Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Saigon : Cái tên của ngày ….?

Nguồn : Vững Đại Phát 
Saigon : Cái tên của ngày hôm qua
Tác Giả: Phúc Tiến – Người Đô Thị – 4 May 2015
(GNA: Bài viết “khen” Saigon của báo lề đảng?)
Không biết từ bao giờ, trong phòng lưu niệm trên tầng chót của tháp Eiffel – Paris, đã có tên “Sài Gòn” trên bảng tên khoảng cách từ đây đến những thành phố lớn trên thế giới. Trong khi đó, tại đài thiên văn Greenwich, London – nằm ngay trên kinh tuyến gốc số 0, tên “Sài Gòn” được khắc trên bảng tọa độ các đô thị tiêu biểu cho các múi giờ. Tọa độ Sài Gòn là kinh tuyến Đông 106 độ – 43 phút.
Sau năm 1975, nhiều bản đồ thế giới xuất bản ở nước ngoài có ghi tên địa điểm Ho Chi Minh city với hàng chữ chú thích: “formerly Saigon“ (nguyên là Sài Gòn). Thế nhưng, trong mắt nhiều người Việt và nước ngoài, tên Sài Gòn không chỉ là địa danh, không chỉ là hoài niệm xa vắng mà cao hơn nữa từ lâu rồi, đó còn là một địa chỉ quốc tế, một icon – biểu tượng – đầy sức sống kỳ lạ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ thương đau.
Poster quảng bá du lich Sài Gòn những năm 1970 của hãng máy bay Air Vietnam
Mở cửa 200 năm trước
Tôi tìm thấy tên Sài Gòn được người Anh viết là “Sai-gong” trong quyển A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 của John Barrow, in năm 1806, cách đây 209 năm! Có lẽ đây là quyển sách xưa nhất bằng tiếng Anh viết về Việt Nam và cũng là quyển sách nước ngoài xưa nhất nhắc đến tên Sài Gòn. Tác giả quyển sách là một nhà nghiên cứu Anh đã từ Batavia (Jakarta-Indonesia) cập bến Sài Gòn vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang xây dựng kinh thành Gia Định trở thành hậu cứ lớn để tiến công Tây Sơn. John Barrow ghi nhận “Sai-gong” là nơi nhà vua xứ Đàng Trong đóng đô, hơn nữa còn là thương cảng nhộn nhịp tàu bè đến mua bán, nhất là xuất khẩu gạo. Mặc dầu còn mới mẻ nhưng Sài Gòn đã thay thế được Hội An và Quy Nhơn – hai cảng thị trở nên tiêu điều vì chiến tranh, để mở cửa Đàng Trong ra với bên ngoài. Rất đáng kể, Sài Gòn còn có xưởng đóng tàu theo kiểu Tây dương (châu Âu) và có quân cảng – hậu cứ của hải quân nhà Nguyễn. Khi tác giả có mặt tại “Sai-gong”, tại cảng đã có 7 thương thuyền của Bồ Đào Nha, một chiến hạm Pháp thuộc đội quân của Giám mục Bá Đa Lộc – người hỗ trợ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn và nhiều thương thuyền khác. Chính chiến hạm Pháp đã đưa Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đi cầu viện vua Napoleon đệ tam…
Và rồi, hơn 50 năm sau cuộc gặp gỡ Việt-Pháp đó, éo le thay, thực dân Pháp đã đến xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Không hạ được Đà Nẵng để tiến chiếm kinh đô Huế, quân Pháp chuyển qua đánh Sài Gòn. Quân nhà Nguyễn gắng sức nhưng rồi thành Gia Định thất thủ ngày 17.2.1859. Cuộc chiếm đóng của người Pháp ở Sài Gòn và đất Nam kỳ sau đó không dễ dàng. Sau bốn năm bình định, đến ngày 15.6.1865, chính quyền Pháp mới chính thức ban hành sắc lệnh lập ra “Ville de Saigon ” – thành phố Sài Gòn. Từ đó, Sài Gòn chuyển qua một quỹ đạo văn minh mới.
Công nghiệp hóa sớm nhất
Người Pháp đã đem văn minh phương Tây đến Sài Gòn trộn với chất phương Đông sẵn có của nó để tạo ra một Sài Gòn mới mẻ và độc đáo. Rất thuận lợi, Sài Gòn đi vào công nghiệp hóa cùng thời những phát minh kỳ vĩ của loài người: xe lửa, máy bay, đèn điện, đường dây thép, điện ảnh… Sau 30 năm xây dựng, người Pháp đã cải biến Sài Gòn thành đô thị hiện đại đầu tiên ở Việt Nam sánh vai cùng nhiều đô thị châu Á đã phát triển trước đó như Singapore, Penang, Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo. Cho đến đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và hoàn chỉnh: bưu điện, nhà máy điện, nhà máy nước, công nghiệp đóng tàu, đường nhựa, đường xe lửa, bến cảng và sân bay… Chính nhờ kinh nghiệm xây dựng Sài Gòn và ngay cả phương tiện và nhân lực của Sài Gòn mà người Pháp đã xây dựng tiếp “Hanoi ville”, “Tourane ville” (Đà Nẵng) và một loạt thành phố khác vẫn tồn tại ở Việt Nam.
Nhà hàng và phố xá mang tên Sài Gòn đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: Paris, London, Sydney… Trong ảnh: “Sài Gòn nhỏ” tại California – Hoa Kỳ
Thời cơ và số phận đã bắt Sài Gòn đi trước trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Những nhà máy, công ty, chợ đầu mối, thương xá, ngân hàng, hãng xe đò, xe lửa đầu tiên của Việt Nam đều ra đời từ Sài Gòn. Cũng từ đây, hình thành nên những nghề nghiệp mới: thợ thuyền, kỹ sư, doanh nhân và ngay cả những ngành nghề mới: nhật trình (báo chí), tiểu thuyết, nhà in, nhà sách… Ngay cả về giáo dục, từ Sài Gòn đã “khai sinh” việc giảng dạy chữ quốc ngữ trong trường học và sử dụng chữ quốc ngữ trong công sở và báo chí. Cũng từ Sài Gòn, đã hình thành hệ thống tiểu học – trung học, trường dạy nghề, trường sư phạm, trường cấp tỉnh, trường cấp miền (chỉ riêng đại học, người Pháp mới lập ra trước nhất ở Hà Nội để tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với nền giáo dục Nho học lâu đời).
Dòng sông ra biển lớn
Sông Sài Gòn là dòng sông lớn, dễ dàng ngược xuôi ra biển. Vựa lúa Nam bộ và hàng hóa cả nước theo sông Sài Gòn ra với thế giới. Những tuyến đường viễn dương lần lượt ra đời: Sài Gòn-Singapore-Marseille, Sài Gòn-Hongkong-Thượng Hải-Yokohama và xa hơn nữa đến San Francisco và New York. Chẳng mấy chốc, có thêm đường hàng không Sài Gòn-Paris nối châu Âu, Sài Gòn-Hongkong nối với Đông Bắc Á và Mỹ. Những tuyến đường biển đường không, báo chí và viễn thông xuất phát từ Sài Gòn đã mở rộng chân trời, mở rộng tầm nhìn không chỉ cho người Sài Gòn mà còn cho người Việt Nam, người Đông Dương ra với năm châu. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ thanh niên mới được các sĩ phu yêu nước nhóm lửa đã mau chóng từ Sài Gòn “xuất dương”, tìm đến những đất nước tiên tiến cả Đông lẫn Tây để học hỏi, kiếm sống và khám phá những tư tưởng cách mạng.
Sài Gòn đã và đang có những giá trị quốc gia và quốc tế không thay thế được. Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn.
Cho đến trước 1945, Sài Gòn đã rõ nét là một trung tâm giao thương và hàng hải nhộn nhịp, một trung tâm công nghiệp lớn, nhất là sơ chế nông sản, có vị trí quan trọng. Nói như ngôn ngữ bây giờ, Sài Gòn là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng từ Á sang Âu và từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Sài Gòn còn là một thành phố mang phong vị Á-Âu, với gần 500 ngàn dân đến từ tứ xứ và nhiều châu lục. Sài Gòn là “thủ đô kinh tế” của Đông Dương, nơi có dinh Toàn quyền, có các tòa lãnh sự và thương vụ của các cường quốc Anh, Mỹ, Nhật và nhiều nước khác. Khi chiến tranh Thái Bình Dương xảy ra năm 1941, người Nhật đã đặt đại bản doanh tại Sài Gòn để điều hành cuộc chiến Đông Nam Á. Sài Gòn đã hứng bom không quân Mỹ nhưng may mắn không bị nhiều tàn phá. Những diễn biến chiến tranh khốc liệt hơn 30 năm sau đó càng làm thế giới biết đến tên Sài Gòn không chỉ liên quan vận mệnh kinh tế mà còn là vận mệnh chính trị của cả Đông Dương và khu vực.
Yêu kiều giữa chiến tranh
Năm 1948, chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại và Pháp dựng lên, đặt thủ đô ở Sài Gòn. Lần đầu tiên trong lịch sử, Sài Gòn trở thành trung tâm đầu não về cả hành chính và quân sự cả nước cho một bên trong cuộc chiến. Kế đến năm 1955, Sài Gòn lại tiếp tục làm thủ đô cho miền đất từ vĩ tuyến 17 trở vào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong nửa đầu thập niên 1950, phố xá Sài Gòn bắt đầu có biến đổi một ít so với thời kỳ trước 1945. Nhiều công sở trung ương, công sở ngoại giao, nhiều phố phường thương mại mọc lên. Sài Gòn bắt đầu có cấp quận. Người các tỉnh đổ về tỵ nạn chiến tranh và kiếm sống gia tăng làm thành phố từ 500 ngàn dân tăng lên gấp đôi, gấp ba. Nhiều khu ổ chuột, định cư tạm bợ ra đời: Bàn Cờ, Vườn Chuối, quận 4… Những con kênh lớn như kênh Tàu Hũ bị nhà dân lấn chiếm hai bên bờ. Thành phố phát triển trong chiến tranh, không giữ được quy hoạch cũ, mau chóng xộc xệch.
Từ 1955 đến 1965, Sài Gòn có mười năm yên bình để phục hồi lại vẻ yêu kiều trước chiến tranh. Song sau đó, mười năm kế tiếp từ lúc có những xáo trộn chính trị dồn dập, quân Mỹ đổ vào, cường độ chiến tranh gia tăng khốc liệt thì Sài Gòn bước qua một giai đoạn phát triển gấp gáp. Sài Gòn trở nên một thành phố có đủ sự lãng mạn, cái đẹp vốn có từ thời thuộc địa Pháp đến những dấu ấn mới tự do theo kiểu Mỹ. Cùng lúc đó, Sài Gòn lại phải mang vào những tác động thô bạo và tàn bạo của chiến tranh. Song cũng chính vào thời kỳ phát triển với nhiều mâu thuẫn như thế, Sài Gòn vẫn được thế giới biết đến như một thành phố có sức sống đa dạng, mạnh mẽ, năng động. Tất cả các hoạt động và thành tựu kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu quốc tế của Sài Gòn, nhất là con người Sài Gòn, phong cách Sài Gòn có được từ 1865-1975, đã trở thành một tài sản quý giá không thể thiếu, một dấu ấn không thể bác bỏ khi lịch sử sang trang.
Sài Gòn với vốn liếng lịch sử hơn 100 năm đi ra biển lớn, hơn 100 năm đấu tranh và xây dựng đã trở thành một cái tên tự hào chung cho cả nước. Sài Gòn còn là một cái tên quốc tế đã thành danh, một thương hiệu được tin cậy trong và ngoài nước. Những thế hệ Việt Nam đương đại và sau này có hiểu biết được bề dày độc đáo của Sài Gòn mới có thể yêu Sài Gòn sâu hơn nữa. Và không thể không đồng thuận với những thế hệ trước về việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị đẹp của Sài Gòn, từ những hàng cây cho đến những kiến trúc và cảnh quan độc đáo, từ những con người cá tính và đóng góp phong phú, từ những ý tưởng và cách nghĩ, cách làm phóng khoáng. Sài Gòn đã và đang có những giá trị quốc gia và quốc tế không thay thế được. Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn. Đừng để Sài Gòn trở thành một đô thị vắng tên trên bản đồ thế giới!

Bill Nguyễn, triệu phú IT gốc Việt

Nguồn : Vững Đại Phát 
Bill Nguyễn, triệu phú gốc Việt đi lên từ hai bàn tay trắng
Theo Tô Đức – Zing News – 3 May 2015
Xuất thân nghèo khó khi sinh ra trong một gia đình lao động nhập cư vào Mỹ, Bill Nguyen đã tự hứa khi lớn lên sẽ không bao giờ để bản thân phải sống khổ thêm một lần nào nữa
Trở thành triệu phú nhờ biết cách tiêu tiền của người khác
Năm 1992 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Bill Nguyen. Chàng trai trẻ đến từ Houston, khi đó 21 tuổi, bắt đầu hành trình trở thành triệu phú khi đảm nhiệm vai trò điều hành tại Forefront. Forefront là công ty phần mềm mà chỉ 6 năm sau đã có giá trị lên tới gần 150 triệu USD.
Tiếp tục con đường, gặt hái thành công trong vai trò điều hành 2 công ty khác là Freeloader và Support.com, song chỉ tới khi thành lập Onebox năm 1999, tên tuổi của Bill mới thực sự được biết tới rộng rãi. Đó cũng là lần đầu tiên, Bill sáng lập một và làm chủ một công ty của riêng mình, theo ghi nhận từ FastCompany.
Onebox được thành lập một cách tình cờ. Bắt nguồn từ ý tưởng “gửi fax qua mạng Internet”, Bill tìm đến các công ty đầu tư mạo hiểm để tìm nguồn vốn thực hiện kế hoạch. Onebox đã trở thành một “cú nổ” lớn vào thời điểm đó, khi trang web này giúp các tổ chức, cá nhân gửi các bản fax ảo một cách dễ dàng.
Chỉ sau 18 tháng, Bill bán Onebox với giá 850 triệu USD. Trước đó, tổng số tiền Bill huy động được để gây dựng Onebox chỉ vẻn vẹn 60 triệu USD. Đây cũng là thương vụ thành công nhất của Bill cho tới thời điểm này.
“Có thể ví Bill như một chiếc máy bay. Anh ta biết cách cất cánh một công ty, và cũng biết khi nào nên hạ cánh”, một nhà đầu tư từng làm việc với Bill nhận xét. Thương vụ Onebox đã giúp tên tuổi chàng trai này nổi tiếng và được các nhà đầu tư chú ý.
Sau đó, mặc dù không thực sự thành công với Lala và đặc biệt là ColorLabs, Bill Nguyen vẫn được biết tới như một cái tên mà các nhà đầu tư “không mảy may nghi ngờ”. Thương vụ Lala với số vốn huy động 35 triệu USD, mặc dù không được coi là thành công, vẫn mang về 80 triệu USD khi được Apple mua lại vào năm 2009.
Không muốn lớn lên trong cảnh nghèo khó
Bill không thực sự có mối quan hệ êm ả với cha mẹ mình, những người vốn là dân nhập cư vào Mỹ. Lớn lên trong gia đình những người có thu nhập thấp, sự nghèo khó từ nhỏ đã luôn ám ảnh Bill.
“Tôi lớn lên với suy nghĩ sẽ không để mình tiếp tục có cuộc sống thiếu thốn. Tôi trăn trở và suy nghĩ rất nhiều”, Bill hồi tưởng về thời thơ ấu. 16 tuổi, anh đã chuyển ra ngoài sống tự lập và bắt đầu tham gia những công việc kinh doanh nhỏ đầu tiên.
Năm 16 tuổi, anh kiếm được những khoản lớn đầu tiên với công việc bán hàng, mà cụ thể là xe hơi cũ. Số tiền kiếm được từ công việc này đủ cho chàng trai trẻ trang trải tiền nhà, học phí, và, thậm chí mua được một chiếc Porsche.
Thời gian học đại học, Bill đồng thời đảm nhiệm công việc phân tích tài chính cho American Express, công ty hiện nắm giữ 24% lượng giao dịch tín dụng tại Mỹ. Bỏ học giữa chừng, song 3 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính đã giúp anh biết mình phải làm gì để có thể thành công trong tương lai.
“Bill có khả năng thuyết phục người khác tin vào những gì anh ta nói, cũng như sẵn sàng bỏ tiền ra để mua chúng. Anh ta là nhà thương thuyết giỏi nhất tôi từng biết”, Ross Bott, cựu CEO của Onebox nói. Chính khả năng này đã giúp Bill thành công trong rất nhiều dự án sau này của mình, khi anh thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ tiền túi ra để hỗ trợ.
Trăn trở khi chưa thể trở thành tỷ phú
“Luôn tràn đầy năng lượng” là cụm từ người ta thường sử dụng để nói về Bill. Người đàn ông nhỏ con với cân nặng chỉ trên dưới 61 kg này có thể thức xuyên đêm làm việc. Và ngay sáng hôm sau, anh đã cầm vợt chơi bóng bàn với nhân viên. Đã 44 tuổi, song Bill vẫn tràn đầy năng lượng như một chàng trai 20.
Sự hăng hái, năng động của Bill đã thuyết phục được các sinh viên da màu khi họ bầu chàng trai này vào vị trí chủ tịch của hiệp hội sinh viên gốc Phi khi còn học đại học. Bill không có chút liên quan nào về nguồn gốc với lục địa đen, và điều này càng khẳng định sự đặc biệt của triệu phú này.
Điều trăn trở lớn nhất đối với Bill lúc này, là việc chưa thể trở thành tỷ phú. “Đúng là điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều”, triệu phú này nói trong một bài phỏng vấn với FastCompany. “Tôi có khả năng chịu đựng gian khổ giỏi hơn bất kỳ ai khác, và sẽ tồn tại lâu hơn, bởi vì tôi có thể”