Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

TPP : Cái Nhìn Của Alan Từ 2 Năm Trước

TPP : Cái Nhìn Của Alan Từ 2 Năm Trước
Alan Phan
Ngày: 30 / 07 / 2013
Bất hạnh giúp ta thử thách tình bạn và nhận diện kẻ thù (Misfortune tests friends and detects enemies) Proverb
Trong những buổi nói chuyện của tôi gần đây, câu hỏi “hot” nhất của mọi doanh nhân từ Việt, ASEAN…đến Mỹ và Trung Quốc…là chuyện gia nhập của Việt Nam vào Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 10 quốc gia và 2 đại cường kinh tế, Mỹ Nhật. GDP của các hội viên TPP chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng TPP là một sách lược của Mỹ để chống sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc.
Căn bản của quyền lợi
Trước khi đi sâu về phân tích, tôi xin nói rõ là tôi không có một thông tin nào ngoài những tin tức bình luận trên các mạng truyền thông. Và tôi cũng không thể bàn sâu vào góc cạnh chính trị của sự kiện quan trọng này vì lý do đơn giản là “pháp luật” của Việt Nam không cho phép.
Trước hết, theo kinh nghiệm làm ăn và các cuộc thương thuyết trong lịch sử, hay chỉ đơn giản giữa 2 người “dân đen”, bất cứ một giao dịch thành công nào cũng đòi hỏi sự thỏa mãn tối thiểu giữa hai bện hay nhiều bên. Thuận mua vừa bán. Sự đổi chác về quyền hay lợi đều dựa trên căn bản: tôi được gì và mất gì trong giao dịch này? Dù có thể một bên thiếu xuy sét và hoang ưởng trong kỳ vọng (gọi là ngu xuẩn) nhưng vào thời điểm giao dịch, họ đều thương lượng gay gắt để đạt được điều mình muốn.
Do đó, muốn hiểu rõ hơn về sự gia nhập của Viêt Nam vào TPP, ta phải trở lại vấn đề căn bản: Việt Nam muốn gì và Mỹ muốn gì? Dĩ nhiên 10 nước còn lại cũng có những lợi ích quốc gia riêng của họ, nhưng với sự chi phối và với vai trò đầu đàn, Mỹ có thể “thuyết phục” họ khá dễ dàng.
Một sinh viên trẻ cũng có thể đọc báo để thấy Việt Nam muốn gì từ TPP: thị trường béo bở và rông mở của 2 quốc gia Mỹ Nhật. Hiện nay, Viêt Nam đang xuất khẩu hơn 20 tỷ USD qua thị trường Mỹ và 9 tỷ USD qua thị trường Nhật (khoảng 25% của GDP). Xuất siêu từ Mỹ lên đến 15 tỷ USD mỗi năm. Nếu được hưởng hàng rào thuế quan ưu đãi dành cho hội viên (gần bằng 0% cho phần lớn mặt hàng), lượng xuất khẩu Việt Nam qua TPP sẽ tăng gấp 2 lần, chỉ cần nhờ vào lợi thế cạnh tranh duy nhất này.
Những suy đoán sai lầm
Nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam cũng muốn tìm các đồng minh chiến lược mới, nhất là Mỹ, để hóa giải ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc về chánh trị và quân sự tại Biển Đông và sự áp đặt về cơ chế. Tôi không tin điều này. Việt Nam đã liên tục khẳng định “16 chữ vàng và 6 cái tốt” trong 80 năm lịch sử và gần đây nhất là vào 10 văn kiện vừa ký kết trong tháng 6 năm nay.
Trái với những suy đoán trước đây, tôi cho rằng thực sự Trung Quốc đang đứng sau và khuyến khích Việt Nam gia nhập TPP để họ có thể hưởng lợi gián tiếp từ khía cạnh kinh tế (sau khi đã nắm kỹ các yếu tô khác về đồng minh Việt).
Ba năm trước, tôi có tham dự nhiều buổi “trình diễn” (road show) tại Trung Quốc do các quỹ tư nhân ASEAN tìm nhà đầu tư vào Việt Nam. Phần lớn “không quan tâm” là câu trả lời. Trung Quốc đang xuất khẩu qua Việt Nam 29 tỷ USD mỗi năm (nhập siêu là 18 tỷ USD) chiếm đến 25% của GDP Việt mà không tốn sức lắm. Nhận xét chung của các doanh nhân Trung Quốc là việc đầu tư vào Việt Nam là một việc làm “thừa thãi”.
Tuy nhiên, 6 tháng vừa qua, tôi nhận liên tiếp những cuộc gọi và viếng thăm của doanh nhân Trung Quốc. Họ bắt đầu quan tâm đến việc thiết lập nhà máy tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP. Chẳng hạn hàng may mặc xuất từ Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế hải quan là 20% đến 40%. Với TPP, nhà máy tại Việt Nam sẽ thâu lợi ngay khoản chi phí này và các quyền lợi khác mà Việt Nam thường ưu đãi cho các dự án FDI. Tôi nghĩ chánh phủ Trung Quốc rất thú vị nếu dùng được bàn đạp Việt trong trận chiến kinh tế với Mỹ. Với hơn 80% sản phẩm Việt xuất khẩu phải tùy thuộc vào linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc, mối lợi cho Trung Quốc sẽ tăng lũy tiến với TPP. Có thể nói, Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ TPP nhiều hơn là Việt Nam.
Nhìn từ phía Mỹ
Dĩ nhiên, các chuyên gia Mỹ không ngu gì mà không biết những gì Trung Quốc và Việt Nam sẽ hưởng từ TPP. Tuy nhiên, cái gót chân Achilles của nước Mỹ luôn luôn là các chính trị gia và những nhóm lợi ích quyền lực, nhất là nhóm tài phiệt Mỹ (gốc Do Thái).
Trước hết, nhóm tư bản tài chánh của Mỹ không bao giờ quan tâm đến quyền lợi quốc gia. Với họ, toàn cầu hóa và lợi nhuận tối đa là mục tiêu chính. Những yếu tố khác như chánh trị hay quân sự là chuyện “người khác”. Vì sự hấp dẫn của thị trường 1.3 tỷ dân mà họ đã lao đầu không suy nghĩ vào Trung Quốc. Cho đến nay, qua các nguồn tài trợ, họ đã giúp Trung Quốc cất cánh và trở thành một đối thủ đáng quan ngại của Mỹ. Vì số lượng khủng của petrodollars (tiền thâu nhập từ dầu khí) mà giới tài chánh Wall Street ủng hộ các vương quốc và chế độ độc tài (kể cả việc đẩy Mỹ vào trận chiến Iraq). TPP là một miếng mồi ngon cho các tập đoàn này.
Ngay sau đó là phe chính trị “tả phái” của Mỹ, hiện bao gồm những trí thức tháp ngà và các nhà hoạt động xã hội trẻ (hơi dư thừa lý tưởng). Phe tả luôn thích ra tay “giúp” người nghèo hay nước nghèo qua OPM (tiền người khác). Với lá phiếu của thành phần “hưởng đủ mọi phúc lợi của xã hội mà không đóng thuế” đang chiếm đến 53% số cử tri, phe tả đang nằm trong thời kỳ vàng son của đủ mọi chương trình OPM. Lãnh đạo số 1 và tiêu biểu cho phe tả là ngài Barrack Obama.
Có thể nói Obama là một chuyên gia cao cấp về OPM. Sinh ra trong một gia đình hưởng nhiều phúc lợi (welfare benefits) vì cha mẹ nghèo, Obama đã hiểu ngay từ thời thơ ấu về sự hấp dẫn của OPM. Sau khi tốt nghiệp luật sư, chàng Obama chọn làm một nhà tổ chức cộng đồng (community organizer) hoàn toàn sống nhờ vào các chương trình xã hội từ tiền ngân sách của các chánh phủ liên bang và địa phương. Có thể nói, Obama và phe nhóm đã dùng OPM để leo lên tuyệt đỉnh của danh vọng.
Việc Obama tung chút tiền vào cá cược TPP cho Việt Nam cũng là một điều dễ hiểu. Các lãnh đạo Việt Nam đã thuyết phục Obama với ngôn ngữ OPM và chủ nghĩa xã hội mà Obama rất am hiểu. Thực ra, nếu nói về OPM, quan chức Việt Nam phải là sư phụ của Obama. Thay vì qua Việt Nam thăm viếng, tôi nghe đồn là Obama định dự một khóa tu nghiệp dài hạn về OPM tại Hà Nội sau khi thôi làm Tổng Thống Mỹ.
Cuối cùng, giới quân sự của Mỹ luôn luôn “yêu” chiến tranh, nơi sự nghiệp và quyền lợi của họ gắn liền vào cái gọi là “an ninh quốc gia” và “cảnh sát quốc tế”. Dù họ biết thừa về khả năng rủi ro khi đổ quân vào các xứ lạ, họ cũng biết là không có một cuộc chiến nào mà không đem thêm quyền lực và tiền bạc cho phe nhóm (dĩ nhiên cũng là OPM). Mộng ước biến Việt Nam thành một đồng minh chiến lược có lẽ sẽ tan theo mây khói khi Mỹ thực sự đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông; nhưng đối với những phí tổn đang phung phí toàn cầu, thì cái giá phải trả cho tư duy sai lầm này của phe quân sự Mỹ sẽ rất nhỏ và có thể xếp vào loại “thử và sai” (trial and error).
Rào cản còn lại
Ba nhóm trên đã bắt tay để bỏ qua quyền lợi kinh tế của quốc gia để theo đuổi một chánh sách nhiều “hoang tưởng”, nhất là khi nghĩ rằng Việt Nam sẽ thành một con cờ để “cân bằng” Trung Quốc trong địa chánh trị toàn cầu.
Nhiều người cho rằng vấn đề nhân quyền và dân chủ sẽ là một rào cản ngăn Việt Nam gia nhập TPP. Phe nhóm Obama sẽ cố “vận động dư luận” để thỏa mãn phần nào đòi hỏi của phe hữu và khối cử tri Việt Kiều về vấn đề này. Nhưng trong cốt lũy của các nhóm lợi ích này, “nhân quyền hay dân chủ” không bao giờ là mục tiêu, mà chỉ là “miệng lưỡi đầu môi” (lip service). Trong khi đó, phần lớn cử tri Mỹ khác sẽ không quan tâm vì đây là chuyện quá nhỏ trong đời sống bình nhật của người dân Mỹ. Nếu có cuộc khảo sát về TPP, tôi chắc là 90% dân Mỹ sẽ nghĩ nó là chữ viết tắt cho một hiệp hội quần vợt mới của Mỹ.
Do đó, trong bản thông cáo chung của ông Obama và ông Sang, hai bên cam kết là sẽ hoàn tất việc Việt Nam gia nhập TPP vào cuối năm. Nếu đúng vậy, đây sẽ là thắng lợi lớn lao cho quan chức Việt Nam, Trung Quốc và vài ba nhóm lợi ích của Mỹ.
May vẫn hơn hay
Tuy nhiên, nó cũng sẽ giúp sự hồi phục của nền kinh tế Việt sớm hơn dự đoán nhờ sự gia tăng về xuất khẩu và đầu tư FDI từ nhiều nơi, nhất là Trung Quốc. Trong tình thế gần như tuyệt vọng của nền kinh tế Việt, TPP sẽ là một phép mầu và ân sủng từ Thượng Đế. Lá số tử vi của quan chức Việt và Tàu quả thật là đầy sao may mắn.
Về phía Mỹ, sự thất vọng gần như chắc chắn trong 5 năm sắp tới khi các nhà tư bản Mỹ nhận ra là những số liệu thống kê và báo cáo tài chánh của các đối tác Việt Nam còn tệ hơn tiểu thuyết; và các nhà chính trị quân sự thấm hiểu lời khuyên về việc “đừng nghe những gì họ nói”…
Kẻ cắp khi gặp bà già …thì cũng phải bó tay.

Báo Economist Nhìn Lại TPP

Có chuyện gì to tát đâu?
What’s the big deal?
Economist 28.03.2015
Bản dịch: Kevin Bùi
Bài viết giải thích tại sao cơn gió hoảng loạn đã thổi vào cuộc đàm phán thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Các cuộc đàm phán về TPP, một hiệp định thương mại đầy tham vọng nối liền Mỹ, Nhật Bản và mười nước khác – có tổng GDP chiếm tới 40% toàn cầu – đã lỡ quá nhiều kỳ hạn tới mức mà lỡ thêm một lần nữa có vẻ cũng không thành vấn đề. Nhưng các cuộc đối thoại đã tới điểm không thể rút lui. Nếu không có được một thoả thuận trong vài tuần tới, sẽ không có đủ thời gian để hoàn tất TPP trước khi nước Mỹ bị lôi kéo vào chiến dịch tranh cử tổng thống, và tiến bộ sẽ không thể có được cho tới năm 2017. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ cứ khăng khăng rằng hiệp định này đang diễn tiến như kế hoạch. Họ đôi khi có vẻ như đang tự thuyết phục chính mình rằng mục tiêu ấy – giờ đây là cốt lõi của chiến lược của Mỹ, vẫn còn có thể đạt được.
Mức căng thẳng của họ đã tăng cao với sự mất mặt của Mỹ gần đây trước Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một tổ chức phát triển tài chính đa phương mới do Trung Quốc lãnh đạo. Một số đồng minh thân cận của Mỹ đã đồng ý gia nhập để trở thành thành viên sáng lập, bỏ qua những lời cầu xin của Mỹ hãy tránh xa AIIB như một mối đe doạ tới các tiêu chuẩn toàn cầu. Sau thất bại đó, nước Mỹ cần TPP thành công hơn bao giờ hết. Họ rất có thể hoàn thành điều đó. Tuy nhiên vòng đối thoại gần đây nhất ở Hawaii, dường như đã kết thúc với nhiều bất đồng quan trọng chưa được giải quyết.
Điều này không hề gây ngạc nhiên. TPP được coi là hiệp định “của thế kỷ 21”, bao gồm các cải cách gây tranh cãi trong các lĩnh vực như tài sản trí tuệ, cách đối xử với các công ty nhà nước, các tiêu chuẩn về môi trường và lao động. Nó bao gồm các nền kinh tế ở các giai đoạn phát triển rất khác nhau – từ Peru và Việt Nam cho tới Mỹ và Úc. Và thậm chí với các vấn đề của thế kỷ 20 về thuế nhập khẩu và tiếp cận thị trường, vẫn tồn đọng khoảng cách lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP, Mỹ và Nhật Bản. Cả về lĩnh vực nông nghiệp lẫn công nghiệp ô tô, Mỹ đều đòi hỏi những nhượng bộ mà thủ tướng Nhật, ông Shino Abe khó tìm được sự hậu thuẫn chính trị.
Tuy nhiên, các vấn đề khó khăn nhất, lại có thể lại ở chính Washington. Mười một quốc gia còn lại sẽ miễn cưỡng lật những lá bài cuối cho tới khi chính quyền Obama “đẩy nhanh” được Quyền Xúc tiến thương mại (Trade Promotion Authority) từ Quốc hội. Không có TPA, Quốc hội có thể loại bỏ bất kỳ điều khoản thoả thuận nào thay vì thông qua hay bác bỏ toàn bộ hiệp định. Và còn lâu mới có được TPA. Hiệp ước đang đối mặt với các chỉ trích từ cánh hữu đảng Cộng hoà cũng và rất nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ. Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel- cây viết thường xuyên trên tờ New York Times, đã đánh giá ảnh hưởng kinh tế của TPP là “yếu”. Vào tháng hai (2015), ông đã viết rằng nếu TPP không thành công cũng “không phải chuyện gì lớn”.
Ông Krugman đã sai ở đây. Thất bại trong việc hoàn thành TPP sẽ là đòn khủng khiếp tới các lợi ích của Mỹ với nhiều nguyên do. Bản thân tự do thương mại đã là một lý do. Với việc mất đi các triển vọng để đạt được các thoả hiệp toàn cầu tại WTO, hy vọng của Mỹ nằm ở TPP và xa xôi hơn là các hiệp định xuyên Đại Tây Dương và Đối tác đầu tư với châu Âu. Trong bài phát biểu thông điệp liên bang trước Quốc hội hồi tháng Giêng, Barack Obama nhấn mạnh vào “khu vực phát triển nhanh nhất thế giới”, tức là Châu Á và Thái Bình Dương.
TPP cũng đã trở thành trọng tâm của liên minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á – Nhật Bản. Hoàn thành được TPP sẽ cho thấy hai đất nước có thể vượt qua những tranh cãi thương mại vốn luôn luôn là thước đo cho mối quan hệ. TPP cũng được xem là phần cốt yếu trong chiến lược của ông Abe để kéo nền kinh tế Nhật Bản ra khỏi sự trì trệ kéo dài, phần nào dựa vào các cải cách cơ cấu bắt buộc trên nền tảng TPP. Trong tuần qua, ông Obama đã xác nhận lời mời ông Abe tới Nhà Trắng vào ngày 28 tháng 4. Ông Abe cũng sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Nhưng việc không thể hoàn tất được TPP, cộng với những khó khăn mới trong việc di chuyển một căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Okinawa phía nam Nhật Bản có thể khiến việc công bố ra những lỗ hổng trong tình bạn vĩnh cửu giữa hai nước là không thể tránh khỏi.
Nói rộng hơn, một trọng tâm khoe khoang khác của chính sách ngoại giao Obama, “chuyển trục” hay “ tái cân bằng” các lợi ích của Mỹ về châu Á cũng vậy. Về mặt ngoại giao, điều này luôn có vẻ cho có lệ, vì các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và châu Âu đã làm phân tâm Mỹ. Các yếu tố quân sự tới giờ có vẻ chưa phải rất đáng kể. Và do vậy ngày càng nhiều các nhấn mạnh tới yếu tố kinh tế – chính là TPP. Sau khi đã quảng cáo nó là một biểu tượng Mỹ trong vai trò lãnh đạo khu vực này, Mỹ khó có thể than phiền nếu các nước khác cũng hiểu theo nghĩa này.
Dầu vậy, khi ông Obama trong bài phát biểu Thông điệp liên bang cổ vũ cho TPA, ông đã không bảo vệ nó như là về thương mại toàn cầu, về liên minh với Nhật Bản hay “tái cân bằng” với châu Á. Thay vào đó, ông lập luận rằng TPP là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh chiến lược từ Trung Quốc, mà theo ông , muốn “thiết lập các quy tắc” trong khu vực.
Trung Quốc hiện tại bị loại trừ khỏi TPP, nhưng đang tham gia đàm phán với 15 quốc gia khác, bao gồm 10 thành viên khối ASEAN, cũng như Ấn Độ và Nhật Bản, về một cái có thể coi là hiệp định thương mại đối lập, gọi là RCEP. Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ rằng TPP được thiết kế để loại trừ nó – một trong các chính sách kiềm toả của Mỹ. Ví dụ, tại sao Việt Nam lại được tham gia? – một số học giả Trung Quốc đặt câu hỏi. Nền kinh tế đó (Việt Nam) cũng thiếu minh bạch và bị bóp méo bởi các doanh nghiệp nhà nước.
Ảo tưởng về cuộc chơi kẻ được người mất
Vậy là cuộc chiến đấu để hoàn tất các hiệp định thương mại dường như đã trở thành một lĩnh vực cạnh tranh chiến lược khác giữa Mỹ và Trung Quốc khi họ đấu nhau để giành ảnh hưởng trong khu vực. Cũng như với thất bại (của Mỹ) với AIIB, điều này là không đáng : Cả hai đất nước đều có lợi từ việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu mà TPP lẫn RCEP mang lại. Và Trung Quốc được tự do tham gia TPP nếu họ chấp nhận luật chơi, và điều này là không loại trừ. Giấc mơ ở đây là, cuối cùng thì sự chồng chéo các hiệp định thương mại sẽ hợp nhất một khu vực tự do thương mại rộng lớn bao gồm cả Mỹ lẫn Trung Quốc – dưới hệ thống luật lệ kiểu Mỹ. Vì vậy mỗi nước nên cổ vũ nỗ lực của nước kia. Thất bại trong việc hoàn thành TPP sẽ là thất bại nặng nề về mặt ngoại giao cho Mỹ vì nhiều nguyên do. Chọn cách mô tả TPP như cách chống lại mối hiểm hoạ từ Trung Quốc là thêm vào một lý do không cần thiết: Nó sẽ giống như một thắng lợi của Trung Quốc.