Nguồn : Vững Đại Phát
Theo: The Economist – 22 Nov 2014
Người dịch: Kevin Bùi
Vladimir Putin không thiếu gì các rắc rối, và phần nhiều trong số đó là do ông tự gây ra. Đó là cuộc tàn sát ở miền Đông Ukraine, nơi ông tiếp tục khuấy đảo mọi thứ lên. Đó là những mối quan hệ nặng nề với phương Tây, mà đến Đức giờ đây cũng quay sang chống lại ông. Đó là một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở vùng biên giới nước ông và ở nước nhà giờ đây là những lời càu nhàu ngày càng tăng trong dân chúng về sự khôn ngoan trong chính sách với Ukraine của ông. Nhưng có một vấn đề có thể làm lu mờ tất cả những chuyện trên: Nền kinh tế bị tổn thương của Nga có thể sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng (Xem thêm bài End of the line trên Economist ngày 22/11/2014)
Một số bệnh tật của kinh tế Nga vốn đã được biết đến từ lâu. Đó là nền kinh tế dầu mỏ, đi lên với sự tăng giá năng lượng; giờ đây giá dầu đã giảm từ mức trung bình 110 USD một thùng trong nửa đầu năm xuống dưới mức 80 USD, nước Nga đang bị thương. Hơn hai phần ba (2/3) xuất khẩu là từ dầu khí. Đồng rúp đã mất giá 23% trong vỏn vẹn ba tháng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đã gây đau đớn, vì các nhà băng đã áp dụng các chế tài hạn chế lên không chỉ đám bạn nối khố của Putin mà còn đối với cả hàng dài các doanh nghiệp khác của Nga. Nhìn chung, những năm tháng của Chế độ đạo tặc (Kleptocracy) đã có hiệu ứng ăn mòn lên vùng đất này. Phần lớn của cải của đất nước được chia chác bởi đám bạn bè Putin.
Mọi người đều cho rằng là sự trì trệ sẽ tiếp diễn, nhưng dự đoán thông thường là ông Putin sẽ đủ mạnh mẽ để chịu đựng điều này. Đồng rúp mất giá làm cho một số ngành xuất khẩu như nông nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Những lĩnh vực xuất khẩu này cùng với các biện pháp cấm nhập khẩu – để đối lại các trừng phạt của phương Tây – có nghĩa là Nga vẫn có một thặng dư thương mại nhỏ. Nga có một lượng dự trữ ngoại tệ lớn, cỡ 370 tỷ USD theo số liệu của ngân hàng Trung ương. Thêm vào đó là khả năng kiên trì của người Nga, những người cũng có khuynh hướng đổ lỗi sự thiếu thốn cho người nước ngoài, và góc nhìn từ Maxcơva (Moscow) là ông Putin có đủ thời gian để chèo chống. Người ta ước đoán lỏng lẻo khoảng thời gian này sẽ là khoảng hai năm hoặc hơn.
Trên thực tế, một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra sớm hơn rất nhiều. Sự phòng thủ của nước Nga yếu hơn nhiều so với vẻ bề ngoài và họ sẽ bị thử thách bởi bất kỳ trong số một chuỗi các khả năng – một lần rớt giá dầu nữa, những gia hạn nợ vụng về của các hãng Nga, sự tăng cường trừng phạt của phương Tây. Khi các nền kinh tế đang trên một tiến trình không bền vững, hệ thống tài chính quốc tế thường hoạt động như một nút bấm tua nhanh, đẩy các quốc gia tới bờ vực thẳm nhanh hơn nhiều so với các chính trị gia hay các nhà đầu tư dự đoán.
Putin: người lính tốt sẽ nằm xuống
Sự lo lắng ngay lúc này là giá dầu. Ông Putin tự tin là nó sẽ phục hồi. Nhưng nguồn cung có vẻ sẽ tăng, và OPEC quan tâm tới việc bảo vệ thị phần của họ. Các cơ quan chính phủ Mỹ dự đoán giá dầu có thể ở mức trung bình 83 USD một thùng vào năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức 90 USD một thùng mà nước Nga cần để tránh khủng hoảng ( và giữ cân bằng ngân sách). Nếu nhu cầu toàn cầu suy yếu – Nhật Bản đã rơi vào suy thoái theo dự đoán gần đây nhất – giá dầu có thể giảm hơn nữa. Điều đó có thể ngay lập lức nhắc nhở các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng của Nga.
Thêm vào đó là các khoản thanh toán nợ. Các hãng Nga có khoản nợ nước ngoài lên tới 500 tỷ USD, với 130 tỷ USD phải trả trong năm 2015, ở thời điểm mà có rất ít các ngân hàng phương Tây muốn tăng thêm khoản vay nào cho Nga. Thậm chí các hãng có doanh thu bằng USD cũng phải vật lộn để trả nợ. Rosneft, một gã khổng lồ dầu khí, gần đây đã hỏi Kremlin cho nó vay 44 tỷ USD. Cho đến nay ông Putin đã từ chối, nhưng ông không thể để công ty với 70% vốn nhà nước và có 160 ngàn nhân công sụp đổ. Có một hàng dài các công ty Nga gặp khó khăn. Nợ xấu tăng nhanh ngay cả trước khi lãi suất tăng lên mức 9.5% để bảo vệ đồng rúp. Trong lúc đó các ngân hàng Nga phụ thuộc vào ngân hàng trung ương để thay thế lượng tiền gửi mà các khách hàng, thật dễ hiểu, muốn chuyển sang đồng đô la.
Trực tiếp hay gián tiếp, phần lớn các hóa đơn nợ này sẽ phải trả bởi Kremlin, đó là lý do tại sao dự trữ ngoại hối của họ sẽ là sống còn. Và chúng đang bốc hơi: Ít hơn 100 tỷ USD so với năm ngoái, sau những nỗ lực thất bại để bảo vệ đồng rúp. Và sổ sách kế toán thì láu cá. Trong số 370 tỷ USD dự trữ theo báo cáo, có hơn 170 tỷ USD nằm trong hai quỹ đầu tư của quốc gia. Một số tài sản của các quỹ là không chắc chắn, bao gồm các cổ phần khác nhau trong các ngân hàng nhà nước của Nga và công trái phát hành bởi Ukraine mà sự xâm lăng của chính ông Putin đã nhanh chóng biến chúng thành vô giá trị. Một trong hai quỹ là dành cho lương hưu. Trên thực tế, chính quyền Nga có khoảng 270 tỷ USD tiền mặt có thể dùng ngay mà không phải cắt giảm lớn ở các chỗ khác – ít hơn mức nợ nước ngoài phải trả trong vòng hai năm tới.
Tất cả những điều này rõ ràng là rắc rối cho Nga, nhưng chính sách đối ngoại đi cướp giật của ông Putin có thể sẽ thúc đẩy thêm những điều này. Sau cùng, đây là người đàn ông đã xâm lược các quốc gia khác và dối trá về điều đó. Một vụ đột kích sâu hơn vào Ukraine có thể dẫn tới những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn bởi phương Tây. Một trong số các biện pháp, chẳng hạn như cấm các ngân hàng Nga sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có thể ngăn chặn hoàn toàn các hoạt động thương mại của Nga. Cấm một phần lượng xuất khẩu dầu của Nga sẽ làm nền kinh tế này chìm, như Iran đã trải qua. Và càng thêm nhiều vấn đề mà Putin phải đối mặt, càng thêm khả năng ông sẽ chơi con bài chủ nghĩa dân tộc – và điều đó có nghĩa là càng xâm lấn nước ngoài nhiều hơn, và các biện pháp trừng phạt cũng nhiều lên theo.
Từ Nga tới Rio (Brazil): không nhiều tình yêu
Cuộc khủng hoảng lớn nhất của Nga, năm 1998, đã dẫn tới sự vỡ nợ của chính phủ. Lần này, một chuỗi thất bại của các ngân hàng, các vụ phá sản tập đoàn và một cuộc suy thoái sâu ngày càng có vẻ sẽ xảy ra. Mặc dù vậy sự đau đớn từ những điều này có thể lây lan ra nước ngoài một cách nhanh chóng, tới những nước phụ thuộc vào trao đổi thương mại với Nga (xuất khẩu sang Nga chiếm 5% GDP trong toàn vùng Baltics và Belarus) và cả thông qua hiệu ứng truyền sóng trong tài chính. Các ngân hàng ở Áo và Thụy Điển bị ảnh hưởng. Và nếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa thiết yếu bị điều hành kém cỏi và bị vỡ nợ ở các khoản nợ nước ngoài, thì các nhà đầu tư sẽ lo ngại về các quốc gia khác – chẳng hạn như Brazil.
Nếu nền kinh tế nước Nga có khả năng sụp đổ, sẽ có những lời kêu gọi không thể tránh khỏi ở phương Tây để giảm mức trừng phạt. Tuần này ông Putin đã chỉ ra rằng có tới 300 ngàn công việc ở Đức lệ thuộc vào thương mại với đất nước ông. Nhưng bà Angela Merkel vẫn vững vàng. Các hành động, ông Putin cuối cùng sẽ phải học được rằng, đều có hậu quả. Xâm lược đất nước khác, và thế giới sẽ hành động chống lại anh. Và điều này cũng đúng trong kinh tế. Nếu ông Putin trước đây dành nhiều thời gian hơn để củng cố nền kinh tế nước Nga thay vì làm giàu cho đám bạn bè, đệ tử, ông đã không dễ bị tổn thương như lúc này.
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VỮNG ĐẠI PHÁT
Getting To Know Bisiness Models .Stratigic Market Planning
Contact : fast.vdp@gmail.com
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VỮNG ĐẠI PHÁT
Getting To Know Bisiness Models .Stratigic Market Planning
Contact : fast.vdp@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét