Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Cơn lốc chứng khoán và sự trú ẩn vào đồng đô la

Tác giả: Nam Nguyên – RFA – 25 Aug 2015
Tỷ giá tăng kịch trần ở các ngân hàng thương mại, trên thị trường chợ đen giá đô la vượt mức 22.900đ. Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc thê thảm. Phải chăng Việt Nam đang thực sự rơi vào cơn lốc xoáy tiền tệ Trung Quốc.

CK China
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 25/8/2015, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng, toàn bộ các thị trường lớn trên thế giới đang có sự điều chỉnh, Trung Quốc chỉ là một nhân tố. Tình hình liên quan đến giá dầu, cuộc chiến về giá dầu của Ả Rập Saudi và Iran.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, tình trạng giá dầu giảm phản ánh nhiều thứ hơn, vừa là sự cạnh tranh nguồn cung của các nước sản xuất dầu, vừa là sự giảm nguồn cầu của Trung Quốc cũng làm cho giá giảm. TS Nguyễn Đức Thành tiếp lời:
“Tôi nghĩ đấy là một yếu tố lớn, còn việc Trung Quốc phá giá đồng tiền thì nó chỉ phản ánh cái kết cục hiện nay là sự khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc. Cá nhân tôi không cho rằng Trung Quốc chủ động phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ, bởi vì Trung Quốc đang ở thế bị động chứ không phải thế chủ động trong vấn đề giảm giá. Sự giảm giá phản ánh nội tại nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu một cách nhanh hơn chính họ có thể tưởng tượng được, cũng như là giới quan sát có thể tưởng tượng được.
Đây chính là điều khó vì thế giới đang đứng trước cái ngưỡng của sự điều chỉnh. Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam, thị trường kinh tế Việt Nam cũng đang trong khuynh hướng chung như vậy. Tôi không cho rằng Việt Nam hiện nay đang bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh tiền tệ của Trung Quốc. Bởi vì hiện nay chính sách của Việt Nam rất là rõ sau việc Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh. Tuy nó cũng tạo ra một số bất ngờ nhưng bản thân chúng tôi, cũng như các nhà hoạch định chính sách khác của Việt Nam đã nhận ra được vấn đề cốt lõi là sự bị động, thụ động của chính phía Trung Quốc và những điều chúng tôi phân tích liên quan đến giá dầu giảm.”
Cá nhân tôi không cho rằng Trung Quốc chủ động phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ, bởi vì Trung Quốc đang ở thế bị động chứ không phải thế chủ động trong vấn đề giảm giá.
– TS Nguyễn Đức Thành

Đánh giá về các biện pháp hạ giá đồng tiền Việt Nam và nới biên độ tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chính hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhấn mạnh tới thực tế sức khỏe nền kinh tế Việt Nam. Ông nói việc phá giá đồng bạc Việt Nam không hẳn chỉ là ảnh hưởng ngoại lai, mà Ngân hàng Nhà nước đã có cơ hội nhân thể Trung Quốc phá giá, để có thể vượt ra ngoài cam kết không hạ giá quá 2% trong năm 2015. Với các quyết định phá giá 1% và nới biên độ mua bán đồng đô la thêm 2% lên mức 3% là khá lớn. Chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi:
“Nhưng mục đích để làm gì, nếu nói mục đích để khuyến khích hàng Việt Nam xuất khẩu thì Việt Nam có hàng gì mà xuất khẩu. Những mặt hàng tỷ lệ nội địa hóa lớn thì đâu có bao nhiêu, chỉ là nông sản thủy sản không phải là các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra mình xuất khẩu giày dép may mặc thì nguyên liệu nhập khẩu gia công rồi xuất khẩu, tỷ lệ phần nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng giá lên vì đồng bạc Việt Nam mất giá, đồng đô la mua nguyên liệu sẽ đắt lên. Như vậy cộng trừ lại chưa chắc gì nó ảnh hưởng tốt cho vấn đề làm giảm giá thành của Việt Nam để tăng năng lực xuất khẩu lên. Điều này phải thận trọng chứ không phải là áp dụng một cách máy móc những nguyên lý về tiền tệ mà các nước khác áp dụng, Việt Nam mình hoàn cảnh nó khác.”
Đối với thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam hoảng loạn mà báo chí gọi là ngày đen tối, phiên giao dịch lao dốc ngày 24/8/2015 đã làm tổng vốn hóa thị trường bị mất 60 ngàn tỷ đồng tương đương khoảng 3 tỷ USD. Nếu so với đỉnh cao giữa tháng 7 thì đến hết ngày 24/8 thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất khoảng 7,6 tỷ USD.
Tình hình không sáng sủa
Nhận định về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam với các biểu hiện tiêu cực vừa qua, TS Nguyễn Đức Thành nhận định:
“Tôi cho là sự điều chỉnh ở đây là do thị trường đón nhận các tin mà có thể cảm thấy là tiêu cực của bầu không khí chung đối với thị trường tài chính thế giới, sự bất ổn của Trung Quốc, kể cả các thị trường lớn như Mỹ, bản thân các nhà đầu tư cũng có những kỳ vọng mà có thể nó tiêu cực theo môi trường hiện nay thì họ có những sự điều chỉnh của họ. Thế còn diễn biến xa hơn, tôi không có khả năng dự báo được xa hơn, vì là nó tùy thuộc rất nhiều vào những kỳ vọng và tính toán của các nhà đầu tư và quan điểm của họ về tương lai, không chỉ Việt Nam mà của thế giới nữa…sự điều chỉnh hiện nay theo tôi là ngắn hạn cục bộ thôi.”
Trong câu chuyện với chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành có cách nhìn rất tiêu cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông nói:
“Thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là một thị trường thật mà là thị trường ảo. Giá chứng khoán dựa trên đầu cơ chứ không dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, chỉ cần một tín hiệu không tốt thì mấy ông đầu cơ bỏ chạy. Mấy ông bán ra nhiều mà không có người mua thì tất nhiên chứng khoán phải xuống. Còn nếu những doanh nghiệp thực sự ăn nên làm ra tốt thì lại khác. Nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp có fundamental tốt nhưng bị ở trong tình trạng gọi là náo loạn bị stampede đạp nhau mà chạy, lúc đó là khủng hoảng những anh tốt cũng bị tai nạn do sự đạp lên nhau mà chạy thôi.”
Thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là một thị trường thật mà là thị trường ảo. Giá chứng khoán dựa trên đầu cơ chứ không dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, chỉ cần một tín hiệu không tốt thì mấy ông đầu cơ bỏ chạy
– Chuyên gia Bùi Kiến Thành

Cùng với cơn lốc chứng khoán, giá đô la tại các ngân hàng đã tăng hết biên độ cho phép tức 22.547 đồng. Trong khi đó ở thị trường chợ đen người mua đô la phải chịu giá tới 22.900 đồng, đây là mức chênh lệch khá cao. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định:
“Đây là biểu hiện của vấn đề trú ẩn, thấy đồng tiền Việt Nam đương yếu như thế thì phải tìm cách trú ẩn, mua đô la hay mua vàng trú ẩn trong khi nền kinh tế bất ổn. Chuyện này xảy ra thường xuyên trong tất cả các nền kinh tế không riêng gì Việt Nam. Khi thấy tình hình kinh tế bất ổn rồi, những người có tiền không đầu tư vào chứng khoán được, vào bất động sản được, không đầu tư vào doanh nghiệp được, người ta muốn bảo vệ giá trị đồng tiền thì người ta mua đô la, mà khi người mua nhiều mà người bán ít thì tự nhiên giá nó lên… Vì vậy phải làm sao cho nền kinh tế phát triển để có nơi cho người có tiền có thể đầu tư.”
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định rằng, Việt Nam cần nhìn vào tình hình nội tại của mình như thế nào để làm việc, chứ không phải nhìn vào vấn đề tỷ giá trên thế giới. Chắc chắn với tình hình cả thế giới bị xáo động như thế này, nếu các nước khác người ta co lại không nhập khẩu, Việt Nam dù có xuất khẩu gì thì cũng bị teo tóp lại. Như vậy tình hình kinh tế Việt Nam từ giờ đến cuối năm không sáng sủa chút nào, mà dùng chính sách tỷ giá tiền tệ để giải quyết vấn đề kinh tế Việt Nam thì nó chỉ có tác dụng rất hạn chế.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng giải quyết kinh tế Việt Nam là làm sao cho doanh nghiệp phát triển, làm sao sản xuất ra những mặt hàng có thể bán được với giá phải chăng, giá cạnh tranh. Theo ông, hiện giờ Việt Nam chưa làm được và làm sao có thể làm được khi một loạt rào cản đang bao vây doanh nghiệp, từ quản lý hành chính khó khăn cho tới nạn tham nhũng và điều gọi là chi phí quan hệ chiếm tỷ lệ quá lớn trong giá thành sản xuất.

Những chiêu làm giá trên thị trường chứng khoán

Tác Giả: Hoàng Sỹ Tiến – Theo VNExpress – 25 Aug 2015
Nếu không thận trọng quan sát thị trường, nhà đầu tư cá nhân có thể bị thiệt hại nặng dưới những chiêu trò của “đội lái”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu các chiêu trò, mánh khóe. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã bị lừa, thiệt hại nặng nhưng cũng có khá nhiều người ăn theo “đội lái” mà thu được lợi nhuận lớn. Dưới đây là bài viết chia sẻ về các chiêu trò làm giá trên thị trường chứng khoán qua 2 giai đoạn của ông Hoàng Sỹ Tiến, chuyên viên môi giới cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

CK Việt
1. Các bước làm giá ở giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán
Bước 1: Chọn cổ phiếu giá không quá 20.000 đồng (2x), thông tin cơ bản hỗ trợ tốt, giao dịch hàng ngày không quá 200.000, số lượng cổ phiếu lưu hành tốt.
Bước 2: Đây là bước gom hàng. Các nhà đầu tư “VIP” thường phải thỏa thuận với Hội đồng quản trị không được xả cổ phiếu khi chưa đến mức cho phép.
Bước 3: Đội lái bắt đầu đè giá cổ phiếu xuống mức thấp khiến nhiều nhà đầu tư mất kiên nhẫn bán ra.
Bước 4: Sau khi đè giá, đội lái và Hội đồng quản trị có được lượng hàng lớn trong tay, khoảng 90% cổ phiếu. Họ bắt đầu quá trình đẩy giá bằng cách đặt lệnh ATO (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa), lệnh ATC (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa) nhiều phiên.
Bước 5: Khi đội lái đã đẩy giá lên mức hấp dẫn, họ sẽ phải hoạch định quá trình xả hàng. Cách thức là đặt mua ào ạt giá trần ở một tài khoản, các nhà đầu tư khác thấy vậy sẽ làm theo. Họ bán ra ở tài khoản khác với số lượng lớn hơn số lượng đặt mua. Cách thức cao hơn là họ đặt mua ATO với số lượng cực lớn, nhiều nhà đầu tư thấy thế liền đặt mua giá trần để mong được khớp. Sang phiên liên tục lệnh mua ATO bị hủy đi, họ bắt đầu bán ra cho các lệnh giá trần được khớp, hoặc có thể đặt mua giá trần đầu giờ sau đó hủy và đặt lại số lượng tương tự để lừa các nhà đầu tư đặt sau khớp lệnh. Trong một số trường hợp, tùy theo biến động thị trường đội lái có thể xả thẳng giá sàn để xả hàng.
Thông thường với các cổ phiếu được làm giá, mức giá có thể tăng lên đến 200%, do đó, nếu các nhà đầu tư nhận biết được sớm cổ phiếu bị làm giá, mua trước và bán nhanh khi đạt mục tiêu lợi nhuận vừa đủ là có thể tìm kiếm được lãi. Ngược lại, những nhà đầu tư chậm chân có thể bị thiệt hại rất nặng.
2. Các bước làm giá trong giai đoạn 2014 -2015.
Giai đoạn đầu, sau khi các chiêu trò trên bị phát hiện và các đội lái đều bị thiệt hại và tan rã, đến 2014 họ lại có những thủ thuật làm giá tinh vi hơn bằng các động tác “kéo, xả” ngay trong phiên và gom lợi nhuận từ từ.
Bước 1: Các nhà đầu cơ sẽ chọn một số cổ phiếu cơ bản ở mức chấp nhận được, giá cũng dưới 20.000 đồng, có cổ đông lớn bán ra, thanh khoản giao dịch khá thấp.
Bước 2: Họ thường không chọn cách đè cổ phiếu để gom trên sàn mà mua thẳng từ cổ đông lớn và Hội đồng quản trị. Số lượng cổ phiếu này thường đủ để dành quyền kiểm soát công ty. Sau khi đã gom được, họ sẽ đẩy giá trên sàn và sẵn sàng mua cổ phiếu của những nhà đầu tư còn lại.
Bước 3: Khi đẩy đến một ngưỡng nhất định, họ sẽ công bố phát hành tăng vốn bằng chia thưởng cổ phiếu. Tiếp đó lại đẩy giá cổ phiếu lên. Giai đoạn này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vì thấy giá đã được chia xuống thấp và thanh khoản tăng liên tục, sau đó tiến hành phát hành thêm ồ ạt bằng quyền mua. Khi đó giá cổ phiếu sẽ bị chia xuống chỉ còn khoảng bằng một phần ba so với giá đỉnh đã đẩy lên. Tiếp đó họ lại đẩy và xả giúp cổ phiếu có thanh khoản cao chóng mặt.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân lúc này sẽ thấy hấp dẫn và tham gia. Trong quá trình kéo xả này họ sẽ bán ra lượng cổ phiếu sẵn có để dùng tiền mua vào quyền mua phát hành thêm. Sau khi cổ phiếu phát hành thêm về tài khoản, họ có thể vừa mua vừa bán giá sàn để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia bắt đáy. Đây gọi là chiến lược “phân phối giá sàn”. Với thủ thuật đó, số lượng cổ phiếu nắm giữ của đội lái sau khi thoát được hàng chỉ còn khá ít (có thể chỉ bằng khối lượng cổ phiếu đã mua vào trước đó). Ngược lại, họ thu được một lượng tiền lớn từ phát hành thêm mà vẫn giành quyền kiểm soát công ty.
&&&&&&&&
(GNA: Một bài viết cũ từ 2011 – Thị trường CK Việt vẫn “going strong”???)
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sập như thế nào?
Theo Dự Đoán Kinh Tế Facebook – 4 Sep 2011
Nhân sự kiện công ty Dược Viễn Đông, tên mã CK là DVD tiến hành thủ tục phá sản từ 10/5/2011 mà đến ngày 25/08/2011 Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) công bố thông tin DVD mở thủ tục phá sản làm thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư không biết thông tin này (CafeF, 1/9/2011), chúng tôi sẽ điểm qua một số vấn đề của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các vấn đề về thị trường chứng khoán Việt Nam chúng tôi cũng có nói đến trong số những bài viết trước (Dự đoán kinh tế, 18/04/2011) Tựu trung lại là chúng tôi dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sụp đổ do thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính của các công ty tham gia và cách quản lý thị trường yếu kém của UBCKNN.
Lợi ích của sàn chứng khoán, thì không cần phải bàn cãi. Các sàn chứng khoán bị sập, dẹp, thì quả là kinh tế Việt Nam bị thụt lùi 20 năm.
TTCK lẽ ra là nơi trao đổi tốt đẹp, lành mạnh, các cty có thể mượn nợ, các xếp lớn không cần phải nhận lương cao (mà chỉ nhận stock options – quyền chọn mua cổ phiếu).
Nhưng do quá nhiều tham nhũng, TTCK VN sắp bị sập, rất uổng.
Thiếu minh bạch
Công ty Dược Viễn Đông sập, kéo theo bao nhà đầu tư mất trắng. Còn nhiều vụ khác nữa, sẽ mau thôi.
Chẳng có xứ nào mà Kế toán trưởng lại lương cao như tại VN, có nhiều cổ phiếu, và GIÀU như tại VN.
Bởi vì, chức này rất khó, vì phải làm giả các con số, lừa gạt cty audit, chạy vay tiền ngân hàng và xã hội đen, đút lót cho bên Thuế vụ, Hải quan để giảm thuế, lừa gạt cổ đông nhẹ dạ, thuê “đội lái” đánh LÊN giá CK cty họ để lừa gạt người mua vào, v.v… (Tuổi trẻ, 3/12/2010)
Các báo cáo tài chánh VN có trung thực đâu, cho dù có Big 4 Auditors (KPMG, PwC, Ernst & Young, Deloitte Touche Tohmatsu), họ cũng làm giả cả.
Giả từ các biên nhận, các Auditors này đâu có trách nhiệm verify các biên nhận đó.
Các món tiền “chung, chi ngoài sổ sách” này, Kế toán trưởng phải phù phép cho trở thành chi tiêu có sổ sách, danh chính ngôn thuận. Là điều không hề dễ dàng.
Ví dụ chung cho Hải quan 10 tỉ đồng để tránh thuế 30 tỉ đồng, thì phải vào sổ sách chỗ nào?
Các con số tài chánh của VN thì 100% là giả dối, gian dối.
Họ nói lời nhiều, thì đó là lời ít hoặc huề vốn. Họ nói lời ít, thì đó là huề vốn hoặc lỗ nhẹ. Họ nói huề vốn, thì đó là lỗ ít hoặc nặng.
Họ nói lỗ ít, thì đó là lỗ nặng và RẤT nặng.
Họ nói lỗ “khá nặng”, thì đó là khi họ bị phá sản rồi.
Quản lý yếu kém
Rồi bên VN có thể tung CK ra thêm VÔ HẠN ĐỊNH, làm loãng giá các CK tung ra trước đó. Tại Mỹ phải được SEC chấp thuận, và cơ quan này rất công bằng, đừng hòng mua chuộc họ. (SEC)
Tại VN thì muốn tung thêm CK ra rất dễ thôi, lo lót vài tỉ là xong hết.
Hàng loạt cty được cho “tăng vốn”, trong khi THẬT RA do thua lỗ sạt nghiệp, tung thêm CK ra làm loãng giá, thiệt hại cho những ai ĐANG giữ CK họ, chứ số tiền thu vào chẳng phát triển sản xuất chút nào, mà chỉ để ban giám đốc chia nhau, để trả nợ ngân hàng đến kỳ đáo hạn. (Stockbiz, 15/08/2011)
Có “luật” đấy, nhưng các con số là giả, ai cũng biết, nhưng UBCK làm ngơ, vì họ ăn tiền nghẹt cổ họng hết cả.
Rồi có việc “giao dịch thỏa thuận” rất kỳ lạ, mua bán ngoài sàn, giá CAO HƠN giá giao dịch trong sàn, thử hỏi ai dại khờ gì mua giá cao hơn giá bán trong sàn, nếu không phải đây là hình thức chích steroids cho các Indices?
Rồi nhiều vụ giao dịch khác, cho dù trong sàn, nhưng ai tinh ý sẽ thấy ngay đó là các hình thức chích steroids cho 1 số CK, mà UBCK làm ngơ, vì chính họ được lệnh từ “cấp cao” phải làm ngơ, miễn là các việc này làm tăng các chỉ số.
Nhưng có biết đâu, 1 loại CK nào đó bị nâng giá cao, thì sẽ gây thiệt hại cho chính cty, tập đoàn đó, và cho mọi người trong sàn CK.
Giá cao thì sẽ gây P/E (price/ earning) cao, expectation càng cao thì khi earning thấp, giá sẽ bị sụt xuống theo, do đó sức ép giả mạo Earning càng to lớn kinh khủng, đã dối trá thì chỉ có 2 cách giải quyết, (1) thú nhận dối trá, (2) đặt ra các sự dối trá khác để che lấp.
————————————
Và thế là các báo cáo tài chánh ngày càng PHẢI bị làm giả, vì không lẽ thú nhận, các báo cáo tài chánh trong 10 năm qua đều dối trá cả?
Ponzi scheme tràn lan trên TTCK VN. Ai giờ này còn tin vào TTCK VN, thì quả thật phải là (1) thật khờ dại VÀ (2) có vốn thật nhiều (do yếu vốn đã bị phá sản từ lâu).
Có tiền đi đánh bạc casinos, có khi còn huề hoặc thắng, chứ bỏ tiền vào TTCK VN thi chỉ có con đường thua đậm mà thôi – trừ các fund managers, họ luôn có tiền management fees cho dù giá trị funds xuống còn 10%.
Sân chơi lẽ ra lành mạnh, khắp nơi trên thế giới đều như vậy, CP VN chỉ cần bắt chước đem vào, thế mà làm cũng không xong, để cho muôn vàn sự sai trái xảy ra, tham nhũng tận gốc rễ, UBCK là nơi nhận tiền hối lộ cực kỳ lớn, và kết quả là TTCK VN sắp sập tiệm.
Bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt, của cải ông bà để lại, của biết bao nhiêu trăm ngàn dân chúng khờ dại, nhẹ dạ, cả tin, bị mất sạch trong TTCK VN.
Số thua lỗ tại đây, theo tôi, không dưới 50 tỉ USD.
——————————–
Chỉ lấy sàn SG, hồi 3 năm trước có lúc lên trên 1000 điểm, nay chỉ còn 43%. Lạm phát trên 50% cho dù tính giá chính thức. Thế là thua lỗ, chỉ còn 22%.
Trong đó, rất nhiều người bán vàng, USD, mượn tiền ngân hàng; hoặc lẽ ra đã có thể dùng tiền này đầu tư vào các nơi đó.
Cho dù bỏ tiền vào ngân hàng VN, thì trong 3 năm qua cũng lời khoảng 12%/ năm, tức là 40% trong 3 năm.
Nói khác đi, ai có 1 triệu 3 năm trước, bỏ ngân hàng còn đem ra 1,4 triệu, chứ bỏ vào TTCK chỉ còn 430 ngàn, tức chỉ còn 30%.
Sàn SG nay trị giá khoảng 26,5 tỉ USD, vậy là khoảng 80 tỉ USD đã bị tiêu tan thành mây khói. (HoSE, số liệu cập nhật ngày 31/08/2011)
Ngoài ra, còn biết bao thời gian bỏ vào, biết bao buổi ăn nhậu, uống cafe, tiền bạc đút lót để lên sàn, để được cho phép tung thêm cổ phiếu đang khi cty, tập đoàn thua lỗ hết sạch đồng xu cuối cùng.
Tan nát hết, đổ bể hết.
Canh bạc cuối cùng
Câu hỏi đặt ra là bao giờ TTCK Việt Nam sẽ sập? Trước hết chúng ta thấy hiện tượng là tin tức vĩ mô chả có gì tốt mà TTCK Việt Nam cứ lên ầm ầm.
Thực sự mà nói, TTCK VN là thị trường gồm các “củ khoai nóng”. Không ai cầm trong tay lâu cả, mà chỉ là mua xong, sang tay ngay, không kịp thì phỏng tay. Người ta mua, hy vọng sang tay có lời. Nhưng số “lời” này không thể kéo dài mãi.
Khi củ khoai ngày càng nóng (giá càng cao), càng phải sang tay mau, chỉ cần sang không kịp vài ngày, bị xuống giá, thì xuống 1 đồng, con buôn lỗ 10 đồng, do đó sức bán chạy thu hồi vốn, cắt lỗ, lại càng mãnh liệt HƠN khi đánh lên.
“TTCK VN sập” là khi xuống giá quá mau, CP VN phải ra tay cứu, ví dụ như giảm biên độ còn 1-2% như đã từng làm hồi 2008, hoặc các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ chạy, cần bán mấy tỉ USD CK nhưng không ai mua.
Theo tôi, viễn cảnh quỹ đóng ngoại quốc bị cổ đông buộc phải bán ra hết, thu lại bao nhiêu hay bấy nhiêu, là rất có thể xảy ra, hơn bao giờ hết, trong vài tháng tới. Khi đó họ cần bán ra mấy tỉ USD CK, chắc chắn phải bán hạ giá 1/2 hoặc hơn, đẩy giá trị TTCK VN xuống hố, VN-Index còn dưói 250, sàn HN dưới 50.
Khi đó hàng loạt nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ lỗ không còn tiền mua xăng chạy về nhà. Phá sản hàng loạt (triệu người) sẽ xảy ra, nếu đủ mạnh có thể làm sập cả Hệ thống Ngân hàng do các ngân hàng quỵt nợ lẫn nhau và quỵt tiền dân chúng bỏ vào.
————————————-
Hiện cả 2 sàn đều mất giá hơn 1/2 trong vài năm qua, nhưng còn hoạt động vì xuống chậm, ví dụ ai mua CK hồi VN-Index 1100 thì khi còn 900-800 họ đã thua sặc gạch bỏ chạy, nhảy cầu, phá sản đi làm cu-li rồi.
Nhưng đừng ai đánh giá thấp sự ngu xuẩn của nhiều dân chúng VN, vì họ luôn làm ta ngạc nhiên với sự ngu dốt của họ. Hàng ngày vẫn có người tung tiền vào TTCK, có nguời vào lúc VN-Index 900-800, khi sụt còn 700-600 thì họ theo lớp trước phá sản, đại gia đi làm công nhân khiêng gạch.
Rồi lại cũng có người mới vào khi Index còn 700-600, thua thê thảm, nhưng đến nay lèo tèo 430 VẪN có người vào, vẫn có người làm ăn chỗ khác đút tiền vào đây nuôi CK.
Do kéo dài vài năm, số hết tiền chạy ra, số ngu dốt chạy vào, nên bề ngoài khá “yên ổn”. Nhưng nếu giá sụt 50% trong vài tuần, thì TẤT CẢ các nhà đầu tư hiện nay đều sập tiệm đồng loạt, khi đó sẽ rúng động và gây hoảng loạn trong mọi tầng lớp xã hội.
TTCK VN, và toàn bộ nền KT VN nói chung, một khi sập sẽ sập rất mau, chỉ trong vài ngày, do đó giá CK VN lên chỉ là build-up cho cú đổ vỡ cuối cùng mà thôi.
——————————————————————————–
Tuổi trẻ, Bắt Phó TGĐ Dược Viễn Đông, Tuổi trẻ, 3/12/2010http://tuoitre.vn/…/…/414063/Bat-Pho-TGD-Duoc-Vien-Dong.html
SEC, The Investor’s Advocate: How the SEC Protects Investors, Maintains Market Integrity, and Facilitates Capital Formation,http://www.sec.gov/about/whatwedo.shtml
CafeF, DVD phá sản và trách nhiệm của HoSE, 1/9/2011,http://cafef.vn/201…/dvd-pha-san-va-trach-nhiem-cua-hose.chn
Stockbiz, PVA: Câu hỏi lớn về phương án tăng vốn, 15/08/2011,http://www.stockbiz.vn/…/pva-cau-hoi-lon-ve-phuong-an-tang-…
Dự đoán kinh tế, TTCK VN: con Domino đầu tiên ngã quỵ trước QUY LUẬT THỊ TRƯỜNG, 18/04/2011, http://dudoankinhte.wordpress.com/…/ttck-vn-con-domino-d%E…/
HoSE, Số liệu Market cap, 31/08/2011,http://www.hsx.vn/hsx/Modules/webinfo/MarketCap.aspx