Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Đi Tìm Đà Điểu

Alan Phan
26 September 2015
“Người ngu nào cũng có thể nhắm mắt lại không muốn thấy; nhưng không hiểu con đà điểu thấy gì sâu dưới cát – Any fool can turn a blind eye but who knows what the ostrich sees in the sand – Samuel Beckett”
Tuần rồi, một người bạn Mỹ đã quen từ vài chục năm nay chở tôi xuống trang trại của hắn gần biên giới Mexico để thăm quan business mới nhất: nuôi đà điểu (ostrich). Hắn không phải là nông dân, nhưng sau khi nghiên khảo cẩn thận trên mạng và các sách về kỹ thuật, hắn khám phá là nuôi ostrich có một tỷ lệ sinh lời cao nhất trong ngành chăn nuôi.
Lý do thì vô số kể, nhưng tôi chỉ ghi chép lại tổng quát, vì trong thâm tâm, tôi không nghĩ đây là chuyện kinh doanh phù hợp với kỹ năng cũng như đam mê của mình. Tuy nhiên, tôi hăng hái theo hắn vì mỗi ngày GNA nhận được khá nhiều câu hỏi từ Việt Nam là “nên trồng cây gì, nuôi con gì” để có lợi nhuận tốt nhất? Câu trả lòi đơn giản với người Việt ở đây là “cây cần sa và con ca ve”.
Nói cho vui thôi, chứ ông bạn Hector của tôi đã tìm ra câu giải đáp mà tôi xin trích thuật lại đây. Cần nói trước là tôi KHÔNG biết gì về ostrich, KHÔNG có kinh nghiệm gì về nuôi hay bán sản phẩm ostrich, chưa nghiên khảo và kiểm định lại các số liệu của Hector, và việc nuôi hay bán ostrich ở Mỹ có thể khác xa các thực tế tại Việt Nam. Cũng xin nhấn mạnh là tôi không có sản phẩm gì về ostrich để bán, mua hay quảng cáo; tóm lại zero quyền lợi trong việc này. Các bạn nào có ý thích, muốn lập dự án ostrich này tại Việt Nam, nên nghiên khảo lại cẩn thận…tìm gặp các nhà chăn nuôi ostrich đã có kinh nghiệm, các chuyên gia tại viện đại học, sở nông nghiệp…
Theo Hector, đây là những lý do chính khiến việc nuôi ostrich khá hấp dẫn về phương diện tài chánh:
Giá bán: Tại Mỹ, hiện nay, một trứng ostrich để gây giống nặng khoảng 2 kg có giá là $500 ; và một cặp giống loại đầu đen Africa bán ra từ $20,000 đến $50,000. (Theo tôi tính, mua 1 con ostrich có thể tốn tiền nhiều hơn làm visa cưới một ông chồng hay một bà vợ Việt?) Mỗi năm, 1 con ostrich đẻ khoảng 40 trứng. Thịt của ostrich cũng nhiều gấp 4 lần một con bò (1,800 kg so với 300kg) và giá bán cũng cao hơn chút đỉnh ($25/kg). Thịt ostrich đang được giới ăn kiêng thích vì lượng béo (fat) , calories và cholesterol ít hơn cả thịt gà trắng.
Các phụ phẩm: Da ostrich có giá trị tương đương với da cá sấu; và lông (feather) của ostrich cũng được dùng làm nhiều đồ trang trí. Các thương hiệu LV, Gucci, Versace…đều có xách tay, giầy, ví da…làm bằng da ostrich. Tính ra 1 con ostrich mái có thể sản xuất 72 ngàn kí thịt, 2 ngàn mét vuông da (khoảng $3 ngàn /mét vuông) và 2 ngàn kí lông (khoảng $ 2 ngàn /kí) trong suốt cuộc đời của cô nàng. Chắc chắn lợi ích kinh tế của con ostrich sẽ nhiều gấp bội lần các quan chức Việt. Cho các quan hưu sớm và nuôi 3 triệu con ostrich sẽ đem về cho GDP số tiền gần 100 tỷ US dollars.
Thổ nhưỡng và thiết bị: Người ta thường nuôi ostrich ở những vùng đất khô cằn gần sa mạc nóng bức…nên giá đất cho trại ostrich rẻ hơn nhiều vùng khác. Chỉ cần vài bóng cây, lều tranh hay mái tôn sơ sài cho ostrich trú gió mưa lớn, giếng hay mạch nước đầy đủ, và bất cứ loại thực phẩm gia súc rau cải nào có tại địa phương…Một con ostrich trung bình sống đến 70 năm, ăn chỉ bằng nửa trâu bò và có thể sống khá chật chội.
Bệnh tật: Vốn là con cháu cùa khủng long T-Rex từ trăm triệu năm trước, nên thể chất ostrich rất mạnh khỏe và thích ứng nhanh với mọi môi trường.
Dĩ nhiên, sẽ có một vài rủi ro khi nuôi ostrich:
Giống ostrich từ Nam Phi hay mang theo virus gọi là heartwater virus. Rất độc hại, có thể thiêu hủy cả triệu triệu gà, vịt, ngay cả heo, bò…Chính phủ Mỹ phải cách ly loại ostrich này vài ba tháng trước khi cho phép nhập vào Mỹ…
Ostrich chạy nhanh đến 70 km/h và do đó, sức mạnh của cú đá của nó lên đến 140 kg mỗi cm vuông. Nó có thể đá chết một con sư tử. Hôm ở trại của Hector, tôi thấy cần 4 nhân công Mễ lực lưỡng để kiềm chế một con ostrich. Người Việt ta chắc phải cần cả 1 tiểu đội? Theo góc nhìn khác, nếu dân Việt khỏe như ostrich, chắc chúng ta khỏi phải lo chuyện …
Hector hiện nuôi khoảng 500 con ostrich trên 20 hectares và đã đầu tư từ 2 năm nay hết khoảng 1 triệu US dollars. Bắt đầu 2016, anh ước lượng cash flow mỗi năm của anh khoảng $450 ngàn US dollars.
Trước khi chia tay, nhóm nhân viên Mễ của anh làm BBQ ostrich steak, nhậu với Corona beer và salsa chips. Dưới bóng râm của cây avocado, trên bãi cỏ xanh cạnh con suối nhỏ, chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện khôi hài về Mỹ-Mễ, về Obama-Trump, về Tijuana-Beverly Hills…Cái đơn giản của những cuộc sống không bị ô nhiễm bởi thủ đoạn, quyền lực hay dối trá.
&&&&&
Tôi ngủ thật say trên xa lộ quay về Los Angeles. Tuổi 70 vẫn thích thú học hỏi, tìm tòi những trải nghiệm mới lạ; nhưng chỉ sau vài giờ, là ngáp dài…và chỉ mong về đến nhà để nằm dài trên sofa đọc sách, mơ màng giữa ly cà phê và khu vườn bóng mát sau nhà.
Lại tản mạn về Việt Nam. Chúng ta nên dùng đà điểu làm biểu tượng cho quốc gia thay vì rồng đất. Vì từ lãnh đạo đến người dân đều có khuynh hướng vùi đầu xuống cát khi gặp chuyện rắc rối: không nghe, không thấy, không nói….
Nhưng có lẽ chúng ta chẳng cần nuôi ostrich. Mỗi người Việt đều có con ostrich trong hồn.
Alan Phan

Dân Việt Nam và chuyện Hộ Khẩu

Những chuyện khôi hài và bi ai của người dân Việt Nam về Hộ Khẩu
Tác Giả: Ku Búa – KB FB – 22 Sep 2015
Sống trong một đất nước có những chính sách phi lý, điển hình là chính sách Hộ Khẩu, người dân Việt Nam đã quá quen với sự phi lý này mà không thấy được sự phi lý của nó. Sổ Hộ Khẩu đã làm khổ mỗi con người Việt Nam trực tiếp và gián tiếp hàng ngày.

Những chuyện sau đây là hoàn toàn có thật, mời các bạn đọc và mong các bạn nhìn thấy sự phi lý của sổ Hộ Khẩu.
1. Một cặp vợ chồng ngoài tỉnh đã vào Sài Gòn ăn học và có công ăn việc làm ổn định. Giờ có đủ khả năng mua nhà trả góp. Khổ nổi là khi tới ngân hàng thì họ đòi KT3 (hoặc Hộ Khẩu TP Hồ Chí Minh). Từ nhỏ tới lớn họ chưa bao giờ biết về mấy quy định này. Thế là họ hỏi bạn bè, cuối cùng tốn 3.5 triệu cho 1 anh Công An để anh ta làm giấy KT3 giả. 3.5 triệu là gần bằng một tháng lương công nhân, để đổi lấy một cái giấy mà họ không hiểu tại sao họ phải cần.
2. Một cặp vợ chồng công nhân vô Sài Gòn làm công. Có con, muốn con học trường công (vì tiền đâu mà học trường tư?). Không có cách nào khác, họ đành tới đồn Công An khu vực để chạy sổ KT3, tốn 4 triệu.
3. Một cô sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm ở Sài Gòn. Được sở phân đi dạy ở trường cao đẳng trong thành phố. Sau 3 tháng dạy, hiệu trưởng đòi cô ta trình hộ khẩu thành phố Hồ Chí Minh, nếu không có sẽ đuổi ra khỏi biên chế. Cô ta ráng chạy chọt, cò Hộ Khẩu ra giá 25 triệu. Nhưng tiếc là chạy không kịp nên cuối cùng bị đuổi việc vì không có Hộ Khẩu Thành Phố Hồ Chí Minh. Có cái nước nào như nước này không?
4. Một cặp vợ chồng cùng tốt nghiệp trường sư phạm ở Sài Gòn. Về quê đi dạy cũng phải tốn tiền chạy cả trăm triệu. Cuối cùng quyết định chạy Hộ Khẩu Thành Phố Hồ Chí Minh tốn 50 triệu để đủ giấy tờ đi dạy ở 1 trường Sài Gòn.
5. Một bạn trẻ tham gia môn taekwondo (và các môn khác như Vovinam, Karate) ở tỉnh ABC, ban tổ chức không cho phép với lý do “không có Hộ Khẩu ABC”. Thể thao Thái Lan đang phấn đấu để vượt lên cùng châu lục và tham vọng chinh phục thế giới. Trong khi đó, các nhà tổ chức thể thao ở Việt Nam còn hỏi “con có hộ khẩu không?”. Chưa thấy cái nước nào làm thể nào mà ngu đần như nước này. Tới bây giờ còn làm thể thao theo sổ Hộ Khẩu, hỏi sao thế thao nước này vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu các bạn chưa biết, các giải thể thao phong trào và thành tích ở nước ngoài hầu hết là mở rộng, ai cũng có thể tham gia, chẳng ai hỏi Hộ Khẩu anh là gì.
6. Một bạn bất đồng chính kiến (đảng gọi là phản động) đi thăm một người bạn ở tỉnh khác. Nửa đêm công an gỏ cửa để “kiểm tra giấy tờ tạm trú tạm vắng”. Mấy trường hợp này thì những bạn nào hoạt động xã hội dân sự, chính trị ở Việt Nam đã bị quá nhiều lần. Công An không cần giấy phép của tòa án, muốn tới kiểm tra tạm trú tạm vắng là tới.
7. Một chủ đầu tư nhà nghỉ nói với ông bạn khi biết ông này muốn đầu tư mở nhà nghỉ: “vậy để tui đưa ông số điện thoại của thằng công an này. Anh mở nhà nghỉ mà không lót tiền cho tụi nó, nó không duyệt giấy phép đâu. Hàng tháng mà không cà phê cà pháo thì nó hứng lên là nửa đêm gỏ cửa đòi kiểm tra tạm trú tạm vắng của khách là khách chạy đi hết.”
8. Một anh thanh niên đi phượt, ngủ qua đêm ở một nhà nghỉ ở quốc lộ 1 A ở tỉnh Đồng Nai. Bất chợt có tiếng gỏi cửa “chị ơi cho kiểm tra tạm trú tạm vắng”. Ông chồng liền nói với bà vợ “em lấy 300k đưa cho nó đi, phiền quá”.
9. Một chú Việt Kiều Mỹ đã về hưu, nay về Việt Nam để dưỡng già. Ổng muốn mua căn nhà. Cái anh môi giới nói ổng cần hộ khẩu. Mà không có nhà thì phải nhập. Ổng đi tới luật sư trình bày vấn đề. Ngày hôm sau anh luật sư gọi điện nói: “tụi công an muốn 20 triệu tiền cà phê, em thương lượng lắm rồi đó anh”. Về hưu mà còn bị hành đấy.
10. Một anh thanh niên quê ở tỉnh vô Sài Gòn lập nghiệp. Vì không có hộ khẩu Sài Gòn nên phải nhờ người khác đứng tên chiếc xe. Biết là phiền nhưng biết sao bây giờ. Quê thì xa, không có thời gian về. Không lẽ mua xe rồi xách xe về quê đăng ký?
11. Chị họ tôi sau khi đám cưới, đăng ký kết hôn thì 2 bên gia đình mua cho một căn nhà ở cùng thành phố, chỉ khác phường. Vậy mà khi tới Công An cắt Hộ Khẩu cũ và làm Hộ Khẩu mới cũng tốn 3 triệu. Nhắc lại, cùng thành phố, chỉ khác phường.
12. Thời hậu 1975, có vô số người di dân từ miền trung vô nam không mang theo gì cả. Nghĩa là họ không có giấy tờ để chứng minh họ là ai. Không có Hộ Khẩu đồng nghĩa với họ không phải là công dân Việt Nam. Tôi không biết có bao nhiêu người như vậy nhưng theo tôi thì quá nhiều, nhất là những lao động ở những xóm nghèo ở Sài Gòn.
13. Một cặp vợ chồng bức xúc vì không làm giấy khai sinh cho con được với lý do: “cô vợ chưa nhập Hộ Khẩu vào nhà chồng”.
14. Một gia đình kia có mảnh đất trống sát bên nhà mình. Đám cưới con cái họ xây thêm 1 căn nhà nữa kế bên cho vợ chồng ở. Công An kêu phải làm sổ Hộ Khẩu vì địa chỉ nhà mới riêng biệt với nhà cũ. Vòng vo hơn 1 tháng, cuối cùng tốn 5 triệu tiền cà phê mới có sổ Hộ Khẩu cho nhà mới. Lúc đó mới được gắn điện và nước.
15. Một bà mẹ tới một trường công ở Hà Nội đăng ký cho con đi học, ông hiệu trưởng nói vì không có Hộ Khẩu khu vực nên cứ đưa 4 triệu là ổng cho qua. (4 triệu là một tháng lương của một lao động phổ thông, bạn tưởng tưởng đi làm 1 tháng trời để lót tiền cho con được đi học, cảm giác đó sẽ ra sao).
16. Chuyện của (nghệ sĩ) Thành Lộc. Thời bao cấp anh ta ở chung nhà với chủ hộ. Chủ hộ đi xuất cảnh đoàn tụ gia đình. Chính quyền địa phương nói chủ hộ đi đồng nghĩa với tất cả tài sản đều giao cho chính quyền giải quyết, căn nhà cũng vậy. Anh ta và người thân vẫn ở đó nhưng ở thuê trên chính căn nhà của mình.
17. Trong những năm 2000, giới sinh viên còn có “tệ nạn” lấy nhau vì cái hộ khẩu vì có nhiều công ty khi tuyển nhân viên họ lại yêu cầu có có hộ khẩu tại Sài Gòn. Lý do thì nhiều nhưng chính nhất là vì : làm bán hàng nên cầm tiền của công ty, nếu ở tỉnh thì khó xác minh và mất thời gian. Những trường hợp ôm tiền công ty rồi bỏ trốn cũng rất khó khăn để thu hồi. Công ty mình làm hồi 2005 có 1 bạn giao hàng do thiếu nợ bên ngoài nên ôm 1 cục gần 100 triệu bùng mất, công ty không cách nào.lấy lại được dù đã báo Công An.
18. Một anh du học sinh sau 4 năm học trở về nước và chuẩn bị hồ sơ tìm việc làm. Lúc đó gia đình mới nói là Công An đã cắt cắt Hộ Khẩu vì đã anh ta đã đi hơn 2 năm. Muốn nhập lại thì phải chứng minh anh ta là con của chủ hộ. Phiền quá nên tới Công An đưa anh Công An 2 triệu để giải quyết êm đẹp. Chính sách thu hút nhân tài về nước của Việt Nam đấy.
19. Một anh chủ đầu tư nhà trọ loại cao cấp than phiền: “tao ghét nhận khách nước ngoài lắm. Mỗi lần tụi Công An biết có người nước ngoài tới thuê là tụi nó tới vòi tiền với lý do người nước ngoài không được ở lâu, phải khai tạm trú tạm vắng mỗi ngày. Tao không quan tâm, vì chi phí đó tụi nước ngoài trả gián tiếp qua tiền trọ, nhưng tao ghét tụi Công An hay tới chỗ trọ đòi tiền cà phê. Nhiều lúc tụi nó đi nhậu kêu tao ra nhậu chung, biết chuyện nên mỗi tháng tao tới nộp 2-3 triệu để tụi nó khỏi làm phiền tao nữa. Kinh doanh ở xứ này là phải chơi theo luật rừng nào cọp nấy mày ơi.”
20. Một cặp cha mẹ vì quá bất mãn với chất lượng giáo dục ở trường công trong khu vực, và cũng không đủ tiền để cho con học trường tư nên tìm cách cho con nhập Hộ Khẩu vào nhà ngườ thân ở khu vực có trường tốt hơn. Tốn 20 triệu. Cha mẹ đã đi làm đóng thuê, muốn gửi con mình đi đâu thì đó là quyền của họ. Nhà trường cũng có quyền chấp nhập hay không. Chuyện học hành của người Việt Nam tới giờ này vẫn còn phụ thuộc vào sổ Hộ Khẩu thì làm sao khá nổi?
21. Một người bạn học cùng lớp cấp 3 với tôi, vì bố mẹ anh ta bán nhà đi ở trọ, cho nên không có hộ khẩu. Thế là học xong cấp 3 anh ta không thể thi vào trường đại học nào được, vì trong hồ sơ dự thi bắt buộc phải có giấy chứng minh nhân dân, mà muốn có giấy Chứng Minh Nhân Dân thì phải có hộ khẩu. Thế là anh ta buộc phải đi làm thuê suốt 3 năm, mặc dù học cũng thuộc diện khá. Trong suốt 3 năm đi làm thuê, gia đình anh ta phải chạy vạy khắp nơi để xin cho anh ta được nhập khẩu vào một nơi nào đó, nhưng do gia đình không có người thân thích, cho nên phải 3 năm anh ta mới nhờ được người cho ké vào sổ hộ khẩu. Cũng may sau đó anh ta thi đỗ đại học, và bây giờ trở thành giáo viên.
Và đó là những điều bạn cần biết về sổ Hộ Khẩu. Hy vọng càng ngày càng nhiều người sẽ nhận ra sự vô lý, ngu ngốc và khôi hài của nó. Chỉ khi người dân Việt Nam bước chân ra khỏi Việt Nam, họ mới biết được đất nước Việt Nam vô lý đến mức nào, điển hình là sổ Hộ Khẩu.
Ku Búa

Ngập Úng Tư Tưởng

Chuyện ngập úng
Tác Giả: VietTuSaiGon – RFA Blog – 22 Sep 2015
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là vài tháng giữa năm nay, tình trạng mưa là ngập, ngập là úng đã diễn ra ở hầu hết các thành phố trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt những thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn thì chuyện ngập úng đã đến hồi cao trào. Ở Hà Nội chưa nghe nói gì chứ ở Sài Gòn, có quan chống ngập đã tuyên bố Sài Gòn phải tốn 66,800 tỉ đồng để chống ngập. Nhưng sau đó lại có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, 100,000 tỉ đồng để chống ngập.

Người dân nghe đến những con số như cậy chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Có người còn nói đùa: “Thì Sài Gòn mới là hòn ngọc Viễn Đông, chứ bây giờ thành cái hồ rồi, hồ Chí Minh đó, thành cái hồ thì phải nhiều nước chứ! Có gì đâu mà bàn cho mệt!”.
Mức độ ngao ngán của cư dân sài Gòn hiện nay có thể nói đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng cũng có cái hay là sức chịu đựng của người Việt hiếm có dân nước nào bằng. Suốt bảy mươi năm ở miền Bắc và bốn mươi năm ở miền Nam, đói khổ, mệt mỏi, bị chèn ép, bị coi thường, bị lừa phỉnh… Đủ các thứ khổ nạn, vậy mà người dân vẫn cứ sống như chuyện đó rất ư bình thường, nước ngập thì xắn quần mà lội, dân phòng, công an đổ hết trái cây thì mai sắm cái hác mà bán lấy lãi…!
Có người lại ra chiều trầm ngâm, lắc đầu: “Chuyện ngập úng ấy à? Thường thôi, vì cái quan trọng nhất là tâm hồn, trí tuệ, nó đã bị ngập úng mấy mươi năm nay rồi thì nghĩa lý gì vài thành phố bị ngập! Trí tuệ ông nào đỉnh cao kia mới không bị ngập, vì có đỉnh cao trí tuệ rồi thì sá gì ba cái trí tuệ lèng phèng ở dưới!”.
Lời ta thán của người bạn khiến tôi giật mình, ông nói đúng, chuyện Sài Gòn thành cái hồ gọi là hồ Chí Minh theo cách hiễu đầy chất giễu nhại hoặc chuyện các thành phố lớn thi nhau mà ngập đều là hệ quả, cái đến sau của sự ngập úng tư tưởng, ngập úng trí tuệ. Khi tư tưởng, trí tuệ bị ngập úng, thối nát trong một hệ thống vốn dĩ sẽ đi đến kết cục như vậy thì mọi thứ chẳng còn gì để bàn.
Chỉ riêng thành phố Sài Gòn và Hà Nội, hai thành phố lớn và chưa bao giờ có “truyền thống” ngập úng như hiện nay lại trở thành tiêu điểm của ngập úng và thiệt hại do ngập nước gây ra thì khỏi phải chê vào đâu được! Trong khi đó, hai thành phố này nổi tiếng là có nhiều ao hồ và kênh rạch. Nếu như Hà Nội có nhiều ao hồ thì Sài Gòn lại có rất nhiều kênh rạch và hệ thống thoát nước ở đây cũng khá rộng lớn.
Ao hồ ở Sài Gòn trước đây cũng khá nhiều nhưng đã bị san lấp thành khu dân cư. Mọi thứ xúm tụm vào một trung tâm chật chội, ngột ngạt, hệ thống cấp thoát nước không có gì thay đổi mặc dù kinh phí hàng năm vẫn luôn chiếm con số rất lớn, hệ thống cấp thoát nước đang sử dụng hiện nay tại Sài Gòn đều dựa vào hệ thống do Pháp xây để lại.
Trong khi đó, với thiết kế của Pháp, hệ thống cống rãnh, kênh rạch và các đầu cầu dẫn lưu là bất di bất dịch. Thời Việt Nam Cộng Hòa cũng không có gì thay đổi về vấn đề cấp thoát nước. Khi Sài Gòn rơi vào tay chính quyền Cộng sản Việt Nam, mọi thứ thay đổi. Ao hồ bị san lấp, kênh rạch bị san lấp và ở các đầu cầu đều cho xây nhà kín mít, nhà gần đầu cầu thì người dân tìm cách đắp nền cho cao ngang với dốc cầu, móng nhà trở thành đập ngăn nước thoát từ đường xuống sông. Mọi xây dựng sau 1975 đều dẫn đến hệ quả là khi trời mưa, nước không có đường thoát (đầu cầu dẫn lưu, kênh rạch) và cũng mất luôn chỗ tạm thoát (ao hồ).
Dân số thì càng ngày càng đông, nhà cửa chen chúc nhau xây dựng. Trong lúc cơ quan quản lý xây dựng của thành phố này vẫn đi soi mói từng viên gạch khi nhân dân xây nhà để đóng thuế, để phạt. Và có bao nhiêu nhà xây dựng hợp pháp ở thành phố? Đương nhiên phải là 100% nhà ở những điểm quan trọng như đầu cầu, khu san lấp ao hồ. Vậy cơ quan quản lý kiến trúc, xây dựng thành phố này tồn tại để làm gì?
Tiếp đến, đã có bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian người dân chờ đợi các ngành liên quan đào dường, dựng lô cốt hằng năm trời để xây dựng hệ thống thoát nước? Và đã bao nhiêu lần các quan chức tuyên bố sau khi xây dựng hệ thống lô cốt thoát nước này thì Sài Gòn không bị ngập nước? Có thể nói rằng lời hứa nhăng hứa cuội này đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần, nghe riết thấy đầy lỗ tai!
Ở Hà Nội, hệ thống thoát nước cũng do thời Pháp để lại, hệ thống mới hầu như không đáng kể, chỉ có ở những khu phố mới và hiệu năng của chúng thì quá thấp. Trong khi đó, chi phí xây dựng hệ thống này cũng chẳng thấp một chút nào. Sở dĩ các thành phố đều trở nên tệ hại như hiện thấy là do nạn tham nhũng, rút ruột công trình quá nặng. Nặng đến độ một tay thầu công trình thoát nước kể rằng anh ta chỉ nhận đúng 1km đường cống ở Hà Nội, tổng kinh phí là ba tỉ đồng, anh phải chung chi cho quan chức bên A, tức chủ tịch, phó chủ tịch và các nhân viên ủy ban quận hết một tỉ rưỡi đồng. Số tiền còn lại, xây dựng xong hệ thống cống dài 1km này, anh lãi được chín trăm ba chục triệu.
Như vậy, sau khi trả hết tiền công lao động, tiền vật liệu xây dựng, tiền chi phí cơ hội mỗi ngày của chủ thầu, anh ta chỉ mất đi năm trăm bảy chục triệu đồng. Số tiền ngót nghét 18% so với số tiền phải trích ngân sách bỏ ra. Thử hỏi, liệu có bao nhiêu km đường cống rãnh ở Sài Gòn và Hà Nội đã không bị cắt xén, bòn rút như trường hợp trên? Và với mức độ bòn rút, cắt xén kinh phí như vậy, liệu có mấy công trình có thể trụ qua được mùa mưa?
Tôi dám chắc rằng mọi hệ thống thoát nước do nhà nước xây dựng trong thời gian qua ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội đều đã hư hỏng. Nhưng vì nó nằm dưới lòng đất nên không ai nhìn thấy. Và khi không ai nhìn thấy được, người ta dễ dàng nói phét để qua chuyện. Bởi lẽ, sự ngập úng hiện tại không còn là chuyện của mưa, chuyện của thành phố hay cống rãnh mà là chuyện ngập úng của cả một hệ thống tư tưởng mục ruộng, thối nát.
Khi tư tưởng, trí tuệ đã thối nát, thì mọi sự thối nát, ngập úng khách chỉ là biểu hiện bên ngoài. Hiện trạng việt Nam đang là thảm trạng của thối nát và ngập úng, càng ngập úng thì càng tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ!

Thôi đi, đừng nhân danh tương lai nữa!

Tác Giả: Đào Tuấn – Báo Lao Động – 26 Sep 2015
Ở ga trăm tỉ Hạ Long, PV một tờ báo “chộp” được hình ảnh “đàn bò nhẩn nha gặm cỏ trong sân ga, người chăn bò dựa lưng cây cột điện ngủ ngon lành”. Theo tính toán, mỗi chuyến tàu tới đây lỗ chẵn 10 triệu đồng do bộ máy cồng kềnh và gánh đủ các loại chi phí. Thậm chí, mỗi chuyến tàu dẫu hoành tráng nhưng doanh thu không bằng một… xe khách.

Nguyên do: Hàng hóa sẽ đội chi phí rất lớn nếu phải chuyển từ tàu chạy đường ray khổ 1m sang khổ 1,435m ở tuyến này.
Thành phố mới Bình Dương với công suất “125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc” thì thênh thang một chiếc cổng nhưng cỏ lác thì um tùm, đường sá thì heo hút đìu hiu không một bóng người. Nguyên do, nói một cách mỹ miều là vì “tầm nhìn quá xa so với thực tiễn”.
Còn ở Bà Rịa – Vũng Tàu, từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đến Trường Mầm non Bưng Riềng, cơ ngơi thì hoành tráng nhưng không có đường vào. Tháng tháng, khi bệnh viện hay trường học chưa kịp trả tiền thuê đường, chủ đất bèn kéo rào cho “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nguyên do việc con đường đang tắc tị, theo Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa Nguyễn Văn Hoàng, vì “liên quan đến giá đất đền bù” đang chờ phê duyệt.
3 câu chuyện ở 3 miền đất nước đang chỉ cho thấy những bất cập quanh hai chữ “đồng bộ” tưởng đáng lẽ là đương nhiên. Và, nói một cách công bằng, cho thấy “tầm nhìn”, “tầm trách nhiệm” bảo là quá xa nhưng “không quá lỗ mũi”.
Một đường ray khổ 1,435m có thể là nhìn xa cho tương lai. Nhưng cái tầm nhìn không căn cứ vào thực tế là khổ ray chung trên toàn quốc vẫn là 1m đang khiến hàng trăm tỉ đồng – không thể gọi khác – bị lãng phí nghiêm trọng. Lãng phí trong khi thiếu vốn vẫn là căn bệnh trầm kha không chỉ của ngành đường sắt, không chỉ của ngành GTVT.
Một thành phố, có thể là cách hướng tới tương lai. Nhưng với giá đất được cho là “cắt cổ” đang gần như bị bỏ hoang, có vẻ như đang quá vô duyên lạc lõng với thực tế là hàng ngàn công nhân Khu công nghiệp Bình Dương đang sống trong một diện tích thuê trọ còn “tối thiểu” hơn cả diện tích người ta dùng để nuôi một con bò sữa!
Còn những công sở bịt bùng không đường vào vì phải chờ phê duyệt giá đền bù có lẽ là chuyện “chỉ có ở Việt Nam” khi làm lấy được, đầu tư lấy được, xây dựng lấy được vẫn là chuyện phổ biến mà ngay cả Bộ trưởng Bộ KHĐT có lần cũng than khổ!
Nếu là người dân, bằng tiền túi của mình, có bao giờ đầu tư, xây dựng những ga tàu ma, những thành phố ma, những công sở bịt bùng như thế – dẫu là nhân danh tương lai, nhân danh tầm nhìn xa?!