Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Sở Hữu Toàn Dân = ??????

 Nguồn : Vững Đại Phát

SỞ HỮU TOÀN DÂN THUA VẠN LẦN DÂN THUỘC ĐỊA!
Tác Giả: Ma Kiêm Mai– Blog – 02-06-2015
Cáchhttps://www.blogger.com/blogger.g?blogID=7249452570140338441#editor/target=post;postID=6163840814906786840 nhau 80 năm, cũng lần đầu có các hãng nước ngoài vào Nhà Bè đầu tư, tại sao nông dân Nhà Bè năm 1911 thì lên đời, mà nông dân Nhà Bè năm 1991 lại xuống đời? Khốn nạn quá!
Sáng nay đọc status trên Face Mạnh Kim: “Sinh hoạt Sài Gòn tiếp tục bị xáo trộn. Một sự xáo trộn nữa lại bắt đầu từ một con hẻm nhỏ, rất nhỏ, và rất Sài Gòn – hẻm 71 Mạc Thị Bưởi, quận 1, khi một công văn lạnh lùng phán vội chiều nay dí vào từng mặt người dân, yêu cầu toàn bộ con hẻm phải bị giải tỏa trong… ba ngày nữa!”. Đây là ví dụ “điển hình tiên tiến” của nước XHCN tước đoạt quyền an cư lạc nghiệp của dân trên mãnh đất thuộc sở hữu toàn dân.
Tôi xin kể quyền sở hữu đất của dân cách đây 104 năm, tại Nhà Bè, dưới thời thuộc địa, để thấy thực dân Pháp có lòng “nhân bản” gấp vạn lần XHCN. Trước hết, nói về bối cảnh cho dễ hiểu. Sau khi chiếm trọn Nam kỳ, Pháp đặt chế độ thuộc Pháp, nên ban hành Dân luật Giản Yếu vào năm 1883, với các nguyên tắc học lý giống Dân luật Pháp quốc. (Sau đó, chiếm Bắc kỳ đặt chế độ bảo hộ, Pháp ban hành Dân luật Bắc kỳ năm 1931. Rồi, ký hòa ước với triều đình Huế để Trung kỳ tự trị, Pháp ban hành Dân luật Trung kỳ năm 1936). Nghĩa là, Dân luật Giản yếu công nhận xã hội dân sự và các quyền dân sự của người dân An Nam bị đô hộ, trong đó có quyền sở hữu đất.
Năm 1911, hãng Shell (tập đoàn Anh – Hà Lan) đến Nhà Bè đầu tư Cảng và kho chứa xăng dầu. Thực dân Pháp “ngu” hơn XHCN, vì không đứng ra đền bù đất, rồi giao cho Shell xây dựng, để kiếm tiền chênh lệch, mà Pháp tôn trọng quyền dân sự, để cho Shell thương lượng trực tiếp với 3 chủ đất tại đây, để thuê 100 mẫu, trong thời hạn 99 năm (Đến 30/4/1975, 3 HĐ này chưa đáo hạn, nhưng chủ hãng Shell bỏ của chạy lấy người, đất và cơ ngơi thành của Nhà nước).
Lúc bấy giờ, 3 chủ đất đang cho cả trăm tá điền thuê tại địa điểm sẽ làm hãng (đong lúa 10 giạ/1.000m2/ năm) nay Shell đàm phán giá thuê cao gấp 5 lần giá tá điền thuê, lại được lãnh tiền hàng tháng qua chi phiếu (Cheque). Chủ đất sướng rên, nhưng Dân luật Giản yếu bảo vệ tá điền hiện hữu cho họ có quyền tiên mãi (được ưu tiên mua cùng giá, mà chủ đất định bán cho người khác hoặc được ưu tiên thuê cùng giá mà chủ đất định cho người khác thuê với giá cao hơn).
Tuy tá điền không thuê nổi theo giá Shell thuê cao gấp 5 lần, nhưng họ có quyền không ký giấy khước từ thuê đất. Mà không có đủ giấy khước từ của tá điền, thì chủ đất không thể ký hợp đồng với Shell được. Do đó, chủ đất phải thương lượng cho tá điền được hưởng tiền thuê đất mấy năm đầu mà hãng Shell trả, để tá điền chịu ký tờ khước từ thuê đất.
Bỗng nhiên, tá điền có một cục tiền, có nhiều tá điền đi vô vùng sâu mua ruộng để làm chủ. Có nhiều tá điền – như ông nội tôi (Mai Bá Điền sinh 1885 chết 1979) quyết bỏ nghề chân lấm tay bùn, xin vào hãng Shell làm cu – li (sai gì làm nấy), đổi đời, lãnh lương tháng, thay vì đến Tết mới gặt lúa, nộp chủ ruộng, còn bao nhiêu trả nợ. Ông nội bỗng dư tiền nuôi ba tôi học hết cấp sơ học (lớp ba), tiếng Tây nói bập bẹ, còn trẻ nên hãng Shell nhận vào đào tạo nghề xăng dầu. Đến năm 1975, tổng lương xồi (lương chính + phụ cấp thâm niên + phụ cấp đắt đỏ + phụ cấp vợ con) của ba tôi là 94.000 đ/tháng, đóng thuế lợi tức 40.000 đồng (dã man hôn?), thực lĩnh: 54.000 đ vẫn gấp 2 lần lương giáo sư đệ nhị cấp.
Nhờ ông, cha làm làm hãng FDI xịn, tôi được học miễn phí ở Vườn trẻ Shell (ăn bánh Tây, uống sữa, múa hát). Con em công nhân học cấp 2 trở lên được Hãng Shell, Esso cho xe đưa rước đến các trường ở Sai Gòn (đến năm 1965, Nhà Bè mới có trường trung học). Nhờ là thợ cả, ba tôi được Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè lưu dụng để truyền nghề cho công nhân mới XHCN từ miền Bắc vào. Đến năm 1983, ba tôi về hưu không lãnh một cắt lương hưu. Nhưng, đến năm 2001, Hãng Shell gửi về cho ba tôi (và các nhân viên chưa tới tuổi hưu lúc giải phóng) 6.000 USD gọi là đền bù do hãng chưa kịp trả lương hưu. Vì, Hãng đã vi phạm HĐLĐ, do ngày 30/4/1975 đã từ bỏ không điều hành Hãng nữa, mà không thông báo cho công nhân biết trước một tháng!
Sau Shell, ESSO và CALTEX đến tiếp tục thuê đất của địa chủ làm hãng dầu, mà bây giờ thành Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Nhờ thực dân Pháp, địa chủ cho thuê đất giá cao, nên nộp thuế hoa lợi cho Pháp cao hơn. Khoảng 400 tá điền đổi đời thành công nhân FDI, có tiền cho con ăn học làm Bác Sĩ, Kỹ Sư, giáo viên lứa đầu tiên ở Nhà Bè.
Bây giờ, nhớ lại năm 1991, UBND huyện Nhà Bè đứng ra làm “cò” giải tỏa 300 ha đất nông nghiệp để giao Đài Loan làm KCX Tân thuận. Với giá đền bù 11.000 đ/m2, nông dân bị giải tỏa trắng tay (đến ông Sáu Món – phó chủ tịch Hội nông dân huyện, cũng phản đối đếch nhận tiền đền bù), không đủ tiền vào vùng sâu mua ruộng canh tác, mà cũng không có tay nghề để được vào làm KCX, càng không có có tiền cho con học làm KS, BS để đổi đời.
Cách nhau 80 năm, cũng lần đầu có các hãng nước ngoài vào Nhà Bè đầu tư, tại sao nông dân Nhà Bè năm 1911 thì lên đời, mà nông dân Nhà Bè năm 1991 lại xuống đời? Khốn nạn quá!
(GNA: Dễ hiểu: bọn phản động bám theo Âu Mỹ để ăn bơ thừa sữa cặn… Còn nông dân của XHCN chúng ta dù đói khổ mỗi ngày nhưng vẫn rất “tự hào là người Việt thuần túy”nhờ ơn Bác và Đảng.)

Con Én Hội An Say Goodbye

Nguồn : Vững Đại Phát
Ông Nguyễn Sự bất ngờ “treo ấn từ quan”
Theo Võ Kim Ngân - Người Lao Động – 7 June 2015
Ông Nguyễn Sự (bìa trái) trong dịp vận động cán bộ công chức Hội An đi làm bằng xe đạp (tháng 3-2014) – Ảnh: Duy Minh
(Link bài cũ trên GNA về ông Nguyễn Sự:
Một Con Én Trong Mùa Đông
http://www.gocnhinalan.com/n…/mot-con-en-trong-mua-dong.html)
Giải thích về việc đang được tín nhiệm cao nhưng xin nghỉ việc, ông Nguyễn Sự nói nếu ông tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức
Trải qua 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Sự vừa làm đơn xin nghỉ trước tuổi. Ông Sự sinh năm 1957, 37 tuổi Đảng, 21 năm giữ các chức vụ lãnh đạo TP Hội An.
Nhiều người khóc khi nghe tin ông Nguyễn Sự nghỉ
Lại một lần nữa ông Nguyễn Sự làm một việc không giống ai. Trong khi nhiều người chạy đua để giữ chức, giữ ghế thì ông xin nghỉ. Nhiều người đoán già đoán non, thậm chí gọi điện thoại về Hội An hỏi có phải vì ông Sự vì sức ép mà thôi chức?
Hỏi ông thì ông cười, bảo: “Nói thế tội anh em! Không ai ép cả. Chỉ thấy đến lúc mình phải rời vị trí và nghỉ ngơi đúng nghĩa. Tôi định nghỉ từ lâu nhưng anh em không cho. Bây giờ anh em vẫn thuyết phục nhưng tôi quyết rồi. Trước khi nghỉ, tôi vẫn hoàn thành tất cả công việc của mình cho đến phút chót”.
Nguyễn Sự làm Chủ tịch UBND thị xã Hội An từ năm 1994, sau đó thị xã trở thành TP thì ông làm Bí thư Thành ủy. Những câu chuyện về hàng loạt việc làm khác người của ông Sự được người dân nhớ lại và kể hoài không hết. Những câu chuyện đó luôn gắn với tính cách thẳng thắn, bộc trực, liêm khiết, luôn đặt lợi ích của người dân, cộng đồng lên trên để giải quyết mọi công việc. Tên tuổi của ông luôn gắn với Hội An và sự phát triển của Hội An, là niềm tự hào của người dân Hội An.
Một cán bộ Hội An cho biết cách đây vài tháng, khi ông Sự tuyên bố xin nghỉ, nhiều người đã khóc. Một số người dân nghe tin đã đến tận nhà bày tỏ sự nuối tiếc và lòng biết ơn. Có người định biếu ông một số tiền lớn dưỡng già nhưng ông từ chối. Ông tâm sự: “Mình ghi nhận tấm lòng của người dân đối với mình. Họ nghĩ tới và thương mình là gia tài quý nhất rồi”.
“Không muốn làm tàu lá chuối”
Những ngày này, tìm ông Sự thật khó. Hội An đang tổ chức Đại hội Đảng các cấp nên ông rất bận rộn. Khi được hỏi về dự định nghỉ việc, ông Sự cho biết: “Ai làm việc rồi cũng đến lúc nghỉ. Có gì bất thường đâu. Chức vụ có phải cha truyền con nối đâu! Mình được trao chức vụ đó, xong việc thì trao lại để người khác tiếp tục làm”.
Ông Sự kể về triết lý tàu lá chuối. Trong khi những cây khác lá vàng tự động rụng xuống cho lá xanh vươn lên thì tàu lá chuối luôn bám chắc vào thân cây khi đã héo quắt. Những tàu lá chuối héo bám chắc đến nỗi nếu muốn bứt nó ra thì phải cắt bỏ. Ông bảo: “Tôi không muốn làm một tàu lá chuối. Tôi nghỉ lúc này là hơi muộn. Không có gì băn khoăn cả. Nhiều anh em nghĩ như tôi, họ cũng thấy đó là điều bình thường. Ở lâu trên cương vị thì có nhiều kinh nghiệm nhưng sẽ không còn nhanh nhạy, chậm theo kịp cái mới. Mình tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức, sáng tạo, cống hiến và phát triển”.
Sâu sát dân, quyết đoán, hiệu quả
Ông Nguyễn Sự tự nhận chưa am hiểu nhiều về phố cổ, về du lịch nhưng đã có những quyết định đúng đắn về việc tôn tạo giữ gìn nhà cổ và những di sản để phát huy được giá trị lâu dài cho hiện tại và tương lai. Những dự án như đêm phố cổ, phố không động cơ xe máy, treo đèn lồng trên phố… lúc khởi động chưa phải đã nhận được sự nhất trí cao nhưng rồi những lợi ích thiết thực từ những dự án ấy đã khiến người dân Hội An dần tự giác, hào hứng tham gia.
Đầu tiên là việc lập lại trật tự vỉa hè bằng cách lấy sơn vạch đôi cái vỉa hè nhỏ, thuyết phục những người dân ở mặt tiền chia đôi vỉa hè cho người đi bộ và người buôn thúng bán bưng trong ngõ. Việc tưởng dễ dàng nào ngờ gặp sự phản ứng quyết liệt của một số hộ dân. Họ chửi ghê gớm như quyết định đó lấy đi miếng cơm của họ. Ông Sự cùng anh em đi vận động giải thích với từng gia đình để họ hiểu, việc đó là để cho dân sinh hoạt và mưu sinh dễ dàng hơn. Hơn một năm trời không hôm nào ông Sự về nhà trước 24 giờ. Bây giờ không cần những vạch đỏ đó thì trật tự vỉa hè vẫn nguyên như thế!
Việc cấm ô tô vào phố cổ khi đưa ra cũng bị phản ứng dữ dội. Ông Sự giải thích cho dân hiểu tại sao phải cấm, vì nhà cổ xuống cấp, ô tô chạy vào rung động, gây ồn làm nhà cửa bà con nhanh hỏng hơn. Cấm xong ô tô rồi đến lượt cấm nốt xe máy. Lúc đầu là ban đêm, sau là ban ngày, nửa ngày rồi cả ngày… Từ vài khu phố, nay cả phố cổ mọi người đều vui vẻ chấp hành.
Cán bộ ở Hội An đã quen với cách làm việc của vị lãnh đạo sâu sát, gần dân và hầu như không lệ thuộc vào giấy tờ. Mọi việc được quyết ngay trên thực tế công việc. Nhiều việc ông Nguyễn Sự quyết và triển khai ngay, giấy tờ đi theo sau.
Chẳng hạn, chủ trương Cù Lao Chàm không sử dụng bao ni-lông được triển khai trên một chuyến đi công tác tại Cù Lao Chàm vào tháng 5-2012 của ông Sự. Chứng kiến những bao ni-lông nổi lềnh bềnh sóng táp vào bãi biển, ông nghĩ ngay việc không sử dụng bao ni-lông để gìn giữ môi trường biển. Cuộc họp với UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) hôm đó đã triển khai thực hiện ngay chủ trương này. Nhờ đó, san hô và các sinh vật dưới lòng biển Cù Lao Chàm hồi sinh và phát triển. Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời trở thành điểm hấp dẫn du khách hiện nay.
Trong công việc, ông Nguyễn Sự không hề ngại va chạm để bảo vệ ý kiến đúng đắn. Năm 1995, Hội An đã tổ chức bán vé tham quan nhưng giá rất rẻ, tiền bán vé 1 năm được 52 triệu đồng trong khi chi phí hết 57 triệu. Ông cho xây dựng phương án tăng giá vé gấp 10 lần. Lúc đó, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí phản đối quyết liệt, gây áp lực với chính quyền. Đấu tranh nhiều ngày về việc tăng giá vé với cấp trên mà vẫn không được, ông Sự nổi nóng: “Nếu các anh không tán thành, tôi đóng cửa phố cổ không cho vào tham quan”. 10 ngày sau, tỉnh quyết định thông qua phương án đó và ngày đầu tiên tổ chức bán vé, Hội An thu về 13 triệu đồng. Năm đó (1995), Hội An thu 5,7 tỉ đồng từ việc bán vé tham quan.
Không chỉ biết đấu tranh mà ông Nguyễn Sự còn luôn sẵn sàng xin lỗi. Đã không ít lần ông xin lỗi dân về những việc làm hay những quyết định chưa đúng. Ông cho rằng mình không phải là người hoàn hảo và cũng mắc không ít sai lầm. Có thời kỳ Hội An trồng hàng loạt cây hoa sữa khiến người dân phản ứng, ông Sự đã xin lỗi người dân vì chủ trương là do ông đề ra, sau đó sửa sai bằng cách chặt toàn bộ hoa sữa và thay bằng loại cây khác.
Năm 2001, ông Nguyễn Sự được UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An; năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì đã có nhiều đóng góp cho Hội An; năm 2012, được trao giải thưởng “Văn hóa Phan Chu Trinh”.
Võ Kim Ngân
Ông Nguyễn Sự “treo ấn từ quan”
TẤN VŨ – THANH BA ghi - Báo Tuổi Trẻ – 7 June 2015
Dù còn hơn hai năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Sự đã quyết định thôi làm bí thư Thành ủy, mà theo ông, để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền.
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ trước ngày “treo ấn từ quan”, ông Sự bộc bạch:
“Chuyện nghỉ hưu tất yếu xảy ra với bất cứ người nào và đối với tôi là việc bình thường. Đến lúc cảm thấy có thể do tuổi tác hay do mình không nhất thiết phải tham gia nữa cũng nên rút lui, bởi có làm vài ba năm nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Với tôi, làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm từ vị trí chủ tịch qua bí thư là quá lâu. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá.
Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho thành phố không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em. Mình ngồi đó, anh em sẽ không lên được.
Mình làm lâu sẽ trở thành lão làng, hạn chế tư duy của anh em. Ngồi trước mặt mình, anh em cũng khó nói lên được những điều mới. Mình trở thành chỗ dựa cho anh em, dựa mãi lại hình thành thói quen ỷ lại”.
* Trong khi nhiều người đến tuổi nghỉ hưu vẫn muốn tại chức, còn ông vẫn đang sung sức sao phải nghỉ sớm?
- Tôi quan niệm rằng chủ tịch hay bí thư, vị trí lãnh đạo không phải là gia tài điền sản do ông bà, cha mẹ để lại cho mình mà nó là của xã hội. Vị trí cũng do xã hội đặt anh lên, Đảng giao cho anh. Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi.
Tôi không muốn như vậy. Đã đến lúc mình cần rời vị trí thì phải rời. Một đoạn đường 21 năm với cương vị chủ chốt của thành phố, bây giờ mình đặt gánh xuống trao lại cho anh em có nghĩa là mình rời cái gánh lo toan rất nhẹ nhàng.
Chứ không phải đặt gánh xuống ban ân huệ cho anh em, cũng không phải mình để lại vàng không đâu, mà cả thau lẫn rác trong đó.
Tôi đã suy nghĩ rất nghiêm túc về điều này trước khi quyết định. Nếu nói về được, tôi được quá nhiều, không phải là được danh hay lợi mà là có môi trường, có vị trí để thực hiện sở nguyện của mình trên mảnh đất này. Ngoài ra, mình cũng để lại được một chút gì đó trong lòng mọi người khi mình làm việc.
Người ta có thể ghét, oán, chê mình về mặt trình độ nhưng mình không làm gì để người ta khinh mình. Mình giữ bản thân một cách trọn vẹn để đến hôm nay mình trở về một cách thanh thản.
Xét về góc độ xã hội, mình cũng được quá nhiều, anh em góp vô cho mình nhiều lắm. Xét về mặt gia đình, bản thân so với cha mẹ mình thôi, cuộc đời của mình cũng được quá nhiều. Do đó, mình thấy vui khi mình trở về, không nặng nề gì hết.
* Nhiều ý kiến cho rằng nếu Nguyễn Sự không làm nữa, Hội An khó mà giữ được như hiện nay. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Đội ngũ lãnh đạo kế cận của Hội An đã được chuẩn bị dù rằng vẫn còn một số vấn đề, nhưng nhìn chung anh em đủ sức đảm nhận được nhiệm vụ này.
Tôi tin rằng anh em sẽ làm được việc, thậm chí làm tốt hơn mình do được học hành đến nơi đến chốn, có kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm. Điều quan trọng là anh em phải rèn từng bước và phải có bản lĩnh, dũng khí.
Tâm có thể tốt, có thể hiểu biết nhiều, nhưng phải có bản lĩnh để chịu đựng, để đấu tranh vượt qua những cám dỗ, rủ rê sai trái. Thậm chí phải đấu tranh với cấp trên trước những điều không phù hợp với địa phương mình. Xã hội hiện nay cũng dễ làm con người tha hóa, nên phải có dũng khí.
Anh không có dũng khí, anh sa ngã thì anh sẽ mất ngay. Cái mất này đối với cá nhân anh không quan trọng mà lớn nhất là làm mất lòng tin của nhân dân… Vượt qua hai cái đó, anh em sẽ làm nên chuyện.
Khi tôi làm phó bí thư chuyển qua làm chủ tịch, gần như đội ngũ cán bộ và nhân dân thị xã không đánh giá cao tôi. Nhưng chính cuộc sống, chính thực tiễn đã dạy tôi biết cần làm gì và nên làm gì.
Dù kết quả chưa quá tốt như mọi người mong muốn, nhưng chí ít đến hôm nay phải nói rằng mình không phụ lòng tin của mọi người. Giờ tôi tin anh em cũng vậy. Dư luận, nhân dân có thể đặt dấu hỏi, điều này hết sức bình thường, càng khiến anh em phải cố gắng hết sức.
* Ông nghĩ gì về những việc ông đã làm cho Hội An, cả được và chưa được?
- Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua, trong tất cả những việc được đều có sự đóng góp của anh em, sự ủng hộ của người dân Hội An lớn lắm. Hội An được nhận nhiều danh hiệu không chỉ mình tôi làm. Bao giờ người ta cũng dồn cho người đứng đầu nhưng thật sự công sức của anh em rất nhiều.
Dù nhìn lại thấy bản thân vẫn làm được cái này cái kia nhưng cũng có những sai lầm. Khi tôi tự kiểm thì tự hào một điều rằng không xuất phát từ một động cơ cá nhân. Nếu có sai lầm thì đó là do kiến thức, tư duy, do cách nghĩ, do năng lực, do hiểu biết mình chưa đến nơi đến chốn.
Ví dụ cho tôi làm lại, chắc chắn tôi sẽ không cấp phép cho các dự án ven biển như bây giờ mà sẽ cấp ở bên kia đường. Điều này tôi đã nói cách đây mười mấy năm. Nhưng lịch sử không có chữ “nếu”, không thể làm lại được. Doanh nghiệp không có lỗi mà là do mình.
Lúc đó vì Hội An cần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch biển nhưng về mặt lâu dài không phù hợp. Việc trồng cây hoa sữa dày đặc trên phố cũng vậy, nhưng cái này thì sửa được.
Dù chưa ai lên án mình nhưng tôi vẫn tự nghĩ đó là cái sai của mình, không tránh né nhưng tôi cũng được an ủi là mình vì cái chung cả, vì mong muốn cho thành phố phát triển, người dân có công ăn việc làm khi dịch vụ mở ra.
Tuy nhiên, Hội An chưa trở thành một thành phố trong công viên cây xanh như tôi mong muốn và vẫn còn nhiều điều “mong manh” lắm. Môi trường xã hội như cơ sở hạ tầng một số nơi còn chắp vá, quy hoạch chưa đồng bộ, đời sống của một bộ phận nhân dân ở các vùng nông thôn còn gặp khó khăn…
Đó là những món nợ lớn với nhân dân Hội An mà tôi chưa trả được. Tôi mong anh em thay tôi trả món nợ này.
* Về nghỉ hưu rồi, ông sẽ tiếp tục làm cố vấn cho Hội An?
- Tôi nói với anh em là khi tôi đã làm hết mình thì anh em cho tôi nghỉ hết mình, không xin, không hỏi ý kiến gì nữa. Quá khứ tôi chịu trách nhiệm nhưng tương lai các anh phải tự quyết định. Bởi vì khi tham gia ý kiến, mình không nắm tình hình là đã bị lạc hậu rồi.
Ngay cả bây giờ, chỉ ba ngày tôi không nghe tình hình của thành phố là đã thấy lạc hậu, huống hồ khi tôi nghỉ rồi. Có thể khi tôi nghe một chuyện gì đó, tôi gọi thông tin với anh em để xử lý chứ dứt khoát không can thiệp công việc của anh em nữa dù lớn hay nhỏ.
Trừ trường hợp có ai đó làm bậy, với trách nhiệm là đảng viên, là công dân, là người đã từng giữ trách nhiệm trong bộ máy, mình phải có ý kiến. Còn tất cả mọi việc thì để anh em làm, nếu có hỏi thì có thể nói bằng kinh nghiệm, còn nghe hay không là việc của họ.
Về nhà, tôi có bao nhiêu thứ để mình làm như đọc sách, chăm cây cảnh, nói chuyện với bạn bè. Tôi nghĩ mình nghỉ rồi có chăng mất là mất tiếng dạ thôi. Còn lại chẳng mất gì.
Với 36 tuổi Đảng và 21 năm nắm giữ cương vị chủ chốt ở Hội An, Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự đã để lại cho mảnh đất này một dấu ấn lớn.Từ một đô thị cổ đìu hiu, chỉ trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, dưới sự lèo lái của ông đã trở thành một thương hiệu du lịch nổi tiếng toàn cầu với di sản kiến trúc cổ Hội An được bảo tồn nguyên vẹn, được UNESCO công nhận và trao giải thưởng.
Đời sống cư dân Hội An ngày một giàu lên nhờ biết cách làm du lịch bền vững. Họ luôn ghi nhớ công lao của ông, một người đã tận tâm, tận lực cho sự bảo tồn và phát huy di sản quý giá của tiền nhân để lại cho con dân Hội An.
* Ông ĐINH VĂN THU (phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam):Những đóng góp của anh Nguyễn Sự cho phát triển của Hội An theo cá nhân tôi là rất tốt và điều ấy quá rõ ràng. Thường vụ Tỉnh ủy cũng mong muốn anh Sự tiếp tục làm chủ tịch HĐND TP Hội An đến hết tháng 5-2016 nhưng anh ấy xin nghỉ sớm theo nguyện vọng.
Tôi nghĩ việc ấy cũng tốt và có ý nghĩa cho đội ngũ kế thừa của Hội An và cũng được tập thể thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất.
* Ông NGUYỄN VĂN SỸ (nguyên chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam):
Anh Nguyễn Sự và tôi làm việc một thời gian dài cùng nhau. Đầu năm 2013 anh Sự xin nghỉ sớm vì lý do sức khỏe, nhưng tôi và anh Nguyễn Đức Hải (nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện là phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương) động viên anh ấy ở lại.
Vì nếu anh Sự nghỉ thì sẽ rất khó cho Hội An. Phải nói là Hội An bây giờ khó có được người như anh Sự.
* Ông PHẠM QUỐC ANH (chạy xe ôm, phường Tân An):
Ngay từ những ngày đầu đội xe ôm mới thành lập, ông Sự đã dành nhiều buổi để nói chuyện với anh em xe ôm.
Ông luôn dặn dò, khuyên bảo những người hành nghề xe ôm như tôi phải biết giữ thái độ đúng mực khi chở khách, không “chặt chém” giá cả và đặc biệt là nâng cao trình độ ngoại ngữ để làm hình ảnh thành phố đẹp hơn trong mắt du khách.
Những lời nói chân tình của ông bí thư luôn được anh em nhắc nhở nhau mỗi ngày.
* Bà VÕ THỊ CÚC (người dân phường Cẩm Phô):
Thỉnh thoảng khi thành phố tổ chức lễ hội, bà con trong phố cổ thường bắt gặp hình ảnh ông Sự mặc bộ quần áo giản dị “vi hành” khắp các tuyến đường lớn nhỏ cùng với lực lượng an ninh.
Tôi cũng như nhiều người vẫn nhớ như in lần ông Sự hỗ trợ công an bắt một tên cướp giật đồ của du khách ngay trong đêm diễn ra festival di sản. Tôi tin với những gì ông đã dốc sức cống hiến cho thành phố, người kế nhiệm ông sẽ phát huy tốt những gì ông để lại.
TẤN VŨ – THANH BA ghi