Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Những Dấu Hiệu Xấu Cho Tỷ Giá

HSBC: Dự trữ ngoại hối không đủ cho ngân sách vay
Thanh Thanh Lan – VNExpress – 22 May 2015
Nhận định dự trữ ngoại tệ khoảng 35 tỷ USD vẫn thấp hơn nhiều mức cần thiết tối thiểu là 3 tháng nhập khẩu, HSBC cho rằng khoản tiền này khó đáp ứng thêm nhiệm vụ cho vay đầu tư của Chính phủ.
Đề xuất của Chính phủ cho phép ngân sách đi vay dự trữ ngoại hối để đầu tư vừa được HSBC đề cập trong báo cáo công bố ngày 22/5. Ngân hàng này cho rằng ý tưởng này khó thực hiện nếu xem xét đến khả năng khả dụng của dự trữ ngoại hối hiện nay.
Trong lần công bố gần đây nhất, nhà điều hành cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 35 tỷ USD. Theo HSBC, mức dự trữ khoảng 2,5 tháng nhập khẩu này thấp hơn nhiều mức tối thiểu cần thiết ba tháng nên dường như Ngân hàng Nhà nước không có dư địa để cho Chính phủ vay. Nguồn dự trữ này theo đánh giá của HSBC là thấp hơn so với thông lệ và ngay cả với các nền kinh tế khác như Bangladesh, Sri Lanka – những nước có cơ chế quản lý ngoại tệ tương tự. “Việc Ngân hàng Nhà nước phải dùng dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá và tài trợ vốn cho các dự án Chính phủ sẽ khiến VND rơi vào thế bấp bênh”, báo cáo của HSBC nhận định và cho rằng không nên cho ngân sách vay như đề xuất.
Ngân hàng Nhà nước duy trì một biên độ giao dịch hẹp cho cặp tỷ giá USD/VND (+/-1%) mang ý nghĩa rằng nguồn dự trữ ngoại tệ là một công cụ để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, con số 35 tỷ USD vẫn dưới mức trung bình 3 tháng nhập khẩu. “Tình hình còn tồi tệ hơn khi cán cân thương mại đã chuyển từ ngưỡng dương sang âm 3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, một con số chưa từng thấy từ năm 2011. Điều này sẽ càng gây khó khăn cho dự trữ ngoại hối và tiền tệ”, các chuyên gia của HSBC nói.
Theo ngân hàng ngoại này, khả năng nhà điều hành phải dùng nguồn dự trữ ngoại tệ để can thiệp thị trường từ nay đến cuối năm có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh đồng đôla có thể mạnh lên khi FED tăng lãi suất vào cuối năm. Bên cạnh đó, theo cam kết của Thống đốc năm ngoái, tỷ giá năm 2015 điều chỉnh không quá 2% và đến nay sau hai lần điều chỉnh đã hết dư địa. “Nếu nguồn dự trữ ngoại tệ được đưa vào sử dụng cho các dự án phát triển của Chính phủ thì điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thiếu cơ sở để duy trì các cam kết và giữ vững uy tín của mình”, HSBC phân tích.
Sở dĩ Chính phủ phải nêu ra đề xuất chưa từng có tiền lệ này ở Việt Nam và hiếm xảy ra trên thế giới này là từ những khó khăn về huy động vốn trên thị trường tài chính. Riêng trong tháng 5, theo số liệu của HSBC, cả 7 phiên đấu giá trái phiếu Chính phủ đều thất bại. Trong 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành của năm 2015, Bộ Tài chính mới chỉ phát hành thành công 66.000 tỷ đồng (tương đương 27% kế hoạch).
Lý do trái phiếu ế ẩm như hiện nay xuất phát từ Nghị quyết 78, quy định về việc chỉ cho phép phát hành trái phiếu có thời hạn từ 5 năm trở lên, nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho việc trả nợ. Tuy nhiên, năm 2013, 2014, trái phiếu kỳ hạn nhỏ hơn 5 năm chiếm từ một nửa đến hai phần ba tổng lượng phát hành. Trong khi đó, với trái phiếu dài hạn, thị trường tỏ ra không hào hứng.
Do đó, HSBC hy vọng kỳ họp Quốc hội lần này sẽ đưa ra những giải pháp theo hướng sửa đổi Nghị quyết 78 thay vì cho phép ngân sách vay dự trữ ngoại hối để tháo nút thắt trên thị trường trái phiếu Chính phủ. “Nếu như Nghị quyết 78 không được sửa đổi, chúng tôi vẫn không kỳ vọng Chính phủ thông qua quy định cho phép mượn tiền từ nguồn dự trữ ngoại tệ. Sẽ có nhiều nguy cơ lớn chất chứa”, HSBC nêu trong báo cáo.
Bộ Tài chính lo biến động tỷ giá tác động tới nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ
Tác Giả: Minh Huệ – BizLIVE – 25 May 2015
Báo cáo Quốc hội về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ vẫn trong giới hạn cho phép, song đang có xu hướng gia tăng
“Trong đó, dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 50% tổng dư nợ Chính phủ, nếu có sự biến động bất lợi về tỷ giá ngoại tệ có thể thúc đẩy gia tăng nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ tương ứng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lo ngại.
Nợ công đang tiến sát trần
Bộ trưởng cho biết đến cuối năm 2013, dư nợ công tăng khá nhanh (năm 2010/2009 tăng 27%; năm 2011/2010 tăng 24,8%; năm 2012/2011 tăng 18,3%; năm 2013/2012 tăng 18,6%).
Theo bộ trưởng, có 3 nguyên nhân tác động tới nợ công. Thứ nhất, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn, chỉ đạt khoảng 95% mục tiêu do khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế trong nước suy giảm.
Thứ hai, sức ép về nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.
Thứ ba, giá trị VND liên tục suy giảm trong thời gian qua. Mặc dù cuối năm 2012 đã có tín hiệu cải thiện nhưng chưa thật sự bền vững nên đã làm cho trị giá các khoản dư nợ công bằng ngoại tệ quy đồng Việt Nam tăng lên.
“Việc nợ công đang tiến dần tới ngưỡng cần được chú ý và giám sát chặt chẽ”, bộ trưởng cảnh báo.
Ngoài ra, ông Dũng cũng lưu ý nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tuy vẫn trong giới hạn cho phép, song đang có xu hướng gia tăng. Năm 2013 là 12,6%; năm 2014 là 13,8% và dự kiến năm 2015 là 16,1% so với thu Ngân sách Nhà nước (giới hạn cho phép không quá 25% thu Ngân sách Nhà nước hàng năm).
Bộ trưởng cho biết trong danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ có gần 10% dư nợ vay với lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp cũng đang đặt ra thách thức trong tiếp cận nguồn vốn ODA với thời hạn vay dài, lãi suất thấp (vay ngân hàng thế giới từ 0%/năm tăng lên 1,25%/năm; vay ngân hàng phát triển Châu Á từ mức khoảng 1-1,5%/năm tăng lên 2%/năm).
“Vì vậy, khi có sự gia tăng lãi suất trên thị trường vốn quốc tế sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Ngoài ra, với mức dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 50% tổng dư nợ Chính phủ, nếu có sự biến động bất lợi về tỷ giá ngoại tệ có thể thúc đẩy gia tăng nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ tương ứng”, ông Dũng bình luận.
Do vậy, Bộ trưởng khuyến nghị Chính phủ chủ động bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định (không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước) và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo trả nợ đúng hạn.
“Tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. (Nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dưới 25%)”, ông Dũng đề xuất.
Vì sao nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng?
Bộ trưởng lý giải nguyên nhân chủ yếu khiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại.
Trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn dẫn đến kỳ hạn trái phiếu của Chính phủ phần lớn là ngắn hạn. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.
Nợ công giai đoạn 2010 – 2013 (nguồn Bộ Tài chính)
Một nguyên nhân nữa là việc huy động, sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ dàn trải, tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả.
“Nguyên nhân là do khâu huy động, phân bổ sử dụng mới căn cứ vào đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ và cân đối với các nguồn vốn đầu tư khác, chưa bám sát vào các hạn mức nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác định mức vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của Chính phủ”, ông Dũng giải thích.
Ông Dũng nêu thực trạng về việc tổng dự toán vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ghi trong dự toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước rất thấp, không đúng với giải ngân thực tế gây nên tình trạng bị động trong cân đối vốn đối ứng, tạm ứng các hợp đồng.
“Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm và hiện nay các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đã có yêu cầu cần phải báo cáo Quốc hội khi số chi tiêu vượt dự toán để Quốc hội xem xét cho phép điều chỉnh trước khi thực hiện”, ông Dũng nói.
Một thực tế nữa, đó là vẫn còn có một số dự án gặp khó khăn trả nợ, phải ứng ra từ Quỹ Tích lũy trả nợ để cho vay các dự án trả nợ nước ngoài, gia hạn nợ hoặc tái cơ cấu tài chính, chuyển sang cơ chế đầu tư vốn nhà nước gây sức ép tăng nghĩa vụ chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
“Qua đánh giá sơ bộ, nếu xét theo ngành, lĩnh vực cho vay lại thì phần lớn các dự án vay lại gặp khó khăn thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, cấp nước, sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng đường cao tốc. Nguyên nhân phát sinh cả từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan”, ông Dũng bình luận.
Về chủ quan là do dự án không được chuẩn bị kỹ, không nghiên cứu kỹ khả năng hoàn vốn, lựa chọn thiết bị mua sắm không phù hợp, giá thành cao; trách nhiệm này thuộc về cơ quan thẩm định, quyết định đầu tư, chủ dự án và người vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Về nguyên nhân khách quan do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp hoặc giảm giá. Ví dụ dự án cà phê Buôn Mê Thuột (vay ODA Đức) gặp khó khăn do giá cà phê giảm; dự án dâu tằm tơ (vay Italia) diện tích trồng dâu bị thu hẹp, giá tơ giảm; dự án đường cao tốc không thu đủ phí để trả nợ đến hạn phải chuyển sang đầu tư vốn nhà nước.
“Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như tỷ giá ngoại tệ/VND biến động mạnh theo hướng làm tăng dư nợ của các dự án vay lại bằng ngoại tệ và không cân đối được với doanh thu của dự án bằng VND; môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước không thuận lợi, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến thị trường đầu ra, đầu vào của sản phẩm (nông sản, đóng tàu, xi măng …) và chính sách giá cả của Nhà nước (điện, nước sạch…), giá sản phẩm chưa phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất, doanh nghiệp vay vốn hoạt động khó khăn trả nợ”, Bộ trưởng đánh giá.

Chuyện Dài Nợ Nần

Đại gia lụi tàn, ‘chết chìm’ vì nợ khủng
Tác Giả; Huấn Tú – VEF – 25 May 2015
Thị trường khó khăn khiến doanh thu của các DN giảm mạnh, thậm chí dòng tiền bị đứt mạch. Khó khăn, nợ nần chồng chất khiến các đại gia nhanh chóng lụi tàn, mất tích không còn tăm hơi.
Tàn lụi vì nợ khủng
Sau 2 năm hủy niêm yết cổ phiếu THV, ông Nguyễn Văn An, chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam không còn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Doanh nghiệp của đại gia từng khá nổi tiếng trên thị trường cà phê cũng bặt vô âm tín. Trong suốt hai năm kể từ ngày bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế năm 2012 vượt quá vốn điều lệ thực góp, Thái Hòa không có thông tin về hoạt động cũng như tình hình thanh toán, trang trải nợ nần.
Sau khi bị hủy niêm yết, THV không đăng ký giao dịch trên Upcom, cũng chẳng công bố báo cáo quý, năm. Báo cáo gần nhất là 6 tháng đầu năm 2013. Những khoản nợ khổng lồ lên đến cả nghìn tỷ với 9-10 ngân hàng, những tài sản mà bên thứ 3 là vợ chồng ông Nguyễn Văn An đưa ra bảo lãnh, cùng thông tin về việc đàm phán nợ nần với các NH không hề được đề cập đến
Thông tin về cổ đông lớn của công ty cũng ít ỏi. Nhiều người không biết, sau khi một số thành viên HĐQT trong đó có bà Ngô Thị Hạnh, vợ của Chủ tịch HĐQT, đã bán hết 6 triệu cổ phiếu với lời giải thích “để có thể có tiền vốn giải quyết khó khăn tài chính cho công ty”, chứ không phải “chạy trước khi công ty có thông tin xấu”. Còn các cổ đông lớn này đã mua lại cổ phiếu hay chưa, giờ còn nắm giữ bao nhiêu, chẳng ai hay.
Sự mất tích của cá nhân vị chủ tịch cùng THV diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất do sử dụng nguồn vốn sai mục đích: dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, chủ yếu là trồng cà phê và cao su.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy, THV lỗ lũy kế gần 570 tỷ đồng, bào mòn gần hết 577 tỷ đồng vốn điều lệ.
Một đại gia khác cũng bế tắc không lối thoát do nợ nần lớn là ông Phạm Văn Thụ, TGĐ Công ty TM Công nghiệp Thái Sơn. Khối nợ 570 tỷ đồng đã nhấn chìm một “DN tiêu biểu” của Hải Phòng. Sự sụt giảm giá sắt thép do khủng hoảng kinh tế cùng với việc DN lún sâu vào các dự án dang dở khiến Thái Sơn mất khả năng thanh toán nợ. Những hành vi lừa đảo cũng bắt đầu từ đây. Cuối cùng, DN nợ hàng chục NH cả nghìn tỷ đồng. Hàng loạt các công ty con đã được bán đi nhưng đây không phải là cách có thể thoát được sự nợ nần đầm đìa.
Chết vì nợ nần, làm ăn lớn
Giữa tháng 3/2015 vừa qua, CTCP Nam Vang (NVC) đã bị phạt 60 triệu đồng do chậm công bố báo cáo quản trị 2013. Nam Vang là một DN trước đó niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhưng hoạt động kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và bị hủy niêm yết cách đây đúng một năm, ngày 26/5/2014.
DN của ông chủ Lê Văn Vang này đã thua lỗ nặng nề, cả chục quý liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu. Cổ phiếu NVC trước khi bị hủy niêm yết chỉ còn 1.000 đồng/cp và còn nợ các NH trên 400 tỷ đồng, không biết lấy nguồn đâu để trả. Nam Vang mất bóng trên thị trường.
Giống như Thái Hòa, CTCP Alphanam (ALP) của đại gia Nguyễn Tuấn Hải cũng đã khiến các cổ đông lao đao khi liên tục thua lỗ nhiều năm liên tiếp. DN này đã liên tục thực hiện các chiến lược mua bán thâu tóm mà cái lợi có thể còn ở tương lai xa.
Cổ đông thực sự mù thông tin về các DN này khi mà các ông chủ mất dạng sau thua lỗ, nợ nần. Các NĐT không còn thấy DN nói gì tới đại hội cổ đông, tới các báo cáo tài chính mà họ có quyền được biết, được tham dự.
Cái chết” của Công ty Cổ phần Việt An – Anvifish (AVF) cũng đã được báo trước khi DN này vay nợ quá nhiều. Cú lỗ kỷ lục trong năm 2014 cùng với sự vắng mặt của cổ đông lớn, sự biến động nhân sự chủ chốt cùng hành động âm thầm bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu AVF (6,92%) để ra nước ngoài trị bệnh của nguyên chủ tịch Lưu Bách Thảo là những báo hiệu đen tối đối với DN này.
Tập đoàn Đại Dương (OGC) của cựu chủ tịch Hà Văn Thắm đứng trước nguy cơ lợi nhuận bị ăn mòn gần nghìn tỷ đồng do đầu tư vào Ocean Bank. Ocean Group có thể sẽ từ lãi chuyển thành lỗ. Tài sản bị bào mòn, vốn chủ sở hữu tụt giảm sẽ khiến khoản nợ gần 7.500 tỷ đồng (trong đó có 4.800 tỷ nợ ngắn hạn) trở thành gánh nặng chưa biết bao giờ mới giải phóng được.
Rất nhiều DN vài năm qua đã không thể xoay sở do nợ nần chồng chất. Nhiều DN lớn cùng với các ông chủ nổi tiếng nhanh chóng lụi tàn và biến mất trên thị trường.
Thị trường khó khăn khiến doanh thu của các DN giảm mạnh, thậm chí dòng tiền bị đứt mạch. Trong khi đó, vì nợ quá nhiều nên chi phí tài chính luôn ở mức rất cao.
Trường hợp của Thái Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2013, tập đoàn này gần như bị đứt mạch dòng tiền, doanh thu vỏn vẹn chưa tới 1 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lên tới 84 tỷ đồng, trong đó lãi vay 36 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn gần 2.000 tỷ đồng với phần lớn là nợ ngắn hạn khoảng gần chục NH là áp lực vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Văn An cho rằng, những điểm xấu của Thái Hòa bộc lộ sớm giúp DN thấy được sai lầm và nhanh chóng tìm hướng giải quyết. DN này đã đàm phán thành công với nhiều NH để chuyển nợ ngắn hạn sang dài hạn – bước thành công ban đầu trong công cuộc tái cấu trúc DN. Tuy nhiên, vấn đề là bao giờ DN mới trả hết nợ, bao giờ Thái Hòa mới lấy lại được vị thế đầu ngành kinh doanh cà phê?
Đại gia miền Tây: Bản lĩnh vay ngàn tỷ rồi chuồn lẹ
Tác Giả; Huấn Tú – VEF – 25 May 2015
Nhiều “anh Hai” nổi lên như những đại gia lừng lẫy ở khu vực đồng bằng Nam Bộ nhưng khó khăn, nợ nần nghìn tỷ khiến hàng loạt doanh nhân bỏ trốn, để lại đống nợ cho người khách gánh chịu.
Bỏ của chạy lấy người
Ngày 12/05/2015, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) đã có quyết định hủy niêm yết 43,33 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Việt An – Anvifish (AVF) từ ngày 10/6. Đây thực sự là một cú sốc đối với rất nhiều NĐT. Với chỉ duy nhất cổ đông nắm giữ trên 1 triệu cổ phiếu, AVF có một số lượng cổ đông nhỏ lẻ rất lớn.
AVF lên sàn hồi cuối 2010 với giá gần 20 nghìn đồng/cp. Tới cuối 2014, cổ phiếu này chỉ còn 3.000 đồng và hiện tại chưa tới 1.000 đồng/cp.
Anvifish bị hủy niêm yết là do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, liên tục chậm công bố báo cáo kiểm toán năm 2014. Theo báo cáo công ty tự lập, năm 2014, AVF thua lỗ kỷ lục, lên tới 892 tỷ đồng, khiến vốn điều lệ cuối năm 2014 bị âm 368 tỷ đồng
Chỉ với “thành tích” thua lỗ tự khai báo kỷ lục như vậy, nếu không có gì thay đổi sau kiểm toán, AVF cũng sẽ bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, AVF còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Đó là sự vắng mặt của cổ đông lớn, sự biến động nhân sự chủ chốt của AVF mà DN này nhiều lần “quên” công bố thông tin.
Giữa năm 2014, một loạt thành viên HĐQT Anvifish, trong đó có nguyên chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Lưu Bách Thảo đã đồng loạt từ nhiệm. Ông Thảo đã âm thầm bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu AVF (6,92%) để ra nước ngoài trị bệnh. Các thành viên HĐQT khác bao gồm bà Lê Thị Lệ Thủy, bà Phùng Hoàng Trâm Anh, ông Daniel Yet và ông Nguyễn Quốc Tín cũng đồng thời có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Trước đó, đại gia thủy sản miền Tây, Lâm Ngọc Khương của Thủy sản Phương Nam cũng đã bỏ trốn để lại khoản nợ 1.600 tỷ đồng khiến 25 nguyên lãnh đạo chi nhánh, phòng chuyên môn của 5 NH bị truy tố vì vi phạm trong cho vay.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, từ 2008-2012, Phương Nam đã được vay nhiều nghìn tỷ và phần lớn sử dụng sai mục đích. Dù DN liên tục thua lỗ, “đại gia” Lâm Ngọc Khương đã chỉ đạo lập khống hàng chục báo cáo, văn bản giấy tờ để được vay NH.
Cuối 2011, Khuân cùng vợ Trần Thị Mỹ lấy lý do sang Mỹ chữa bệnh để trốn nợ, ủy quyền cho con gái Lâm Ngọc Hân làm giám đốc, ủy quyền cho con Lâm Ngọc Khoa sở hữu các tài sản cá nhân đã dùng thế chấp NH. Con gái đại gia này sau đó cũng xuất cảnh trở về Mỹ để lại DN nợ ngập đầu NH.
Ở Mỹ, Khuân – Mỹ – Hân sau đó đã ủy quyền cho một thành viên HĐQT thay mặt công ty giải quyết và có thư xin lỗi các NH vì không có khả năng thanh toán nợ. Hàng loạt đàn em của Khuân cùng các đối tác, bạn bè phải ra hầu tòa. Các NH ngậm ngùi chia xác Phương Nam.
Vợ chồng đại gia Thủy sản Bình An (Bianfishco) Diệu Hiền – mẹ chồng hotgirl MC Quỳnh Chi từng nổi như cồn tại khu vực ĐBSCL, nhưng khối nợ NH và người dân cả nghìn tỷ đồng cũng đã khiến nữ doanh nhân này bỏ Bình An lại cho các chủ nợ, đi chữa bệnh ở Mỹ, rồi về nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.
Nhiều ông chủ của các DN có tên tuổi ở ĐBSCL như Thủy sản Thiên Mã, Đông Nam, An Khang,… vốn hùng mạnh một thời cũng kẻ “chết”, người thoi thóp, hoạt động cầm chừng. Nhiều đại gia để lại món nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng. Hệ quả, các NH, chủ nợ buộc phải xâu xé cái xác còn lại của các DN thủy sản chết yểu. Nhiều cán bộ ngân hàng cũng rơi vào tình cảnh tù tội.
Vay nhiều, làm lớn, chết nặng
Hàng loạt vụ vỡ nợ, đổ bể của các đại gia ngành thủy sản gần đây cho thấy một thực tế làm ăn không dễ dàng và nợ nần chồng chất của rất nhiều DN tại khu vực ĐBSCL.
Theo báo cáo tự lập, tới cuối 2014, AVF âm vốn chủ sở gần 370 tỷ đồng trong khi đó nợ ngắn hạn lên tới 1.562 tỷ đồng. Doanh thu cũng chỉ đạt chưa tới 230 tỷ đồng.
Ông Lưu Bách Thảo thành lập Anvifish năm 2007, cổ đông lớn là các thành viên trong gia đình. Sự lên ngôi của con cá tra, cá basa đã giúp Anvifish phát triển như vũ bão với 2 xí nghiệp chế biến 250 tấn/ngày. Quy mô vốn của AVF liên tục tăng từ 50 tỷ lên 225 rồi 433 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng vèo vèo lên hàng nghìn tỷ đồng, đi kèm theo đó là hàng loạt các khoản vay NH khổng lồ phục vụ cho những dự án đầu tư nhà xưởng, kho bãi hoành tráng. Thị trường đi xuống, kinh doanh khó khăn, chi phí tăng cao đã khiến AVF nhanh chóng lao dốc.
Trong báo cáo giải trình hồi đầu tháng 2/2015, AVF cho biết điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, cùng với sự biến động của các cổ đông chủ chốt và những chênh lệch lớn về chỉ tiêu tài chính,… là những nguyên nhân khiến DN lao dốc.
Năm 2014, từ 512 tỷ đồng hàng tồn kho đầu năm, sau khi đánh giá lại, AVF chỉ còn gần 16 tỷ đồng. Hàng tồn kho kém phẩm chất đã là mối đe dọa trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty.
Cuối năm 2014, ông Trần Tấn Hải, nguyên Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải – một đại gia thủy sản ở Cà Mau, đã bị bắt để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cho tới khi bị bắt, ông Hải đã vay cả trăm tỷ đồng từ NH và lãi không đóng lũy kế lên đến 50 tỷ đồng. DN nhiều năm chỉ sản xuất cầm chừng, không tiền trả lương cho công nhân.
Với “đại gia” Lâm Ngọc Khuân do không nắm bắt được thị trường đã khiến Phương Nam liên tục thua lỗ. Tình cảnh nợ nần càng thêm trầm trọng bởi sở thích xài sang ít ai bì kịp. Tuy nợ đầm đìa nhưng Khuân vẫn xây lâu đài hoành tráng, mua căn hộ cao cấp tại khu Phú Mỹ Hưng,… Tính tới trước khi bỏ trốn, ông Khuân nợ các NH gần 1.600 tỷ đồng, con số thất thoát lên tới 500 tỷ đồng.
Huấn Tú

Những cuộc đời nghèo

Những cuộc đời nghèo ở Làng Cay, Nghệ An
Tác Giả: Thanh Trúc- RFA – 14 May 2015
Xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, có những làng nhỏ như Sỏi, Mít, Lùng, Cáo, Chảo, Chát vân vân…Cay là một trong tất cả 10 làng bản như thế.
Cuộc sống người dân Làng Cay
Làng Cay, sau này gọi là Tân Cay, có 77 hộ, 396 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Thanh hoặc Thái, sống trên vùng rừng núi giáp tỉnh Thanh Hóa , nhiều người không biết đọc biết viết.
Đối với anh Bảo, một người sinh sống gần đó, dân làng Cay có số phận cơ cực như cái tên của nó:
Ở đây nguyên là rừng núi, sau một thời gian dài bị phá, phá cây rồi lâm tặc rồi kiểm lâm cấu kết tranh nhau thì coi như bây giờ chỉ toàn là đồi trọc thôi. Ở đấy thì toàn bộ không có đường bê tông nào cả. Ở đây nắng thì hạn hán mà mưa thì lũ lụt, khó làm ăn lắm. Người dân ở đó chỉ có trồng cây dưa, cây mía, cây sắn thế thôi, chứ còn lúa thì rất hãn hữu, Dọc ven suối khai thác được cái gì đó, coi như được một ít nào đó thì trồng lúa thôi. Người dân ở đấy cũng rất vất vả, ngoài vụ mùa ra thì đi làm thuê.
Đã vậy, làng cũng khá là xa chợ, từ Cay bộ đến chợ, đến trung tâm thị xã phải hơn mươi, mười lăm cây mới tới:
Nguyên bản của nó là làng Cay, sau này người ta thấy từ Cay đắng chát quá người ta đổi thêm chữ Tân nữa, Tân Cay, Tân Sỏi, Tân Mít…cho nó khác khác đi thôi chứ mà bản chất của nó vẫn là Cay thôi chứ không có gì khác được.
Là địa phương nghèo mà lại ở vùng xa, làng Cay được chính phủ đưa về một số dự án hỗ trợ như Chương Trình 134 và Chương Trình 135. Anh Bảo giải thích:
Nơi nào nghèo khó thì coi như chính phủ đầu tư vào để xóa nhà tranh tre dột nát đi, tức là Chương Trình 134 đấy. Có nơi như vậy là 7 triệu, có nơi thì 20 triệu. Như vậy trong làng Cay này theo họ báo cáo thì một hộ là 6 triệu. Nhưng mà như dân trao đổi thì coi như chỉ nhận được 1.200.000 thôi. Đấu tranh mãi thì xóm trưởng đưa thêm 300.000 nhưng rất nhiều người bị trừ vào các khoản gọi là công ích và nghĩa vụ. Ủy ban xã họ trừ những khoản đó coi như một thành tích riêng của xã.
Chương Trình 135 là đầu tư do địa phương, trong đó có sửa sang nhà, làm các công trình thủy lợi, xây dựng các công trình điện và đường xá, giải quyết những chế độ đối với dân nghèo, cho người dân nghèo nuôi bò. Thế nhưng theo tôi quan sát thì Chương Trình 135 là hầu như đường xá không thấy mà thủy lợi cũng không có gì ở đó cả.
Ông Vi Văn Thanh, người dân tộc Thanh, lên làng Cay từ năm 1983, nói rằng vì ông đi vay tiền để sửa sang nhà cửa trước đó nên đã không được hưởng chương trình 134 Chương Trình Xóa Nhà Tranh Tre Dột Nát:
Toi từ trước đến nay nỏ (không) có gì đâu, đi vay mượn thế thôi. Hồi trước được mấy cân muối với dầu với chi đó thôi, rồi từ thưở đó đến chừ không được cái chi hết. Tôi thì cũng không có gì, làm ăn chỉ chân tay thôi, nhà nước thì cũng không thấy hỗ trợ cái gì cả. Thực tế là nhà cửa coi như không có chi đâu
Dân Làng Cay hiền lành và cam chịu
Với bản tính đơn sơ của người dân tộc, lại cho rằng chữ nghĩa mình không có nhiều, ông Vi Văn Thanh nhìn sự bất công đối với gia đình ông bằng thái độ nhẫn nhịn, cam chịu:
Tôi cũng nỏ (không) khiếu nại, đại thể tùy xóm trưởng hay dân làng hay xã nếu mà đi kiểm tra hay đi rà soát hộ nghèo thì cứ đi vô tận nhà tận cửa mà rà soát. Đất đai này, gia đình có chi này, anh phải vô tận nhà coi như mới xét được. Tôi cũng không trách móc chi cả, cho thì cám ơn, không cho cũng cám ơn, không có thì đi vay mượn.
Với hộ gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc như hộ ông Vi Văn Thanh, tiền nghĩa vụ hàng năm nộp cho xã cũng là điều đáng nói:
Nghĩa vụ tất nhiên năm mô cũng phải làm rồi, thuế hàng năm nhiều chứ, một năm 3 khẩu coi như ba bốn trăm nghìn. Nhà nước hỗ trợ chi? Hỗ trợ mà em có được chi mô.
Có vẻ như số tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát và tiền hỗ trợ xóa đói giảm nghèo mà cán bộ làng xã phân phối cho bà con không đồng đều, có nghĩa mỗi nhà mỗi khác, khiến nhiều người vừa thắc mắc vừa không hài lòng.
Ông Vi Văn Nam, cũng người làng Cay, được coi là hộ đặc biệt nghèo khó
Nói chung là 34 (chương trình 134) 35 đó (chương trình 135) không hiểu sao mà em cũng bị trừ mấy phần trăm tiền nghĩa vụ, đâu có được bao nhiêu đâu. Một năm là em được hưỡng ba bốn trăm nghìn tiền 135, thế mới nói. Nếu thật sự xóa đói giảm nghèo với xóa tranh tre thì làng của bọn em nhà mô được nhiều thì 106 triệu, có nhà thì 20, 30 triệu đó. Em thì họ tính trung bình cho được 20. Nói chung họ không xác định được 20 triệu hay là 17 triệu hoặc là 15, 16 triệu chi đó. Họ chưa xác định được cho nên bọn em cũng chưa xác định là nhận số tiền đó, chưa đăng ký và chưa ký tên vào đó.
Em thì nói chung thuộc thứ nhất là hộ rất nghèo, thứ hai nữa là đặc biệt khó khăn, gà trống nuôi con, Đưa con đi học rồi cả ăn cả uống nữa rồi nộp tiền học cho con cho nên là đặc biệt khó khăn.
Về tiền nghĩa vụ các loại ở Làng Cay, anh Nam kể một năm anh phải đóng gần một triệu đồng:
Một năm cũng bảy tám trăm nghìn tiền nghĩa vụ, còn tiền hỗ trợ rồi tiền góp về các hộ nghèo, thứ hai nữa là hỗ trợ các lũ lụt, các thứ khác thì hai ba trăm (ngàn ) nữa, nói chung là gần một triệu thì em cũng nộp đủ cả trong một năm. Nộp cho xóm trưởng để làm cái gì thì em cũng đâu biết, nhưng mà xóm trưởng nói là hỗ trợ hội người mù này, hội lũ lụt này, hội gì lung tung … Thông báo lên cho làng, làng nộp thì em nộp theo em đâu biết gì đâu. Cuộc sống của em nói chung cũng khó khăn rồi, kiếm được đồng mô thì nuôi con nuoi cái vậy thôi chứ cũng không thắc mắc nhiều. Ai kêu em đi làm cái chi thì em làm cái đó, kể cả đi bốc phần chứ đừng nói là… Suốt ngày đi cuốc ruộng thuê rồi là bốc vác lung tung thôi, chứ còn lúc mô cũng mong chờ nhà nước thì bấu cái chi mà ăn. Họ thích cho ai thì họ cho thôi.
Được hỏi tại sao người dân làng Cay lại nín nhịn hiền lành và có vẻ cam chịu quá mức như thế, anh Bảo cho rằng:
Kêu cũng không được, coi như dân người ta cũng đi vào tiêu cực, chán ngán, không muốn kêu ca lắm nữa.
Theo phản ảnh của bà con làng Cay, để xây nhà cho hộ nghèo theo Chương Trình 134, mỗi gia đình được nhà nước cấp 6.000.000 đồng. Tuy nhiên hộ ông Lô Văn Duy chỉ được cấp 1.200.000 đồng. Khi ông Duy nêu thắc mắc, cán bộ xóm đưa thêm 300.000 đồng.
Sáu hộ khác, trong đợt một cũng được cấp 1.200.000 đồng nhưng thay vì tiền thì lại qui thành vật liệu xây cất như ngói, sắt, thép, xi măng, đá cát vân vân.
Đến đợt hai, những người này được xã thông báo bổ sung thêm 300.000 đồng nhưng được cán bộ viết vào giấy là cấn trừ 300.000 đồng tiền xóa nhà tranh tre dột nát vào tiền nợ nghĩa vụ.
Ngoài ra, cũng có hộ được nhận 1.500.000 đồng trong đợt đầu và đến đợt hai thì được bổ sung thêm 500.000 đồng nữa.
Qua tiếp xúc và tìm hiểu của anh Bảo, sau khi nhận thấy những hộ thân cận với cán bộ đều được nhận 6.000.000 đồng, bà vợ của ông Lô Văn Duy đã xuống xã khiếu nại. Khi yêu cầu được xem danh sách và giấy tờ thì bà phát hiện gia đình mình cũng được hưởng 6.000.000 nhưng đã có ai đó giả mạo chữ ký để nhận tiền rồi. Từ đó đến giờ, bà Hương, vợ ông Duy, nhiều lần đi lại đòi tiền mà không được giải quyết.
Cũng có trường hợp một số gia đình không được thông báo về việc đến nhận tiền hỗ trợ đợt hai. Khi đến hỏi, cán bộ xóm trả lời là tiền đó đã trừ vào nợ nghĩa vụ rồi.
Còn Chương Trình 135 xóa đói giảm nghèo thì sao? Anh Bảo cho hay có nhà dù đã được bình bầu hộ nghèo để được cấp một con bò. Tuy nhiên khi trao bò thì người đó không được nhận với lý do đang nợ nghịa vụ nên bị cắt.
Mặt khác có nhiều hộ, đang còn nợ tiền nghĩa vụ, đã lên tới xã xin giấy chứng thực hộ nghèo nhưng xã không chứng mà còn hạch hỏi thêm những loại giấy tờ khác khiến dân làng phải trở đi trở lại rất nhiều lần.
Cán bộ địa phương nói gì trước phản ứng thầm lặng của bà con làng Cay? Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ tịch xã Nghĩa Lợi, khẳng định không có chuyện bất cập hay sai trái trong khi thực hiện chương trình hỗ trợ của nhà nước .
Có nhiều chương trình hỗ trợ do Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thực hiện, ông Nguyễn Văn Quyết nói, các khoản đóng góp nghĩa vụ thì được thu theo Nghị Quyết của Hội Đồng Nhân Dân Xã
Chế độ chính sách của Đảng, Nhà Nước đưa về địa phương thì địa phương cũng chu cấp cho bà con đầy đủ thôi. Có một trường hợp, riêng một trường hợp thì có sự trùng lập ngẫu nhiên trong một năm như thế gia đình này có hai chế độ mà cán bộ chi trả nhầm lẫn thì thanh tra đã làm việc, đã có kết luận và đánh giá trách nhiệm bồi hoàn của một người.
Còn ngoài thì bao nhiêu chế độ là đầy đủ hết, không thiếu một ai, nhưng mà chế độ này là thuộc bên Mặt Trận người ta làm. Hỗ trợ cho nhà được triệu rưỡi, nhà hai triệu. Bên mặt trận tập hợp danh sách của các xóm chuyển sang cho Ủy Ban rồi Ủy Ban chịu trách nhiệm đi lĩnh tiền này về cấp phát cho bà con, nói tóm lại là đầy đủ.
Về số tiền 1.200.000 cấp trong đợt 1 nhưng được qui thành vật liệu xây dựng chứ không phải tiền mặt, ông chủ tịch xã Nghĩa Lợi giải thích:
Có chỉ đạo là bà con đồng bào thiểu số thì nhận thức họ cũng mức độ cho nên nếu cấp tiền mặt sợ họ ăn uồng nhậu nhẹt hết đi, họ cũng phải biết rằng cán bộ xóm chịu trách nhiệm đi mua xi măng, sắt , thép về cho họ. Coi như cấn trừ bằng hiện vật thì 1.200.000, còn lại 300.000 là nhận tiền mặt chứ còn không phải là chia ra nhiều lần. Số hộ nằm trong diện được xét 6 triệu thì cấp đủ 6 triệu, chỉ có một hộ trùng lập thì cán bộ đã chi lại cho đủ. Việc này đã có kết luận, không phải hộ nào cũng được 6 triệu mà địa phương không chi trả, cái đó là không có.
Ông chủ tịch Xã Nghĩa Lợi này còn khẳng định làng Cay đã thực hiện được tiêu chí xóa đói giảm nghèo do nhà nước đề ra:
Bây giờ tỷ lệ hộ nghèo đói không còn bao nhiêu nữ mà trình độ dân trí cũng được nâng lên. Cách đây 10 năm trong xóm đó chỉ có 3 cái nhà xây thôi,chứ mà đến giờ phải nói có đến 85% nhà xây. Tôi cam đoan một điều rằng có hai trường hợp, coi như bị cấp nhầm một trường hợp và cấp thiếu một trường hợp thì cái này là thanh tra đã làm, và Ủy Ban sắp tới sẽ kỷ luật cán bộ này và cho nghĩa. Còn riêng việc thanh toán lại cho dân thì đó là điều đương nhiên thôi.
Tuy nhiên theo anh Bảo, có người thân ở trong làng Tân Cay, chỉ mới một làng mà đã bao nhiêu chuyện bức bối và bao nhiêu người kêu ca, nếu tính cả 10 làng gồm Tân Sỏi, Tân Mít, Tân Lùng, Tân Cáo van vân với 70% là người dân tộc thì số dân nghèo đi kêu ca còn nhiều tới đâu.
Cái có thể nhìn thấy trước mắt những nơi này, anh Bảo mô tả, là sự chênh lêch giàu nghèo không phải giữa người làng với nhau mà là giữa dân làng với cán bộ. Điển hình nhà dân thì nhỏ bé tềnh toàng chứ nhà xóm trưởng làng Cay chẳng những là nhà xây mà còn to đẹp nhất làng.