Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Ông chủ Kềm Nghĩa và những bài học đắt giá về quản trị

Ông chủ Kềm Nghĩa và những bài học đắt giá về quản trị
Tác giả: Kim Yến – BizLIVE – 21 April 2015
Ranh giới giữa thành bại, được mất quả thật quá mong manh, vì ngoài những bí quyết thành công, chữ “thời” vô cùng quan trọng.
Xuất thân từ người thợ mài kềm vỉa hè, giờ đã sở hữu trong tay ba nhà máy lớn, ba chiếc du thuyền, nhắc lại thời khởi nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kềm Nghĩa vẫn xúc động đến ứa nước mắt.
Ranh giới giữa thành bại, được mất quả thật quá mong manh, vì ngoài những bí quyết thành công, chữ “thời” vô cùng quan trọng.
Ông Tuấn nói với BizLIVE:
- Kềm Nghĩa đang mở rộng thị phần ở Trung Quốc và Dubai. Người Trung Quốc làm kềm rất nhiều, nhưng ở những phân khúc khác. Tìm hiểu về số lượng bán ra trên thế giới, mình chỉ chiếm mấy phần trăm so với họ thôi, nhưng phân khúc của họ là cho người tiêu dùng đại trà, còn mình là phân khúc cho người làm nail chuyên nghiệp.
Định hướng sắp tới của Kềm Nghĩa vẫn là phát triển thị trường quốc tế. Sau khi tham gia các hội chợ, mới phát hiện ra các thương hiệu nội địa muốn bước ra thế giới trước tiên đều chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Nhưng xây dựng thương hiệu toàn cầu là một câu chuyện dài hơi lắm, phải từng bước, từng nước có cách đi khác nhau, mình đâu có nhiều tiền để dàn trải ra nhiều đâu.
Kềm Nghĩa mất hơn 10 năm tham gia hội chợ rồi, được nhiều nước biết đến nhiều, nhưng đa phần họ vẫn lấy hàng từ những thương hiệu đã nổi tiếng. Khi họ sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, thấy dân chuyên nghiệp làm nail nhiều người dùng hàng Kềm Nghĩa, họ mới lấy Kềm Nghĩa là nhà phân phối lớn.
10 năm vẫn là non trẻ lắm, phải mất đi nhiều năm, bốn năm gần đây khách hàng mới đặt mua chính thức.
Học thầy, học bạn, học lính của mình
Việc Kềm Nghĩa được chọn là thương hiệu quốc gia có được hỗ trợ gì không từ chính sách của Nhà nước?
(cười) Chẳng có gì…
Từng thuê nhiều nhân sự từ các tập đoàn đa quốc gia về làm tổng giám đốc, giám đốc tài chính… nhưng vì sao ông phải thay đổi liên tục nhân sự chủ chốt?
Tôi đi nhiều được như vậy mà công việc ở nhà vẫn chạy tốt là nhờ những cuộc “cách mạng” lớn về quản trị. Không chỉ có Kềm Nghĩa, mà rất nhiều công ty đã từng thất bại khi thuê CEO từ công ty nước ngoài về, đó là “được” chứ không phải mất.
Mỗi người về làm rối lên cũng nhiều, nhưng họ đều để lại không ít kinh nghiệm quản trị, giúp cho lính của mình trình dộ cũng nâng lên. Tôi mời họ về đây là để xây dựng, không phải là thay người hoàn toàn, vì lính mình ban đầu theo không nổi, họ phải “nương” để đào tạo dần lên chứ không thể đòi hỏi bộ máy ở dưới hoàn thiện ngay như các công ty đa quốc gia. Điều đó làm cho một số đã phải ra đi…
Phải chăng vì thế ông chưa thực sự dám trao quyền?
Đó là những người giỏi, nhưng nghĩ và làm là hai chuyện hoàn toàn khác, xây dựng chiến lược để “xài” tiền rất ngọt mà không chứng minh được hiệu quả, tháng này qua tháng kia khiến cho ai cũng sốt ruột.
Thành phần mới phải “mix” được với bộ máy cũ, chứ làm cho nội bộ phân rã, rồi mình phải đi xử rất mệt.
Tôi đã từng thất bại khi có bước đi sai, tăng giá sản phẩm khi người tiêu dùng vẫn chuộng hàng rẻ, tốn mấy chục tỷ, nên tôi rất thận trọng, tìm sự an toàn. Để một CEO hiểu được sâu xa nghề của mình không dễ, dù họ có sự hiểu biết về quản trị.
Tôi sai lầm ở chỗ khi kinh tế xuống, phải tìm một người giúp mình ở thế thủ, thì lại thuê một CEO marketing luôn vẽ ra những chiến lược tiến công.
Sau khi ông đó nghỉ rồi, kinh tế phục hồi thì tôi lại rước một ông giám đốc tài chính về chuyên ở thế thủ, an toàn thì có, nhưng lại không tiến công.
Đó là những bài học đắt giá đối với tôi. Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị cũng cần phải học, học thầy, học bạn, học lính của mình. Tôi đang chọn những người trẻ có tố chất lãnh đạo để đào tạo từ từ, theo tôi đó là con đường tốt nhất.
Đời mình khá lên từ đó…
Cho đến bây giờ, khi đã sở hữu trong tay ba nhà máy lớn, ba chiếc du thuyền, nhắc lại thời khởi nghiệp mà ông vẫn ngậm ngùi…?
Tôi sinh ra ở Tân Bình, thủa ấy còn đồng ruộng mênh mông. Nhà nghèo, mười mấy chị em phải làm đủ nghề kiếm sống, từ bán cà phê, làm thùng thiếc, bán kem…
Học hết trung học thì đất nước giải phóng, tôi theo mẹ lên vùng kinh tế mới. Có lẽ đây là đoạn đời gian nan nhất, những mùa nước ngập trắng đồng, trời rét căm căm vẫn phải đi đập lúa thuê. Những lúc chìm xuồng phải khiêng từng bao lúa lắc cho hết nước, không biết nước mắt của mình đã hòa với nước mưa.
Ám ảnh trong tâm trí tôi là hình ảnh những ông chủ người Hoa sang trọng, lúc nào cũng nở nụ cười. Và tôi nuôi mộng trở thành ông chủ từ đó.
Vốn liếng ban đầu chỉ có cái bàn gỗ, đe búa, mô tơ trị giá mấy trăm ngàn bày ra ở vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, mưa gió gì cũng kiên gan chờ từng người khách…
Lặng lẽ, âm thầm, Kềm Nghĩa đến với người thợ làm móng, biến nghề nail trở thành một phương tiện kiếm sống phổ thông trong mọi tiệm tóc, rồi lan sang Mỹ qua đường xách tay…
Đời mình khá lên từ đó… Ngay tại thị trường Trung Quốc, người Trung Quốc chỉ làm giả kềm mang nguồn gốc xuất xứ “made in Vietnam”, chứ không phải là “made in USA”, chứng tỏ Kềm Nghĩa đã thành công về chất lượng và thương hiệu không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà với thế giới.
Tham vọng lớn nhất của ông, có phải là đưa thương hiệu Kềm Nghĩa trở thành số một thế giới về ngành nail?
Hoàn thành sứ mạng trong nước và đưa ra thế giới đòi hỏi mình phải tập trung đầu tư liên tục để đáp ứng theo nhu cầu của những khách hàng khó tính hơn, nhằm xây dựng một dòng thương hiệu cao cấp là chiến lược dài hơi.
Đi đúng mới thành công, vì mình đi sau. Phải để cho người tiêu dùng tự thấy đồ mình tốt, không cần phải nói.
Vui nhất là trong các hội chợ, mình là gian hàng duy nhất treo cờ Việt Nam chỉ bán một loại hàng là kềm.
Nghề làm nail ở Mỹ và các nước khác chủ yếu là người Việt. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, hiện có 150000 người Việt có giấy phép làm việc trong ngành công nghiệp nail. Người Việt đang điều hành 27000 trong tổng số 60000 tiệm ở Mỹ. Mỗi năm, ngành nail đạt doanh thu hơn 7 tỉ USD.
Riêng ở bang Florida, người Việt làm chủ 1152/1868 cửa hàng nail. Những cửa hàng nail của người Việt ở Mỹ chính là cầu nối để Kềm Nghĩa bước vào thị trường này một cách vững chắc dù cho đó là con đường hàng xách tay.
Hiện Kềm Nghĩa đang xây dựng 30 đại lý chính thức tại 14 tiểu bang của Mỹ, cùng các cửa hàng ở Hà Lan, châu Âu…
Trước đây Pakistan nổi tiếng về kềm, nhưng tôi tin chỉ mười năm sau, ngành kềm Việt Nam sẽ đứng số một thế giới, vì nó gắn liền với tay nghề người Việt về nail…Anh em trong công ty nhờ thế đời sống cũng khá lên nhiều.
Con ông đi học nước ngoài có về kế nghiệp cha?
Có chứ. Tôi thường cắt nghĩa cho con về con đường của Kềm Nghĩa: “Kế nghiệp cha, con tiết kiệm được 20 năm. Ba làm đến chừng này thôi, lớn hơn không làm được. Con phải làm những việc mà ba không làm được”.
Tôi nghĩ nhiều công ty đã phải bán đi cũng vì lý do đó, họ không làm cho công ty mình lớn hơn được nữa. Bán là con đường thông minh nhất, để cho người khác tài giỏi hơn thay mình điều hành công ty. Tôi thì khác, đến thời điểm này tôi không muốn bán thương hiệu.
“Tôi mê sông nước từ lâu rồi”
Điều gì giúp ông có được sự bình tĩnh để vượt qua những giây phút ngặt nghèo nhất của đời sống, kinh doanh?
Không phải tôi giỏi gì. Thất bại cũng nhiều, nhưng đứng trước thất bại, mình phải cân đối lại tài chính, cân đối sức khỏe của mình, làm thế nào để có thời gian chơi với anh em nhiều hơn. Nếu cân đối tài chính không tốt thì tối ngủ cũng không ngon.
Chơi với anh em cũng giúp tôi nhiều trong việc cân đối tài chính, nhưng do cẩn trọng quá tôi cũng mất cơ hội, như cơ hội lên sàn khi thị trường chứng khoán đang đầy kỳ vọng.
Kinh Đô nếu lên sàn sớm hai năm thì tốt hơn nhiều, còn “bầu” Đức may mắn vừa lên sàn xong thì thị trường rớt xuống liền, nhờ thế có tiền đầu tư qua bất động sản…
Du thuyền có phải là cách chơi khác biệt của ông?
Tôi mê sông nước từ lâu rồi. Thời lập nghiệp ở Đồng Tháp, mơ ước một chiếc thuyền cho riêng mình dường như không tưởng. Giờ có điều kiện rồi cũng muốn tận hưởng thú vui sông nước với bạn bè.
Tôi có ba chiếc du thuyền, mỗi chiếc có một công dụng khác nhau. Hai chiếc đi biển, một chiếc đi sông. Chơi du thuyền cũng cực lắm, phải tìm bến, tìm thợ…nhưng có cái “đã” của nó. Trong không gian ấm cúng ấy mọi người đều quây quần bên nhau giữa mênh mông sông nước, thấy lòng bình yên trở lại.
Bày cho bạn bè những cuộc chơi vì cộng đồng cũng mất công mất sức lắm. Duy trì bơi lội, chơi thể thao cũng là cách giúp tôi giữ gìn nội lực của mình.

Đầu tư vào nông nghiệp

Đầu tư vào nông nghiệp: Xơi miếng nạc, gạt miếng xương?
Tác Giả: Đặng Hoàng – Thế Giới Tiếp Thị – 23 April 2015
Thời gian gần đây, hàng loạt đại gia công bố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy đa số doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực kiếm lợi nhuận nhanh là cung cấp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…). Rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ, nâng cao giá trị xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa (Hố Nai, Đồng Nai) là một trong số hàng ngàn chủ trại gà đẻ ở Việt Nam đang phải trả tiền mua gà giống cho các công ty nước ngoài. Một con gà đẻ hậu bị được doanh nghiệp nước ngoài nuôi trong thời gian khoảng bốn tháng, có giá bán từ 5 – 7 USD. Nông dân mua gà hậu bị về nuôi thêm một thời gian nữa thì gà đẻ trứng. Tốn chi phí con giống hơn 100.000 đồng, nhưng vòng đời khai thác trứng của con gà chỉ được khoảng 55 – 60 tuần là phải loại. Cứ như vậy, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra thị trường hàng trăm triệu con gà đẻ hậu bị, thu về số tiền khổng lồ.
Phần ngon nhất: nước ngoài xơi
Không cứ gì giống gà đẻ, ở bất cứ ngành nghề nông sản nào của Việt Nam, cũng đang phải lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu hoặc nguồn giống “có yếu tố nước ngoài”. Với ngành chăn nuôi, ngoài giống gà đẻ, người nông dân đang lệ thuộc nước ngoài giống gà trắng công nghiệp, giống vịt, giống heo. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết trung bình mỗi năm gia đình nuôi ba lứa gà công nghiệp, con giống phải mua của các công ty nước ngoài với giá 13.000 – 14.000 đồng/con một ngày tuổi. Điều trớ trêu, theo người chăn nuôi, chi phí làm giống mà doanh nghiệp nước ngoài bỏ ra chưa đến 20% giá bán giống do họ nắm độc quyền. “Mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 120 – 150 triệu con gà công nghiệp, lợi nhuận từ tiền bán con giống mà doanh nghiệp nước ngoài thu về là rất lớn”, ông Ngọc phân tích.
Công nghệ lai tạo giống, phương pháp di truyền và cách quản lý đàn giống gốc là ba yếu tố mà các trại giống “nhà nước” của Việt Nam không thể bì được với nước ngoài. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta có đầy đủ các viện, trường, trung tâm… nghiên cứu giống ở tất cả lĩnh vực nhưng chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ông Trần Quang, một người nuôi cá tra ở huyện Chợ Mới, An Giang kể cuối năm ngoái thấy nuôi cá tra không có ăn ông chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính. Ông lấy giống của viện Thuỷ sản 2 về nuôi.
Lứa đầu cá tăng trưởng tốt, tỷ lệ đẻ trứng ít. Đến lứa hai
thì tỷ lệ đẻ trứng lên đến 50%. “Cá rô phi đơn tính mà đẻ thì con nào con nấy bằng ba ngón tay, không làm philê được”, ông Quang nói. Sau đó, ông Quang phải nhập con giống từ Trung Quốc.
Báo cáo đánh giá thường niên về các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, trong số hơn 3.500 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, có đến hơn 90% thuộc loại nhỏ và vừa và có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi khép kín.
Khi đầu tư vào Việt Nam, các đại gia nước ngoài nắm trình độ khoa học di truyền, có cách làm bài bản, thường nhập giống cụ kỵ, ông bà từ tập đoàn mẹ, sau đó nhân ra giống bố mẹ hoặc thương phẩm để bán cho nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Trung, một chủ trại heo ở Bến Cát, Bình Dương nói những trại heo như ông phải mua giống bố mẹ theo giá heo hơi ngoài thị trường cộng thêm 2,5 triệu đồng/con tiền bản quyền công nghệ. “Họ bán con giống cho nông dân với giá quá cao nhưng lại hạn chế vòng đời khai thác”, ông Trung nói.
Trong khi các cơ sở nhân tạo giống của nhà nước lạc hậu, đi sâu vào từng lĩnh vực nông nghiệp, hầu như cũng chưa có một doanh nghiệp nội địa nào đầu tư chuyên sâu vào công nghệ lai tạo con giống. Tất cả đều do các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nắm giữ. Hiện nay, nông dân và doanh nghiệp phải mua tôm giống thể chân trắng (tôm post) của nước ngoài với giá 100 đồng/con, so với Thái Lan thì giá cao hơn 40 đồng, Ấn Độ là 30 đồng nhưng tỷ lệ sống của ta chỉ có 30%, còn Thái Lan và Ấn Độ từ 70 – 80%.
Chọn miếng ngon, dễ làm
Trong ngành trồng trọt, chẳng hạn như cây lúa có giá trị xuất khẩu cao nhất cũng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào tất cả các khâu. Công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang chỉ đơn thuần là bán thuốc bảo vệ thực vật, gần đây làm cánh đồng mẫu lớn, xây dựng nhà máy xay xát nhưng sản phẩm cuối cùng là hạt gạo của công ty này vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường do họ chưa nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa chất lượng. Cách nay hơn tuần, người viết gặp giám đốc doanh nghiệp người Ba Lan, ông này tới công ty Vietfarm tìm mua một số loại nông sản như gạo, mì lát, bã mì ép viên, trứng gà… xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Iraq. Sau khi lên tận nhà máy ở Tây Ninh xem một số sản phẩm mì ép viên của Vietfarm, ông này đồng ý lấy hàng, nhưng khi được giới thiệu thêm mặt hàng gạo thì ông từ chối với lý do gạo Việt Nam không ngon bằng Thái Lan và Campuchia. Hiện nay, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này lấy 40 container gạo Thái Lan và Campuchia xuất sang thị trường châu Âu, trong đó có Ba Lan với giá trung bình 650 – 700 USD/tấn.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, không khó để hiểu vì sao nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu bán thô và nhiều lúc nguồn cung bị dư thừa, ế ẩm. Cách tiếp cận của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp thường chọn “miếng ngon”, dễ làm. Hoàng Anh Gia Lai đầu tư nuôi bò nhưng lại chọn cách kiếm lợi nhuận nhanh nhất là nhập bò về vỗ béo. Tập đoàn Hoà Phát vừa công bố đầu tư 300 tỉ đồng vào chế biến thức ăn, đây cũng là lĩnh vực đầu vào dễ kiếm ăn nhất. Tìm hiểu sâu thêm, chẳng hạn như ngành chăn nuôi, thử tìm trên Google doanh nghiệp bán thuốc thú y, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong vài giây bạn sẽ có trong tay danh sách hàng ngàn nhà cung cấp. Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trại heo ở Bến Cát, Bình Dương kể câu chuyện có ngày ông tiếp năm nhân viên bán hàng của các công ty tiếp thị thuốc thú y cho đến thiết bị chuồng trại, con giống… Tất cả sản phẩm này đều nhập khẩu và các công ty cạnh tranh giá bán, khuyến mãi, có nơi còn cho nông dân đi nước ngoài.
“Nông dân chúng tôi cần nhất là đầu ra sản phẩm thì không có doanh nghiệp nào đứng ra giúp…”