Nguồn : Vững Đại Phát
Theo Báo Thanh Niên (Nguyễn Nga – Mai Phương)
Sau khi Thanh Niên ngày 23/3 đăng tin Ký kết 100 tỷ USD cho 3 dự án “khủng” tại Việt Nam, nhiều chuyên gia và bạn đọc tỏ ý nghi ngờ tính xác thực về số vốn quá lớn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thực sự bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2008 đến nay.
Thông tin với phóng viên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hồ Tràm, khẳng định công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Dragon Best International (trụ sở tại Hồng Kông) để tham gia chương trình hợp tác công tư (PPP) vào 3 siêu dự án đang kêu gọi đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 100 tỷ USD.
Dragon Best International sẽ cung cấp hồ sơ gốc hối phiếu chứng minh năng lực tài chính 100 tỷ USD để Công ty cổ phần Du lịch Hồ Tràm trình Ngân hàng Nhà nước xin tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nói trên.
Giám đốc Dragon Best International là ông Bùi Hùng, một Việt kiều quốc tịch Pháp, hiện đồng thời đảm nhận cương vị Giám đốc của Quỹ đầu tư True Vision Foundation (Mỹ) với nguồn vốn của nhiều cựu chính khách nổi tiếng.
“Ở Mỹ cũng là không tưởng”
Ông Nguyễn Nam Sơn (Quốc tịch Mỹ), chuyên gia tài chính quốc tế, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành Ngân hàng Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), từng là CEO của Ngân hàng CitiGroup tại Hồng Kông và Việt Nam, khẳng định “không bao giờ có”.
Theo ông Sơn, con số này “quả không tưởng và khó tin ngay tại thị trường tài chính Mỹ”. Hiện quỹ đầu tư lớn ở Mỹ như Goldman Sachs Group hay Kohlberg Kravis Roberts (KKR) cũng chỉ quản lý khoảng 30 tỷ USD là tối đa. Với mức đó, nguồn tài chính đầu tư của các quỹ này dành cho thị trường Đông Nam Á cũng chỉ khoảng 2 tỷ USD là nhiều nhất.
“Trong tình hình tài chính thế giới hiện nay, nói đến tỷ đô đã là khó, nói gì cả 100 tỷ thì quả không bao giờ có”, ông Sơn nói và cho biết tên và thông tin của quỹ đầu tư đến từ Hồng Kông nói trên ông cũng không rõ lắm vì hiện có quá nhiều quỹ đầu tư, nhưng trong danh sách 100 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới thì không có tên quỹ này. “Singapore được coi là cái nôi tài chính của châu Á, nơi tập trung nguồn tài chính lớn nhất trong khu vực, thì riêng trong lĩnh vực casino, tổng cộng tất cả casino tại Singapore cũng chỉ khoảng 5 – 6 tỷ USD”, ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư (quốc tịch Canada), khẳng định có biết Công ty Dragon Best International và quỹ True Vision Foundation, đồng thời cho biết có rất nhiều nhà đầu tư từ Canada tham gia quỹ này. “Mà văn hóa đầu tư của người Canada thì không bao giờ làm lớn như vậy, cẩn trọng là cá tính của người Canada kế thừa từ văn hóa Pháp.
Nói vậy để thấy, Việt Nam là một thị trường mới nổi, không nhà đầu tư nào “đủ dại” để đổ mớ tiền lớn như vậy vào thị trường này. Tôi đang đặt giả thuyết nếu năng lực tài chính của quỹ đầu tư là có thực nhưng chiến lược đầu tư thực tế là khó khả thi. Bởi một thị trường mới nổi như Việt Nam chưa bao giờ đủ hấp lực đến mức kéo được quỹ trị giá 100 tỷ USD về. Thứ hai, với 100 tỷ USD, một thế hệ chắc đầu tư không kịp, phải mất 2 – 3 thế hệ mới đầu tư hết tại một thị trường nhỏ như Việt Nam. Đầu tư thì mục đích cuối cùng là lợi nhuận, với nguồn vốn đầu tư cỡ đó thì bao lâu? 10 năm, 20 năm hay 100 năm bạn mới lấy được lãi? Nói đầu tư vào Việt Nam vài tỷ USD có thể tin được, chứ vài chục tỷ đã tạo nghi vấn lớn trong tình hình hiện nay rồi”, ông Robert Trần phân tích.
Bằng huy động vốn FDI trong 24 năm
Để chứng minh sự thiếu thuyết phục của con số 100 tỷ USD nói trên, Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Lê Hoàng Anh phân tích: “Từ khi Việt Nam mở cửa cho dòng vốn gián tiếp vào năm 1995, lượng vốn tất cả các quỹ đã được huy động cho Việt Nam đến nay chỉ khoảng 6 – 7 tỷ USD.
Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện từ khi có đầu tư nước ngoài là năm 1988 đến hết năm 2012 cũng chỉ khoảng 100 tỷ USD. Như vậy, con số 100 tỷ USD của 3 dự án nói trên bằng tổng vốn FDI huy động trong 24 năm. Trong tình hình hiện nay, việc gọi vốn vào Việt Nam là không dễ và để huy động được tiền tỷ USD càng không dễ.
Năm 2005, tình hình thuận lợi hơn nhiều so với hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng chỉ phát hành được 750 triệu USD trái phiếu quốc tế và phải chịu lãi suất 7,125%/năm, gần gấp đôi Libor vào thời điểm đó. Các tổng công ty lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hoặc Tập đoàn Than – khoáng sản gần đây muốn phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng tương đương từ 500 triệu đến 1 tỷ USD nhưng rất khó khăn và phải dừng phát hành. Thế nên, việc một công ty tư nhân Việt Nam để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cũng rất khó chứ đừng nói đến số vốn khủng như vậy”.
Nhận xét về hợp đồng ghi nhớ giữa hai bên, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Mở TP. HCM, nói hợp đồng nguyên tắc chưa phải là hợp đồng chính thức nên tính khả thi còn rất yếu. Hơn nữa, số vốn đầu tư nếu lên đến 100 tỷ USD là rất lớn nên rất khó ủy thác cho một công ty trong nước mà thông thường các công ty nước ngoài sẽ trực tiếp đầu tư.
“Khi muốn tham gia đầu tư trực tiếp vào bất kỳ dự án nào tại Việt Nam thì họ phải thông qua Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng như phải được cơ quan quản lý này cấp giấy phép. Khi có giấy phép thì nhà đầu tư nước ngoài mới có thể chuyển tiền vào và rút tiền ra khi kết thúc thời gian đầu tư. Vì vậy, thông tin này còn khá mơ hồ và dễ khiến nhiều người nghi ngờ”, TS. Thuận phân tích.
Thử tìm kiếm tên Công ty Dragon Best International Ltd trên Google với văn phòng đăng ký tại 9B Amtel Building, 148 Des Voeux Road, Central, Hồng Kông thì không thấy. Chỉ có một cái tên gần giống (Dragon Best International Trading Co., Ltd.) nhưng trụ sở ở Trung Quốc.
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VUNG DAI PHAT
We Are Studying The VietNammese Market To Find The Potential There For Profitable Investment
Nguồn: gocnhinalan.com
*********
VUNG DAI PHAT
We Are Studying The VietNammese Market To Find The Potential There For Profitable Investment
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét