn xã hội bằng những đóng góp thiết thực. Sau cùng, có tài sản vật chất đầy đủ. Thiếu bất kỳ yếu tố nào trong sáu yếu tố này thì chưa phải toàn vẹn.
Có cầu toàn quá không?
Đúng là khó ai có thể đạt được sáu yếu tố này một cách trọn vẹn. Một ngày thành công và hạnh phúc là ngày mình cải thiện được một vài yếu tố trong đó. Còn ngày nào không có sự cải thiện thì là một ngày vô dụng. Tức là so sánh mình ngày hôm nay với ngày hôm qua.
Từ giác độ của một nhà đầu tư, ông đánh giá thế nào về môi trường làm ăn ở Việt Nam hiện nay?
Việt Nam khá giống với Trung Quốc cách nay 15 năm, vẫn đang dùng dằng giữa thể chế kinh tế thị trường và kinh tế chỉ huy của Nhà nước. Sự không rõ ràng này khiến các nhà đầu tư nước ngoài không tiên liệu hết được rủi ro khi cần ra những quyết định quan trọng, khiến việc kinh doanh bị chi phối quá nhiều bởi yếu tố may rủi. Đó là vấn đề khiến các nhà đầu tư e ngại nhất. Còn Trung Quốc thì rõ ràng hơn. Viễn thông, xuất bản, quốc phòng hay những lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội như điện, nước… vẫn do Nhà nước độc quyền kiểm soát. Nhưng các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghệ cao, ngân hàng… thì được phép hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường. Việt Nam chưa được như vậy.
Nếu cần một khuyến nghị để thu hút FDI, ông sẽ nói…
Trung bình mỗi năm các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân khoảng 70 – 100 tỉ USD vào các dự án tại Trung Quốc. Trong khi đó, những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ hiện nay đã thu hút được khoảng 1.000 tỉ USD. Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra được điều này nên họ có nhiều động thái khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch nước ngoài. Xét cho cùng thì đây cũng là một hình thức thu hút đầu tư nước ngoài. Dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong cải cách hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho những nhà đầu tư nhưng để mang vốn đầu tư vào Việt Nam, họ vẫn phải vượt qua rất nhiều rào cản, chờ dự án được phê duyệt, rào cản pháp lý…, khiến tốn kém về thời gian và chi phí. Trong khi đó, nếu công ty Việt Nam niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế, nhà đầu tư có thể dễ dàng đầu tư vào trong năm giây đồng hồ, bằng cách mua cổ phiếu của công ty. Vấn đề thứ hai, cũng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, là tốc độ thoái vốn. Khi cần rút vốn, nhà đầu tư cũng chỉ cần một thao tác là đặt lệnh bán cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ đang nắm giữ. Thêm nữa, một công ty đã niêm yết, thí dụ như sàn Nasdaq, thì bản thân doanh nghiệp cũng không cần phải mất thì giờ tìm kiếm, trình bày, thuyết phục… các nhà đầu tư.
Một vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là liệu Chính phủ Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát ở mức 7% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ông thấy sao?
Tôi luôn hoài nghi về những con số, chỉ số mà các chính phủ công bố, không riêng gì Việt Nam. Cũng giống như việc chi tiêu của một gia đình, kiếm được năm đồng mà xài mười đồng thì chắc chắn phải mang nợ, không gặp rắc rối hôm nay thì ngày mai sẽ gặp rắc rối, mặc dù trong ngắn hạn có thể vay nợ chỗ này chỗ khác. Mỹ là một trường hợp điển hình. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang xài quá nguồn thu của mình. Việc này là một lối tự sát từ từ.
Ngoài công việc kinh doanh, được biết ông còn tham gia giảng dạy tại hai trường đại học Fudan và Tongji ở Trung Quốc. Đi dạy học với ông là…
Giờ dạy của tôi rơi vào ngày cuối tuần nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Thực ra, lý do khiến tôi đi dạy là để học.
Học gì?
Đi dạy là dịp để tôi phải hệ thống lại kiến thức cũ, đồng thời mình phải nghiên cứu, phát triển thêm. Sau khi tham gia vài ba khóa, hiện tôi đã chấm dứt công việc này.
Vì hết cái để học?
Thành thực, tôi không thích sinh viên châu Á vì họ thường rất thụ động. Vào lớp là nghe thầy giảng từ đầu đến cuối, trong khi tôi đòi hỏi sinh viên phải đọc sách trước khi tới lớp. Thông thường, tôi chỉ dành khoảng 20 phút để giải thích những vấn đề mà họ không hiểu, thời gian còn lại để dành cho sự tranh biện. Sách chưa chắc đã đúng, những gì tôi hiểu chưa chắc đã đúng. Muốn học có hiệu quả thì phải có sự tranh biện. Chính sự thụ động của sinh viên khiến tôi hết hứng thú.
Cách nay hơn 40 năm, ông cũng là sinh viên Á Đông?
Hoài nghi là một phẩm chất cần thiết để tiến xa trên con đường học vấn. Tôi thích sự tranh biện vì nó tạo ra sự kích thích về trí tuệ, chứ không phải vì tôi ương bướng. Vì vậy nên thời đi học, tôi được một số thầy rất thích, nhưng cũng có một số thầy không thích.
Gác lại chuyện công việc. Người ta nói biết làm thì cũng phải biết chơi. Còn ông thì sao?
Tôi cũng ham chơi. Những thú chơi của tôi khá đơn giản. Một buổi chiều thư thả ngồi nghe những bản nhạc cổ điển mình yêu thích, đọc một cuốn sách, đi bơi, lang thang vô rừng hoặc đi ăn với bạn bè là đủ vui. Những thú chơi không tốn kém, làm tôi tự tin hơn, bởi ngay cả những khi túng quẫn nhất, tôi vẫn có thể chơi hoài.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Chút Tình Riêng Về Miền Sơn Cước

Nguồn : Vững Đại Phát

Tưởng N Tiến – 21/6/2014 Theo Blog STTD – TNT
Chẳng hiểu em nói cái gì
nhìn môi một cụm xuân thì cũng thương
em xinh như đóa hướng dương
mọc hoang theo lối về buôn bản nghèo
‘H ‘ Na Cô Gái Tây Nguyên’
Tác giả những câu thơ vừa dẫn, thi sĩ Phan Ni Tấn, là một người vô cùng may mắn. Vô số kẻ đã đến miền sơn cước nhưng có lẽ chỉ riêng mình thằng chả là có mối duyên tình với nàng sơn nữ (”xinh như một đóa hướng dương”) dù rằng hai bên - hoàn toàn và tuyệt đối – bất đồng ngôn ngữ.
Tôi biết một nhân vật khác, cũng lặn lội lên đến cao nguyên, và đến nơi rất sớm nhưng không có cái diễm phúc tương tự. Ðó là nhạc sĩ Văn Trí, người viết bản Hoài thu - vào năm 1951.
Ðà Lạt (ở thời điểm này) theo như lời mô tả của tác giả là một nơi “núi rừng thâm xuyên,” với những “bầy nai ngơ ngác, lá vàng rơi đầy miên man,” và… chấm hết! Tuyệt nhiên, không hề thấy bóng dáng bất cứ một cô sơn nữ nào (hết trơn hết trọi) kể cả những cô mà nhan sắc chỉ ở mức trung bình – hoặc dưới trung bình chút xíu – cũng không.
Tôi ra đời sau tác phẩm Hoài thu, và dưới một ngôi sao (vô cùng) xấu. Dù sinh trưởng ở miền sơn cước, tôi chưa bao giờ có hân hạnh được trao (và nhận) những lời yêu thương đến cô gái H’ Na – như Phan Ni Tấn. Tương tư suông, nghĩa là yêu đơn phương, cũng miễn có luôn.
Tôi cũng không được cái vinh dự nhìn thấy nét man dại, trinh nguyên của một vùng đất mới như ông Văn Trí. Sự hoang dã của cao nguyên Lâm Viên, đối với những kẻ sinh sau đẻ muộn như tôi (có chăng) chỉ là dư âm – qua những câu chuyện kể, đại khái như:
“Hồi đó, ở Ðà Lạt, cọp thiếu mẹ gì. Nhiều bữa, con nít đang lơn tơn đến trường bỗng thấy mấy ông cọp bự nằm chơi phơi nắng. Vậy là đám lật đật nín thở, nhè nhẹ quay lưng, và chầm chậm… đi về.”
Khoẻ!
Sự gần gũi (giữa cọp và người) như thế – tiếc thay – không kéo dài luôn, và cũng không kéo dài lâu. Trong những tháng ngày thơ ấu, mỗi sáng đi học, tôi đều cầu nguyện và van xin (Phật, Chúa,Thánh, Thần…) để được nhìn thấy vài ông cọp bự – cũng đang ngồi chơi phơi nắng, giữa đường – như “những ngày xưa thân ái” đó.
Dù tôi hết sức chí tình, sự khẩn cầu này – than ơi – chưa bao giờ ứng nghiệm. Lòng tin của tôi vào các đấng thiêng liêng giảm sút (không ngừng) kể từ thưở ấy.
Khi tôi được “bế” lên Ðà Lạt, vào giữa thập niên 1950, thành phố này đã bị đô thị hóa.Voi, cọp, heo, beo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, chồn… không còn chung sống với người. Người Thượng (nói chung) và những cô sơn nữ (nói riêng) cũng không mấy khi xuất hiện trên đường phố. Họ ở cách xa, nơi những bản làng heo hút.
Văn hóa miền núi, tất nhiên, có nhiều nét dị biệt với miền xuôi; do đó, khi giao tiếp (đôi lúc) giữa người Thượng và người Kinh đã có những hiểu lầm – vô cùng đáng tiếc!
Thuở ấu thơ, tôi đã có lần chứng kiến cảnh một chàng thanh niên từ miền sơn cước xuống chợ miền xuôi, và bị “tiếng sét ái tình” với một cô gái bán hàng. Chàng đứng ngẩn ngơ, chân không thể bước. Trước tình huống đó, có người buột miệng nói đùa:
- Người Kinh không có “bắt chồng” như người Thượng đâu. Muốn “bắt vợ” thì tuần trăng sau phải mang hai con trâu tới đây mới được.
Chàng trai miền núi mừng rỡ gật đầu, hăm hở quay về. Không hiểu phải qua bao nhiêu đường đất, và gặp bao nhiêu khó khăn ở thôn bản của mình nhưng đúng hẹn chàng trở lại. Nhác trông thấy người xưa – dắt theo hai con trâu, như giao ước – cô gái vội vàng bỏ trốn!
Chờ hoài không thấy cố nhân, chàng thẫn thờ (mãi) rồi lặng lẽ dắt trâu đi. Một chuyện tình buồn thảm thiết như thế mà khi kể xong vẫn có người cười. Nói thiệt: sao tôi cười… không nổi! Cách đùa cợt đó, ngay từ khi còn bé, tôi đã cảm thấy có cái gì rất là không ổn. Sau này, lúc đã cắp sách đến trường, cũng đã có lần tôi suýt khóc khi đọc một câu thơ trào phúng :
Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe!
Tú Xương sinh năm 1870 và mất năm 1907. Câu thơ (thượng dẫn) có thể được viết từ cuối thế kỷ XIX. Vào thời điểm này, khi mà mọi phương tiện truyền thông và giao thông đều vô cùng giới hạn nên cách nhìn lệch lạc của thi sĩ về một người đồng bào miền núi – tôi cố nghĩ – có thể thông cảm được.
Đến đầu thế kỷ XXI, theo bài viết về “Mọi” của Duy Ngọc (đọc được trêntalawas, vào hôm 13/07/2009) thì tình cảm của người Việt đối với “những đồng bào thuộc sắc tộc ít người’ (hoàn toàn) không có gì thay đổi: “Thử lên Tây Nguyên sống vài tháng sẽ thấy cái nhìn kỳ thị như thế trong rất nhiều người Kinh đối với các cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn còn nặng nề như thế nào.”
Khỏi phải “thử lên Tây Nguyên sống vài tháng” làm chi, cho má nó khi. Cứ ngồi nhà google vài chữ – “thằng mọi, thằng mán, thằng mường” – là sẽ tìm được vô số định kiến vô cùng đáng tiếc. Tự thâm tâm, có lẽ, những người thuộc dân tộc Kinh ở Việt Nam chưa bao giờ coi đồng bào Thượng là đồng bào (thiệt).
Bà Tòng Thị Phóng (khi còn là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương) cũng đã lớn tiếng kêu gọi:
“Quan tâm đặc biệt đến vùng cao, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến trước đây; tăng cường cơ sở khám bệnh, cán bộ y tế cho các xã, thôn ấp, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích trồng và sử dụng các loại thuốc dân gian; từng bước ngăn chận tình trạng suy giảm dân số, suy giảm đời sống của một số dân tộc thiểu số.”
Bà Phóng (cũng) nói cho nó đã miệng vậy thôi chớ sáu năm sau, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì “các sắc dân thiểu số ở Việt Nam có tỉ lệ người nghèo cao hơn 5 lần tỉ lệ của người Kinh.”
Và người Kinh, ở miền xuôi, không ít kẻ đang sống (và chết) dở. Nói chi đến những sắc dân ở những miền núi xa xôi. Cạch đây chưa lâu báo Tiền Phong(buồn bã) loan tin: “THPT Đinh Tiên Hoàng nằm sâu trong hẻm núi xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, nơi phần lớn là người dân tộc K’dong sinh sống, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 100 km, không có học sinh nào đậu tốt nghiệp trong kỳ thi vừa qua.”
Nguyên do, theo lời của thầy hiêu trưởng Nguyễn Hải Thịnh: “Đây là hệ quả tất yếu của một hệ thống đào tạo có chất lượng thấp.” Nói cách khác là “gạo nào cơm nấy,” thế thôi.
Còn ông Phạm Tấn Hoàng, chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm: “Sơn Tây có 6/6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ nghèo đói còn 78% trên tổng số 3.706 hộ. Do địa bàn cách trở giao thông, điều kiện kinh tế học sinh khó khăn, nơi ăn ở cho học sinh chưa có nên các em không an tâm học tập.”
An tâm gì nổi, hả Trời! Đời sống có những ưu tiên sắp sẵn: ăn – mặc, ăn – học. Cơm áo lo chưa xong, nói chi đến học – mấy cha?
Theo tường trình của Ủy ban Dân tộc thì ”người như PuPéo, Rơ-măm, Brâu chỉ còn lại… vài trăm!” Nhà văn Nguyên Ngọc, trong bài “Phát triển bền vững ở Tây Nguyên” (đọc được ở diendan.org, ngày 20 tháng 8 năm 2008) cho biết thêm: “Người Châu ở trong thung lũng Mường Hon của núi Ngok Linh, chỉ có khoảng 80…”
Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là nơi cư ngụ của những dân tộc thiểu số tự ngàn xưa. Với cuộc sống đơn giản và hài hoà với thiên nhiên, họ đã giữ cho môi trường sinh thái được quân bằng và tạo một “vòng đai xanh” cho cả nước. Cũng chính họ là những tuyến đầu, và là vòng đai an ninh cho tố quốc. Cớ sao toàn Đảng (cũng như toàn dân) tỏ thái độ khinh thị, và cương quyết tìm mọi cách đẩy họ đến bước đường cùng như thế?
“Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979, một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” (Lý Hồng Xuân. Nhận diện chân dung nhà văn. Văn Nghệ: California 2000,177).
“Bọn bành trướng Bắc Kinh” (xem chừng) đang sắp sửa muốn tràn sang lần nữa, và “những chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” thì mỗi lúc lại càng tệ hại hơn!
Tưởng Năng Tiến