Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Đại Gia …Kiên Định Với OPM

Ba lần phá sản của đại gia ‘lâu đài trắng’ Thanh Hóa
Đại gia Cao Tiến Đoan – ông chủ của TCty Đông Á – nhân vật bị răng băng rôn đòi nợ 52 tỷ giữa phố, từng xuất hiện nhiều lần trên truyền thông với hình ảnh doanh nhân thành đạt…
DSPL – Vietnamnet – 31 May 2015
Thông tin trên báo Lao động, chiều 26/5, chiếc xe Toyota Hilux BKS 89C-06820 căng băng rôn… đòi nợ xuất hiện trong khuôn viên toà nhà TCty Bất động sản Đông Á (số 11, đại lộ Lê Lợi, TP.Thanh Hoá). Băng rôn đòi nợ mang dòng chữ: “Yêu cầu ông Cao Tiến Đoan phải trả cho công ty KVS 31 tỉ và trả cho ông Cao Văn Sơn 21 tỷ”. Phía đòi nợ còn căng to ảnh đại gia Hà Nội Cao Tiến Đoan – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TCty bất động sản Đông Á rồi dán bên cạnh băng rôn.
Ngay khi xuất hiện chiếc xe có băng rôn với nội dung xưa nay ít thấy ở Thanh Hoá, rất nhiều người dân hiếu kỳ đến xem, chỉ trỏ. Khi một số nhà báo có mặt, chuẩn bị tác nghiệp liền bị một nhóm thanh niên xưng là bảo vệ của TCty Đông Á ngăn cản, nhóm thanh niên này đe doạ “nếu chụp ảnh sẽ bị thu máy”. Hầu hết phóng viên đều dạt ra ngoài, sau đó bí mật tác nghiệp bằng nhiều cách khác nhau.
Các lực lượng chức năng như công an, cảnh sát giao thông, dân phòng cũng có mặt kịp thời đảm bảo an ninh trật tự. Đến cuối giờ chiều, không có bất cứ vụ việc va chạm, to tiếng nào
Hai nhân vật chính của cả hai phía đòi nợ và bị đòi nợ đều là những người nổi tiếng. Đây là những người từng được truyền thông nhiều lần gọi là đại gia Việt. Đặc biệt, cả hai vị đại gia này đều có thú chơi máy bay cá nhân.
Theo đó, phía bị đòi nợ – ông Cao Tiến Đoan – ông chủ của TCty Đông Á từng xuất hiện nhiều lần trên truyền thông với hình ảnh doanh nhân thành đạt. Dư luận biết đến ông là một người đi lên từ trẻ chăn trâu chân lấm tay bùn nhưng bằng ý chí, nghị lực ông đã vượt lên. Qua nhiều thử thách, nhiều bận trắng tay nhưng đến nay, ông là một trong những doanh nhân “chịu chơi” nhất xứ Thanh. Ông đang sở hữu toà biệt thự hoành tráng rộng hơn 50.000m2 ở xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hoá.
Cao Tiến Đoan sinh năm 1960, ở huyện Quảng Xương – Thanh Hóa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 21 tuổi, ông Đoan quyết định thoát cảnh con trâu cái cày, từ chàng nông dân lên anh công nhân bằng con đường thợ xây và khởi nghiệp thầu xây dựng.
Tính khí mạnh mẽ, thích hứng trách nhiệm và không muốn làm chân sai vặt cho cánh thợ “ma cũ” nên chàng trai Cao Tiến Đoan khi ấy tập hợp một đội mấy chục thanh niên và được trai làng phong làm “ông cai thầu”. Nhưng do sốc nổi và thiếu hiểu biết về xây dựng như bổ trụ, xây viên gạch ngang, gạch dọc ra sao, bê tông trộn mấy cát, mấy sỏi… nên nên năm 1981 bắt đầu khởi nghiệp thì năm 1983 ông “cai thầu” Cao Tiến Đoan đã lâm vào vỡ nợ.
Ông chủ bạch dinh nổi tiếng xứ Thanh
Năm 1984, ông Đoan khởi nghiệp lại bằng nghề sửa chữa ô tô, định đổi đời bằng “công nghiệp hoá”. Đội thợ kéo quân đi đại tu sửa chữa xe tới tận nhà cho khách. Xe sửa xong, chưa vận hành được bao lâu lại hỏng, thu được đồng nào đổ vào bảo hành đồng ấy. Cuối 1985, “ông chủ” Cao Tiến Đoan chính thức vỡ nợ lần thứ 2. Đã thiếu càng thiếu hơn, đã nợ lại nợ nhiều hơn. Ông Đoan cho biết, ngày đó sau khi dự án sửa chữa xe phá sản, ôm một đống nợ, ông lại theo bạn bè quay lại với nghề xây dựng và lại lên làm chủ lần thứ 3.
Năm 1988, ông Đoan bắt tay thi công công trình nền đường từ ngã 3 Lễ Môn đến TP Thanh Hoá. Không biết do số phận hay do trời thử thách nhưng khởi công 1988 thì 1989, đợt trượt giá vật liệu khiến ông Đoan trở tay không kịp. Ông Đoan cho biết, để thi công đoạn đường đó, ông đã phải vay vốn bằng vàng của rất nhiều người trong khi đó vàng đang từ 170.000 đồng/ 1 chỉ vọt lên 540.000 đồng/chỉ. Tình thế trên cộng với bên A chậm thanh toán đã đẩy Cao Tiến Đoan xuống vực phá sản lần thứ 3.
Cố công gắng sức để thoát nghèo, gần 10 năm, 3 lần tay trắng, nghèo chưa thoát mà còn nghèo hơn. Ngôi nhà, nơi cả gia đình sinh sống bị chủ nợ san phẳng trong 2 ngày, một bãi đất phẳng không còn dấu tích. Đó chỉ là 3 trong 7 lần Doanh nhân Cao Tiến Đoan rơi xuống vực thẳm của tiền bạc nhưng điều đáng nói là ước mơ làm giàu vẫn không hề nhụt.
Sau những lần thất bại này ông chợt nhận ra mình không đủ sức quản lý công việc và tự tìm các loại sách kinh tế, sách về quản lý, đào tạo nhân lực và đọc rất nhiều. Năm 1996, ông chính thức thành lập Cty Bất động sản – Tư vấn Xây dựng Đông Á (Đông Á) – doanh nghiệp với bộ máy và hoạt động bài bản, có định hướng chiến lược rõ ràng. Tới nay, từ số vốn vài trăm triệu, tài sản của DN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Khởi đầu sự nghiệp, Công ty Đông Á thắng thầu cột tiếp sóng của Đài Truyền hình Thanh Hoá trên đồi Quyết Thắng trị giá 70 triệu đồng. Và sau đó nhờ vào làm ăn có uy tín, Công ty liên tiếp thắng thầu các công trình xây dựng điện, thuỷ lợi, giao thông… Tiếng tăm của Đông Á ngày càng được khẳng định, có bước phát triển mạnh mẽ với 6 xí nghiệp thành viên, đội ngũ người lao động tay nghề cao và rất chuyên nghiệp. Cũng từ những công việc đặc thù đó, dần dần Đông Á bước vào lĩnh vực bất động sản và thành công cho đến ngày hôm nay.
Doanh nhân Cao Tiến Đoan nổi tiếng không chỉ vì những thành công trên thương trường, mà còn bởi những gì ông “hưởng thụ” từ khối tài sản của mình.
Ông nổi tiếng với lâu đài “Bạch Dinh” sang trọng tọa lạc trên khuôn viên 50.000m2 với thiết kế sang trọng, tinh tế bằng gam màu trắng.
Trước đó, đại gia đình ông sống trong một khu biệt thự xây dựng vài tỷ đồng. Để xây dựng khuôn viên mới, Cao Tiến Đoan đã bỏ tiền mua thêm đất của nhà dân xung quanh đồng thời đập bỏ không thương tiếc ngôi nhà cũ mới qua hơn một năm sử dụng.
Doanh nhân này cũng đang ấp ủ đầu tư một dàn máy bay trực thăng để làm “taxi hàng không” phục vụ nhu cầu đi lại cho doanh nhân, khách du lịch…
Năm 2011, đại gia xứ Thanh gây sốc cho dư luận khi đặt mua về Việt Nam 4 chiếc máy bay trực thăng dưới danh nghĩa công ty Hành tinh Xanh – nơi ông là thành viên HĐQT. Trong 4 máy bay, 2 chiếc dạng cánh bằng do CH Czech sản xuất và 2 chiếc trực thăng còn lại do Mỹ sản xuất.
Ông Đoan cũng nổi tiếng với thú chơi xe cổ. Bộ sưu tầm xe của ông Đoan gồm 13 chiếc phần lớn là Mercedes. Từ chiếc xe là chiếc Mercedes cổ 190 từ những năm 50 cho đến chiếc sang trọng nhất S55 AMG.
(Theo ĐSPL)

Chuyện Cây và Người

Tiền về nơi đâu?
Tác Giả : Cao Huy Huân – VOA – 29 May 2015
Mấy hôm nay, cư dân mạng xã hội chia sẻ với nhau thông tin “giật mình” về vụ chi 18 tỷ chăm sóc cây xanh tại một quận ở Cần Thơ. Tôi lập tức nhớ lại lại bài nhạc chế “tiền về nơi đâu” bằng cả sự chua chát và thấm thía về một quốc gia vừa thoát ngưỡng nghèo về mặt chỉ số kinh tế, nhưng người dân cần lao vẫn vất vả quanh năm.
Chăm cây xanh hay chăm “chủ” cây xanh?
Nhiều người cho rằng báo chí thích giật tít bẻ tựa để “câu view” hay “câu like”. Nhưng vụ 18 tỷ đổ vào việc chăm sóc cây xanh, với tôi không chỉ là một chuyện “giật mình” mà là kinh tởm. Không kinh tởm sao được khi công ty trúng thầu hơn 18 tỷ, trong khi thuê công ty ngoài thực hiện chỉ ngót 5 tỷ đồng cho một năm. Một đứa trẻ con cũng có thể thấy số tiền trúng thầu cao hơn 300% số tiền thực tế, nếu không muốn nói “phô trương” hơn một chút là 400%. Bản thân tôi xin “nhẹ tay” đặt dấu chấm hỏi về luật pháp, quy định chi tiêu và đạo đức nghề nghiệp đối với các vị quản lý số tiền hơn chục tỷ còn lại. Hơn chục tỷ tôi nhẫm tính sẽ đổi lấy được không ít nhà tình nghĩa, tình thương, học bổng cho trẻ em nghèo, công trình phúc lợi công cộng, hay hàng tá thứ khác và tôi chắc mẫm nếu các vị quan chức thực hiện thì không thiếu người dân vỗ tay hoang nghênh, có khi còn “đội” các vị lên đầu như những đấng cứu rỗi cuộc sống nghèo nàn và khốn nạn.
Nhưng tôi tính sao bằng các phép tính của các vị. Khi các ngành chức năng chưa giải thích cho rõ ràng tung tích hơn chục tỷ/năm, chưa tính số tiền “chăm sóc cây” nhiều năm trước đó, tôi thử tưởng tượng nếu “ai đó” sử dụng số tiền đó để phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, thì sẽ có bao nhiêu biệt thự được xây lên, xe hơi sang chảnh, nền nhà rộng tít tắp, cửa hiệu sang trọng được mở, vàng bạc đầy tủ, thậm chí là hàng tá cuộc nhậu nhẹt xa xỉ với những món ăn đắt tiền mà người dân có nằm mơ cũng chẳng dám chạm miệng hoặc sờ môi.
Từ đầu năm 2015, Hà Nội, Sài Gòn rộ chuyện chặt cây cổ thụ, trồng cây “vàng tâm”, vốn là những cây mỡ èo uột và yếu ớt. Trong một ngày, con đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) từ màu xanh chuyển sang màu… nắng. Cái không khí ô nhiễm nặng nề tiếng ồn, khói bụi nay mất hẳn cây xanh càng khiến đất trời oi bức và phẫn nộ thay cho dòng người vẫn lũ lượt nhích xe giữa giờ cao điểm để kiếm kế mưu sinh. Trong khi đó, những gả vốn phải nếm trải cái nắng, cái gió thì được ngồi trong những chiếc xe sang trọng được gắn máy lạnh phì phò như tiếng thở nặng nhọc của những người dân cứ mãi cắm đầu cày cấy để đóng thuế “song phẳng” cho nước nhà. Và rồi những hàng cây nằm xuống, chẳng biết số “củi” chất lượng cao ấy sẽ về đâu? Hay lại là những chiếc bàn, chiếc ghế, bộ sofa quý giá được trưng bày trong những ngôi nhà sang trọng mà Tổng thống Obama có đến thăm chắc cũng phải “thèm thuồng”.
Và nay đến chuyện bỏ hàng chục tỷ “chăm cây xanh” một cách vô thưởng vô phạt và khó hiểu đến mức người dân có thể tưởng tượng ra bất cứ thứ tiêu cực nào đang âm ĩ phía sau những bộ hồ sơ tuyển nhà thầu và màn “lại quả”. Đến chuyện chăm sóc, quản lý cây xanh – tưởng chừng đơn giản – mà các ngành chức năng cũng phải khiến dân đắn đo và lo nghĩ cho số phận đồng tiền xương máu mà họ cực khổ góp lại. Hơn chục tỷ, các vị không chăm sóc cây, thì các vị chăm sóc ai?
Văn hóa “quỹ đen”
Tôi phải “thán phục” nhiều quan chức nhà mình vẫn sống hoài với cái văn hóa “quỹ đen” hay “lại quả”. Dẫu biết tính quy chụp không mang đến sự tích cực tuyệt đối, nhưng xin thưa sau hàng loạt vụ “ăn kê” tương tự, như vụ Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Ngân hàng Thế giới… tố quan chức Việt Nam tham nhũng, hối lộ, lập quỹ đen trong các công trình lớn, thì bản thân tôi cũng không còn đặt nhiều niềm tin về tính minh bạch phía sau những gói thầu.
Báo chí và chuyên gia nói hết lời, tốn không biết bao nhiêu giấy mực về chuyện minh bạch phía sau những gói thầu trong cơ chế thầu của Việt Nam hiện tại. Cơ chế đấu thầu kiểu gì mà “người mua” lại sẵn sàng chấp nhận một cái giá cao gấp 3 đến 4 lần so với giá thực? Minh bạch ở đâu khi hầu hết các gói thầu “dính nghi án tham nhũng” đều thể hiện rõ sự nhập nhằng trong chi tiêu và chồng chéo về mặt quản lý? Tại sao khi xã hội hiện đại với hàng loạt các hệ thống kế toán, chính phủ điện tử, giám sát công trình tiên tiến… thì nhiều dự án thầu tại Việt Nam vẫn “khó hiểu” về chuyện tài chính lẫn chất lượng? Để rồi dân phải chấp nhận những “ván bài” của các nhà quan, vốn tiền mất tật mang, đất nước mãi chẳng thoát được cảnh đầu tư nhiều mà dân chẳng hưởng được bao nhiêu.
Vào giai đoạn 2010, tôi làm việc tại một doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện lớn, trong đó khách hàng là các tỉnh khu vực miền tây Việt Nam. Vốn được phân công quản lý mảng tài chính và báo giá, tôi hiểu thừa cái trò “quỹ đen” và “lại quả” của các quan nhà mình. Các sự kiện do huyện, thành phố, tỉnh đăng cai đều được rao với giá trên trời, có khi trên mức chục tỷ đồng. Và “luật chơi” cũng do các quan đưa ra, với mức 10-15%, thậm chí có khi lên đến 20-25% tổng giá trị chương trình sẽ được chuyển về tay của một vài “ông lớn” vốn có quyền quyết định ai sẽ trúng thầu. Để bù số tiền dôi ra này, doanh nghiệp được quyền “kê giá”. Ví dụ, thuê ca sĩ chục triệu đồng, doanh nghiệp nhắm mắt kê gấp ba, gấp bốn. Hệ thống đèn chiếu sáng, trang trí tầm vài chục triệu, thì giá sẽ được báo là hơn trăm triệu. Thế nhưng các quan vẫn nhắm mắt ký lấy ký để, và rồi nhịp tay nhận tiền “lại quả”. Sếp tôi thỏ thẻ “phải biết điều với mấy anh quản lý”, nhất là trước và sau sự kiện; dịp lễ tết và những ngày “mấy ổng” thấy buồn. Lượng tiền dôi ra mỗi sự kiện để “lại quả” nếu ít thì vài trăm triệu, nhiều thì lên mức tiền tỷ chứ chẳng phải chuyện đùa.
Quyền giám sát của dân ở đâu?
Ở các nước lớn, kính thưa các đồng chí rằng việc giám sát tài chính rất ngặt nghèo. Hãy thử nhìn cảnh Tổng thống Obama phải làm việc không lương khi Hạ viện Mỹ không quyết chi ngân sách. Sẽ không có chuyện nhà nước cứ âm thầm chi rồi âm thầm quyết toán, để rồi khi dân biết thì mọi chuyện đã rồi. Một doanh nghiệp Mỹ lắc đầu ngán ngẫm khi kể về văn hóa “quỹ đen” của quan chức Việt. Tại Mỹ, doanh nghiệp chi bất kỳ thứ gì cũng phải có lý lo và minh chứng, trong khi “đút tiền hối lộ” thì hóa đơn đỏ đâu ra? Nhưng hãy thử không chung chi, thì hàng hóa nhập cảng sẽ cứ ì ạch mãi không ra được. Thế nên doanh nghiệp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nhiều ý kiến đề xuất phải có cơ chế giám sát tài chính được quy định trong Hiến pháp. Nhưng bản thân tôi nghĩ “đường đi ấy còn xa”, bởi không phải dễ triệt tiêu các quan điểm của lợi ích nhóm. Nhưng nếu cứ mãi sống trong cái cơ chế chi tiêu quốc gia – vốn lấy tiền mồ hôi nước mắt của dân – thì chẳng biết đến bao giờ dân mới có quyền giám sát?
Cao Huy Huân