Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Những Gì Chờ Đợi Việt Nam ?

Nguồn : Vững Đại Phát

Alan Phan
27 December 2014
Tôi có thói quen hay ghi lại những gì đang lộn xộn trong đầu óc khi chợt thức giữa đêm. Noel 2014 đã qua và New Year 2015 sắp đến, không biết sao tôi lại nhớ đến câu nói này của 2 danh nhân;” Suy tư thường dễ dàng, hành động thường khó khăn, và điều khó khăn nhất thế giới là biến suy tư thành hành động – Thinking is easy, acting is difficult, and to put one’s thought into action is the most difficult thing in the world – J. W. von Goethe.” Rồi ,” Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu – Discipline is the bridge between goals and accomplishment – Jim Rohn” .
Bao nhiêu câu hỏi từ các phóng viên, từ các emails riêng tư của bạn đọc…đều quay quanh chủ đề là theo góc nhìn của Alan, trong năm 2015 và xa hơn, những gì sẽ đến với Việt Nam và các thành phần trong xã hội. Doanh nghiệp nào hay ngành nghề nào hay kênh đầu tư nào sẽ chịu thiệt và ai sẽ hưởng lợi. Hệ thống ngân hàng hay bất động sản có vỡ trận? Kinh tế thế giới sẽ tác động thế nào vào Việt Nam? Vì tôi đã im lặng khá lâu về các vấn đề trên, nên các bạn khuyên là phải “xả bầu tâm sự” vào dịp cuối năm này.
Như thường lệ, xin cảnh báo cùng bạn đọc đây chỉ là một phân tích cá nhân nhiều chủ quan của một nhà kinh doanh và đầu tư, không phải là một nghiên khảo gì sâu sắc theo chuẩn của giới hàn lâm. Tôi hy vọng nếu có sai lầm thì chỉ mình ông già Alan phải trả giá.
Trước hết là xu thế toàn cầu. Vụ giá dầu thô giảm kỷ lục vì đồng Mỹ kim lên giá, vì vài tác nhân địa chính trị cũng như vì luật cung cầu là một thiên nga đen khá bất ngờ trong dự đoán kinh tế cho 2014. Tôi nghĩ rằng tình hình bất ổn từ sự kiện này sẽ tiếp tục diễn biến trong vài năm tới. Dù gây thâm thụt cho ngân sách các quốc gia xuất khẩu dầu, giá dầu thô rẻ sẽ kích thích thêm mãi lực của người tiêu dùng và giữ lạm phát toàn cầu ở mức rất thấp. Tuy nhiên, với những món nợ công và tư thanh toán bằng Mỹ kim, gánh nặng gia tăng trên vốn và lãi có thể cao hơn những lợi ích thu lại từ tiêu dùng.
Về địa chính trị, Mỹ và Tây Âu đang thắng thế trong những tranh chấp với các cường quốc cũ từ khối Cộng Sản. Nga và Trung Quốc dầu có liên minh chặt chẽ cũng không đủ lực để xoay trở thế cờ. Tuy nhiên, với lòng sĩ diện cao độ của 2 ông Putin và Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc có thể khuấy lên những phá rối địa phương, cũng như họp với nhóm Hồi giáo cực đoan để gây thêm bất ổn cho những thăng bằng về quyền lực và đồng Mỹ kim. Mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ vào năm 2016 sẽ tuỳ thuộc nhiều vào các biến động này.
Quay lại Việt Nam, mối đe doạ lớn nhất cho chính quyền là những thành tựu hay thất bại về kinh tế, nhất là việc nâng cao mức thu nhập của đa số người dân. Việc thay đổi cơ chế và tái cấu trúc toàn diện tuy cần thiết nhưng sẽ tiếp tục nằm trên bàn giấy của các quan chức; lý do là có quá nhiều dây mơ rễ má và mâu thuẫn của các thế lực lợi ích, để thay đổi sâu rộng trong việc thực thi bất cứ giải pháp gì về nền kinh tế. Dù được nhiều nhóm tư bản đỏ ủng hộ (hy vọng một chuyển giao tài sản lớn lao như Nga 20 năm trước), việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn trì trệ vì các phe nhóm đảng không chịu buông.
Do đó, mức thu nhập thực sự của đa số người dân sẽ không thể gia tăng nếu tính theo PPP (parity purchasing power) với tỷ giá đô la sẽ tăng cao ở thị trường tự do. Ngoài ra, vì sự thiếu hụt ngân sách trầm trọng hơn, chính phủ sẽ truy thu tận mức mọi loại thuế phí, tạo thêm gánh nặng đã quá tải cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, giới cầm quyền sẽ yên tâm vì hai cột trụ FDI và kiều hối vẫn tăng đều đặn và tiếp tục yểm trợ cho các hoạt động kinh tế chính yếu, nhất là tăng trưởng GDP và dự trữ ngoại hối, ít nhất trên thống kê của chính phủ.
Ngoài ra, mặc cho bao bơm thổi từ PR công và tư, chứng khoán, bất động sản và những hoạt động kinh doanh tư nhân vẫn èo uột và không thể đột phá. Bài toán nợ xấu sẽ phải đợi vài năm tới khi kinh tế khả quan hơn và chính phủ có đủ phương tiện thanh toán.
Trong khi đó, một thiểu số người giàu và những thành phần hưởng lợi từ FDI và kiều hối sẽ an hưởng nhiều phúc lợi hơn từ thu nhập cao cùng việc giảm phát. Họ gồm các quan chức, những nhân viên và đối tác làm cho doanh nghiệp FDI và các hộ dân có tiếp tế từ nước ngoài. Nhóm quản lý trẻ Việt kiều sẽ tăng nhân số vì các công ty đa quốc thích sử dụng họ tại những địa phương bản xứ.
Phần còn lại, đa số người dân sẽ hứng chịu một tình huống tệ hơn vì thu nhập không tăng, làm ăn khó khăn vì cạnh tranh của toàn cầu và sưu cao thuế nặng của Việt Nam. Họ vẫn phải tiếp tục đối đầu với ô nhiễm môi trường do các nhà máy FDI mới; với tệ nạn quản lý giáo dục và y tế công cộng; với thực phẩm độc hại và thói quen ăn nhậu, thuốc lá…bừa bãi; với nạn giao thông hỗn loạn; với tham nhũng phong bì khắp nơi và trên hết là sự thiếu hụt một mạng lưới an ninh xã hội cho người nghèo. Một yếu tố mới có thể gây bất ổn xã hội là sự du nhập những công dân hạng nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc… trong bối cảnh một một nền chính trị tư pháp “vũ như cẩn”.
Chất xám và tư bản “đen” tiếp tục “di cư” và tinh hoa của đất nước càng ngày càng biến dạng. Sự tạm bợ thành căn bản trong văn hoá và tư duy nên phong cách sống không còn chiều sâu. Mọi người thi nhau tranh giành, chụp giựt nên tội phạm sẽ gia tăng và chủ nghĩa mackeno sẽ thăng hoa trên nhiều khía cạnh.
Tuy nhiên, ngoài những tranh chấp quyền lực vẫn thường xẩy ra ở thượng tầng lãnh đạo, không một nội lực nào có đủ khả năng để tạo thay đổi về chính trị. Trong lịch sử cận đại, mọi thay đổi của Việt Nam đều đến từ những tác nhân “nước ngoài”. Hiện nay, mọi cường quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam đều chấp nhận nguyên tắc “live and let live”. Không ai muốn quấy rối một “status quo”, dù sự ổn định đó là thực hay ảo, phi lý hay theo thời .
Trong những nước tôi đã đi qua, Nigeria tạo cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Đây là quốc gia đông dân nhất của châu Phi, với tài nguyên “tiền rừng bạc biển” nhờ dầu khí và khoáng sản. Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất trù phú nông nghiệp, thuận lợi cho kỹ nghệ du lịch, và địa chính trị cạnh biển tạo một nền thương mại khá phồn thịnh cách đây vài trăm năm.
Trong lịch sử, Nigeria bị đô hộ bởi thực dân Anh hơn 15 thập niên, dành độc lập ít lâu thì lâm vào cuộc nội chiến tàn khốc, giữa nhóm dân Hausa và Yoruba, có liên quan đến chủ nghĩa, truyền thống bộ lạc và yếu tố Thiên Chúa giáo-Hồi giáo. Vài lãnh tụ cũng tập tễnh theo chủ nghĩa Mác Lê, nhưng chỉ sau vài năm, họ vái dài CNXH và quay lại với tư bản hoang dã.
Dân Nigeria thông minh, khôn vặt, năng động và quỷ quái nhất châu Phi. Họ phiêu lưu khắp thế giới “xuất khẩu lao động” và đóng góp số tiền kiều hối khoảng 22 tỷ đô la mỗi năm. Với GDP chừng 500 tỷ, chia ra cho 175 triệu dân, thu nhập hàng năm của mỗi người dân khoảng 2,800 đô la. Chính phủ Nigeria nổi tiếng về tham nhũng, lãng phí, có quá nhiều “đầy tớ nhân dân” cùng luật rừng, một nhóm đại gia siêu giàu và kinh tế gần như tuỳ thuộc hoàn toàn vào FDI và kiều hối. Dân Nigeria cũng say mê bóng đá, sex và scams (lừa bịp).
Khác với Việt Nam, Nigeria có một nền dân chủ đa nguyên (ít nhất là trên giấy tờ); và thống kê của chính phủ có vẻ chân thật: tỷ lệ thất nghiệp là 24%…và không lãnh đạo nào tuyên bố dân họ…hạnh phúc nhất nhì thế giới. Về văn hoá, nhà văn Wole Soyinka của Nigeria đã từng đoạt giải Nobel về văn học: ông Chinua Achebe tạo tiếng vang thế giới với tác phẩm Things Fall Apart (Mọi Thứ Gẫy Đổ).
Một anh bạn người Nigeria cùng học với tôi ở Penn State 51 năm về trước vẫn giữ liên lạc. Anh về nước khoảng 1970, năng động trên trường chính trị Nigerian, leo đến chức Bộ Trưởng vài năm dưới một chánh quyền quân sự nào đó thời 90’s. Trong một cuộc đảo chánh, vợ con bị giết, anh chạy thoát qua Mỹ tỵ nạn và giữ một chân giảng viên đại học ở Mid-west cho đến nay. Anh vẫn trăn trở với quê hương đất nước và đợi chờ mỏi mòn cho một đổi mới, anh gọi là new dawn (bình minh mới). Cách đây 2 tháng, tôi cùng anh chuyện trò vớ vẩn qua điện thoại. Sau 20 phút, anh kết luận, “Yes, I’m still waiting…but I‘m no longer knowing what to expect…What’s about Vietnam?” (Vâng, tôi vẫn chờ…nhưng tôi không còn biết phải mong đợi điều gì?..Còn Việt Nam thì sao? “)
Tôi im lặng và nói goodbye.
Alan Phan
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VỮNG ĐẠI PHÁT
Getting To Know Bisiness Models .Stratigic Market Planning
Contact : fast.vdp@gmail.com

Cho Người Thiện Tâm...

Nguồn : Vững Đại Phát

Alan Phan
Nếu bạn không có Giáng Sinh trong trái tim, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó dưới cây thông Noel (He who has not Christmas in his heart will never find it under the tree – Roy L. Smith)
Vài ngày trước, câu trả lời ngắn gọn của tôi cho comment của một đọc giả tạo nên một làn sóng email làm tôi ngạc nhiên. Chuyện tự hào dân tộc quả là rất lớn lao ở xứ này. Người bạn yêu nước và yêu bóng đá này viết,” đừng làm anh hùng bàn phím, hãy làm gì cho đất nước tự hào rồi mới được mở miệng…” Tôi đáp,” nếu đây là một điều kiện hiến định cho tự do ngôn luận, thì chúng ta phải đóng cửa hết hệ thống VTV, VTC…và 700 tờ báo lề Đảng sao? Còn các quan chức thì phải ngậm miệng ăn tiền à? Kỳ quá”. Rồi tôi suy nghĩ thêm và viết tiếp,” Thực ra, tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị này. Sau gần trăm năm, hai lỗ tai tôi bị ô nhiễm khá tồi tệ với những cái loa nhảm nhỉ, có lẽ chúng cũng cần nghỉ ngơi và tĩnh lặng…”
Nhất là trong những đêm mùa đông đem theo cái lạnh buốt người đang từng bước quay về. Tôi khá bận rộn với những sổ sách, thuế má cuối năm cho công việc, nhưng vẫn còn vài giây phút rãnh rỗi để “tâm tư” với bạn bè, thân hữu qua các bài viết. Tuy nhiên, tôi không biết viết gì. Bao nhiêu câu hỏi phỏng vấn qua emails, bao nhiêu yêu cầu về bài cho báo xuân…tôi phải né tránh. Vì những âm thanh và cuồng nộ (the sound and the fury) từ quê nhà hay từ thế giới bao phủ đầu óc và nhận thức, tạo nên một lớp sương mù dầy đặc khiến chúng ta dễ lạc lối. Sự thật hay góc nhìn nào của tư duy cũng dễ dàng bị cảm xúc nhất thời chế ngự, gây nguy hiểm cho bất cứ quyết định nào về tương lai.
Do đó, mùa lễ cuối năm là dịp may để có thì giờ rãnh rỗi nhìn lại hành trình năm qua, những sự kiện hiện tại đang uốn nắn tương lai và những điều chỉnh cần thiết để đạt mục tiêu cho ngày tháng còn lại.
Tôi đã qua 69 mùa Noel. Ngoài những năm còn bé chưa biết gì, những ấn tượng lúc sâu đậm lúc hời hợt của quá khứ vẫn tràn phủ khi nghe lại “Bài Thánh Ca Buồn” (phải Elvis Phương hát) và những tiếng chuông lúc lắc cùng bầy trẻ ngân nga “Jingle Bells”. Năm của tình yêu đầu đời khi nắm tay người yêu bên Vương Cung Thánh Đường, năm của nghèo đói với gia đình lóc nhóc vừa đến Mỹ định cư, năm của “phồn vinh giả tạo” khi cùng cô siêu mẫu đi sắm quà ở Paris, năm của cô đơn khi còn là học sinh co ro bên cạnh con đường dốc Đà Lạt, rồi nằm nghe tiếng súng và tiếng chuông hoà lẫn giữa đêm….
Mỗi kỷ niệm là một tấm thiệp mừng tôi trân trọng nhận, dù chỉ vài nét chữ đơn sơ hay một công trình nghệ thuật thêu trên lụa. Và tôi nhận ra một điều, những ký ức đó hoàn toàn không có những con số kiểm toán hay môi trường kinh doanh hay tình hình thế giới. Tôi có thể nhớ nhiều chi tiết nhỏ của từng ngày lễ đã qua, nhưng sẽ không trả lời được là năm đó mình giàu hay nghèo, thế giới thực sự bình an hay chiến tranh, con người đang văn minh hay đồ đá…
Tôi chỉ biết là dù thế nào, trong những tĩnh lặng thiêng liêng của không gian, tôi đã rất bình an trước mọi chuyện. Như một con thuyền nhỏ trôi trên sóng, lớn hay nhỏ, vẫn mênh mang tự tại, tin vào một định mệnh luôn tốt đẹp hơn sau bức màn sương.
Năm nay, như mọi năm, thế giới cố gắng biến đổi nhiều để thích ứng tìm giải pháp cho mọi vấn đề của con người. Trong khi giới trẻ của kỹ thuật số nhộn nhịp với Iphone, công nghệ Uber, giấc mơ IPO cho công ty garage của mình, thì châu Phi quằn quại với Ebola, nhiều cuộc nội chiến, khủng bố bắt cóc. Khắp nơi, ai cũng bị thu hút vào lý do mất tích của những máy bay của Malaysian Airlines, những trận thư hùng của Đức ở World Cup, sự tàn bạo của ISIS, vụ giá dầu giảm mạnh, đồng Mỹ kim lên ngôi, Nga Tầu đang muốn liên minh chống Âu Mỹ với phản ứng phụ là cuộc chiến Ukraine và liên hệ Mỹ-Cuba.
Việt Nam thì vẫn là Việt Nam. Mặc cho âm thanh của thế giới và cuồng nộ của những người đã sáng mắt, nhà cầm quyền và đa số người dân vẫn kiên định xây dựng một cái lều theo mẫu thiết kế từ trăm năm nay. Chúng ta vẫn hạnh phúc nhất nhì trong văn hoá vỉa hè, kèm theo những giờ nhậu và cà phê quên nghỉ, mặc cho rác rưởi và chất thải lềnh bềnh khắp nơi, dù giữa mưa triều cường hay trong nắng nóng khô gắt. Mặc cho các dự đoán lạc quan từ bộ loa tuyên vận và cheerleading crowds từ những tư bản đỏ-trắng, nội- ngoại, có lẽ mức sống và thu nhập của người Việt vẫn sẽ đội sổ thế giới trong vài thập niên tới. Chuyện nợ xấu, nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước, nợ tham nhũng, nợ bất động sản, nợ thuế phí, nợ quan chức, nợ Trung Quốc…thì muôn đời sẽ vẫn là nợ…vì nó đã trở thành chuyện hàng ngày của huyện.
Nhiều người gọi đó là lời nguyền của Tạo Hoá, cho những ai quá “khôn” với “tiền rừng bạc biển” và “cơ hội”. Cứ hỏi Nigeria hay Zimbabwe.
Có lẽ vì vậy mà mỗi năm, dư âm của câu hát “bình an dưới thế cho người thiện tâm” vẫn vang vọng như một lời nhắc nhở. Rằng mặc cho ngoại cảnh có tiêu điều, mỗi con người vẫn còn được lựa chọn trong tư duy và kiến thức cho cá nhân, nhất là khi đắm mình vào tĩnh lặng của một ngày lễ thánh. Một chánh quyền thời Trung Cổ có thể bỏ tù anh lái đò chuyên chở món quốc cấm gọi là sự thật, nhưng thế giới số ngày nay có quá nhiều con đò, quá nhiều sự thật (hay góc nhìn), quá nhiều phương tiện tiếp cận, quá nhiều tâm huyết vô vụ lợi…để một bàn tay có thể che ánh mặt trời.
Cho nên trong cái dằn vặt bởi sự phi lý của nhân tình và sự ngu xuẩn của đám đông, thông điệp của đêm đông lạnh lẽo năm nay là hãy chung tay đốt lửa, để trừ đuổi tà ma và sưởi ấm những con người thiện tâm. Mặt trời vẫn sẽ mọc ngày mai….
Have yourself a merry little Christmas…..
Alan Phan
Và một bài hát cho người thiện tâm…
https://www.youtube.com/watch?v=Km6i04BeCKs
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VỮNG ĐẠI PHÁT
Getting To Know Bisiness Models .Stratigic Market Planning
Contact : fast.vdp@gmail.com
Happy New Year!! Christmas songs: Rockin' Around Christmas Tree - http://www.youtube.com/watch?v=OXfoB5hrtkg Last Christmas -http://www.youtube.com/watch?v=...

Nền kinh tế thế giới 2015 theo Guardian Năm 2015: Bước ngoặt của nền kinh tế thế giới

Nguồn : Vững Đại Phát

Theo Lâm Giang – GDVN – 30 Dec 2014
Có 5 yếu tố quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới 2015 là giá dầu, tình hình tài chính và kinh tế tại Nga, Trung Quốc, Mỹ, Eurozone.
Trong năm tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ có sự thay đổi bước ngoặt đối với nhiều quốc gia. Nó có thể sẽ mang lại hy vọng về sự cải thiện đáng kể trong tình hình tài chính và kinh tế, nhưng cũng có một số yếu tố có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề tồn tại, tờ Guardian hôm 29/12 đưa tin cho biết.
Tờ báo hàng đầu của Anh cho rằng, các yếu tố nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2015 sẽ gồm giá dầu, các vấn đề kinh tế của Nga và Ukraine, tình trạng nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro.
Đối với dầu, một mặt, việc giảm giá của vàng đen có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu dùng và giảm chi phí cho các công ty. Mặt khác, các nhà phân tích cảnh báo rằng sự sụp đổ giá dầu có thể tạo ra “căng thẳng tín dụng” gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Venezuela và Iran, ngành công nghiệp năng lượng Mỹ.
Giá dầu cũng chi phối phúc lợi của Nga. Nếu Nga sẽ không thể vượt qua được những khó khăn kinh tế trong năm tới, sẽ xuất hiện một “hiệu ứng domino” trong các láng giềng với Nga và các nước EU, The Guardian nhận định.
Cũng trong năm 2015, sự chú ý sẽ vẫn tập trung vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014. Trung Quốc cũng có thể được xem là nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay và theo tạp chí Economist, Bắc Kinh cũng sẽ sớm gia nhập các nước có dự trữ tiền mạnh nhất thế giới.
Nhưng năm 2014 có thể được xem là khá khó khăn đối với Bắc Kinh. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 sẽ chậm hơn nhiều so với trước.
Dù tăng trưởng chậm, nhưng dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc từ các nước khác sẽ giảm vào năm 2015. Trong khi đó, hàng giá rẻ từ Trung Quốc có thể gây ra tình trạng giảm phát, đặc biệt là ở khu vực châu Âu.
Một trong những khó khăn chính đối với Mỹ trong năm tới sẽ là tìm ra một giải pháp để nâng lãi suất cơ bản. Tại thời điểm này, tỷ lệ được duy trì ở mức thấp kỷ lục từ 0 đến 0,25% mỗi năm. Tuy nhiên, sự cải thiện tương đối ở nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây sớm hay muộn cũng sẽ đẩy lãi suất cơ bản lên.
Đối với khu vực đồng Euro, năm 2015 cũng mang lại các tín hiệu chắc chắn về tương lai của mình. Trong năm 2014, Eurozone đã thất bại trong việc vượt qua những mối đe dọa giảm phát và tăng trưởng. Và các vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới.
Tất cả các biện pháp của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong những tháng gần đây, không phải là thuốc chữa bách bệnh cho mọi vấn đề, đặc biệt là cuộc chiến chống giảm phát.
ECB, theo Guardian, chỉ có một vũ khí mạnh mẽ là nới lỏng định lượng, trong đó các ngân hàng trung ương đang mua các tài sản tài chính để bơm một số tiền nhất định vào nền kinh tế. Nhưng cho đến thời điểm này, chính sách trên vẫn không được thực hiện do những khó khăn từ Đức. Tuy nhiên, nếu ECB không đi nới lỏng định lượng vào năm 2015, nó sẽ mở ra một sự hoảng sợ trong các nhà đầu tư.
Vào đầu năm 2015, nền kinh tế thế giới sẽ có mặt với hai xu hướng. Một đường đưa nó đến sự phục hồi sôi động nhờ sự sụt giảm giá dầu cũng như tăng trưởng kinh tế. Một con đường khác đưa nền kinh tế toàn cầu suy thoái./.
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VỮNG ĐẠI PHÁT
Getting To Know Business Models .Stratigic Market Planning
Contact : fast.vdp@gmail.com

Người Việt làm nails ở Mỹ

Nguồn : Vững Đại Phát

VNExpress – 16 June 2011
Nghề làm móng không phải công việc dễ dàng. Khách hàng có thể tận hưởng những giây phút được yêu chiều nhưng đối với những người thợ, họ phải chính xác, kiên nhẫn và có kiến thức về thẩm mỹ.
Có khoảng 200 tiệm làm móng ở vùng Upstate New York và khoảng 60 tiệm ở vùng Rochester, bang New York, Mỹ. Một số tiệm chỉ chuyên về móng nhưng nhiều cơ sở có cả các dịch vụ làm đẹp khác như làm tóc và spa. Các cơ sở này tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người ở bang New York và khắp nước Mỹ.
Suốt 35 năm qua, nhiều tiệm nails ở Rochester và khắp nước Mỹ trở thành lĩnh vực làm ăn của người Việt nhập cư. Tại California, nơi cộng đồng người Việt tập trung đông nhất tại Mỹ, khoảng 80% số thợ nails là người Việt. Tính trên khắp nước Mỹ, 43% số lao động trong nghề này là người Việt.
Tracy Van từ Sài Gòn đến Rochester khi cô 16 tuổi. Khi đó cô đang học trung học và không biết một chữ tiếng Anh. Gia đình Van đến Mỹ rồi chia ra ở với họ hàng. “Mọi thứ thật khó khăn. Khi đó tôi gần học xong trung học nên kiến thức về toán và khoa học cũng tương đối so với học sinh ở đây. Tôi có thể dành nhiều thời gian tập trung vào học tiếng Anh”, Van cho biết.
Cô gái đầy tham vọng này học tiếp lên đại học và nhờ mối quan hệ gia đình, cô tìm được việc tại một tiệm nails để làm thêm mỗi khi nghỉ hè. Van cuối cùng tốt nghiệp Học viện công nghệ Rochester với tấm bằng kỹ sư. “Giờ tôi có tiệm nails riêng và vẫn tiếp tục làm nghề kỹ sư”, cô nói.
Van tuyển 4 người gốc Việt làm cho tiệm của cô và mang lại cho họ những thứ cô nhận được cách đây nhiều năm: một chỗ làm việc, một nơi để khởi nghiệp.
Ngành làm móng chỉ là một phần nhỏ của công nghiệp làm đẹp. Andy Hiep Nguyen và Lily Nguyen vợ anh có cửa hiệu làm móng, làm tóc và waxing trên đại lộ Park. Họ vừa mua ngôi nhà đầu tiên.
Lily đến Rochester theo làn sóng nhập cư vào Mỹ trong những năm 1980. Gia đình cô nhận nuôi một đứa trẻ suy dinh dưỡng và bị bỏ rơi, con của một binh sĩ Mỹ. “Bố tôi đến trại trẻ mồ côi và nhìn thấy đứa bé. Chân nó gầy nhẳng và như sắp chết”, cô kể. Gia đình Lily nuôi bé trai đó và khi cậu bé được đến Mỹ hợp pháp, cả gia đình 9 người của cô cùng đi.
Gia đình Lily hoạt động tích cực trong nghề làm móng. Chị gái và anh trai cô sở hữu tiệm nail riêng. Lily cho biết cô quen thuộc với nghề này từ nhỏ. “Chị em trong nhà tôi làm móng chân hàng tuần. Tôi quá quen với việc đó”, Lily nói.
Những năm 1990, số người Việt di cư đến Rochester chỉ lẻ tẻ. Anh Tu Tran, phó chủ tịch cộng đồng người Việt ở Rochester và điều hành công ty dịch thuật chuyên giúp giấy tờ cho người mới đến, cho biết làn sóng người Việt đến đây khiến tốc độ gia tăng của người làm nails gốc Việt tăng lên.
“Rất nhiều người đến đây khi còn trẻ và đi học ở đây. Nhưng những người đến sau thường nhiều tuổi hơn. Họ không đi học được mà phải đi làm. Tôi mong họ kiếm được việc khác nhưng thời buổi kinh tế như này rất khó”, Tran nói.
Tran và một số người Mỹ gốc Việt cho biết anh hưởng của làn sóng người Việt nhập cư sang Mỹ những năm 1980 vẫn còn rõ rệt. Con cái của nhiều gia đình gốc Việt giờ đây cũng làm trong các tiệm làm đẹp và mong tìm được chỗ đứng.
Tony Huynh, một nhân viên ở tiệm Star Nails Express, là một ví dụ. Anh sống cùng gia đình tại Mỹ nhưng vẫn về Việt Nam đều đặn thăm họ hàng còn ở lại. Quang Nguyen, chủ tiệm Star Nails, sở hữu nhiều cửa hàng trong vùng và tạo việc làm cho nhiều người Mỹ gốc Việt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Tran cho biết tìm công việc khác ngoài nghề nails là mục tiêu quan trọng của cộng đồng người Việt tại đây. “Chúng tôi chưa có nhiều luật sư và bác sĩ lắm”, Tran nói.
“Chúng tôi có kỹ năng. Chúng tôi thích làm những công việc tỉ mỉ như thế này và làm tốt”, Tracy Van bình luận về nghề nails. Nhưng Amy Luc, chủ tiệm Nail Loft nói rằng những kỹ năng đó không chỉ của riêng người Việt. “Người Trung Quốc cũng làm nghề này, người Lào cũng làm nghề này, đâu chỉ riêng người Việt”, bà nói.
Các tiệm làm móng có vẻ vẫn là nghề quan trọng cho người gốc Việt ở địa phương. Được làm việc với những người nói cùng ngôn ngữ và cùng văn hóa vẫn có sức hấp dẫn. “Chúng tôi thực sự cố gắng giúp nhau trong nghề và cả những thứ khác. Chúng tôi muốn giúp những người mới đến tìm hiểu về văn hóa Mỹ”, Lily Nguyen nói.
Ngọc Sơn (theo Democrat and Chronicle)
Người Việt đã “thống trị” nghề nail ở Mỹ như thế nào?
Theo An Huy – Vneconomy – 21/2/2014
Việc người Việt làm nghề nail phổ biến ở Mỹ bắt nguồn từ nỗ lực dạy nghề được một ngôi sao Hollywood khởi xướng…
Theo tờ Miami Herald, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã trở thành lực lượng kiểm soát gần như hoàn toàn nghề làm móng (nail) ở nước này.
Anh Linh Huynh vốn là một người làm nghề lái xe taxi ở Tp.HCM. 13 năm trước, người thân của anh làm việc trong một tiệm nail ở Mỹ rủ anh sang làm cùng. Từ khi đặt chân tới Miami, anh Huynh làm việc 10 giờ mỗi ngày, 6 ngày 1 tuần. Công việc của anh là cắt tỉa và chăm sóc móng. Sau khi tiết kiệm được một khoản tiền, anh cùng vợ và một người bạn mua lại nail có tên Lovely Nails ở Kendall vào năm ngoái.
“Ở Mỹ, tôi nghĩ là khoảng cách giàu nghèo không lớn lắm. Người giàu có xe hơi, tôi cũng có một chiếc. Điều quan trọng nhất là tôi làm việc chăm chỉ để lo cho tương lai của con gái. Cháu đang có cơ hội tốt để được học hành”, anh Huynh, 44 tuổi, nói.
Anh Huynh và nhiều người Việt khác ở Mỹ đang đi theo con đường tương tự như các cộng đồng người nhập cư Mỹ Latin và Caribbean ở Nam Florida. Đó là tìm ra một nghề kinh doanh riêng để phát triển kinh tế gia đình. Tại Nam Florida cũng như ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ, có rất nhiều người Việt làm nghề nail.
“Nhờ nghề nail, cuộc sống gia đình tôi giờ đã ổn định”, cô Dieu Nguyen, người đã làm việc 3 năm trong tiệm International Nails ở Doral nói. Chồng của Dieu cũng làm việc trong một tiệm nail ở Tây Miami. Hiện nay, họ đã mua được nhà riêng. “Hồi còn ở Việt Nam, tôi làm việc khá vất vả nhưng thu nhập không cao. Sang đây làm nghề nail, tôi và chồng mỗi tháng cũng tiết kiệm được 2.000-3.000 USD”, Dieu nói.
“Câu chuyện gây cảm hứng”
Mỹ là quốc gia có số người nhập cư đông nhất trên thế giới, lên tới 14 triệu. Dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu, nhưng 20% người nhập cư trên toàn cầu sống ở Mỹ – theo số liệu từ Viện Chính sách nhập cư của nước này.
Mang theo “giấc mơ Mỹ”, những người nhập cư thường theo chân đồng hương đến trước, tìm kiếm công việc và mua lại cơ sở làm ăn trong cùng lĩnh vực, hình thành nên những cộng đồng đặc trưng. Chẳng hạn người Dominica sở hữu nhiều cửa hiệu bán rượu vang ở New York, người Hàn làm nghề giặt khô ở Los Angeles, hay người Ethiopia lái taxi ở thủ đô Washington.
Tương tự, người Việt Nam đã tạo thành một lực lượng hùng hậu, có chỗ đứng vững chắc trong nghề nail ở Mỹ. Thống kê từ tạp chí Nail Magazine của Mỹ cho thấy, tại nước này, hiện có 374.345 người Việt được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên nghề nail, chiếm hơn 40% nhân lực làm trong nghề nail ở Mỹ. Vào thời điểm năm 2010, Miami có tới 279, còn ở Florida có 1.152 tiệm nail do người Việt sở hữu và đăng ký.
Vào tháng 11 vừa qua, đã xảy ra một vụ việc khiến dư luận lo ngại. Một nhóm cướp có vũ khí đã ập vào tiệm nail có tên Hong Kong Nail Salon ở Miami-Dade, bắn chết cậu con trai 10 tuổi của chủ tiệm người Việt. Ông chủ tiệm này là Hai Nam Vu cũng bị thương và hiện đang trong quá trình hồi phục. Tiệm nail này đến nay vẫn chưa mở cửa trở lại.
Sau vụ việc, cộng đồng người Việt làm nail ở Mỹ rất lo lắng. Một số tiệm đã bắt đầu đóng cửa sớm hơn vào buổi tối. Các tiệm khác thì khóa cửa và chỉ mở mỗi khi có khách ra vào. “Làm ơn đóng cửa vào. Nhỡ đâu lại có cướp”, anh Huynh nói với người bạn cùng làm Phuc To tại tiệm Lovely Nails sau khi có một vị khách bước ra.
Thống kê vào năm 2012 cho thấy, ở Florida có khoảng 54.597 người Việt sinh ra tại Việt Nam sinh sống, chiếm 1,5% trong tổng số khoảng 3,75 triệu người nhập cư ở bang này.
“Họ bắt đầu bằng cách làm thuê trong các tiệm nail. Sau đó, khi có đủ khách hàng, họ quay ra mở tiệm riêng. Trước khi mọi người biết, thì họ đã có thể làm được những dịch vụ chất lượng cao hơn và sử dụng điều đó làm nền tảng để mở rộng một hệ thống”, ông Alfred Osborn, một giáo sư thuộc Đại học California, nói về những người Việt làm nghề nail. “Họ đã tới Mỹ, làm việc chăm chỉ, và khá giả lên và sống giấc mơ Mỹ. Việc họ vượt qua được tất cả mọi trở ngại và chiếm lĩnh một thị trường riêng thực sự là một câu chuyện gây cảm hứng”.
Khởi nguồn của câu chuyện
Có thể nhiều người không biết, nhưng việc người Việt làm nghề nail phổ biến ở Mỹ bắt nguồn từ nỗ lực dạy nghề được bà Tippi Hedren, một ngôi sao Hollywood, khởi xướng. Bà Hedren cũng là mẹ của một nữ minh tinh Hollywood, Melanie Griffith.
Vào năm 1975, bà Hedren tới thăm trại tị nạn Hope Village ở Sacramento, California, nơi có 20 người phụ nữ Việt Nam vừa được đưa tới. Khi thấy những người phụ nữ này thích thú với bộ móng tay của bà, Hedren – khi đó là một điều phối viên về cứu trợ quốc tế – đã nghĩ ngay tới chuyện giúp họ làm nghề nail. “Tôi để ý thấy những người phụ nữ đó rất khéo tay. Tôi nghĩ, tại sao họ không học làm nail chứ”, bà Hedren kể lại trên tờ Los Angeles Times trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2008.
Sau đó, bà Hedren đã đưa người thợ làm móng của bà tới trại tị nạn này mỗi tuần một lần để dạy những người phụ nữ Việt Nam ở đây làm móng. Bà cũng yêu cầu họ phải được học cách sơn phủ bóng (silk wrap), một kỹ thuật giúp đem đến những chiếc móng giả bền và trông tự nhiên hơn. Sau đó, bà Hedren thuyết phục một trường dạy làm đẹp gần đó giúp những người phụ nữ này tìm việc làm.
“Bà ấy đã giúp những người phụ nữ này xây dựng một chỗ đứng trong nghề nail, và nghề này ngày càng phát triển. Thứ nọ kéo theo thứ kia. Nhờ đó mà nghề nail đến nay đã là nghề phục vụ cho đại chúng”, giáo sư Osborne nhận xét.
Từ chỗ chỉ có 20 người phụ nữ Việt nhập cư vào Mỹ được đào tạo, ngày nay đã có hẳn một cộng đồng người Việt làm nail ở nước này. Họ sở hữu tiệm nail ở mọi ngóc ngách trên đất Mỹ, không khác gì những tiệm cà phê Starbucks hay hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s – ông Osborne đưa ra so sánh. “Có những người giữ thế độc quyền trên thị trường ở một số cộng đồng nhất định trên đất Mỹ và sở hữu nhiều tiệm, có khả năng tạo công ăn việc làm cho nhiều người”, ông Osborne nói.
Đối với nhiều người, các salon làm nail đem đến cơ hội gia nhập với những yêu cầu tối thiểu về giáo dục và đầu tư. Khi làm thuê trong tiệm, họ được sống cùng bạn bè hoặc người thân mà vẫn kiếm được chứng chỉ. Sau đó, khi đã có đủ tiền, họ chuyển ra mở tiệm riêng.
“Tôi chọn làm nail vì công việc này không đòi hỏi bằng cấp cao, không cần nhiều vốn, và tôi có thể giúp những người Việt ở Mỹ khác muốn tìm việc làm”, anh Thanh Huynh, chủ tiệm Expo Nail ở Southwest Miami-Dade nói. “Kế hoạch của tôi là trở thành chủ của một tiệm lớn ở vị trí tốt. Tôi sẽ tiết kiệm tiền để thực hiện ước mơ của mình”.
Thế hệ thứ hai
So với những spa và tiệm làm tóc sang trọng, các tiệm nail của người Việt ở Nam Florida thường nằm ở những vị trí có chi phí thấp hơn và đưa ra giá dịch vụ mềm hơn, chẳng hạn 10 USD cho cắt tỉa móng, 20 USD mỗi lần chăm sóc móng, và 30 USD sơn móng.
Tiệm USA Nails ở Biscayne Boulevard, Miami có rất nhiều dịch vụ, từ cắt tỉa, chăm sóc móng, cho tới vẽ móng nghệ thuật. Chủ tiệm này, anh Huy Van, rời Việt Nam vào năm 1988, đã đi qua Hồng Kông, Philippines, Honolulu, Chicago, và Detroit trước khi dừng chân ở Miami vào năm 1998. “Khí hậu ở đây cũng giống như ở nước tôi, ấm áp và không có tuyết”, anh Huy Van nói. Trước khi có được tiệm riêng từ năm 2010, anh đã từng làm thuê hai lần trong hai tiệm khác nhau. Hiện nay, em gái và cháu gái của anh Huy đang làm trong tiệm nail của anh.
Anh Huy cho hay, dù đã là chủ, anh vẫn làm việc 60 giờ mỗi tuần giống như khi còn đi làm thuê trước kia. Anh từ chối tiết lộ thu nhập, chỉ nói rằng doanh thu được chia theo tỷ lệ 60% cho kỹ thuật viên và 40% cho tiệm.
“Họ làm rất tốt. Tôi muốn sẽ đến đây thường xuyên hơn”, cô Toni Hunter, một khách hàng tới chăm sóc móng ở tiệm của anh Huy nhận xét.
Ở phía Bắc của Biscayne Boulevard, tiệm Nail Capital có đầy đủ dịch vụ từ móng tới tẩy lông. Chủ tiệm này là cặp vợ chồng anh Loc Nguyen, 43 tuổi, và chi Hang Phan, 41 tuổi. Họ thuê 3 nhân viên không phải là người họ hàng. Anh Nguyen đã mua tiệm này từ người chú, người đã dạy anh làm nail sau khi anh chuyển từ Miami tới cùng với bố mẹ và anh chị em vào năm 1998.
Cũng giống như những chủ tiệm nói trên, anh Hieu Truong mở T-Nails ở Kendall vào năm 2006 sau nhiều năm làm thuê cho các tiệm ở Minnesota và California. Giờ anh và vợ đã là chủ, thuê 7 nhân viên.
“Nghề nail giúp ổn định cuộc sống cho nhiều người Việt đến Mỹ. Nhưng thế hệ thứ hai, như con tôi, chắc sẽ không chọn nghề nail vì họ có bằng cấp và giỏi tiếng Anh, có thể tìm được công việc khác tốt hơn”, anh Trương nói.
Bà Jeanne Batalova thuộc Viện Chính sách nhập cư Mỹ cho rằng, đó cũng là một phần của giấc mơ Mỹ.
“Con cái của họ thường dựa vào thành công của cha mẹ để phát triển lên. Thế hệ thứ hai sẽ chuyển sang những công việc trí thức. Quy trình này đã lặp đi lặp lại ở tất cả các làn sóng người nhập cư mọi dân tộc, từ người Italy, Bắc Âu, Do Thái, tới người từ các quốc gia khác đến Mỹ. Con cái của họ giờ đã trở thành một phần trong tầng lớp trung lưu ở Mỹ”, bà Batalova nói
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VUNG DAI PHAT
Getting To Know Business Models .Strategic market planning
Contact : fast.vdp@gmail.com

Tại sao các doanh nhân trẻ bỏ xứ mà đi

Nguồn : Vững Đại Phát

SGTT.VN – Nước Nga đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám trầm trọng khi thế hệ doanh nhân trẻ đang rời bỏ quê nhà với tỉ lệ gia tăng chưa từng thấy kể từ khi liên bang Xô Viết tan rã.
Khi mới 17 tuổi, cậu học sinh Alexei Terentev tại Moscow từng được coi là một nhà sáng chế hứa hẹn ở Nga. Nhưng ngay sau khi tốt nghiệp tại một trong những trường đại học hàng đầu ở Moscow vào tháng 6.2010, Terentev đã chuyển sang Cộng hòa Czech để lập nghiệp. Trước đó, công ty lưu trữ dữ liệu của anh tại Nga đang trên đà ăn nên làm ra và có thể giúp anh trở thành triệu phú. Nhưng khi quy mô công ty mở rộng thì anh nhận được sự chú ý khác thường từ các quan chức. Bây giờ chỉ mới 22 tuổi, Terentev cũng không chắc khi nào sẽ hồi hương.
Nguyên nhân vội vã ra đi của Terentev cũng là lo lắng chung của những doanh nghiệp trẻ tại Nga do tình trạng tham nhũng và quan liêu. Trong vòng ba năm qua, văn phòng Kiểm toán Nhà nước cho biết 1,25 triệu người Nga đã xuất ngoại lập nghiệp nơi đất khách. Phần lớn trong số đó là những doanh nghiệp trẻ và người trung lưu. Kể từ thời hậu Liên Xô, Nga dần phát triển ổn định và đi lên, nhưng các chủ doanh nghiệp nhỏ thì cảm thấy kém an toàn hơn bao giờ hết.
Đối với những người chỉ mới khởi nghiệp, nỗi sợ phổ biến không phải là sự cạnh tranh hay phá sản, mà là sự “viếng thăm” của những quan chức thích nhũng nhiễu. Họ lui tới để đòi hối lộ, hoặc lịch sự hơn là cung cấp những dịch vụ bảo vệ có trả phí (còn gọi là krysha). Tháng 6.2011, bộ Kinh tế Nga cho biết chỉ riêng năm 2010 người Nga đã chi 581 triệu USD để hối lộ các quan chức “cung cấp dịch vụ an ninh”, gấp 13 lần so với năm 2005. Hàng chục trường hợp khi các chủ doanh nghiệp từ chối dịch vụ kyrsha, thì sẽ bị thanh tra cứu hỏa, kiểm toán, thuế và cảnh sát xét hỏi liên tục. Nếu người chủ vẫn không biết điều, một vụ án hình sự nhỏ có thể mở ra, thông thường là chiếu theo một luật mơ hồ nhằm cấm “doanh nghiệp hoạt động trái phép”.
Đối với những doanh nhân cứng đầu nhất thì sẽ được răn đe bằng một cuộc đột kích vào công ty. Những vụ đột kích nhỏ lẻ thường không được truyền thông trong nước chú ý tới. Nhưng tin tức lan truyền trong cộng đồng doanh nhân nhanh chóng qua con đường truyền miệng và trên mạng Internet.
Trở lại câu chuyện của Terentev, anh nhận được cú điện thoại bất ngờ vào một sáng tháng 2 năm ngoái. Khi đó, một trung tâm dữ liệu tại công ty lưu trữ dữ liệu hàng đầu tại Nga là Agava bị cảnh sát bố ráp vì tình nghi chứa trò chơi video trái phép. Sáu tuần sau đó, công ty này lại một lần nữa bị đơn vị cảnh sát khác bao vây vì nghi chứa phim ảnh khiêu dâm trẻ em. Thay vì điều tra rõ ràng, những cảnh sát đã tắt máy chủ khiến khách hàng của Agava điêu đứng. Tin tức về vụ việc lan nhanh đến nỗi tổng thống Dmitri Medvedev bực tức và đích thân can thiệp. Máy chủ sau đó đã được bật lên. Nhưng tổn hại đến uy tín của ngành này đã quá rõ ràng. Terentev nói: “Ai cũng có thể tắt nguồn dữ liệu!”.
Không chỉ những doanh nghiệp mà cả những người bình dân cũng rời quê hương. Một khảo sát do cơ quan thống kê nhà nước VTSIOM thực hiện, công bố ngày 10.6 cho thấy 21% dân Nga muốn di cư, tăng 5% so với năm 1991 – năm Liên bang Xô viết chính thức tan rã. Phần lớn trong đó là những người trẻ, được giáo dục tốt và thường xuyên sử dụng internet. Đây là những người mà tổng thống Medvedev trông cậy sẽ xây dựng nên một thung lũng Silicon của Nga – trung tâm công nghệ Skolkovo.
Trong chính sách phát triển khu vực Skolkovo sẽ thiết lập một siêu-krysha để bảo vệ những doanh nghiệp trẻ khỏi các quan chức tham nhũng. Trung tâm đang hợp tác với bộ Nội vụ để tuyển chọn và đào tạo một đội cảnh sát riêng. “Sẽ không còn ai có thể xông thẳng vào và nói “Đóng cửa công ty của anh đi” – giám đốc phát triển quốc tế Alexei Sitnikov của trung tâm chia sẻ. Nhưng khu vực này cũng chỉ có thể chứa được khoảng vài trăm doanh nghiệp. Đến nay đã có 120 dự án được chọn. Cho nên những người như Terentev chỉ còn cách tính đường sang các nước phương tây.
Năm ngoái, một phóng viên Nga đã phỏng vấn nhà khoa học người Nga lưu vong, Andre Geim từng đoạt giải Nobel Vật lý 2010 rằng lúc nào sẽ quay về phục vụ Tổ quốc, ông Geim đáp: “Kiếp sau”.
Nam Liên (theo TIME)
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VUNG DAI PHAT
Getting To Know Business Models .Strategic market planning
Contact : fast.vdp@gmail.com

Một góc nhìn về an toàn thực phẩm

Nguồn : Vững Đại Phát

Đào H. N. Nhân
Nói đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phải thừa nhận một điều với cách quản lý như hiện tại nhà nước hoàn toàn thất bại trong việc ngăn chặn những nguy cơ từ nó. Từ việc chất kích nạc trong chăn nuôi heo, cá điêu hồng nhiễm trifluralin,… Câu chuyện về chất kích nạc trong chăn nuôi chẳng phải là câu chuyện mới mẻ gì mà là câu chuyện đã từng xảy ra nhiều năm trước đây. Nhưng vì một lý do nào đó quản lý nhà nước không đề cập đến. Câu chuyện này chỉ nóng trở lại gần đây khi TQ người tình đa nhân cách của đảng cấm tiệt các nhà nhập khẩu tiểu ngạch TQ nhập thịt heo từ VN, do có lo ngại về nguy cơ các sản phẩm này bị ngộ độc các chất kích thích như clenbutarol,…
Điều đáng nói là 100% các hóa chất cấm này đều có nguồn gốc từ TQ, được các nhà nhập khẩu đểu cáng, thiếu lương tâm từ VN nhập về một cách thoải mái.
Trước khi câu chuyện về chất kích nạc bùng phát, người ta thấy các thương lái luôn luôn là những tay quảng bá cho các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ, lớn hoặc thiếu lương tâm hay thiếu tầm hiểu biết về các chất độc hại này, buộc họ phải sử dụng các chất tạo nạc thì chúng mới mua giá cao. Còn không, cứ để heo kêu la trong chuồng! Thời điểm việc dùng chất tạo nạc ồ ạt lượng heo xuất bán sang TQ cũng khá nhộn nhịp. Chỉ tới khi việc cấm được ban ra từ TQ, cũng đồng thời phía các nhà chăn nuôi heo VN rộ lên thông tin phần lớn lượng heo tiêu thụ trong nước đều có dùng chất kích nạc? Vây câu trả lời phải chăng có một mối liên hệ nào đó trong việc TQ xuất bán ồ ạt chất tạo nạc sang VN và khi đã đủ làm cho thịt heo siêu nạc của VN chao đảo thì họ dừng mua thịt heo cùng lúc với chỉ điểm nơi sử dụng chất tạo nạc như là cú nốc ao thứ hai lên nền nông nghiệp đã vốn èo uột của ta?
Việc các chất tạo nạc trong chăn nuôi hay chất kích thích, hóa chất BVTV,… phụ gia gì đó đại loại dùng trong nông nghiệp, thực phẩm,… phần lớn có nguồn gốc từ TQ đã và đang là một vấn nạn an toàn thực phẩm.
Đối với ngành chăn nuôi trong những năm mở cửa gần đây, ồ ạt các tập đoàn thức ăn gia súc khổng lồ nhảy vào thị trường VN như C, Cgill, Jaffpa,… Đây là nhưng công ty mạnh về vốn và công nghệ truyền thống lâu đời. Tập đoàn mẹ của các công ty này luôn có những trung tâm nghiên cứu tạo giống và dinh dưỡng chăn nuôi. Và dĩ nhiên giá thành thức ăn hay con giống họ đưa ra luôn cao hơn. Đảm bảo thức ăn chăn nuôi của họ an toàn cho cho chuỗi tiêu thụ cuối là con người.
Bên cạnh sự phát triển của các công ty ngoại nhập khổng lồ còn có hàng loạt các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, vốn và cả công nghệ, con người,… mọc lên cạnh tranh không cân sức với các đại gia này, ngạc nhiên là họ vẫn sông khỏe! Việc sản xuất thức ăn chỉ đơn thuần là phối trộn thành phần các loại ngũ cốc, chất đạm, béo và các chất vi lượng, đa lượng hầm bà lằng chỉ có trời mới biết. Những chất này nhập từ bên ngoài. Và dĩ nhiên trong chiến lược cạnh tranh ở phân khúc thị trường người chăn nuôi nghèo, thiếu hiểu biết, hám lợi,…? giá thành sản phẩm thức ăn gia súc thấp mới là miếng mỡ hấp dẫn.
Và thế là chất phụ gia bí ẩn được thêm vào. Thường những chất phụ gia này được nghiên cứu sử dụng từ TQ, sau đó phổ biến bằng truyền miệng cho các nhà”nhập khẩu” bất lương du nhập vào VN phổ biến đại trà. Hiệu quả từ những chất phụ gia bí ẩn này tợ như cây gậy thần kỳ vừa giúp rút ngắn thời gian chăn nuôi, giảm tỉ lê tiêu thụ thức ăn, vừa thu lợi cao, hàng làm ra đến đâu đều được thương lái bao tiêu sản phẩm. Và dĩ nhiên đầu ra các sản phẩm này là ở chợ búa các vùng quê, các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, chợ chồm hổm, chợ các khu nhập cư của người lao động nghèo, chiếm khoảng 70-80% dân số tiêu thụ thoải mái chúng,…. Và đây chính là dư địa cho hiện tượng thức ăn nhiễm độc các chất kích thích khó mà diệt trừ triệt để! Tất nhiên vòng lẩn quẩn đói nghèo, bệnh tật của vòng quay bánh xe không ngừng!
Trước đây trong thời kỳ bao cấp, việc dùng các chất kích thích cũng đã có manh nha ở các nhà chăn nuôi heo hộ gia đình. Hóa chất họ thường dùng là phân Urea, hoặc thuốc Dexa trộn vào thức ăn cho heo trong thời gian chuẩn bị xuất chuồng, thường là 15 đến 20 ngày. Mục đích việc cho heo ăn urea, Dexa,… là để heo tích nước làm da bóng, tăng trọng,… hoặc trộn lá cây cần sa cho heo ăn khiến chúng ngủ nhiều mau lớn do ít tiêu tốn năng lượng,… Xã hội thời đại này con người thông minh hơn nên trộn vào nhiều chất bí ẩn hơn và độc hại gấp vạn lần hơn và dĩ nhiên tỉ lệ thuận với lợi nhuận!
Gần đây việc con cá điêu hồng nhiễm chất trifluralin cũng không là câu chuyện mới mẻ gì trong chuyện dài thức ăn VN nhiễm độc hóa chất độc hại. Đây cũng là một trong lĩnh vực khá bát nháo hiện nay từ việc sản xuất thức ăn, hóa chất trị bệnh cá, thuốc tẩy ao,… cũng được hàng trăm các doanh nghiệp đủ loại cung ứng từ thượng vàng hạ cám, thật đểu, giả cầy,… đầy dẫy. Chừng nào nhà nước dám dẹp bỏ, lập lại kỷ cương trong quản lý ở các công ty kinh doanh thức ăn gia súc, các công ty thuốc thú y, thủy sản mọc như nấm bu xung quanh người nông dân thì may ra mới đỡ phần nào vấn nạn thức ăn nhiễm hóa chất độc hại. Phần lớn các công ty này nhập hóa chất có nguồn gốc từ TQ.
Hiện nay có một điều cũng hết sức đáng lưu ý là các hóa chất nhái có tính năng tương đương các hóa chất tốt, an toàn cho môi trường, cho người tiêu dùng được sản xuất từ các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ,… nơi có nền nghiên cứu khoa học cơ bản phát triển.
Nay chúng được sản xuất bất hợp pháp bởi các chuyên gia làm nhái TQ đang làm mưa làm gió tại thị trường VN. Các hóa chất nhái này có tính năng tương tự nhưng người ta không hiểu liệu khi ra môi trường thì tính tồn lưu như thế nào, sự đào thải của các sinh vật khi hấp thụ chúng ra sao,.. vẫn là câu hỏi không có lời giải từ các nhà quản lý, nhà chuyên môn.
Tôi có một người bạn làm trong lĩnh vực thuốc trừ sâu cho các công ty nhỏ. Nó nói các nhà cung cấp hóa cất thuốc trừ sâu TQ rất thích thị trường thuốc trừ sâu VN. Bởi đây là thị trường mà chúng dễ dàng cập nhật các loại thuốc trừ sâu, bệnh thế hệ mới nhất từ các công ty đẳng cấp của thế giới như Ciba của Thụy Sỹ, Sumitomo của Nhật, của Anh Quốc, Mỹ,…. Bất kỳ loại thuốc nào vừa tung ra tại VN, ngay lập tức các nhà phân phối thuốc trừ sâu cá kèo sẽ nhanh chóng gởi mẫu cho các nhà “sáng chế” TQ. Chỉ trong vòng nửa tháng hoặc một tuần sẽ có thuốc nhái với tính năng ý chang xuất hiện tại VN với giá thành cực rẻ và hậu quả của nó với môi trường thì… kệ mẹ mày! Cứ thế mấy công ty quỷ quái này nhập khẩu về phân phối ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh cùng với hóa chất có tính năng tương đương nhưng giá đắt hơn. Khổ nỗi nông dân thấy cái gì rẻ là họ chọn.
Thằng bạn còn kể các xưởng sang chiếc thuốc trừ sâu TQ vô cùng độc hại. Phần lớn công nhân làm trong các xưởng này đều bị các bệnh ngoài da, nên hàng tháng công ty nó phải cho công nhân đi tắm biển. Đó là chưa nói các bệnh tiềm ẩn về hô hấp mãn tính do được trang bị bảo hộ kém và điều kiện môi trường lao động thường là rất tồi!?
Với hậu quả của kiểu chơi này thì sản phẩm của VN lãnh đủ. Đối với hóa chất được sản xuất bài bản dĩ nhiên nhà nghiên cứu có đưa ra nhưng tính năng tự hủy, đào thải trong tự nhiên của nó và thời gian cách ly ra sao sẽ an toàn khi sử dụng. Còn đối với hóa chất nhái cùng tính năng sẽ chẳng thể nào biết được? Và dĩ nhiên dù cho anh có áp dụng quy trình chuẩn về trồng rau sạch cũng khó mà đáp ứng được do tính bền vững của hóa chất nhái này?
Gần đây câu chuyện rau VN, trái cây xuất khẩu qua thị trường Châu Âu bị nhiễm hóa chất thuốc trừ sâu độc hại gấp hàng ngàn lần và đang có nguy cơ đối diện với việc EU sẽ cấm cửa vĩnh viễn rau và trái cây tươi từ VN. Để tránh một thảm họa như vậy nhà nước đã cấm các cống ty xuất khẩu rau gia vị và trái cây tươi từ VN để chờ chấn chỉnh công tác quản lý trước khi cho phép xuất khẩu trở lại.
Mehico là một trong các quốc gia xuất khẩu rau tươi khổng lồ cho Hoa Kỳ. Hằng năm bộ NN Mỹ gửi cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu bảng danh mục các hóa chất thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau. Trong đó quy định loại hóa chất nào được phép sử dụng trên rau ăn lá, rau ăn củ, và ăn quả. Thời gian cách ly sử dụng thuốc này lên trên sản phẩm nông sản của từng loại. Cứ thế nhà sản xuất dựa vào danh mục đó để sử dụng thuốc sao cho hợp lý. Bộ NN Mỹ chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên lô hàng nhập khẩu, thường là mỗi ba tháng một lần. Nếu đáp ứng dư lượng, hóa chất được phép dùng thì Ok. Dĩ nhiên trong năm cũng sẽ có vài lần hậu kiểm ngẫu nhiên. Nếu bất kỳ lô hàng nào vi phạm thì doanh nghiệp xuất khẩu đó sẽ bị cấm vĩnh viễn.
Quy định này được xem là quy trình trồng rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn Mỹ. Nó hoàn toàn khác với VN, rau an toàn hay rau sạch gì đó có nghĩa là không sử dụng hóa chất thuốc trừ sâu. Đây là quan niệm không đúng. Bởi việc cấm tiệt sử dụng hóa chất BVTV sẽ làm chất lượng rau về mặt hình thức rất xấu, khó bảo quản. Việc sử dụng hóa chất đúng và hợp lý hoàn toàn có thể yên tâm về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm!
VN có hàng trăm công ty phân phối thuốc BVTV, từ nhỏ cho đến lớn. Chính đội ngũ các công ty bát nháo này sẽ đẩy thị trường phân phối thuốc BVTV vượt quá tầm kiểm soát của nhà nước. Vô tình nông sản của ta sử dụng nhiều hóa chất giả, nhái không rõ nguồn gốc và thành phần hóa chất đăng ký sử dụng có đúng hay không? Nó cũng chính là nguyên nhân khiến hàng nông sản VN gặp khó khăn khi xuất khẩu.
Ngay cả mật ong của ta cũng bị vướng rào cản thương mại Mỹ do nhiễm hóa chất carbenzamin, thị trường tiêu thụ 90% lượng ong mật xuất khẩu của VN. Chất Carbenzamin là thuốc chống nấm được phép sử dụng trên cây điều và cây cao su là hai loại cây chính cung cấp mật cho ong, nhưng Mỹ thì cấm dư lượng hóa chất này có trong thực phẩm!
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VUNG DAI PHAT
Getting To Know Business Models .Strategic market planning
Contact : fast.vdp@gmail.com