Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Sơn La vẫn xây công trình 1.400 tỷ

Theo BBC – 7 Sep 2015
Sau một tháng gây tranh cãi trong dư luận, tỉnh Sơn La vừa thông qua đề cương cụm công trình và tượng đài Hồ Chí Minh 1.400 tỷ đồng.

Hôm 7/9, VietnamNet đưa tin Tỉnh ủy Sơn La vừa thông qua ‘Đề cương dự án cụm công trình 1.400 tỷ gắn với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh’.
Như vậy là dự án này đã đổi tên gọi so với ban đầu là ‘Đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc’.
Đề cương dự án khẳng định: “Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn’ và quyết tâm mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Quan chức địa phương cho rằng “công trình sẽ là ‘địa chỉ đỏ’ về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Sơn La”.
Cùng ngày, trang tin Infonet của Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết thêm:
“Về phương án đảm bảo nguồn vốn và hình thức đầu tư, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục. Trong đó mức đầu tư cho nội dung xây dựng tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc khoảng 200 tỷ đồng và được phân kỳ đầu tư theo quy định.
Việc bố trí vốn triển khai đề án đảm bảo huy động phát huy có hiệu quả tổng thể các nguồn lực trong quá trình phát triển của tỉnh”.
Báo trong nước cũng nêu rõ “chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện vào thời gian năm 1959, là thời gian ông về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La”.
Tỉnh nghèo
Sơn La là tỉnh miền núi cao ở phía Tây Bắc đất nước, dân số khoảng 1,1 triệu người.
Đây là một trong các tỉnh nghèo của Việt Nam, với tổng số hộ nghèo gần 71.000 hộ, chỉ sau Nghệ An và Thanh Hóa.
Gần đây một số công trình tượng đài với ngân sách khổng lồ đã gây tranh cãi.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam được thiết kế và xây cất với kinh phí khoảng 410 tỷ đồng. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ kinh phí gần 40 tỷ.
Một bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành ngày 17/5 nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của ông có kinh phí 7 tỷ

Khủng hoảng, doanh nghiệp vẫn đua làm bánh trung thu bạc triệu

Theo Đất Việt – 4 Sep 2015
Kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút nhưng bánh trung thu cao cấp vẫn ào ạt ra thị trường, với những hộp bánh bạc triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.
Đại diện khách sạn Daewoo, Hà Nội, bà Phạm Thị Bích Hường cho hay, quầy hàng bánh trung thu của khách sạn chính thức mở cửa từ ngày 28/8 nhưng đến 30/8, khoảng 2.500 hộp bánh của khách sạn đã có chủ.
Năm nay, giá bánh trung thu của khách sạn Daewoo tăng từ 10 – 15% so với năm 2011. Các sản phẩm như hộp bánh tổng hợp, hộp bánh đặc biệt với trà, rượu vang, Johnny Walker đen… có mức từ 620.000 đồng đến gần 1,8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Daewoo còn nhận hàng đặt theo yêu cầu của khách. “Nếu khách hàng có nhu cầu đặt loại nhân bánh đặc biệt như vi cá mập, nhân yến xào… hay rượu cao cấp đi kèm, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng với điều kiện phải đặt trước khoảng một tuần. Trung thu năm 2011 đã có khách hàng đặt hộp bánh trị giá tới hơn 6 triệu đồng”, bà Hường cho biết.
Bánh trung thu bạc triệu chủ yếu làm quà biếu nên các doanh nghiệp không sợ sức mua giảm
Khách sạn Hilton cũng đưa sản phẩm bánh trung thu ra thị trường từ ngày 27/8. Như mọi năm, Hilton có các sản phẩm truyền thống là hộp 4 bánh, 8 bánh với giá 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, khách sạn này cũng không quên đưa ra những sản phẩm xa xỉ phục vụ đại gia như hộp VIP bạch kim với rượu Hennessy giá 3,8 triệu đồng, hộp bánh VIP vàng với 4 bánh và rượu Johnnie Walker. So với năm 2011, giá bánh của Hilton hầu như được giữ nguyên.
Gây sốc trên thị trường ở dòng bánh cao cấp năm nay là khách sạn Hà Nội với sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ. Vương Kim Tri Ngộ Ballantine’s 30 có giá niêm yết 11.998.000 đồng, gồm 4 bánh to nhân sen trắng, hai lòng đỏ trứng mặn và 1 chai rượu Ballantine’s Whisky 30 năm.
Bên cạnh đó, các sản phẩm khác của khách sạn Hà Nội cũng có mức giá “khủng” như Nguyệt sắc giai nhân gồm 4 bánh to nhân sen trắng, 2 lòng đỏ trứng mặn và 1 chai rượu vang đỏ cao cấp có giá 2,3 triệu đồng, Kim long kết nguyệt Tân tri cựu hữu gồm 4 bánh to nhân sen trắng lòng đỏ trứng mặn và 1 chai rượu chivas Whisky 12 năm giá 2,4 triệu đồng, Kim long kết nguyệt Chivas 18 năm – Bạn hữu tri kỷ giá 4 triệu đồng, Kim long kết nguyệt Chivas 21 năm – Đoàn tụ dưới trăng giá niêm yết hơn 6 triệu đồng.
Không chỉ các khách sạn, nhiều hãng bánh kẹo sản xuất bánh trung thu như Kinh Đô, Bibica cũng đưa ra những hộp bánh giá bạc triệu ra thị trường. Công ty Kinh Đô có bộ sưu tập Trăng vàng với các dòng sản phẩm Trăng vàng kim cương, bạch kim, hoàng kim, hồng ngọc. Nếu như năm 2011, hộp bánh lập “đỉnh” của thương hiệu này có giá 2 triệu đồng thì Trăng vàng kim cương năm nay lên tới 2,2 triệu đồng.
Công ty cổ phần Bibica hiện có dòng bánh Đế Nguyệt cũng có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, các thương hiệu khác như Đồng Khánh, Đại Phát, Hỷ Lâm Môn… cũng rất chú trọng dòng bánh cao cấp. Bánh “Đại phát đại tài, Vinh hoa phú quý” của Đồng Khánh có giá gần một triệu đồng một hộp. Bánh trung thu Đại Phát sử dụng các loại hương vị quý hiếm từ bào ngư, yến sào táo đỏ, phô mai, đậu xanh tuyết… xuất hiện với những thiết kế tinh xảo, trị giá 1-1,3 triệu đồng mỗi hộp.
Theo đại diện một nhà sản xuất dòng bánh trung thu cao cấp, dù đang là thời điểm kinh tế khó khăn nhưng các sản phẩm giá bạc triệu vẫn ào ạt ra thị trường, mức giá còn cao hơn những năm trước bởi đối tượng khách hàng mua những loại bánh này chủ yếu để làm quà biếu, tặng nên họ sẵn sàng rút hầu bao, thậm chí càng đắt, càng xa xỉ càng tốt.
Khách hàng tặng các hộp bánh chục triệu đồng này cho ai vậy?