Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Những Dự Án Tỷ Đô “Đầu Voi Đuôi Chuột”

Những đổ vỡ tỷ đô
Hoàng Phương – Diễn đàn doanh nghiệp – 22 Mar 2015
Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) vừa có những động thái mới khiến dư luận có dự cảm không lành…
Một cách vô cùng bất ngờ, sau 5 năm theo đuổi việc xin nâng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD, chủ đầu tư Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) mới đây đã quyết định xin giảm vốn xuống chỉ còn 2 tỷ USD, đồng thời xin phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn.
Từ chuyện Thép Guang Lian xin giảm vốn
Quyết định giảm vốn của chủ đầu tư hiện tại của Dự án (Tập đoàn E-United – Đài Loan) xuất phát từ việc cuối năm ngoái Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố không đeo đuổi dự án này nữa. Vậy là sau hai năm tốn công, phí sức của cả JFE lẫn các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương, Dự án Thép Guang Lian vẫn lỡ dở. Thép Guang Lian chính thức được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, đầu tiên là cho Tập đoàn Tycoons (Trung Quốc), sau đó có thêm sự tham gia của E-United (Đài Loan), với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 10% và 90%. Nhưng sau khi khởi công và thực hiện một số hạng mục như đóng cọc xây dựng, ký túc xá cho người lao động thì đến năm 2010, dự án tạm dừng lại để chờ giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lên 4,5 tỷ USD.
Trước việc đất dự án bị bỏ hoang nhiều năm, dư luận Quảng Ngãi đã không khỏi bức xúc. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sốt ruột. Mọi chuyện phần nào được giải tỏa khi đầu năm 2012, JFE, tập đoàn thép lớn thứ 6 toàn cầu và thứ hai ở Nhật Bản, quyết định ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu hợp tác đầu tư dự án. Nếu quyết định tham gia dự án, JFE gần như sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của E-United.
Sự xuất hiện của đại gia Nhật Bản khiến cả cơ quan chức năng, người dân đều kỳ vọng. Nhưng cuối cùng, sau hai năm nghiên cứu, đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư, xin thêm đất, điều chỉnh quy hoạch cảng chuyên dụng… thậm chí còn tính đến phương án nâng vốn đầu tư của dự án lên 7,5 tỷ USD, JFE bất ngờ rút lui. E-United lại quay về tiếp quản việc nghiên cứu đầu tư dự án và cuối cùng quyết định xin giảm vốn đầu tư dự án xuống còn 2 tỷ USD.
Đến những đổ vỡ tỷ USD
Guang Lian cho đến nay chưa thể nói là đổ vỡ. Nhưng sự long đong lận đận của dự án này trong gần 10 năm qua khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Và kèm theo đó là dự cảm không lành đối với dự án này, giống như đối với không ít dự án tỷ USD khác.
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 30 dự án FDI quy mô tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng số dự án đã đi vào hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài các dự án của Samsung ở Thái Nguyên, Bắc Ninh hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả cao, còn có thể nhắc tới các Dự án Hồ Tràm Strip (4 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu), Thép China Steel Sumikin (1 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu), hay Intel (1 tỷ USD, TP.HCM), LG (1,5 tỷ USD, Hải Phòng), Nhiệt điện Mông Dương 2 (1,95 tỷ USD, Quảng Ninh) đã đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, còn có Lọc hóa dầu Nghi Sơn (9,9 tỷ USD, Thanh Hóa), Liên hợp Thép Formosa (9 tỷ USD, Hà Tĩnh), Lọc hóa dầu Vũng Rô (3,2 tỷ USD, Phú Yên)… đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, nếu kể các dự án đã bị thu hồi hay đang trong diện bị cảnh báo thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư thì danh sách này rất dài. Đó là Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), 9,8 tỷ USD; Bãi biển Rồng (Quảng Nam), 4 tỷ USD; Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (Phú Yên), 1,68 tỷ USD; Công viên Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa – Vũng Tàu), 1,3 tỷ USD… đã bị thu hồi.
Chưa kể, hàng loạt dự án vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, như Nam Hội An (Quảng Nam), 4 tỷ USD; Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya (Đồng Nai), 2 tỷ USD; Thép Kobelco (Nghệ An), 1 tỷ USD; Saigon Atlantis Hotel (Bà Rịa – Vũng Tàu), 4,1 tỷ USD; Starbay (Phú Quốc, Kiên Giang), 1,6 tỷ USD; Nhiệt điện Hải Dương (Hải Dương), 2,25 tỷ USD; Bus Centre (Bình Định), 1 tỷ USD… Những dự án này đều đã nhiều lần bị chính quyền địa phương cảnh báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, Dự án New City (Phú Yên), vốn đầu tư 4 tỷ USD, cuối cùng năm ngoái cũng đã phải xin điều chỉnh xuống chỉ còn 1 tỷ USD.
Rõ ràng, số dự án tỷ USD bị đổ bể hoặc chậm triển khai đang lớn hơn nhiều so với những dự án đã và đang triển khai, để lại không ít nhức nhối, xót xa.
Và bài học quản lý
Cho tới nay, năm 2008 vẫn là năm kỷ lục trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, với hơn 72 tỷ USD. Đó cũng là năm nhiều dự án tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhất. Nhưng nhìn lại thì nhiều trong số này đã bị thu hồi hoặc chậm triển khai, khiến dư luận bức bối.
Nhiều dự án quy mô nhỏ nhưng khi bị thu hồi cũng tốn nhiều thời gian để xử lý hậu quả
Bức bối là phải khi đất đai bị hoang hóa kéo dài, lãng phí tài nguyên quốc gia. Bức bối khi các cơ quan quản lý dường như vẫn đang giơ cao đánh khẽ, bởi chuyện “gia hạn” thu hồi dự án không có gì lạ. Nhiều dự án, như Starbay, Saigon Atlantis, Thành phố mới Nhơn Trạch… đã năm lần bảy lượt bị địa phương “dọa” thu hồi giấy phép và cũng đủ điều kiện để thu hồi nhưng rồi cuối cùng vẫn để đó.
Thấy vậy, dư luận bức xúc là đúng. Nhưng bên trong, cơ quan quản lý cũng có những cái khó của mình. Nhiều dự án quy mô dù nhỏ, nhưng khi bị thu hồi cũng tốn nhiều thời gian để xử lý hậu quả. Ví như dự án Guang Lian, nếu thu hồi, thì hơn 330 ha đất đã giao, hơn 73 triệu USD nhà đầu tư đã đầu tư phải xử lý ra sao? Đó là câu chuyện không đơn giản. Nếu lại có đến hàng chục dự án như thế thì càng thêm khó khăn…
“Nhiều khi cũng phải thông cảm với các chủ đầu tư, họ cũng rất quyết tâm làm, nhưng vì khủng hoảng kinh tế vừa qua mà chưa thu xếp được tài chính”, một vị lãnh đạo địa phương nói. Điều này là đúng! Nhưng GS-TSKH. Nguyễn Mại, vị chuyên gia kỳ cựu về FDI cũng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, với những dự án chậm triển khai cần phải nhanh chóng thu hồi để dành cơ hội cho nhà đầu tư khác. Với những dự án đã xác định là không thể triển khai nên được thu hồi sớm, dành đất cho các dự án khác. Và quan trọng hơn, cần thẩm định kỹ ngay từ khi nhà đầu tư đến để đề xuất đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ “xí phần” rồi để đấy nhằm mua bán lòng vòng dự án để kiếm lời.
Điểm mặt những dự án ‘đầu voi đuôi chuột’ ở Thủ đô
VTC – 21 Oct 2014
Hàng loạt các siêu dự án được giới thiệu hoành tráng với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, nhưng đến nay vẫn “bất động”, cỏ mọc um tùm.
Dự án Booyoung Vina
Siêu Dự án Booyoung Vina (Nguyễn Trãi, Hà Nội) “đắp chiếu” nhiều năm qua được coi là trái đắng của thời kỳ huy động vốn kiểu “mỡ nó rán nó”.
Được bàn giao mặt bằng sạch từ năm 2007, nhưng đến nay, dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao vẫn chỉ là bãi đất, tường rào sắt xây quanh. Dự án có tổng mức đầu tư 171 triệu USD và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010.
Thế nhưng, gần 7 năm trôi qua, dự án Booyoung Vina do Công ty TNHH Booyoung Việt Nam – Hàn Quốc làm chủ đầu tư vẫn nằm im lìm, trở thành một bãi đất hoang rộng lớn.
Tọa lạc tại mặt tiền đường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) và nằm ngay bên trái đường vào Khu đô thị Mỗ Lao, khu đất của dự án Booyoung Vina được đánh giá là mảnh “đất vàng” cho phát triển bất động sản. Nhưng hơn 7 năm trôi qua kể từ khi được cấp đất sạch, khu đất này vẫn nằm im lìm.
Sau lễ “tái khởi công” rầm rộ hồi tháng 7/2011, dự án lại tiếp tục trở về điểm xuất phát. Vài chiếc cần cẩu ngày khởi công đã rời khỏi hiện trường, để lại bãi đất trống ngổn ngang. Những khu đất còn lại được quây tôn cho thuê làm điểm đỗ xe hoặc dùng để tập kết vật liệu xây dựng.
Nói là “tái khởi công” bởi tháng 2/2007, Công ty TNHH Booyoung đã tổ chức một lễ khởi công xây dựng Khu chung cư quốc tế Booyoung hoành tráng, rầm rộ.
Tại buổi lễ, chủ đầu tư dự án đã vẽ ra một tương lai rất hoành tráng: Khu chung cư quốc tế Booyoung dự kiến gồm các chung cư cao tầng hiện đại, với 553.683 m2 diện tích sàn xây dựng trên tổng diện tích đất 43.127 m2 tại Khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Đông. Khu chung cư sẽ có 6 toà nhà cao 30 tầng và 3 tầng hầm.
Sau đó, Công ty TNHH Booyoung đã có văn bản đề nghị xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với nội dung xin chuyển quyền đầu tư dự án sang cho nhà đầu tư mới là Booyoung Housing Co., Ltd (Hàn Quốc) – công ty con trực thuộc Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc).
Đầu tháng 7/2011, Bộ Xây dựng đã có công văn phúc đáp Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội góp ý cho hồ sơ đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH một thành viên Booyoung Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, để có cơ sở xem xét, nhà đầu tư cần bổ sung biên bản thỏa thuận về việc chuyển quyền đầu tư dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung, trong đó quy định rõ: nhà đầu tư mới phải kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc); tuân thủ các điều khoản quy định tại giấy chứng nhận đầu tư đã cấp và các quy định của pháp luật khác có liên quan; việc chuyển quyền đầu tư dự án không làm phát sinh lợi nhuận.
Như vậy là, sau khi được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và tái khởi công vào ngày 12/7/2011, dự án lại nằm im.
Không chỉ nằm bất động, hồi năm 2010, khi Chính phủ đồng ý cho phép 244 đồ án trên địa bàn Hà Nội được phép tiếp tục triển khai, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư nộp đồ án, hồ sơ để rà soát khớp nối, nhưng dự án Booyoung Vina là một trong 101 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng không nộp hồ sơ để rà soát khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Dự án nằm bất động trong suốt một thời gian dài đã khiến các cơ quan chức năng phải có văn bản nhắc nhở.
Tháng 5/2013, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản nhắc nhở các quận, huyện tăng cường giám sát các dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương. Trong đó, Khu chung cư quốc tế Booyoung của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam đã được điểm mặt chỉ tên như một dự án chậm tiến độ.
Mặc dù dự án chậm tiến độ, nhưng mới đây Công ty TNHH MTV Booyoung Việt Nam – Chủ đầu tư dự án Booyoung Vina (Mỗ Lao, Hà Đông) lại có đơn gửi Bộ Xây dựng xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ.
Theo đó, chủ đầu tư xin được điều chỉnh cơ cấu các tòa nhà CT-02, CT-03, CT-04, CT-05, CT-06, CT-07 của dự án.
Căn cứ đơn đề nghị, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư và đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP, căn cứ vào các quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại,dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ hoàn tất các thủ tục cho chủ đầu tư.
Đại dự án Geleximco
“Đại dự án” Geleximco – Lê Trọng Tấn do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn quận Hà Đông và Hoài Đức.
Khu Đô thị mới Lê Trọng Tấn nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô, diện tích 135 ha, theo quy hoạch bao gồm: nhà đa chức năng, siêu thị, sân golf, trường học, phòng khám đa khoa, khu tổ hợp thể dục, thể thao, nhà ở, biệt thự, chung cư… Với tổng số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, và được triển khai xây dựng từ năm 2007. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm, dự án chỉ mọc lên một vài dãy nhà xây thô rồi bỏ hoang, cùng với đó là hàng trăm ha đất tại dự án này chưa xây dựng.
Thời “hoàng kim” giá đất nền, nhà xây thô chuyển nhượng trên thị trường có khi lên đến 80 triệu đồng/m2 thì đến nay giảm sâu tới 50% với mức giá dao động từ 22 – 25 triệu đồng/m2. Giá nhà liền kề trên trục đường chính còn 50 – 55 triệu đồng/m2.
Hình hài về một siêu đô thị vẫn chỉ long lanh trên giấy. Trong khi chờ siêu đô thị mọc lên đất hoang còn được người dân tận dụng thả trâu bò.
Khu đô thị Văn Phú
Tọa lạc giữa quận Hà Đông, đầu tư hơn 1900 tỉ đồng xây dựng trên 94,1ha, khu đô thị mới Văn Phú được khởi công từ năm 2007 được kì vọng sẽ là một khu đô thị mới hiện đại, giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho hàng ngàn người. Tuy nhiên nhiệt của khu đô thị ngày càng giảm xuống cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản.
Các khu nhà dù hoàn thành cũng vắng bóng người ở. Thậm chí nhiều khu nhà đã từng rất có giá trị nay để cỏ mọc khắp nơi như một căn nhà hoang. Có khu lộ sự xuống cấp. Nhiều đoạn tường bị nứt, cửa kính vỡ, nền nhà sụt xuống… khu đô thị sang trọng càng vắng vẻ, nguội lạnh.
Có vị trí mặt tiền khá đẹp, nằm ngay cạnh trục đường Lê Văn Lương kéo dài, khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) khi mới xây dựng cũng kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị mới hiện đại với các loại hình nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư cao tầng đạt chuẩn đô thị loại 1. Tuy nhiên cho đến nay, khu đô thị đã được đưa vào sử dụng nhiều biệt thự, nhà liền kề tại đây đang bị bỏ hoang rêu mốc, cỏ mọc um tùm vây lấn.
Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây
Một dự án bất động sản hỗn hợp khác nằm giữa ngã tư Trần Phú – Yết Kiêu cũng bị cơ quan chức năng “soi” lần này là dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây.
Dự án được giới đầu tư bất động sản đánh giá là có vị trí đắc địa vào bậc nhất trên địa bàn quận Hà Đông nhưng điều đáng buồn là sau gần 6 năm được chấp thuận đầu tư, đến thời điểm hiện tại, hiện trường dự án vẫn là một bãi đất trống, chưa có hạng mục xây dựng nào được tiến hành.
Theo quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt, dự án có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó phía chủ đầu tư đã lập hồ sơn đề nghị điều chỉnh quy mô dự án với 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD cho “xứng tầm” với Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Khu vực chiếm đất của dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây nguyên là khu trụ sở của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội và một phần Khu tập thể Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ).
Năm 2009, Công ty TSQ Việt Nam đã cương quyết yêu cầu chính quyền quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế, di dời các đơn vị này để lấy mặt bằng xây dựng dự án. Tuy nhiên, sau khi các tổ chức, cá nhân di dời thì toàn bộ khu đất lại bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Theo VTC