Nguồn : Vững Đại Phát
Alan Phan
26/2/2014
Khác với bình phẩm trên các mạng truyền thông Việt, tôi không mang nhiều ấn tượng hay khâm phục về chiếc xe Angkor EV vừa ráp tại Campuchia. Năm 1983, tôi có đầu tư cùng vài người bạn vào một xưởng sửa xe hơi ở Van Nuys. Với 4 người thợ máy, thợ đồng và 3 người phụ việc, chúng tôi đã ráp nguyên chiếc xe cổ điển Porsche 356 Speedster đời 57, vốn là một mẫu xe của Porsche được yêu thích nhất theo thống kê.
Chúng tôi mua động cơ và sườn xe của VW Beetle, các bộ phận khác như hộp số của Toyota, hệ thống điện của GM…đem về ráp lại trong một thân ngoài xe (body) làm bằng fiberglass, thiết kế theo copy y trang của model xe Porsche nói trên.
Dĩ nhiên chúng tôi chỉ bán như một replica (phó bản) và không quảng cáo gì về thương hiệu Porsche. Tuy vậy, chúng tôi khoan đúng vài lỗ ở phía trước và sau của thân xe để khách mua xe có thể chạy ra đại lý xe Porsche mua những nhãn hiệu Porsche và tự gắn bằng đinh vít lên.
Hãng Porsche kiện chúng tôi nhưng sau 2 năm tranh tụng, và chúng tôi thắng vì bản quyền thiết kế xe đời 57 của Porsche đã hết hạn sau 20 năm. Sự thành công tạm bợ của chúng tôi tạo một làn sóng ráp và bán các xe replica cổ điển từ Porsche, đến Lamborghini đến Rolls Royce khắp thế giới. Sự thành công này cũng là mồ chôn công ty mình vì quá nhiều cạnh tranh mọc lên như nấm sau cơn mưa rào.
Do đó, sản xuất một chiếc xe với những linh kiện đã có sẵn là một điều rất dễ làm, không tốn kém nhiều và cũng không đòi hỏi một công nghệ hay kiến thức đặc biệt gì.
Tuy nhiên, tôi vẫn chút ngạc nhiên trước sự hoàn thành chiếc xe Angkor EV của Campuchia.
- Chiếc xe bán với giá 5 ngàn USD tức là giá sản xuất khoảng chừng 4 ngàn USD hay thấp hơn. Giá rất sát với những hãng xe sản xuất theo dây chuyền dù các công ty lớn có lợi thế về giá mua linh kiện rẻ (số lượng nhiều) và những yếu tố nội tại nhờ tổ chức toàn cầu. Điều này có nghĩa là năng suất lao động và khả năng quản trị của công ty Heng (Campuchia) không thua kém những đống nghiệp trên thế giới lắm.
Khi chúng tôi muốn đầu tư vào Campuchia, những nhân viên của quỹ Viasa đã báo cáo trong một khảo sát tại chỗ (site survey) là lao động và quản trị của Campuchia là “ác mộng”. Có lẽ họ đã sai và hời hợt trong việc đánh giá?
- Việc ráp xe tuỳ thuộc rất nhiều vào giá và lượng tồn kho sẵn sàng (availability) của các linh kiện cần cho chiếc xe. Vì Angkor EV là chiếc xe chạy bằng điện, các linh kiện này phải hiện đại và đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, không dùng xăng mà “charge” bằng điện có thể là một trở ngại tại Campuchia vì hình như xứ này thiếu điện (hoặc giá cao hơn nhiều nơi khác)?
- Giá thành sản xuất trên cũng cho thấy phí bôi trơn tại Campuchia không trên 5%; quá lý tưởng cho những món hàng tiêu dùng và phồ thông. Những đồn đại về tham nhũng của quan chức Campuchia có lẽ đã được thổi phồng quá mức?
- Sau cùng, với giá bán phải chăng và một hệ thống kinh tế khá liên thông và cởi mở, công ty Heng có thể xuất khẩu một số lượng đáng kể trên thị trường thế giới, nhất là các nước Á Phi nghèo. Vì có những liên minh chính trị và tài chính rất tốt với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, họ sẽ được giúp đỡ tận tình của các đàn anh khi đi tìm thị trường tiếm năng.
Tóm lại, chiếc Angkor EV cho thấy một hình ảnh khá tốt đẹp cho nền kinh tế tương lai của Campuchia. . Dù đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ của một doanh nghiệp (tư nhân), nhưng nếu nhân rộng được khắp xứ, Campuchia đã làm được điều mà Việt Nam đang mơ. Với dân số ít ỏi, một cơ chế thoáng và một nền kinh tế trong đó sự liên thông với toàn cầu bắt đầu mọc rễ, người dân Campuchia sẽ có một GNI mỗi đầu người vượt mặt đàn anh Việt Nam trong thời gian ngắn.
Alan Phan
Reference:
Ô tô Campuchia giá 100 triệu đồng, Việt Nam thêm “ngượng”
Theo Báo Đất Việt 25/2/2014 – Thu Phương
(Thị trường) – Chiếc xe ôtô điều kiển bằng smartphone được sản xuất tại Campuchia mang tên ngôi đền cổ Angkor – Angkor EV có giá 5.000 USD
Thông tin trên tờ The Phnom Penh Post, bà Seang Chan Heng, Tổng giám đốc Heng Development Company khẳng định mức giá cho Angkor EV sẽ không vượt quá 10.000 USD.
Angkor EV sẽ có 2 chỗ ngồi với thiết kế cửa mở theo chiều dọc và ngoại hình có thể giống chiếc minivan Nissan Quest, theo nhận định của trang green.autoblog.
Ô tô Angkor EV 2014 được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek địa phương thiết kế. bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID).
“Đây là cơ hội cho Campuchia giới thiệu với thế giới về sản phẩm “made in Campuchia” với ý tưởng của người Campuchia”, Bà Chan Heng nói. Hồi tháng 3/2011, công ty Heng Development Company và kỹ sư Nhean Phaloe cùng Chou Leang Alliance Group đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất Angkor tại quận Takhmao, tỉnh Kandal, Campuchia trị giá 20 triệu USD, để phục vụ kế hoạch sản xuất từ 500 – 1.000 chiếc xe và sẽ được chia theo tỉ lệ 80/20 tương ứng cho các bên.
Ý tưởng về một chiếc xe “made in Campuchia” đã được nhà sáng chế Nhean Phaloek ôm ấp từ năm 2003, khi ông tự sản xuất cho riêng mình model Angkor-2003 đầu tiên sử dụng máy Honda C100, model thứ 2 ông sản xuất sau đó một năm, với khả năng chạy 120km/h và có thể chở được 4 người. Năm năm sau đó, ông trình làng chiếc Angkor 2010.
Đúng một thập kỷ sau, chiếc xe “thân thiện với môi trường” Angkor EV 2013 mới chính thức “lên kệ”.
Trong khi đó, tại Việt Nam thời gian vừa qua Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa.
Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản,…
Giá ô tô Việt Nam hiện cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới. Tại Thái Lan, chiếc Toyota Yarris phiên bản E có giá bán 17.700 USD tức chưa đến 400 triệu đồng, khi nhập khẩu về Việt Nam giá lên tới 661 triệu đồng. Suzuki Swift lắp ráp tại Việt Nam có giá bán 550 triệu đồng, nhưng tại Thái Lan giá bán ra chỉ có 15.000 USD tức hơn 300 triệu đồng.
Thu nhập bình quân đầu người Thái Lan năm 2013 đạt trên 10.000 USD, còn Indonesia cũng đạt trên 5.000 USD, trong khi Việt Nam chưa nổi 2.000 USD/người/năm. Vậy nhưng giá xe ôtô tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với 2 nước này.
Thu Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét