Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Loạt Bài Về Hướng Đi Cho Nông Nghiệp Việt

Bài 3: Israel thành cường quốc nông nghiệp bằng cách nào?
Tổng Hợp: Thu Thảo (Theo Israel21c) 02 tháng 4, 2015
Trên đất sa mạc, Israel đã nhanh chóng thành nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu của thế giói. Tại sao?
Lý do là vì người Israel đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và liên tục vận dụng những công nghệ tiên tiến nhất để tạo nên những điều thần kỳ cho nền nông nghiệp nước nhà. Không những thế, sự phát triển của Israel thậm chí đã làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp thế giới.
Tưới nhỏ giọt
Nước và đất là hai yếu tố không thể thiếu đối với trồng trọt. Trong khi đó, lượng mưa trung bình của Israel chỉ khoảng 50mm/năm, phần lớn diện tích là sa mạc. Cái khó đã khiến những người dân Do Thái trăn trở và sáng tạo nên hệ thống tưới nước nhỏ giọt.
Với công nghệ này, chỉ có một lượng giọt nước nhất định được đưa qua đường ống và dẫn vào gốc cây mỗi ngày, vừa đảm bảo sự sinh trưởng của cây, vừa tiết kiệm nước một cách tối đa.
Và cũng nhờ tưới nhỏ giọt, sản phẩm công nghệ của Israel đã giúp 700 hộ nông dân ở Senegal canh tác 3 vụ/năm thay vì chỉ một vụ vào mùa mưa như trước đây. Kết quả tương tự cũng đã đạt được tại Kenya, Nam Phi, Benin và Nigeria – những quốc gia có điều kiện khô hạn tương tự Israel.
Túi khổng lồ bảo quản lương thực
Sau mỗi một vụ thu hoạch, khoảng 50% ngũ cốc và 100% sản lượng đậu bị côn trùng, ẩm mốc tấn công khiến chất lượng lương thực bị suy giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành
Để giải quyết vấn đề này, người Israel đã nghĩ việc dùng một chiếc túi khổng lồ, đơn giản và rẻ tiền, nhưng có công dụng bảo quản lương thực, tránh tiếp xúc với không khí và độ ẩm.
Hiện, những chiếc túi như thế này đã và đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước ở châu Phi, Trung Đông.
Diệt sâu bọ bằng phương pháp sinh học
Dựa trên đặc điểm sinh học tự nhiên của các loài vật, các kỹ sư Israel đã lai tạo ra các giống côn trùng có ích cho quá trình sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, sau khi lai tạo thành công, những con côn trùng này sẽ được thả vào những khu vườn, những nông trang để chúng tự do tiêu diệt các loài sâu, bọ sống ký sinh, tàn phá thực vật.
Một ví dụ điển hình là giống nhện màu cam đã giúp những khu vườn dâu tây ở Mỹ không bị sâu bọ “quấy rầy” và giúp nông dân Israel giảm tới 75% lượng thuốc trừ sâu so với trước đây.
Chăn bò bằng… máy tính
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển công nghệ chăn nuôi bò sữa tập trung theo quy mô nông nghiệp. Theo đó, từ việc cho ăn, vệ sinh chuồng, vắt sữa… đều được quản lý, giám sát thông qua hệ thống máy tính.
Một số quốc gia trên thế giới đã và đang học tập công nghệ này.
Giải pháp nông nghiệp trực tuyến
Hế thống kiến thức nông nghiệp trực tuyến (AKOL) ra đời với mục đích giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin về nông nghiệp, thị trường, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi…
Ngoài ra, bằng việc truy cập vào hệ thống, nông dân còn được tư vấn, giải đáp trực tuyến những thắc mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất.
Khoai tây giữa sa mạc
Khoai tây thông thường chỉ trồng được ở những nơi có khí hậu lạnh và bắt buộc phải tưới bằng nước ngọt. Nếu vậy, Israel chỉ còn biết nhập khẩu khoai tây.
Nhưng không, các nhà khoa học Israel đã lai được giống khoai tây mới chịu được khí hậu nóng, khô và tưới bằng nước mặn, thích hợp trồng ở sa mạc. Giải pháp mới này thậm chí đã giúp Israel xuất khẩu khoai tây.

Nông nghiệp Israel trong thế kỷ 21
Báo Tia Sáng – 27/07/2010
Nền nông nghiệp Israel nổi tiếng trên toàn thế giới đang phải làm gì để đối mặt với những khó khăn ngày càng gia tăng ở thế kỷ 21? Bài viết dưới đây, lược dịch từ một bài báo của Jon Fedler, Tổng biên tập tạp chí Agrictech giải thích các lý do, trong đó chủ yếu là vai trò của khoa học và công nghệ đã mang lại thành công không chỉ ở hiện tại mà cả tương lai cho đất nước này.
Vào khoảng năm 2020, dân số của Israel dự tính sẽ tăng 42% so với hiện nay, đạt con số 8,5 triệu người. Nhu cầu về sản xuất nông nghiệp cũng như các sản phẩm nông nghiệp lúc đó sẽ gia tăng đáng kể. Cùng với đó, diện tích đất đô thị và lượng nước sử dụng chung của cả đất nước cũng ngày một lớn hơn, đặt ra nhiều vấn đề đối với phát triển nông nghiệp. Để đối phó với tình trạng này, Israel tiếp tục phải nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Theo một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Israel, vào năm 2020, lượng nước tưới tiêu cho nông nghiệp của nước này chỉ còn một nửa (700 triệu mét khối/năm) và diện tích đất dành cho nông nghiệp cũng giảm 18% so với hiện nay (360.000 ha). Như vậy, để đạt một sản lượng nông nghiệp tăng khoảng 48% so với mức của năm 1993, nông nghiệp Israel cần có mức tăng trưởng thực khoảng 1,5%/năm.
Nông nghiệp của Israel đã có mức tăng trưởng khá ổn định (trừ một giai đoạn ngắn của những năm 1980), và đóng một vai trò quan trong trong nền kinh tế của nước này. Hiện nay, nông nghiệp đóng góp 2% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm khoảng 3,5% xuất khẩu của Israel. Doanh thu nông nghiệp của Israel vào năm 2000 đạt mức 2 tỉ USD trong đó 70% thuộc về xuất khẩu.
Thành công của nông nghiệp Israel nhờ sự kiên định và sáng tạo liên tục của các nhà khoa học cũng như nông dân đất nước này. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết và địa hình không thuận lợi của Israel (hơn một nửa diện tích đất là sa mạc và đất nước có nhiều loại hình khí hậu rất đa dạng, khác biệt).
Nghiên cứu và phát triển
Sản lượng nông nghiệp liên tục tăng trưởng ở Israel mặc dầu các điều kiện khắc nghiệt về nước tưới tiêu và hạn chế về diện tích đất canh tác. Đây là kết quả của một “hiện tượng Israel”, có một không hai trên thế giới dựa trên sự hợp tác tích cực và chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, hệ thống mở rộng nông nghiệp, nông dân, các dịch vụ và công nghiệp phụ trợ.
Các ứng dụng R&D có định hướng trong nông nghiệp đã được tiến hành tại Israel từ đầu thế kỷ 20. Lĩnh vực nông nghiệp hiện nay của nước này hầu như gắn chặt với khoa học và công nghệ, với các tổ chức Chính phủ, các viện nghiên cứu, công nghiệp và hợp tác xã. Tất cả phối hợp với nhau nhằm tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp mà nước này gặp phải. Đối mặt với hàng loạt các vấn đề, từ giống di truyền, kiểm soát bệnh dịch tới canh tác trên đất cằn, R&D trong nông nghiệp của Israel đã phát triển các công nghệ để tạo ra sự biến chuyển ngoạn mục không chỉ trong số lượng mà cả chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của đất nước. Chìa khóa của thành công này là nhờ các thông tin hai chiều giữa bản thân các nhà khoa học và các nhà nông. Thông qua mạng lưới dịch vụ mở rộng nông nghiệp (và sự tích cực tham gia của nhà nông vào toàn bộ tiến trình R&D), các vấn đề trong nông nghiệp được chuyển trực tiếp tới các nhà nghiên cứu để kiếm tìm giải pháp. Từ đó, các kết quả nghiên cứu khoa học cũng được nhanh chóng chuyển tới đồng ruộng để thử nghiệm, thích nghi và điều chỉnh.
Động lực muốn đạt mức tối ưu trong sản lượng nông nghiệp và chất lượng giống đã dẫn tới việc ra đời các loại giống mới, đối với giống cây trồng hoặc súc vật nuôi, tới các cải tiến trong tưới tiêu, phân bón, thiết bị nông nghiệp, tự động hóa, hóa học, canh tác và thu hoạch. Nhờ vậy, các phát kiến khoa học và công nghệ này không chỉ phục vụ nông nghiệp trong nước mà rất nhiều trong số đó đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Cơ giới hóa và công nghệ nông nghiệp
Nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, cải thiện chất lượng và tiết kiệm nhân công, các sáng chế về máy móc nông nghiệp cũng như thiết bị điện tử phụ trợ đã được ra đời và áp dụng nhanh chóng và rộng rãi vào đời sống. Đặc biệt là các máy móc, thiết bị phục vụ đất trồng trọt, chống xói mòn, các máy gieo hạt, thu hoạch và các thiết bị phù hợp cho thâm canh tăng vụ, tưới tiêu (tự động hóa)… Nhiều thiết bị tự động khác cũng được sử dụng trong chăn nuôi như máy vắt sữa, máy thu hoạch trứng, các hệ thống cho ăn tự động… Rồi thì các máy móc phục vụ sau thu hoạch như máy phân loại sản phẩm, máy đóng gói, hệ thống kho trữ và đặc biệt là hệ thống vận tải chuyên biệt. Những công nghệ phát triển trong nước cũng chú trọng tới việc kiểm soát bón phân tự động hóa (thông qua hệ thống máy tính), có thể bón phân qua nước tưới tiêu, các biện pháp kiểm soát độ ẩm, tạo môi trường trong lành cho trồng hoa, các thực phẩm trái mùa…
Sự can thiệp của Chính phủ
Bộ Nông nghiệp Israel hỗ trợ và kiểm soát toàn bộ các hoạt động nông nghiệp của đất nước, gồm cả việc duy trì các tiêu chuẩn cao đối với các sản phẩm cây trồng và vật nuôi, đề ra các kế hoạch thúc đẩy, phát triển nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu và thị trường (kể cả marketing). Từ nhiều năm nay, nông nghiệp Israel được Chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống trợ cấp sản xuất và định mức nước tiêu thụ cho mỗi mùa vụ. Hiện nay, nước này cũng kiểm soát định mức sản xuất và chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp như sữa, trứng, gà con và khoai tây.
Các chương trình nghiên cứu nhằm gia tăng lượng nước để tưới tiêu cũng đang được tiến hành, chủ yếu thông qua tăng lượng nước mưa (tạo mưa nhân tạo), khử mặn trong nước và sử dụng các hệ thống lọc nước để tái sử dụng. Các nghiên cứu mới đã dẫn tới việc khai thác nước mặn ở các bể chứa nước khổng lồ tại sa mạc Negrev, dùng cho một số giống cây phù hợp.
Việc kiểm soát lượng nước tiêu thụ bằng định mức chủ yếu được thực hiện thông qua biện pháp giá, kiểm soát nước được bơm từ lòng đất và các dự án cung cấp nước sắp ra đời. Một chương trình kiểm soát nước mới được ra đời trong đó cắt giảm lượng nước sạch cung cấp cho nông nghiệp, thay vào đó, gia tăng việc tái sử dụng nước đã qua sử dụng ở các khu vực đô thị, mở rộng việc sử dụng nước được khử mặn, giảm việc thâm canh sử dụng nhiều nước, tăng cường các hệ thống trữ nước vào mùa lũ, phát triển các ngôi nhà xanh thân thiện với môi trường và đặc biệt là đẩy mạnh quá trình khử mặn trong nước biển.
CNC trong nông nghiệp
Các nhà kinh tế thường tranh luận xem liệu sự lựa chọn của nông nghiệp sẽ như thế nào nếu cứ trồng và xuất khẩu một cân khoai tây với giá khoảng 5 USD với việc bán ra nước ngoài, cũng là một cân giống khoai tây lai, có giá lên tới 7.000 USD. Và muốn làm được như vậy, không có cách nào khác là phải sử dụng tới công nghệ cao trong nông nghiệp. Và Israel cũng nhận thức rõ rằng đây là con đường duy nhất để nông nghiệp nước này tiếp tục tồn tại. Trên thực tế, mãi lực thị trường trong nước và nước ngoài, sự hiếm hoi đất nông nghiệp, nhân công hạn chế và đặc biệt là thiếu nước tưới tiêu đã là các động lực lớn nhất biến đổi toàn bộ nông nghiệp Israel
Một xu hướng ngày càng phát triển ở Israel là đang có bước chuyển giữa các trang trại thâm canh tăng vụ, các nhà sản xuất nông nghiệp truyền thống lớn sang các loại hình sản xuất dựa trên khoa học và R&D, thí dụ như sản xuất các loại khoai tây lai có khả năng kháng virus cao, hay các loại chuối cây thân nhỏ nhưng năng suất cao.
Bên cạnh đó, nông dân Israel cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn. Một mặt, họ phải đương đầu với nông sản giá rẻ nhập khẩu từ các nước láng giềng, mặt khác là phải phù hợp với các tiêu chuẩn mới về nhập khẩu nông sản theo Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Cũng như nhiều nước khác, nông nghiệp Israel cũng phải chịu áp lực bởi lượng nhân công phục vụ trong lĩnh vực này ngày càng ít đi (giảm 40% từ năm 1960 tới năm 1996). Mặc dầu vậy, lượng nhân công ít ỏi trong nông nghiệp ngày nay lại đem lại sản lượng lớn hơn so với trước kia. Trong đầu những năm 1950, một nông dân có thể cung cấp đủ lương thực cho 17 người thì vào năm 1994, mỗi người trong số họ đã có thể nuôi được 90 người.
Phần lớn nông nghiệp của Israel được tổ chức theo hình thức hợp tác xã, hình thành từ các thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Thúc đẩy bởi cả ý tưởng và hoàn cảnh thực tế, các nhà tiên phong đã tạo ra hai hình thức nông nghiệp mới: kibbuttz, một cộng đồng tập thể với phương tiện sản xuất chung và mỗi thành viên được hưởng lợi ích từ công việc của chính mình. Và moshav, kiểu hợp tác xã của làng trong đó mỗi thành viên sử dụng đất của mình để sản xuất, nhưng đầu vào và đầu ra (kể cả marketing) được thực hiện tập thể, theo một đầu mối. Cả hai hình thức lao động tập thể này đều được tạo ra để hiện thực hóa giấc mơ cộng đồng nông nghiệp dựa trên bình đẳng xã hội, hợp tác và tương trợ lẫn nhau. Ngày nay, sản lượng nông nghiệp của các hợp tác xã này vẫn chiếm đa số áp đảo trong sản xuất nông nghiệp, kể cả phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Hoàng An dịch