Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Giông Lốc và Nước Mắt

Nguồn : 888888.COM.VN
Giông lốc kinh hoàng vô tình tố vụ trồng cây Hà Nội
Tác giả: Đoàn Minh Thái – Đất Việt -15 June 2015
Nhờ giông lốc mới thấy rõ lòng tham và sự cẩu thả dối trá.” – Nhiều người dân nói thẳng.
Cơn giông lốc tại Hà Nội chiều ngày 13/06 đã làm hai người đã tử vong, 10 người bị thương do cây đổ đè trúng.
Trong số các cây bị đổ có rất nhiều cây vừa mới được trồng trong dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội vừa xảy ra tai tiếng.
Khi các cây này bị bật gốc nhiều người không khỏi bất ngờ về sự tắc trách của những người làm nhiệm vụ thay thế cây xanh.
Cụ thể, các cây được trồng mới tại khu vực đường Nguyễn Trãi đoạn qua trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Thanh Xuân, Hà Nội) bị bật gốc hàng loạt.
Các cây bị bật gốc này vẫn còn nguyên lưới bọc chặt bầu và rễ.
Nhiều người đi qua ngao ngán bởi khi trồng cây phải mở lưới trước khi cho đất vào, khi thực hiện công đoạn này xong, tiến hành chống cừ cây trước khi tháo móc cẩu.
Bác Côn (60 tuổi) có cây mới trồng trước cửa nhà cho biết: “Trồng cây nông thế này, đổ là phải rồi, cái lưới để bọc bầu đúng ra phải tháo ra thì lại không tháo, rễ cây mọc thế nào được, cây chết nhiều là phải”. “Cơn giông hôm qua, nhìn các cây này đu đưa đến là sợ, lúc cây bật gốc lên vẫn còn nguyên cả lưới bọc xung quanh bầu, đến sáng nay thì không biết ai đã xé lưới ra.
Theo tôi việc không xé lưới bọc bầu là hoàn toàn sai, không chấp nhận được, rễ không mọc được nên cây dễ đổ, chẳng may có ai bị cây đổ đè vào thì có khác nào ngộ sát.” – Anh Định (36 tuổi), làm nghề ngay trước cổng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ.
Trước đó, dư luận từng xôn xao trước nhiều sự kiện “bê tông lõi tre”. Nhiều ô tô vô tình đâm phải cột mốc lộ giới hay nắp mương, thì mới phát hiện ra sai phạm. Các cột mốc lộ giới hay nắp mương được làm bằng “bê tông cốt tre” chứ không phải là cốt sắt.
Rất nhiều vụ việc bị phát hiện sau khi các tai nạn xảy ra.
Ở Việt Nam có dùng tre thay cho thép.
Tuần lễ nước mắt
Tác giả: Tuấn Khanh – Blog – 15 June 2015
Chỉ trong một tuần, đã có thật nhiều nước mắt đã đổ xuống trên toàn cõi Việt Nam. Với nhiều lý do. Nước mắt tràn trên các trang báo, bi thương trong các lời mô tả.
Những giọt nước mắt ấy, rơi xuống vì lòng kiêu hãnh chung hoặc vì nỗi đau thầm lặng của từng số phận. Nhưng cũng có những giọt nước mắt cay đắng cho đất nước vào giai đoạn trầm kha, mà nhân dân chính là kẻ mãi mãi phải gánh chịu.
Đất nước hôm nay hoang tàn, như một cõi vàng mã sau cơn gió giật đã lộ ra rất nhiều thứ. Tất cả phiêu diêu không biết về chốn nào, giữa những lời tung hô và giả dối.
Hoang tàn như qua một cơn giông, người ta giật mình chợt biết rằng bao năm nay mình bị lừa dối, khi nhìn thấy những trụ điện bê-tông gãy đổ với chất lượng tệ hại đáng kinh ngạc. Ở ngay một nơi được xưng tụng là thủ đô, thì sự lừa dối cũng ở cấp độ thủ đô. Những con đường, cầu cống rơi mặt nạ, suy sụp và tàn tạ, cho thấy tiền thuế của nhân dân được quấy quá và vội vã tiêu pha như thế nào trong tay những quan lại luôn kêu gọi lòng yêu nước và trách nhiệm.
Trận giông ngày 13-6 được coi là kinh hoàng ở Việt Nam, với 2 người chết và 9 người bị thương, nhiều hệ thống giao thông hư hại. Nhưng bất ngờ là sau trận giông đó, ông Lê Thanh Hải, phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết chuyện này đã được biết trước và “cho cảnh báo nhưng thông tin không đến với người dân”. Một lần nữa, nhân dân vẫn là người có lỗi trong kiếp nạn của mình. Còn điều gì an nguy nữa cho cuộc sống con người và đất nước này mà “thông tin không đến với” người Việt Nam?
Ngày 14/6 tàu cá ở Quảng Nam, số 92642 bị một tàu hàng “lạ” cố tình đâm vào, khiến 1 người chết và 3 người bị thương. Tàu “lạ” đã sấn vào rất gần bờ Việt Nam, chỉ cách Đà Nẳng 40 hải lý. Đã rất gần rồi, kẻ “lạ”. Đây là lần thứ hai trong tuần, kẻ “lạ” tấn công người đi biển. Một lần nữa, ngư dân Việt lại lặng lẽ góp thêm những linh hồn khốn khổ vào mộ gió. Đã bao lâu rồi, những con người chết oan ức đó, kể cả những người lính bộ đội chết ở Gạc Ma bị từ chối đưa xác về quê nhà, đã tìm thấy lời giải về số phận của mình, của tổ quốc mình lúc này? Biển của người Việt không còn bình yên nữa. Cái chết rình rập hàng ngày khiến ngư dân phải đi rất xa để kiếm sống, trôi dạt đến tận đảo quốc Palau để rồi 77 người bị bắt, 4 thuyền bị đốt, người đi biển Việt Nam bị kết tội là “kẻ cắp”. Bài học rừng vàng biển bạc trong sách giáo khoa là kẻ nói láo, vì hôm nay người Việt không còn gì nữa.
Palau chỉ có 20.000 dân, không có chỉ số về tiềm lực quân sự, nhưng với kẻ bước đến bờ biển của mình, bất kể là ai, họ đều gọi đó là kẻ cướp. Ở Việt Nam, quốc gia có 90 triệu dân, tiềm lực quân sự đứng hàng 25 trên thế giới, với những kẻ bước qua ranh giới biển của mình, chúng được gọi là bạn hoặc kẻ lạ.
Nước mắt lại rơi âm thầm, bên cạnh thềm nhà Quốc hội Việt Nam sang trọng, nơi các ông bà đại biểu sôi nổi bàn chuyện con dâu và tài sản nhà chồng để nâng cấp Bộ luật Dân sự. Quốc hội biết lo lắng về quyền phụ nữ trong cuộc sống, nhưng nhanh quay lưng về phía nỗi đau của chính đồng loại mình, thua cả bầy trâu bò ở Châu Phi biết cùng nhau chống lại thú dữ trên đường đi.
Tuần lễ nước mắt ngập những nỗi đau của ông chú, bà dì, bạn trẻ, anh chị… gào khóc vì đội tuyển của mình thất bại – như bao lần thất bại hiển nhiên khác từ nhiều thập niên nay. Nước mắt ngập khán đài như một sân khấu, nhiều cổ động viên đã khóc và bày tỏ nỗi đau rất cụ thể cho ống kính ghi hình. Những giọt nước mắt đó cuốn trôi và làm chìm lấp cả những điều hệ trọng khác mà người Việt cần rơi nước mắt lúc này.
Một người bạn trẻ trên facebook đã ghi rằng “vì sao họ có thể đau khổ đến vậy vì lý tưởng bóng đá, nhưng khi tổ quốc tụt hậu trăm năm so với các quốc gia khác, nợ công tràn ngập đến thế hệ mai sau, nạn tham nhũng đang siết cổ người dân từng ngày – thì thật khó mà tìm được ai lên tiếng hoặc nhíu mày”.
Thật ra, quyền đau thương trong một trò chơi là quyền tự do của cá nhân. Nhưng khi một tập thể cá nhân đó cùng tập hợp đau thương cho một trò chơi và lãng quên những điều nhức nhối khác, thì tổ quốc chỉ còn là quảng trường của lễ hội trụy lạc không màng trách nhiệm. Những giọt nước mắt thụ hưởng rất hiện đại đó dường như không còn thiết dành cho số phận dân tộc mình, mà chỉ nhân danh, để phô diễn sự ích kỷ và nông cạn trong một thực tế thắng bại sòng phẳng, đã rõ.
Ước gì một phần nước mắt đó dành cho biển, cho tổ quốc, cho đồng bào mình.
Ước gì một phần những bạn trẻ thích bày tỏ tình yêu tổ quốc, mặc áo đỏ sao vàng xếp hàng chụp ảnh nghiêm và buồn trước biển, trịnh trọng “tổ quốc gọi chúng tôi sẳn sàng” biết rõ và gọi tên kẻ thù trước biển là ai, lúc này.
Ước gì các đại biểu Quốc hội không ngủ gật hay chơi game trong Ipad, dành thì giờ tìm hiểu tên người ngư dân bị giết chết mới nhất là gì, cũng có thể họ tìm ra đó là một đồng hương.
Ước gì có một tuần lễ nước mắt mà người Việt tìm nhau chia sẻ, xiết chặt tay, hơn chỉ là những giọt nước mắt âm thầm của những cá nhân thương xót cho tổ quốc mình trong giông bão vô tình.
Ai đã gây ra thảm cảnh này cho dân tộc tôi?
Tuấn Khanh

Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hết thuốc trị?

Nguồn : 888888.COM.VN
Tác Giả: Đào Lê – Thế Giới Tiếp Thị – 12 June 2015
Câu chuyện lòng đường, vỉa hè bị đánh chiếm một lần nữa được xới lên: các phương tiện truyền thông “tả thực” các tuyến đường kiểu mẫu của TP.HCM với vỉa hè vô tư trưng dụng mua bán, kinh doanh.
Chính quyền cho rằng luôn luôn “mạnh tay” xử lý, nhưng tại họ… lì. Còn người bị cho là “lì” cho rằng, họ sẽ “tâm phục, khẩu phục” nếu như lực lượng kiểm tra, xử lý làm việc công tâm.
Phận mọn chỉ còn nước chạy và chết
Một nhà báo có trụ sở đóng trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, đầu tuần qua đã phải lên Facebook thốt lên bực tức: mới sáng sớm, đã phải vắt giò lên cổ chạy hai lần bởi “cái tội” ăn và uống càphê sáng trên vỉa hè, đối diện cơ quan.
Theo ông, cũng là lấn chiếm lòng lề đường mà sao những quán nhậu cùng tuyến đường được mở sáng đêm? Vì sao dân nghèo vỉa hè chống đối người thi hành công vụ, như anh chàng quang gánh ở Bình Thạnh cách đây hai năm, bị đánh, trói như heo bỏ lên xe chở về đồn?
Thực sự, chuyện tréo ngoe xảy ra hà rầm ở thành phố này. Nhiều người dân quận 3 ắt vẫn còn nhớ đến vụ một vị nguyên là lãnh đạo cơ quan báo chí vào quán ăn ở đường Điện Biên Phủ, gửi xe có thẻ đàng hoàng, nhưng khi lực lượng chức năng đến dẹp lấn chiếm vỉa hè thì lại đòi chủ xe nộp phạt. Và nữa, trong buổi tối “dẹp loạn vỉa hè” hôm đó, chỉ duy nhất quán ăn kể trên bị xử phạt, còn các quán lân cận bình yên.
Nhưng câu chuyện hay nhất về phận mọn bán vỉa hè luôn bị ức hiếp, có lẽ lại đang xảy ra ở các nơi vỉa hè ngày càng khan hiếm như: khu vực chợ Tân Bình, đoạn đường Trần Quốc Thảo – từ ngã ba Kỳ Đồng đến ngã tư Lý Chính Thắng, khu xung quanh bệnh viện Từ Dũ – gồm các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh…
Thường xuyên chở vợ ra chợ Tân Bình lấy hàng quần áo về bán, nhưng cứ hễ thấy chuyện cơ quan chức năng đi phạt vạ người lấn chiếm vỉa hè, anh Hoàng Bình – buôn bán quần áo trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú – lại thấy ấm ức. “Cứ họ dẹp thì gần như toàn bộ con đường Phú Hoà bên hông chợ Tân Bình náo loạn. Chỉ trong vòng nửa giờ, lực lượng chức năng đã bắt giữ ít nhất bốn xe gắn máy đậu dưới lòng đường mà chủ xe không kịp chạy thoát. Thế nhưng, cũng ngay dưới lòng đường Phú Hoà, hàng đàn xe máy của các quán ăn, quán giải khát lại “miễn trừ”.
Hay hơn có lẽ là vụ, khi báo chí không ít lần phản ánh tình trạng vỉa hè xung quanh các bệnh viện Tai mũi họng, bệnh viện quận 3, trên đường Trần Quốc thảo bị đánh chiếm hoàn toàn bởi hàng rong, bởi xe taxi, bởi xe cấp cứu, bởi bãi giữ xe… thì các cơ quan chức năng đã tiến hành ra tay dẹp mạnh… Để rồi giờ đây, hàng rong quay gót, taxi vẫn còn…
Không công tâm, thiếu nhất quán
Để xảy ra chuyện thiếu công tâm như vừa nêu trên, không cần phải có nghiệp vụ, chỉ cần có con mắt nhìn ai cũng có thể thấy, dẹp người bán hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khó hơn dẹp các điểm kinh doanh tại gia, xe taxi chiếm vỉa hè hay các bãi giữ xe không phép. Thử tính, người bán hàng rong nghĩa là di động (di chuyển khi có lực lượng kiểm tra), để bắt được phải truy đuổi nên xác suất thành công thấp. Trong khi đó, các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, các bãi giữ xe không phép chỉ cần đến lập biên bản là có thể xử lý ngay.
Tại sao cái khó làm được, cái dễ lại “bó tay”? – Câu hỏi này xin nhường lại cho cơ quan chức năng.
Bàn về chuyện vỉa hè cứ bị tái đánh chiếm liên tục, nhiều lần TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, khẳng định: việc nhất bên trọng, nhất bên khinh thực ra chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái chính ở đây là công tác thực hiện quy hoạch và công tác quản lý. Cụ thể, từ lâu thành phố đã đưa ra phương án hạn chế xây dựng cao ốc khu trung tâm nhưng cuối cùng cũng đâu có làm được. Bằng chứng là cao ốc mọc lên đầy. Rồi từ lâu thành phố cũng quy định khoảng cách của các nhà thuốc tây, nhưng thử nhìn xem trên đường Trường Chinh, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến ngã ba Nguyễn Thái Bình, chỉ hơn 500m nhưng có tới cả chục tiệm bán thuốc tây, tiệm nào cũng trưng dụng hết vỉa hè để xe.
Rồi thành phố cũng đã có chính sách hạn chế các cơ sở dạy học như: ngoại ngữ, tin học… không nên nằm ngay ngã ba, ngã tư, nhưng rồi vẫn đâu có làm được. Bởi nhiều chủ cơ sở chỉ khoái những địa điểm trên và tìm mọi cách để có giấy phép kinh doanh.
Hay mới đây nhất, khi chính quyền phường 7, phường 9, quận 3 cho rằng, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Quốc Thảo (đoạn từ ngã ba Kỳ Đồng đến ngã tư Lý Chính Thắng) là rất khó. Nguyên nhân là chỉ đoạn đường ngắn này có tới hai cái bệnh viện, hai cái ngân hàng và thêm vô số nhà thuốc tây, cơ sở kinh doanh, nên đã rất chật chội. Đã chật chội rồi, ấy vậy mà mới đây trên đoạn đường này lại tiếp tục khởi công thêm công trình mở rộng bệnh viện Tai mũi họng với quy mô 12 tầng (kể cả hai tầng hầm – PV). Hỏi như vậy làm sao quản được vỉa hè, lòng đường cho thông thoáng.

Copy và Start-up

Nguồn : 888888.COM.VN
Sao chép: Đừng nói Trung Quốc, 100% startup Việt Nam cũng vậy!
Tác Giả: Kiều Châu – Bizlive – 9 June 2015
Thống kê của Topica Founder Institute về các mô hình khởi nghiệp (startup) thành công ở Việt Nam mới đây cho thấy, 100% các startup này đều học hỏi và bản địa hoá từ mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc đem một mô hình thế giới về áp dụng ở một môi trường khá phức tạp như Việt Nam mà tồn tại được đã là một thành công. Những ý tưởng nguyên gốc là cực kì hiếm, bởi sáng tạo ra một cái gì đó mới không phải là chuyện dễ.
Copy: Chuyện không của riêng nước nào
Dave McClure, “nhà đầu tư thiên thần” người Mỹ đã “chắp cánh” cho khoảng hơn 500 startup từng nói rằng: “Thực ra bạn có thể bắt chước đến 99 % và sáng tạo chỉ 1% thôi cũng đủ để sản phẩm đánh bật các đối thủ khác trên thị trường”. Vậy nên, chuyện bắt chước ý tưởng chưa hẳn đã là chuyện xấu.
Thực tế, ngay đến cả những gã khổng lồ công nghệ như Apple hay Google cũng không thể khẳng định sản phẩm của họ không copy bất kỳ chi tiết của sản phẩm nào.
Nhìn vào phiên bản iPhone năm 2007, mọi người đều nghĩ là sự khởi đầu sáng tạo cho một loạt các đời iPhone sau này. Tuy nhiên, thực ra điểm sáng tạo nhất iPhone có được là nhờ Apple đã biết cách chắp nối những công nghệ đã có vào cùng trong một thiết bị.
Apple liệu có sao chép một số công nghệ của Palm Pilot như một số người nghi ngờ?
Hay Google Glass có thể rất sáng tạo, theo góc độ, một sản phẩm chưa từng xuất hiện trên thị trường. Nhưng trong thực tế, Google Glass làm theo đúng những gì iPhone đã làm, xây dựng trên sự cơ sở kết hợp những công nghệ đã có sẵn.
Apple không phải cái tên đầu tiên sản xuất ra một chiếc máy nghe nhạc MP3, hay Facebook cũng hoàn toàn không phải mạng xã hội đầu tiên, Google, tương tự, không phải công cụ tìm kiếm đầu tiên của thế giới,… Thế nhưng những sản phẩm của họ vẫn gây được tung hô và đón nhận bởi một nguyên lý đơn giản trở nên tốt hơn so với bản gốc còn hơn trở thành kẻ thất bại đầu tiên.
Đặc biệt, trong khoảng một thập kỷ gần đây, “bắt chước” đã trở thành một cụm từ quá quen thuộc của nền công nghệ Trung Quốc. Theo phân tích của trang công nghệ Tech in Asia, mặc dù những ngày tháng thịnh vượng của “nền kinh doanh copy” đã qua, song mô hình nổi tiếng này vẫn đang rất thịnh hành đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp của Trung Quốc. Thậm chí, nhiều công ty Internet Trung Quốc còn copy lẫn nhau!
Trong cộng đồng công nghệ khởi nghiệp rất đông đúc của Trung Quốc, đi đầu không phải là lợi thế cạnh tranh đáng kể. Nếu một công ty khác cũng triển khai ý tưởng đó, dù muộn hơn vài tháng, song lại tốt hơn, họ sẽ chiến thắng.
Lấy ví dụ như trường hợp của hãng Fanfou, dịch vụ tiểu blog đầu tiên ở Trung Quốc. Họ đánh bại tất cả các đối thủ lớn trong nước và quốc tế thâm nhập thị trường Trung Quốc, nhưng chính phủ nước này lại e ngại tiềm năng của tiểu blog sẽ khiến những quan điểm trái ngược được dịp lan truyền và buộc Fanfou phải đóng cửa.
Tuy nhiên, việc kẻ tiên phong Fanfou phải ngừng hoạt động lại mở ra cơ hội cho các hãng công nghệ lớn như Sina và Tencent cơ hội xây dựng các dịch vụ tiểu blog của riêng họ bên cạnh việc đưa ra những cam kết xoa dịu quan ngại của chính phủ. Vào thời điểm các quy định đã rõ ràng hơn, Fanfou được phép mở lại dịch vụ, nhưng đã quá trễ bởi các đối thủ cạnh tranh đã tung ra những dịch vụ ưu việt hơn như Sina Weibo.
Sự vụt sáng của “ngôi sao mới nổi” Xiaomi cũng đang khiến cho nhiều hãng công nghệ trên thế giới phải dè chừng, đặc biệt là Apple bởi công ty này được xem là đã copy không ít ý tưởng của Apple. Thậm chí, CEO Xiaomi còn được gọi là “Steve Jobs của Trung Quốc”.
Chỉ trong vòng 5 năm, Xiaomi đã đi từ hai bàn tay trắng vươn tới danh hiệu startup công nghệ tư nhân có giá trị lớn nhất trên thế giới.
Song, khi hầu hết các công ty khởi nghiệp đều đổ xô đi copy thì điều tất yếu là sự cạnh tranh cũng tăng lên. Do đó, hiện nay, các công ty Trung Quốc ngoài việc học hỏi các công ty công nghệ nước ngoài thành công, đã có những thay đổi lớn và sáng tạo để thích nghi thị trường.
100% startup Việt Nam cũng đi sao chép
Trong những năm gần đây, phong trào startup cũng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng startup thành công ở thị trường trong nước và quốc tế vẫn chưa thực sự nhiều.
Theo ông Trần Mạnh Công, Giám đốc Topica Founder Institute, dự án hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam, hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 28 startup tạm xem là thành công, tức là thỏa mãn được một trong các tiêu chí có định giá từ 10 triệu USD hoặc doanh thu từ 2 triệu USD hoặc có từ 100 nhân viên hoặc đã gọi vốn vòng 2 hoặc đã bán được công ty với giá tốt.
Việt Nam có 28 startup tạm xem là thành công.
Trong số 28 startup này: độ tuổi trung bình khi họ khởi nghiệp là 28,8; 78% từng làm thuê hoặc khởi nghiệp thất bại ở 2 công ty trước đây; 45% từng học hoặc làm việc tại nước ngoài trước khi về nước khởi nghiệp; thời gian trung bình dành cho startup đến lúc thành công là 5,7 năm và sẽ mất lâu hơn nữa để trở thành công ty có giá trị hàng trăm triệu USD; và 100% đều học hỏi và bản địa hoá từ mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài.
Như vậy, ngoài việc khởi nghiệp khá muộn, các startup Việt Nam cũng không thể tránh khỏi việc đi sao chép các mô hình thành công từ nước ngoài.
Ai dám khẳng định những hiện tượng Haivl không “copy” 9gag hay Cờ rôm + không “ăn theo” Chrome…? Hoặc các trang thương mại điện tử như Vật giá đã học theo Rakuten, Chợ điện tử theo Ebay hoặc VNG theo Tencent… Và trong quá trình học theo đó, có người đã thành công và cũng có kẻ đã phải nếm trải thất bại.
Vậy làm thế nào để sao chép mà vẫn thành công?
Theo phân tích của ông Trần Mạnh Công, dù 100% các startup của Việt Nam vẫn phải học hỏi những mô hình tương tự ở nước ngoài nhưng họ đã biến biến sự học hỏi đó thành thành công theo hai hướng: hoặc là trở thành số 1 trong lĩnh vực của mình tại Việt Nam, sau đó mở rộng sang các thị trường tương đồng trong khu vực (Appota, Topica, CleverAds, Eway…), hoặc khởi đầu và thành công tại thị trường quốc tế rồi mới quay lại Việt Nam (JoomlArt, TruePlus, MoneyLover, Beeketing…).
Nếu đánh vào thị trường Việt Nam, thường sẽ phải tìm những thứ mang hơi hướng offline, ví dụ như thương mại điện tử thì luôn luôn phải có logistic, phải ký kết với các cửa hàng, shop… Yếu tố offline là rào cản cho các startup nước ngoài, nhưng sẽ là lợi thế cho startup trong nước để có thể đi trước ký kết với các cửa hàng, như mô hình groupon của Muachung, Hotdeal; hay đào tạo, phân phối thức ăn của Foody.
Còn nếu muốn đánh vào thị trường quốc tế, các startup nên tìm một ngách hoặc tìm một thế hệ platform (nền tảng) mới, tức là tìm ra sự khác biệt để tránh phải cạnh tranh với các công ty lớn.
Thực tế, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Twitter, Google… không bao giờ thực hiện các thương vụ mua lại các đối thủ cạnh tranh mà thường dành tiền thâu tóm nhiều nhất có thể các startup trên các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn: Facebook mua Instagram, Pipe, Face.com, Oculus VR… và gặt hái được không ít thành công từ các quyết định này. Vì vậy, các startup không nên mạo hiểm đặt cược số phận mình trong trò chơi của riêng các ông lớn.
Các startup cũng không thể chờ đợi vào sự may mắn như trường hợp của Flappy Bird bởi không có nhiều người có được may mắn như vậy. Tuy nhiên, sự kiện Flappy Bird cũng là một điểm nhấn tốt cho hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam để gây được sự chú ý hơn từ các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
“Tất nhiên, startup huy động được vốn đầu tư mạo hiểm không đảm bảo chắc chắn rằng startup đó sẽ thành công. Nhưng với nguồn vốn đầu tư, các giá trị gia tăng mà nhà đầu tư mang lại sẽ là bệ phóng giúp cho startup đến gần với thành công một cách nhanh nhất và đi được xa nhất”, ông Công khẳng định.
Tóm lại, ở một môi trường khởi nghiệp như Việt Nam các CEO, người sáng lập muốn thành công cần phải không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm một cách có chọn lọc. “Những người đã thành công hoặc đang rất gần đến thành công, họ luôn trau dồi kiến thức, sẵn sàng học hỏi, làm việc gấp 5-10 bình thường và dù nghĩ lớn mơ lớn nhưng lại luôn chắt chiu từng kết quả nhỏ”, ông Công cho biết thêm.