Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Chuyện Nợ Nần Của XHCN

Vì Sao Trung Quốc Mắc Nợ?
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa – RFA – 14 May 2015
(GNA: Những phân tích về nợ của Trung Quốc cho thấy nhiều điểm tương đồng với Việt Nam)
Trong khi lãnh đạo Bắc Kinh vận động các nước Á châu mở ra Con Đường Tơ Lụa với dự án bạc tỷ thì kinh tế Trung Quốc lại chìm dưới một núi nợ trị giá khoảng 28 ngàn tỷ đô la, thuộc loại cao nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, và đấy là một nan đề nguy kịch.
Vì sao lại như vậy và Trung Quốc có cách nào tránh được một vụ khủng hoảng chăng? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề này qua phần trao đổi sau đây của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều sáng kiến dồn dập của lãnh đạo Trung Quốc từ mấy năm nay, nào là các quỹ cứu trợ tài chính, hai ngân hàng đầu tư và phát triển và cả kế hoạch rộng lớn nhằm khuếch trương mạng lưới gọi là “Con Đường Tơ Lụa” trên lục địa và ngoài biển, giới chuyên gia quốc tế bỗng lại nói về những khoản nợ vĩ đại của Trung Quốc.
Gần đây, tập đoàn tư vấn McKinsey & Company công bố báo cáo về tình hình vay nợ của thế giới và cung cấp một số liệu làm giật mình, theo đó thì tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ của Trung Quốc lên tới 282% của sản lượng toàn quốc trong năm. Với sản lượng kinh tế Trung Quốc vào năm 2014 được ước lượng khoảng 10 ngàn tỷ Mỹ kim thì khoản nợ đó tương đương với 28 ngàn tỷ 200 triệu đô la. Do đó, tiết mục chuyên đề kỳ này của chúng ta đề nghị ông giải thích vì sao Trung Quốc lại mắc nợ như vậy, nội dung các khoản nợ đó là gì và lãnh đạo Bắc Kinh có cách nào giải quyết bài toán lớn lao này hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chuyện nước Tầu mắc nợ và có khi mắc loạn đã khởi sự từ năm 2008, mà lại có lý do sâu xa hơn từ chiến lược kinh tế của lãnh đạo Bắc Kinh và ngày nay gây ra hậu quả mà chưa chắc họ giải quyết được. Tôi xin đi từng bước về bối cảnh chung trước khi ta tìm hiểu thêm về nội dung và hậu quả.
– Thứ nhất, Tháng Chín năm 2008, vì các nguyên do sâu xa, Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính qua biểu hiện là sự sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers và nhiều doanh nghiệp tài chính khác, với hậu quả là ách tắc tín dụng và suy trầm toàn cầu, bị nhồi vào vụ khủng hoảng tương tự của Âu châu. Khi đó, Bắc Kinh sợ hiệu ứng suy trầm nên từ Tháng 11 quyết định tăng chi ngân sách cỡ 587 tỷ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Song song, họ ra lệnh cho các ngân hàng ào ạt cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế. Kết quả là trong giai đoạn khó khăn toàn cầu, sản lượng kinh tế xứ này tăng vọt và qua mặt Nhật Bản vào năm 2010. Khi ấy thế giới đã ngợi ca sự kỳ diệu này mà không thấy ra nguyên do sâu xa.
– Thứ hai, nguyên do đó nằm trong chiến lược kinh tế của Bắc Kinh là lấy đầu tư làm lực đẩy cho sản xuất để tránh thất nghiệp và động loạn xã hội, và sản xuất thừa thì xuất khẩu bằng mọi giá. Khi thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009 thì xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị giảm và sản xuất dư thừa có nghĩa là chất vào tồn kho ế ẩm mà vẫn cứ được bút ghi vào tổng sản lượng.
Một lò sản xuất thép xuất khẩu ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc của Trung Quốc, ngày 11 Tháng 10, 2014
– Thứ ba, trong các nền kinh tế lớn của địa cầu, Trung Quốc có cơ chế kinh tế chính trị lạ kỳ là dưới sự lãnh đạo của đảng thì nhà nước nắm nhiều quyền hạn trong tay, từ đất đai đến các phương tiện tài trợ và sản xuất. Nôm na là ngân hàng của nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước ở trung ương hay các địa phương thực hiện các dự án sử dụng đất đai cũng do nhà nước quản lý. Nhờ vậy mà sản lượng kinh tế có tăng, nhưng các khoản vay nợ lại tăng còn mạnh hơn nữa.
Nguyên Lam: Hậu quả của ba nguyên nhân sâu xa từ chiến lược tăng tưởng, cơ chế quản lý tới chính sách bơm tiền kích thích sản xuất là Trung Quốc lại trở thành một nước mắc nợ rất lớn. Thưa ông Nghĩa, nội dung bên trong các khoản nợ này là những gì, xấu tốt ra sao mà có thể là vấn đề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chuyện kỳ diệu là chẳng ai biết được nội dung các khoản nợ đó là xấu tốt đến cỡ nào và có bao nhiêu là loại nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Khi tập đoàn McKinsey khảo sát và đưa ra số liệu hãi hùng về khối nợ của Trung Quốc là 282% của tổng sản lượng thì thiên hạ mới chú ý. Thứ nhất là nó đã tăng gấp bốn trong thời khoảng có năm năm. Thứ hai, các khoản nợ của nhà nước, của doanh nghiệp và các công ty tài chính lại liên hệ đến gia cư và địa ốc, tức là đến đất đai. Thứ ba, khoảng 30% tổng số nợ, không kể nợ của các công ty tài chính lại là nợ ngoại ngạch, nợ chui nằm ngoài sổ sách ngân hàng và có nhiều rủi ro, đa số cũng lại liên hệ đến đất đai và các nghiệp vụ đầu cơ về gia cư hay bất động sản. Vì vậy mà núi nợ ấy mới dễ sụp.
Nguyên Lam: Thưa ông, qua cách trình bày vừa rồi, thính giả của chúng ta có thể hiểu là một tỷ lệ rất cao của các khoản nợ đó lại liên hệ tới đất đai nên mới gây rủi ro lớn. Tại sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ta không quên một thực tế là tính theo bình quân một đầu người thì diện tích khả canh, có thể canh tác được, của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới. Tức là đất nông nghiệp thật ra cũng giới hạn.
– Bây giờ ta châm thêm vào bài toán địa dư ấy vấn đề kinh tế chính khác là quyền phân bố đất đai. Về nguyên tắc, nhà nước Trung Quốc là chủ đất đai ngoài nông nghiệp, còn đất canh nông thuộc quyền quản lý của các đoàn thể nông dân. Thực tế thì các hợp tác xã này chẳng có quyền và mọi loại đất đai chuyên dùng hay nông nghiệp đều do các chính quyền địa phương phân bố. Họ giữ độc quyền cung cấp đất cho quốc dân.
– Từ đạo luật về ngân sách năm 1994, nhờ đất đai, chính quyền địa phương có thể thu về cho ngân sách chừng 40% là thuế và khoảng 6% nhờ các loại lệ phí. Họ có chủ đích xả đất thật chậm, những mảnh nhỏ trước, để tạo ra sự khan hiếm làm giá tăng rồi mới tung ra các khoản đất lớn hơn. Họ bán đất ấy vào mục tiêu gì? Vào mục tiêu có lợi nhất cho địa phương, là thị trường địa ốc.
– Nhìn vào vế bên kia, thì ai là người mua? Mua đất lại là các công ty đầu tư thật ra là bình phong do các chính quyền địa phương lập ra để vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương để phát triển các dự án được tiếng với cấp trên là tạo ra công ăn việc làm. Mọi người đều hài lòng với quy trình làm ăn đó vì nơi nơi mọc ra cao ốc, xa lộ, trung tâm thương mại, hay xưởng cán sắt, và mỗi khi thực hiện hay tu sửa vì chưa xong đã hỏng thì người ta tính vào tổng sản lượng.
Nguyên Lam: Thưa ông, có phải với kết quả là các cơ sở địa phương đó vay tiền ngân hàng và ngày nay đang mắc nợ hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa là đúng vậy mà còn tệ hơn vậy. Vì yêu cầu đầu cơ, các địa phương tạo ra khan hiếm giả khi xả mảnh đất nhỏ trước để làm giá, sau đó dùng tiền bạc của ngân hàng của nhà nước tại địa phương mua các mảnh đất có giá trị hơn. Khi công ty đầu tư của địa phương nắm lấy bằng khoán mảnh đất ấy làm tài sản thế chấp, họ được vay nhiều hơn cho các dự án có quy mô lớn hơn, và người người lao vào thị trường ấy mà thổi lên bong bóng đầu cơ.
– Hậu quả là dân nghèo vẫn không có nhà có đất vì giá quá cao, mà các cơ quan của chính quyền tại địa phương thì thực hiện dự án ảo, sản xuất thừa và hệ thống ngân hàng của nhà nước thì có một khối dư nợ mà xấu tốt ra sao không ai biết được, từ Bộ Tài chính đến Ngân hàng Trung ương và các địa phương. Một thí dụ là McKinsey ước lượng số nợ của nhà nước là 55% Tổng sản lượng, là năm ngàn tỷ 500 triệu đô la. Nếu kể thêm các khoản nợ cũng của cơ quan nhà nước ở cấp địa phương thì phải cao hơn vậy, ít ra là hai ngàn tỷ nữa, mà đa số là nợ thối vì trái bỏng đầu cơ đã bể, tài sản thế chấp là văn tự đất đai bị mất giá. Cho nên ta khó tách rời hai vấn đề đất đai và nợ xấu.
– Bây giờ mình mới nói đến các doanh nghiệp của nhà nước, từ cấp trung ương tới các địa phương. Trung Quốc có khoảng 155 nghìn cơ sở như vậy, từ các tập đoàn nổi danh thế giới đến các cơ sở nhỏ hơn ở mọi nơi. Các cơ sở này được tài trợ theo diện chính sách và vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước để xây dựng nhiều công trình hoành tráng mà ế ẩm. Khi McKinsey tính số nợ của doanh nghiệp vào khoảng sáu ngàn tỷ năm trăm triệu thì đa số là của doanh nghiệp nhà nước chứ tư doanh khó len vào thị trường tín dụng thực tế vẫn do nhà nước và tay chân trong đảng chi phối. Và vì cơ chế kinh tế chính trị bất thường ấy, các cơ sở quốc doanh hay công ty gọi là đầu tư của địa phương mặc sức vay mượn nhau và nếu cơ sở này vỡ nợ là gây hậu quả dây chuyền.
Nguyên Lam: Chắc hẳn rằng Chính quyền Bắc Kinh cũng đã thấy ra vấn đề, thưa ông họ có cách nào giải quyết không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trung Quốc từng gặp hiện tượng ấy nhiều lần trong quá khứ. Một lần là vào năm 1998 dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng lý Chu Dung Cơ với hậu quả kéo dài vài năm. Lần sau là năm 2003 dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng với hậu quả kéo dài cho tới 2008. Khi các ngân hàng của nhà nước tài trợ ảo theo diện chính sách và bị mất vốn vì mất nợ thì nhà nước lại bơm tiền cấp cứu trước hết là bốn ngân hàng lớn của trung ương, lần đầu mất 45 tỷ đô la, lần sau thì vài trăm tỷ và ai ai cũng cho là mọi sự sẽ êm.
– Lần này thì sự thể lại khác vì quy luật “lượng biến thành phẩm” khi hệ thống tài trợ và đi vay đều là tay chân của nhà nước và chất lên một núi nợ mang kích thước lịch sử. Khi họ cho nhau vay thì đấy là một khoản vay giả tạo để thực hiện dự án ảo, mà mỗi lần trao tay lại là một lần có lợi cho đảng viên và thân tộc. Để giải quyết việc đó, trung ương đòi các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa và bán một số vốn cho tư nhân để lấy tiền trả nợ. Nhưng tư nhân chỉ được mua một tỷ lệ thiểu số nên chẳng thể cải tiến hệ thống quản lý trong khi doanh nghiệp nhà nước thu tiền về lại mở mang cơ sở với dự án mới, tức là vay thêm để lại làm bậy! Các cấp bộ địa phương cũng thế và hệ thống làm ăn chằng chịt này còn tạo ra mạng lưới cấu kết về quyền lợi mà luật lệ do Quốc hội ban hành cũng chẳng khai thông được.
– Người ta có thể thấy ra điều ấy qua những gì Quốc hội mới họp vào đầu năm công bố ra ngoài. Việc cải cách từ cơ cấu qua tới luật lệ hay việc bơm tiền chuộc nợ và tăng thuế không thể giải quyết được bài toán này. Chính là Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ Chính trị phải có quyết định cũng triệt để như chiến dịch bài trừ tham nhũng, là ra lệnh giảm chi và bán tài sản quốc doanh cho tư nhân để bù nợ thì may ra mới có kết quả. Trong khi chờ đợi một quyết định táo bạo như vậy thì cái đồng hồ nợ vẫn chạy và viễn ảnh phá sản dây chuyền là một thực tế.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
GNA: Cần thêm background của vấn nạn, xin đọc bài Anh ngữ của The Diplomat:
China’s Great Wall Of Debt

Bài học Thụy Sỹ

Con đường từ một nước nghèo đến một Thụy Sỹ giàu có và hạnh phúc nhất thế giới
Nhật Hạ tổng hợp – Đại Kỷ Nguyên VN – 14 May 2015
(GNA: Khi tổng hợp những yếu tố mang lại thành công cho Thụy Sĩ, chúng ta có thể thấy là Việt Nam đang hoàn toàn làm trái ngược với phương thức quản trị của xứ này; từ chính trị pháp luật đến con người lối sống và chính sách đầu tư phát triển. KẾT QUẢ: ai cũng biết rồi, trừ các bác).
Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nước an toàn nhất thế giới, tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền gần như không có, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống trong lành và chất lượng dịch vụ ở mức rất cao. Một điểm đặc biệt Thụy Sĩ có 25 người đã đạt giải Nobel trên tổng dân số 7,7 triệu dân.
Thụy Sĩ là một quốc gia không có bờ biển thuộc khu vực Tây Âu với dân số khoảng 7.7 triệu người, được tổ chức theo thể chế cộng hòa liên bang gồm 26 bang với thủ đô là thành phố Berne và hai trung tâm kinh tế lớn là Genève và Zurich. Thụy Sĩ là nước có truyền thống lịch sử về sự trung lập, từ năm 1815 đến nay không có bất kỳ cuộc chiến tranh nào xảy ra.
Một bức tranh vẽ cảnh Thụy Sĩ năm 1860 của W. H: Bartlett
Thụy Sĩ có ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, với địa hình đồi núi, tổng số có trên 40 dãy núi cao trên 4.000 m so với mặt nước biển trong đó có dãy núi Alps nổi tiếng thế giới. Dù là đất nước nhỏ và không có nguồn tài nguyên gì đáng kể, Thụy Sĩ là một nước phát triền nổi tiếng trên toàn cầu. Thụy Sĩ có vị trí quan trọng về kinh tế tài chính và hệ thống ngân hàng nổi tiếng trên toàn cầu, với nhiều ngành kinh tế ở vị trí hàng đầu thế giới như: cơ khí chế tạo (nổi tiếng nhất thế giới về sản xuất đồng hồ chính xác và sang trọng), điện cơ, hóa chất, dược phẩm, thuốc tân dược, du lịch, đồ trang sức, dịch vụ và bảo hiểm.
Trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới dẫn đầu là Thụy Sĩ với bằng chứng tuổi thọ của người dân Thụy Sĩ trung bình là 82,2, đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia sống thọ trên thế giới nhờ có hệ thống phúc lợi và chăm sóc sức khỏe người dân đặc biệt tốt.
Xét trên giác độ tổng thể, kinh tế Thụy Sĩ được phân theo 3 ngành lớn, đó là nông nghiệp (chiếm 4,8%), công nghiệp (chiếm 24,9%) và các ngành dịch vụ (chiếm 70,4%). Xét trên phương diện lực lượng lao động thì 50% người dân làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ, khoảng 10% dân số được làm việc trong ngành nông nghiệp và 40% dân số làm việc trong ngành công nghiệp, thương mại và nghề thủ công, chủ yếu về công nghiệp máy móc và kim loại, sản xuất đồng hồ và sản phẩm dệt may, đặc biệt, tất cả sản phẩm đều được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài.
Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2014, GDP đầu người của Thụy Sĩ đạt hơn 58.000 USD, nằm trong top 10 các quốc gia có GDP cao nhất thế giới và theo số liệu mới nhất của Cục Hải quan Liên bang Thụy Sĩ, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt mức cao kỷ lục với tổng giá trị là 208,3 tỷ franc (tương đương với 224 tỷ USD).
Vào ngày 23/04/2015, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc đã công bố danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong đó dẫn đầu là Thụy Sĩ với bằng chứng tuổi thọ của người dân Thụy Sĩ trung bình là 82,2, đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia sống thọ trên thế giới nhờ có hệ thống phúc lợi và chăm sóc sức khỏe người dân đặc biệt tốt; số giờ làm việc trung bình trong một tuần của mỗi người dân Thụy Sĩ là 35,2 giờ, thấp hơn so với mức 36,4 giờ/tuần của người Anh, mức 38 giờ/tuần của người Tây Ban Nha, mức 42,1 giờ/tuần của người Hy Lạp và mức 48,9 giờ/tuần của người Thổ Nhĩ Kỳ; người dân ở đây được sống trong nền dân chủ cao, bình đẳng, người dân có quyền đề nghị thay đổi hiến pháp và họ được phép trưng cầu dân ý về luật pháp mới.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nước an toàn nhất thế giới, tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền gần như không có, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống trong lành và chất lượng dịch vụ ở mức rất cao. Một điểm đặc biệt Thụy Sĩ có 25 người đã đạt giải Nobel trên tổng dân số 7,7 triệu dân.
Với những thành công của ngày hôm nay như vậy nhưng xuất phát điểm của Thụy Sĩ chỉ là một vùng đất nghèo khó. Vào thời Trung cổ, Thụy Sĩ chỉ là một khu vực hẻo lánh được bao bọc giữa các dãy núi, ngăn cách với phần còn lại của châu Âu. Việc làm chủ yếu thời bấy giờ là đi làm lính đánh thuê trong quân đội thuộc các quốc gia khác nhau, hoặc những gia đình nghèo khó thường gửi gắm con cái làm nô bộc trong những gia tộc giàu có tại Đức và nhiều nơi khác. Dấu vết của thời kỳ này đến nay vẫn còn nhìn thấy qua hình ảnh đội vệ binh bảo vệ Giáo hoàng và an ninh của Vatican chính là người Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, từ nửa cuối thế kỷ 19, Thụy Sĩ bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ, khiến cả thế giới ngạc nhiên. Từ một đất nước nghèo, giờ đây những người dân ở đây được đánh giá là giàu có và hạnh phúc nhất thế giới, lý do nào đã khiến Thụy Sĩ đạt được thành quả to lớn này. Có thể kể đến 3 yếu tố sau:
Hệ thống chính trị và luật pháp
Chính quyền tại Thụy Sĩ chú trọng vào việc đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ (không chú trọng phát triển doanh nghiệp lớn, chú trọng trợ cấp về thuế (được cắt giảm đến mức thấp nhất có thể) và trợ cấp về chi phí quản lý, tôn trọng quyền tự do của công dân.
Chính phủ Thụy Sĩ luôn đứng về phía thiểu số, thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự và công lý trên toàn lãnh thổ để có được sự ủng hộ của quần chúng.
Việc quản lý điều hành của nhà nước Thụy Sĩ được dựa trên kết cấu liên bang. Các tiểu bang tại Thụy Sĩ được trao quyền tự trị lớn hơn hẳn các tiểu bang Hoa Kỳ và các địa phương tại Canada. Người dân được tham gia biểu quyết vào việc quản lý từ cấp hành chính nhỏ nhất, bao gồm cả biểu quyết đối với các vấn đề chi phí công, chính sách thuế…
Luật pháp Thụy Sĩ quy định rõ chính phủ phải duy trì tình trạng cân bằng của ngân sách quốc gia, mọi quyết định tăng thuế đều phải thông qua trưng cầu dân ý. 70% số tiền thu được từ thuế phải được chi tiêu theo danh sách các khoản mục được liệt kê sẵn ở các địa phương.
Điều này khiến cho bộ máy tổ chức của chính phủ rất gọn nhẹ, khiến người dân cảm thấy yên tâm và không hoài nghi với các hoạt động chi tiêu của Chính phủ.
Luật pháp Thụy Sĩ quy định quyền của mỗi công dân, thể hiện qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc trưng cầu dân ý dưới nhiều hình thức về mọi vấn đề, từ kinh tế, chính trị và tôn giáo ví dụ như lấy ý kiến về thời gian làm việc, về hoạt động nghiên cứu gen di truyền, các vấn đề địa phận tôn giáo và liên minh châu Âu.
Con người & Lối sống
Đây chính là yếu tố then chốt góp phần làm nên sự ưu việt của nền kinh tế Thụy Sĩ, bao gồm tinh thần tự lực, tính kỷ luật, thái độ hoài nghi đối với quyền lực tập quyền và xu thế nhất thời, tinh thần đoàn kết trong xã hội, và sự sẵn lòng tiếp nhận những ý tưởng và con người đến từ các nước khác trên thế giới.
Người Thụy Sĩ rất cần cù tiết kiệm, kể cả những người có địa vị cao trong xã hội, chủ các doanh nghiệp lớn, chủ ngân hàng lớn và các quan chức cấp cao trong chính quyền.
Các nghị sĩ Quốc hội Thụy Sĩ không lĩnh lương, họ phải làm thêm các công việc khác để có thu nhập, họ chỉ được nhận phụ cấp trong thời gian họp Quốc hội. Ở Thụy Sĩ, tính tiết kiệm được coi là đức tính tốt. Người Thụy Sĩ tin vào quy luật đạo đức, với họ thì nỗ lực và khả năng chuyên môn sẽ đem lại thành quả, còn dục vọng và sự lười biếng là những thói xấu cần tránh.
Chính sách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển
Chiến lược của nền kinh tế Thụy Sĩ là các sản phẩm chất lượng cao và đội ngũ công nhân được đào tạo tốt. Nhiều công ty đi theo một chiến lược có tên gọi là “niche strategy”, có nghĩa là tập trung vào một ít dòng sản phẩm chất lượng cao. Kết quả là vài công ty dù nhỏ nhưng đã có đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường thế giới trong lĩnh vực chuyên sâu của họ, cụ thể là các lĩnh vực quan trọng mà hiện nay Thụy Sĩ xuất khẩu điều thuộc về công nghệ vi mô, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm và kỹ nghệ ngân hàng và bảo hiểm.
Các sản phẩm của Thụy Sĩ có giá cao trên thị trường thế giới bởi vì những người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho chất lượng cao. Tại Thụy Sĩ, tỷ lệ phần trăm lao động làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cao hơn ở các quốc gia công nghiệp hóa khác. Thông thường Chính phủ chi khoảng 3% GDP cho công tác nghiên cứu phát triển
Trung tâm nghiên cứu và sản xuất đồng hồ Rolex ở Thụy Sĩ (Ảnh: luxury-insider.com)
Với những yếu tố trên, Thụy Sĩ đã thực sự thành công trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Có thể điểm qua thành tích của với một số ngành kinh tế nổi bật nổi bật như sau:
Du lịch: ngành du lịch cũng như chi tiêu của du khách đem lại cho Thụy Sĩ khoảng 48 tỷ USD, đóng góp 7,8% GDP vào năm 2013 (theo dữ liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới). Ngành du lịch tạo ra 650.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong năm 2011, chiếm 10,5% tổng việc làm mới của Thụy Sĩ
Ngân hàng: Thụy Sĩ là trung tâm tài chính của thế giới và là nơi tập trung nhiều cơ sở của tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ, các tổ chức tài chính tại Thụy Sĩ quản lý khối tài sản lên tới 59,4 tỷ france Thụy Sĩ (61,8 tỷ USD), chiếm 10,3% GDP, thu hút 195.000 lao động, chiếm 5,7% tổng số việc làm tại đất nước này và đóng góp 12-15% tổng nguồn thu thuế.
Đồng hồ: Thụy Sĩ còn nổi tiếng với ngành công nghiệp đồng hồ tạo ra những sản phẩm tinh xảo, chính xác, làm nên đẳng cấp cho những người sở hữu. Nếu tính theo giá trị, Thụy Sĩ chiếm khoảng một nửa sản lượng sản xuất đồng hồ của toàn thế giới. Giá trung bình của một chiếc đồng hồ xuất khẩu từ Thụy Sĩ năm 2006 là 410 USD. Theo thông tin của Phòng xúc tiến xuất khẩu OSEC, ngành công nghiệp đồng hồ xuất khẩu 95% số sản phẩm.
Với những thành tựu đạt được như vậy, Thụy Sĩ thực sự là một nước đã có được sự phát triển kỳ diệu, đáng để các nước khác học tập.

Trải Nghiệm Khởi Nghiệp tại VN

Bài học đắt giá của đôi vợ chồng trẻ kinh doanh đồ ăn vặt
VNExpress – 16 May 2015
Tuổi trẻ, công việc tốt, tổng thu nhập lên tới 60 triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng Lê Quốc Kiên vẫn quyết định mở ra mô hình kinh doanh đồ ăn vặt và cố gắng duy trì dù liên tiếp thua lỗ suốt 2 năm.
Dưới đây là kinh nghiệm khởi nghiệp được anh Lê Quốc Kiên 30 tuổi (TP HCM) chia sẻ với độc giả VnExpress.net.
Trước khi mở ra mô hình phục vụ ăn vặt, tôi làm tư vấn chiến lược về truyền thông với mức lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng, còn vợ tôi làm kế toán tổng hợp. Từ năm 2013 vợ chồng tôi đầu tư được 16 phòng trọ cho thuê với thu nhập trên 30 triệu. Một nửa trong khoản đầu tư này được vay mượn từ gia đình 2 bên, bạn bè và ngân hàng, sẽ hoàn vốn sau 6 năm.
Lương khá, cơ hội thăng tiến trong công việc được xem là tốt, ngoài công việc tư vấn ở các công ty nước ngoài, tôi còn được tiếp xúc với nhiều đối tác giỏi, thậm chí là với CEO của các công ty, tập đoàn. Ngoài ra, tôi còn được đích thân giám đốc công ty dạy dỗ, dìu dắt và đào tạo trong tất cả các dự án lớn nhỏ do mình phụ trách. Thậm chí, mỗi lần anh đi tư vấn ở đâu cũng đưa tôi theo để quan sát học hỏi và trực tiếp truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm. Nếu vẫn duy trì công việc cũ, tôi tin là sau 2-3 năm tôi hoàn toàn có thể hoàn thiện các kỹ năng để đủ sức phát triển thành cấp quản lý, giám đốc với mức lương không dưới 2.500USD
Nhưng mọi thứ hoàn toàn xoay chuyển, bắt đầu từ ý tưởng của vợ tôi. Trong quá trình làm ở văn phòng, cứ tầm khoảng 14h-17h cô ấy và các đồng nghiệp lại hay “buồn miệng” thèm ăn linh tinh, nhưng lại ko biết phải mua ở đâu, vì nếu mua ở các quán vỉa hè, xe đẩy thì cũng rất bất an về vệ sinh, chưa kể đi lại khó khăn… Từ đây, vợ tôi nảy ra ý định nghỉ làm để ở nhà bán đồ ăn vặt online cho dân văn phòng.
Khi vợ chia sẻ với tôi điều này, tôi thấy cũng rất đúng với văn phòng làm việc của mình. Và tôi còn nhận ra một nhu cầu mới là vừa ăn nhẹ vừa “tám chuyện” 5-10 phút của dân văn phòng vào giờ chiều để xả stress. Do đó, tôi nhanh chóng ủng hộ và xác định chỉ bán trong thời gian ngắn từ 13h đến 17h mỗi ngày để phục vụ bữa xế cho dân văn phòng, đồng thời chỉ giao hàng online chứ không bán tại chỗ để đỡ bận rộn và vợ sẽ có nhiều thời gian cho gia đình.
Khi vợ đã nghỉ việc ở nhà để chuẩn bị triển khai kế hoạch thì tôi cũng tự tiến hành khảo sát về “nhu cầu ăn vặt của dân văn phòng trong khoảng thời gian 13h – 17h” và kết quả nhận được vượt ngoài mong đợi, đó là nhu cầu rất lớn mà chưa ai làm, hoặc có làm thì cũng chưa tới nơi tới chốn và đã thất bại.
Từ phát hiện trên, tôi quyết định đây không còn là dự án kinh doanh nhỏ của vợ nữa mà chúng tôi sẽ cùng nhau dốc toàn lực để thực hiện ý tưởng này với kỳ vọng sẽ là người tiên phong thành công trong việc cung cấp các bữa ăn vặt, các bữa ăn team building cho dân văn phòng vào khoảng thời gian xế. Do đó, tôi cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Cả 2 vợ chồng cùng bắt đầu thực hiện ý tưởng này, lấy thương hiệu là Teabreak Express.
Lần làm lại thứ ba này vẫn chưa thành công như mong muốn, nhưng vợ chồng Lê Quốc Kiên vẫn không dừng lại.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai dự án, cả hai vợ chồng đối mặt không ít khó khăn. Chúng tôi không được gia đình, bạn bè… ủng hộ. Mọi người nghĩ cả hai bị điên khi bỏ công việc đang rất tốt ở môi trường chuyên nghiệp để đi làm công việc tẹp nhẹp lượm bạc cắc. Ngay cả giám đốc công ty, người mà tôi coi như thầy, rất hiểu tôi cũng đặt câu hỏi vì sao không biết gì về ẩm thực mà lại dám làm quán ăn? Mà bản thân tôi cũng nhận thấy điều này. Tôi không sành ăn, thậm chí không ăn được nhiều món ăn vặt, dẫn đến không biết công thức món ăn nào.
Nhưng khi đó tôi cũng có lý lẽ riêng cho mình. Chúng ta có thể làm thuê cả đời, trong khi cơ hội làm kinh doanh riêng không dễ “thấy”. Và khi đã “thấy” cơ hội rồi không phải ai cũng “dám nghĩ”, “nghĩ” tới rồi không phải ai cũng “dám làm”, mà đã “dám làm” rồi không phải ai cũng “dám thất bại” để đi tới cùng. Tôi còn trẻ, tôi cần phải làm những gì tôi thích để sau này không phải hối tiếc. Nếu thất bại, tôi sẽ đi làm thuê lại để tích lũy thêm kinh nghiệm và chờ thời tiếp.
Xuất phát điểm môi trường kinh doanh của tôi bình dân, nhưng tham vọng của tôi là phát triển thành một chuỗi quán ăn vặt với mô hình quản lý chuyên nghiệp. Nếu chỉ làm một quán ăn thì không đáng để tôi phải đánh đổi nhiều như vậy.
Vì mới kinh doanh lần đầu, nên tôi triển khai khá cẩn trọng. Từ tháng 6/2014 đến tháng 9/2014, tôi chỉ làm nhỏ tại nhà nhằm thử nghiệm các công thức món ăn; cách vận hành doanh nghiệp, chế biến, giao hàng. Chúng tôi dự tính, bước đầu mỗi ngày nhận được 10-15 đơn hàng, doanh thu trung bình 1,5 triệu đồng.
Nhưng kết quả mà hai vợ chồng thu được quá thất vọng, doanh thu trung bình chỉ được 500.000 đồng cho 4-5 đơn hàng, trong khi tiền thuê 6 nhân viên (3 nấu bếp, 3 giao hàng) làm từ 13h đến 17h cũng đã 11 triệu đồng. Thức ăn ế bị hủy liên tục làm đội chi phí lên cao. Đáng buồn là 90% khách hàng một ăn không trở lại, trong khi nhân viên thay đổi liên tục, hiệu quả làm việc cực kỳ kém. Đã vậy, gia đình tôi càng gây áp lực, nhưng quan trọng hơn là thiệt hại về tinh thần vì mọi thứ diễn ra trong thực tế khác xa dự tính ban đầu.
Ngồi lại phân tích nguyên nhân, hai vợ chồng mới thấy rằng mình đã phân tích sai nhu cầu và thói quen của khách hàng mục tiêu, cộng với món ăn quá dở, hay bị lỗi như quá mặn, quá ngọt, bảo quản kém,…, thêm nữa là thực đơn ít món, giao hàng lâu…
Rút kinh nghiệm và quyết tâm làm lại, chúng tôi quyết định ra ngoài làm để tránh bị gia đình tác động về tinh thần bằng việc thuê một mặt bằng ở quận 1, tuyển 4 bếp, 4 giao hàng và một quản lý. Tổng tiền lương là 22 triệu đồng mỗi tháng.
Mục tiêu lần này của tiệm là tiếp cận tất cả khách hàng mục tiêu bán kính xung quanh quán 1km, phải có được đặt hàng từ 1.000 công ty, giữ được 75% lượng khách hàng có được và bắt đầu có lợi nhuận, hoặc chí ít doanh thu đảm bảo hòa vốn.
Sau một thời gian, sơ kết lại, hoạt động kinh doanh lần này có tốt hơn, doanh thu trung bình mỗi ngày 2,5 triệu đồng cho 15-20 đơn hàng, giảm 70% tỷ lệ thức ăn hủy so với giai đoạn một. Đáng mừng là 70% đơn hàng được giao trong 30 phút, 20% trong 30-45 phút, 10% giao trên 45 phút và có được đặt hàng từ 700 công ty… Tuy nhiên gia đình tôi lại ngày càng gây áp lực vì kết quả vẫn là lỗ (thiệt hại 45 triệu trên tổng số 120 triệu đồng đầu tư), và thời gian dành cho quán nhiều, từ 8h đến 19h mỗi ngày.
Lần này chúng tôi thật sự bắt đầu nghi ngờ bản thân vì mọi thứ tính toán vẫn còn cách quá xa so với thực tế. Tiếp tục ngồi lại mổ xẻ, hai vợ chồng mới thấy đồ ăn vẫn chưa ngon, chưa có gì đặc sắc, thực đơn không đủ phong phú, chưa tối đa hóa được năng suất của nhân viên nên 30% số lượng đơn hàng vẫn giao trễ hơn 30 phút… Ngoài ra, tôi còn phát hiện một số lý do khách quan từ việc đặt hàng theo nhóm. Ví dụ, 10 người ăn, chỉ một người không hài lòng là cả nhóm bị ảnh hưởng theo và người đại diện đứng ra gọi đặt món sẽ không gọi lại nữa.
Từ đây, tôi tiếp tục rút ra kinh nghiệm rằng dân văn phòng cực kỳ khó tính trong vấn đề ăn uống, nên món ăn phải thật ngon và thực đơn phải đa dạng để họ đổi món. Bên cạnh đó phải chú ý tới từng chi tiết để hạn chế những lỗi rủi ro thường gặp phải khi giao. Cần tập trung vào các món ăn ít bị ảnh hưởng do thời gian ăn và khoảng cách giao hàng. Cải thiện cách bảo quản món ăn khi giao hàng nhằm hạn chế việc giảm chất lượng hàng…
Bên cạnh giao hàng, cần tăng năng suất sử dụng mặt bằng để tận dụng khách hàng tại chỗ, đồng thời phát triển thêm chi nhánh mới nhằm rút ngắn khoảng cách giao hàng và có không gian bếp tốt hơn…
Quyết bung hết sức cho lần làm lại thứ ba này, bắt đầu từ tháng 1/2015 tôi mở thêm chi nhánh lớn hơn ở quận 3, phát triển nhân sự lên thành 22 người, trong đó tập trung nhiều hơn cho đội ngũ bếp. Riêng tiền thuê mặt bằng và trả lương nhân viên mỗi tháng lên tới 93 triệu đồng.
Tôi tiếp tục đặt ra mục tiêu phải rút ngắn khoảng cách đến tất cả văn phòng ở quận 1, quận 3 trong phạm vi tối đa 1,5km. Có được đặt hàng từ 1.500 đến 2.000 công ty. Tôi cũng chủ động tiếp cận thêm đối tượng khách hàng mới là sinh viên để phát triển thêm mảng bán tại chỗ, trong đó tận dụng lợi thế mặt bằng đối diện trường học để có lượng khách hàng sẵn có.
Với đầu tư bài bản như thế này, tôi tự tin hướng tới mục tiêu có doanh thu 10 triệu đồng mỗi ngày, trong đó 4 triệu là giao hàng, 6 triệu bán tại chỗ.
Rất may, sau 4 tháng hoạt động, đến nay doanh thu trung bình một ngày của tôi đã đạt mức 6-6,5 triệu đồng, tiệm cận mức hòa vốn mà tôi tính toán là 7-8 triệu đồng. Nhưng từ đây cũng phát sinh thêm một số vấn đề là khó quản trị tốt cùng lúc 2 điểm kinh doanh. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định đóng cửa tiệm ở quận 1. Bên cạnh đó, tôi thấy việc bán tại chỗ khác quá xa với giao hàng; khách hàng sinh viên cũng khác với khách văn phòng, dẫn đến khủng hoảng việc quản trị để phục vụ được cả 2 nhóm khách hàng và chạy song song 2 hình thức bán hàng. Ngoài ra, thực đơn quá dàn trải nên phát sinh nhiều lỗi mới, trong khi lỗi cũ chưa xử lý kịp…
Tổng kết lại, hai vợ chồng vẫn thiệt hại 150 triệu trên tổng số 300 triệu đồng đầu tư lần này. Từ đây, chúng tôi bắt đầu đuối vốn do cả 2 vợ chồng đã thất nghiệp hơn 10 tháng mà vẫn phải vay nợ bù lỗ để đầu tư ban đầu và duy trì quán. Chưa kể áp lực vì lượng công việc tăng đột ngột gấp 3-4 lần khiến chúng tôi phải ra khỏi nhà làm việc từ 5h đến 23h mỗi ngày. Lúc này vợ tôi đang mang bầu 7 tháng vẫn không được nghỉ ngơi, ngay cả việc khám thai cũng phải đặt lịch 22h đêm mới đi được…
Giờ đây, tôi mới thấy mình cần có đối tác cùng làm để san sẻ công việc, tài chính và ủng hộ tinh thần. Ngoài đội ngũ bếp, phục vụ, giao hàng, cần phát triển thêmbộ phận văn phòng để quản trị tốt hệ thống và có thời gian đầu tư cho truyền thông và phát triển chiến lược.
Nhưng trước khó khăn đè nặng này, tôi thấy tinh thần và bản lĩnh của mình ngày càng cao, dần vượt qua được các áp lực, thử thách. Hơn nữa, phân tích kỹ, tôi thấy tốc độ phát triển, phản hồi của khách hàng và chất lượng của công ty mình so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường dần tích cực. Điều này làm tăng thêm ý chí và niềm tin “Đích của con đường đang đi có vẻ đúng. Vấn đề là cách vượt qua ổ gà, xe cộ và các vật cản khác để đến đích”.
Lê Quốc Kiên