Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Đàn trâu về đâu.?

Tác Giả; Người Buôn Gió – Blog – 16/6/2015
Rặng tre hót giữa trưa hè tiếng con sáo sậu gốc rễ về đâu
Đàn trâu lững thững qua cầu, đất bán hết rồi đàn trâu về đâu
À Ý A của Lê Minh Sơn
Câu hát đưa vào lòng người nghĩ một cảm giác buồn man mác. Cái buồn của sự lạc lõng, bơ vơ của số kiếp con trâu khi không còn đất. Không có đất để cày cấy, ai dùng đến trâu trừ khi nuôi làm thịt.
Có một quá khứ huy hoàng được người nông dân yêu mến, tôn trọng. đặt một ví trí quan trọng trong gắn bó với đời sống người dân qua bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như.
- Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta.
- Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Hay người ta dặn nhau ” con trâu là đầu cơ nghiệp ” để chỉ sự quan trọng bậc nhất của con trâu trong cuộc sống. Ngay cả câu thành ngữ để hoạch định cuộc sống con người cũng không thể không có hình bóng con trâu. Hàng bao nhiêu năm qua, người Việt ta sống theo ba bước tạo dựng đời mình đó là ” tậu trâu, lấy vợ, làm nhà ”.
Đã có thời con trâu được tôn vinh như thế, được đặt hàng đầu trong những hoạch định của đời người.
Nhưng nay con trâu thân thương, cần cù, chịu khó ấy đã không còn được vinh danh trong lời ca, tiếng hát, thành ngữ nữa. Nó được nêu tên trong những biển quảng cáo của các nhà hàng. Có thể gặp đầy rẫy những tấm biển nhà hàng ăn hai bên đường quốc lộ. Trâu tái lăn, trâu xào lá lốt, thịt trâu bảy món.
Bây giờ thời đại một chiếc máy cày bằng bao nhiêu sức trâu, người ta ngồi lên đó và ung dung cho máy chạy khắp cánh đồng. Cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật hiện đại đã đưa những phương thức canh tác thô sơ trở thành dĩ vãng. Khiến các chú trâu cùng chung số phận bị lãng quên.
Nhưng trong bài ca À Ý A của nhạc sĩ Lê Minh Sơn còn đưa ra nguyên nhân khác khiến con trâu trở nên vô dụng, đó là đất nông nghiệp đã bán hết cho người mua làm khu công nghiệp. Không còn có đất để cày cấy, bởi thế không cần đến sức trâu. Đàn trâu hiền lành vẫn lững thững qua cầu mỗi khi chiều xuống. Chúng trở nên bơ vơ, khi con người là chủ của chúng không cần đến chúng trong công việc nữa.
Trong nhạc phẩm Ngày Trở Về của Phạm Duy, con trâu được nhắc đến như một con người, như một đồng đội của người cựu chiến binh khi trở về quê hương, cùng gắn bó trên mặt trận đời sống.
Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh, nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ.
Không còn mặt trận sản xuất nông nghiệp bằng phương thức thô sơ, nếu còn thì người ta cũng dùng máy móc để canh tác chẳng nhờ đến trâu. Con trâu không thành đồng chí, con trâu không được nhân cách hoá tôn vinh nữa, con trâu lững thững qua cầu hàng ngày đợi đến lượt mình vào lò mổ.
Đồng chí trâu đã bị bỏ rơi. Ít ra khi bị bỏ rơi, chúng còn có được nhắc nhớ trong một nhạc phẩm đầy ngậm ngùi , thương tiếc như một lời chia tay đầy xúc cảm.
Cùng chung số phận với chúng về cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cuộc bán đất chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp thuần tuý sang công nghiệp phát triển là những nhà lý luận, tuyên giáo của chủ nghĩa xã hội, của tư tưởng Mác Lê Nin.
Hãy thử hình dung một đất nước kinh tế thị trường, công nghiệp hiện đại, thông tin toàn cầu, doanh nghiệp cổ phần tư nhân hoá quyết định nền kinh tế….số phận của những nhà lý luận như vậy đi về đâu, ai cần đến họ.
Các đồng chí lý luân, tuyên giáo không ngu như trâu, cũng không hiền lành cam chịu như trâu. Nhận thức được bước tiến của xã hội theo đà cổ phần hoá, hiện đại hoá , thông tin hoá sẽ khiến cho số phận của các đồng chí vào quên lãng như số phận những con trâu. Từ nhận thức đó lẽ ra các đồng chí phải tìm cho mình một sự hữu ích nào khác cho kịp thời đại, cho có ích với cuộc đời, có ích với người dân dù rằng là làm món ăn dâng cho đời hưởng thụ.
Đang sống trong một cuộc sống êm đềm, chỉ hàng ngày viết ra những điều sẵn có theo tư tưởng Mác, Lê Nin, hưởng lương cao, chế độ nhiều, được đãi ngộ, được mọi người e sợ. Nay đứng trước viễn cảnh kinh tế thị trường, số phận của các đồng chí tuyên giáo, lý luận CNXH đi về đâu chắc không khó hình dung.
Bởi sợ mình bị bỏ rơi, bị lãng quên và bạc đãi. Gần đây các đồng chí tuyên giáo, lý luận thi nhau gào hét trên báo chí, đòi hỏi phải kiên định con đường CNXH, kiên trì theo đuổi tư tưởng Mác, Lê Nin. Các đồng chí quy kết những tiến trình quy luật tự nhiên thành diễn biến hoà bình, tự chuyển hoá, cách mạng mầu. Sau khi chán chê dựng nên những bóng ma ” thế lực thù địch ” bên ngoài, các thế lực thù địch nằm trong dân. Cuối cùng các đồng chí khẳng định ” thế lực thù địch ” chả nằm trong dân, chả nằm bên ngoài mà chúng ở trong nội bộ của các đồng chí.
Liên tiếp có những bài viết của các đồng chí tuyên giáo, lý luận vạch mặt thế lực thù địch nằm trong nội bộ. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng chỉ ra đó là những ” nhóm lợi ích ”. Đồng chí Hoàng sợ người dân chưa nhận rõ được ” nhóm lợi ích ” là ai , buộc phải tiết lộ rằng đó là những kẻ có quyền lực phân phối các nguồn lực trong xã hội.
Kẻ có quyền lực phân phối các nguồn lực trong đất nước ta ngày nay là ai.? Kẻ nào quyết định cấp vốn cho tập đoàn này, cho tỉnh thành kia được công trình hành chính , cho bộ ngành nọ được triển khai dự án hạ tầng.?
Đó là kẻ ngu dốt về lý luận nhưng lại giỏi về thủ đoạn như bài báo của Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Phạm Văn Nhuận nêu chân tướng.
” Theo mô tả của C. Mác, những kẻ cơ hội chủ nghĩa “dốt nát về mặt lý luận nhưng lại giàu có về các thủ đoạn”. Bởi vậy, cần sáng suốt nhận diện, chỉ rõ chân tướng để có các giải pháp phòng, chống, đẩy lùi và khắc phục ảnh hưởng của nó đối với các tổ chức đảng và sự nghiệp cách mạng…”
Sử dụng đến những từ như ” chân tướng ” để chỉ đồng chí của mình, chứng tỏ cái giãy chết của lý luân tuyên giáo đã đến gần lắm rồi mới liều lĩnh phút cuối như vậy. Ai gây hoang mang, chia rẽ để làm suy yếu chế độ này bằng các đồng chí tuyên giáo cơ chứ.?
Lẽ ra chính các đồng chí như Vũ Ngọc Hoàng, Phạm Văn Nhuận cần phải bị bắt và khởi tố theo điều 258 hoặc điều 88 vì lợi dụng chức vụ, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gieo rắc những luận điệu chống phá, xuyên tạc nội bộ Đảng trước thềm đại đội lần thứ 12. Chính bài viết của các đồng chí đã vẽ ra, kể ra những mâu thuẫn nội bộ trong đường lối của đảng cộng sản. Cũng chính các đồng chí phơi áo cho người xem lưng nội bộ các đồng chí đã ganh ghét, hận thù nhau đến mức khủng khiếp như gọi nhau là ” thế lực thù địch bên trong” hay ” chân tướng của kẻ cơ hội ” hoặc ” những kẻ dốt nát về lý luận nhưng giàu có về các thủ đoạn ”
Các bài viết của các đồng chí đã gieo hoang mang, nghi ngờ vào uy tín của Đảng trầm trọng. Làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào các lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Phải chăng các đồng chí cũng đang tự diễn biến mình để phá hoại sự đoàn kết của Đảng.?
Chẳng thế lực phản động nào phá hoại chế độ hơn các đồng chí tuyên giáo nếu đọc những gì các đồng chí viết ra.
Chừng nào các đồng chí lý luân, tuyên giáo chưa chỉ rõ ai là kẻ lãnh đạo hiện nay có quyền phân phối nguồn lực trong xã hội hiện giàu có, nhiều thủ đoạn, dốt nát về lý luận…chừng ấy chính các đồng chí là phản động. Thiết nghĩ kẻ lãnh đạo hiện nay có những tố chất, biểu hiện như các đồng chí nêu không quá nhiều , để đến nỗi các đồng chí không biết ai mà nêu tên.
Những con trâu hết thời, chúng lững thững hiền lành qua cầu đợi chờ ngày số phận đến. Quy luật tiến hoá của cuộc sống là vậy. Nhưng những con trâu tuyên giáo, lý luận thì chúng không cam phận như vậy. Thấy trước số phận tương lai đen tối bị lãng quên, chúng đang ra sức níu kéo hệ thống kinh tế lạc hậu, lỗi thời bởi mớ lý luận Mác Lê chỉ định để nhằm tồn tại kiểu ” giữ được chùa thì có oản ăn” hoặc điên cuồng hơn chúng muốn đi đến mục đích kiểu không được ăn thì đạp đổ.
Trạng chết chúa cũng băng hà.
Kẻ ngu dốt về lý luận, kẻ có quyền phân phối nguồn lực trong xã hội, kẻ giàu có và nhiều thủ đoạn chắc chỉ là Chúa. Còn chúng những kẻ lý luận, tuyên gáo dường như là những Trạng. Chả phải những học hàm, học vị chúng lôi theo trưng dưới những bài viết như Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ không phải là dạng trạng đó sao.?
Cuộc cách mạng hiện đại hoá nông nghiệp không có vai trò của con trâu. Cuộc cổ phần hoá, tư nhân hoá hay kinh tế thị trường đương nhiên chả còn chỗ những nhà lý luận, tư tưởng, tuyên giáo. Làm gì có nhà doanh nghiệp quản trị trong nền kinh tế thị trường, làm ăn với tư bản mà có thời gian để ngồi nghe bọn tuyên giáo, lý luận nhồi vào đầu những mớ lý luận kinh tế của những kẻ chết cách đây hàng trăm năm và bắt buộc làm theo. Làm gì có chủ trang trại nào thay vì lên google tìm kiếm máy cày loại mới mà lại đi nuôi một đàn trâu, một đống thợ cày trong thời đại hiện nay.
Như những đàn trâu, bọn lý luận tuyên giáo tư tưởng gì đó rồi cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Tương lai đen tối đã đến với chúng. Trong các chi tiêu ngân sách công khi mà ngân khố cạn kiệt, nguồn tiền phân bổ cho chúng hót như con sáo sậu giữa trưa hè sẽ bị cắt giảm đầu tiên. Để nhường cho những vấn đề khác cấp thiết như bảo hiểm xã hội, lương công an, quân đội.
Cả đàn những giáo sư, tiến sĩ chỉ biết nhồi đầu lý luận, tư tưởng Mác Lê Nin cày ải trên cánh đồng CNXH , bây giờ chả khác gì những con trâu chỉ biết cái cày trên ruộng nâu.
Chỉ có cái chúng khác trâu là chúng biết trước số phận và phản kháng lại điên cuồng. Chúng đổ lỗi cho trong số lãnh đạo của chúng có kẻ chuyển hoá, tự diễn biến như chúng từng đổ cho bao người lương thiện phải vào tù. Chúng đến bờ vực diệt vong mà vẫn không nhận ra rằng sở dĩ chúng bj loại khỏi cuộc chơi này vì xã hội loài người đã đi rất xa bằng những cách thức khoa học, hiện đại. Không nhận ra điều ấy thì chúng chả hơn gì đàn trâu. Chúng ảo tưởng gì trong những bài viết kêu gọi giữ vững đường lối CNXH, Mác Lê Nin, tư tưởng HCM cho những đồng bọn của chúng đang sở hữu gia sản hàng triệu USD, đang mua nhà cho con cái ở Anh, Mỹ, Đức.
Đã mông muội lại còn ảo tưởng, đã thế lại còn cay cú, hận thù, cắn xé nhau.
Nếu Mác sống để viết thêm chút nữa, có lẽ ông ta sẽ viết rằng, dấu hiệu cáo chung của CNXH là khi xuất hiện các nhà lý luận tư tưởng XHCH quay sang cắn xé đồng loại của mình, đó là quy luật tất yếu của tự nhiên.
Chúng đừng mong trong nhân dân sẽ có nhạc phẩm nào đưa tiễn chúng xót xa như đưa tiễn đàn trâu.
Người Buôn Gió

Chả phải nhìn xa đến thế đâu, Giời ạ!

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến – Blog STTD – 16 June 2015
Tôi nghĩ mà lấy làm buồn và tủi hổ lắm. Bởi như vậy cho nên Việt Nam ta không thể sánh được với những nước như Singapore, Malaysia đã đành, mà giờ này coi chừng có thể tụt hậu so với Lào hay cả Campuchia, những nước mà trước đây chưa từng là “đối thủ” cạnh tranh của Việt Nam. Nguyễn Công Khế
Tôi không nói được tiếng Khmer. Người Miên, phần lớn, lại không biết tiếng Anh tiếng u gì ráo. Bởi vậy, mỗi khi rời khỏi những tỉnh lỵ xa xôi (nơi có những thôn xóm người Việt quần tụ) để trở lại Phnom Penh là tôi bỗng trở nên “ú ớ,” gần như một người câm.
Mà tính tôi lại thích uống, và ưa nói. Khi không có ai xung quanh để cụng ly và trò chuyện thì tôi buồn muốn khóc luôn. Tuần rồi, đang lang thang một mình trên đường Monivong thì tôi bị hai thanh niên trông giống người Campuchia chận lại.
Họ đang ôm một xấp áo T Shirt trắng tinh và vui vẻ ngỏ ý muốn tặng cho tôi một cái. Vốn không tin là có cái gì “free” trên cuộc đời này nên tôi xua tay, lắc đầu:
– Thanks but I don’t need that…
– No speak Khmer?
– Nope!
Chắc accent của tôi “nặng” dữ lắm nên vừa quay lưng thì nghe có tiếng với theo:
– Chú là người Việt, phải không?
– Yes!
– Úy Trời, Đất, Qủi Thần, ơi. Tụi con cũng là người Việt mà.
Màu da ngăm ngăm của người đối thoại khiến tôi hơi ngờ ngợ:
– Mấy em người Khmer Krom, phải không?
Cả hai thằng đều cười ha hả, sung sướng ra mặt:
– ̣Dạ con quê ở Bạc Liêu
– Còn con ở Trà Vinh.
Thiệt là mừng muốn chết luôn. Tui kéo hai thằng tắp liền vô quán bên đường. Bia bốc nổ lốp bốp, và nổ liền liền không dứt.
Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ, gái về có con.
Dù quá tuổi “vợ con” lâu rồi nhưng tôi cũng dám kẹt luôn ở Nam Vang (như không) chớ không phải giỡn đâu nha. Xứ Chùa Tháp là nơi lý tưởng để uống bia mà.
Bất kể ngày/ đêm/mưa/ nắng gì cũng thế, Cambodia luôn luôn nóng cỡ 100 độ F! Nhờ vậy, lon bia nào cũng trở nên ngọt lịm, mát rượi, và thấm thía tới tận tim gan.
Uống ít ngon ít, uống nhiều ngon nhiều, càng uống càng ngon. Và rượu vào, tất nhiên, lời ra:
– Hai đứa qua đây hồi nào?
– Dạ, lâu rồi.
– Nhắm sống được không?
– Sống khoẻ.
– Sao tụi bay lại đi cho áo mà không bán lấy tiền sài.
Lúc đó, hai thằng mới quay lưng cho tui coi mấy dòng chữ bằng tiếng Khmer và tiếng Anh in trên áo mà tụi nó đang mặc: The existence of an independent judiciary leads to the respect for human rights.
– Nghĩa là làm sao?
– Một ngành tư pháp độc lập dẫn đến sự tôn trọng nhân quyền.
– Bộ tụi bay làm chính trị hả?
– Trời, nói sao ghe thấy ghê vậy chú. Tụi con làm nhân viên cho hội thiện nguyện, đi cổ vũ cho nhân quyền thôi chớ có chính trị/chính em khỉ mốc gì. Ở Cambodia, đòi hỏi nhân quyền là chuyện nhỏ mà.
Rồi không nói không rằng hai thằng lấy một cái áo, xoay phía sau ra trước, xong tròng đại vô người tôi. Tụi nó còn bắt tôi đứng chụp một cái hình kỷ niệm chơi nữa.
Tui dẫy đành đạch:
– Mặc cái áo “nhậy cảm” này công an Cambodia nó hốt liền chớ không phải “chuyện nhỏ” đâu à nha.
– Không dám hốt đâu. Nam Vang chớ có phải Sài Gòn hay Hà Nội sao mà có cái vụ hốt sảng như vậy.
– Thiệt không?
– Thiệt chớ. Ở đây đỡ mệt hơn Việt Nam nhiều. Vừa bước chân qua tới Cambodia là tụi con đã thấy dễ thở liền hà, thoáng lắm chú ơi!
– Thoáng là sao?
– Là không có chế độ hộ khẩu, không công an khu vực, không tổ trưởng dân phố, cũng không có hội hè đoàn thể mẹ rượt nào hành dân hết ráo. Mình có quyền bầy tỏ chính kiến trong mọi vấn đề miễn là với thái độ ôn hoà …
Công nhận là hai thằng này nói đúng. Phnom Penh “thoáng” thiệt. Tôi không nghe ai nói gì tới phường, khóm, xã ấp gì ráo trọi. Những cái thứ của nợ như giấy tạm trú/tạm vắng cũng không luôn. Cảnh sát giao thông cũng hiếm thấy, chớ đừng nói chi đến đám công an hay dân phòng.
Vậy là tui yên tâm mặc luôn cái áo, và mặc hoài hoài cho tới bữa nay. Cứ mỗi lần xỏ tay là tự nhiên tôi lại nhớ đến Người Buôn Gió. Thằng Phải Gió này đã có lúc ngồi tù cũng chỉ vì in ấn và phát tán những cái áo phông với những dòng chữ … nhậy cảm: “Hoàng Sa & Trường Sa Của Việt Nam.”
Hôm gặp ở California, Người Buôn Gió có kể cho tôi nghe “chuyện vui” về một người Việt Nam tên Qúi. Ông Lái Gió nói là “chuyện hài” nhưng nghe xong tôi muốn ứa nước mắt:
“… chú Quý, một người đàn ông gầy gò. Vợ bỏ do chú ấy bị đi tù, ai cũng xa lánh chú ấy, mọi người nói chơi với thằng ấy là nguy hiểm, nó làm mình chết lây đấy. Chú Quý làm thợ hàn, lúc có việc lúc không, nhà chú trống hoác chả có gì. Một mình chú rang một đống lạc pha muối ăn dần với cơm. Con gái chú rất xinh, nó ở với mẹ. Nó cũng ghét bố vì mẹ nó nói bố nó là người hư hỏng.
Mình chả thấy chú hư hỏng gì, chú có việc thì làm chăm chỉ. Nhà chú nghèo nhưng nhiều sách, mình đến chơi nằm đọc cả ngày cũng được. Chắc chú buồn, thấy mình nên cũng kệ cho vui nhà. Rồi có lần chú lĩnh lương, làm món bún bò cho mình ăn cùng, chú sai đi mua rượu. Về hai chú cháu ăn, chú vừa ăn vừa uống rượu trầm ngâm. Mình đánh bạo hỏi sao chú bị đi tù.
Chú nghĩ một lúc, nhấp vài ngụm lại nghĩ, như là không nghe thấy câu hỏi. Mãi sau đột nhiên chú kể.
Lúc đó chú làm công đoàn nhà máy cơ khí, gần Tết bạn cùng nhà máy của chú trúng thưởng gì đó được một cái xe đạp Phương Hoàng màu ngọc bích. Lúc mọi người xúm vào xem xe, chú cũng xem và ngẫu hứng đọc câu thơ chế.
Xuân này hơn hẳn những xuân qua
Phương Hoàng ngọc bích đã về ta.
Vợ chồng làm tốt, con học giỏi
Niềm vui chan chứa khắp trong nhà.
Nửa tháng sau khi đọc bài thơ chế chúc mừng bạn có xe đạp, công an đến khám nhà chú, thu sách truyện một đống. Chú bị đi tù 4 năm vì tội xuyên tạc thơ chủ tịch HCM với ý đồ chế giễu …âm mưu phản động.
Cái “chú Quí” này, nói nào ngay, vẫn còn … may chán! Dám “chữa” thơ bác Hồ mà chỉ đi tù có bốn năm thôi. Ít xịt hà. Tôi còn biết vài người đàn ông Việt Nam khác, họ chả dám đụng chạm gì tới thơ/văn của lãnh tụ kính yêu cả, chỉ chơi nhạc Vàng thôi mà cũng bị lãnh án mỗi người hơn chục năm tù.
Vụ án văn nghệ “Phan Thắng & Đồng Bọn” được mang ra toà xử vào tháng 1 năm 1971. Nhạc sĩ Tô Hải, một trong những người được mời tham dự, đã ghi lại vài đoạn đối thoại (rất ) thú vị giữa quan toà và bị cáo:
Chánh án: – Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán xồm: – Dạ! Thưa quý toà,con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!
Chánh án: – Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán Xồm: – Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
Chánh án: – Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?
Toán Xồm: – Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
Chánh án: – Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
Toán xồm: – Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!
Chánh án: – Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!
Toán Xồm: – Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: – Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.

Cuối cùng, toà luận án và tuyên án:
“Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tư trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sác lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân …”
Nửa thế kỷ sau, sau phiên tòa thượng dẫn, vào ngày 3 tháng 5 vừa qua, Luật Sư Võ An Đôn cho công bố nội dung một vụ án (“Công An Đánh Chết Cháu, Bác Và Cậu Sắp Đi Tù”) khiến nhiều người cười ra nước mắt:
Ngày 31/12/2013 em Tu Ngọc Thạch, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh bị Công an xã Vạn Long đánh chết. Khi nghe tin cháu Tu Ngọc Thạch bị công an đánh chết, xác cháu đang trên đường chở về nhà thì ông Nguyễn Văn Ly (Cậu ruột) và ông Mai Đình Tâm (Bác họ) của em Tu Ngọc Thạch đi đến Quốc lộ 1A thì thấy có hàng ngàn người dân bao quanh xe chở quan tài em Tu Ngọc Thạch, nhìn thấy cảnh tượng trên ông Ly và ông Tâm bức xúc la lên “Công an đánh chết người bà con ơi”, sau đó ông Ly và ông Tâm cùng gia đình, bà con đưa quan tài em Tu Ngọc Thạch về nhà chôn cất.
Ngày 14/11/2014, Tòa án huyện Vạn Ninh đưa vụ án nêu trên ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt: bị cáo Lê Minh Phát (Công an xã Vạn Long) 6 năm 9 tháng tù, bị cáo Lê Ngọc Tâm (Công an xã Vạn Long) 9 tháng tù treo.
Sau khi Tòa án huyện Vạn Ninh xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên với mức án quá nhẹ, gia đình em Tu Ngọc Thạch kháng cáo đề nghị Tòa án tỉnh Khánh Hòa xét xử lại vụ án trên theo thủ tục phúc thẩm.
Khi vụ án trên sắp đưa ra xét xử phúc thẩm, thì ông Nguyễn Văn Ly và ông Mai Đình Tâm bất ngờ nhận được Cáo trạng số: 32/CT-KSĐT, ngày 11/3/2015 của Viện kiểm sát huyện Vạn Ninh truy tố ông Ly và ông Tâm về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 245 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù…
Với thời gian, rõ ràng, cái gọi là “luật pháp” của nước CHXHCNVN mỗi lúc một “trượt dốc” xa hơn, và cuốn theo nhiều nạn nhân hơn. Tuần rồi, sau việc cháu Nguyễn Tường Trọng (vô cớ) bị công an chận ở phi trường không cho xuất cảnh, bác Nguyễn Tường Thụy bèn có thơ (than) rằng:
Thích thì cấm, đắng cay chịu vậy
Đất trời này biết cậy nơi đâu
Thân lươn bao quản lấm đầu
Nhìn sang Bắc Mỹ, Âu Châu mà thèm.
Chả phải nhìn xa đến thế đâu, Giời ạ!
Tưởng Năng Tiến

Báo chí thời VNCH chỉ mùi mẫn, khiêu dâm?

Tác giả: GS Nguyễn Văn Tuấn
Báo chí thời VNCH không phải là nền báo chí tốt, nhưng tôi có thể nói rằng nền báo chí đó tốt hơn nền báo chí XHCN ngày nay. Là người từng sống qua hai chế độ, tôi có thể nói một cách khẳng định như thế. Nền báo chí đó không giống như những gì bài báo dưới đây (1) miêu tả. Trong thực tế, báo chí trong thời VNCH phong phú hơn, tự do hơn, và đi trước khá xa nền báo chí XHCN.
Đọc thêm:
Một quầy báo của Sài Gòn, thời trước năm 1975. Nguồn: Trên mạng
Trước hết, báo chí thời VNCH tự do hơn hơn báo chí thời XHCN. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy nền báo chí VNCH có vẻ như mô phỏng theo nền báo chí phương Tây như Mĩ chẳng hạn. Những cái tên lừng danh một thời mà tôi còn nhớ là Trắng Đen, Tin Sáng, Tia Sáng, Đuốc Nhà Nam, Điện Tín, Chính Luận, Tiền Tuyến, Sài Gòn Mới, Tự Do, Ngôn Luận, Công Luận, Sống Thần, Rạng Đông, v.v.

Tôi có kỉ niệm với Trắng Đen vì hồi đó (còn trung học) tôi đánh bạo viết bài gửi cho báo và … họ đăng. Tôi nhớ đó là bài tôi viết ca ngợi phong cảnh quê hương nhân chuyến đi picnic ở Hà Tiên. Bây giờ đọc lại chắc tức cười lắm, chắc kiểu như “nhập bài, thân bài và kết luận” và chắc nhiều sáo ngữ lắm 
. Người trẻ tuổi hay có tính khoe chữ mình mới học, và tôi cũng chẳng phải là một ngoại lệ.
Đặc điểm tuyệt vời nhất của VNCH là tư nhân và các nhóm dân sự không thuộc chính quyền có quyền sáng lập và điều hành báo. Còn thời nay thì chúng ta biết rằng tư nhân không được phép ra báo, và vì thế, báo chí chỉ là tiếng nói của đảng và Nhà nước mà thôi. Cái hay của báo chí VNCH là nó phản ảnh được tiếng nói của người dân đủ quan điểm và thành phần. Chính quyền cũng có báo của họ, và họ cũng tuyên truyền (nhưng không nhồi sọ như ngoài Bắc). Ngay cả những người “thân cộng” (có cảm tình với phía cách mạng) cũng được ra báo. Lại có những nhóm “thứ ba” (tức chẳng theo phe nào) cũng có quyền ra báo. Nhớ bà chủ bút một tờ báo thời đó nói với một kí giả nổi tiếng như sau: “Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu”.
Nhưng quan trọng hơn hết là khá tự do về nội dung và thông tin. Thời đó, tôi nghĩ chắc cũng có kiểm duyệt, nhưng họ không làm theo kiểu “cầm tay chỉ việc” hay “xỏ mũi” như ngày nay. Nên nhớ là VNCH không có ban tuyên giáo chỉ đạo ai phải viết gì. Vì phần lớn báo chí là của tư nhân, nên họ cũng chẳng có nhiệm vụ tuyên truyền cho Nhà nước (thật ra, họ chỉ trích Nhà nước nhiều).
Báo chí thời đó, dù là của chính quyền, chưa bao giờ thần thánh hoá lãnh tụ, chưa bao giờ nịnh lãnh tụ là “vĩ đại”. Ngược lại, thời đó giới báo chí có thể chỉ trích chính quyền thoải mái, thậm chí trêu chọc những người có chức quyền cao nhất như tổng thống Thiệu và các bộ trưởng. Có những cột báo phiếm luận như “Ao thả vịt”, “Thơ đen”, mà tác giả viết rất “ác”, thu hút biết bao độc giả. Họ còn gọi tổng thống là “tông tông”! Có những biếm hoạ về tổng thống Thiệu rất vui. Họ phanh phui đời sống tình ái của ông Thiệu và một cô ca sĩ (mà sau này mới biết là toàn … tào lao). Họ còn đặt “hỗn danh” cho ông Thiệu nữa chứ. Vậy mà ông Thiệu chẳng làm được gì họ.
Báo chí miền Nam trước 1975 có thể nói là nền báo chí chống tham nhũng. Hầu như báo nào, từ của Nhà nước đến của đoàn thể xã hội và tư nhân, đều có những mục chống tham nhũng. Chống hết năm này sang năm khác. Họ nêu đích danh những ông tướng tá, những quan chức trong chính quyền với những chứng cứ cụ thể, chứ không úp úp mở mở như hiện nay. Thành ra, ngày xưa, những kẻ tham nhũng rất sợ báo chí, còn quan chức tham nhũng ngày nay có vẻ xem thường giới báo chí. Kí giả ngày xưa còn có quyền biểu tình, chứ kí giả ngày nay thì làm sao dám biểu tình.
Báo chí thời VNCH phong phú hơn thời XHCN. Ngoài những mục thời sự – chính trị – xã hội, báo chí thời đó còn có nhiều mục hấp dẫn khác dành cho mọi giới trong xã hội. Từ truyện dài, văn nghệ, văn hoá, đến phiếm luận, tất tần tật đều có. Tôi nghĩ báo chí miền Nam thời trước 1975, cũng như văn nghệ, đáp ứng được nhu cầu của giới trí thức và bình dân. Có một điều chắc chắn là báo chí thời đó không ngại nói Tàu cộng đích danh, chứ không hèn theo kiểu “tàu lạ”. Khi trận hải chiến giữa VNCH và Tàu xảy ra, báo chí đưa tin rất đều và đầy đủ. Tôi nhớ có một bản tin nói rằng khi phía VNCH đề nghị chính phủ ngoài Bắc lên án Tàu cộng thì phía VNDCCH từ chối.
Những gì bài báo dưới đây (1) đề cập là có phần đúng. Những bài báo giật gân, những truyện dài kiếm hiệp của Kim Dung, những truyện tình ướt át, v.v. tất cả đều đúng. Tuy nhiên, báo chí thời đó không có những “chuyện ấy” tràn lan như báo chí ngày nay. Còn “khiêu dâm” hay không thì còn tuỳ thuộc vào trình độ văn hoá cảm nhận của cá nhân. Truyện của Lê Xuyên có thời bị xem là “dâm thư”, nhưng bây giờ thì thấy rất bình thường.
Nhưng như tôi nói đó là sự phong phú của báo chí, và nó đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần xã hội. Nền báo chí VNCH dứt khoát có tự do ngôn luận hơn và phản ảnh tiếng nói của quần chúng hơn nền báo chí XHCN. Điều đó thì không có gì phải bàn cãi. Thật ra, tất cả những gì xấu xa mà tác giả chỉ trích và mỉa mai trong bài (1) cũng đang được nền báo chí XHCN ngày nay bắt chước (dù bắt chước chưa tốt mấy), và điều này giống y chang như là ngửa mặt lên trời phun nước miếng.
Nghĩ thật buồn cười: một nền báo chí bị xếp hạng tự do 174/180 (2), đứng chung với những nước “đầu trâu mặt ngựa” như Tàu, Bắc Hàn, Somalia, Syria, Turkmenistan. Eritrea, v.v. mà chê bai một nền báo chí tự do hơn mình!
Nguyễn Văn Tuấn
____
(1) Báo chí Sài Gòn trước năm 1975: Lôi kéo độc giả bằng những chuyện tình mùi mẫn, kiếm hiệp, dâm ô… (LĐ).
(2) VN ‘gần chót bảng về tự do báo chí’ (BBC).
____
Mời xem lại: LÀM BÁO NÓI LÁO ĂN TIỀN (Nguyễn Trọng Tạo/ Ba Sàm).

Buổi Sáng Với Warren Buffett

Tác Giả: Nguyễn Đức Huy
Người Dịch: Kevin Bùi
Tại sao tôi lại khùng tới mức dậy lúc 5 giờ sáng để tham dự cuộc họp thường niên của Berkshire?
Hai ngày trước cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway, tôi đã dành thời gian của mình ở Omaha với một nhóm các nhà đầu tư hướng giá trị có cùng chí hướng. Lần đầu tiên tôi đột nhiên nhận ra rằng có cả bọn tới 50 gã lạ hoắc cũng điên khùng như chính tôi, tin tưởng vào một thứ ngu ngốc gọi là “ Đầu tư hướng giá trị”. Chúng tôi đều yêu cách vận hành của phương thức đầu tư hướng giá trị và áp dụng phương pháp này một cách chuyên sâu theo những đường lối khác nhau. Vậy đầu tư hướng giá trị là gì? Phần này và đầu tư hướng giá trị có ý nghĩa thế nào với Warren Buffett và Berkshire Hathaway sẽ nói thêm ở đoạn sau.
Điện thoại của tôi reo lúc 05:00. Ngoài việc lệch múi giờ do jetlag khiến tôi mệt muốn chết trong suốt 3 ngày qua, hoàn toàn không có lý do tại sao tôi phải dậy sớm tới như vậy để tham dự một sự kiện kéo dài ít nhất 9 giờ với hơn 40 ngàn người khác trong một sân vận động mà không có ánh sáng ban ngày. Tôi không nhớ chính xác làm cách nào tôi đã lên được chuyến xe bus trước cửa khách sạn lúc 6 giờ. Trời tối và lạnh. Chiếc xe Ford trắng rời khách sạn và bò từ từ về phía đường cao tốc mù sương. Sau 15 phút, xe dừng khoảng 500 mét trước nơi tổ chức sự kiện, trung tâm Liên kết thế kỷ (Century Link Center).
Trong khi chúng tôi đang chờ trên xe buýt để cảnh sát hướng dẫn giao thông, hàng ngàn người tiếp tục đổ đến từ tất cả mọi hướng. Các đường phố đông đúc hơn sau từng phút một. Cuối cùng chúng tôi cũng xuống xe và len dần được vào hàng đợi thông qua khách sạn đối điện với Trung tâm hội nghị. Khi đứng xếp hàng khoảng nửa tiếng, đợi tới khi cửa mở là khoảng thời gian thú vị để biết thêm về các cổ đông khác của Berkshire đến từ các quốc gia khác.
Tới 7 giờ sáng, chúng tôi đi vào sân vận động từ các cửa khác nhau. May mắn là tôi được hướng dẫn bởi những người bạn đã từng tham dự sự kiện này năm ngoái nên chúng tôi dễ dàng tìm được một hàng ghế bên trái. Tôi tận dụng thời gian chờ đợi để bắt chuyện với những người xung quanh. Có hai cặp đến từ Omaha và cả hai đều đầu tư vào Berkshire hơn 10 năm qua. Không cần phải nói thêm rằng họ đều đã nghỉ hưu trong giàu có. Warren Buffett và Berkshire Hathaway đã biến hàng trăm người thành triệu phú trong vòng 50 năm qua.
Ánh sang mờ đi như trong rạp chiếu phim lúc 8:30 và đoạn phim giới thiệu bắt đầu với vài phác thảo về Buffett và Munger. Sau đó tới hàng loạt các quảng cáo về các công ty mà Berkshire có cổ phần: Coca Cola; Fruit of the Loom, ACME Bricks, Wells Fargo, Heinz Ketchup, Sea’s Candies và tất nhiên là có công ty bảo hiểm nổi tiếng GEICO. Tới 9:30, hai quý ông bước ra sân khấu và được sự chào đón nồng nhiệt từ khán giả trước khi ngồi xuống. Giữa đám giấy tờ và micro, chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy một vài hộp sôcôla với vài lon Cherry Cokes để rải rác trên bàn.
Warren Buffett bắt đầu đầu tiên với phần chính của cuộc họp để bình luận về thu nhập hàng quý được công bố một ngày trước đó. Doanh thu của quý đầu tiên 2015 là 48,6 tỷ USD với lợi nhuận trước thuế là 7,6 tỷ USD. Berkshire kết quý với 63,7 tỷ USD tiền mặt. Để có thể hình dung được, thì số tiền mặt này tương đương với GDP của Luxembourg, Croatia hoặc Ecuador.
Họ bắt đầu phiên Hỏi- Đáp ngay sau khi đọc các con số của quý 1. Các câu hỏi được luân chuyển giữa ba nhóm: phóng viên, giới phân tích tài chính và khán giả. Dưới đây là một số các câu hỏi chọn lọc, mà tôi thấy mạnh mẽ nhất hoặc thú vị nhất với bản thân mình. Phần lớn đều dựa vào bản ghi chú của tôi hoặc các bản sao từ các nguồn khác nhau do vậy các câu chữ không hẳn 100% nguyên bản như khi phát biểu, xin lượng thứ nếu có lỗi lầm.
Hỏi: Ông có thể cho biết ít nhất năm đặc trưng của một công ty khiến ông tự tin để dự đoán lợi nhuận của nó trong 10 năm?
Munger: Chúng tôi không có một hệ thống phù hợp với tất cả các công ty khi mua chúng. Không có công thức nào cả. Mỗi ngành công nghiệp đều khác biệt và chúng tôi cũng phải liên tục học hỏi. Chúng tôi không thể cung cấp cho quý vị công thức nào để trợ giúp cả.
Buffett: Tôi không có danh sách các điểm đặc trưng nhưng tôi thích các công ty mà tôi có thể phần nào ước định được nó sẽ ra sao trong vòng năm năm. Và một câu hỏi quan trọng là: Liệu chúng tôi có thực sự muốn hợp tác với người này và có thể kỳ vọng họ sẽ hành xử tốt trong tương lai hay không? Điều này loại trừ đi một số lượng đáng kể các giao dịch.
Hỏi: Mặc dù gần đây sự suy giảm của nước ngọt có ga có lẽ sẽ tiếp tục ở các quốc gia phát triển, và chúng ta đã thấy các mối quan ngại trong kinh tế vĩ mô đã đe doạ tới các cơ hội tăng trưởng ở các thị trường mới nổi, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào lợi nhuận vững chắc trên thị trường quốc tế trong dài hạn, ở các quốc gia có tiêu thụ bình quân đầu người thấp hơn đáng kể. Ông nghĩ sao?
Munger: Đường ngăn ngừa việc nhão sớm của các động mạch. Nếu tôi chết sớm, thì chỉ là giảm bớt đi vài tháng ở nhà dưỡng lão mà thôi.
Buffett: So sánh việc uống Coca-Cola với thứ gì đó mà tôi mua ở Whole Foods. Bạn không thấy ai cười ở Whole Foods. Một phần tư số calo mà tôi hấp thụ là từ Coca- Cola. Nếu tôi ăn bông cải xanh và bắp cải non, tôi không nghĩ là tôi sống lâu đến thế này.
Hỏi: Có phải tình hình kinh tế hiện tại là vấn đề đáng quan tâm cho công chúng đầu tư nói chung?
Buffett: Tôi không thể nhớ được liệu đã từng từ bỏ một giao dịch do tình hình vĩ mô. Chúng tôi không bao giờ mua công ty hoặc không mua chỉ vì các yếu tố vĩ mô.
Munger: Bất kỳ công ty nào mà có một nhà kinh tế thì cũng đều thừa một nhân viên.
Hỏi: Lời khuyên nào ông sẽ dành cho những người không được tham dự vào mạng lưới cựu sinh viên của một trường kinh doanh hàng đầu?
Munger: Tôi nghĩ là bạn nên làm tốt nhất những gì bạn có thể. Tôi chưa bao giờ được đào tạo ở trường kinh doanh cả, vậy tại sao bạn lại cần đào tạo nhỉ?
Buffett: Đang chế nhạo lý thuyết hiệu quả được dạy ở các trường kinh doanh.
Hỏi: Thất bại đáng nhớ nhất của ông là gì?
Munger: Chúng tôi lẽ ra có thể sử dụng đòn bẩy để trở nên lớn hơn rất nhiều. Nhưng đêm nào cũng sẽ phải toát mồ hôi lo lắng. Và vậy thì khùng quá.
Hỏi: Ông có nghĩ là phương pháp đầu tư giá trị có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các thị trường, kể cả Trung Quốc?
Buffett: Các nguyên tắc đầu tư không dừng lại ở biên giới. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nguyên tắc của Benjamin Graham. Hãy nghĩ về cổ phiếu như là một đơn vị nhỏ của quyền sở hữu, vv. Nếu bạn có thể đầu tư khi cổ phiếu đang rẻ thì đó không phải là một trò chơi trí tuệ quá khó khăn. Sẽ là dễ dàng nếu bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình.
Munger: Có điều gì hợp lý hơn là đầu tư hướng giá trị?
Hỏi: Ông nghĩ điều gì là sự khác biệt về văn hoá giữa các công ty của Đức và Mỹ?
Munger: Chúng tôi đã có một thời kỳ khó khăn khi mua các thứ ở châu Âu. Các truyền thống và truyền thống gia đình khác nhau nhiều. Đức có truyền thống lâu đời lgiỏi về công nghệ và kỹ thuật. Tôi yêu các công ty Đức bởi năng suất và kỹ nghệ Đức. Người Đức làm việc ít hơn và lại sản xuất nhiều hơn.
Buffett: Năm ngoái chúng tôi đầu tư vào một doanh nghiệp thuộc sở hữu của một người phụ nữ Đức, người có doanh nghiệp bán phụ tùng xe đạp ở Đức. Đó là một doanh nghiệp tốt và là một thương vụ tốt cho chúng tôi. Tôi sẽ mua ít nhất một công ty Đức trong vòng 5 năm tới. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu chúng tôi không mua thêm công ty Đức nào trong vòng 2 năm nữa.
Hỏi: Làm thế nào để ông kết bạn với rất nhiều người và khiến mọi người làm việc cùng ông?
Munger: Cách duy nhất để tôi có thể khiến người ta thích tôi là trở nên giàu có và rất hào phóng.
Buffett: Bạn nên dần trở nên thông thạo hơn về hành vi con người. Hãy gắng học hỏi các đặc điểm của những người mà bạn thích.
Munger: Điều đó thực sự hiệu quả trong hôn nhân. Nếu anh cố gắng thay đổi bản thân mình thay vì thay đổi nửa kia, thì thường là phương thức tốt. Cuối cùng thì, lời khuyên tốt nhất của tôi cho một mối quan hệ lâu dài là giữ mức kỳ vọng thấp.
Hỏi: Liệu Berkshire có phân phối các cổ phiếu của chứng khoán thị trường mà nó sở hữu cho các cổ đông không?
Munger: Không có cách nào để làm điều đó. Tại sao chúng tôi lại mang tiền bạc của người khác để đi cho?
Buffett: Không phải việc của tôi là viết séc từ quỹ của công ty. Đó không phải là tiền của tôi. Đó là tiền của các cổ đông.
Hỏi: Điều gì quan trọng nhất đối với ông và tại sao?
Munger: Nghĩa vụ chính trong đời là trở nên chừng mực nhất có thể. Đó là điều mà cha tôi dạy tôi. Đó là lý do tại sao tôi thích vật lý. Trở nên chừng mực là mục đích của đạo đức.
Buffett: Điều quan trọng nhất với tôi là Berkshire hoạt động tốt.
Buffet: Chúng tôi có khoảng một triệu người hoặc hơn liên quan tới chúng tôi. Tôi sẽ không vui nếu công ty làm ăn kém.
Munger: Chúng tôi ghét việc mất tiền của người khác.
Hỏi: Điều gì là yếu tố lớn nhất của những thành công trong đầu tư của ông thủa ban đầu?
Buffett: Tôi có một người thầy vĩ đại, sự tập trung đặc biệt và các phẩm chất cảm xúc phù hợp. Tôi thích cuộc chơi.
#########
Đầu tư hướng giá trị là cách để xác định một công ty với doanh nghiệp bạn thực sự hiểu, xác định giá trị nội tại của nó và quan trọng nhất là để mua cổ phiếu của công ty đó với một giới hạn an toàn đáng kể. Nghe có vẻ rất đơn giản, phải không? Thực sự là vậy. Nhưng không có nghĩa là nó rất dễ dàng. Giống như Charlie Munger đã từng nói: Nó đơn giản, nhưng không dễ dàng. Ai nghĩ rằng điều đó là dễ dàng là kẻ ngốc. Thầy của Warren Buffett là Benjamin Graham, cha đẻ của đầu tư hướng giá trị. Benjamin Graham là tác giả của 2 cuốn sách: “Phân tích chứng khoán” được xuất bản vào năm 1934 và “Nhà đầu tư thông minh” được xuất bản vào năm 1949.
Tôi khuyến khích tất cả mọi người, những người có dính dáng gì đến đầu tư, tham dự sự kiện này. Buổi tối trước khi sự kiện này, một người bạn của tôi nói với tôi rằng cuộc họp thường niên này giống như Giáng sinh cho anh và anh đã tham dự sự kiện này kể từ 10 năm qua. Điều này cũng xảy ra đối với tôi. Mặc dầu các bài học là không mới với tôi, tôi đã hoàn toàn đánh giá thấp sự ảnh hưởng mạnh mẽ khi xem trực tiếp hai quý ông này nói về đầu tư, tài chính doanh nghiệp và các bài học cuộc đời. Và họ làm điều đó một cách thật thoải mái đồng thời rất trí tuệ, xét tới việc Buffett giờ đây 85 tuổi còn Munger thì đã 91.
Trong buổi tối trở lại khách sạn, tôi chạm mặt Peter Kaufmann ở quầy bar trong khách sạn. Peter là tác giả của cuốn sách nổi tiếng và hiếm hoi về Chalie Munger “Charlie tội nghiệp của vùng Almanack”. May mắn thay, Peter đã cho tôi một bản gốc của cuốn sách nặng tới 3 ký lô và thậm chí còn tự mình ký tặng. Với tôi, hôm đó là lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh nối tiếp nhau.
Nguyễn Đức Huy

Buổi Trưa Hè Rực Rỡ…

Alan Phan
21 June 2015
Trước hết, thay mặt gia đình, tôi xin cảm tạ những phân ưu, những vòng hoa, những chia sẻ và lòng thương yêu kính mến của rất nhiều bà con chú bác cô dì đã dành cho mẹ tôi trong tang lễ hôm nay. Cảm động nhất là cả ngàn lời chia buồn của những thân hữu qua GNA web site, Facebook và mạng truyền thông. Đây là những thông điệp về “tình yêu không giới hạn” của Mẹ dành cho con cháu, một thể hiện của văn hóa Việt Nam không hề phai nhạt dù đất nước đã phải trải qua bao nhiêu là thảm cảnh và điên rồ.
Nói về mẹ tôi, có lẽ hầu hết quý vị ở đây đã biết và có nhiều giao tiếp với bà trong suốt 95 năm cuộc đời bà. Tấm lòng, con người và tâm linh của bà đã “nói và làm và sống” theo Phật pháp, trong sáng, dễ gần gụi và không vụ lợi. Dù gia đình chúng tôi, theo lời dặn của Mẹ, đã giữ tang lễ này riêng tư trong đơn giản và thân mật, sự hiện diện đông đảo nơi đây của bà con, bè bạn…(nhiều người đến từ rất xa) đủ nói lên lòng kính trọng cho thiện tâm của một Phật tử thuần khiết nơi bà.
Có lẽ với bà, đó là thành tựu lớn nhất của một hành trình thật dài, nhiều lúc khó khăn, thăng trầm, đôi khi may mắn hanh thông. Sau 95 năm, Mẹ đã cống hiến tâm tư, tài sản, tình thương cho gia đình, bà con bè bạn, chùa chiền…rồi thanh bình nằm xuống, đi về một thế giới mới, vì có lẽ nơi đấy cũng cần những bàn tay, tấm lòng như bà.
Chúng ta thương khóc bà hôm nay vì sự chia lìa đột ngột, nhưng có lẽ chúng ta nên mừng vì bà đã siêu thoát về một cõi vĩnh hằng, không đau đớn, tiêu diêu cùng Phật như nguyện ước.
Bà có 4 người con, 2 trai 2 gái. Tôi và Lập là những đứa con hoang đàng và vô tâm, mỗi đứa một kiểu. Nhưng may mắn thay, bà lại có 2 người con gái, công dung ngôn hạnh, đã bên cạnh bà, chăm sóc lo lắng từng chút suốt 40, 50 năm qua. Trước linh cửu bà, tôi xin đôi lời tạ lỗi và xin cám ơn chị Vân em Nguyệt đã trả hiếu dùm tôi.
Bà sinh ra tại Thái Bình, trong một làng quê lạc hậu nghèo khổ thời phong kiến. Dù chỉ mới 16, bà có can đảm bỏ quê vào Nam để tìm cuộc sống mới. Rồi qua những giông bão của chiến tranh bom đạn, đói kém lao lực, bà đã xây dựng bằng mồ hôi nước mắt cùng cha tôi một cuộc sống khá ổn định ở Bình Dương rồi Saigon cho 4 đứa con. Biến cố 1975 lại thay đổi tất cả. Bà phải bỏ quê lần nữa để tìm vùng đất tự do cho con cháu.
Tôi không biết ngày bà sinh ra ở Thái Bình đất trời có buồn thảm đau đớn như vận mệnh của Việt Nam. Nhưng ngày thứ hai vừa rồi, khi bà ra đi, một mùa hè đi trễ, sau cùng đã đến. Bà mất vào buổi trưa rực rỡ dưới bầu trời trong xanh của California, một thể hiện tuyệt vời như lòi chia tay sau 95 năm vượt sóng.
Tôi nhớ ngày lên 10 gì đó, tôi say mê tranh của các họa sĩ trường phái ấn tượng. Bà lấy tiền để dành, mua cho tôi một cuốn sách tranh của Van Gogh in từ Pháp. Hình bìa là bức tranh cuối cùng Van Gogh để lại cho đời, trong đó, ông tô đậm hình tượng của một cánh đồng đang mùa gặt, vàng óng và rực rỡ dưới buổi trưa hè của miền Nam nước Pháp. Anh ông ghi chú một câu viết về mộng ước của người em “ được chết giữa ánh nắng rực rỡ của một trưa hè…”
Có lẽ đây cũng là lời kết cho bà mẹ quê từ Thái Bình nghèo khổ, “ Một cuộc đời rực rỡ…cho bà và cho mọi người”.
Alan Phan
(Những thứ siêu phàm là tổng hợp của những điều nhỏ nhoi kết hợp theo từng chuỗi – Great things are done by a series of small things brought together – Vincent Van Gogh)
(GNA: Nguyên văn bài điếu T/S Alan Phan đọc tại tang lễ của thân mẫu vào sáng 21 June 2015)